header image
Like us on Facebook Follow us on Twitter RSS feeds

Nguyên tác của:

A. Besant và C. W. LeadbeaterDescription: Description: D:\Dropbox\Dropbox\Theosophy_htm\Giảng lý Ánh sáng trên đường đạo_files\image001.jpg

 

GIẢNG LÝ ÁNH SÁNG
TRÊN ÐƯỜNG ÐẠO

 

Dịch giả:

Bạch Liên và Huyền Châu

Mục lục

LỜI NÓI ÐẦU

VÀI LỜI NÓI ÐẦU

PHẦN THỨ NHẤT

CHƯƠNG THỨ NHẤT

LỜI NÓI ÐẦU

CHƯƠNG THỨ HAI

BỐN CÂU CÁCH NGÔN MỞ ÐẦU

CHƯƠNG THỨ BA

QUI TẮC THỨ NHẤT

CHƯƠNG THỨ TƯ

Qui tắc 2 – 4

CHƯƠNG THỨ NĂM

Qui tắc 5 - 8

CHƯƠNG THỨ SÁU

Qui tắc 9 - 12

CHƯƠNG THỨ BẢY

Qui tắc 13 - 16

CHƯƠNG THỨ TÁM

Qui tắc 17 - 19.

CHƯƠNG THỨ CHÍN

CHƯƠNG THỨ MƯỜI

CHÚ GIẢI QUI TẮC 20

CHƯƠNG THỨ MƯỜI MỘT

Qui tắc 21

PHẦN THỨ HAI

CHƯƠNG THỨ NHẤT

LỜI GIẢNG LÝ MỞ ÐẦU

CHƯƠNG THỨ HAI

Qui tắc 1 - 4

CHƯƠNG THỨ BA

Qui tắc 5 - 8

CHƯƠNG THỨ TƯ

Qui tắc 9 - 12

CHƯƠNG THỨ NĂM

Qui tắc 13

CHƯƠNG THỨ SÁU

Qui tắc 14 - 21

 

LỜI NÓI ÐẦU

----*******----

 Trong quyển sách nầy sưu tập những bài bình giảng của Ông C. W. Leadbeater hiện giờ là Giám Mục - và của tôi về ba tác phẩm nổi tiếng, khuôn khổ tuy nhỏ bé, nhưng nội dung thật quan trọng. Cả hai chúng tôi ước mong nó sẽ hữu ích cho những người chí nguyện và ngay cả những người đã vượt qua giai đoạn đó, vì người diễn giảng cao niên hơn thính giả và do kinh nghiệm, hiểu biết nhiều hơn về đời sống của người đệ tử.

 Những cuộc đàm luận nầy chẳng phải chỉ diễn ra ở tại một chỗ mà thôi. Chúng tôi đã nói chuyện với các bạn chúng tôi trong nhiều lúc, và nhiều nơi khác nhau, nhất là ở Adyar, Luân Ðôn (London) và Sydney. Rất nhiều chú thích đã được thính giả ghi lại. Tất cả những lời ghi chú có giá trị đều được sưu tập, và sắp xếp thứ tự rồi tập trung lại sau khi loại bỏ những phần trùng hợp với nhau.

 Rủi thay, vì chỉ còn có một số rất ít những chú giải thuộc phần I của quyển Tiếng Nói Vô Thinh, cho nên chúng tôi lấy những chú giải của một vị Thân hữu, bạn đồng nghiệp của chúng tôi, là Ông Ernest Wood đã dùng trong một khóa học ở Sydney. Những chú giải nầy nhập với những lời bình giảng của Giám Mục Leadbeater về đoạn đó. Không tìm lại được một ghi chú nào về những lời bình giảng của tôi, mặc dù tôi đã nói nhiều về quyển Tiếng Nói Vô Thinh song những lời diễn giảng đó không còn lưu lại. Tất cả những lời diễn giảng nầy đều chưa xuất bản, chỉ trừ vài bài diễn văn ngắn của Giám Mục Leadbeater nói với các sinh viên đã được chọn lựa về quyển Dưới Chơn Thầy. Một tác phẩm nhan đề "Những lời bình giảng Dưới Chơn Thầy" đã được xuất bản vài năm qua: Trong đó những lời chú thích của ông không được đúng như lời ông đã nói. Quyển nầy sẽ không in lại. Phần cốt yếu của quyển đó vẫn có trong quyển nầy, tất cả đều thu gọn lại rồi đem in. Cầu xin những trang sách nầy giúp cho vài huynh đệ trẻ tuổi của chúng ta hiểu biết rành rẽ những bài học vô giá nầy. Càng nghiên cứu, càng thực hành chúng nó thì càng nhận thức được nhiều hơn.

ANNIE BESANT.

VÀI LỜI NÓI ÐẦU

----****----

 Như tôi đã nói trong quyển Tôi Học Dưới Chơn Thầy hiện giờ khắp hoàn cầu có có ba quyển sách đạo đức khuôn khổ tuy nhỏ song giá trị của nó cực kỳ lớn lao không có cuốn nào bì kịp, chẳng phải câu văn như gấm thêu hoa hay là ý nghĩa thâm trầm của câu chuyện mà bởi chưng chúng dắt con người từ Cửa Tử đến Cõi Trường Sanh Bất Tử, làm một vị Siêu Phàm thoát đọa Luân Hồi. Nói một cách khác là con người đạt được mục đích định sẵn cho nhân loại trong Thái Dương Hệ nầy. Ba quyển đó là:1.-Dưới Chơn Thầy (Aux Pieds du Maitre).2.- Tiếng Nói Vô Thinh (La voix du Silence).3.- Ánh Sáng Trên Ðường Ðạo (La Lumière sur le Sentier). Quyển Dưới Chơn Thầy dắt sinh viên tới bực Ðiểm Ðạo lần thứ nhứt. Phật Giáo gọi là bực Tu Ðà Hườn (Sotapanna), sau khi trải qua ba bực Ðệ Tử: Ðệ Tử Nhập môn, Ðệ Tử Chánh Thức và Con của Thầy.

 Quyển Tiếng Nói Vô Thinh dắt sinh viên đến bực La Hán (Arhat) được bốn lần ÐiểmÐạo. 

 Còn quyển Ánh Sáng Trên Ðường Ðạo dắt sinh viên đến bực Tam Thanh: làm một vị Bàn Cổ (Manou), hoặc một vị Bồ Tát (Bodhisatva) hay một vị Văn Minh Ðại Ðế (MahaChohan) được bảy lần Ðiểm Ðạo. Thế nên quyển Dưới Chơn Thầy dễ hơn hết, còn quyển Ánh Sáng Trên Ðường Ðạo khó hơn hết, vì mỗi câu có bảy nghĩa, thấp cao tùy theo bực. Hai vị Cao Ðồ của Chơn Sư là Ðại Ðức Annie Besant và Leadbeater có giảng lý ba quyển nầy đặng hướng dẫn các bạn tu hành mau bước tới Cửa Ðạo. Xét vì quyển Giảng Lý Ánh Sáng Trên Ðường Ðạo rất hữu ích cho các bạn tu hành, nhất là các bạn chí nguyện làm Ðệ Tử, nên huynh Huyền Châu và tôi hiệp nhau lại dịch bản văn chữ Pháp “ Commentaires sur la Lumière sur le Sentier ” ra tiếng Việt.

 Quyển nầy với quyển Giảng Lý Dưới Chơn Thầy bổ túc lẫn nhau. Tuy nhiên, muốn thấy hiệu quả chắc chắn thì phải sửa trị Phàm Nhơn và bắt buộc nó sống in như những lời chỉ bảo trong đó. Phải nhẫn nại, phải bền chí, dù cho bị thất bại cả trăm lần đi nữa, cũng đừng ngã lòng, giữa đường bỏ cuộc. Hãy tiếp tục đi tới mãi. Chung qui Chơn Lý sẽ thắng. Mặt trời sẽ chói sáng lại rực rỡ như xưa, sau khi bị mây mù che khuất ánh dương quang vài giờ hay vài hôm chăng nữa. Chúng tôi xin quí bạn lưu ý. Chúng tôi chú trọng về việc dịch ý nghĩa của câu văn, chớ không cố dịch từ chữ nầy qua chữ kia. Chúng tôi biết rằng cách hành văn của những giống dân tộc trên Ðịa Cầu đều khác nhau. Những sách đạo đức đem dịch ra tiếng Việt từng chữ, y như nguyên văn tiếng ngoại quốc, thì nghe chướng tai và chắc chắn độc giả không hiểu chi hết hay là hiểu một các mập mờ. Học Ðạo phải thật tâm Hành Ðạo, không thật tâm Hành Ðạo thì không Ðắc Ðạo. Mà muốn Hành Ðạo phải biết Ðạo dạy cái chi. Không biết hay biết một cách mơ hồ mà thực hành thì không có kết quả tốt đẹp, nỗi e còn mang tai họa vào thân. Thế nên chúng tôi hết sức cố gắng tìm hiểu xem hai Ðại Ðức A. Besant và Leadbeater muốn dạy điều chi rồi dịch ra. Chúng tôi rất thận trọng trong sự chọn lựa những danh từ để dịch, nhưng dù sao cũng còn nhiều khuyết điểm cần phải bồi bổ sau nầy. Chúng tôi rất mừng nhận được những lời chỉ giáo. Tới những kỳ xuất bản sau chúng tôi sẽ sửa chữa những chỗ còn sơ sót; chúng tôi xin cảm ơn trước quí bạn. Chúng tôi rất phục thiện vì biết mình còn không biết bao nhiêu điều cần phải học hỏi. Hơn nữa, cho hay Biển Giác vô biên, dù ở dưới Trần thế chúng ta tài ba lỗi lạc đến đâu thì sự hiểu biết của chúng ta cũng chỉ bằng một giọt nước ở trong Ðại Dương. Chúng ta quan sát những hiện tượng, học hỏi chúng nó mà không tri ra được nguyên nhân đã sinh ra chúng nó. Nguyên nhân nầy vốn ở trên những cõi vô hình. Tỷ như một việc xảy ra trước mắt chúng ta là chuyện một cái trứng gà đem ấp nở ra gà con. Trong trứng gà chỉ thấy tròng trắng, tròng vàng (mình gọi là tròng đỏ) và một vòng trắng ở trên. Tại sao đem ấp thì ba thứ nầy lại thành ra một con gà trống hay mái. Vậy xin hỏi: Cái chi trong tròng đỏ, tròng trắng và vòng trắng biến thành ra mồng, mỏ, xương thịt, ruột gan, chân cẳng? Tại sao gà trống có cựa mà gà mái lại không, hình vóc của hai giống đều khác nhau? Cái chi làm ra màu sắc của lông cánh, gà điều khác với gà ô và không giống gà xám. Gà con lại thụ lãnh ít nhiều bản tánh của dòng giống nó nữa, như gà nòi đá hay hơn gà tre. Gà ô đạp mái, đẻ trứng ấp ra gà ô con, gà điều thì gà điều con, vân vân... Hoàn toàn bí mật. Về phần con người thì còn bí mật hơn nữa. Một tinh trùng và một noãn châu hợp lại thành một con người nam hay nữ, diện mạo đẹp đẽ hay xấu xa, tánh tình hiền hậu hay hung ác, khôn ngoan hay đần độn, thông minh hay dốt nát. Vì lẽ nào? Có tinh trùng đực và tinh trùng cái không? Tại sao màu da lại khác? Có giống da đen, da đỏ, da trắng, da vàng? Tại sao đứa nhỏ nước nào sinh ra rồi thì nói tiếng nước đó và hiểu được cha mẹ nó muốn nói chi? Từ bí mật nầy tới bí mật kia, không biết bao nhiêu mà kể.Nói cho đúng, ngày nay chúng ta học hỏi lại cũng có thể gọi là học lóm, nhưng bất toàn, những điều mà Ðấng Hóa Công đã tạo ra cả chục tỷ năm trước. Nếu chỉ dùng Hạ Trí học hỏi một cách gián tiếp những hậu quả chớ chẳng rõ nguyên nhân thì không biết phải trải qua mấy trăm triệu năm nữa mới đạt được mục đích đã định sẵn cho con người trong Thái Dương Hệ nầy, tức là làm một vị Siêu Phàm hoàn toàn sáng suốt không còn cái chi học hỏi trên Dãy Ðịa Cầu nầy nữa. Muốn tiến mau thì phải bước vào Cửa Ðạo, bởi vì trong Thánh Ðiện mới có việc dạy dỗ mục đích sự sinh hóa Thái Dương Hệ nầy đúng với sự thật và sinh viên cũng học trực tiếp những phương pháp biến đổi con người thành một vị Chơn Tiên, toàn năng, toàn thiện, trong vòng vài chục kiếp, thay vì theo đường tiến hóa bình thường phải trải qua mấy chục muôn lần sinh tử, tử sinh dưới Trần Thế mà chưa ắt đi đến bực Toàn Giác. Những vị ngự trong Thánh Ðiện là các Ðấng Cao Cả, Ðồ Tôn của những vị Ðại Thánh Ðế đã dự phần vào việc tạo lập Thái Dương Hệ nầy, cho nên không bao giờ lầm lạc. Các Ngài vốn Trường sinh bất tử, chớ không phải như chúng ta, những kẻ phàm phu tục tử mới sống có vài chục năm đã da mồi tóc bạc, trí hoá lu mờ. Chính là các Ngài mở cửa Ðạo đặng tiếp đón những ai xứng đáng bước vào đó. Mà muốn bước vào cửa Ðạo, sinh viên phải hội đủ những điều kiện do luật trời qui định, trước nhất là những Ðức Tánh đã kể ra trong bốn quyển: Dưới Chơn Thầy, Tiếng Nói Vô Thinh, Ánh Sáng Trên Ðường Ðạo và Con Ðường Của Người Ðệ Tử. Riêng về quyển Ánh Sáng Trên Ðường Ðạo, hai vị Ðại Ðức A.Besant và Leadbeater chỉ rõ nếp sống từ những người có lý tưởng và chí nguyện làm Ðệ Tử cho tới bực La Hán được bốn lần Ðiểm Ðạo. Tôi vẫn biết đối với những điều kiện sinh sống kim thời, thì việc luyện tập đặng Tự Giác và mưu hạnh phúc cho quần sanh là một điều cực kỳ khó khăn, bởi vì sinh viên sẽ gặp không biết bao nhiêu chướng ngại dựng lên trên mỗi chặng đường. Không vượt qua nổi thì không tiến tới được. Thế nên hai vị Ðại Ðức mới giảng lý từ đoạn rất tỉ mỉ đặng dìu dắt sinh viên từng bước một. Ai có chút kinh nghiệm về Ðường Ðạo mới thấy những lời giáo huấn nầy quí hơn vàng bạc và châu báu, bởi vì những của cải vật chất vốn phù du, mộng ảo, dùng được lâu lắm bất quá là một đời mà thôi, chúng thấy đó rồi mất đó. Nỗi e, chưa nhắm mắt từ giả cõi Trần, chúng đã qua tay người khác rồi. Trong quyển giảng lý nầy, tôi thấy có đoạn hai Ngài phải lập đi lập lại đặng sinh viên mới hiểu và mới nhớ rồi đem ra thực hành; nhất là ở phần nhì để riêng cho những vị Ðiểm Ðạo lần thứ nhứt. Vì thế phần nầy rất khó cho những ai chưa biết tự tỉnh, chưa biết tu tâm luyện tánh, chỉ mến Ðạo mà chưa Hành Ðạo. Gặp những đoạn dường như trùng với nhau xin quí bạn chớ thắc mắc. Tôi có thêm những chú giải để giúp quí bạn chưa quen với Thông Thiên Học hiểu được những danh từ chuyên môn. Tôi tưởng cũng nên biết điều nầy nữa, thường thường hai Ngài trả lời miệng những câu hỏi, thính giả viết bằng tốc ký rồi sau chép lại. Trong những lần diễn thuyết cũng vậy. Có nhiều bài diễn văn chép lại, hai Ngài không có thì giờ xem coi nữa, vì hai Ngài rất bận rộn. Việc nầy vừa thi hành xong thì việc khác tới. Hai Ngài phải dùng con đường hành động Karma Yoga đặng giúp đời. Về quyển Giảng Lý Ánh Sáng Trên Ðường Ðạo nầy cũng như hai quyển giảng lý kia: Giảng Lý Dưới Chơn Thầy và Giảng Lý Tiếng Nói Vô Thinh tưởng nên đọc đi đọc lại, không phải hai ba bận, mà hai chục, ba chục bận. Mỗi lần đọc thì mỗi lần ánh sáng mới hiện ra, độc giả thành tâm mộ Ðạo sẽ hiểu hơn trước. Tôi dám quả quyết điều nầy không bao giờ sai. Các vị Cao Ðồ của Chơn Sư đã bước vào cửa Ðạo từ lâu và có nhiều kinh nghiệm hằng cầu chúc các bạn tu hành mau thành Chánh Quả đặng cứu vớt quần sanh khỏi chốn trầm luân khổ hải. Lời cầu chúc nầy rất cao quí. Mong rằng chúng ta đừng phụ lòng các Ngài. Chúng ta cứ vững lòng tiến tới, không chậm chạp, không thờ ơ mà cũng không vội vàng, hấp tấp, cứ nỗ lực ra tay phá vỡ những xiềng xích buộc trói con người vào bánh xe Luân Hồi. Luôn luôn kiếp nầy qua kiếp kia chúng ta phải tuân theo lời của Ðức Phật dạy là: Lánh dữ. Làm lành. Rửa lòng trong sạch. Tới một ngày kia, không biết chắc là bao nhiêu năm hay là bao nhiêu kiếp, khi đúng công phu thì cửa Ðạo sẽ mở rộng đặng rước ta vào. Ðây là Luật Nhân Quả: Gieo giống chi gặt giống nấy, không có chi gọi là thiên vị hay bất công. Chí công mài sắt chầy ngày nên kim.

 Cầu xin quí bạn thân tâm an lạc.

 Lành thay! Lành thay !

 Bạch Liên

Phạm ngọc Ða

 53 Nguyễn đình Chiểu

 Châu Ðốc

PHẦN THỨ NHẤT

CHƯƠNG THỨ NHẤT

LỜI NÓI ÐẦU

 A.B. - Ánh Sáng Trên Ðường Ðạo thuộc về một bộ sách Huyền Bí Học do các Ðấng Chơn Sư lưu giữ và dùng để đào tạo Ðệ Tử. Ấy là một đoạn trích trong quyển Kim Huấn (Livre des Préceptes d' or) gồm nhiều quyển viết trong những thời đại khác nhau của lịch sử thế giới chúng ta, nhưng cả thảy đều phô bày một đặc điểm chung là chứa đựng Chơn Lý huyền diệu. Vì vậy, phải khảo cứu nó khác hơn loại sách thường. Sự hiểu biết chúng nó tùy thuộc trình độ của độc giả; khi một trong những quyển sách nầy được phép tiết lộ cho đời biết thì sự giải thích theo nghĩa từ chữ chỉ làm cho người ta đánh giá sai lầm giáo lý của nó. Bởi sách nầy chỉ dành riêng để thúc đẩy sự tiến hóa của con người đã bước vào Ðường Ðạo nên nó trình bày một thứ lý tưởng mà trong thế tục ít ai sẵn sàng chấp nhận. Muốn đủ năng lực lãnh hội nó thì phải dám cả quyết và có chí nguyện đem áp dụng những lời giáo huấn trong đời sống của ta, bằng không, những trương sách nầy sẽ bị niêm kín lại. Ðọc giả rán sức ăn ở theo đó thì ánh sáng sẽ hiện ra, nếu huynh thờ ơ thì chẳng những sự đọc sách chỉ đem lại cho huynh một lợi ích nhỏ nhen mà còn công kích quyển sách và chê là vô ích nữa. Sách nầy chia ra vài cương mục tự nhiên, Ðức Chơn Sư Hilarion, một trong những vị Giáo Chủ, nhân viên Quần Tiên Hội đem nó ra hiến cho đời. Ngài giữ một vai tuồng quan trọng trong công cuộc hoạt động của Học phái Cao Ðẳng Thần Học và Tân Triết Học Platon và cũng là một trong những bậc vĩ nhân đã cố gắng bảo tồn Thiên Chúa Giáo. Ngài đã đầu thai nhiều lần, nhất là ở Hy Lạp và La Mã, và đặc biệt chăm nom việc điều khiển cơ tiến hóa của các quốc gia Tây Phương. Trước kia, Ngài tiếp nhận quyển sách nầy y như hiện giờ chúng ta có đây, không có lời chú thích của Chơn Sư Vénitien. Ðức Chơn Sư Vénitien là một trong những vị Giáo Chủ mà Ðức Bà Blavatsky gọi là Ðức Ðế Quân. 15 qui tắc ngắn ở phần thứ nhứt và 15 qui tắc trong phần thứ nhì đã có từ ngàn xưa. Nó viết bằng một thứ cổ tự Bắc Phạn. Ðức Ðế Quân Vénitien mới thêm vô những câu khác trong những câu cách ngôn ngắn dùng làm nền tảng cho sự huấn luyện Ðệ Tử mà ngày nay thuộc về thành phần sách nầy và phải đọc luôn với phần thứ nhứt hầu góp thêm những tư tưởng bổ sung, nếu không, độc giả có thể hiểu lầm được. Trừ phi 30 câu cách ngôn ngắn, thì tất cả những qui tắc chứa đựng trong hai đoạn sách đều do Ðức Ðế Quân Vénitien viết ra và trao cho Ðức Chơn Sư Hilarion. Bản dưới đây trình bày 15 qui tắc ngắn của phần thứ nhứt y như trong bản thảo cổ viết tay, con số đứng trước mỗi câu là số chánh, còn sau câu là số ghi trong sách hiện hữu.

 *************************

 I: Hãy diệt lòng tham vọng. 

 II: Hãy diệt lòng tham sống.

 III: Hãy diệt lòng ham sung sướng.

  *************************

 IV: Hãy hoàn toàn diệt tâm chia rẽ.

 V: Hãy diệt ý niệm cảm giác. 

 VI: Hãy diệt lòng khao khát tăng trưởng.

  *************************

 VII: Chỉ nên ham muốn cái chi ở nơi con. 

 VIII: Chỉ nên ham muốn cái chi ở ngoài con.

 IX: Chỉ nên ham muốn cái chi không thể đạt được.

 *************************

 X: Hãy ham muốn quyền năng một cách hăng hái.

 XI: Hãy ham muốn sự yên tịnh một cách nhiệt thành.

 XII: Hãy ham muốn những sở hữu trên tất cả mọi vật.

 *************************

 XIII: Hãy tầm Ðạo.

 XIV: Hãy tầm Ðạo bằng phương pháp đi sâu vào nội tâm.

 XV: Hãy tầm Ðạo bằng phương pháp can đảm tiến ra ngoài.

 *************************

 Trong bản trên đây (chỉ căn cứ vào phần thứ nhứt của sách) không ghi qui tắc 4, 8,12, 16, 20, và 21. Lý do là những qui tắc nầy không thuộc về phần cổ kính của sách. Cũng như những lời giảng lý đầu tiên và cuối cùng, những qui tắc nầy là phần bổ sung của Ðức Ðế Quân Vénitien giao lại cho Ðức Chơn Sư Hilarion, cũng có vài câu chú thích do chính Ðức Chơn Sư Hilarion viết ra. Trong kỳ xuất bản lần thứ nhứt  (1885) sách chia ra làm ba phần:

 - Những câu cách ngôn của nguyên bản xưa.

 - Phần bổ sung của Ðức Ðế Quân Vénitien.

 - Lời chú thích của Ðức Chơn Sư Hilarion.

 Cả thảy đều do Bà Mabel Collins được sử dụng làm một khí cụ phàm trần đặng ghi chép lại. Ðức Chơn Sư chính mình dịch sách ấy và chuyển di vô bộ óc xác thịt của bà là người đứng làm trung gian và bàn tay cầm cây viết, là bàn tay của Ngài. Về sau, tạp chí Lucifer có đăng vài bài nhan đề giảng lý do Bà Mabel Collins viết ra dưới ảnh hưởng của Ðức Chơn Sư. Những bài nầy rất quí giá, đáng cho chúng ta đọc và học hỏi.

 Giờ đây, mở quyển sách ra, chúng ta gặp trước hết lời tuyên bố sau:

 Những qui tắc nầy viết ra cho tất cả các Ðệ Tử: Hãy tuân hành.

 Ở đây, xác định sự phân biệt giữa người thế và Ðệ Tử, xét một cách tổng quát thì sách nầy không phải viết để cho người thế tục dùng. Danh từ Ðệ Tử gồm hai nghĩa: người chưa được Ðiểm Ðạo và người đã được Ðiểm Ðạo. Ðọc chăm chỉ, ta tìm thấy có hai lời dạy phân biệt dùng trong một danh từ. Mỗi câu có hai nghĩa: một để cho kẻ tiến hóa cao, một để cho những kẻ kém tiến hóa hơn. Chúng ta sẽ cố gắng phân biệt cả hai khi chúng ta đề cập lời tuyên bố mở đầu. Phần thứ nhì dường như chỉ dành riêng cho Ðệ Tử đã được Ðiểm Ðạo, còn trong phần thứ nhứt, mỗi câu có hai nghĩa.

 Nhiều người còn lâu lắm mới được vào hàng Ðệ Tử nên không thể hiểu thấu nổi những qui tắc nầy. Họ thường hay chỉ trích và trách móc sao có trình bày một lý tưởng mà con người không thấy có chút gì êm dịu, dễ cảm mến. Thật quả như thế, khi độc giả đứng trước một lý tưởng quá cao siêu đối với y. Một lý tưởng, dù là cao siêu đi nữa, cũng không bổ ích chi cho ai hết, nếu không thu hút được họ. Cho nên, trong khi giao thiệp với đời hãy giữ đúng cái nguyên tắc thực tiển nầy là chỉ nên đem trình bày những lý tưởng nào hấp dẫn họ được. Còn những thứ sách như loại nầy thì điều nào đọc giả hấp thụ được là vừa với tầm hiểu biết của họ, họ sẽ hiểu biết, nếu ho ïcó đủ khả năng ứng đáp với tư tưởng đã diễn tả. Những đồ vật hữu hình đối với ta có thật là khi nào ta mở những cơ quan đủ sức phản ứng lại ảnh hưởng của chúng nó. Chính ngay lúc đó, chúng ta bị bao bọc cả trăm thứ rung động mà chúng ta không đủ năng lực để cảm biết được. Một ngày kia, Ông William Crookes đưa ra một thí dụ rất hay. Ông cố giảng cho ta biết về điện học, kiến thức ta còn thấp kém lắm, mà khả năng tiến bộ mới mẻ của khoa Ðiện học thì thật lớn lao. Ông nói: "Nếu, thay vì mắt ta nhạy cảm với sự rung động của ánh sáng, chúng ta có những cơ quan ứng đáp với sự rung động điện khí thì tư tưởng của ta đối với cuộc đời sẽ thay đổi đến thế nào?" Sự khác biệt đối với chúng ta lớn biết là bao nhiêu. Trong bầu không khí khô ráo thì ta không biết chi cả, vì không khí khô ráo không dẫn điện. Căn nhà bằng kiến se õmờ đục, nhưng căn nhà thường thì trong suốt. Một sợi chỉ bạc sẽ giống như một cái lỗ, hoặc con đường hầm ở không trung. Cái điều mà ta hiểu biết về thế tục tùy thuộc cách chúng ta ứng đáp với những sự rung động của nó. Cũng thế đó, nếu ta không ứng đáp được với một Chơn Lý thì Chơn Lý ấy đối với chúng ta không còn là Chơn Lý. Lại nữa, nếu là sách do những nhà Huyền Bí Học viết ra thì chỉ có trình độ tiến hóa Tinh Thần của ta mới giúp ta thấu đáo được tư tưởng của họ thôi. Tất cả những phần tư tưởng của họ tinh vi quá, hay cao siêu quá, vượt qua sức hiểu biết của ta thì cũng như chúng nó không có thật. Sách nầy tưởng thưởng rất nhiều sự tham thiền hơn là việc đọc sách một cách nông cạn. Giá trị chánh của nó là hướng dẫn ta trong sự tham thiền. Hãy chọn một câu và nghiền ngẫm nó, ngưng hẳn mọi hoạt động của Hạ Trí và đánh thức nội tâm trực tiếp với tư tưởng, do đó ta thoát khỏi hình ảnh của trí cụ thể, ta có thể thấy Chơn Lý. Nhờ tham thiền ta đemvào óc của ta một phần lớn sự hiểu biết của Chơn Lý do Chơn Nhơn đạt được trên cõi đó: Tuy nhiên, người nào tham thiền mà không chịu đọc hoặc không tuân theo lời Thầy chỉ dạy, nếu cứ tin chắc rằng mình được tiến triển trên cõi Tinh Thần thì cũng tiến triển một cách chậm chạp thôi. Nhờ cái lợi thêm là vừa đọc, vừa nghe lời giảng dạy, anh sẽ tiến bước mau lẹ. Những bài diễn thuyết hay việc ngồi suy gẫm có thể chuẩn bị cho cái óc để nhờ có tham thiền mà mở mang thêm. Nhưng, đối với người chỉ biết có nghe lời dạy hay đọc sách mà không chịu tham thiền thì sự tiến tới hầu như không thể được, những sự tiến bộ sẽ chậm chạp lắm. Phải phối hợp cả hai lại. Tham thiền cho nhiều, thêm một ít bài học khẩu truyền và đọc sách, có thể dắt ta đi thật xa.

 C. W. L. - Bài tựa lần xuất bản đầu tiên của quyển Ánh Sáng Trên Ðường Ðạo vào năm 1885 có kèm theo lời chỉ dẫn dưới đây: " Sách viết ra để đáp ứng lại những người không am hiểu Khoa Minh Triết Ðông Phương và mong cầu được tiếp nhận ảnh hưởng của nó". Tuy nhiên, sách lại bắt đầu tuyên bố rằng: " Những qui tắc nầy viết ra dành để cho tất cả những Ðệ Tử ". Sách nầy, hiện như chúng ta có đây, vốn do Ðức Chơn Sư Hilarion đọc cho Bà Mobel Collins chép ra. Bà là người có tiếng tăm trong giới Thông Thiên Học và hợp tác với Bà Blavatsky xuất bản tạp chí Lucifer. Chính tự tay Ðức Chơn Sư Hilarion tiếp nhận sách nầy của Ðức Sư Phụ Ngài là một Ðấng Cao Cả mà các sinh viên Thông Thiên Học gọi là Ðức Vénitien. Phần Ngài chỉ viết có một đoạn trong sách. Cho nên sách đã trải qua ba giai đoạn mà chúng ta sẽ lần lượt xem xét tới. Ngay hiện giờ, nó là quyển sách mỏng, nhưng dưới hình thức đầu tiên như ta đã thấy, nó còn mỏng hơn nữa. ấy là một bản thảo viết tay trên lá buông, có từ thời thượng cổ, khó mà xác định được từ thời nào, trước thời kỳ của Ðấng Christ ra đời, người đã quên ngày tháng và tên tác giả và xem như nguồn gốc của nó biến mất trong lớp sương mù của thời tiền sử. Nó gồm có mười tờ, mỗi tờ ba hàng, vì bản viết bằng lá buông, các hàng viết theo chiều dọc chớ không theo chiều ngang như hiện giờ. Mỗi hàng đủ trọn một câu cách ngôn ngắn, chữ viết là thứ Bắc Phạn rất cổ. Ðức Chơn Sư Vénitien dịch những câu cách ngôn chữ Phạn ấy ra chữ Hy Lạp để cho các đệ tử Ngài tại thành Alexandrie dùng, trong số đó có Ðức Chơn Sư Hilarion, hồi Chơn Sư đầu thai làm Jamblique. Chẳng những Ngài phiên dịch mà còn phụ thêm lời chú thích mà ta nên cho đi chung với nguyên văn. Thí dụ: nếu ta chọn ba câu cách ngôn thứ nhứt, ta sẽ thấy đoạn số 4 kế tiếp là lời giảng lý. Chi nên phải đọc: - Hãy diệt lòng tham vọng, nhưng hãy làm việc như những kẻ tham vọng vậy. - Hãy diệt lòng tham sống, nhưng hãy kính trọng sự sống như những kẻ tham sống muốn vậy. - Hãy diệt lòng ham sung sướng, nhưng hãy sung sướng như những kẻ sống vì hạnh phúc. Cũng thế đó, qui tắc 5, 6 và 7 lập thành một nhóm, kế tiếp qui tắc thứ 8 là lời giảng lý do Ðức Ðế Quân viết ra và cứ thế nối tiếp nhau trong nhiều trang. Nhóm ba qui tắc nầy trình bày như thế không phải chỉ là do sự ngẫu nhiên, ấy là có dụng ý. Trong khi khảo sát ta nhận thấy luôn luôn có sự liên quan giữa ba qui tắc. Vì thế, ba qui tắc kể trên nhắm vào sự thanh bạch của tâm hồn và sự áp dụng trong đời sống tinh thần. Có thể nói, nó vạch rõ điều mà con người phải muốn trở nên và những bổn phận bắt buộc hầu chuẩn bị để hành động. Nhóm thứ hai của ba câu cách ngôn (5 tới 8) bảo ta phải diệt tánh chia rẽ, mọi ý niệm cảm giác, mọi khao khát tăng trưởng. Nó nêu ra bổn phận con người đối với những kẻ xung quanh mình trên phương diện xã hội. Con người phải nhận thức rằng mình là một với đồng loại, cương quyết từ bỏ sự vui sướng ích kỷ và riêng biệt, diệt tất cả sự khao khát tăng trưởng cá nhân mình và làm việc cho sự tăng trưởng chung của đoàn thể.

 Trong nhóm qui tắc (9 đến 12) chúng ta họïc điều mà ta phải ham muốn, nghĩa là những điều ở trong tâm ta, ngoài ta và quá sức ta, cố nhiên đó là bổn phận của ta đối với Chơn Nhơn. Những câu cách ngôn (13 tới 16) chỉ về sự ham muốn quyền năng, ham muốn sự an tịnh và ham muốn sở hữu. Những sự ham muốn nầy thảy đều góp phần chuẩn bị ta đặng làm việc trên Ðường Ðạo. Những qui tắc (17 tới 18) bảo kẻ chí nguyện hãy tìm kiếm Ðường Ðạo. Những qui tắc hiện mang số 4, 8, 12, vân vân..., là những lời chú thích và bàn giải rộng ra của Ðức Chơn Sư Vénitien, hợp với những câu cách ngôn làm thành một quyển sách xuất bản lần đầu tiên vào năm 1885, bởi vì Ðức Chơn Sư Hilarion dịch chữ Hy Lạp ra tiếng Anh dưới hình thức nầy. Khi sách vừa in xong, Ngài có viết thêm một dọc chú thích rất quí giá. Kỳ xuất bản lần thứ nhứt, những lời chú thích nầy in ra trên những tờ riêng biệt, ngoài lề có thoa keo có thể dán vô tờ đầu và tờ chót. Trong những lần xuất bản sau, những lời chú thích mới được cho in vào đúng chỗ của nó. Phần tiểu luận ngắn và thú vị nói về Nghiệp Quả để ở phía sau cuốn sách cũng do tay Ðức Chơn Sư Vénitien viết. Phần nầy cũng có in trong kỳ xuất bản lần thứ nhứt. Bản viết tay bằng chữ cổ Bắc Phạn đã dùng làm nền tảng cho quyển Ánh Sáng Trên Ðường Ðạo cũng được dịch ra bằng chữ Ai Cập. Vả lại, nhiều lời chú thích của Ðức Chơn Sư Vénitien bắt ta nhớ đến giáo lý Ai Cập hơn là giáo lý Ấn Ðộ. Học giả quen thuộc chút ít với tinh thần của nền văn minh cổ Ai Cập sẽ hiểu sách nầy khá hơn. Ðiều kiện sinh hoạt của cổ Ai Cập hoàn toàn khác hẳn hơn hiện kim, đến nỗi bây giờ ta cũng khó mà cho một ý thức về nó. Tuy nhiên, nếu ta có thể thấy lại được tinh thần của thời xưa, ta sẽ biết được nhiều sự việc mà hiện giờ ta không biết. Ngày nay, chúng ta hay phóng đại sự quan trọng của trí tuệ và thích khoe khoang rằng nền văn minh hiện hữu cao trội hơn nền văn minh cổ thời. Có lẽ, chúng ta hơn họ ở một vài điểm, nhưng ở những điểm khác, ta chưa có phần nào bằng họ được. Vả lại, sự so sánh có lẽ không được vô tư, vì lẽ nền văn minh của ta còn trẻ trung lắm. Trở lại ba thế kỷ về trước trong lịch sử Châu Âu, nhất là trong lịch sử nước Anh, chúng ta sẽ nhận thấy một tình trạng kém văn minh lắm. Ðem so sánh ba thế kỷ nầy, kể luôn 150 năm tiến bộ về khoa học và vai tuồng thật là quan trọng trong thời kỳ văn minh của ta, với bốn ngàn năm gần như không thay đổi của nền văn minh Ai Cập cường thạnh, ta nhận biết liền sự văn minh của ta không có gì quan trọng. Trọn cả nền văn minh bốn ngàn năm ấy có biết bao cơ hội cho họ thực hiện những cuộc thí nghiệm và thu hoạch nhiều thành tích mà ta chưa có. Cho nên, đưa chúng ra so sánh với nền văn minh vĩ đại đã tiến đến cực điểm là quá đáng, vì chúng ta mới bắt đầu văn minh thôi.

 Giống dân phụ thứ năm chúng ta còn xa mức tuyệt đỉnh của sự vinh quang rực rỡ của nó. Chúng nó đi đến mức ấy, nó sẽ nổi bật lên trên tất cả những nền văn minh khác, nhất là ở vài phương diện. Nó sẽ tạo đặc tính riêng và vài đặc tính có thể làm cho ta ít thỏa thích hơn những đặc tính của cuộc văn minh trước. Nhưng, tóm lại nó vẫn tiến tới, vì những dân tộc nối tiếp nhau ra đời giống như nước triều dâng lên. Mỗi giống dân đến rồi rút lui và giống dân khác tiến tới một chút nữa. Tất cảcác giống dân ra đời, cùng tiến tới tột độ rồi tàn tạ. Ðối với chúng ta, ấy là ngọn thủy triều đương lên, thế nên, trong vài phương diện, chúng ta chưa đi đến cái thế ổn định của vài cuộc văn minh cổ đã biểu lộ. Khốn nỗi! Ta chưa mở được lòng vị tha vong kỷ và sự tin chắc rằng đoàn thể là trọng hệ hơn chớ không phải cá nhân. Trong vài nền văn minh đã bị tiêu diệt, con người đã tiến đến một điểm, đối với ta dường như là một thứ ảo tưởng, nhưng trái lại ta sẽ mở được nhiều năng lực mà các dân tộc cổ thời chưa có. Lúc sơ khởi trong lịch sử La Mã có một thời đại ngắn, theo lời của Macaulay là "không có ai lo cho đảng phái, tất cả đều lo cho quốc gia thôi". Ðức Pythagore ngõ lời với dân chúng tại Taormine rằng:" Quốc gia tiêu biểu hơn cha mẹ, vợ con, và mọi người phải luôn luôn sẵn sàng đem tư tưởng, tình cảm và ý muốn của mình phục vụ quyền lợi cho đoàn thể, cho quốc gia, cho hạnh phúc của mọi người". Vì hạnh phúc chung đó, mỗi người phải vui lòng hy sinh quyền lợi cá nhân mình. Tại Anh Quốc cũng thế, thời kỳ Nữ Hoàng Elizabeth trị vì là một thời kỳ của tình cảm thống trị, có một phong trào hoạt động ái quốc chân chính. Tôi không muốn nói rằng trong xứ cổ Ai Cập và cổ Hy Lạp, hay xứ nào khác, mọi người đều có một tấm lòng vị tha vong kỷ, nhưng mà những người nào được giáo dục hoàn toàn đều xét đời về một phương diện rộng rãi hơn chúng ta hiện giờ. Họ vẫn nghĩ đến quốc gia nhiều hơn là nghĩ đến sự sung sướng hay sự tiến hóa riêng của họ. Cũng sẽ đến phiên chúng ta tiến đến trình độ đó khi thời giờ đến. Chúng ta sẽ phải hiểu rõ được những tư tưởng nầy hơn là những giống dân xưa đã hiểu và cũng sẽ tìm kiếm những áp dụng chúng nó mà các bậc tiền nhân chưa được biết. Cho nên, nếu ta có thể thấy lại cái tâm trạng ngày xưa của xứ Ai Cập nầy, ta sẽ hiểu rành rẽ hơn quyển Ánh Sáng Trên Ðường Ðạo. Trong khi tham cứu từng chương, học giả cố gắng có cho kỳ được thái độ trên đây thì rất tốt, vì nó sẽ giúp huynh đặt mình vào địa vị của những kẻ hồi cổ thời, cũng đã chuyên tâm vào công việc tu luyện như mình bây giờ vậy. Ðiều ấy, không lấy làm khó cho những người trong chúng ta đã luyện tập để nhớ lại những tiền kiếp của chúng ta, tôi còn giữ được kiếp chót của tôi ở Hy Lạp, nơi đó, tôi đã tham dự những pháp môn huyền bí Eleusis, cũng như một kiếp khác rất xa xôi, vào thời đại những Ðại Pháp môn huyền bí Ai Cập đóng vai tuồng quan trọng mà vài tàng tích hiện còn trong Phái Tam Ðiểm Franc Maconnerie. Tôi học Ðạo trong một Tu Viện.. Những kỷ niệm ấy giúp tôi khi đọc những trang sách như thế thu thập được nhiều sự hữu ích hơn là nếu tôi không có chúng nó. Những cảm xúc thường hay những sự hồi ức cho ta có cảm giác như sống lại trong bầu không khí đó, chúng là một hộ lực lớn lao. Quyển sách nầy dù là viết bằng chữ Ai Cập hay chữ Ấn Ðộ, là một bảo vật hi hữu trong văn học sử Thông Thiên Học, không có quyển sách nào giúp ích cho ta nhiều bằng nó khi chúng ta khảo cứu nó một cách thật chăm chỉ và tỉ mỉ. Như chúng tôi đã giải thích, quyển Ánh Sáng Trên Ðường Ðạo là quyển thứ nhứt trong ba quyển đã chiếm một địa vị quan trọng duy nhất trong văn học sử Thông Thiên Học, bởi vì nó chứa đựng những lời giáo huấn của những Ðấng đã đi trên Ðường Ðạo đem dạy lại cho những ai có ý nguyện bước vào con đường đó. Tôi còn nhớ lời của Ðức Swami T. Subba Rao nói với chúng tôi một ngày kia rằng: " Những câu cách ngôn nầy trình bày nhiều ý nghĩa chồng chất nhau. Nó có thể dùng nhiều lần cho nhiều trình độ khác nhau. Trước tiên, nó hữu ích cho những kẻ có chí nguyện đang theo dõi con đường Nhập Môn. Kế đó, nó dùng cho những người có một trình độ cao hơn, ấy là những người qua ngưỡng cửa của cuộc Ðại Ðiểm Ðạo lần thứ nhứt, đã đặt bước vào con Ðường Ðạo chánh thức. Sau cùng, khi vị Ðệ Tử đã thành một vị Chơn Tiên, người ta lại nói với chúng tôi rằng một lần nữa: " Mấy câu cách ngôn nầy có một ý nghĩa cao thâm huyền diệu hơn, chúng có thể dùng để dìu dắt bậc Siêu Nhân muốn tiến xa hơn và cao hơn nữa". Cho nên, đối với kẻ đọc sách, biết nhận thức được ý nghĩa hoàn toàn huyền bí của sách nầy thì nó dắt chúng ta đi xa hơn tất cả các quyển khác. Những quyển sách nầy đặc biệt viết ra để thúc đẩy sự tiến hóa của những kẻ đi trên Ðường Ðạo, chúng trình bày những tư tưởng mà nói một cách tổng quát người đời chưa sẵn lòng chấp nhận. Chính trong những học giả, cũng có người còn phân vân về hình thức của giáo lý. Có một cách duy nhất tìm hiểu được giáo lý là thừa nhận nó và thử đem áp dụng vào đời sống của chúng ta. Quyển Dưới Chơn Thầy đã cảnh cáo ta rằng: "Những lời nầy cho là đúng và tốt đẹp thì chưa đủ. Người nào muốn thành công phải làm đúng theo lời dạy của Chơn Sư, chăm chỉ nghe từng tiếng, theo dõi từng dấu nhỏ nhặt. Những lời đó cũng vẫn đúng với quyển sách này. Kẻ nào không chịu khép đời mình để sống trong khuôn khổ của giáo lý, luôn luôn chạm trán với những điểm làm cho bối rối không thể nào thừa nhận chúng nó. Nếu, trái lại biết tìm cách đem ra áp dụng vào đời sống của mình thì cái ý nghĩa thật của giáo lý có thể khởi sự phát lộ. Tất cảsức cố gắng chân thành để sống theo giáo lý đưa đến kết quả là trí ta sáng suốt để thấu triệt được lý sách và đó là cách duy nhất có thể nhận đúng chân giá trị của những lời châu ngọc vô giá ấy.

 Những sách thuộc loại nầy chứa đựng nhiều nghĩa khác hơn là nghĩa từng chữ. Chi nên, mỗi người thu thập sự hiểu biết theo những điều mình đạt đến, nghĩa là tùy theo năng lực đồng hóa phần nào của sách và chỉ đạt được phần đó thôi.

 Chỉ đọc sách và khảo cứu nó cũng chưa đủ, cần phải lấy nó làm đề tài cho sự tham thiền. Hãy lấy những đoạn nào bề ngoài hơi khó hiểu, những câu ẩn nghĩa bí mật, huyền bí hay mâu thuẫn đem ra suy gẫm hay tham thiền. Nhờ đó, nó sẽ giúp huynh hiểu được nhiều hơn, mặc dù thường khi huynh kho ùdiễn tả tư tưởng ấy được. Trong khi tôi đã thử giải cho huynh biết cách thức mà tôi khảo sát mấy điểm khác nhau nầy và việc chúng nó đối với tôi, tôi có cảm tưởng rằng tôi không tỏ bày ý kiến một cách đầy đủ, tôi biết nhiều lúc tôi không sao tìm được danh từ nào giải thích trọn vẹn tư tưởng của tôi, nếu đem ra nói, tư tưởng ấy trở thành tầm thường, vô vị, tuy nhiên, tôi cảm biết trong lòng tôi nhiều ý nghĩa cao siêu, có lẽ với Thể Trí của tôi. Mỗi trình đo äđều như thế cả. Tất cả những điều chúng ta có thể nhận thức được bằng Thể Trí thì nên thêm vô đó tất cả những điều nào chúng ta chỉ có thể tự hiểu lấy bằng Thượng Trí và Trực Giác. Dù chúng tôi có phô diễn, luôn luôn cũng có cái gì cao sâu vi diệu cứ tiếp tục đơm hoa trổ nụ trong lòng chúng tôi. Con người là một biểu hiện của Ðấng Vô Thủy Vô Chung và ngoài Ðấng Vô Thủy Vô Chung ra, không ai có thể giúp chúng ta: đó là sự thật và đó là Chơn Lý mà tác giả quyển sách nầy ân cần nhắc nhở luôn.

** *

CHƯƠNG THỨ HAI

-----*****-----

BỐN CÂU CÁCH NGÔN MỞ ÐẦU

 Trước khi thấy được, mắt phải ráo lệ.

 A.B. - Ấy là câu đầu của bốn câu cách ngôn xác định bốn đức tánh cần phải khai triển trước khi bước vào Ðường Ðạo chánh thức là năng lực thấy, nghe, nói và sau hết là đứng trước mặt Ðức Chơn Sư. Nhờ những năng lực ấy giúp ta phụng sự nhân loại đắc lực dưới quyền điều khiển của Ngài. Câu cách ngôn nầy cũng như ba câu cách ngôn kế tiếp đều liên quan đến hai hạng đe ätử. Thuộc về hạng thứ nhứt là những kẻ đang dõi bước trên con đường Nhập Môn, tập cởi bỏ tất cả những gì, theo chúng ta hiểu, là thuộc về Phàm Nhơn. Những lời giáo huấn mở đầu nầy để chỉ cho chúng nó việc làm trước tiên là phải lo diệt trừ bản ngã (Phàm Nhơn). Thuộc về hạng thứ hai là những Ðệ Tử đã được Ðiểm Ðạo. Người ta đòi hỏi ở hạng nầy nhiều hơn: học phải cởi bỏ cá tánh của mình hay là Chơn Nhơn còn bị chuyển kiếp luân hồi, hầu khi đi mút Ðường Ðạo, đời sống của họ phải hoàn toàn đặt dưới sự điều khiển của Chơn Thần. Cho nên, ta sẽ nhận thấy mỗi câu của bốn câu cách ngôn có thể thích dụng hoặc cho Phàm Nhơn, hoặc cho Chơn Nhơn. Sự hiểu biết những câu cách ngôn nầy tùy thuộc cách học giả đem thực hành trong đời sống của mình. Ta cần phải chịu khó chú ý và nhớ lại những câu cách ngôn nầy có thể có tới hai phương diện để hiểu khác nhau. Nếu những lời giáo huấn trên đây được các Ðấng Chơn Sưt rong Quần Tiên Hội đem ra dạy ta thì những vị chuyên luyện tà thuật để ám hại người cũng dùng những lời giáo huấn y hệt như thế để dạy Ðệ Tử của họ, có khi ta gọi là những anh em trong bóng tối. Có hai cách làm cho mắt có thể ráo lệ. Lý do thúc đẩy kẻ chí nguyện tiến bước chỉ định con đường nó theo dõi. Một trong những con đường ấy là con đường của kẻ muốn thành đệ tử của phái Bàng Môn, y sẽ giải thích câu cách ngôn như một lời dạy nên lãnh đạm hoàn toàn đối với sự vui sướng cũng như đối với sự đau khổ. Sự lãnh đạm được bằng cách làm cho chai lòng và tránh tất cả mọi thiện cảm. Kẻ nào kiếm thế để làm cho mắt ráo lệ bằng cách diệt mất mọi cảm giác thì đi đến gần con đường tăm tối của Tả Ðạo. Trái lại, người theo Chánh Ðạo thì không được khóc nỗi đau khổ riêng của mình. Không phải bản tánh thấp hèn của nó làm cho nó lay động, nhưng vì nó rất chú trọng đến tình cảm của kẻ khác. Khó mà lãnh đạm trước nỗi đau khổ của con người mà không phương hại đến mình. Bảng kê dưới đây chứng minh sự tương phản của hai con đường:

Tả đạo

Chánh đạo

Khép chặt tấm lòng không một mảy phiền não.

Mở mang năng lực cảm giác đến đỗi ứng đáp với tất cả những sự rung động của kẻ khác

Dựng một bức tường bao quanh mình đặng tránh mọi đau khổ.

Lật đổ mọi tường rào chia rẽ không cho ta cảm động trước nỗi niềm đau khổ của kẻ khác.

Bóp nghẹt đời sống của nó lại

Mở mang đời sống của nó: Con người tìm cách hòa mình trong đời sống của đồng loại

Dắt đến sự chết, sự tiêu diệt, cõi A Tỳ.

Dắt đến sự sống, sự trường sanh, bất tử, cõi Niết Bàn

Sự sai biệt chính yếu của hai phương pháp là phương pháp thứ nhứt không ngớt hướng về sự chia rẽ và sau cùng ở trong tình trạng cô lập tuyệt đối, trái lại, phương pháp thứ hai có một mục đích kiên cố về sự đoàn kết và đi đến một tình trạng hợp nhất hoàn toàn. Bên Chánh Ðạo, kẻ chí nguyện trong khi chung đụng với ngoại giới, phải lần lượt loại trừ tất cả cái chi biểu lộ ra bằng sự đau khổ riêng của mình, và làm lay chuyển con người nó với bao nỗi phiền muộn lo âu. Nó phải đạt đến một trình độ mà mọi sự lo buồn về tư lợi không còn nữa. Hẳn nhiên, nó phải từ bỏ tất cả lối sống cá nhân riêng biệt tự do đặng làm thế nào cho thể tình cảm (Thể Vía) của nó trở thành một khí cụ độc hữu của Chơn Nhơn. Hay nói một cách khác là nó không còn ưa thích hay chán ghét, không còn ham muốn hay ước mong, không còn hy vọng hay lo sợ, tất cả đều phải tận diệt. Huynh chớ lầm lạc, đây không phải là tiêu diệt thể tình cảm, nhưng nó phải tự dưng ngưng hẳn, không ứng đáp riêng cho nó những cảm giác từ ngoại giới đưa vào. Chỉ cần diệt mất lối sống chia rẽ, còn thể tình cảm phải bảo tồn để dùng vào việc phụng sự nhân loại. Lẽ dĩ nhiên, sự cấu tạo của thể tình cảm chỉ cho con người Ðệ Tử biết phải sửa đổi tánh tình của nó thế nào. Nơi người Ðệ Tử thường thì Cái Vía (Thể tình cảm) hay thay đổi màu sắc luôn luôn, nhưng khi nó được tinh luyện rồi và đệ tử dứt tuyệt mọi cuộc sống chia rẽ thì Thể ấy trở thành một khí cụ không màu sắc và sáng chói, phản chiếu sự sống linh hoạt ở nội tâm. Nó không còn màu sắc riêng biệt mà chỉ lấy màu sắc của Chơn Nhơn truyền đạt qua. Lúc ấy, nó tựa như ánh trăng rọi xuống mặt nước, lóng lánh như xa cừ, phô bày một thứ rung động mà ta gượng cho là màu sắc. Sự biến đổi nầy thành tựu dần dần trong Thể Vía của người Ðệ Tử. Khi mà càng ngày nó càng cố gắng thực hiện công việc khó khăn là cảm động trước mọi thống khổ của đồng loại thì nó càng phải lãnh đạm thờ ơ với mọi thống khổ của chính mình nó phải gánh. Nó có thể đè nén dễ dàng tình cảm của mình, nhưng mà phải xúc động trước tình cảm của kẻ khác và đồng thời phải giữ đừng cho xen tình ý riêng của mình vào; ấy là một trách vụ rất đổi khó khăn bắt buộc kẻ chí nguyện phải thi hành. Tuy nhiên, càng chuyên cần tập luyện nó càng nhận thấy rằng những xúc động ích kỷ tiêu lần và biến thành những xúc động vị tha. Ðệ tử có một phương thế để thử xem mình quả thật có lòng thiện cảm hay không và tới bực nào; ấy là huynh có sinh lòng thiện cảm hay không, khi những nỗi khổ đau của thiên hạ không còn lọt vào mắt huynh nữa. Huynh gặp một kẻ khốn khổ, huynh chứng kiến một hành động hung bạo, có lẽ làm cho lòng huynh se thắt lại, nhưng huynh liệu có lòng thương xót như thế khi người đó đã khuất mắt huynh? Lòng thiện cảm của ta không đáng giá bao nhiêu, nếu cần phải có cảnh não lòng đặng khêu gợi nó. Thử đưa một người đến đô thị lớn như thành phố Luân Ðôn chẳng hạn, có thể những cảnh tượng thương tâm thảm mục mà y thấy bao bọc chung quanh mình y, làm cho y xúc động vô cùng. Hãy cho y ở một chỗ khác, y sẽ chóng quên những nỗi thống khổ y đã chứng kiến và thấy mình vẫn hoàn toàn sung sướng. Kẻ Ðệ Tử phải tập sống cách nào mà như toàn thể sự đau khổ của nhân loại luôn luôn hiện ra trước mắt nó; làm nhẹ bớt gánh nặng đau khổ chính là lý do thúc đẩy nó làm việc. Chưa ai đến trình độ mà tiếng gào thét đau thương làm cho nó xúc động như trong quyển Tiếng Nói Vô Thinh đã nói, trừ phi động lực của đời sống nó là lo giúp đỡ nhân sinh, dầu những sự đau khổ của nhân loại ở trước mắt nó hay không, bởi vì đó mới quả thật la øđộng lực của Ðệ Tử. Phương tiện tốt nhất thoát khỏi Phàm Nhơn, để trở nên lãnh đạm đối với mọi niềm sung sướng hay đau khổ của riêng mình, để mắt phải ráo lệ là để cho Cái Trí suy nghĩ đến niềm đau khổ của thế gian, và phương pháp phải theo hầu làm giảm bớt đau khổ; như thế, điều nầy mới giúp ta thấy được cái bản ngã đúng vào chân vị trí của nó, kề bên bản ngã to lớn hơn mà tượng trưng là toàn thể nhân loại cô đơn nầy. Khi Ðệ Tử được Ðiểm Ðạo bắt đầu đạt được trạng thái Bồ Ðề Tâm, thì nó ráo lệ một cách khác nữa. Bấy giờ, nó mới bắt đầu hiểu đặng ý nghĩa của sự tiến hóa, và cảm biết rằng tiến hóa ở đây có nghĩa là sự phát triển của Ba Ngôi Cao (Atma, Bouddhi, Manas) ở con người. Nó khởi sự nhìn nhận giá trị và mục đích của tất cả mọi đau khổ và tất cả mọi phiền não. Dần dần mắt nó ráo lệ vì nhờ hiểu được sự ích lợi mà nỗi niềm đau khổ đã ban cho những kẻ gánh chịu và nghiệm thấy rằng nếu sự đau khổ đến cho một người nào đó là vì sự cần thiết tuyệt đối cho sự phát triển cao siêu của Linh Hồn nó. Về mặt lý thuyết, con người có lẽ tránh được sự đau khổ nầy, nếu khi xưa nó biết cách hành động khôn ngoan, bởi vì nếu sự đau khổ không do ở sự lầm lạc hiện tại thì nó cũng là kết quả của nghiệp quả xưa. Nhưng xét về mặt thực tế thì con người trước kia đã ăn ở sái quấy, thích chọn những bài học của sự thử thách ngày nay hơn là bài học Minh Triết, bởi vì nó không chịu chọn lựa con đường êm đẹp hơn mà đi, thành thử hiện giờ nó đành chịu đau khổ và nhờ có đau khổ mới giúp nó đạt được sự Minh Triết và thúc giục sự tiến hóa của nó.

 Ðệ tử am hiểu được tất cả điều nói trên vì đã tiến tới một tình trạng mà ta có thể gọi là một sự thiện cảm hoàn toàn hợp nhất với nó, mà không còn sự hối tiếc nào. Khi đời sống cõi Bồ Ðề chưa chiếu diệu đến Tâm Thức thì sự hối tiếc có thể còn. Ðến khi Bồ Ðề Tâm phát sinh, thì lòng thiện cảm của Ðệ Tử nẩy nở một cách lạ thường, sự hối tiếc lại tiêu mất. Càng tiến bước lên cao, và nhìn thấy chân trời mở rộng, Ðệ Tử mắt ráo lệ, vì đứng trước sự đau khổ khắc nghiệt của con người, nó phải tập làm sao sống lại trong cảnh khổ ấy để tự mình cảm biết nỗi lòng sâu xa đến bực nào, đồng thời nó nhận thức được mục đích và cứu cánh của sự đau khổ. Ðệ tử tiến đến chỗ hoàn toàn chia sớt nỗi niềm đau khổ với nhân loại, nhưng không hề có một mảy may nào mong mỏi cho sự đau khổ được sửa đổi. Muốn đừng có sự ước ao thoát khỏi sự đau khổ trước khi nó kết thành quả thì Tâm Bồ Ðề phải chói rạng. Ấy là điều kiện mà người ta đã gọi là Tâm Bồ Ðề phát hiện.

 Luật Trời là Minh Triết, Thiên ý là toàn hảo và sự đau khổ chuẩn bị một cứu cánh hoàn thiện, vì vậy, Ðệ Tử triệt để vui vẻ và bằng lòng số phận mình, nó cam chịu đau khổ chớ không hề than van, không hề phiền muộn. Khi Ðệ Tử đạt đến trình độ ấy, Tâm Thức nó trở thành một phần tử của đời sống thế gian. Nếu nghĩ đến nó và xưng "Tôi" thì cũng như nó thuộc về một phần tử của cái "Tôi" bao hàm tất cả những cái "Tôi" khác. Từ đó, đối với Ðệ Tử, không có cái gì sống ở ngoài nó, hay phân cách nó. Nó đồng hóa với đời sống duy nhất vĩ đại nầy, mặc dù ở vào trình độ nào. Mỗi khi đời sống ấy cần sự giúp đỡ, Ðệ Tử mất hẳn cái quan niệm rất phổ thông của cõi Thế gian nầy là có nhiều người còn biệt lập ở ngoài. Ðệ Tử ở trong tất cả và ở với tất cả. Việc thông hiểu được sự hợp nhất có ảnh hưởng sâu xa đến sự giúp đỡ của con người có thể thi thố cho đời. Nếu có trợ giúp ai, nó thông cảm được nỗi niềm đau khổ của người đó cũng như nỗi niềm của chính mình nó, chớ không phải những sự khó khăn của một kẻ khác hơn nó. Nó thấy những sự đau khổ đó cũng như chính người trong cảnh ngộ thấy, và vì vậy, thay vì giúp đỡ người ở bên ngoài, nó lại giúp đỡ ở bên trong. Giữa hai cách giúp ấy, sự sai biệt rộng lớn vô cùng. Cách thứ nhứt là giúp tạm thời và ngẫu nhiên, cách thứ nhì biểu lộ trong đời sống của con người một sự tiến triển về quyền năng. Ðệ Tử chỉ có thể đạt đến trình độ nầy là nhờ ở đào luyện được lòng thiện cảm, tập đồng hóa với nỗi niềm vui vẻ và sự thống khổ của kẻ khác, tạo cho đời mình thành một đời sống chung của tất cả mọi người; bằng chẳng vậy thì khó mà diệt được tánh chia rẽ. Mắt phải ráo lệ, đối với Ðệ Tử, chỉ có một ý nghĩa mà thôi, ấy là phải lãnh đạm đối với những gì liên hệ đến Phàm Nhơn mình, nhưng không được làm mất sự cảm xúc sâu sắc đối với tất cả những gì có ảnh hưởng đến những Linh Hồn khác.

 C. W. L. - Bà Chánh Hội Trưởng của chúng ta đã nói về bốn câu cách ngôn thứ nhứt của quyển sách nầy, khởi đầu bằng câu: " Trước khi thấy được, mắt phải ráo lệ" có thể bị giải thích sai lầm và vì thế, các anh Bàng Môn cũng như chúng ta đều thừa nhận nó. Ho ïcho ý nghĩa của câu đó như thế nầy: "Diệt tất cả mọi cảm xúc, bao mình một lớp vỏ và loại ra ngoài những phiền não và đau khổ của cuộc đời ". Ðó mới thật là trái ngược với lời giáo huấn đem dạy các Ðệ Tử bên Chánh Ðạo, ho ïphải tập khai triển tình cảm cho đến một trình độ có thể chia sớt một cách tuyệt đối nỗi niềm đau khổ của nhân loại. Người ta nói nhiều về các vị Bàng Môn Tả Ðạo, nhưng tôi tưởng ít người hiểu về họ. Nhờ gặp được nhiều đại diện bên phái đó, tôi dám nói rằng: Tánh tình của họ và phương pháp của họ dùng không xa lạ gì với tôi cả. Trong bọn họ có vài người đáng để ý, nhưng không nên thân thiện. Danh từ Bàng Môn Tả Ðạo để dùng cho nhiều hạng khác nhau. Thí dụ: người da đen ở Nam Phi Châu và quần đảo Antilles, có lẽ những thổ dân ở Úc Châu cũng vậy, rất giỏi luyện những phép tà thuật nhỏ mọn. Thật là đáng thương hại. Chính bọn thổ dân nầy nhìn nhận không có làm thương tổn đến người da trắng được. Trong vài trường hợp, đời sống của người da trắng bị họ khuấy rối rất khó chịu, nhưng phải nói thêm rằng tại cách ăn thói ở của mấy người nầy cho nên họ mới phá được. Muốn thành công, họ thường hay lợi dụng lòng lo sợ của những người bị họ trù ẻo. Ảnh hưởng của tà thuật tuy yếu ớt nhưng cũng có chút kinh nghiệm, những thổ dân nầy có vài thứ thuốc, họ biết thôi miên, tóm lại, ho ïbiết cách sử dụng được vài quyền năng sai khiến những vị Ngũ Hành ở trên mặt đất và những vị khác cùng loại. Họ có thể làm cho một người kia mắc bịnh hoạn hoặc trọn gia đình y hay là những thú vật trong bầy của y nuôi đau ốm, họ làm khô khan vườn tược, đồng ruộng và phá hoại mùa màn thất bát. Tuy nhiên, trong trường hợp sau nầy, họ hay dùng kèm thêm diêm tiêu để giúp sức cho tà thuật của họ. Một hạng khác, cao hơn, tìm luyện phép thần thông để mưu đồ lợi ích cho cá nhân mình. Họ học được vài cương yếu của Huyền Bí Học và chính đôi khi, họ còn tiến khá xa trên con đường đó, nhưng họ giữ lấy một mình quyền năng ấy đặng lợi dụng. Thường thường thì ho ïnhờ phép tắc đó để làm giàu và tạo uy thế cho mình và toại hưởng sung sướng suốt đời. Sau khi lìa bỏ trần thế rồi, đôi khi, họ thử dùng phép tắc để tạo một đời sống như hồi còn sanh tiền, nhưng rất ít khi thành công nên kế hoạch của họ không thực hiện được. Sớm muộn gì, họ không còn cái chi cả, và họ biï rơi vào một tình trạng nguy khốn cực điểm. Một hạng Bàng Môn khác, và tiến hóa hơn, không mong cầu gì cho mình hết, không màng tiền bạc, quyền năng hay thế lực hoặc những cái chi tương tợ, nhờ như thế, phép tắc của họ rất cao cường. Họ sống một cuộc đời trong sạch và có qui củ như trong huynh đệ chúng ta, nhưng họ chọn sự chia rẽ làm mục đích. Ho ïthích đời sống trên những cảnh cao siêu và tránh sự nhập vào Tâm Ðức Thượng Ðế. Họ ghê tởm những gì chúng ta cho là tối đại hạnh phúc. Họ muốn sống như tình trạng hiện thời của họ, họ tự phụ đạt được mục đích đó, vã lại ý chí con người có thể chống lại tới một điểm nào đó với ý chí của Thượng Ðế.

 Tôi đã gặp hạng người đó. Bà Chánh Hội Trưởng của chúng ta luôn luôn muốn cứu vớt những Linh Hồn lạc lỏng ấy đang lầm lỗi đi trên đường chia rẽ nên thử thuyết phục một đôi lần để cảm hóa họ, hầu dắt dìu họ trở lại với quan điểm của chúng ta, nhưng tôi e ngại ít khi được thành công.

 Có khi bà nói với họ: "Huynh biết được điều đó sẽ chấm dứt bằng cách nào. Huynh hiểu nhiều về Luật Thiên Nhiên và có đủ trí khôn để nhìn thấy con đường của huynh đưa về đâu. Sự đổ vỡ cuối cùng đang chờ huynh, điều đó chắc chắn rồi. Khi kỳ gian của một A tăng kỳ kiếp (Manvantara) mãn, khi dãy hành tinh nầy đúng thời kỳ tan rã, dù muốn dù không, huynh cũng sẽ nhập vào Tâm Ðức Thượng Ðế trên các cảnh giới cao siêu, chừng ấy số phận huynh sẽ ra thế nào?" Họ trả lời: "Kỳ thực, bà không biết gì hết. Lấy theo bề ngoài mà nói, chúng tôi công nhận việc sẽ xảy ra như thế, nhưng thật ra, chúng tôi không cần. Chúng tôi rất hài lòng tình trạng hiện hữu của chúng tôi. Chúng tôi đủ khả năng để bảo thủ cá tánh của mình chống lại mọi hành động bắt buộc chúng tôi nhập vô Tâm Ðức Thượng Ðế và sự đó kéo dài lắm, có lẽ đến ngày tận cùng của A tăng kỳ kiếp. Sau đó, chúng tôi sẽ thành công hay không, chúng tôi chẳng biết được, nhưng điều đó thây kệ. Dù chúng tôi làm được hay không, chúng tôi cũng có một lối sống mà chúng tôi chọn lựa". Ðiều nầy có thể tranh luận và người nào chọn lựa quan điểm trên, chưa hẳn thật là chánh trực, dĩ nhiên cũng không phải là kẻ ác đức, theo nghĩa thông thường của danh từ nầy. Họ tỏ ra là người cực kỳ kiêu căng phách lối, nhưng không muốn gây thù kết oán với ai hay mưu toan sâu độc hại ai. Trái lại, họ không biết ngần ngại là gì cả; người nào chống lại ý muốn của họ thì bị họ quét sạch, ít do dự hơn là họ giết một con muỗi. Tuy nhiên, họ có thể kết giao thân mật với kẻ nào không làm trở ngại ý muốn của họ. Tánh tình họ không có vẻ gì là hung bạo. Họ không phải là một con quái vật độc ác mà là người đã chọn lựa một phương hướng nào đó và đi theo nó, hy sinh tất cả điều gì, đối với ta, có nghĩa là tiến hóa. Chúng ta tin chắc rằng một hiểm họa lớn lao đang chờ họ, mà họ ít khi tin chắc điều đó như chúng ta, và dù sao, họ vẫn thích làm những chuyện mạo hiểm. Thường thường, những con người ấy, tự họ, cho thế là mãn nguyện. Họ có thái độ ngờ vực và khinh bỉ tất cả mọi người. Ðó luôn luôn là đặc tính của hạng người theo dõi con đường Tả Ðạo. Họ cho là họ hữu lý, còn kẻ khác thì lầm lạc và thấp kém hơn. Ðôi khi, người ta nghe nói đến Giáo đoàn Bàng Môn, nhưng không bao giờ có một giáo đoàn nào như thế được thành lập cả. Không có tình hữu nghị chân thật nào có thể phát triển nơi họ, nhưng gặp cơ hội nào là họ liên kết với nhau lại để chống với hiểm họa cấp bách, hoặc giả khi một trong những kế hoạch của họ bị hăm doạ. Bất quá đây là một cuộc liên minh lỏng lẻo, rời rạc, nếu cuộc liên minh nầy dữ dội, đáng sợ, là nhờ nơi pháp lực cao cường của vài người trong bọn họ. Thỉnh thoảng, những công trình giúp đỡ nhân loại của các Ðức Chơn Sư của chúng ta, ngăn cản ý muốn của họ, lập tức họ trở thành kẻ thù địch ghê gớm. Ðối với Chơn Sư, thì họ không làm gì được các Ngài - tôi tưởng họ cáu tiết lên được - đôi khi, họ nhắm vào đám môn đệ của các Ngài mà hãm hại hầu làm cho các Ngài vì đó phải khổ tâm chán nản, trong ý họ tưởng đâu tâm trạng các Ngài cũng như thế đó. Những lời khuyên dạy ta nên hoài nghi họ là hữu lý, vì bọn người nầy hay phỉnh phờ ta, làm cho ta lầm lạc. Ðức Bà Blavatsky biết rõ tung tích họ và cũng tỏ ra vị nể họ nữa. Bà xem họ không khác chi bọn quỷ sứ cám dỗ người, khoái làm điều ác chẳng vì lý do nào khác hơn là lòng vui thích gây ra tội lỗi. Ðó là hạng Bàng Môn còn thấp kém. Còn những người quyền lực cao siêu thì thấy không lấy làm vui bất cứ là việc nào, nhưng mà những kế hoạch họ thực hiện luôn luôn có tính cách hoàn toàn tư kỷ, có thể đem đến kết quả tai hại cho nhiều người. Họ cũng trầm tĩnh, cũng đủ năng lực tự chủ, cũng trừ tuyệt dục vọng như bất cứ người Ðệ Tử nào của Ðức Chơn Sư. Họ còn luyện mình hơn thế nữa, bởi vì họ cố tâm tiêu diệt tất cả mọi cảm giác. Họ không hề làm hại ai chỉ vì lòng thích thú muốn làm khổ người, nhưng như tôi đã nói, kẻ nào cản trở công việc riêng của họ thì họ không ngần ngại gì mà không thủ tiêu người đó. Những người có phận sự giúp đỡ những kẻ ở trên cõi Trung Giới cũng có đôi lần cứu những nạn nhân của họ bị họ khuấy rối, và trong trường hợp nầy, họ đương nhiên ra mặt đối địch ngay.

 Chúng ta hãy trở lại đầu đề chính. Thật là khó tập ứng đáp với tình cảm của kẻ khác mà không xen chút đỉnh Phàm Nhơn của ta vào, và cũng khó có lòng thiện cảm hoàn toàn đối với kẻ khác mà không pha lẫn tình cảm của ta. Nhiều người quá xúc động vì nỗi khổ của người khác, nhưng rồi họ quên đi khi cảnh khổ ấy không còn phô bày dưới mắt họ nữa. Thí dụ, trong một đô thị Luân Ðôn chẳng hạn, nhiều người phú hộ cảm động khi trông thấy cảnh nghèo khổ xơ xác của những ngôi nhà ẩm thấp, dơ dáy, họ lập tức vận dụng tất cả khả năng của mình đặng làm nhẹ bớt gánh nặng đau khổ riêng của những người mà họ đã chứng kiến. Rồi sau đó, cũng mấy vị ấy đi săn bắn, câu cá, hay là dự các cuộc vui chơi và quên mất cái cảnh sống thảm não kia đi. Trong trường hợp nầy, nỗi ưu sầu của họ không phải hoàn toàn do bởi sự đau khổ của kẻ khác mà phát sinh, ấy là một sự đau lòng riêng, vì chính họ đã mục kích những sự thống khổ đó. Lòng thiện cảm thuộc loại nầy không giá trị bao nhiêu, vì nó không phải là lòng thiện cảm chân thật. Khi chúng ta cảm thông toàn vẹn sự đau khổ của nhân loại, chúng ta lần lần quên mất sự đau khổ của mình. Chúng ta quên nỗi đau khổ riêng của ta khi thấy cái đau khổ mênh mang vô tận đang đè nặng nhân loại. Dù sao, chúng ta nên biết rằng cái phần đau khổ đã định sẵn cho ta là một thành phần trong cái gánh nặng chung. Có được cái tinh thần hiểu biết như thế là người đã vượt cao lên trên Phàm Nhơn của mình rồi. Nó khổ tâm vì nhân sinh, chớ không vì cảnh đời bi đát của mình, mắt nó trở nên ráo lệ đối với niềm vui nỗi khổ riêng của nó.

 Hiểu cho đúng được những sự đau khổ của kẻ khác không phải là việc giản dị. Cách vài năm nay, Bà Chánh Hội Trưởng và tôi có khảo sát về vấn đề ảnh hưởng gây ra bởi sự đau khổ cho nhiều người, xét theo bề ngoài thì cũng là một thứ đau khổ chung về thể xác. Chúng tôi nghiệm thấy rằng trong trường hợp cực đoan, người nầy có lẽ đau đớn gấp ngàn lần hơn kẻ nọ và trong đời sống bình thường y cũng thường có thể đau khổ trăm lần nhiều hơn kẻ khác. Trong khi người nầy tỏ dấu đau khổ thì kẻ nọ lại thản nhiên như thường, bởi thế, chúng ta chớ nên kết luận rằng người sau có đủ can đảm hơn, hoặc sống một cách triết lý hơn, chưa hẳn đúng như vậy. Chúng tôi cũng nghiệm xét đến mức độ đau khổ của nhiều người khác nhau trong khi tủi nhục bị giam cầm. Người thì xem thường như không có gì hết, còn kẻ thì đau đớn về tinh thần và tình cảm đến tột độ. Ðừng nói như thế nầy vô ích: "Tôi không có cảm giác gì về việc đó, vậy thì những kẻ khác cũng phải không có cảm giác gì". Người ta không biết tới mức độ nào hay khuôn khổ nào mới làm cho kẻ khác cảm động. Tôi tìm thấy nhiều việc, đối với tôi không quan trọng tí nào, thế mà có thể làm cho đồng loại tôi đau khổ quá. Trái lại những tiếng vang động khó chịu thường xuyên là nguyên nhân khiến cho những người đã khai mở được những giác quan tinh vi đau đớn một cách dữ dội. Tôi đã thấy Bà Chánh Hội Trưởng của chúng ta có vẻ bức rức xốn xang khi vài ba chiếc xe lớn tiếp vận quân nhu, rần rộ kéo ngang qua chỗ ngụ của chúng tôi ở tại Ðại lộ Avenue Road, thành phố Luân Ðôn. Ðó không phải là bà chưa thống trị được thần kinh. Bà thường giải thích rằng nếu Ðệ Tử khai mở cảm giác mình thì đồng thời phải chế ngự thần kinh hệ đặng làm cách nào chịu đựng được sự đau khổ hay sự kinh động như thường, không hề nao núng.

 Trước khi được nghe, lỗ tai phải điếc.

 A.B. - Ðệ Tử phải hoàn toàn lãnh đạm đối với dư luận phê phán tình ý riêng của mình. Người ta có nghĩ hay là có nói điều gì tốt lành cho mình thì không nên lấy đó làm kiêu hãnh, bằng như nói xấu mình thì không nên đem lòng phiền muộn, nhưng đồng thời y cũng không nên lãnh đạm đối với những dư luận, vì dư luận ấy phản ứng lại chủ nó. Thế nên, Ðệ Tử không được xem thường những ý tưởng của kẻ khác đối với nó, do nó sinh ra, nếu vì cách cư xử của nó mà làm cho người ta phải tránh xa nó thì nó mất năng lực giúp đỡ họ. Ðệ Tử tiến bước trên Ðường Ðạo thì đạt được phép thần thông và cảm biết được kẻ khác tưởng nghĩ gì đến mình. Nó sống trong một bầu thế giới mà nơi đó, nó có thể nghe được những lời bàn tán về nó và thấy được tất cả những lời chỉ trích nó ở trong trí của kẻ khác bay ra. Nó tiến đến trình độ nầy khi vượt cao lên trên tất cả sự chỉ trích và không còn bị kích động vì những luồng dư luận của thiên hạ nữa. Có nhiều người ham muốn nồng nhiệt đạt cho được Thần Nhãn trước khi đi đến trình độ nầy, nhưng, nếu họ biết những điều tôi vừa nói đây thì sự hiểu biết cõi Trung Giới là mục tiêu mọi nguyện vọng của họ không còn quyến rũ họ nữa.

 C.W. L. - Người tiến hóa, khi nghe được những lời chỉ trích xúc phạm đến mình thì vẫn một mực thản nhiên. Huynh đừng tưởng rằng y giữ mình được như vậy là nhờ cương quyết dằn cơn nóng giận và nói rằng: "Ðiều ấy thật là gớm ghiếc, tôi không thèm lo nghĩ và để ý đến làm gì". Dĩ nhiên, y trải qua một giai đoạn tương tự như thế; nhưng y tiến rất nhanh đến một điểm mà lòng lãnh đạm của y trở nên tuyệt đối và hoàn toàn, do đó, những điều người ta nói về y, y vẫn xem như tiếng líu lo của chim hót hoặc tiếng ve sầu kêu. Những lời chỉ trích có thể chọc tức y, làm cho y khó chịu thật, nhưng chỉ có thế thôi. Nếu y không lựa chọn con ve riêng biệt đặng lắng nghe tiếng kêu của nó thì y cũng không kiếm được trong số những câu khiếm nhã mà y nghe được, cái tư tưởng nào hoặc lời nói nào đặc biệt.

 Cả thảy chúng ta phải cố gắng tiến đến trình độ nầy mà chúng ta hằng nói đến luôn, bởi vì đó là thái độ của các Ðức Chơn Sư của chúng ta trong cõi đời của các Ngài mà chúng ta ướm thử bước vào. Nhưng người ta sẽ nói: "Làm thế nào mong đạt cho được thái độ của các Ðấng Siêu Nhân ấy?" Ðành rằng không ai tiến đến trình độ đó tức khắc được, nhưng phải lấy đó làm mục tiêu và chúng ta cố gắng tiến lại gần, càng mau càng tốt, và một trong những phương pháp để thành công - thật là dễ - là đừng quan tâm mảy may nào đến những lời người ta nói về mình. Tiến đến đó rồi, bước kế là suy gẫm về quả báo xấu gây ra bởi những người đã nghĩ hoặc nói xấu chúng ta. Bấy giờ chúng ta có thể hối tiếc dùm cho họ và nhờ vậy chúng ta hết sức tránh những cơ hội khả dĩ làm cho người ta xét đoán lầm lạc và làm mích lòng mình, chẳng phải chúng ta bị xúc động vì những lời nói xấu ấy, nhưng mà, bởi vì chúng nó tạo ra quả xấu cho những người thốt ra chúng nó.

 Trước khi được nói trước mặt các Chơn Sư, lời nói phải mất hiệu lực lăng nhục.

 A.B. - Ðệ Tử phải từ bỏ tất cả điều gì có thể làm khổ cho đồng loại mình. Trong những giai đoạn đầu tiên, nó phải tập trừ khử, trong ngôn ngữ, cái chi có thể lăng nhục, chẳng những dứt sự chỉ trích chua cay hay những danh từ bất thiện cảm mà còn triệt hạ tất cả mọi lời nói xúc phạm đến người bằng cách, hoặc hạ danh giá họ, hoặc làm cho kẻ khác chú ý đến một trong những thói hư tật xấu của họ. Sự thật, có nhiều người ở vào địa vị mà họ có bổn phận đôi khi phải vạch những lỗi lầm của kẻ khác, nhưng họ làm quấy khi họ lầm tưởng rằng họ có quyền làm khổ người ta trong lúc họ làm bổn phận. Khi chỉ lỗi người một cách hoàn toàn thân mật thì không làm phật lòng ai cả: lời nói chỉ lăng nhục là khi nào bổn phận thi hành không đúng. Kẻ tình nguyện giúp đỡ người không đồng hóa với kẻ đối thoại mình thì lời khuyên bảo của y do ở bên ngoài đến nên người ta ít để ý tới. Nếu kẻ giúp mà hòa mình với người và thử giúp đỡ bằng cách chia sớt những ý kiến của họ thì y sẽ gây được tình thiện cảm trong những mối xúc động của họ. Nhờ nhận thức được mối thiện cảm ấy, họ sẽ làm thức tỉnh, trong bản tánh của mình, những khía cạnh tốt đẹp nhất, nhơn từ nhất và họ tiếp nhận lời khuyên bảo không xem như là cách bị lăng nhục. Nếu huynh có bổn phận chỉ trích người nào và nếu lời chỉ trích của huynh làm xúc phạm y, huynh hãy tự mình kiếm chỗ khuyết điểm, nguyên nhân xúc phạm ấy. Nếu chúng ta muốn mất hiệu lực lăng nhục thì cá nhân riêng biệt phải bị tiêu diệt, khi chúng ta cảm biết rằng đời sống vạn vật là một, thì chúng ta khó mà làm cho chúng sinh đau khổ vì tất cả đều là phần tử của chính mình chúng ta đây. Muốn tiến đến trình độ nầy, chúng ta phải bắt đầu gọt giũa dần dần lời nói của chúng ta, trước hết bằng cách sửa chữa những lỗi lầm nào dễ thấy hơn hết.

 C. W. L. - Tất cả những kẻ nào ước nguyện đến gần Ðức Chơn Sư cũng phải từ bỏ lòng ham muốn lăng nhục người bằng lời nói. Tuy vậy, cũng còn có thể lăng nhục được với một cách vô tình và vô ý thức, đó là do ở sự thiếu lòng trắc ẩn mà ra. Càng tiến bước thì càng nâng cao Tâm Thức chúng ta lên trên trình độ cao siêu, chúng ta nhận biết được, càng ngày càng rõ hơn, thế nào là phản ứng của kẻ khác. Những người đã nhiều năm dày công tham thiền cảm thấy mình trở nên nhạy cảm hơn và trong một phạm vi nào đó, người tiến gần đến sự hợp nhất. Vì vậy, họ biết những người xung quanh họ hơi rõ hơn những người không cố gắng trong sự tu tập đó. Trước mặt chúng ta, một người kia có một lối chỉ trích mà chúng ta xét ra thật quái ác. Nó chỉ trích một cách thành thật, nhưng không ngờ rằng lời mình nói là đáng trách và làm lăng nhục người. Nhờ suy gẫm, khảo cứu và cố gắng để sống một cuộc đời cao thượng mà chúng ta tinh luyện kha khá giác quan của chúng ta, tự nhiên, chúng ta cảm biết được người thứ ba sẽ có thái độ nào đối với lời chỉ trích đó mà chúng ta xét thấy rất tai hại và mong sao lời nói nên dùng một cách khác, nhã nhặn hơn.

 Ðức Chơn Sư không bao giờ nói một lời nào có thể làm lăng nhục người. Có khi Ngài xét ra cần phải khiển trách ai thì Ngài liền bày tỏ cách nào cho người bị quở không bị tủi nhục. Một vị Ðệ Tử đôi khi có bổn phận phải hành động một cách nghiêm khắc. Cái năng lực lòng thiện cảm riêng của nó liền thúc giục nó từ khước công việc ấy, nhưng nếu Chơn Nhơn xác nhận quyền lực của mình và nếu đó là điều cần thiết tuyệt đối, Ðệ Tử chẳng những sẽ nói một cách nghiêm khắc mà còn trầm tĩnh như một vị thẩm phán và không bao giờ nóng giận.

 Trước khi có thể đứng trước mặt Ðức Chơn Sư, Linh Hồn phải rửa chân nó trong máu của trái tim.

 A.B. _ Câu cách ngôn nầy, sau lưng nó có một truyền thuyết huyền bí rất lâu đời và di lưu cho con người bằng nhiều cách: nó liên quan đến giáo lý của sự hy sinh còn tìm thấy trong nhiều Tôn giáo dưới những hình thức khác nhau, mặc dù, xét về toàn thể, ý nghĩa của nó đã mất hết rồi. Danh từ đem dùng ở đây có liên hệ đến điều mệnh danh đôi khi là sự hy sinh của máu và sự liên kết của máu mà dấu vết kỳ lạ nhất còn roi truyền trong những bộ lạc còn sót lại trong những giống dân tộc xưa. Ngược dòng thời gian của những tiền kiếp, chúng ta đã ghi chép một việc xảy ra có thể làm cho chúng ta hiểu được cái ý tưởng chứa đựng trong sự hy sinh và sự liên kết của máu. Ðã lâu lắm rồi, Ðấng mà hiện giờ là Ðức Chơn Sư Morya, là một vị Hoàng Ðế. Ðứa con duy nhất của Ngài (là Ðức Bà H.P. Blavatsky) còn đương thời niên thiếu nên được phó thác cho vị Trưởng đoàn hộ vệ quân (là Ðại Tá Olcott). Ngày kia, Hoàng Tử ở một mình với ông Trưởng đoàn. Quân phiến loạn thừa dịp đó muốn hành thích Hoàng Tử; áp lại và thiếu chút nữa chúng giết được Hoàng Tử; nếu không có ông Trưởng đoàn liều mình, tả xông hữu đột che chở cho thì Hoàng Tử khó thoát nạn. Hoàng Tử chỉ có bất tỉnh, còn ông Trưởng đoàn nằm trên mình Hoàng Tử hoi hóp chờ chết, và dòng màu từ vết tử thương chảy ra ròng ròng, ông Trưởng đoàn lấy ngón tay thấm vào máu rồi chấm lên hai chân của Ðức Vua. Ðức Vua hỏi rằng: "Giờ đây Trẫm phải phải làm sao báo đáp công của Khanh đã liều mình với Trẫm và với con Trẫm". Ông Trưởng đoàn sắp tắt hơi bèn trả lời: " Xin Bệ Hạ cho phép Hoàng Tử và Hạ Thần được phụng sự Bệ Hạ mãi mãi trong những kiếp tái sinh". Ðức Vua liền đáp rằng: "Vì máu đã đổ cho Trẫm và cho dòng họ Trẫm mà sự liên kết cột chặt chúng ta sẽ không bao giờø dứt". Một thời gian sau, Ðức Vua thành một Ðấng Chơn Sư, sự liên kết vẫn tồn tại, nhưng với hình thức một sợi dây kết liên Ðức Chơn Sư và Ðệ Tử và mối liên kết nầy sẽ không bao giờ đứt đoạn. Nhờ hy sinh đời sống nhục thể của mình mà vị Trưởng đoàn đã tạo thành một sợi dây, nó ban cho Ngài một đời sống thật, một đời sống mà kẻ Ðệ Tử thọ lãnh của Ðức Thầy.

 Tôi thuật câu chuyện nầy lại cho huynh nghe vì nó chứa đựng một Chân Lý vĩ đại. Chúng ta càng có sức mạnh để hy sinh tất cả điều gì, đối với ta, là sự sống và rưới máu Phàm Nhơn dưới chân của Chơn Nhơn, thì thật ra, đời sống của ta thay vì sút kém đi, lại càng tăng trưởng thêm. Tất cả cuộc tiến hóa của nhân loại trẻ trung nầy thực hiện được là nhờ sự tình nguyện hy sinh đời sống thấp thỏi cho đời sống cao siêu. Khi sự hy sinh nầy được trọn vẹn, con người tìm thấy rằng, thay vì đời sống của mình bị tiêu diệt, nó lại trở nên trường sinh bất tử. Cái dấu hiệu bên ngoài của sự hy sinh giúp cho ta nhận thức được rõ ràng cái nguyên lý của sự hy sinh ấy, nó bắt ta chú ý đến cái Chân Lý căn bản nầy là đời sống thấp thỏi chỉ đạt được mục đích chơn thật cuộc tiến hóa của nó là khi nào nó hy sinh cho đời sống cao siêu. Cái Chân Lý nầy đầu tiên được tượng trưng bởi những sự hy sinh thường dùng trong nhiều tôn giáo. Sự liên kết của máu cũng tùy thuộc ở nguyên lý nầy. Ðời sống thấp thỏi hy sinh cho đời sống cao siêu và đời sống cao siêu nâng cao đời sống thấp thỏi bởi sợi dây liên kết đời đời, không bao giờ dứt. Ðệ Tử phải rửa chân mình trong máu của trái tim. Nó phải hoàn toàn hiến dâng tất cả những vật gì nó thương yêu và quí trọng, tất cả những điều gì nó xem như là tạo thành đời sống của nó, nhưng khi mất những vật ấy, nó đạt được đời sống cao siêu. Thường thường thì máu không có đổ thật sự, nhưng về thực tế, đôi khi máu phải đổ. Còn xét về mặt tượng trưng thì luôn luôn có sự đổ máu, nhưng chỉ liên quan đến Ðệ Tử trong thời kỳ hiện tại, bởi vì sự mất đó làm cho nó quá đau khổ. Thật sự nó hy sinh những gì, đối với nó, đã tạo thành đời sống nó và dường như những vật ấy mất đi, nó không sao tìm gặp lại được. Một cuộc thử lòng lớn lao xác định xem sự hy sinh của ÐệTử có được trọn vẹn không, và nhờ đó, mới thấy Linh Hồn có đủ năng lực tự ý lao mình vào cõi hư vô, rưới tất cả máu trong trái tim nó mà không mong gì sự ban thưởng. Nếu Ðệ Tử không đủ khả năng làm như vậy được thì nó chưa có thể đứng trước mặt Ðức Chơn Sư. Trái lại, ví như nó đạt đến trình độ từ khước tất cả những gì mà từ đó đến giờ nó cho là đời sống của nó thì lúc ấy cái bằng chứng của quákhứ và cái Chân Lý của Luật Trời tỏ cho nó biết rằng nó sẽ gặp lại tình trạng hiện hữu nầy trong một kiếp sống khác dõng mãnh hơn vàcao thượng hơn cái kiếp sống nó dứt bỏ. Sự hy sinh nầy phải thực hiện trước khi người Ðệ Tử bước qua đời sống cao siêu và đứng trước mặt Ðức Chơn Sư, nó đã mạnh mẽ vì nhờ một lòng cương quyết mà nó đã chứng tỏ trong khi thi hành sự hy sinh.

 C. W. L. - Câu nầy có nghĩa là con người ước nguyện đứng trước mặt các Ðấng Chơn Sư phải hy sinh Phàm Nhơn cho Chơn Nhơn. Chơn của Linh Hồn tức là Bản ngã của nó phải rửa trong máu của trái tim hay là của tình cảm, trước khi có thể tiến đến đời sống cao siêu.

 Ðó là định luật chung trong cõi đời nầy. Ðứa nhỏ rất vui thích với món đồ chơi của nó, nhưng lớn lên, những cuộc vui của đời thơ ấu không còn thích hợp với tuổi nó nữa. Nó bỏ đồ chơi ấy để đeo đuổi theo việc tập luyện đặng trở nên giỏi giắn trong các cuộc thao dợt đúng đắn hơn. Nơi học đường, kẻ thiếu niên muốn chăm học thì thường hay từ bỏ những cuộc nô đùa chơi giỡn ngoài trời, điều mà nó rất ưa thích, hay là nó bỏ thú vui đọc sách và cặm cụi hoặc trong những động từ Hy Lạp, hoặc trong các cuộc khảo cứu khác, đối với nó, không hữu ích bao nhiêu. Nếu nó tập dợt để tham gia một cuộc chạy thi đua, hoặc chèo thuyền thì nó từ chối những buổi ăn thịnh soạn và ép mình dùng những bữa ăn thanh đạm và chọn lựa kỹ lưỡng cho tới khi mãn cuộc đua.

 Trên đường Huyền Bí Học, người ta biết rằng nhiều thú vui ở thế gian chỉ là một việc làm mất thì giờ. Có nhiều trường hợp cần phải có một nỗ lực thực sự mới tránh xa chúng nó được; có tiếng gọi của đời sống cao siêu, kẻ ûchí nguyện đáp lời liền, nhưng phải thương tổn đến Phàm Nhơn mình. Muốn đạt cho được đời sống cao siêu, nó phải bỏ liền đời sống thấp thỏi; rồi về sau đó nó không còn quyến rủ huynh được nữa. Từ khi con người hiểu biết đầy đủ đời sống cao siêu thì đời sống thấp thỏi, đối với nó đã chấm dứt. Nhưng trong nhiều trường hợp nó bị bắt buộc phải dứt bỏ đời sống thấp thỏi trước khi thực sự bước chân vào sự vinh quang và sự an lạc của đời sống tinh thần. Tôi biết lắm người gặp cơ hội thuận tiện lại lùi bước trước điểm nhất định nầy. Họ sẽ thất bại vì không sẵn sàng hy sinh tất cả những điều họ đã thọ hưởng trước kia, bởi chưng bên ngoài, không thấy được cái gì đền bù lại. Thường thường, người ta sợ buông cái nầy ra trước khi có thể bắt cái khác, nên bấu víu vào cái ít cao hơn, nhưng cũng chưa được thỏa mãn, vì họ thoáng thấy cái cao hơn nữa. Tất cả đều phải hy sinh cho tiếng gọi của Ðức Chơn Sư ư? Người ta tự hỏi không biết hy sinh như thế có thể được không? Luôn luôn họ nghĩ đến điều đó và ước ao sẽ thi hành sự hy sinh cho kỳ được, nhưng khi cơ hội đến, liệu huynh có thể hy sinh một cách trọn vẹn và không phiền muộn chăng? Biết bao nhiêu người làm việc từ năm nầy qua năm nọ mà vẫn ngạc nhiên sao mình không đạt được kết quả và không có mặt trong số những vị Ðệ Tử được Ðức Chơn Sư kêu gọi đến bên cạnh mình Ngài. Lý do cũng luôn luôn thế nầy: ấy là Phàm Nhơn dưới hình thức nầy hoặc dưới hình thức khác ngăn trở họ không cho bước tới. Sự hy sinh hoàn toàn nầy không thực hiện được bởi họ kiếm cớ lần lựa qua ngày, hôm nay cho ra, ngày mai tìm cách lấy lại, cũng chẳng phải, với sự tự kiêu cho "Mình là kẻ đã cho tất cả". Thái độ nầy không giá trị gì hết. Phải thi hành sự hy sinh như là một việc rất tự nhiên và rất bình tĩnh. Người sắp thành công tự nhủ rằng chỉ có một thái độ là tự giải quyết khi nào gặp cơ hội hy sinh lớn lao.

CHƯƠNG THỨ BA

 -----*****-----

 QUI TẮC THỨ NHẤT

 Hãy diệt...

 A.B. - Mỗi qui tắc ngắn đều khởi đầu bằng danh từ "diệt". Ðiều cần thiết phải hiểu cho đúng nghĩa chữ diệt ở đây. Có hai cách loại trừ hay tiêu diệt một tư tưởng xấu, một hành động xấu. Chúng ta hãy khảo sát tư tưởng trước nhất, vì bởi tư tưởng mà bị tiêu diệt rồi thì các thứ khác còn lại cũng bị tiêu diệt một cách dễ dàng. Thí dụ: một tư tưởng xấu phát sinh trong trí một người nào đó, y nghiệm thấy rằng tư tưởng ấy có một khuynh hướng tự lập đi lập lại mãi. Thường thường hành động đầu tiên của y là chiến đấu với tư tưởng ấy bằng cách chống lại với tất cả sức mạnh của mình và đánh đuổi nó mãnh liệt như khi y đối địch với kẻ thù bằng thịt bằng xương vậy. Nhất định y phải tống khứ tư tưởng ấy ra khỏi trí, y chụp lấy hai vai nó và liệng quách nó ra ngoài. Tuy nhiên, phương pháp nầy chưa phải hoàn hảo, vì nó không biết cái định luật to tát đương vận hành khắp nơi trong thiên nhiên là sức động và sức phản động, vừa cân nhau vừa chống nhau. Huynh liệng một quả banh vô vách, banh sẽ dội trở lại, trúng huynh nhẹ nếu huynh liệng nó nhẹ, trúng huynh mạnh nếu huynh liệng nó mạnh. Cũng một nguyên tắc như thế đó được xác nhận khắp mọi nơi. Giả tỉ huynh đuổi một tư tưởng ra khỏi trí huynh mãnh liệt khi có một sức phản động rõ rệt phát sinh. Huynh không chống nổi sức phản động ấy, huynh nhượng bộ tức là huynh cảm thấy mình đuối sức thực sự và tư tưởng nầy có thể trở lại trí huynh với một sức mạnh càng mãnh liệt thêm lên. Tinh lực huynh đem ra dùng thâm nhập vào tư tưởng, nó trở lại với huynh và bắt huynh phải mở lại một cuộc chiến đấu khác nữa. Ở trong tình trạng nầy, người ta có thể đôi khi chiến đấu trong nhiều tuần lễ, nhiều tháng hoặc nhiều năm mà không thấy ích lợi gì cả. Tuy nhiên, nhờ thời gian, huynh có thể diệt được một tư tưởng xấu, nhưng phải chịu tiêu hao một phần lớn sức lực, tinh lực và trí lực của huynh cho đến đỗi cuộc chiến đấu ấy sẽ đưa đến kết quả là một phần nào trong lãnh vực của Thể Trí bị chai cứng và suy nhược đi. Có một phương pháp khác để diệt tư tưởng là cách thay thế tư tưởng xấu bằng một tư tưởng tốt cùng loại tương phản nhau. Huynh bắt đầu khảo cứu kỹ lưỡng vấn đề nầy và nhất định xem tư tưởng tốt nào trái nghịch với tư tưởng xấu đó. Huynh hãy phát sinh tư tưởng mới trong trí huynh một cách trầm tĩnh và khi nào tư tưởng xấu đột hiện, huynh hãy nghĩ đến tư tưởng tốt đối lập với tư tưởng xấu ấy đặng thay thế nó. Huynh có thể thay thế tư tưởng như thế nầy: Tánh kiêu hãnh thay thế bằng đức từ bi, sự nóng giận thay thế bằng tình thương yêu, sự lo sợ thay thế bằng lòng hâm mộ, lòng vật dục thấp hèn thay thế bằng tư tưởng trong sạch, tự trọng, danh dự và các tư tưởng tương tợ khác. Huynh cũng có thể chú định vào tư tưởng sùng kính Ðức Chơn Sư, vì đức tánh nầy biểu lộ luôn luôn nơi Ngài và huynh có thể quên mình đi bằng cách tưởng nghĩ đến Ngài. Thể Trí của con người không thể nào tập trung một lúc hai đối tượng khác nhau được, nếu huynh chú trọng vào một tư tưởng tốt thì tự nhiên tư tưởng xấu bị đuổi ra khỏi Trí mà không cần phải dùng sức đối kháng. Trí lực không bị phung phí và sinh lực cũng không bị tiêu hao. Tư tưởng tốt sẽ lấy sức lại liền, Thể Trí khỏi bị tư tưởng xấu tấn công và không còn ứng đáp với tư tưởng cùng loại đó nữa. Vì vậy, tóm lại, huynh đã diệt cái xấu bằng cách làm tăng sức và phấn khởi cái tốt tương phản với nó. Dường như khi rút hết sinh lực của tư tưởng xấu đi thì nó chỉ còn là một cái vỏ trống không. Diệt tư tưởng theo cách nầy thì rất hiệu nghiệm. Thế nên, chúng ta có hai phương pháp để diệt trừ tư tưởng: Phương pháp thứ nhứt là phương pháp tiêu diệt. Phương pháp thứ hai là phương pháp khai triển. Phương pháp thứ nhứt thường được những người mới bước chân vào đường Tả Ðạo đem ra dùng, nó trái nghịch với Thiên ý. Phương pháp thứ hai là sự tiến hóa đúng theo Thiên Cơ đã định. Hai con đường đó đều mở rộng cho chúng ta được tự do chọn lựa. Trong cõi thế gian nầy, tất cả đều tiến hóa, tất cả đều theo con đường nầy hoặc con đường nọ. Trong lãnh vực Thái Dương Hệ của Ðấng Tối Cao mà trong đó phát triển Hình Thức của Ngài, có một phần tự do ý chí nghĩa là những lãnh vực ấy có thể hoạt động hòa hợp với Thiên ý hay là hoạt động một cách độc lập như những cá nhân riêng biệt. Kẻ nào hợp tác với Ðấng Tối Cao, chung cuộc sẽ theo đường Chánh Ðạo, còn kẻ nào cố tâm chọn lối sống riêng biệt thì sắp sửa đi trên đường Tả Ðạo. Nói một cách tổng quát thì tất cả điều gì dẫn đến sự cô độc thì thúc giục con người qua bên Tả Ðạo, còn tất cả điều gì hướng về sự hợp nhất thì dắt con người qua bên Chánh Ðạo. Những người theo học phái Tả Ðạo, diệt mất thiện cảm, tình thương và lòng bác ái, bởi vì họ nhận thấy rằng những đức tánh nầy là nguyên nhân của sự đau khổ và ngoài ra chúng nó còn ngăn trở sự khai mở những phép thần thông. Cho nên, phương pháp tiêu diệt thường được những vị tìm luyện phép thần thông vào mưu đồ lợi ích khác ưa thích vì những việc ấy họ xem như là điều hoài bảo của kiếp sống hiện tại, và như thế, để củng cố và thỏa thích bản ngã riêng biệt. Họ không bao giờ nghĩ đến hạnh phúc chung của toàn thể, vì họ chăm chú vào sự tiến bộ và sự thắng lợi riêng của họ. Họ tiêu diệt mãnh liệt, trong bản tính của họ, tất cả những gì làm ngăn trở sự phát triển phép thần thông. Họ cũng tiêu diệt luôn tình thương vì họ cho đức tánh đó dẫn đến sự phiền não và họ tiến đến sự lãnh đạm rất dễ dàng bằng cách diệt mất tình thương hơn là bằng cách phát triển càng ngày càng sâu đạm thêm lòng cảm xúc. Phương pháp đem ra dạy chúng ta là phương pháp hợp nhất, ấy là con đường mà kẻ Ðệ Tử phải ứng đáp với tất cả những tiếng kêu đau thương trong quyển Tiếng Nói Vô Thinh đã nhấn mạnh. Ðệ Tử không được thâu hẹp mà phải phát triển đời sống mình. Nó phải tùng phục Luật Trời mà không được chống lại, thì tự nhiên, lúc bấy giờ, Luật Trời sẽ đứng một bên nó. Phương pháp của Ðệ Tử nhắc nhở ta nhớ đến cách đấu vật của Nhật Bổn và trong cuộc chiến đấu ấy, người thắng trận là nhờ biết khéo nhượng tay cho kẻ nghịch. Y cứ nhượng và mãi nhượng cho đến lúc nguy cấp, y mới làm một cử động bắt buộc đối thủ phải dùng sức và chính sức ấy trở lại hại đối thủ. Ấy là đúng theo nguyên tắc về đạo pháp Yoga bên Chánh Ðạo. Ðức Krishna có nói về đạo pháp Yoga trong quyển Thánh Ca (Bhagavad Gita) như vầy: " Theo đó, thì không phí sức, không phạm pháp ". 

 C. W. L. - Có nhiều người, khi nghe lời dạy bảo phải diệt sự ham muốn thì bắt đầu công kích dữ dội nó và muốn diệt tánh xấu nào, thì họ dùng toàn lực chống lại, gần như là tức giận lắm. Do đó, mới có cái kết quả nầy là họ khiêu khích sự đề kháng hung tợn nhất trong tất cả những lực lượng nghịch ở bên trong hoặc ở bên ngoài. Một cuộc chiến đấu nghiêm trọng, vì thế, bắt đầu. Người có đầy đủ ý chí, chung cuộc cũng đem lại sự thắng lợi cho mình, nhưng lắm lúc vì phí nhiều sức lực, tinh lực và trí lực mà sức y bị kiệt quệ và mòn mỏi đi. Tôi có thể quả quyết rằng phương pháp thay thế là rất hiệu nghiệm. Tôi đã đem áp dụng thử hai phương pháp đó, ấy là một lối võ Nhu thuật (Jiu Jitsu) tinh thần lợi dụng sức mạnh của đối phương giúp mình. Huynh ít tấn công kẻ nghịch hơn là tập trung tất cả sức chú ý của huynh vào đức tánh đối lập. Thí dụ, nếu một người kia có tánh lau chau mà hay nổi nóng, y không nên công kích ngay tánh xấu đó mà phải luôn luôn chú định tư tưởng của mình vào sự điềm tĩnh, an lạc và nhẫn nại. Nhờ thói quen tư tưởng nầy, sớm muộn gì, cũng sẽ trụ lại được. Y sẽ nhận thấy rằng tánh lau chau và sự thiếu bình tĩnh xưa kia đã tiêu mất, không chống lại một cách thất vọng nữa. Nếu y cứ bao bọc chung quanh mình những hình tư tưởng như thế nầy: "Ðừng nóng giận" vân vân... thì màu sắc của hình tư tưởng ấy luôn luôn là màu sắc của sự nóng giận và y lại bị phản ứng xấu xa của hình tư tưởng ấy nữa. Nhưng nếu y tưởng mạnh mẽ như vầy: "Hãy điềm tĩnh, tử tế, an lạc" thì nó phát sinh ra những làn rung động thuận lợi và những làn rung động ấy, tự nó, lại sinh ra sự bình tĩnh và sự điều hòa. Chúng ta không muốn lấy một tật xấu để chống lại với một tật xấu. Chúng tôi muốn không biết đến tật xấu nào cả và muốn khai triển đức tánh tốt đẹp mà thôi. Kết quả cũng sẽ được tốt đẹp vậy, và chúng tôi sẽ đạt được kết quả không có gì khó nhọc lắm. Chúng ta nói: "Hãy diệt lòng ham muốn" chớ không phải bảo: "Hãy diệt tình cảm". Những tình cảm thanh cao luôn luôn được khuyến khích, càng mạnh càng tốt, nhất là về tình thương chân thật và lòng sùng tín thì nên đào luyện cho có phương pháp. Khi trong lòng một người phát sinh loại tình cảm thanh cao nầy thì hào quang của y nở lớn ra. Thể Vía của y, trong trường hợp của một người thường, có thể chiếm thể tích mười lần lớn hơn lúc bình thường và càng nở lớn hơn nữa khi con người biết dùng những Thể cao siêu của mình. Khi thời kỳ nẩy nở cực độ của tình cảm chấm dứt, hào quang thu nhỏ trở lại, không như hồi trước, mà bây giờ to lớn hơn xưa chút đỉnh là nhờ nó vừa mới phát nở ra đó. Sự nẩy nở nầy đưa đến một kết quả đầu tiên là chất khí của Thể Vía kém đi rất nhiều, nhưng Cái Vía rút thật nhanh chất Thanh Khí lấp đầy khoảng mới nở lớn thêm ra và lấy lại gần đúng mật độ thường lệ của nó. Thể Vía rất cần thiết, nó giúp cho ta gây được thiện cảm với kẻ khác, hơn nữa, nó dùng làm tấm gương cho Kim Thân (Thể Bồ Ðề) dọi xuống. Ở nơi người tiến hóa cao, những màu sắc duy nhất lộ ra trong Thể Vía là phản ảnh của các cảnh giới cao siêu, Thể Vía chỉ phản chiếu và phô bày những màu sắc tốt nhất mà thôi. Chơn Nhơn có ba cách giao thông với Phàm Nhơn. Thượng Trí phản chiếu xuống Hạ Trí. Kim Thân hay là Thể Trực Giác phản chiếu xuống cõi thấp kế bên là Thể Vía. Giữa Tiên Thể và óc xác thịt cũng có sự liên quan với nhau. Mối liên quan nầy là một điều khó hiểu nhất.

 Ðây là sức mạnh phi thường của ý chí biểu lộ, không cần nghĩ đến phương tiện để đạt tới mục đích. Ấy là phương pháp của cung thứ nhứt, cung của Bà Annie Besant. Bà có một năng lực to lớn quyết định làm là không cần nghĩ đến phương tiện để đem ra thi hành, điều đó bà sẽ nghĩ sau. Giới hạn của ý chí con người không biết đến đâu là cùng. Người ta bảo đức tin có sức dời non lấp bể. Tôi không biết rõ sự ích lợi đặc biệt của đức tin nầy sẽ đem lại cho con người, nhưng quả thật tôi thấy những kết quả phi thường do ý chí con người tạo ra không biết đâu là bờ bến. Chỉ có ý chí mà thôi, nhất là trên những cảnh giới cao siêu, ý chí tạo ra nhiều kết quả không thể tưởng tượng được. Thí dụ, khi tôi nghiên cứu cách hiện hình, tôi phải học cho đúng cách thức thực hiện sự hiện hình ấy, theo như phương pháp tôi đem ra áp dụng, công việc đó hơi phiền phức cần có một sức hiểu biết khá chính xác về những chất khí khác nhau hợp lại và sắp lại cho có thứ lớp những chất khí ấy một cách khéo léo. Thế mà tôi được biết một người hoàn toàn không hiểu chi về tất cả những điều tôi nói trên đây, song nhờ có một ý chí mạnh mẽ vô cùng mà y hiện hình được tức khắc, khỏi phải hợp lại tất cả các yếu tố khác nhau cần thiết cho sự hiện hình đó, không cần biết phương pháp phải theo. Một ý chí hùng mạnh vừa nói trên là một trong những năng lực tiềm tàng ở trong giới chúng ta, nhưng rất ít ai biểu lộ được ý chí ấy hầu tạo nên một kết quả phi thường như thế, khỏi phải mất công phu nhiều năm chuyên cần học tập. Thường thường, tôi tưởng cách giao thông dễ dàng hơn hết với Chơn Nhơn là hợp nhất Thượng Trí với Hạ Trí, đi từ tư tưởng cụ thể đến tư tưởng trừu tượng, hay đi từ phân tích đến tổng hợp. Tuy nhiên, tôi thấy có nhiều trường hợp Bồ Ðề Tâm phát hiện nhưng không làm rối loạn mối giao thông thường lệ giữa HạTrí và Thượng Trí. Tôi nhờ một Ðấng Cao Cả dạy cho biết rằng sự hợp nhất giữa Kim Thân và Thể Vía là một con đường giao thông ngắn nhất, nhưng muốn đủ khả năng thực hiện sự hợp nhất ấy thì phải chịu nhiều đau khổ ở những tiền kiếp. Nhờ cố gắng mở rộng lòng bác ái và sùng tín mà nhiều người đem mình vượt cao lên đến cõi Bồ Ðề và hiệp nhất với Kim Thân. Tuy nhiên, Hạ Trí của họ chưa tiến đến thời kỳ có thể phát triển tới trình độ hợp tác được với Thượng Trí và chính Thượng Trí, tự nó, cũng chưa được mở mang. Khỏi phải nói, ta cũng biết rằng Thượng Trí và Hạ Trí đều cần phải được khai triển vì chưng hai thể ấy không phải là không quan trọng. Từ Thể Vía mà kẻ chí nguyện tác động đến Hạ Trí và vì có lòng bác ái và sùng tín mà nó sẽ rán sức khai triển Hạ Trí và học hỏi tất cả những điều gì phải học hỏi. Ðệ Tử có một tấm gương thương yêu thâm thúy đối với Ðức Sư Phụ mình nên nó sẽ cố gắng đạt được sự hiểu biết mong muốn và do đó, càng cần bao nhiêu thì nó càng mở mang trí thức của nó bấy nhiêu hầu để phụng sự Ngài. Trên cảnh giới cao siêu, Ðệ Tử cũng cảm đến Nhân Thể (Thể Thượng Trí). Nó truyền xuống Nhân Thể ý thức Bồ Ðề và bắt buộc Nhân Thể tiếp nhận sự hiểu biết đó trong phạm vi mà Thể nầy đủ năng lực lãnh hội tùy theo phương tiện của nó.

 Hãy diệt lòng tham vọng.

 A. B - Giờ đây chúng ta bắt qua qui tắc thứ nhứt đặc biệt đối với lòng tham vọng. Người chưa tiến hóa thì chịu bất lực dưới quyền lệ thuộc gắt gao của sức quyến rủ vật dục. Nó muốn cho được sung sướng tấm thân và hưởng những khoái lạc của xác thịt. Trước khi Thể Trí chưa thật khai triển rộng lớn và các năng lực trí thức chưa đủ sức mạnh thì nó không sinh lòng tham vọng hay là không có ý muốn quyền thế. Cái âm điệu riêng của cá nhân chính là âm điệu của trí tuệ, nó lại tạo cho con người có một ý thức là mình riêng biệt với kẻ khác, lẽ dĩ nhiên nó dắt con người đến việc ham muốn được sử dụng quyền thế, hồn con người nhờ ý muốn ấy mà củng cố đời sống riêng biệt của nó. Nó cảm thấy mình cao thượng hơn mọi người chung quanh, điều nầy phô diễn ra bằng sự ham muốn quyền thế thống trị về mặt vật chất, do đó mới toan tìm kiếm và sử dụng quyền hành chính trị và xã hội. Trong địa hạt chính trị xã hội, lòng tham vọng là động lực lớn vì con người nhờ trí khôn của mình mà gây được ảnh hưởng trong đồng loại và xuất hiện như là một vị lãnh tụ, đây cũng là một thứ hương thơm xông lên mũi con người kiêu căng và ngạo mạn. Kế đó, con người bắt đầu khinh thường cái quyền thế bên ngoài mà nó dùng để áp chế đồng loại mình. Nó lý hội được ý niệm của một thứ quyền thế tinh vi hơn mà nó tìm cách đạt cho được. Nó không còn nghĩ đến các qui định luật pháp nhờ sự thống trị hình thể. Lòng tham vọng của nó tinh vi hơn: nó muốn thống trị và chỉ huy những bậc trí thức - đó là lòng tham vọng về trí thức - lòng ham muốn trở nên là một lãnh tụ trí thức. Muốn có lòng tham vọng như thế thì phải là người được khai mở về mặt trí thức rất cao. Về sau, khi ý muốn nói trên, không hợp thời nữa, thì lòng tham vọng lại xuất hiện dưới một hình thức tinh vi hơn nữa, trong lúc con người bước qua đời sống tinh thần. Y cho rằng những bước tiến bộ về tinh thần của y vốn chính y thực hiện được và thực hiện cho, chính y muốn tăng trưởng, hiểu biết và tiến bộ. Kỳ thật, lòng tham vọng xưa vẫn còn nắm giữ y, nó càng trở nên nguy hiểm hơn khi mà nó cao siêu hơn và tinh vi hơn. Vì lẽ ấy mà lời chú thích bổ túc cho câu cách ngôn, Ðức Chơn Sư có phụ thêm mấy lời tuyên bố đặc sắc nầy: "Người nghệ sĩ chân thành làm việc vì lòng yêu nghệ thuật, đôi khi thành thật bước vào con đường ngay chánh hơn là nhà Huyền Bí Học, tưởng rằng không còn tham luyến cái gì cho bản thân mình nữa, nhưng mà, kỳ thật, y chỉ nới rộng giới hạn của sự kinh nghiệm và sự ham muốn và đem quyền lợi của y đặt lên trên những vật mà chân trời mở rộng của đời sống huynh đệ cung hiến cho y". Nếu nhà Huyền Bí Học không hạn định sự ham muốn của mình trong kiếp sống hiện tại thì lòng tham vọng của y rất có thể còn sống sót. Y không thiết làm một nhà lập pháp hoặc một vị đế vương hay là một viên trọng tài trong địa hạt trí thức nữa mà lại muốn chiếm một địa vị cao cả trong giới tinh thần. Y nghiệm thấy rằng những kiếp luân hồi liên tiếp chỉ là một kiếp sống và lòng tham vọng của y bao hàm tất cả thời gian của đời sống kéo dài nầy. Y cũng còn muốn cho được là người đứng đầu, sống biệt lập và thành cái gì mà những kẻ khác không thành được. Lòng ham muốn nầy cũng cần phải diệt trừ. Ðiều trước nhất để khuyên nhủ những kẻ nào có ước vọng chia sớt đời sống nhất quán là phải diệt yếu tố chia rẽ. Tuy nhiên, không ích lợi gì mà đem đặt một lý tưởng như thế dưới mắt của người thường, vì họ không đủ khả năng lao mình liền từ đời sống trần tục nầy vào đời sống tinh thần, nơi đây họ sẽ hoạt động mà không thực hành cái chi cho bản ngã hay là cá nhân mình. Nếu huynh bảo một người thường hãy diệt lòng tham vọng và kể như y đem thực hành lời nói ấy thì cũng thấy không ích lợi gì. Y sẽ sinh tật lười biếng và không làm việc gì hết. Thí dụ, một người kia tiến hóa hơn và đang đi trên con đường Nhập Môn, y sẽ hiểu qui tắc về lòng tham vọng đó như thế nào? Y sẽ áp dụng một cách rất khôn ngoan danh từ diệt theo như hình thức thấp thỏi của lòng tham vọng. Sự thật y phải xem chữ diệt ấy như à đồng nghĩa với sự thay đổi. Trong khi dứt lòng ham muốn những vật ở trần gian, y phải trù tính một mục đích cao cả hơn cho xứng đáng với lòng ham vọng của y: ấy là lòng tham vọng học hỏi và tăng trưởng về tinh thần. Ðến trình độ nầy con người cũng chưa hoàn toàn cởi bỏ được lòng tham vọng. Y bước qua một tình trạng trung gian và sẽ tiến bộ rất nhiều, nếu mục đích của y là đạt được sự hiểu biết tinh thần, hạnh ngộ Chơn Sư và sau rốt chính mình thành một Ðức Thầy (thành Chánh Quả). Kỳ thật, tất cả những điều ham muốn trên đây cũng còn là lòng tham vọng, nhưng chúng nó sẽ giúp kẻ Nhập Môn loại bỏ nhiều chướng ngại làm tê liệt Phàm Nhơn. Lòng tham vọng nầy mà vị Ðệ Tử phải lo diệt trừ không phải là không hữu ích cho y trong cuộc tiến hóa trước đây, vì nhờ có lòng ham vọng mà cá nhân y được củng cố và định hình. Trong những giai đoạn đầu tiên, con người mở mang là nhờ mình sống biệt lập. Sự tiến hóa của Thể Xác và Thể Trí bắt buộc phải tranh thủ và chiến đấu. Tất cả mọi giai đoạn của sự chiến đấu và tranh đua ấy có sự hữu ích của nó trong việc cấu tạo cá tánh và tạo cho nó một sức mạnh cần thiết để duy trì trung tâm điểm của nó. Cần cho nó có một chỗ trú ẩn đặng che chở những loạt tấn công bên ngoài mà nhờ ở trong đó nó mới có thể phát triển được sức mạnh của nó và cũng cần cho nó những thắng lợi vinh quang của cảnh phù hoa thế sự, mục tiêu của lòng tham vọng. Cũng như muốn cất nhà thì phải dùng giàn trò. Mới đầu, lòng tham vọng dùng được nhiều việc: dựng lên một bức tường và làm cho nó được kiên cố hơn, tăng cường nghị lực, giúp đỡ con người, từ bước một, trong những bước tiến thủ của nó. Người nào mà lòng tham vọng chiếm ưu thế cũng bóp nghẹt sự ham muốn ái ân và nhiều tật xấu khác, bởi vì chúng nó làm trở ngại sự phát triển tinh thần và sự thủ đắc tài năng. Như thế, con người chế ngự được những dục vọng thấp hèn của mình. Huynh không nên bảo người đời: "Hãy diệt lòng tham vọng", bởi vì lòng tham vọng kích thích nó và làm cho những tánh tình của nó hiện ra. Nhưng khi làm Ðệ Tử rồi con người phải tiến đến đời sống tinh thần, nó phải đạp đổ bức tường bao quanh mình nó trong những giai đoạn xa xưa. Ngôi nhà kiến tạo xong, giàn trò phải phá bỏ. Cũng thế, sự tiến hóa sau nầy của nhân loại là làm sao cho những bức tường ấy trong suốt, hầu tất cả sự sống nào cũng có thể xuyên qua được. Vì thế, những qui tắc nầy để cho Ðệ Tử chớ không phải để cho người ngoài đời.

 C.W. L. - Người chưa tiến hóa thì lòng tham vọng biểu lộ, thí dụ, như là ham muốn của cải hầu thỏa mãn ý muốn được sung sướng và những khoái lạc của xác thân. Về sau, khi trí tuệ mở mang, con người lại ham muốn quyền tước. Dù mà con người đã vượt cao lên trên lòng tham vọng và sức quyến rủ của cõi đời nầy, và tình nguyện làm việc để giúp đỡ chúng sinh thì thường khi nó cũng còn lòng tham vọng là muốn thấy kết quả những sự cố gắng của mình. Nhiều người rất sẵn lòng và rất đúng đắn đem dùng thời giờ của mình để làm việc lành, nhưng họ lại thích cho những kẻ khác biết và nói tốt cho họ như vầy: "Thật mấy ông đó nhân đức và hữu ích quá". Ấy cũng còn là lòng tham vọng, có lẽ nhẹ hơn nhiều tánh khác, tuy đó là lòng tham vọng riêng biệt của cá nhân, nhưng hễ tất cả điều gì riêng biệt của cá nhân thì làm chậm bước người Ðệ Tử.

 Phàm Nhơn phải hoàn toàn bị tiêu diệt. Ðây là việc làm khó khăn vì rễ đã ăn rất sâu, khi rễ ấy bị bứng lên thì con người nhỏ máu và hình như chính quả tim của nó bị cắt đứt đi. Sau khi diệt được ý muốn thấy kết quả công việc của mình làm, chúng ta cũng còn có ý muốn thấy việc làm đó được ban thưởng một cách trọng hậu hơn. Có lẽ chúng ta còn tham muốn tình thương; chúng ta mong được thiên hạ hoan nghinh. Ðắc nhân tâm, được thiên hạ yêu mến mình là điều tốt đẹp và hữu ích, nhờ đó thế lực mà người sẵn có lại tăng gia. Nó giúp con người hoàn thành được nhiều công việc mà huynh không thể làm nếu không có chuyện đắc nhân tâm và nó cũng bao bọc mình nó một lớp không khí êm đềm khiến cho mọi thứ công tác đều dễ dàng. Nhưng cái ý muốn được lòng dân chúng, nếu có tính cách tham vọng thì ta cũng nên tránh xa. Nói một cách hợp lý thì chúng ta có thể nếm hạnh phúc của chúng ta nếu tình thương đến với chúng ta: Ðiều đó tốt đẹp và chánh đáng, ấy là quả lành. Nhưng nếu tình thương quay đi chỗ khác thì đừng mơ ước nó. Chúng ta không thể chụp lấy một người nào và nói với họ rằng: "Tôi bảo anh phải thương tôi, tôi bảo anh phải thích tôi". Nếu kẻ đối thoại sẵn lòng, nó sẽ thi hành theo lời ta, bằng như nó không chịu thì không có gì xấu hơn hết là muốn bắt buộc người. Khi vượt lên trên tất cả mọi giai đoạn của lòng tham vọng, còn tồn tại trong cõi thế gian nầy, chúng ta phải cho vì lòng vui thích mà cho, dù là công việc của ta, dù là của bố thí của chúng ta, dù là tình thương của chúng ta hoặc là lòng sùng tín của chúng ta, luôn luôn cứ cho ra một cách rộng rãi với tấm lòng vui vẻ, thành thật, không hề nghĩ đến sự ban thưởng nào. Ấy đó mới là tình thương chơn thật, chớ không phải là người không ngớt tự nói rằng: "Người đó thương tôi đến bực nào?" Trái lại phải nói: "Làm sao đem đặt dưới chân người tôi thương, trọn vẹn tấm thân tôi để cung hiến cho người? Làm cái gì cho người đây?" Chỉ có tình thương duy nhất ấy mới xứng đáng mang cái danh từ tốt đẹp là tình thương. Tất cả những điều trên đây, chúng ta đều hiểu biết rành mạch hết, nhưng cần phải đem nó ra thực hành. Dường như điều ấy đôi khi cũng khó khăn, vì cần phải loại trừ một phần còn lại của bản ngã thấp hèn (Phàm Nhơn). Ðối với người thường, có lẽ cũng như đối với người bước gần đến Thánh Ðạo, tôi tưởng, tốt hơn là chỉ rõ đến một điểm nào đó và nói rằng: " Hãy diệt lòng tham vọng thấp hèn". Không có ai bảo đưa ra cho một người tân tín đồ một kiểu mẫu hạnh kiểm mà nó chỉ mong mỏi có thể trau sửa tâm tánh theo đó sau nhiều năm cố công, gắng sức. Một người kia bị lòng ham muốn những sự phù hoa kích thích, làm sao hy vọng cho y loại bỏ tất cả những thứ đó mà không có cái gì khác đằng thay thế vô. Vả lại, dù y dứt lòng tham vọng đó đi nữa cũng không có cái chi chứng tỏ rằng một sự thay đổi quá đột ngột như thế mà thuận lợi cho y. Trước nhất y phải biến đổi lòng tham vọng của y, y có thể tùy ý thích như ham muốn học hỏi, tiến bộ trên con đường Huyền Bí Học, mở rộng thêm lòng vị tha; sau lại, y có thể ước nguyện đến gần Ðức Chơn Sư và được thâu nhận làm Ðệ Tử.

 Hầu hết cả thảy chúng ta đều có sự ham muốn như thế mà chúng ta gọi là nguyện vọng. Sự thay đổi danh từ, suy ra hình như là thay đổi toàn diện trong thái độ của chúng ta, dĩ nhiên, đó luôn luôn là lòng tham vọng. Chúng ta sẽ tiến đến một trình độ mà những sự ham muốn đó tự chúng nó sẽ tiêu tan mất, bởi vì chừng đó chúng ta sẽ hoàn toàn chắc chắn rằng sự tiến bộ của chúng ta chỉ tùy thuộc riêng nơi sự nỗ lực của chúng ta thôi, từ đó chúng ta sẽ không còn ham muốn cái chi cả. Ðức Chơn Sư một ngày kia có nói rằng: "Ðừng ham muốn gì hết, vì lòng ham muốn cũng còn yếu ớt, phải cả quyết". Khi tưởng đến một đức tánh nào mà con tìm cách mở mang, thì con không nên nói: "Tôi sẽ mong mỏi có đức tánh ấy". Mà phải nói rằng: "Tôi muốn có đức tánh ấy". Và hãy làm cách nào đạt cho được nó. Chỉ có một phương pháp là thực hành theo cách đó, vì lẽ chúng ta được hoàn toàn tự do trong sự cố gắng hoặc không cố gắng cần thiết. Chúng ta có quyền chọn lựa.

 Trước hết, ấy là vấn đề biến đổi. Lòng ham muốn tăng trưởng về tinh thần là một trong những sự ham muốn mà những người bước gần đến Thánh Ðạo không nên tự khuyến khích lấy mình, nhưng mà trong giai đoạn trung gian thì đó là lẽ tự nhiên. Là sinh viên, chúng ta sẽ phải đến giai đoạn mà trong đó chúng ta vận dụng tất cả tinh lực của chúng ta đặng giúp đỡ đồng loại mình và xem sự tiến hóa tinh thần của chúng ta như là điều phụ thuộc. Trước nhất một lý do riêng tư là cần thiết. Kế đó, con người tiến lần lần đến sự quên mình, chính vì Ðức Sư Phụ và muốn làm đẹp lòng Ngài mà nó cầu mong cho được tiến bộ; sau rốt, nó tập làm một vận hà hữu ích cho đời, không màng gì đến kết quả. Vì vậy, nó hết sức thận trọng không cho điều gì ở bản thân mình ngăn cản nó không để nó biểu hiện đời sống thiêng liêng và biểu hiện đời sống ấy không sai lạc chừng nào thì càng tốt chừng nấy. Và sự biểu hiện đó không làm xáo trộn sự an tĩnh của nó. Nó không mong mỏi cho sức mạnh của nó được đem ra dùng cách nầy hơn là cách khác, nó chỉ là một khí cụ thường trong tay Ðức Thượng Ðế, Ngài sẽ dùng nó cách nào và đặt nó ở nơi nào tùy Ngài thích. Lẽ tự nhiên chỉ lần hồi chúng ta mới có thể đạt được thái độ đó, nhưng mà phải xem nó như là khuynh hướng của tư tưởng đáng tìm kiếm. Chúng ta phải bắt đầu quên mình và kỹ lưỡng nhổ tận gốc bản ngã. Chúng ta không đạt được sự tiến bộ mà dường như chúng ta phải hoạch đắc sau nhiều năm suy gẫm và học hỏi ư? Những kẻ thọ ơn ta mà vẫn không thấy tỏ ý gì là biết ân nghĩa, như trường hợp thường thấy? Tất cả những điều nầy không mấy quan trọng. Hãy quên mình đi, làm việc và đừng nghĩ gì đến sự ban thưởng. Ðừng lo sợ, quả báo sẽ lãnh phần thưởng phạt. Những định luật vĩ đại của Vũ Trụ sẽ không làm mất sự bất di bất dịch của nó hầu làm tổn thương một cách bất công bất cứ là người nào trong chúng ta đâu. Cứ vững niềm tin chắc như vậy. Những định luật ấy cầm cân công bình và hành động không hề sai lạc, dù có đến chậm đi nữa. Hãy quên mình đi; ấy là lời khuyên đầu tiên mà cũng là lời khuyên cuối cùng trên con đường Huyền Bí Học: ngoài ra không có phương pháp nào khác. Công việc nầy có vẻ quá nặng nhọc, nhưng phải làm cho xong và làm cho trọn vẹn.

 Giờ đây, chúng ta đã đến câu chú thích thứ nhứt của Ðức Chơn Sư Hilarion bổ túc cho qui tắc thứ nhứt mà tôi sẽ khảo cứu từng chi tiết. Nó khởi đầu bằng những dòng chữ sau đây:

  Lòng tham vọng là nỗi đau đầu tiên của chúng ta, nó là tên cám dỗ đại tài của con người vượt cao trên đồng loại mình. Chính trong hình thức đơn giản nhất của nó là việc tìm kiếm sự ban thưởng.

  Ý niệm nầy được diễn tả bằng những danh từ lạ lùng, nó vẫn đúng mà không thể ngờ vực được. Khi một người kia tự thấy mình cao hơn đồng loại về vài phương diện thì sự cám dỗ đầu tiên đến thử thách y là tự xem mình như một nhân vật quan trọng, điều nầy lại càng thúc đẩy y lên cao hơn nữa hầu tìm một sự khoái lạc càng tăng gia thêm trong sự kiêu hãnh của y.

  Luôn luôn nó đổi chiều hướng những mục đích cao thượng nhất của những người thông minh và có giá trị.

  Phải mở được Thần Nhãn mới biết những lời nói trên đúng tới bực nào. Tôi tưởng rằng những môn đồ của các Ðấng Chơn Sư đều có thói quen xem coi khả năng của tất cả những người mà họ gặp về phương diện trở nên những người Ðệ Tử. Kìa là một người, xét về vài phương diện thì tốt thật. Cái tư tưởng đầu tiên mà y khêu gợi trong đầu óc chúng ta là thế nầy: "Ðộ còn bao xa nữa y mới đến mức mà y sẽ có thể trở nên Ðệ Tử Chơn Sư. Ðối với chúng ta sự ban thưởng trọng hậu nhất, sự tiến bộ quí báu nhất có thể ban cho một người nào đó là y phải đến trình độ mà y sẽ xứng đáng được một trong các Ðấng Siêu Nhân ấy nắm tay dìu dắt, hầu bước đường tiến hóa tương lai của y có thể được đảm bảo. Từ đó, sự thành công chỉ còn là vấn đề của thời gian và lẽ tự nhiên cũng là của sự kiên tâm trì chí và của công phu khó nhọc.

 Ðối với mỗi người, sự tiến bộ có lẽ chỉ là một vấn đề thông thường của thời gian thôi, nhưng đối với đa số đó là một thời gian kéo dài cho đến đỗi có thể nói là họ có thể nhập chung vào một khối và được đãi ngộ như là một toàn thể. Khi con người tiến đến trình độ mà người ta nghĩ rằng một vị Chơn Sư có thể săn sóc y, dìu dắt y thì các môn đệ của Ngài đặc biệt chú ý đến y và họ luôn luôn có ý muốn giúp đỡ y tiến đến điểm mà sự tiếp xúc sẽ có thể thực hiện được. Ðừng bao giờ quên rằng: "Ðây chỉ là điều mà con người xứng đáng mới được thọ lãnh chớ không hề có sự thiên vị nào cả". Vì rằng đối với Ðức Chơn Sư nếu đáng ra công khó nhọc dùng tinh lực cần thiết đặng huấn luyện một người nào thì Chơn Sư sẽ thực hiện ngay, nhưng với điều kiện là Ngài nhờ người Ðệ Tử nầy mà đạt được một kết quả cao hơn kết quả cũng do thứ tinh lực đó dùng vào một công việc khác.

 Chúng tôi gặp nhiều người dường như không còn cách xa bao nhiêu điểm nầy, họ rất có thiện tâm không cách nầy thì cách khác: Vài người, ở trong tất cả mọi phương diện, đều tỏ ra có nhiều triển vọng mà theo ý chúng tôi tưởng, nếu họ biết cách điều khiển tinh lực của họ chính chắn một chút nữa trong chiều hướng tốt đẹp, họ sẽ có thể sẵn sàng được thâu nhận vào hàng Ðệ Tử. Sau đó, chúng tôi lại thất vọng khi biết rằng việc đó không thành và họ vẫn sống một cuộc đời thường tục. Tôi đặc biệt nhận xét điều đó ở những trẻ em nam nữ mà tôi luôn luôn có bổn phận tìm kiếm trong đám đó những em nào tỏ ra có nhiều kỳ vọng. Có lắm em rất gần đến điểm có đủ năng lực thực hiện sự tiến bộ nầy nếu tinh lực các em được điều khiển vào đường ngay chánh, thế mà các em vẫn không chụp lấy cơ hội. Mảng tranh đua cao thấp trong cuộc sống thường ở học đường, các em bước vào một thế giới mà nơi đó tư tưởng thấp hèn ngự trị, không phải tư tưởng nầy xấu - tôi không muốn nói thế, mặc dù đôi khi tư tưởng ấy cũng có thể xấu thật - nhưng mà các em bị lôi cuốn trong một thứ gió lốc cấu thành bởi những tư tưởng, nói một cách tương đối thì thấp kém thật. Thường thường thì mục đích trù định cho các em là sự thành công về vật chất như trở nên những đại kỹ sư, đại luật gia hay là thành công trong sự điều khiển một xí nghiệp. Chẳng những cha mẹ em mong mỏi được thấy con mình đeo đuổi theo một chức nghiệp ở Trần gian mà khuynh hướng chung của dư luận người đời cũng muốn cho chúng nó được như thế. Dĩ nhiên, khó mà tránh khỏi hiệu lực của dư luận quần chúng không ngớt tác động đủ mọi cách vào đời sống của ta, và vì thế, những trẻ em nầy dường như tập hợp được nhiều đức tánh cần thiết lại ít khi đạt được mục đích cao cả. Chính chúng nó thích chức nghiệp có giá trị và hữu ích nào đó, nhưng đó lại không phải là mục đích cao cả. Tôi đã theo dõi và khảo cứu nhiều trường hợp dường như cho tôi nhiều niềm hy vọng đặc biệt và tôi nhận thấy rằng cũng cùng một việc như thế xảy ra cho nhiều Linh Hồn trong một số kiếp luân hồi. Trong mười hai hoặc hai chục kiếp, chúng nó thâu thập được hầu hết những đức tánh mong muốn, nếu cố gắng thêm một chút nữa thì chúng nó sẽ bước tới cửa Ðạo, nhưng mỗi lần như vậy là chúng nó quay mình đi chỗ khác, và tóm lại, chính cũng luôn luôn vì lòng tham vọng những sự vật Hồng trần làm cho chúng nó mất đi những khả năng cao cả. Khi nói rằng những bậc thông minh và có giá trị luôn luôn thay đổi chiều hướng, không theo mục đích cao thượng nhất của họ, hình như Ðức Chơn Sư Hilarion đã có nghĩ đến nhiều thí dụ tương tợ như trước đây, bởi vì những người mà các mục đích cao siêu mở ra trước mắt phải là những bậc thông minh và có giá trị chớ không phải là kẻ tầm thường. Ngài không nói rằng lòng tham vọng giết hại cuộc đời của họ mà Ngài chỉ nói có những khả năng cao thượng để cung hiến cho những kẻ bị lòng tham vọng làm cho mê muội, lầm đường lạc lối. Thật vậy, một đứa trẻ muốn trở nên một đại kỹ sư, một đại luật gia hay một y sĩ đại tài cũng không phải là điều xấu, đó là những chức nghiệp tốt đẹp, nhưng mà còn những mục đích khác hữu ích lớn hơn nữa và nếu có thể phân biệt và chọn lựa trong mấy mục đích ấy thì chắc chắn rất là tốt cho nó lắm. Chúng tôi không thể nói rằng tất cả mọi hoạt động ở thế gian nầy đều là xấu mà chỉ nói có những hoạt động cao quí nhất mà thôi. Người ta có thể thích những hoạt động cao quí nhất đó mà chẳng quên những chức nghiệp nói trên và giá trị của chúng nó ở dưới thế gian. Tôi muốn nói rằng phần đông những người có giáo dục, có năng lực bậc trung sẽ có thể thành công trong các chức nghiệp đó, hoặc nhiều, hoặc ít, nhưng mà chỉ có những người nào có một quá khứ về phương diện thần bí mới có thể theo đuổi và thành công trên đường chật hẹp và khó khăn của kỹ luật Huyền Bí Học. Những kẻ theo dõi con đường nầy có thể làm được nhiều việc tốt đẹp hơn những vị đại diện ưu tú nhất của một nghề nào đó. Vì vậy, nếu một đứa trẻ muốn theo con đường Huyền Bí Học và nếu tất cả mọi việc đều làm cho ta có ý nghĩ rằng nó có khả năng làm được thì bất cứ là ai không nên cản trở nguyện vọng của nó.

 Và, tuy nhiên nó [1][1a] là một ông thầy cần thiết. Những kết quả của nó còn trong miệng thì đã biến thành ra tro bụi rồi. Cũng như sự chết và sự tan rã, cuối cùng nó chỉ cho con người biết rằng làm việc gì cho bản ngã mình tức là rước lấy sự thất vọng.

  Người mà muốn đạt cho được điều nó ham muốn nhiệt liệt từ lâu, về sau sẽ thường thấy rằng việc ấy hoàn toàn không phải là điều của nó mong mỏi. Những ai ngấp nghé quyền thế và những địa vị cao sang đều nhận thấy rằng quyền thế một phần lớn là việc hão huyền, tư bề đều bị hạn chế. Ðó là trường hợp của nguyên lão Nghị sĩ Beaconsfield đã kể qua. Có lẽ chính khách nầy sẽ làm được nhiều việc lành hơn bằng cách đem tất cả tinh lực của mình để khảo cứu và truyền bá Huyền Bí Học. Tác phẩm của người nầy nay ít ai đọc, nhưng nội dung cho ta thấy được kiến thức của người về Huyền Bí Học như quyển tiểu thuyết kỳ dị của người viết nhan đề là Alroyd.

 Nhưng, mặc dù qui tắc thứ nhứt nầy xem như tầm thường và dễ dàng quá đi nữa, con cũng đừng vội vàng bắt qua câu kế tiếp, bởi vì những tật xấu của người thường biến đổi một cách tinh vi và hiện ra dưới một hình thức khác trong tâm của người Ðệ Tử.

 Người Ðệ Tử bị những sự cám dỗ, những sự khó khăn đặc biệt. Người thường có thể kiêu hãnh về kết quả nào đó đã đạt được. Ðệ Tử Chơn Sư thì hiểu rõ rằng không có sự tiến bộ nào cho nó được quyền kiêu căng phách lối. Vả lại, khi biết được Ðấng Chơn Sư rồi thì lòng kiêu hãnh khó mà phát sinh, bởi vì người mà thật biết Ngài thì không còn khoe mình nữa. Có lẽ y có đủ khả năng thi hành được nhiều việc mà kẻ khác không làm nổi, phần khác là lẽ đương nhiên, vì cuộc đời đưa đẩy y luôn luôn hội kiến với một hay nhiều vị Huynh Trưởng có thể hoàn thành công việc vô cùng khéo léo hơn y, vì vậy phải nói cho công bình rằng ít khi gặp những Ðệ Tử Chơn Sư có tánh kiêu hãnh. Ðồng thời, tất cả điều nói trên đây là hết sức tinh vi. Người Ðệ Tử nếu không đề phòng sẽ nhận thấy mình cũng còn hãnh diện cho rằng mình không có lòng kiêu hãnh; hãnh diện cho rằng mình ăn ở khiêm tốn, dẫu rằng nó có thể làm, tưởng và nói những điều phi thường. Hoặc giả, y có thể, ướm thử tiến lên hàng đầu bằng cách thúc đẩy người nầy, lấn người kia, tìm một lối đi riêng, bởi chưng vì lòng kiêu hãnh y tưởng tượng rằng công việc của y làm mới là tốt đẹp và sự hiện diện của y trên tuyệt đỉnh là điều cần thiết. Nhưng, như Bà Blavatsky đã nói trong quyển Những bước đầu tiên trên con đường Huyền Bí Học rằng: "Không ai có thể tự nói rằng tôi xứng đáng hơn hay là tôi làm đẹp lòng Ðức Sư Phụ của tôi nhiều hơn là các bạn tôi mà vẫn còn làm Ðệ Tử của Ngài". Riêng về phần Bà Bác sĩ Besant, bà có nói một ngày kia rằng: "Ðối với nhà Huyền Bí Học, một trong những qui luật thứ nhứt là giữ một địa vị khiêm tốn chừng nào tốt chừng nấy, hầu cho Phàm Nhơn của nó ít được người ta để ý đến chừng nào thì lại càng tốt chừng nấy". Những người khảo cứu về Huyền Bí Học mà chưa được nhận vào hàng Ðệ Tử Chơn Sư có thể rất dễ bị lầm lạc vì lòng kiêu hãnh và đó là điều khó khăn lớn lao cho những kẻ đã luyện được những phép thần thông. Họ nhận thấy rằng họ có thể thấy được nhiều vật vô hình mà kẻ khác không thấy, họ có thể đạt được nhiều sự hiểu biết mà kẻ khác không biết, họ bắt đầu cảm thấy mình cao hơn đồng loại, vì thế kết quả trên đây thường khá khốc hại. Khi chúng ta gặp những người có phép thần thông kiêu hãnh thái quá, tôi tưởng chúng ta có thể quả quyết rằng họ chưa phải là bực cao siêu và nếu những quyền năng cao siêu của họ phát triển thì họ cũng chưa giao tiếp được với Ðức Chơn Sư, vì lẽ không kiêu hãnh là đặc tính hoàn toàn của người phải học bài học của y.

 Rất dễ mà nói rằng: "Tôi không muốn có lòng tham vọng"; nhưng không phải dễ mà nói rằng: " Khi Ðức Chơn Sư nhìn vào tâm tôi, Ngài sẽ thấy nó hoàn toàn trong sạch ". Ðiều nầy rất khác nhau xa. Chúng ta tin tưởng quá dễ dàng rằng chúng ta không có lòng tham vọng, không hề ích kỷ, không bao giờ nóng giận. Chúng ta tin tưởng nhiều việc khác nữa, nhưng mà Ðức Chơn Sư với cái nhìn không bao giờ lầm lạc, phân biện những sự vật chớ không phải lớp sơn giả dối mà chúng ta tô lên chúng nó khi chúng tự kiểm điểm lấy mình.

  Người nghệ sĩ chân thành làm việc vì lòng yêu nghệ thuật đôi khi thành thật bước vào đường ngay chánh hơn là nhà Huyền Bí Học tưởng rằng mình không còn tham luyến cái chi cho bản thân mình nữa, nhưng mà, kỳ thật y chỉ nới rộng giới hạn của sự kinh nghiệm và sự ham muốn và đem quyền lợi của y đặt lên trên những vật mà chân trời mở rộng của đời sống y đem cung hiến cho y.

  Một người cố chấp sẽ lưu ý chúng ta rằng người chân nghệ sĩ, hiểu theo ý nghĩa nầy, không ai tìm đâu cho ra. Ðiều đó không đúng. Tôi có giao thiệp nhiều với nghệ sĩ bên Anh cũng như bên Pháp. Nghệ sĩ thường hay đố kỵ và phê bình nghệ thuật thiếu hẳn sự dịu dàng nhã nhặn, nhưng tôi biết có một vài nghệ sĩ sống và làm việc vì lòng yêu nghệ thuật chớ không vì giàu sang phú quí. Cách làm việc như vậy khiến cho y từ chối những cơ hội thúc đẩy y bước vào đời, vì y nghĩ rằng không thể nào lợi dụng những cơ hội đó mà không phản bội nghệ thuật. Người mà vì tình yêu nghệ thuật tình nguyện hy sinh như thế thì đã cởi bỏ hẳn bản ngã mình trong một phạm vi nào đó. Nếu một hình thức cao siêu của lòng tham vọng riêng tư còn ở trong lòng y, ít ra y cũng diệt được một phần lớn cái bản ngã tầm thường khi y đã dứt được lòng ham muốn tiền tài danh vọng. Có một giai đoạn mà nhà Huyền Bí Học đã hoàn toàn chế ngự được tất cả mọi dục vọng liên quan đến Phàm Nhơn, nơi đó vượt lên trên những điều tham vọng của người đời, nhưng y cũng còn lòng tham vọng cho cá nhân riêng biệt của y hay là Chơn Nhơn mà sự tiến bộ có lợi cho y hơn là điều lành, điều phải mà y có thể đem thi thố cho đời. Vì vậy, rất có thể một nghệ sĩ hoàn toàn hy sinh mọi tư tưởng lợi kỷ mặc dù không hiểu chi về Huyền Bí Học cũng bước vững vàng trên đường ngay chánh hơn là một nhà Huyền Bí Học ích kỷ nói trên.

  Cũng nguyên tắc ấy được áp dụng cho hai qui tắc khác nhau, bề ngoài cũng giản dị như nhau. Con hãy nghiền ngẫm thâm sâu hai qui tắc nầy và đừng để tâm con bị gạt gẫm.

  Ở đây, Ðức Chơn Sư đề cập đến những qui tắc 2 và 3 mà chúng ta sẽ bàn đến ở chương sau và những qui tắc nầy bắt buộc ta phải diệt lòng ham sống và lòng ham sung sướng. Ngài phòng bị cho ta chống lại ba loại dục vọng, bởi vì Thể Trí chứng tỏ một sự xảo quyệt phi thường và cực kỳ tinh quái bằng cách tìm cho ta những lời bàu chữa và viện đủ ngàn lý lẽ để hành động như thật là ta có lòng ham muốn như vậy. Có thể chúng ta không xem mình như là người có đặc tài hay thông minh, nhưng nếu chúng ta kiểm điểm lại những lời bàu chữa do chúng ta bày đặt ra đặng thi hành những điều ta muốn thì chúng ta buộc lòng phải nhìn nhận - một cách tổng quát ở điểm nầy, chúng ta tỏ ra có nhiều khả năng phi thường.

  Bởi vì, hiện giờ đây, trước thềm Thánh Ðạo, một sự sai lầm còn có thể sửa chữa được, nhưng nếu con ấp ủ nó trong lòng con, nó sẽ trưởng thành và đơm bông kết trái; ít ra con phải chịu đau đớn dữ dội mới hòng tiêu diệt nó được.

 C. W. L. - Ðến đây thì chấm dứt lời chú thích dài dòng do Ðức Chơn Sư Hilarion thêmvào qui tắc thứ nhứt. Con người càng tiến bước trên con đường phát triển về Huyền Bí Học thì càng chôn sâu trong lòng mình tất cả các tánh xấu chưa khai trừ được. Thí dụ lòng ích kỷ, tánh xấu nặng nhất và thông thường nhất trong tất cả các tánh xấu, vì nó là nguồn gốc của nhiều tánh xấu khác. Con người mà mọi biểu hiện bên ngoài của lòng ích kỷ đã dứt, có thể tưởng mình đã hoàn toàn giải thoát được tánh đó nhưng không dè tánh xấu ấy, tự nó, có thể chưa chịu bại trận lần nào. Người càng tiến bước trên Ðường Ðạo thì nó càng ẩn núp kín đáo bên trong. Trong khi chờ đợi, con người tăng cường dần dần những sự rung động các thể của nó cho đến đỗi tất cả các tánh, dù tốt dù xấu, đều tăng cường mãnh liệt một lượt. Nếu còn một tánh xấu nào mà chính mình con người và bạn thân nó chưa thấy được thì tánh xấu đó càng ngày trở nên mạnh mẽ thêm và tới một ngày kia, không sao tránh khỏi, nó sẽ dấy lên và bộc lộ ra ngoài. Rồi chính vì sự tiến bộ lớn lao đã thực hiện được mà tánh xấu đó sẽ sinh ra một tai họa thảm khốc nhiều hơn là lúc nó còn ở trong một giai đoạn trước và sự diệt trừ nó chắc chắn sẽ làm cho ta đau khổ không ít.

 A.B. - Trên Ðường Ðạo, công việc phải làm cho kỹ càng triệt để. Trên thềm Thánh Ðạo, những sự sai lầm còn sửa chữa dễ dàng, nhưng trừ phi khi nào vị Ðệ Tử không ngớt ham muốn triệt để quyền năng trong những giai đoạn đầu tiên của thời kỳ Nhập Môn thì sự ham muốn nầy sẽ càng ngày càng mạnh thêm; nếu không nhổ tận gốc của nó ở nơi nào mà nó có căn cứ như tại cõi Trần, cõi Trung Giới và cõi Thượng Giới, vị Ðệ Tử cho sự ham muốn xâm nhập vào cõi Tinh Thần của Chơn Nhơn thì rất khó mà diệt trừ nó được. Lòng tham vọng ẩn trú trong Nhân Thể (Thể Thượng Trí) rồi thì nó theo mãi con người từ kiếp nầy qua kiếp khác. Những thể: Xác, Vía và Trí chết đi, con người sẽ lấy các thể mới khác, nhưng Nhân Thể nó chỉ chờ đến khi chấm dứt kỳ gian của một dãy hành tinh (Kalpa) mới tan rã. Cho nên, Ðệ Tử phải thận trọng đừng để lòng tham vọng tinh thần xâm nhập vào Nhân Thể và đưa vào đó những yếu tố chia rẽ để càng ngày càng giam hãm đời sống của nó.

  Hãy làm việc như những kẻ tham vọng làm việc.

  A.B. - Mặc dù câu cách ngôn nầy được đặt vào chỗ khởi đầu của Qui tắc 4, tôi muốn đem khảo sát nó nơi đây là chỗ nó được áp dụng đặc biệt. Ðây là lời giảng lý Qui tắc 1 do Ðức Ðế Quân viết ra. Ðồng thời, chúng ta sẽ đề cập qui tắc và lời chú thích của Ngài, rồi đem đối chiếu lại thì thấy được nghĩa lý của nó. Cho nên, chúng ta hãy đọc: 1.-"Hãy diệt lòng tham vọng, nhưng hãy làm việc như những kẻ tham vọng làm việc vậy". 2.-"Hãy diệt lòng ham sống, nhưng hãy kính trọng sự sống như những kẻ ham sống vậy". 3. - "Hãy diệt lòng ham sung sướng, nhưng hãy sung sướng như những kẻ sống vì hạnh phúc". Ham muốn quyền tước, ham sống và ham muốn hạnh phúc, đó là những điều thúc giục con người hành động ở thế gian nầy. ấy là phần thưởng của Ðấng Tối Cao hiến cho tất cả mọi người, nhờ đó mà sự tiến hóa phát triển. Tất cả mọi nỗ lực của con người để đạt cho được những phần thưởng ấy làm nảy sinh những tánh tình và thuận lợi cho sự tiến hóa. Nếu hết thảy những điều đó đột nhiên biến mất thì con người sẽ mất hết lòng tham vọng, lòng ham sống và lòng ham sung sướng. Chính đó là một giai đoạn mà chúng ta đều trải qua trước khi sự ham muốn nồng nhiệt đời sống tinh thần hoàn toàn phát khởi trong tâm ta - giai đoạn đó gọi là vairagya: đoạn tuyệt - nó sinh ra do sự nhàm chán. Con người nếm được mùi quyền thế và không tìm thấy hạnh phúc ở đó, họ làm việc hầu đạt cho được nó và nắm giữ lấy nó, nhưng họ nhận thấy rằng, đối với Chơn Nhơn, quyền thế là một điều thất vọng, không như điều người ta tưởng và không làm cho họ thoả mãn. Chúng ta hãy lấy thí dụ cố Hoàng Ðế Nga. Ở trên ngôi vị tuyệt đỉnh của quyền lực con người, Ngài quá chán ngán và hết sức ao ước thoát ly sự ràng buộc của nó. Không phải là chuyện hiếm có khi gặp trong lịch sử một người nắm giữ trong tay một quyền hành tuyệt đối và khi lòng đoạn tuyệt bị kích thích thì liền từ bỏ ngôi báu của mình. Kết quả: một cuộc sụp đổ, một sự suy nhược của tất cả mọi lý do, từ đó đến giờ, thúc giục con người hành động. Nó nói trong sự chán nản rằng: " Ích gì phải có sự nỗ lực mới? Tôi không ham muốn quyền thế nên chi tôi không có ý do để mà làm việc. Tôi không ham sống, tại sao phải tiếp tục sống hoài? Tôi không ham sung sướng vì nó không làm cho tôi thoả mãn, tại sao tôi phải chịu lao tâm khổ trí để đạt cho được nó?". Ðối với chúng ta thì câu hỏi như thế nầy: "Làm thế nào khích lệ người nầy trở lại hành động hầu y tiếp tục sự phát triển và tiến đến mức chót của cuộc tiến hóa của y? Làm thế nào kéo y ra khỏi giấc mộng hôn mê? " Phương pháp duy nhất là đánh thức trong tâm y, sự hoạt động của Sự Sống Thiêng Liêng, sự sống nầy trưởng thành bằng cách cho ra chớ không phải bằng cách thâu vô. Y đi đến một điểm biến chuyển của cuộc đời y là y muốn còn bấu víu vào bản ngã chia rẽ thì kiếp tái sinh sau nầy của y sẽ là sự mệt mỏi và chán nản. Người ta có thể đánh thức trong tâm y, lòng ham muốn cái đời sống chân thật nó tự ban rải ra ngoài để phụng sự chớ không phải khư khư nhốt mình trong sự ích kỷ trơ trơ. Trong tình trạng hiện hữu, người ấy, ở thế gian, là một phần tử vô dụng, vô dụng cho chính mình nó, vô dụng cho tất cả. Trước khi đi đến mức đó, y đã là một mãnh lực phụ trợ cho sự tiến hóa chung của thế gian, vì bởi y chịu ảnh hưởng của những vật có sức hấp dẫn những kẻ thường nhơn để giúp họ tiến hóa. Trong tình trạng sụp đổ và vô dụng mà y đã nhốt mình vào đó vì mất những lý do thường tình và thấp thỏi thì có một tiếng gọi đặc biệt kêu y - một tiếng gọi kêu đến ba trạng thái của con người - đã mất những lý do hành động. Có lịnh truyền cho y: "Hãy làm việc như những kẻ tham vọng vậy". Câu cách ngôn nầy kèm theo qui tắc I: "Hãy diệt lòng tham vọng", khi đứng một mình thì nó sẽ dắt đến sự bất động. Bản ngã chia rẽ bị tiêu diệt rồi, con người không còn lý do gì để làm việc nữa thì nó nhận được lời kêu gọi nầy: "Hãy làm việc như những kẻ tham vọng làm việc vậy". Kế đến lệnh thứ II: "Hãy kính trọng sự sống như những kẻ ham sống muốn vậy". Và tiếp đến lệnh thứ III: "Hãy sung sướng như những kẻ sống vì hạnh phúc". Ðó là ba huấn lệnh mới, khởi điểm của một cuộc đời sống mới thay thế cho ba lý do cũ. Huynh hãy nhìn người nằm dài duỗi thẳng người ra, hình như chết. Quả thật, đời sống hình thể đã bị tiêu diệt. Giờ đây, chính là đời sống Tâm Thức mà nó cần phải thức tỉnh. Ba tiếng gọi ấy đã giúp nó làm được việc nầy. Nó phải khởi sự làm việc lại, nhưng chính hiện giờ con người Tinh thần phải sống và hoạt động, khi mà Phàm Nhơn sẽ động tác như một cái máy. Con người sẽ sống mãnh liệt hơn bao giờ hết, mặc dù tất cả sự ham sống, ham sung sướng và ham quyền thế đã tắt hẳn trong lòng nó. Ấy là câu trả lời cho câu hỏi nầy: Tại sao phải làm việc?

 Người nào không tìm được câu trả lời thì không chịu hành động và sự tiến hóa của y bị ngưng trệ. Ðó là điểm, theo Cơ Học, có tên là tử điểm (điểm chết) là tình trạng quân bình mà trong đó không còn sức xúc động. Những mãnh lực cao siêu thì cân phân với những mãnh lực thấp thỏi và tiêu diệt tánh ích kỷ và lòng tham vọng xưa kia, nhưng chúng nó chưa đủ khả năng thúc đẩy con người tiến tới trước; y sẵn sàng đem hết tinh lực và ý chí của y cung ứng cho những mãnh lực cao siêu ấy. Sự quân bình nầy không phải là mục đích của cuộc tiến hóa. Nào là những lý do mới đưa ra cho con người hầu đánh thức nó và làm cho nó hoạt động? Một lý do duy nhất thôi, tác động ở nội tâm, có thể làm khích động Linh Hồn; nó vốn ở trong sự đồng hóa với đời sống của Ðức Thượng Ðế trong thế gian và hoạt động như là phần tử của đời sống ấy, thay vì hoạt động với lòng ham muốn cho được sự ban thưởng. Không có sự chú thích nào của câu cách ngôn nầy hay hơn hết bằng một đoạn ở trong phần đàm thoại thứ III của quyển Thánh Ca (Bhagavad Gita) nơi đó chỉ cho biết những lý do phải làm việc sau khi đã mất những lý do thường tình là lòng ham muốn những kết quả của sự hành động: 

 “Kẻ nào gặp sự hoan hỉ nơi Chơn Ngã (Chơn Nhơn) thỏa mãn với Chơn Ngã và chỉ đẹp lòng với Chơn Ngã, kẻ ấy mới đích thật là không còn gì phải thi hành ở thế gian nầy.

 Sự hành động cũng như sự bất động không còn liên hệ đến nó ở thế gian nữa, nó không còn lệ thuộc một sinh vật nào ở cõi đời nầy.

 Thế nên, con hãy thoát ly và phải hành động; sự hành động là bổn phận của con, vì khi hoàn thành sự hành động mà không tham luyến, con người đạt được Ngôi Cao Cả. Janaka và những vị khác, quả thật đã tiến đến bậc toàn thiện bằng sự hành động. Con hãy cố gắng hành động bằng cách nhắc nhở lấy con rằng mục đích của con là phụng sự thế gian”.

 (Bhagavad Gita, chương III, 17 - 20)

  Những điều diễn tả trên đây là một trình độ cao diệu hơn trình độ của con người màchúng ta hiện đang đề cập đến. Chúng ta chỉ nói tới chỗ khởi điểm của con Ðường Ðạo dắt đến sự thực hiện hoàn toàn Chơn Ngã. Tuy nhiên, lý do đã được trình bày trong quyển Thánh Ca đem áp dụng cho con người nói trên đây, khi mà y đã nhận thấy rằng Phi Ngã (Non Soi) không hứa gì cả, thì y tới trình độ đáp lời kêu gọi của Chơn Ngã duy nhất. Y sẵn sàng làm việc cho lý do nầy là lo cho hạnh phúc của chúng sinh. Một người như thế, hiện giờ, có thể nghĩ đến cách hoạch đắc cho được sự hiểu biết thiêng liêng, không phải để cho mình trở nên minh triết và cao quí, mà để giúp đỡ nhân sinh, ấy là mục tiêu mà y dung nạp từ từ, mục tiêu ở ngoài bản ngã riêng biệt của cá nhân y.

 Rốt cuộc, y sẽ bỏ lý do nầy, lòng ham muốn nầy, từ đó chỉ còn có một sự muốn duy nhất thôi, ấy là có thể trở nên một bộ phận của cái gì cao hơn y và để hoàn thành Thiên ý. Y sẽ tập cần phải dứt lòng ham muốn, dù là ham muốn sự hiểu biết thiêng liêng hay là mong ước được trở nên một Ðấng Chơn Sư, mà chỉ ham muốn là một khí cụ của Ðời Sống Cao Siêu. Vì thế, y trở lại hoạt động như những kẻ có lòng tham vọng, nhưng đối với lý do là làm một vận hà cho Ðời Sống Cao Siêu, con người sẽ loại bỏ những dấu vết cuối cùng của lòng tham vọng. Tiến đến điểm nầy, tinh lực của y, ngay lúc đó, thâm nhập vào Thiên ý. Ấy là lý do thúc đẩy y làm việc. Trong những chương của Thánh Ca mới vừa kể trên, Ðức Shri Krishna giải thích phải làm việc cách nào để đạt đến Ngôi Cao Cả, để nhận thức được sự hiện diện và quyền lực của Ðức Thượng Ðế. Kế đó, Ngài chỉ cho biết rằng sự kiện đạt đến Ngôi Cao Cả và nhận thức được Ðức Thượng Ðế, dắt đến một sự hoạt động của Ðấng Tối Cao là để bảo tồn tất cả vạn vật:

 “Nầy Partha, Ta không còn cái chi phải hoàn thành hoặc hoạch đắc ở trong ba cõi thế giới và trong khi đó Ta vẫn tham gia vào sự hành động.

 Bởi vì, nếu Ta không tham dự một phần việc kiên cố trong sự hành động, nầy Partha, nhân loại sẽ theo bước chân Ta khắp nơi.

 Ba cõi thế giới nầy sẽ bị hủy diệt, nếu Ta không hành động.”

 (Bhagavad Gita, chương III, 20 - 24)

 Ngài làm việc cho hạnh phúc nhân loại, đặng duy trì sức chuyển động của bánh xe Vũ Trụ. Sự hoạt động của Ngài chỉ có một lý do là giúp cho thế gian tăng trưởng và phát triển cho đến khi chấm dứt chu kỳ của Ðịa Cầu [2][2a]. Kế đó, Ðức Shri Krishna chỉ mục đích nhắm vào sự làm việc của chúng ta là nó phụng sự và bảo tồn cõi Thế gian và nhân loại. Dứt hẳn sự đồng hóa với mọi hình thức chia rẽ hầu đưa chúng nó đến chỗ hoàn thiện. Như thế, con người đồng hóa với Sự Sống thì nó phải hiến dâng tất cả mọi công tác cho hạnh phúc, cho công việc phụng sự đồng loại và trọn cả Thế gian, hầu tất cả muôn loài, từ động vật cho đến bất động vật, có thể tiến đến mức cuối cùng đã dành sẵn cho chúng nó, có thể trở nên cái gì mà Ðấng Tối Cao muốn cho chúng nó trở nên, mặc dù, trong đời sống biểu hiện, chúng nó chưa tiến đến điểm đó [3][3a]. Tất cả Vũ Trụ của Ðấng Tối Cao đã có sẵn và toàn thiện trong tư tưởng của Ngài, dần dần và trải qua nhiều giai đoạn, Ngài đem tư tưởng nầy làm thành hình thức trong vật chất. Người ta không thể nào nhận thức được một phần Sự Sống của Ngài mà không làm việc như chính Ngài đã làm việc cho sự biểu hiện hoàn toàn tư tưởng nầy, nghĩa là làm chuyển động bánh xe của Sự Sống cho đến kỳ hạn chỉ định.

 Bất tất con người phấn khởi vì lý do chính đáng và thiêng liêng nầy mà tin tưởng đến Ðức Thượng Ðế hay là chú ý đến Ngài; dù sao y cũng cảm biết được Sự Sống thiêng liêng trong Thế gian, y ứng đáp lại và phụng sự Sự Sống thiêng liêng nầy với tấm lòng sùng kính tuyệt vời. Ðó là trường hợp, thí dụ, của ông bạn già của tôi. Ông Charles Bradlaugh, mặc dù ông không tin tưởng ở Ðức Thượng Ðế như thời đó người ta đã tin, nhưng ông luôn luôn sẵn sàng đương đầu với mọi sự đau khổ và nguy hiểm, đem thân của mình lấp ngang miệng hố để cho kẻ khác làm phương tiện tiến lên, như một cái cầu, đến đời sống cao siêu. Tuy nhiên, những kẻ nào cảm biết được Thiên ý đến đỗi lấy đó làm lý do chính của đời sống mình thì nên giữ mình đừng làm rối trí kẻ khác chưa đủ sức suy nghĩ như họ và còn hành động dưới ảnh hưởng của lòng ham muốn. Kế đó, Ðức Shri Krishna nói rằng:

 “Cũng như kẻ vô minh hành động vì quyến luyến sự hành động, nầy Bharata, cũng thế, bậc Thánh Nhân phải hành động mà lòng không tham luyến với mục đích duy nhất là giúp đỡ Thế gian.

 Bậc Thánh Nhân không nên làm rối trí những kẻ vô minh còn quyến luyến sự hành động, nhưng, khi hành động trong sự hợp nhất với Ta, nó cần phải làm cho mọi hành động đều được vui thích”.

 (Bhagavad Gita, III, 25 -26)

 Người tinh thần hết lòng làm việc cho đời và treo gương mẫu bởi vì lẽ người thế noi theo cách hiểu biết của các vị Thánh Hiền mà làm việc. Một người làm mục tiêu cho quảng đại quần chúng trông vào có ra một gương mẫu gì thì kẻ khác sẽ bắt chước cách hành động của y. Nếu y lãnh đạm với sự hành động thì những kẻ thấp hơn y cũng làm thế; sự lãnh đạm của y có lẽ có một lý do cao thượng mà họ không biết, và lẽ dĩ nhiên họ sẽ nghĩ đến một lý do khác. Ðối với họ, lòng lãnh đạm có tính cách bất động và sự tiến hóa của họ vì thế bị ngưng trệ.

 Một người nào đó sẽ có thể nói rằng:"Tôi không thiết đến kết quả ở thế gian cũng như ở trên cõi Thiên Ðường; như vậy tại sao giúp đỡ đồng loại tôi theo dõi con đường dắt đến sự thỏa mãn nầy? Tại sao thúc giục họ hành động nhắm vào những mục tiêu mà tôi xét thấy vô ích, nhắm vào những thắng lợi hão huyền? Tại sao tôi tận lực cho ra những điều không dung nạp được?" Câu trả lời không còn làm cho người ta phải hoài nghi nữa. Những kết quả của sự hành động nầy hết sức cần thiết cho đa số người; trừ phi họ không ham muốn những cảnh vui vẻ Hồng Trần nầy, những sự sung sướng nầy, những điều tham vọng nầy, những mục tiêu nầy, chúng thúc giục họ hành động, thì sự tiến hóa họ bị ngưng trệ. Nếu con người không tìm những sự thỏa mãn ở thế gian, có thể mục đích của họ hướng về cõi Thiên Ðường. Dù sao, họ phải được khuyến khích để hành động, để tăng trưởng, để tiến hóa. Nếu huynh làm cho họ tin rằng (thuyết phục) tất cả điều đó là vô ích thì họ sẽ không tiến bước.

 Cho nên, đối với sự tiến bước của nhân loại, điều quan trọng là có một gương mẫu đưa ra, gương mẫu của một công việc được hoàn thành trọn vẹn, đầy đủ. Luôn luôn khó mà thực hiện sự toàn thiện ngày nào mà công việc làm còn bị lòng ham muốn giục giã; mặc dù, trong trường hợp nầy, con người có thể làm được gương mẫu đáng khen về nghị lực kiên nhẫn, nhưng việc làm của y có pha chút đỉnh tính cách lợi kỷ sẽ không cho gương mẫu của y trở nên toàn thiện. Y sẽ có thể làm việc với một cách đúng đắn lắm, nhưng đó là điều y sẽ thực hiện cho y. Kỳ thật, y không tận lực thi hành, tư tưởng của y không hoàn toàn hướng về công việc làm, mà cố bám vào một phần kết quả riêng biệt cho cá nhân y.

 Ðức Thượng Ðế làm việc trong sự toàn thiện hầu cho sự tiến bộ của Thế gian được vững bền, thế nên, chúng ta hãy làm việc với một tinh thần như thế. Chúng ta phải làm việc giỏi giắn hơn những thế nhân có nhiều khả năng hơn hết, vì lẽ chúng ta có lý do là phụng sự Ðức Thượng Ðế và nhân loại chớ không phải cho quyền lợi riêng của chúng ta. Chúng ta muốn làm việc là vì nhân loại. Chúng ta từ khước việc đi tìm khắp nơi những hoạt động chỉ vì lòng vui thích tầm thường mà hoạt động. Có lắm người làm việc như thế để thỏa thích sự hoạt động của họ vì nếu họ sống nhàn hạ, không làm gì hết thì họ chết mòn trong sự buồn chán, khuynh hướng đó không giống chút gì với khuynh hướng của con người đã đẹp lòng vì Chơn Ngã (Chơn Nhơn). Không bao giờ họ buồn chán, không bao giờ họ tìm kiếm một phương thế để thỏa mãn sự cần phải hoạt động của họ. Họ làm việc vì cho là bổn phận của họ, và nơi nào không có bổn phận bắt buộc họ phải làm thì họ không ham muốn hoạt động. Trong phần đối thoại thứ IV của Thánh Ca, Ðức Shri Krishna giải thích bằng những lời nầy về sự hành động, sự hành động xấu và sự bất động:

 “Thế nào là hành động? Thế nào là bất động? Chính những bậc Hiền Triết cũng bối rối về điều đó. Bởi thế, ta sẽ giải thích cho con biết thế nào là hành động, khi biết rồi con sẽ giải thoát được sự khổ.

  Cần phải học hỏi cho biết sự hành động và phân biệt thế nào là hành động không chân chính và thế nào là bất động. Huyền bí thay con đường hành động.

 " Kẻ nào có thể thấy được bất động trong hành động và hành động trong bất động [4][4a], kẻ ấy là bậc Hiền Triết ở giữa nhân loại, nó vẫn hòa hợp với mọi người, dù khi có hành động”.

 (Bhagavad Gita, IV, 16 - 18)

 Người ta nói chính những bậc Hiền Triết cũng không nhận thức được rõ ràng giới hạn của tất cả những điều trên đây. Sự hành động tốt, đối với con người, là một bổn phận, bổn phận biểu thị sự sống của Ðức Thượng Ðế mà vẫn tồn tại vị trí của mình. Như thế, y cần phải làm một vận hà hoặc như một nhân viên và làm việc với sự hiểu biết, sự chính chắn và thận trọng mà con người không tham vọng đã chứng tỏ. Huynh hãy so sánh công việc của y với công việc của người tham vọng, huynh sẽ thấy công việc ấy cũng đàng hoàng và tốt đẹp vì nó đã được hoàn thành với một tinh thần hy sinh tuyệt đối và sự quân bình triệt để. Nếu huynh gặp một người không làm việc như thế và cũng không cầu mong kết quả của sự hành động, vậy mà y tỏ ra ít hoạt động hơn là y phải làm, y làm việc kém nghị lực, kém hứng thú và kém mực thước vì y không còn lý do riêng tư nữa thì huynh đứng trước mặt một người, trước khi đi đến sự bất động, y chưa học xong bài học "bổn phận phải hành động". Tôi được nghe nói về nhiều người rằng: "Mấy người đó chưa hành động mà đã bắt đầu bất động, vì họ đã nhận thức được trong trí họ rằng kết quả của sự hành động là hão huyền, trước khi họ tiến đến điểm mà họ sẽ có thể làm việc một cách bất vụ lợi. Trong thế gian nầy, họ là những người vô dụng, không làm việc gì cả. Họ cũng không phải là những người tinh thần để cung hiến tinh lực mình cho sự tiến hóa của nhân loại".

 Người tiến đến trình độ mà kết quả của sự hành động không còn quyến rũ y nữa thì được quyền chọn lựa giữa hai lối sống: y có thể lánh mình vào rừng sâu, sống cuộc đời cô độc, hoặc là tích cực tham gia vào những công việc của người đời. Nếu y tiến hóa khá cao để làm việc mạnh mẽ trên cõi Thượng Giới hay là cõi Tinh Thần (cõi Bồ Ðề) thì đời sống bất động nầy ở Thế gian, đối với y, có thể tốt nhất. Y giúp ích kẻ khác đắc lực hơn là việc mà y không thể làm được trong khi xung quanh y đầy những náo động của Trần ai. Tuy nhiên, Ðức Sư Phụ thường cho y thác sinh xuống Trần thế đặng mà trong kiếp chót nầy, y làm gương mẫu cho sự hành động chân chính ở Thế gian, y sống một cuộc đời hoàn toàn hoạt động và biểu lộ tất cả tinh lực làm ra đặc tính của con người đầy tham vọng nhất.

 Ở trên Thế gian nầy, khi một người kia sống một cuộc đời sống tinh thần thì thường khó mà xác định, do theo triệu chứng bên ngoài, xem có phải y hoạt động vì lòng ham muốn hay là vì bổn phận, nhưng mà có một sự thử thách không sai lầm, luôn luôn giúp cho chúng ta nhận xét lý do riêng cho chúng ta. Huynh có cảm giác gì khi kết quả của sự hành động bày ra trước mắt huynh? Nếu lòng tham vọng đóng vai tuồng tối thiểu trong công tác của y thì là: ví như thất bại, y sẽ tỏ ra chán nản, mà thành công, y sẽ hớn hở vui mừng. Nếu sự thất bại ấy không làm cho y đau khổ chút nào thì không có một yếu tố riêng của bản ngã xen vào công việc của y. Y đã làm việc vì bởi chính Ðức Thượng Ðế làm việc cho hạnh phúc nhân loại, y sẽ nhận biết rằng sự thất bại không phải là sự thất bại của Ðấng Tối Cao mà nó thuộc về Cơ huyền diệu của Ngài. Về quan điểm của Ðấng Tối Cao thì sự thất bại không hề có, nhưng trong đời sống con người, sự thất bại thường cũng rất cần thiết cho sự thành công cuối cùng, cũng như sự thành công cần thiết cho sự thành công tối hậu. Vai trò của các con của Ðấng Tối Cao, đôi khi phải chịu cảnh thất bại hầu chúng trở nên dõng mãnh hơn và hiểu được rằng không có sự thất bại nào mà không có sự thành công tương ứng.

 Thật sự, con người làm việc như một thành phần của đời sống của Ðức Thượng Ðế chăng? Chính đó là điều chứng tỏ lòng hoan hỉ hoàn toàn của nó, dù nó thành công hay thất bại. Nếu lòng hoan hỉ của nó hoàn toàn không một mảy tức tối, giận hờn thì công tác của nó có mục đích đặc biệt là bảo tồn nhân loại, và không trói buộc người chủ động nó, dù ở trong sự hành động đi nữa, cũng giải quyết được vấn đề bất động và cũng tập sử dụng các thể và những vật tính (gounas)(những đặc tính của vật chất) [5][5a] nhưng mà không còn đồng hóa với chúng nó nữa. Trong trường hợp thông thường, những vật tính (gounas) dẫn dắt con người, nhưng trên Ðường Ðạo, chính con người dẫn dắt những vật tính. Phần đông con người bị những nguồn lực thiên nhiên lay chuyển và thúc giục họ làm việc, nhưng khi con người để chân trên Ðường Ðạo rồi thì sử dụng lại những nguồn sinh lực ấy như là khí cụ để làm việc, y tách ra khỏi chúng nó và dùng lại chúng nó. Người thamvọng là món đồ chơi của vật tính, bị chúng nó sai khiến, trong khi y tưởng rằng y làm việc, nhưng kẻ nào chế ngự được chúng nó, bắt chúng nó đi theo con đường tiến hóa do Ðấng Tối Cao phác họa thì không còn đồng hóa với chúng nó nữa. Trong Thánh Ca có dạy chúng ta về điều đó như vầy:

 “Kẻ nào từ bỏ tất cả tham luyến về kết quả của sự hành động, luôn luôn bằng lòng lấy mình và không tìm đâu làm nơi nương tựa, kẻ đó không hoạt động, mặc dù y làm một việc nào đó.

 Không ham muốn, làm chủ được Thể Trí và bản thân mình, từ bỏ tất cả mọi khát vọng thì nó chỉ hoàn thành sự hành động về mặt Thể Chất thôi và không phạm tội.

 Bằng lòng với tất cả cái chi hoạch đắc được một cách tự nhiên, lòng không có sự xung đột phản khắc nhau, không đố kỵ, thản nhiên trong sự thành công cũng như trong sự thất bại thì nó không bị trói buộc, mặc dù nó hành động.

 Ðối với bực siêu thoát không lòng tham luyến mà Thể Trí ở trong sự minh triết và tất cả mọi hành động đều là sự hy sinh thì Nghiệp Quả hoàn toàn tiêu tán”

 (Bhagavad Gita, IV,20 -23)

 Người mà đặt mình ở vào tử điểm rồi, như lòng lãnh đạm, thì phải lo tìm kiếm phương thế đặng tăng cường trong tâm mình những ảnh hưởng cao siêu hầu nhờ sức kích thích của chúng nó mà y chọn lấy đời sống hoạt động về tinh thần. Y phải thực hành tham thiền; y phải lợi dụng tất cả mọi tình cảm sẵn có; y phải nắm lấy một cách cẩn thận tất cả mọi cơ hội phụng sự; y phải hoạt động, dù không ham muốn sự hoạt động, dù trái với ý muốn thích ngồi một chỗ, bất động, y cần phải triệt để hành động. Nếu y biết được một người mà y đem lòng kính trọng và gương mẫu của người đó khuyến khích y hoạt động thì y sẽ trải qua một trình độ trung gian nầy rất nhanh chóng, bằng không sự tiến hóa của y có thể bị gián đoạn. Nếu y muốn làm đẹp lòng một người mà y kính mến, y có thể dùng lòng ham muốn ấy như là chất kích thích cho đến lúc y sẽ cảm thấy được sự thúc giục của Sự Sống thiêng liêng, vì thế, lòng ham muốn ấy sẽ kéo y ra khỏi ngay tình trạng nản chí ấy.

 C. W. L. - Khi đã diệt được lòng tham vọng riêng tư, con nhận được huấn lệnh:"Hãy làm việc như những kẻ tham vọng làm việc". Thường thường, có ba giai đọn nối nhau tiếp diễn: trước tiên là làm việc đặng đạt cho được kết quả ở Trần gian, kế đó đến giai đoạn mà con người vẫn tiếp tục làm việc, cũng còn vì một kết quả được về cõi Thiên Ðường. Nhiều Giáo Hội khác nhau xác định mạnh mẽ các điều trên đây là phải từ bỏ cõi Thế gian đặng sống trường cửu ở trên trời; chúng ta sẽ càng đến gần bệ ngọc của Ðức Thượng Ðế hơn và vân vân. Hầu hết cả thảy mọi người đều trảiqua hai giai đoạn nầy: làm việc cho một mụctiêu ở Thế gian, kế đó làm việc cho một mục tiêu ở Thiên Ðường. Ðôi khi, người ta đi xa hơn, làm việc hầu để làm đẹp lòng các Ðấng Thần Minh của họ. Nhiều tín đồ Cơ Ðốc Giáo, thí dụ, làm việc vì lòng yêu Ðức Chúa Jésus, điều nầy thật đáng kính, vì ở đây không còn lòng ích kỷ nữa; ấy là một trình độ cao hơn trình độ của kẻ nào làm việc vì một kết quả riêng, dù là được về cõi Thiên Ðường. Có một trình độ cao hơn nữa; là người ta làm việc vì lòng ham mến sự làm việc, ít ai hiểu được như thế, nhưng có nhiều nghệ sĩ lại hiểu. Vài người trong bọn họ, làm việc vì lòng yêu nghệ thuật, dù ở ngành nào mà ho ïtrau luyện cũng vậy. Một nhà đại thi hào nói rằng: "Nếu tôi ca hát, ấy là tôi không làm gì khác hơn được", có ý nói rằng ông bị bắt buộc phải phô diễn cái điều do ông chuyển đạt lại cho đời như một bức thông điệp. Một người khác cũng có ý tưởng như thế, nói rằng ông quí chuộng thi phẩm của ông không phải vì ông là tác giả của bài ấy, mà trái lại, vì chúng nó không phải là của ôâng. Cũng thế, có lắm người làm việc vì lòng yêu nghệ thuật, không vì họ, không vì danh tiếng của họ, không vì làm vừa ý kẻ khác, cũng không vì làm đẹp lòng Ðức Thượng Ðế - trong ý nghĩa mà thường hiểu như vậy - nhưng vì họ có cảm tưởng như mình được giao phó một sứ mạng mà họ phải làm cho xong. Ðến mức nầy mới thật là điều hết sức tốt đẹp.

 Sau rốt, đến trình độ cao hơn hết là con người làm việc vì biết mình là một phần tử của Ðức Thượng Ðế và như thế, nó nguyện ước hoàn thành Cơ Tạo Hóa. Nhiều kẻ, đôi khi, lầm tưởng rằng đó là mục đích của họ trong bầu không khí của những tư tưởng thấp hèn không ngớt bao phủ họ. Ở vào phương diện nầy, chúng ta có thể luôn luôn tự mình thử thách lấy mình, có lẽ, có ích lợi là khi nào chúng ta bị thất bại, điều nầy, thỉnh thoảng xảy đến cho chúng ta. Như Bà Chánh Hội Trưởng đáng kính của chúng ta thường giải thích rằng, nếu chúng ta chân thành và tận tâm làm việc như những phần tử của Thượng Ðế, như những phần tử của toàn thể thì không có cảnh thất bại nào có thể làm rối trí chúng ta được, bởi vì chúng ta biết rằng Ðức Thượng Ðế không bao giờ lầm lạc. Nếu, hiện giờ, sự hoạt động nầy hay sự hoạt động nào khác, đối với chúng ta dường như là một sự thất bại thì sự thất bại ấy đã được Thiên Cơ dự liệu trước, vì thế, nó cũng cần thiết và tóm tắt rằng đó không phải thật sự là một việc thất bại. Xét về mặt Thiên lý, không có sự nỗ lực nào vô ích cả, như thế, chúng ta không có gì phải buồn rầu. Một điểm duy nhất cần phải khảo xét lại là xem có phải lỗi ở chúng ta chăng? Nhưng nếu chúng ta cố sức hành động mà việc làm của chúng ta không thành công thì chúng ta biết rằng tất cả đều tốt đẹp.

 Tuy nhiên, những lýdo như thế không nên làm cho chúng ta trở nên hờ hững hay lãnh đạm để mặc cho thời gian đi qua. Một trong những bổn phận của chúng ta, là làm cho đồng loại chúng ta từ bỏ cái thuyết bất động và dắt họ đi trên con đường phụng sự. Chỉ nội sự thành công nầy cũng đem lại cho đời một ích lợi chắc chắn. Quả thật, tất cả đều làm cho tốt đẹp hơn, nhưng chỉ khi nào chúng ta thật tâm cố gắng. Nếu con người, trong phần việc được giao phó cho mà không rán sức hành động thì kết quả thu được phải kém hơn kết quả của nó phải có, bởi vì kết quả nầy đáng lẽ phải tốt đẹp hơn. Khi chúng ta triệt để thi hành tất cả và chỉ khi đó, chúng ta mới có quyền nương dựa vào tư ưởng nầy: "Tôi đã làm tất cả những điều tôi có thể làm được; mặc dù tôi không thành công, tôi xin nghiêng mình trước một quyền lực cao hơn quyền lực của tôi". Tôi dám cả quyết rằng điều gì đã làm trọn vẹn thì thật không mất mát đi đâu và rốt cuộc, mỗi người đều đạt được những điều thuận lợi cho nó nhất. Dẫu cho huynh có đạt được một kết quả trong ngày hôm nay hay là trong một triệu năm nữa, việc đó không có gì quan trọng; nếu tư tưởng triết lý cao siêu nầy chỉ là một ảo tưởng thôi thì chính đó là một ảo tưởng rất dõng mãnh. Cảm thấy ảo tưởng ấy đối với tôi, có giá trị, tôi tưởng, đối với kẻ khác, cũng có gí trị như thế và nếu chúng ta có thể khuyên bảo họ nắm lấy cơ hội đầu tiên để tiến bước thì chúng ta sẽ giúp ích cho họ thật lớn lao. Về lâu, điều đó có sự sai biệt như thế nào đối với Ðức Thượng Ðế mà nơi Ngài tất cả đều di chuyển, tôi không biết rõ, nhưng chắc chắn Thiên ý muốn cho chúng ta tiến bộ và nếu quả thế thì Ngài cũng muốn cho sự tiến hóa của chúng ta được hoàn thành càng sớm càng tốt. Lẽ cố nhiên, chúng ta phải ăn ở thuận theo Thiên ý bằng cách bước mau trên Ðường Ðạo, dắt đến sự hợp nhất với Ngài và bằng cách giúp đỡ kẻ khác cùng đi một đường với chúng ta. Vì thế, tôi không thấy tại sao nó có thể lãnh đạm khi người ta bước vào cửa Ðạo (Nhập lưu) trong thời kỳ nầy tại thế gian, hoặc trong kỳ gian của dãy hành tinh hiện thời, hoặc người ta chờ dãy hành tinh sau. Tôi sẽ hết sức cố gắng giúp đỡ đồng loại tôi bước vào cửa Ðạo tại dãy hành tinh nầy.

 Một sự thách thức khác, có lẽ sẽ được xác định xem ta có bằng lòng thi hành công tác nào đó thuộc về công tác của Ngài không? Xem chúng ta có bằng lòng giúp đỡ những người cao thượng hơn hết cũng như những người thấp thỏi hơn hết không? Ðối với Ðức Thượng Ðế thì trong phạm vi của sự tiến bộ không có gì cao mà cũng không có gì thấp, dẫu rằng trong sự tiến bộ nầy, phần tử nầy của Cơ Tạo Hóa có thể tiến đến một điểm cao, còn phần tử khác thì tiến đến một điểm thấp. Ðiều đó cũng giống như một bánh xe quay: trong sự chuyển động nầy, có một phần nào của bánh xe đến gần đỉnh, nhưng trong lúc quay tròn, toàn thể bánh xe đều tiến tới. Phận sự của chúng ta là trợ lực cho sự chuyển động tiến tới trước và thúc đẩy bất cứ là phần tử nào của bánh xe. Sự sống ở tất cả mọi trình độ là sự sống thiêng liêng. Ở nhiều giai đoạn, sự sống nầy phát triển hơn sự sống khác - sự phát triển trong con người hơn sự phát triển trong thú vật, sự phát triển trong thú vật hơn sự phát triển trong thảo mộc, sự phát triển trong thảo mộc hơn sự phát triển trong khoáng vật - nhưng mà, khắp mọi nơi, đều là sự sống thiêng liêng, và nếu chúng ta giúp đỡ cho sự tiến bộ của một trong những phần tử của nó là chúng ta hối thúc sự hoàn thành Thiên Cơ. Cái gì cao cả hơn hay thấp thỏi hơn, ấy là hình thể dùng để làm khuôn mẫu cho Sự Sống. Hình thể giúp cho sự phát triển được lớn lao nhiều hay ít, nhưng Sự Sống vẫn là một. Quan điểm của Ðức Thượng Ðế khác hơn quan điểm của chúng ta lắm, dĩ nhiên nó phải bao gồm một chút tư tưởng nầy: kỳ thật, tất cả Sự Sống như nhau, ở phương diện nầy, không có gì cao hay thấp, vì toàn thể đang chuyển động. Ðiều nầy không làm trở ngại nhiều người mà Sự Sống phát triển hơn, có nhiều khả năng để giúp đỡ, còn lắm kẻ khác chỉ có thể giúp đỡ một cách ít oi thôi. Huynh hãy nhớ kỹ điều nầy: Những người nhận thấy rằng việc làm của họ được thành tựu nhất, tốt đẹp nhất mà bị thường xem là thấp kém thì dù sao chớ nên nản chí ngã lòng, ho ïcũng thúc đẩy bánh xe ấy, họ cũng góp phần vào sự phát triển Sự Sống thiêng liêng ấy.

 CHƯƠNG THỨ TƯ

 Qui tắc 2 – 4

 2.- Hãy diệt lòng tham sống.

 Hãy kính trọng sự sống như những kẻ ham sống muốn vậy.

 A.B. - Những điều khảo sát trước đây có liên quan đến một điểm nào đó của câu cách ngôn nầy và câu kế tiếp. Cũng những nguyên tắc chung ấy áp dụng cho sự diệt lòng thamvọng (trừ phi những hoạt động của kẻ làm việc như y có lòng tham vọng) cũng được đem áp dụng luôn cho cả hai câu trên đây. Vị Ðệ Tử phải diệt lòng ham muốn đời sống cá nhân riêng biệt, tất cả điều gì làm tăng trưởng tinh lực của bản ngã và nuông chiều điều ham muốn riêng tư của y. Niềm vui thích phát triển đời sống của y bằng cách không ngớt đưa vào những yếu tố bên ngoài nhiều hơn trước cũng chưa phải là đủ cho hạnh phúc của y.

 Khắp cả thế gian, người ta thấy những người tìm kiếm một cách nồng nhiệt, một đời sống thung dung hơn, phong lưu hơn, họ chiếm đoạt nó bằng cách biểu lộ những dục vọng khác nhau, họ phấn đấu, họ tranh đua hầu hoạch đắc và tích trữ không ngớt những vật do sự tưởng tượng cuồng nhiệt và vô kỷ luật của họ đòi hỏi, đó là nguyên nhân của sự hỗn loạn vô biên về phương diện cá nhân và xã hội. Nhưng vị Ðệ Tử chính mình, phải diệt lòng ham muốn nầy là sự tăng trưởng và khai triển đời sống cá nhân và chia rẽ. Y bước vào đời sống cao siêu và chỉ có một điều ham muốn là có mặt ở khắp cả bốn phương trời trong vũ trụ mà nơi đó sự hiện diện của y có thể biểu hiện được sự sống duy nhất. Trong vũ trụ nầy có nhiều việc đáng làm. Khi mà tất cả lòng ham muốn đời sống cá nhân và chia rẽ bị đàn áp, tất cả những sự ưa thích riêng tư bị tiêu tán thì những nhu cầu của thời đại của nó mới qui định sự tuyển chọn của con người tinh thần. Linh hồn siêu thoát làm việc bất cứ ở nơi nào cần đến sự giúp đỡ, nó chỉ nguyện ước có một điều là được làm một dụng cụ ở nơi nào nó được hữu dụng. Ðời sống của nó chỉ có giá trị và hữu ích là do theo Ðời Sống Ðại Ðồng mà nó là một thành phần trong đó.

 Con người khi đã mất lòng ham sống thì bây giờ gặp bước nguy cơ là nhìn đời sống Thế gian không còn giá trị cho ai nữa, vì y không lòng tha thiết đến của cải mà cuộc đời của y đem cung hiến cho y. Y có thể nhìn cõi đời nầy và đồng loại mình một cách khinh bỉ. Vì tin chắc rằng mình là bậc cao siêu, y có thể xem rẻ kẻ khác, cho họ là điên dại, khi nói tới họ thì y dùng lời lẽ nghiêm khắc, sau rốt y xem những lý do của họ là điều đáng thương hại. Thái độ của y, đối với họ, rất là tự nhiên nhưng đầy vẻ nguy hiểm và thật là xấu xa. Nó chứng tỏ rằng, nếu y có thể nhận thức được Phi Ngã là thế đó thì y không hiểu Chơn Ngã là gì. Nếu một sự sống nào, dù không được tiến hóa mà làm cho y sinh lòng khinh bỉ thì y lại quên rằng sự biểu hiện ấy là thành phần của Ðấng Tối Cao, vì thế, bức thông điệp sau nầy, đối với y, là cần thiết và khẩn cấp: Hãy kính trọng sự sống như những kẻ tham sống muốn vậy".

 Y hỏi chúng tôi tại sao cần phải xem sự sống với lòng tôn kính, chúng tôi đáp rằng:"Bởi vì sự sống là thiêng liêng", ấy là giai đoạn công tác của Ðức Thượng Ðế và đối với Ngài, công tác ấy cũng rất quan trọng như giai đoạn cao siêu của nó hiện giờ là giai đoạn của người nầy. Khi dùng danh từ thấp và cao, chúng tôi tự đặt mình vào phương diện tiến hóa của thời gian sự thay đổi liên tiếp làm ra thời gian. Không phải Ðức Thượng Ðế nhìn xem vũ trụ Ngài như thế, đối với Ngài, không có cái nào lớn, không có cái nào nhỏ, không có cái nào ghét bỏ, không có cái nào mến yêu. Tất cả vạn vật đều tiến đến một khoảng đường nào đó ở trên con đường mà tất cả nhân loại phải đi qua hầu đạt cho được một mục đích chung. Một hình thể thô kệch cũng rất cần thiết cho Cơ tiến hóa như các hình thể được gọi là cao siêu. Vị Ðệ Tử, vì thế, cần phải tránh sự sai lầm là khinh bỉ một sư ïsống nào và cho nó không có gì quan trọng vì viện cớ rằng nó tiêu biểu cho một trình độ thấp thỏi của sự tiến hóa; tất cả vạn vật, ở vào vị trí đặc biệt của nó, đều tốt đẹp và hữu ích. Sự nhìn nhận cái Chân Lý căn bản nầy sinh ra bổn phận thương yêu đồng loại chúng ta, vì họ thuộc về thành phần của Ðời Sống Ðại Ðồng còn đang tiến hóa.

 Ở vào trình độ thấp, con người có lẽ thiếu lương tri, ham vật dục, biếng nhác, càng ít được người thương mến. Y không đủ sức hấp dẫn là do hình thể chớ không phải do Sự Sống. Hình thể làm cho ta mù quáng. Vì lẽ chúng ta miệt thị người, vì lẽ chúng ta quay mặt chỗ khác, điều đó tỏ chúng ta cao thượng hơn người, cho nên lòng khinh bỉ do ở ý niệm của sự cao thượng mà sinh ra. Thật thế, nếu chúng ta cao hơn một người nào đó thì chỉ là do ở trình độ tiến hóa của hình thể mà thôi. Cái tinh hoa vốn vẫn in nhau. Những khả năng mở ra cho đồng loại chúng vẫn đồng giá trị với những khả năng của chúng ta và bắt đầu từ trung tâm điểm mà quan sát thì thấy: "Ta sao, người vậy". Người mà theo con Ðường Ðạo rồi thì tập nhìn xem sự vật ngay ở trung tâm cũng như ở châu vi; vì thế, nó phải kính trọng Sự Sống và nhận biết rằng Ðời Sống Ðức Thượng Ðế chỉ là một. Hình thể là cái vỏ mà Ðức Thượng Ðế xét thấy cần thiết để cho Ngài biểu hiện trong đó một thời gian và nếu nó cũng khá tốt đẹp cho Ðức Thượng Ðế, thì nó cũng khá tốt đẹp cho chúng ta.

 Vũ trụ cần phải trình bày những hình thể thuộc về tất cả mọi trình độ của sự tăng trưởng, không có một hình thể nào cao hay thấp; tất cả đều như nhau. Một sự sai biệt có ra là khi nào sự tiến hóa chính của chúng ta còn tiếp diễn, nó tiêu mất lúc mà sự tiến hóa của chúng ta chấm dứt. Phải bỏ sự quan tâm của chúng ta về hình thể, phải để qua một bên tất cả điều gì có liên quan đến hình thể và kết quả của sự hành động, trước khi có thể kính trọng sự sống trong tất cả mọi biểu hiện của nó. Con người mà sự tiến hóa mới trải qua một giai đoạn, chưa trọn vẹn, còn bị nhốt mình trong những hình thể thì bằng lòng giúp đỡ những người thân cận với nó, và đáng giúp đỡ. Nó chưa sẵn sàng hỗ trợ những người tầm thường, hèn mọn hơn hết. Trái lại, kẻ nào giúp đỡ người bằng cách tự đặt mình vào quan điểm của Ðức Thượng Ðế thì giúp đỡ tất cả mọi người. Bổn phận của y là cứ việc thi hành mà không phân biệt người nào cả. Sự hoạt động của y chính là sự hoạt động của Ðức Thượng Ðế. Y giúp đỡ những người mà y gặp gỡ, dù họ cao thượng hay không. Y kính trọng Sự Sống ở ngay trung tâm của mỗi người. Y giúp đỡ nơi nào cần đến sự giúp đỡ. Y không để cho tự y phải rối trí vì Sự Sống không được hoàn toàn hiện diện trong con người. Biết rằng công trình Ðức Thượng Ðế tiếp diễn thế nào để khích lệ Sự Sống, y chú tâm vào sự giúp đỡ cho sự Sống được biểu hiện. Y tránh được việc nói rằng: "Tôi thuộc về Bản ngã, còn ngoài ra không có gì hết". Y làm việc cho sự biểu hiện, kính trọng và thương yêu Sự Sống như thế, nó không còn tỏ ra có tánh khinh bỉ, sự sai lầm nầy khi dựng lên bức tường chia rẽ,sẽ ngăn cản Sự Sống không cho phát triển nơi đó.

 Có một sự sai biệt vô cùng rộng lớn giữa cách thức mà hai người quan sát Sự Sống, một mặt, một người là kẻ thường nhơn, và một mặt khác, một người là kẻ sống trong cảnh TrườngTồn Bất Diệt. Người thứ hai thấy Sự Sống kèm theo tất cả những khả năng của nó, khả năng mà nó nhận thấy ngay từ bây giờ, dù chúng nó chưa được phát triển, bởi vì sự sống trong cảnh Trường Tồn Bất Diệt và khi Sự Sống được khảo sát dưới phương diện nầy, người ta thấy nó ở trong tất cả sự mỹ lệ của sự toàn thiện đã thực hiện được của nó. Khi Sự Sống tiến chưa đến một mức cao lắm, chúng ta chỉ thấy nó vào giai đoạn đặc biệt là ở trong thời gian chớ không phải ở trong cảnh Trường Tồn Bất Diệt; vì thế chúng ta không kính trọng Sự Sống cho đúng mức. Linh Hồn siêu thoát sống trong cảnh Trường Tồn Bất Diệt nhìn thấy Sự Sống đúng như hiện trạng của nó, khi khảo sát lại giai đoạn hiện tại, trong giớ phút đặc biệt mà Sự Sống tiến triển đến đó, Linh Hồn nầy không thể cảm giác một sự ghê tởm nào, vì biết rằng giai đoạn đó là hoàn toàn thông thường thôi.

 Cho nên, một người kia càng tiến bước lên cao thì y càng tỏ ra khoan dung với tất cả Sự Sống và lòng từ ái của y, đối với tất cả, càng rộng lớn, bởi vì lòng từ ái của y gần với lòng từ ái của Ðức Thượng Ðế. Trong khi diệt nơi tâm mình sự ham sống nghĩa là sự ham muốn của Bản ngã chia rẽ, vừa kính trọng Sự Sống như những kẻ ham sống muốn vậy, con người bắt đầu đạt được ý niệm của cảnh TrườngTồn Bất Diệt, nó giúp cho y kính trọng Sự Sống, dù Sự Sống có biểu hiện cách nào đi nữa. Tất cả lòng khinh bỉ, đối với kẻ thấp hơn y, vì thế, không còn. Y thấy mọi người ở vào vị trí của họ như là sự biểu hiện của Sự Sống Toàn Mỹ.

 C.W. L. - Ở đây, cũng như đối với qui tắc trước, giáo lý đem ra áp dụng cho hai trình độ khác nhau. Hẳn nhiên, kẻ mới học Ðạo phải lo diệt lòng ham muốn sống ở ngoại giới, theo cách nầy hơn là cách khác, nếu cách khác đó làm trở ngại công việc phải hoàn thành. Con người, khi làm Ðệ Tử Chơn Sư, phải triệt để vui lòng thi hành một nhiệm vụ gì đặt trên bước đường y đi, đến một nơi nào hoặc mộtchỗ nào khác, bỏ cái nầy hay cái kia mà vẫn không phật ý chút nào. Nếu y nói: "Tôi làm loại công tác nầy, tôi làm cho nó tốt đẹp và tôi không muốn làm công việc gì khác. Lòng kiêu hãnh của y có thể làm cho y vấp ngã. Chúng ta hãy thí dụ y bị thu hồi một nhiệm vụ mà y thấy mình đủ khả năng thi hành và y được giao phó cho một nhiệm vụ khác, đối với y, còn mới mẻ quá, y cũng phải nhận lãnh nó vớisự im lặng hoàn toàn. Sự thay đổi nầy có thể có hai lý do: hoặc là nhiệm vụ mới rất cần kíp hơn, hoặc là vị Ðệ Tử đã học qua công tác đặc biệt nầy nên tốt hơn là để cho y học làm một công tác khác.

 Ở ngoài những kỷ luật đặc biệt của Ðệ Tử, chúng tôi thường gặp những lực tiến hóa hành động như thế. Mỗi người thích làm cái điều mà y có ý làm cho tốt đẹp, nhưng mà những lực tiến hóa muốn khai triển hoàn toàn con người, và rất thường lắm, chúng nó thu hồi công tác của y đang thi hành và giao phó cho y một công tác khác mà y chưa quen thuộc, bởi vì những lực ấy muốn đánh thức trong tâmy một năng lực mới. Nếu khởi đầu mà y làm công việc không hành tựu, y phải nhẫn nại, trì chí làm cho đến khi thành công. Ðây là cách thức mà sự tiến hóa tác động một cách tổng quát và Chơn Sư cũng áp dụng nguyên tắc ấy vào sự đào luyện Ðệ Tử Ngài. Nếu Ðệ Tử hoàn thành trọn vẹn một nhiệm vụ nào thì nhiệm vụ ấy còn có thể giao phó cho y trong một thời gian, nhưng rồi, thình lình, Ðệ Tử có thể phải đi công tác ở một nơi khác, và công tác mới đó, Ðệ Tử phải sẵn sàng thi hành với lòng vui thích như công tác cũ.

 Ở trình độ cao, công việc ấy cũng còn là xác thật đối với đời sống của Chơn Nhơn. Vị Ðệ Tử khi nhìn lại những kiếp quá khứ củamình, biết rằng Chơn Nhơn của y đã theo dõi vài đường lối, khai triển vài đức tánh và xét theo phương diện cá tánh, y có thể thành công bằng cách vẫn theo dõi những đường lối ấy. Tuy nhiên, y có thể bị chuyển hướng. Cá tánh hay là Chơn Nhơn phải thọ lãnh những điều mà nó thu thập được trong lúc học hỏi của nó và ở đó chúng ta phải loại bỏ tất cả mọi ý niệm rằng công tác nầy hoặc đường lối nầy đáng thích hơn công tác khác hoặc đường lối khác. Chúng ta biết được điều ấy khi mà chúng ta gặp những người thuộc về một cung hay là một chủng loại khác hơn chúng ta. Chúng ta cảm thấy rằng cung hay chủng loại của chúng ta là tốt đẹp hơn hết. Về mặt lý thuyết, chúng ta công nhận cung hay chủng loại của kẻ khác đồng giá trị cung hay chủng loại của chúng ta, nhưng trong chúng ta, rất ít người tiến đến chỗ gây được tình thiện cảm thân hữu thật sự với họ. Vì thế, thí dụ, một người say mê những công trình Triết Học và Khoa Học có thể phải khổ tâm khi bị bắt buộc phải phục vụ theo con đường nghệ thuật hay nghi lễ. Khó mà xoay chiều mối thiện cảm của chúng ta và để nó thong thả hướng về đường khác. Tuy nhiên, ấy là một trong những điều cần phải tập làm, nếu sự cần thiết bắt buộc chúng ta. Khi một người có được cái ý niệm hợp nhất thì y có một lối phán xét vô tư. Thật thế, đối với y, tất cả các loại công tác đều như nhau. Không phải y có thể thi hành tất cả với một cách dễ dàng như nhau, nhưng y thấy chúng nó đều dắt đến một điểm chung. Người chưa tiến hóa không bao giờ hiểu thấu được điều đó. Y luôn luôn tưởng rằng người mà đứng vào phương diện cao siêu rồi thì lòng lạnh nhạt, cứng rắn và không có thiện cảm. Ðây là lý do: con người ít tiến hóa thì cứ tưởng nghĩ đến mình và ham muốn đủ thứ lạc thú riêng cho mình, trong khi kẻ khác chỉ nghĩ đến nhiệm vụ thi hành và đặt vào đó tất cả sức mạnh của mình. Khi Thiên Cơ bắt đầu lố dạng như vầng thái dương xuất hiện trên chân trời, con người chỉ thấy có Thiên Cơ, hiến dâng cho Thiên Cơ tất cả tinh lực của y và tận lực hoàn thành những gì để phụng sự tốt nhất cho Thiên Cơ, cho đến trong những chi tiết nhỏ nhặt của cuộc sống hằng ngày. Y móc chiếc xe của y vào tinh đẩu[1]. Y có nhiều lý tưởng rất cao siêu, hoàn toàn xa lạ với trí thông minh thường. Vì vậy, có thể nào mà những kẻ còn nhận sự vật theo phương diện cá nhân hiểu được y? Nếu y đau khổ vì không ai hiểu được y - tánh nầy cũng còn bộc lộ một dấu vết của bản ngã - thì y cũng phải loại bỏ nó đi. Y cần phải chấm dứt sự mong ước cho những sự cố gắng của y sẽ được hưởng thức, dù được thưởng thức hay không, y cũng phải hiểu rằng điều đó không mảy may gì quan trọng cả. Chỉ có một điều quan trọng thôi là công tác đem ra thi hành. Người ta phán đoán không công bình những việc của chúng ta làm? Không cần. Miễn là nó được hoàn thành tất cảsự toàn thiện mà có thể được. Chơn Sư sẽ biết điều đó, nhưng chính đó cũng chưa phải là động lực của chúng ta. Chúng ta hoạt động vì bởi đó là công tác của Ðức Thượng Ðế. Như chúng ta ở trong tâm của Ngài, ý chí của Ngài là ý chí của chúng ta. Niềm hoan lạc của chúng ta, sự đặc ân cao cả của chúng ta là rán sức mình để hoàn thành cái điều mà Ngài muốn thấy hoàn thành.

 Nhận thức được rằng tất cả Sự Sống là thiêng liêng thì lẽ dĩ nhiên chúng ta phải kính trọng Sự Sống ở trong tất cả mọi biểu hiện. Chúng ta chỉ thấy được nó có phân nửa nên luôn luôn chúng ta không kính trọng nó dưới tất cả hình thể và trong tất cả mọi biểu hiện của nó. Nghiệm thấy rằng có nhiều Sự Sống, đối với ta, là đáng được ưa chuộng hết sức nhưng chúng ta lại có ý hay khinh bỉ những biểu hiện đặc biệt nầy. Ðó luôn luôn là một sự sai lầm. Chúng ta thấy chung quanh nhiều sự vật, xét theo phương diện của chúng ta thì rất xấu, điều đó thường có thật như vậy. Tất cả những cách biểu thị của tánh ích kỷ, lòng tham lam, và tình dục phóng túng, không kềm chế, bày nhan nhản ở Thế gian, lẽ dĩ nhiên là xấu xa rồi, theo ý nghĩa nầy thì tất cả đều sẽ tiến đến sự đẹp đẽ hơn, nếu những cách biểu thị nầy khác hẳn những điều mà ta đã thấy. Nghĩ như vậy, chúng ta thấy mình không lầm lạc: đúng hẳn như thế. Nhưng khi chúng ta đem lòng khinh bỉ những người ở vào trình độ nầy thì chúng ta đã vượt quá mức đã định. Trình độ phát triển của họ đã cắt nghĩa những sự biểu hiện nầy. Thường thì chúng nó là cách duy nhất để biểu thị mà họ có thể làm được trong trình độ hiện hữu và chính là nhờ ở chúng nó mà họ học hỏi được. Khi thấy một người tỏ ra ích kỷ, tham lam và không tự chủ, chúng ta nói: "Thật là đáng tiếc". Ðáng tiếc thật, nhưng chỉ trong ý nghĩa mà chúng ta thương tiếc dùm cho một đứa trẻ thơ mới lên bốn chưa đến tuổi trưởng thành. Nếu chúng ta để cho những thị dục của chúng ta chi phối chúng ta, nếu chúng ta tỏ ra tham lam và ích kỷ, chúng ta tha hồ mà tự khinh bỉ chúng ta vì chúng ta hiểu phải là thế nào rồi, nhưng mà khinh bỉ người khác thì là xấu xa vậy. Người nầy dường như có khả năng làm được việc hơn, có lẽ y đã bỏ qua nhiều cơ hội thuận tiện. Chúng ta hãy thương tiếc dùm cho y, nếu có thể, hãy thử giúp đỡ y đi theo con đường ngay chánh và nhận thức những khả năng cao siêu, nhưng chúng ta đừng xa lánh y, đó là lỗi nặng nhất, mặc dù luôn luôn chúng ta không thể tránh được ý ghê tởm đối với những hành động của y. Một người say rượu, ấy là trình độ hiện hữu của y. Linh Hồn y còn trẻ trung, y chịu khuất phục trước sự cám dỗ của men rượu, thay vì phải chống lại nó như việc y phải làm. Có lẽ y cũng thường thử kháng cự lại nhưng không thành công. Tất cả mọi phương tiện giúp đỡ của chúng ta cần phải được triệt để và hoàn toàn để cho y sử dụng, nhưng chúng ta đừng gớm ghiếc y. ấy đó là cái tư tưởng cũ rích của Thiên Chúa Giáo: chúng ta có thể thù ghét tội lỗi, nhưng xét thương giùm cho kẻ phạm tội, bằng không tánh tình của chúng ta còn xấu tệ hơn nữa, vì lẽ chúng ta mất tình huynh đệ, và cùng một lúc, ta mất luôn cái năng lực giúp đỡ của chúng ta.

 Sự Sống duy nhất ở trong tâm của tất cả và chúng ta phải kính trọng nó, dù nó ở trong những biểu hiện mà chúng ta không thích và chúng ta biết là bất hảo. Sự Sống là thiêng liêng; đừng bao giờ quên điều đó. Ðôi khi cũng khó mà công nhận việc ấy khi mà những hành động phạm pháp có tính cách quá vô đạo, dù sao cũng nên rán nhớ rằng Sự Sống là thiêng liêng. Ðó còn là cái ý niệm cũ kỹ của Sự Sống ẩn tàng đã được đem truyền dạy cho chúng ta từ cả muôn, cả ngàn năm nay trong những Pháp Môn Huyền Bí Ai Cập. Người ta nói với chúng ta rằng Sự Sống ẩn tàng ngự trong tâm của mỗi người, nó ẩn kín trong sâu xa, gần như không thấy được. Huynh hãy nhớ luôn luôn rằng nó vẫn hiện diện mặc dù chúng ta không trông thấy nó. Ánh sáng ẩn tàng ở trong tâm ta, không thể soi sáng một kẻ khác, và làm cho ánh sáng còn ẩn kín ở trong tâm của y tỏ rạng, nhưng nhờ có đủ nhẫn nại và nghị lực mà y sẽ hoạt động đúng ngày giờ của y và theo cách thức của y. Ngày nay lời giáo huấn nầy được trình bày bằng những danh từ có hơi khác hơn, nhưng chân lý chứa đựng trong đó vẫn không thay đổi.

 Người mà sống trong cảnh Trường Tồn Bất Diệt nhìn xem tương lai cũng như hiện tại. Vì thế, đứng trước một biểu hiện hết sức xấu xa ghê tởm của Sự Sống, y nói: " Phải, trong nhất thời và xét theo phương diện của kỳ gian thôi thì đúng là điều tôi thấy như vậy đó: một sự biểu hiện hạ đẳng và không xứng đáng, nhưng mà Sự Sống thiêng liêng, hằng cửu bất biến, sẽ nẩy nở một ngày kia". Lắm người không hiểu được hiện tại mới là ảo tưởng đến bực nào. Chúng ta vừa mới nghĩ đến hiện tại là nó đã chạy mất. Chúng ta nói: "Chuyện nào đó đang xảy ra bây giờ đây". Và những lời nầy chưa thốt ra thì cái hiện tại trở nên quá khứ rồi. Thật sự, không có hiện tại; ấy là lưỡi dao chia đôi quá khứ và tương lai, ấy là một danh từ tiện dụng, nhưng mà mỗi giây qua là lưỡi dao lại di chuyển. Phải đọc tương lai trong hiện tại và nhận xét nó ra thế nào. Nếu chúng ta thoát ra khỏi mấy thể nầy và những bộ óc nầy trong chốc lát thôi và chúng ta đi vào một đời sống thật tình cao siêu hơn rồi từ trên cao đó chúng ta có thể khảo sát vấn đề nầy, chúng ta sẽ hiểu nó được một cách đầy đủ. Chúng ta thấy rằng khi tưởng nghĩ đến tương lai thì ngay bây giờ chúng ta làm cho nó đến gần chúng ta hơn. Nếu, thấy một kẻ phạm tội, chúng ta cứ tưởng đến tội lỗi của y thì chúng ta càng bó chặt tội lỗi ấy vào mình y, nhưng nếu thấy y mà chúng ta nghĩ đến tương lai lúc mà y sẽ giải thoát được tội lỗi đó thì chúng ta mở cho y một con đường của tương lai nầy, vì thế nó ít xảy ra hơn.

 3.- Hãy diệt lòng ham sung sướng.

 Hãy sung sướng như những kẻ sống vì hạnh phúc.

 A.B. - Trong những giai đoạn đầu tiên của sự tiến triển, con người vận dụng tất cả não lực và thể lực của nó hầu đạt cho được những phương tiện bảo đảm sự sung sướng của nó. Lòng ham muốn sung sướng đó là điều chỉ định cho phần đông con người. Ðó là sự kích thích rất hữu ích để đem vài tánh biểu lộ ra đặng chúng nó thích ứng với sự sung sướng mà người đạt được muốn thụ hưởng.

 Lòng ham muốn tiêu tán dần dần khi mà những mục tiêu hiện lên. Tỷ như một người có thể diệt lòng ham muốn sung sướng và những lạc thú của xác thân bằng cách di chuyển quyền lợi của y qua đời sống tinh thần. Trước tiên, y có một ý niệm về sự cố gắng, sự đau khổ và sự mất mát tổn hao, nhưng y thích những sự lạc thú của Thể Trí hơn là Thể Xác, biết rằng chúng nó sẽ tồn tại lâu hơn, kế đó, nếu y thực hành sự đoạn tuyệt y nhận thấy rằng cái ý nghĩ tổn hao mất mát giảm bớt, những sự lạc thú trí thức đối với y, có sức hấp dẫn tăng trưởng thêm, sau rốt, những điều ham muốn thấp hèn mất hết sự quyến rũ của nó.

 Trước hết, và ở mọi trình độ, có sự đoạn tuyệt, kế đó, sự vật Hồng Trần mà mình ham muốn mất sức quyến rũ của nó. Về sau, một sự thay đổi tương tự phát sinh liên quan đến những lạc thú trí thức. Khi con người ngưỡng vọng đến đời sống thiêng liêng, lòng ham thích hoạt động về trí thức giảm lần từ giai đoạn. Sự hưởng thụ một tinh lực dõng mãnh vềtrí thức càng ngày càng ít làm cho nó mê say. Nó từ khước những sự lạc thú của trí tuệ và tìm kiếm những sự lạc thú của tinh thần. Nó thoát khỏi trí tuệ và chú định Tâm Thức của nó vào trình độ cao siêu.

 Diệt lòng ham muốn sung sướng không phải là không có hại, nó là cái hại lớn thứ ba. Cái hại thứ nhứt là bất động, cái hại thứ hai là khinh bỉ, cái hại thứ ba là một khuynh hướng không sung sướng mà cũng không đau khổ.

 Làm thế nào cho được hạnh phúc? Chúng tôi đáp: " Khi tìm biết được rằng Chơn Ngã là toàn phúc ". Trong quyển kinh Brahma Sutras có nói rằng: "Phạm Thiên là toàn phúc. Phạm Thiên là toàn lạc". Giờ đây, con người phải có lòng tin như thế. Không có sự sung sướng nào, không có sự đau khổ nào còn ảnh hưởng đến người y nữa. Chúng nó không còn sức hấp dẫn y được, chúng nó sinh ra bởi sự tiếp xúc giữa những hình thể. Giờ đây, đạt đến mức quân bình con người quên hẳn mình đi không thấy gì sung sướng hay là đau khổ nữa, tuy nhiên, y cần phải tập cho được sung sướng như những kẻ sống vì hạnh phúc.

 Ấy là sự toàn phúc mà Chơn Ngã được hưởng, cái toàn phúc thâm thúy và bất biến nầy là đặc tính cần thiết của đời sống thiêng liêng mà tâm thức của chúng ta khó nhận thức hơn hết. Ðặc điểm của những Ðại gia Thần Bí và của những Ðấng Cứu Thế; ấy là sự đau khổ đóng một vai tuồng to tát trong cuộc đời các Ngài. Ðức Jésus là một người đau khổ. Gautama, Ðức Phật, lìa bỏ cung vàng điện ngọc huy hoàng, những vườn thượng uyển[2], những bằng hữu trung thành, hầu tìm kiếm một phương thuốc cho sự đau khổ của nhân loại. Cũng thế đó, nếu chúng ta khảo sát lại những cuộc đời của những bậc Ðại dẫn đạo quần chúng. Sự đau khổ có một ảnh hưởng sâu xa nơi con người của các Ngài, tràn ngập một niềm vui bền bỉ và xét đoán các Ngài ở bên ngoài thì cho các Ngài chịu những đau khổ ghê gớm. Sự phiền não rình rập các Ngài, biết bao là sự sầu muộn, sự rối rắm, sự lo lắng và những cảnh hoạn nạn, từ khắp nơi, như mưa đổ trên mình Ngài, lẽ dĩ nhiên, người ta dựa theo đó mà suy luận ra rằng các Ngài buồn thảm lắm. Không hẳn thế, các Ngài không nao núng, không khổ sở, không lo buồn vì những nỗi niềm đau khổ ấy, mặc dù các Ngài rất chú ý vào đó và vẫn đủ khả năng hoàn thành tất cả điều gì mà hạnh phúc của thế gian có thể đòi hỏi. Sự an tĩnh ngự trị trong tâm các Ngài. Cho nên, huynh nghe các Ngài luôn luôn lập lại rằng: "Lòng ta luôn luôn an tịnh".

 Ðệ Tử chia sớt tất cả nỗi niềm đau khổ dưới Thế gian. Sự đau khổ nầy không thể tránh được. Nó rọi cái bóng trên mình Ðệ Tử, một cái bóng mà y không phương trốn tránh. Tất cả niềm đau khổ của nhân loại cần phải gặp một tiếng dội trong lòng nó. Nó đau khổ, nó thương hại dùm cho những kẻ vô minh, cho những người đau khổ, cho những phản kháng của họ, cho những bạo động của họ. Ở vào trình độ nói trên, Ðệ Tử phải lâm nguy là làm mất sự nhạy cảm của mình. Nếu nhạy cảm càng kém sút thì Ðệ Tử càng ít hữu dụng hơn. Những Ðấng Cao Cả động lòng thương hại cho con người còn lệ thuộc Nhân Quả, nhưng các Ngài vẫn chịu bất lực vì chính các Ngài cũng không làm sao giúp đỡ được. Phải, có những trường hợp mà sự giúp đỡ của các Ngài khó bề thực hiện và con người phải tự lực đương đầu với những kinh nghiệm của mình. Biết được sự cần thiết hòa hợp tuyệt đối với Thiên Cơ, các Ngài, trong khi đó, đứng biệt lập ra ngoài coi chừng Thiên Cơ hành động. Một yếu tố đau khổ và thiện cảm, vì thế, còn tồn tại ở các Ngài, sự thương hại của các Ngài cũng bao hàm một mức độ phiền muộn nào đó.

 Và điều nầy sẽ lưu tồn mãi mãi như một cái bóng. Khi làm mất năng lực lòng thiện cảm, con người sẽ mất năng lực giúp đỡ. Trong phạm vi mà đời sống của y thông đồng với kẻ dốt nát, y cảm thông được niềm vui và nỗi khổ của nó và y làm cho nhẹ bớt sự đau khổ đi bằng cách chia sớt sự đau khổ với nó.

 Vị Ðệ Tử luôn luôn hiểu rõ những chơn lý khẩn thiết nầy, và cần nhớ lại rằng Chơn Ngã là toàn phúc. Y trong lòng phải vui vẻ và đào luyện cho có phương pháp cái tinh thần an phận và điềm tĩnh. Do đó, y có thể tham thiền về sự toàn phúc thiêng liêng, sự toàn phúc thâm thúy, mãnh liệt ở thế gian nầy không có gì bằng, bởi vì nó là tinh hoa và chính là bản thể của Chơn Ngã. Trạng thái nầy chỉ có thể phát triển một cách duy nhất là: nhờ sự khảo sát cảnh thế gian, sự tìm hiểu rằng điều ác là Vô Minh hay là sự thiếu Minh Triết. Bị bao bọc ở trong vòng phiền não, vị Ðệ Tử phải sung sướng. Y phải đạt cho được sự tin chắc rằng sự đau khổ riêng thuộc về mấy Thể mà đời sống là luôn luôn sự vui vẻ.

 C. W. L. - Qui tắc nầy không có nghĩa là cấm đoán sự sung sướng như người ta thường hay giải thích. Những vị Ðạo sĩ Yoguis, những nhà tu ẩn dật, những nhà sư, căn cứ vào những kinh sách khác đều kết luận giống nhau. Những lời kết luận ấy đều hoàn toàn sai lạc và vô lý. Thời Trung Cổ, những nhà sư đeo lông ngựa vào cổ để hành xác. Nhiều Ðạo sĩ Yoguis ngồi trên bàn chống sắt nhọn trong mùa viêm nhiệt, hết sức nóng, ban đêm họ vẫn ngủ giữa những đám lửa hồng, tất cả những điều nói trên cốt để tránh sự sung sướng. Người ta đi đến kết quả đó, là tại họ lấy một đoạn kinh rồi giải thích một cách quá lố. Trong Thánh Ca (Bhagavad Gita) nói rằng: " Những kẻ nào hành hạThể Xác tức là hành hạ Ðức Thượng Ðế ngự trong thân mình của họ và những phương pháp luyện tập của họ phản tiến hóa". Vì thế, qui tắc nầy, đối với chúng ta, không có nghĩa là cấm đoán sự sung sướng, nhưng chúng ta không nên để cho lòng ham muốn sung sướng ngăn trở chúng ta thi hành một công tác nào mà chúng ta có bổn phận phải làm. Dù mà sự thi hành bổn phận của chúng ta có đem lại cho ta nhiều nỗi bực mình trọng hệ, đó cũng không phải là lý do để cho chúng ta xao lãng bổn phận của chúng ta.

 Tự cấm mình hưởng sung sướng một cách vô lý, thì ta chỉ tạo nên những sự khó khăn. Người ta nói nhiều về kiến hiệu của sự đau khổ và của tất cả những sự tiến bộ mà sự đau khổ mang lại cho chúng ta, nhưng khi khảo sát sự vật cặn kẽ, chúng ta nhận thấy sự tiến bộ mà có là khi nào sự đau khổ chấm dứt. Không phải chính là sự đau khổ làm cho tiến bộ, nhưng trong nhiều trường hợp, nó bắt con người phải chú ý đến những điều kiện mà nếu không có sự đau khổ thì không đủ sức chú ý. Ðôi khi, sự đau khổ diệt mất những tánh ngăn trở sự tiến bộ của y, nhưng những sự tiến bo änầy chỉ thực hiện được là khi nào không còn đau khổ nữa. Chỉ có lúc bấy giờ thôi, trạng thái tinh thần của y mới giúp cho y nhắm cao xa hơn.

 Chúng ta đừng tưởng rằng có được một đức hạnh nào đó trong sự làm cho chính chúng ta mất tiện nghi. Trái lại, khi nào Thể Xác được thư thái thì chúng ta dễ nghĩ đến đời sống cao siêu hơn. Tuy nhiên, tôi có biết những người cứ khư khư mãi trong sự lầm lạc ấy. Ðây là một thí dụ. Ở Ấn Ðộ là nơi mà người ta biết rành rẽ về cách thức tham thiền. Họ có tập quán là ngồi xếp bằng kiết dà. Tôi có biết một số đông người Tây Phương bị kiệt sức vì bắt mình phải chịu đau khổ bằng cách, trong lúc tham hiền, tập ngồi cho quen theo thế kiết dà của người Ấn Ðộ. Họ không hiểu rằng đó chỉ là một vấn đề của chi tiết bên ngoài và người Ấn Ðộ công nhận nó chỉ vì họ đã tập quen ngay từ khi còn thơ ấu. Những người chưa quen với tư thế nầy bị nó làm phiền lụy mà muốn tự bắt mình ngồi theo lối đó thì phí hết thì giờ của họ. Ðức Patanjali khuyến cáo một lối ngồi tham thiền "thong thả và êm ái".

 Có hai điểm đáng được khảo sát liên quan đến cách ngồi của chúng ta trong khi tham thiền. Ðiểm thứ nhứt là Thể Xác phải vừa đủ thư thái đặng người ta có thể quên mình, bởi vì đó mới là mục đích tìm kiếm. Ðiểm thứ hai là ngồi thế nào, nếu chúng ta xuất hồn khỏi xác lúc tham thiền (điều đó vẫn có thể xảy ra luôn) mà không có gì rủi ro. Trong trường hợp nầy, cảm giác của Thể Xác là mê man như bị máu xâm. Người Ấn Ðộ ngồi tham thiền trên ván, té ngửa ra sau nên không có tai hại. Vì vậy, trong lúc tham thiền, chúng ta phải ngồi trên ghế bành hầu tránh khỏi phải té ngửa khi Thể Xác mất tri giác. Nằm tham thiền không tốt nếu nó làm cho chúng ta dễ buồn ngủ.

 Những mối cảm xúc và trí tuệ có sự lạc thú của nó và lắm kẻ bài xích cái quan niệm rằng sự sung sướng của Thể Xác, đối với họ, không có gì trọng hệ, nhưng họ lại hết sức đau khổ nếu sự sung sướng của tình cảm không được vững chắc nghĩa là khi họ tưởng mình không nhận được sự báo đáp xứng đáng do những sự cảm xúc của họ. Nhiều người cảm xúc một cách khó nhọc lại mong ước cho thiên hạ cũng giống như họ vì khi nhận thấy sự trái ngược lại thì họ tỏ ra rất bất mãn. Họ ban rải điều mà họ gọi là tình thương, nhưng đức tánh nầy cũng thường đượm màu ích kỷ. Họ gây ra đủ thứ rối rắm, sự hành động của họ làm tổn thương những kẻ mà họ nói là họ thương, tất cả những điều trên đây cũng chỉ vì một lý do duy nhất là họ muốn tình thương của họ phải được báo đáp lại. Họ không biết rằng có nhiều loại tình thương khác nhau và có lẽ hết sức khó cho những người được họ thương yêu báo đáp lại tình thương của họ như ý họ muốn. Nguyên nhân của sự khó khăn là do sự kiên cố của lòng ham muốn sung sướng của tình cảm. Nhưng chúng ta không nên bao giờ cho lòng ham muốn ấy xen vào những sự tiến bộ riêng của chúng ta hay là của những người thân yêu chúng ta.

 Cũng thế, có một sự sung sướng của trí tuệ là con người muốn gặp lại những tư tưởng của họ nơi kẻ khác không sai một mảy và do đó, bảo đảm sự thỏa mãn và sự an tĩnh của Thể Trí.. Chúng ta vẫn gặp mãi sự khó khăn nầy. Thí dụ, một thanh niên có nhiều triển vọng tốt đẹp, hết sức mến thích Thông Thiên Học và ước mong gia nhập vào Hội. Cha mẹ phản đối kịch liệt. Ðối với họ, nếu con của họ, trai hay gái, thừa nhận những tư tưởng mà họ không thể nào chia sớt được thì họ không còn sungsướng của trí tuệ nữa. Họ tin chắc rằng họ hữu lý và ngoài những ý kiến đặc biệt của họ ra thì không gì hữu lý có thể tồn tại được. Vì thế, nếu con trai hay con gái của họ mà có nhiều tư tưởng khác hơn tư tưởng của ho ïthì họ cảm thấy đó là một điều sỉ nhục. Họ quên rằng nếu một Linh Hồn thác sinh trong gia đình họ, đó không phải là một lý do để bắt nó phải chia sớt tính khí của cha mẹ nó. Mỗi Linh Hồn có cách thức của nó, có năng lực đặc biệt của nó để nhận thức Chân Lý.

 Ðường lối đặc biệt của Linh Hồn là đường lối duy nhất, theo đó nó có thể tiếp nhận được chân lý. Nhiều kẻ khác lại lầm lạc muốn bắt buộc Linh Hồn phải theo đường lối của họ đưa ra, theo ý họ, làm vậy tức là gây sự phản động toàn diện của Bản Ngã bên trong. Một trăm lần xảy ra là đúng cả một trăm lần, những trẻ em mà trí thức bị đàn áp như thế đều bỏ hẳn tín ngưỡng của cha mẹ nó. Biết bao lần, thí dụ, con trai của vị Giáo sĩ [3] đã trở nên kẻ vô thần vì cha mẹ đã lầm lạc cưỡng bách nó theo tư tưởng riêng của mình. Lòng ham muốn sung sướng của trí tuệ đã tạo ra cho con người nhiều đau khổ. Vị Ðệ Tử phải luôn luôn coi chừng lòng ham muốn sung sướng của tình cảm hay trí tuệ của mình giục nó xâm phạm tới quyền lợi của kẻ khác và đừng để lòng ham muốn ấy ngăn trở bổn phận nó có thể thi hành hay sự cứu trợ có thể ban bố.

 Ðiều cần thiết là chúng ta sống lạc quan, như ở đây Ðức Ðế Quân đã nói với chúng ta, mặc dù có lẽ chúng ta không sống vì hạnh phúc. Cái bổn phận sống lạc quan, tôi tưởng, thường hay bị người ta quên. Người ta không thấy đó là bổn phận, thế mà đó là bổn phận theo tất cả ý nghĩa mạnh mẽ của danh từ. Ấy là một yếu tố cần thiết cho sự tiến bộ của chúng ta. Một người cứ mãi sầu thảm và chán nản vì ảnh hưởng của những biến cố thì không thể tiến bộ. Tốt hơn là y phải lý hội được lẽ đó. Tôi xin lập lại: sự cần thiết cho chúng ta là có được một sự cảm xúc lẹ làng càng ngày càng tăng trưởng, bởi vì không cảm xúc lẹ làng thì chúng ta không thể nào ứng đáp liền với một dấu hiệu hết sức nhe ïnhàng của Ðức Sư Phụ. Phải vừa rất nhạy cảm và vừa ban rải hạnh phúc là điều khó khăn không cãi chối được. Dù sao cũng phải đạt cho được việc nầy. Biết bao nhiêu điều đã kêu gọi đến lòng thiện cảm thâm thúy nhất chúng ta. Dĩ nhiên, khó mà có thiện cảm với những người đau khổ mà đồng thời trong lòng lại không phiền não. Tuy nhiên, như tôi đã giải thích, Sư Phụ có một lòng thiện cảm rộng mênh mông hơn lòng thiện cảm của chúng ta, tuy nhiên Ngài không cảm thấy sự phiền não như là một sự phiền não vậy.

 Những sự đau khổ, những sự phiền não sẽ giảm đi nhiều lắm nếu mà những người ngày nay chịu những đau khổ và phiền não, trong mấy kiếp trước của họ, có lẽ cả chục ngàn năm rồi, họ sống một cuộc đời khác hẳn với lối sống thuở đó. Nhưng bởi họ đã sống một cuộc đời trái với đạo lý như thế thì bây giờ không có cái chi làm thuận lợi nhiều cho sự tiến bộ của họ bằng những điều xảy đến cho họ hôm nay. Chúng ta không sao ngăn cản được lòng phiền não khi thấy tình trạng hiện hữu của họ, nhưng niềm thương tiếc của chúng ta không phải vì những sự thử thách hiện thời của họ mà vì những nguyên nhân xa xăm xưa kia đã làm cho những sự thử thách đó ngày nay trở nên cần thiết. Ý niệm nầy dường như là lạt lẽo, lạnh lùng, nhưng khi chúng ta biết được đến điểm nào đó rằng kết quả mới thuộc về thành phần của nguyên nhân thì chúng ta có thể nhận thấy hiện tại có liên quan thiết thực với nguyên nhân do những người nầy gây ra đã từ lâu rồi và không có gì khác lạ dưới quyền lực của Luật Trời là Luật Nhân Quả.

 Ngày nay, tất cả những sự đau khổ nầy chỉ có thể sửa đổi được là nhờ sự can thiệp của những lực mới, chúng ta có thể làm êm dịu, đến một điểm nào đó, sự phiền não và sự đau khổ. Khi chúng ta làm thế thì không phải chúng ta cản trở được sự thực hiện của Luật Trời, điều đó không bao giờ có được mà cũng không phải làm rối loạn sự hòa hợp với Luật Trời, nhưng chúng ta vận dụng lực mới, chính nó cũng tùy thuộc Luật Trời và nó làm giảm bớt phần lớn những hiệu quả của quá khứ. Mặc dù, như tôi tỏ bày, nhiều người trong chúng ta có cái khả năng an ủi giúp đỡ mà cũng khó nhọc khi tỏ tình thiện cảm hoàn toàn và đồng thời nhìn nhận sự đau khổ cần thiết. Thế mà, trong vài trường hợp, chúng ta tiến tới một cách rất khéo léo. Thí dụ, một trong những bạn chí thân của chúng ta cần phải chịu giải phẫu. Ðã đành chúng ta rất tiếc điều đó nhưng chúng ta không hề có ý nghĩ rằng cuộc giải phẫu ấy không tốt đẹp: chúng ta biết những sự ích lợi mà cuộc giải phẫu đem đến và trông đợi sức khoẻ của bạn thân chúng ta hồi phục. Vì thế, dù có than tiếc hay lo buồn thế mấy, chúng ta xem cuộc giải phẫu ấy như là một sự cần thiết đáng buồn và đáng tiếc. Tất cả những sự phiền não, tất cả những sự đau khổ cũng chỉ là có thế thôi - có bấy nhiêu cuộc giải phẫu cốt để loại bỏ những mầm nguy hiểm.

 Ở thế gian nầy, nhiều sự phiền não có thể tránh được vì một phần lớn không do quá khứ mà do những lỗi lầm hiện thời gây ra. Con người nhận lấy mọi vật ở khía cạnh xấu. Vì vậy mà chúng ta thường hay sinh ra bất bình, chúng ta nổi nóng, chúng ta tự đau khổ. Luật nhân quả không có ăn nhập chi trong mấy việc nầy cả. Trong nhiều trường hợp, bảy phần tám những điều lo lắng không ở ngoài đến mà hoàn toàn do cách thức của những người chịu đựng những sự kinh nghiệm của họ. Nhân Quả ở ngoài đến thì chẳng bao nhiêu, nhưng chúng ta lại làm cho nó lớn thêm nhiều, đó là sự lầm lỗi hiện tại của chúng ta; không phải là không phương cứu chữa. Phần đông những người lấy hạnh phúc làm mục tiêu ở đời thì tìm hạnh phúc nhiều cách khác nhau. Họ hợp tác với những kẻ mà sự gần gũi đã đem lại cho họ niềm vui đẹp, họ đi đến những nơi mà họ tưởng tìm gặp được lạc thú v.v.... Vị Ðệ Tử không nên bắt chước theo gương của họ, vì y cần có khả năng tìm hạnh phúc ngay trong tâm mình, không bắt buộc hạnh phúc đó lệ thuộc những điều kiện đặc biệt bên ngoài. Ðối với chúng ta thật khó, bởi vì trong nhiều kiếp đã qua, chúng ta từng bị những cảnh ngộ điều khiển, đẩy đưa, không nhiều thì ít. Khi nhìn kỹ lại đồng loại, chúng ta nhận thấy đa số cũng vẫn còn ở trong tình trạng đó. Phần đông, ở thế gian, rất ít chịu khó hoán cải tình trạng mà họ đang ở trong đó. Họ cảm thấy tinh thần suy ngược, họ sinh ra phật ý liền và vì thế họ đau khổ. Họ chỉ cần sửa đổi tất cả điều trên đây, nhưng không, khi họ bị xúc phạm thì họ đáp lại bằng những lời than van hay trách móc và tuyên bố không thể nào thuận thảo với những hạng người như vậy. Thế mà, hạng người nầy cũng chắc không khác gì mấy với đa số nhân loại. Hạnh phúc của chúng ta tùy theo cách chúng ta biết đối xử với họ và thái độ của chúng ta ứng đáp với thái độ của họ. Nếu chúng ta đã thâu thập được vài lợi ích trong công cuộc khảo cứu về Huyền Bí Học, chúng ta sẽ nói: "Tôi không cho ý muốn của họ là quan trọng, đó là công việc của họ chớ không phải của tôi. Còn tôi thì tôi không hề chiều theo tánh hay hờn giận, không lo âu hầu giữ được bình tĩnh, mặc dù mấy người khác làm hay nghĩ thế nào cũng được".

 Người ta sẽ nói: "Thật là khó, nếu chúng ta bị công kích và bị sỉ nhục. Nhưng phải chăng thật sự là những hậu quả của một thái độ sỉ nhục và khiêu khích tùy thuộc cách mà con người đã nhận lãnh ư? Nếu chúng ta không dằn được cơn nóng giận thì sinh thêm nhiều rắc rối, riêng phần chúng ta cũng bộc lộ những tánh tình xấu xa như kẻ kia và dưới mắt của nhân chứng thì hành vi khiêu khích dường như có phần đúng. Nếu trái lại, chúng ta giữ được hoàn toàn bình tĩnh thì kẻ sỉ nhục ta bị xem như là có lỗi và nhân chứng có thể xét thấy chúng ta không lỗi. Ðã đành không nên giữ bình tĩnh với dụng ý tỏ ra mình không lỗi, nhưng thái độ của chúng ta phải là thái độ triết lý vì những lời công kích và sự can thiệp nhắm vào chúng ta không làm cho chúng ta xúc động, như thế chúng ta thật hữu phước.

 Cái hạnh phúc giả là việc tránh những sự phiền não và đau khổ. Chúng ta có thể làm nhiều hơn thế. Chúng ta thử xếp đặt cuộc đời mình cho phù hợp với những lời giáo huấn của Huyền Bí Học bằng cách khảo cứu về nội tâm. Chúng ta cần phải tham gia vào công tác của thế gian. Hãy giải quyết rằng: "Không ai thấy được Cơ Tạo Hóa hay công tác của Ðức Thượng Ðế thực hiện mà không thử phụ giúp vào với tất cả sức mạnh của mình". Nội một việc chú tâm công tác ấy cũng đủ choán hết thì giờ làm cho con người có hạnh phúc. Ðứng trước những việc từ ngoài đưa đến, chúng ta đừng kiếm thì giờ phản động lại bằng cách chán nản hay lo buồn. Nếu luôn luôn chúng ta tìm thế gởi những tư tưởng mạnh mẽ về thiện chí cho những người xung quanh ta, chúng ta bận suốt ngày và công việc của chúng ta làm tạo cho chúng ta một điều vui thích vậy.

 Làm sao chúng ta không khỏi buồn lòng khi nghe những người xung quanh ta vẫn nói mãi những điều họ làm để "giết thì giờ": họ thi hành việc nầy, việc nọ, đó là họ đề xướng ra cho các công việc để làm. Cảnh tượng vừa buồn cười, vừa tội nghiệp, vì ở Thế gian có hàng ngàn cơ hội để hành động một cách từ thiện và cao quí, và họ cũng không tìm những công việc ấy mà làm. Họ chỉ bày ra những trò chơi, những cuộc giải trí và đó mới là một thái độ kỳ lạ nhất.

 Sinh viên Huyền Bí học không đủ ngày giờ để thi hành hết thảy những điều họ mong muốn. Thật ra, tất cả những người muốn làm việc thì công việc kéo đến dồn dập. Công tác luôn luôn trên sức họ. Bà Tiến Sĩ Annie Besant làm việc không biết mệt và không nghỉ ngơi, từ sáng sớm cho đến một giờ đêm khuya khoắc. Quan niệm của bà về công việc cũng không khác bao nhiêu với quan niệm của người thường. Trong thế giới doanh nghiệp, nhiều người, có lẽ, thường hay mê say thích thú một công việc nào đó, nhưng thường thì họ hiểu làm việc phải như thế nầy: là làm một ít công việc rồi nghỉ ngơi, kế đó làm việc trở lại một thời gian ngắn và người ta gọi đó là cần mẫn, làm việc một cách đúng đắn. Ðó không phải là cách thức của Bà Tiến Sĩ Annie Besant. Bà vừa lắng nghe huynh nói, không để mất một chữ, và bà vừa tiếp tục viết. Câu chuyện của huynh chấm dứt thì sự giúp đỡ hay lời khuyên bảo của bà cũng sẵn sàng rồi. Bà không bỏ mất một phút giây nào. Nếu bắt buộc phải chờ đợi trong sân ga, luôn luôn bà có trong tay một tập giấy nhỏ, bà liền viết thư hay bài đăng báo. Không phải ai ai cũng bắt chước cách làm việc của bà được - huynh đừng quên rằng hiện giờ niên kỷ bà đã cao. Vả lại công việc của bà thường thường rất tinh tế, trên nhiều điểm và khác nhau nên bắt buộc phải có quyệt định nhanh chóng. Những người làm việc ăn lương không làm như vậy được. Chính vì bởi tất cả công việc của bà làm đều không ăn tiền mà bà mới đủ khả năng làm việc như thế. Bà lấy đó làm vui thích, luôn luôn nụ cười khả ái nở trên môi đối với những người bà đã gặp. Bà là nguồn cảm hứng thật sự đối với tất cả những người tới lui giao thiệp với bà. Chúng ta gắng sức theo bước chân bà đi xa bao nhiêu hay bấy nhiêu và đừng bao giờ quên mất bổn phận là sống lạc quan. Nếu chúng ta không có hạnh phúc, ấy là chúng ta chưa làm đầy đủ sức mình - bằng chứng chắc chắn là chúng ta làm mất thì giờ của chúng ta. Hãy bắt tay vào việc, khởi công làm một việc nào đi rồi chúng ta sẽ thấy hết buồn bã, bởi chưng chẳng có thì giờ nhàn rỗi, ở không. Phận sự chúng ta đem đến một hứng thú quá nồng nàn, nó rộng rãi bao la quá nên khi thấu hiểu được chân lý, chúng ta không có một tư tưởng nào để nghĩ ngợi đến buồn bã hay điều chi âu sầu nữa.

 Hãy tìm kiếm trong tâm con cội rẽ của sự quấy. Hãy tận diệt nó, nó sinh trưởng, nẩy nở sung túc trong lòng của người Ðệ Tử tận tâm cũng như cũng như ở trong lòng của con người tham vọng. Chỉ có kẻ mạnh mẽ mới trừ diệt được nó. Người yếu đuối phải chờ cho nó lớn lên, tăng trưởng rồi chết đi, và đó là một cái cây sinh trưởng và phát triển qua nhiều thời đại. Nó trổ nụ, đơm bông khi con người tích lũy trên đầu mình vô lượng số kiếp, kể nào muốn để bước vào con đường của quyền lực hãy nhổ sạch gốc rễ của nó trong tâm mình. Bấy giờ tâm sẽ rướm máu và kiếp sống của con người cơ hồ như hoàn toàn tan rã. Phải chịu sự thử thách nầy: nó có thể khai diễn từ nấc đầu tiên của cái thang nguy hiểm dắt đến con đường của sự sống; nó có thể trì hoãn lại đến nấc cuối cùng. Nhưng, nầy Ðệ Tử, con hãy nhớ, con phải chịu sự thử thách nầy và hãy tập trung tất cả tinh lực của tâm hồn con vào việc đó. Ðừng sống trong hiện tại, đừng sống trong tương lai mà sống trong trường tồn bất diệt. Cây cỏ dại to lớn nầy không thể đơm bông kết trái được. Muốn xóa bỏ vết nhơ của đời sống, chỉ cần nội cái không khí của tư tưởng trường tồn bất diệt là được.

 C. W. L. - Qui tắc 4 chấm dứt như thế. Ấy là lời chú thích của Ðức Ðế Quân phụ thêm cho 3 qui tắc đầu. Cây cỏ dại to lớn là tà thuyết của sự chia rẽ - thật sự nó là nguồn cội của sự đau khổ. Chúng ta được khuyến cáo phải dần dần tiêu diệt nó. Trước tiên phải hợp nhất Phàm Ngã với Chơn Ngã, hòa tan Phàm Nhơn trong cá tánh [4]. Phần đông chúng ta, bản ngã còn gần chúng ta quá đến đỗi nó chực che khuất chúng ta không cho thấy những điều cao cả. Phải vượt qua khỏi nó và dần dần lướt lên trên nó hầu lột tất cả tánh ích kỷ. Rồi sau đó, chúng ta mới thực hiện điều nầy với cá tánh.

 Cá tánh hay Chơn Nhơn là một sinh vật tuyệt vời, phức tạp, cực kỳ xinh đẹp, thích ứng kỳ diệu ở cảnh giới của nó, thật sự là một sinh vật vinh diệu phi thường. Tuy nhiên, một thời gian sẽ đến, chúng ta cần phải nhận thức nó chỉ là một khí cụ do chúng ta tạo ra, trải qua vô số thời đại, đặng bảo đảm sự tiến bộ của Chơn Thần. Vì cần phát triển ý thức của bản ngã chia rẽ trong những giai đoạn tiên khởi của cuộc tiến hóa chúng ta mà cây cỏ dại to lớn hay là mầm giống của nó trú ngụ trong tâm của mỗi người. Không chầy thì kíp, cây cỏ dại nầy phải bị hủy diệt, nhưng chỉ những kẻ mạnh mẽ mới đủ khả năng loại trừ nó ngay từ khi nó mới bắt đầu phát triển. Những người yếu đuối phải đợi và để cho nó trưởng thành, họ chờ chừng nào họ có đủ sức mạnh đặng tiêu diệt nó. Thật là đáng tiếc cho họ, bởi vì người ta càng để cho nó kéo dài đời sống của nó thì nó càng quấn chặt vào bản tánh của con người. Những người đủ sức mạnh trừ diệt ngay từ ngày hôm nay, sẽ tiến nhanh chóng và thấy rõ rệt. Sự tranh đấu cần thiết để giải thoát bản ngã chia rẽ luôn luôn là dữ dội, nhưng tranh đấu ấy sẽ vô cùng gây go hơn nếu chúng ta trì hoãn nó lại trong những giai đoạn vị lai của sự tiến bộ chúng ta. Khi mà chung cuộc nó vẫn chưa bị tiêu diệt, chúng ta sẽ phải trải qua tất cả mọi nỗi khó khăn và nguy hiểm không thể tránh được; chỉ có cách là bóp nghẹt cho nó chết ngay lập tức thì mới thoát khỏi. Vậy dĩ nhiên tốt hơn hết là trừ diệt nó ngay từ lúc đầu.

 Những phương pháp luyện đạo của Huyền Bí Học đều phù hợp với nhau tất cả về sự khuyên bảo sinh viên tức khắc diệt trừ sự ảo tưởng nầy. Ngoài cái thói quen của chúng ta là xem nhau như cách biệt, còn một điều khó khăn nữa là ý niệm chia rẽ nầy khi xưa là nguồn cội của tất cả sức mạnh của chúng ta. Trong thời kỳ Linh Hồn trở thành một cá tánh, nó yếu đuối lắm. Trước đó, nó là thành phần của một Hồn khóm và đối với nó, ý thức một cá nhân riêng biệt chưa xác định rõ rệt, mãi đến kiếp sống của người dã man mới làm cho ý thức đó mạnh mẽ thêm lên. Từ cái ý niệm chính tôi đây" phát sinh dần dần ra sức mạnh. Ban đầu nó nói: "Tôi là một chiến sĩ đại tài, chạy đua rất nhanh, tôi là một vị đại lãnh tụ, tôi có thể chỉ huy các đạo quân, tôi có thể lãnh đạo mọi người, tôi có thể bắt họ làm theo ý của tôi". Sau nữa, ở vào một trình độ cao hơn, nó biểu lộ tư tưởng nầy: Tôi là một nhà đại trí thức, tôi tự tin lấy tôi, tôi rất tự hào, tôi là một bậc vĩ nhân, tư tưởng của tôi dũng mãnh hơn tư tưởng kẻ khác, tôi thống trị những hạng trí thức và hướng dẫn họ theo ý tôi thích".

 Về sau, đến một trình độ mà lòng tự tin có nghĩa là sự tin cậy của Chơn Ngã. Dứt được lòng tự tin nơi sức nhanh nhẹn đôi cánh tay của nó, nơi sức mạnh bắp thịt của nó, nơi trí năng của nó, con người tiến đến sự hiểu biết rằng có một sức mạnh tinh thần rất cao siêu hơn những biểu hiện bên ngoài và đạt đến trình độ nầy thì chẳng bao lâu y tìm thấy được sức mạnh tinh thần nầy là do sức mạnh của Vô Cực Vô Biên sinh ra, bởi vì nó là một với Ðức Thượng Ðế. Vì thế, lòng tự tin riêng của cá nhân ta trở thành lòng tự tin nơi Ngài - nơi quyền lực sinh hóa vô biên. Chúng ta là Ngài. Ðặt lòng tin nơi Ðức Thượng Ðế tức là đặt lòng tin nơi chúng ra, vì mỗi người trong chúng ta là một Ðiểm Linh Quang của Ðức Thượng Ðế và Ðức Thượng Ðế ngự trong tâm chúng ta. Chỉ cần nhận thức và khai triển ý thức nầy, rồi thì Chơn Ngã mà chúng ta đặt lòng tin trở thành Ðại Ngã Toàn Thiện.

 Cái tư tưởng bản ngã chia rẽ nầy thấm nhuần trong lòng ta. Theo sự hiểu biết của chúng ta thì nó chính là căn bản của Chơn Nhơn mà Chơn Nhơn ngự trong tâm chúng ta là yếu tố trường tồn duy nhất. Chúng ta cần phải biết còn có Chơn Thần nữa: chính Chơn Thần sẽ hiện trong lòng chúng ta như là Chơn Ngã khi chúng ta loại bỏ được cá tánh. Tuy nhiên, khi ngày giờ đến, chúng ta sẽ thấy được một cách minh bạch hơn hiện giờ nhiều lắm rằng những Chơn Thần nầy là những Ðiểm Linh Quang. Giờ đây chúng ta biết qua điều đó bằng lý thuyết thôi mà mỗi người trong chúng ta, đúng ngày giờ, sẽ biết nó; đã có nhiều người biết nó rồi. Cũng như tôi đã trình bày, khi tiêu điểm của Tâm Thức lên ở phần trên của Nhân Thể (Thượng Trí) thì có thể thấy được con đường nối liền Chơn Thần với Chơn Nhơn. Theo dõi con đường đó cho đến Chơn Thần, và cao hơn nữa (trong chúng ta ít ai biết được Chơn Thần), đây là chuyện thật mà chúng ta thấy và biết với một cách đích xác và chắc chắn không thể diễn tả bằng lời nói ở thế gian: tất cả những điều chúng ta cho là Bản Ngã và thuộc về chúng ta thì không phải là chúng ta mà là Ngài. Trí thức, sùng tín, tình yêu màchúng ta có, không phải là ta mà trí thức ấy, sùng tín ấy, tình yêu ấy chính là Thượng Ðế biểu hiện nơi chúng ta. Sau khi được kinh nghiệm nầy rồi, con người không bao giờ trở lại y như tâm trạng cũ của mình nữa. Về phương diện cá nhân, y chẳng còn trở lại giống như xưa vì y nhận biết một cách rõ ràng chắc chắn. Một kinh nghiệm như thế cũng cần thiết để bổ chính sự phát triển của Bản Ngã chia rẽ, sự chia rẽ nầy là nguyên nhân của sự rối loạn vĩ đại, là nguồn cội phong phú của phiền não và đau khổ, là bức màn ngăn trở không cho ta phân biệt rõ ràng thế nào là Sự Sống. Chúng ta ở trong tình trạng lạ lùng: là chúng ta nhờ ý tưởng chia rẽ mà phát triển đến một điểm nào đó, rồi từ điểm đó, ý tưởng chia rẽ ấy trở thành sự tai hại và chúng ta phải lo diệt trừ nó. Nhân loại tiến đến một trình độ cần phải nhận thức điều nói trên đây. Vì thế cho nên tất cả giáo lý có tính cách huyền bí hay giáo pháp cao thâm đều nhấn mạnh vào bổn phận thực hành lòng vị tha vong kỷ. Tất cả nhân sinh cần có tấm lòng đó. Họ còn ở giai đoạn của lòng ích kỷ và còn tìm cách chiếm hữu vật nầy hay vật nọ. Hết thảy sức mạnh của chúng ta phải chống lại khuynh hướng nầy.

 Ðồng thời, phải cố gắng hết sức khoan dung. Thường thường chúng ta không khỏi nóng lòng mà nhìn thấy sự ích kỷ tràn ngập và thói vũ phu đầy dẫy khắp mọi nơi, nhưng nóng lòng cũng vô ích thôi. Những kẻ vô phúc nầy vẫn còn làm những điều mà sự phát triển của họ cần đến, kể từ cả ngàn năm trước. Hãy giúp đỡ họ, nếu có thể. Hãy luôn luôn tỏ ra dịu dàng và tha thứ, nhưng mà hãy chứng tỏ một cách cương quyết sự cần thiết loại bỏ tánh ích kỷ nầy và kính trọng sự tiến bộ của toàn thể nhân loại. Vài người trong chúng ta luôn luôn nghĩ một cách chí lý rằng chúng ta thuộc về Nhân Loại. Chúng ta cố gắng tuân theo lời khuyên bảo của một trong những Chơn Sư của chúng ta: "Nếu con tiến tới được một bước, nếu con thành công trong sự tiến bộ rõ rệt, con đừng nói: "Tôi làm việc nầy thật là tiến bộ". Tốt hơn là nghĩ như vầy: "Tôi lấy làm may mắn mà thấy điều đó đã đến bởi vì Nhân loại do nơi tôi mà tiến gần đến lúc họ tìm thấy được bản tánh của họ, cái mục đích cuối cùng của Ðức Thượng Ðế đã qui định cho họ. Do nơi tôi mà Nhân Loại đã tiến đến một bước, nó tiêu biểu cho mỗi người trong toàn thể một chút tiến bộ". Vì thế, người ta có thể tưởng đến toàn thể Nhân Loại, không khác nào một người lo nghĩ đến trọn cả gia đình họ như là một đoàn thể mà tất cả đều là thành phần trong đó, từ đứa bé thơ cho đến ông tổ phụ già khú và như thế đó, y lo lắng cho sự phồn thịnh chung.

 Chúng ta được khuyến cáo không nên sống trong hiện tại, không nên sống trong tương lai mà sống trong sự trường tồn bất diệt. Ðấng mà sống trong trường tồn bất diệt là Ðức Thượng Ðế, là Trời. Sống trong trường tồn bất diệt, Ðức Thượng Ðế đồng thời thấy một lượt tương lai và hiện tại. Ngài thấy tất cả những điều nầy hoàn thành. Nếu chúng ta có thể tự đem mình lên cao cho đến quan điểm của Ngài thì chúng ta có đủ khả năng mà sống như Ngài và trong trường tồn bất diệt. Không phải cho hôm nay hay cho ngày mai, mà ấy là một mục tiêu chúng ta phải nhắm vào đó để mở một con đường bằng cách tranh đấu. Một sự bất mãn thiêng liêng về điều đó cũng cần thiết cho chúng ta. Ðừng bao giờ hài lòng hoàn cảnh mới của mình, như vậy là đứng giậm chân một chỗ, không tiến. Hãy luôn luôn cố gắng làm cho càng ngày càng thêm tốt đẹp hơn trước. Chúng ta sẽ đạt đến đó bằng cách chú định đời sống của chúng ta vào tương lai.

 Nếu chúng ta luôn luôn tìm cách tiến bước, luôn luôn vươn lên cao, thì thật là có lỗi khi chính mình lại cảm thấy bất mãn hoặc ưu tư trước những biến cố tạm thời đối với tình trạng thoáng qua của chính chúng ta và của kẻ khác. Ðiều khôn ngoan và tốt hơn là chúng ta phác họa hình ảnh chúng ta muốn có ở tương lai và sống theo đó. Chúng ta phải tự nói như vầy: "Hiện giờ tôi là người thế nầy hay thế kia. Tôi có vài tật xấu hay vài nhược điểm. Tôi muốn thắng phục chúng nó và tôi chờ đến lúc chúng nó không còn tồn tại nữa". Có một việc lớn lao là sống cho ngày mai chớ không sống cho ngày hôm qua. Thường thường, thế gian sống cho những thế kỷ đã qua và bám chặt vào những thành kiến cổ hủ. Hãy khêu gợi tương lai với tất cả những nguyện vọng của chúng ta và chúng ta hãy sống cho nó.

 Hãy chú định tư tưởng của huynh vào tương lai với niềm hy vọng. Ðừng chú định tư tưởng của huynh vào quá khứ với sự tiếc rẻ. Hiện tại cũng là một ảo tưởng quá lắm rồi, vì vậy chúng ta bất mãn thì không phải thật chúng ta bất mãn điều chúng ta đang làm mà là chúng ta mới làm rồi đây. Muốn tiến bộ, hãy nhìn về phía trước. Ngó lại sau không phải là phương cách tiến triển. Tại Trần thế, nếu chúng ta cứ mãi khư khư ngó lại phía sau dĩ vãng thì chúng ta không đi xa một cách bình an vô sự được. Cũng một nguyên tắc nầy áp dụng ở một cảnh giới cao. Chúng ta càng suy gẫm về điều đó thì càng thấy rõ ràng trong ba câu cách ngôn đã được khảo sát là: Hãy diệt lòng tham vọng, hãy diệt lòng tham sống và hãy diệt lòng tham sung sướng", tất cả nhưng điều gì thúc giục người thường cố gắng đã bị hoàn toàn tiêu diệt.

 Trước hết, sự sinh hoạt của con người bị chi phối bởi lòng ham muốn bảo đảm đời sống mình và đời sống của gia đình mình, lòng ham muốn "giữ vững sự thịnh vượng", nó luôn luôn có tham vọng tiến lên cao, nó cầu mong cho nó và cho gia đình nó được nhiều sung sướng. Ðó mới thật đúng là những động lực của người thường và chắc chắn, nếu những động lực nầy mất đi, con người sẽ không làm gì hết, nó thành ra bất động, không còn một lý do để làmcho nó hoạt động nữa. Nó sẽ giống như một khúc gỗ. Nó sẽ nói: "Nếu tôi không lòng tham vọng, nếu tôi không lòng tham sống cũng như lòng ham sung sướng thì ích gì mà hoạt động?" Ðể một mình nó không đủ lý do đặng phấn khích sự nỗ lực tối thiểu thì nó không tiến bộ. Người ta không thể chối cãi rằng, đối với nó, bỏ những động lực ấy đi là có hại.

 Vả lại, khi con người gần được thâu nhận vào Thánh Ðạo và khi vui lòng mất hết sự quyến luyến những sự vật ở Trần gian thì nó đi đến một trình độ mà chính nó cũng sợ lâm vào tình trạng bất động. Nó tin chắc một cách tuyệt đối bằng trí thông minh của mình rằng những sự vật Trần gian không đáng nhọc công tìm lấy chút nào và bởi những vật ấy không còn sức hấp dẫn được nó nữa nên nó không cảm thấy mình sẵn sàng dùng tinh lực của mình vào một chiều hướng nào. Trong cuộc tiến hóa đang tiếp diễn hầu hết nhân loại đều phải trải qua sự kinh nghiệm nầy. Ðối với phần đông, nó là nguyên nhân rối loạn rất thực tế. Giải thoát được những quyền lợi thấp thỏi, họ không thay thế chúng nó bằng những quyền lợi cao cả hơn mà lại đặt mình ở giữa hai thứ quyền lợi ấy. Giai đoạn đó vẫn là tạm thời thôi. Họ chưa biết hợp nhất đặng lấy đó làm động lực vĩ đại cho đời sống mình, tuy nhiên, bao nhiêu đó cũng đủ cho biết rằng những điều ham muốn của bản ngã chia rẽ không đáng theo đuổi, vì vậy, họ sống một cuộc đời do dự, phân vân bất nhất. Nhiều sinh viên hết sức khổ tâm để lay chuyển ý hướng nầy. Không có gì xứng đáng đặng nỗ lực; không có gì làm họ ham thích. Họ muốn kết liễu cuộc đời họ đặng chấm dứt tình huống nầy.

 Chỉ có một cách thoát khỏi tình trạng không mấy thích đáng ấy là tiến thêm một bước nữa tới trước rồi con người mới nhận thấy có một đời sống cao siêu và thực tế hơn, hết sức xứng đáng cho sự nỗ lực của chúng ta. Vừa trông thấy được Thiên Cơ, nó chỉ còn ham muốn có một điều là dâng trọn lòng chân thành tận tụy cho Thiên Cơ, chớ không còn làm gì khác hơn nữa được. Ðồng hóa với Ðời Sống DuyNhất và hoạt động như là thành phần của Ðời Sống nầy, nó tìm được động lực duy nhất đủ sức thúc đẩy nó hành động. Khi nó tiến được một bước mới nầy và bắt đầu nhận thức được Ðời Sống của Chơn Ngã thì lúc bấy giờ, thay vì bị rơi vào cảnh hư vô tịch diệt giải thoát cho tất cả, nó lại phát khởi lòng ham muốn mãnh liệt luôn luôn được thêm sức mạnh hầu hiến dâng cho công trình vinh diệu nầy. Chơn Ngã duy nhất, ấy là động lực sẽ làm thức tĩnh trong tâm nó một sự hoạt động mà từ đó đến giờ nó chưa hề biết được, động lực nầy vô cùng dõng mãnh, mạnh hơn tất cả động lực khác ít cao cả hơn. Ðộng lực nầy hiến cho con người thừa nhận nó hầu hoàn thành những ý muốn tối thượng của Ðức Thượng Ðế, một cảnh hạnh phúc và một sự an tĩnh vô biên.

  -----*****-----

CHƯƠNG THỨ NĂM

 -----*****-----

 Qui tắc 5 - 8

5.- Hãy diệt mọi ý niệm chia rẽ.

 Tuy nhiên, con hãy sống cô độc, trơ trọi một mình, bởi không có cái chi có hình sắc, không có cái chi có ý thức chia rẽ, không có cái chi ngoài Ðấng Vô Thủy Vô Chung có thể hộ trì cho con được.

 A.B. - Trong quyển sách nầy dành riêng cho Ðệ Tử, câu cách ngôn nói trên chứa đựng một điều quan trọng đặc biệt, vì bởi Ðệ Tử cần phải tập sống hoàn toàn cô độc, trơ trọi một mình. Không cái chi có hình sắc, không cái chi ngoài Ðấng Vô Thủy Vô Chung có thể hộ trì y được. Tất cả sự giúp đỡ nhận được từ một vị có Thể Xác là một sự giúp đỡ phụ thuộc và có thể mất đi trong khi nó cần đến sự giúp đỡ đó lắm. Tiểu sử của những Ðại gia thần bí Cơ Ðốc Giáo chỉ cho chúng ta thấy một đặc điểm bất di bất dịch trong đời sống của họ: là họ cảm thấy bị tất cả mọi người bỏ rơi họ và họ cần phải sống hoàn toàn cô độc, trơ trọi một mình. Người ta cũng gặp Chân Lý ấy trong những cuốn Phúc Âm (Évangiles), Thánh Kinh của Cơ Ðốc Giáo, tượng trưng cuộc đời của Ðức Jésus. Mấy quyển nầy tường thuật những kinh nghiệm bắt buộc mỗi Linh Hồn phải trải qua trong các giai đoạn làm người Ðệ Tử. Có hai cảnh tượng phù hợp đặc biệt với những điều nói trên đây: cảnh tượng thứ nhứt gọi là giờ hấp hối của Ðức Jésus trong vườn Gathsémani, trong giờ phút mà Ngài nhìn thấy các bạn thân và các môn đồ của Ngài không thể cùng thức với Ngài được, mặc dù trong một thời gian rất ngắn. Ngài biết rằng Ngài phải đi tới một mình trong cảnh quạnh hiu. Trong cảnh tượng thứ nhì vang lên lời than thở trên Thập Tự Giá: "Chúa ơi! Chúa ơi! Tại sao Chúa bỏ con?" Những kinh nghiệm nầy thuộc về cuộc Ðại Ðiểm Ðạo lần thứ tư, trong lúc con người quay về nội tâm, tập nương tựa hoàn toàn vào uy lực của Chơn Ngã bên trong và nhận biết rằng y chỉ là một biểu hiện của Ðấng Vô Chung của ngoại giới. Trong cuộc thử thách lớn lao và cuối cùng nầy, vị Ðệ Tử luôn luôn chực vấp ngã.

 Có hai nhiệm vụ chờ đợi vị Ðệ Tử, ấy là: y cần phải diệt ý niệm chia rẽ và tập sống cô độc một mình hầu được dũng mãnh, dũng mãnh như Ðức Thượng Ðế ngự trong lòng y. Y ban rải ánh sáng như một tinh đẩu trong vòm trời không mượn ánh sáng của ai. Kinh nghiệm của sự cô độc mới có thể huấn luyện y được thôi. Và tuy nhiên, cái ý niệm sống cô độc một mình là một ảo tưởng vì vị Ðệ Tử sống trong của Ðấng Trường Tồn Bất Diệt. Nguyên nhân của ảo tưởng là sự sụp đổ của tất cả mọi hình thức, trước khi trong tâm thức phát sinh sự tin chắc rằng chúng ta hợp nhất và đồng nhất với Ðấng Vô Thủy Vô Chung.

 Câu cách ngôn nầy, có lời chú thích của nó nối tiếp theo, còn trình bày những ý niệm quan trọng khác. Có một giai đoạn mà vị thí sinh phải sống xa đồng loại, nguyên nhân vì sự yếu đuối của y chớ không phải vì sức mạnh của y. Ðôi khi, một người có nếp sống không khác lạ gì bao nhiêu với những người chung quanh y, họ còn đang sống một cuộc đời thấp hèn mà y không muốn nữa. Vì thế nên y tin chắc rằng nếu y còn chung sống với họ thì y sẽ bị những tật xấu của họ làm cho y sa ngã. Cái ý niệm gớm ghiếc vẫn ích lợi và dẫu rằng có đặc tính của một giai đoạn tiến hóa chưa được cao, tốt hơn là vị Ðệ Tử phải nghe theo và tránh giao du với những người ấy.

 Một người nói với giọng ghê tởm về tật xấu nầy hay tật xấu khác thì huynh có thể chắc chắn rằng, đã từ lâu rồi y vẫn làm tôi mọi cho nó. Mới đây, y đã chiến đấu với tật xấu ấy và nội tâm không quên điều gì cả, cho nên nó mới đề phòng cho y ngày nay khỏi vấp phải nữa. Trong một giai đoạn sau nầy, con người tiến đến trình độ cao hơn thì không cần phải xa lánh kẻ gây tội lỗi, nhưng mà y chưa đạt được trình độ nầy, khi một sự thúc đẩy từ bên ngoài, đủ sức xô ngã y vào tật xấu thì điều chắc chắn hơn hết là y nên tránh xa sự cám dỗ cho đến khi nào y có đủ sức mạnh để bước chân vào nơi tội lỗi mà không bị lôi cuốn nữa. Nói một cách tổng quát, muốn cho một người chế ngự được lòng ghê tởm và chán nản của y, thì tật xấu đối với y, phải mất tất cả quyền năng quyến rủ.

 Rồi tới một lúc kia, y nhìn thấy kẻ phạm tội là một người đáng giúp đỡ, cũng nhờ đến sự lỗi lầm quá khứ của y, cho nên y mới giúp đỡ kẻ khác được. Khó mà giúp đỡ đồng loại trong khi chính chúng ta còn bị nguy cơ sa ngã. Muốn giúp họ, chúng ta đừng vì lòng thương hay ghét mà nên nhận thấy sự đồng nhất giữa chúng ta với những người đang tranh đấu. Rồi chúng ta nhớ lại rằng tội lỗi của thế gian chính là tội lỗi của chúng ta và cái chân lý thâm sâu là không một ai có thể được hoàn toàn trong sạch trong khi một người khác còn dơ dáy lấm lem. Ðời sống của Nhân loại là đời sống của chúng ta, ngày nào chúng ta còn ở trong hàng ngũ với họ; bằng không thì chúng ta phải tách ra khỏi nhân loại. Tật xấu của một người nào đó tức là tật xấu của chúng ta khi mà, riêng phần y, y chưa loại trừ được tật xấu đó. Sự giải thoát Thế gian tùy thuộc hoàn toàn chân lý nầy.

 Người Ðệ Tử nào đang bị một sự cám dỗ đặc biệt, thử thách, đều phải nghĩ đến điều đó; y phải hiểu rằng y không chiều theo nó, vì lẽ nếu y bị sa ngã tức là toàn thể Nhân Loại bị sa ngã. Trong bao nhiêu đây cũng đủ làm cho y tránh xa sự quấy rối. Thí dụ, huynh cố gắng tìm hiểu đời sống của Nhân Loại, huynh tìm cách thắng phục một nhược điểm nào đó của huynh, rồi huynh sẽ cảm thấy sự chiến thắng riêng của huynh không phải chỉ để cho một mình huynh hưởng mà lại cho tất cả mọi người. Toàn thể nhân loại hưởng thụ những cuộc tranh đấu và những sự thành công của một phần tử của họ. Ý niệm nầy thường thường sẽ truyền cho huynh một sức mạnh vô biên. Thật sự là phải chịu khó tranh đấu tất cả, chớ không phải cho chính bản ngã của huynh.

 C. W. L. - Có khi người ta áp dụng những lời huấn thị nầy một cách nghiêm khắc thái quá và vì sự giải thích quá lố mà họ cho những lời huấn thị ấy có một tính cách hư ảo. Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, ở thế gian, sự chia rẽ là một sự thật. Những cảm tình Huynh Ðệ của chúng ta càng giữ gìn nhiều chừng nào càng tốt chừng nấy, nhưng thật là trong không gian, những thể xác của chúng ta đều phân cách nhau. Ðôi khi người ta phủ nhận sự chia rẽ như thế, và người ta đưa cái ý niệm không có sự chia rẽ đến một điểm mà nó trở nên phi lý. Về Huyền Bí Học, việc đó luôn luôn là một sự sai lầm. Pháp môn Huyền Bí Học luôn luôn là sự biểu hiện cao cả nhất của lý trí và lương tri và mỗi khi chúng ta đứng trước một ý niệm vô lý rõ rệt thì chúng ta có thể chắc chắn rằng có sự sai lầm trong đó. Trong vài trường hợp, ý niệm có thể xem như là vô lý, bởi vì chúng ta thiếu sự hiểu biết về các sự kiện hiển nhiên, nhưng khi chúng ta thâu thập được tất cả những sự kiện ấy và lời tuyên bố còn giữ cái vẻ bề ngoài vô lý của nó thì chúng ta có lý do chánh đáng ngờ vực nó và chờ đợi những giải thích rõ ràng hơn.

 Nếu trong không gian, thể xác chúng ta bị chia rẽ thì nói cho đúng sự chia rẽ nầy không đến đỗi như người ta tưởng. Chúng ta chịu ảnh hưởng lẫn nhau, người nầy đối với người kia, cho đến đỗi không có ai có thể thật sự cô độc sống một mình được. Một thể xác thọ bệnh, những thể khác ở gần nó dễ bị truyền nhiễm. Thể Vía bị thọ bệnh ư, theo ý nghĩa của bệnh đây là hay nóng giận, tham lam, đố kỵ, ích kỷ, v.v..., nó thành ra một trung tâm truyền nhiễm, bởi vì sự rung động của nó truyền ra xa và những Thể Vía ở kế cận, trong một mức độ nào đó, phải thọ nhiễm những làn rung động nầy. Thí dụ, khi những người hội họp trong một căn phòng thì Thể Vía của họ thâm nhập với nhau một cách khá rõ ràng, bởi vì Thể Vía của một người thường ló ra ngoài thể xác lối 45 phân, đôi khi nhiều hơn nữa, cho đến đỗi không cần đụng chạm nhau, những người nầy cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ lẫn nhau. Ðiều nầy cũng còn đúng đối với Hạ Trí, và Thượng Trí hay là Nhân Thể [5] của chúng ta, tự chúng nó cũng chia rẽ trong không gian cũng như do tình trạng chúng nó. Như thế, khi giải thích qui tắc nầy là diệt ý niệm chia rẽ, chúng ta đừng quên những sư ïkiện tự nhiên nầy.

 Không có sự chia rẽ trên cõi Bồ Ðề, nơi đây ở cảnh thấp hơn hết, những Tâm Thức không cần phải hòa hợp với nhau, nhưng lại mở rộng ra từng bậc. Khi tiến đến cảnh cao nhất của cõi Bồ Ðề và sau khi chúng ta tự mở mang trọn vẹn trong tất cả bảy cảnh của cõi nầy thì chúng ta mới nhận thấy mình vẫn là một với nhân loại. Ấy chỉ kể từ trình độ nầy mà sự chia rẽ mới hoàn toàn không có thật, còn sự hợp nhất có ý thức với tất cả vạn vật thuộc về cõi kế đó tức là cõi Niết Bàn.

 Huynh hãy tưởng tượng rằng tất cả chúng ta đều có thể tự mình khai triển đồng một lượt Tâm Thức Bồ Ðề (Bồ Ðề Tâm). Mỗi người sẽ nhận thấy rằng mình tiến lên cao đến cõi đó và Tâm Thức của y chứa đựng tất cả Tâm Thức của những kẻ khác; nhưng y sẽ luôn luôn biết rằng Tâm Thức của những kẻ khác cũng là TâmThức của y nữa. Mỗi người trong chúng ta không mất cái ý niệm về cá tánh của mình, trái lại, cá tánh nầy sẽ bành trướng như chưa bao giờ có điều đó vậy. Hình như mỗi người cũng biểu lộ ra ở những kẻ khác. Kỳ thật, cái Tâm Thức mà chúng ta hiểu biết được là Tâm

 Thức duy nhất mà tất cả chúng ta là những thành phần trong đó. Nó chính là cái Tâm Thức của Ðức Thượng Ðế vậy.

 Chính trên cõi Niết Bàn, chúng ta mới lãnh hội chân lý nầy một cách sâu xa hơn hết. Tất cả những điều gì chúng ta tưởng là TâmThức của chúng ta, trí tuệ của chúng ta, sùng tín của chúng ta, tình thương của chúng ta, thì thật ra đó là Tâm Thức của Ngài, trí tuệ của Ngài, tình thương của Ngài, sùng tín của Ngài, do chúng ta biểu hiện chút ít ở bên ngoài như một luồng ánh sáng đi ngang qua một thấu kính. Ðối với con người, sự hiểu biết nầy không được toàn diện ở trên cõi Bồ Ðề, nhưng nó trở nên toàn diện ở trên cõi cao kế đó là cõi Niết Bàn.

 Trong kinh Stances de Dzyan [6][6] có một đoạn nói về con người như vầy: "Ðóm lửa nối liền với ngọn lửa nhờ sợi chỉ làm bằng Fohat mảnh mai, tinh vi nhất. Ðiều nầy, tôi tưởng, có thể áp dụng cho nhiều trình độ khác nhau. Còn riêng về chúng ta thì chúng ta có thể giải thích như vầy: "Chơn Nhơn dính liền với Chơn Thần nhờ một sợi chỉ đi ngang qua suốt cõi Bồ Ðề. Chúng ta có thể tưởng tượng sợi chỉ nầy hết sức tế nhuyễn; đó là tất cả những gì tiêu biểu cho người thường trên các cảnh của cõi Bồ Ðề nầy. Khi mà con người chú ý đến những lãnh vực cao vút đó, khi mà y hằng tâm niệm đến đó và lấy đó làm mục đích của đời mình thì sợi chỉ ấy bắt đầu nở to ra càng ngày càng giống như sợi dây cáp và về sau, như cái quặng, bởi vì nó lớn phần trên (một người có Huệ Nhãn trình bày như thế), kế đó nó dọi xuống Thượng Trí, lúc bấy giờ thì Nhân Thể có kích thước nhất định. Về sau, Nhân Thể nhờ những thần lực tuôn xuống như thác nước mà nở lớn ra và cái quặng trở nên to lớn hơn nhiều, nở vừa phần dưới, vừa phần trên. Trong cuộc Ðiểm Ðạo lần thứ nhứt (đã có nhiều người trải qua cuộc kinh nghiệm nầy sớm hơn) con người bỏ Thượng Trí (Nhân Thể) và nhập vô cõi Bồ Ðề. Trong khi đó, như tôi đã giải thích, Nhân Thể hoàn toàn tan rã. Thể nầy là yếu tố duy nhất trường tồn mà con người biết được, trong vô lượng kiếp luân hồi dài đăng đẳng sau khi thoát khỏi kiếp thú. Ðồng thời, cái quặng lại hóa thành hình cầu. Diễn tả cho đúng thật khó cho tôi, vì lẽ ở cõi nầy có nhiều bề hơn ở Thế gian mà những sự vật hiện ra trước mắt người có Huệ Nhãn như thế đó.

 Sau khi được Ðiểm Ðạo lần thứ nhứt, người Ðệ Tử trước khi có thể được Ðiểm Ðạo lần thứ nhì phải hoàn toàn thoát khỏi cái ý niệm chia rẽ, ngoài những nhược điểm khác. Ý niệm nầy là chướng ngại đầu tiên trong mười chướng ngại (Sanyojana) mà y cần phải loại trừ đặng tiến bước trên Ðường Ðạo và sự loại trừ cuối cùng và nhất định nầy y có thể thực hiện được nhờ đã có kinh nghiệm trong cuộc Ðiểm Ðạo lần thứ nhứt: y nhập vào Tâm Thức Bồ Ðề trong chốc lát. Cố nhiên, không phải do đó mà y có thể tìm lại trạng thái Tâm Thức nầy chừng nào cũng được, ít ra y cũng có cảm giác Bồ Ðề Tâm: lúc ấy y cảm thấy được sự hợp nhất, y biết rằng sự hợp nhất có thật, mặc dù y không đủ khả năng tự mình lên cõi đó một lần nữa, nếu không có sự giúp đỡ của Ðức Sư Phụ. Như thế, cái ý niệm chia rẽ, đối với y, đã trở thành ảo tưởng. Ở Thế gian, thật ra chúng ta dường như không thể nào nhận thức được điều nầy trong Thể Xác. Chúng ta không ngớt bàn luận về nó, chúng ta cố gắng tin rằng chúng ta cảm thấy sự hợp nhất đó, nhưng tôi tưởng kỳ thật điều đó chưa có thể được ngày nào mà con người còn mang lấy cái hình hài xác thịt nầy và chưa có thực hiện sự kinh nghiệm cao cả đó. Chúng ta tin chắc bằng trí khôn thôi, nhưng cảm thấy thật sự hợp nhất là cả một vấn đề khác nữa.

 Khi bắt đầu hoạt động trên cõi Bồ Ðề, con người bước vào đó từ cảnh thấp nhất (cảnh thứ bảy), nhưng thoạt tiên, y không nhận thức được gì cả, dù là cảnh thấp nầy. Y cảm thấy một nguồn phúc lạc mãnh liệt không thể tả nổi và đồng thời, Tâm thức y bành trướng, nó nối tiếp theo tất cả những điều y đã cảm được từ lúc trước, có lẽ Tâm Thức nầy làm cho y tưởng rằng nó lan rộng khắp Thế gian. Vả chăng, đây là một điều sai lầm hoàn toàn. Khi mà y quen thuộc với cảnh giới cao siêu nầy rồi thì y phân tách được, y nhận thấy sự bành trướng của Tâm Thức y, tuy được rộng lớn, nhưng nó cũng vẫn chưa trọn vẹn, chưa đại đồng. Y mở rộng phạm vi hoạt động của y từng chút, từng bậc, giống như một đạo quân trú đóng trong một phần đất mới chiếm được: trước hết, họ đặt chân lên đó, sau lại dần dần, khu vực hàng phục lan rộng khắp xứ. Xong rồi, con người chú tâm luyện tập đặng lên cảnh trên kế cận một cách có ý thức; nhưng y có thể lên từ cảnh nầy đến cảnh khác, cho đến cảnh thứ nhứt cao hơn hết mà không cần cấu tạo Thể Bồ Ðề. Con người nhờ tham thiền hay cố gắng tiến tới Tâm Thức Bồ Ðề thì luôn luôn có thể đạt được nó. Ðối với người đã cấu tạo xong cho mình Thể Bồ Ðề (KimThân) thì Tâm Thức nầy làm căn bản cho TâmThức Hồng Trần thấp thỏi của xác thân, của Cái Vía và của Hạ Trí. Ðó là một sự tiến bộ khác nhau và đặc biệt mà cũng khó khăn nữa, bởi vì nó bắt buộc phải loại bỏ Nhân Thể [7][7], phá tan bức tường chia rẽ nầy.

 Người mà Tâm Thức hoạt động trên cõi Bồ Ðề, trong lúc tham thiền, thấy rằng, nếu y chia sớt được tất cả Tâm Thức kỳ diệu của cõi nầy thì cũng còn là một vòng tròn nhỏ trống không chia đôi Tâm Thức nầy với khoảng ở bên kia vũ trụ, lẽ cố nhiên, tấm vách ngăn mỏng manh nầy là Nhân Thể, chính nó phải tan rã hầu để cho Thể Bồ Ðề phát triển. Rồi thì, người ta mới cảm thấy được Ðời Sống tự do kỳ thật là thế nào và ở Thế gian chẳng có thể nào diễn tả được. Bà Blavatsky trình bày như vầy: "Một cái vòng tròn mà trung tâm ở khắp nơi, còn chu vi của cái vành thì không có", định nghĩa nầy rất đẹp đẽ và rất có ý nghĩa.(1) Xin nhớ Nhân Thể là Thượng Trí. (Lời dịch giả) Quả thật, đó là điều vô lý trái ngược nhau nhưng không thể bàn gì về những tình trạng siêu việt nầy của tôi nói lại mà không tương phản với nhau.

 Khi đạt được cái ý niệm chắc chắn rồi, con người có cảm tưởng rằng ở trình độ nầy, Thể Kim Thân của y choán hết cõi Bồ Ðề, va øtuồng như y có thể tự mình chuyển di tiêu điểm Tâm Thức của y trên khắp cõi nầy bất cứ ở chỗ nào và cũng không vì lẽ đó mà rời bỏ trung tâm của vòng tròn, mặc dù tất cả những lời nói đây có thể bị người ta cho là vô lý. Sự kinh nghiệm đó không thể nào diễn tả được. Mối cảm giác nầy đến cực độ và kèm theo luôn luôn cái ý thức phúc lạc vô biên, cái phúc lạc mà ở những cõi thấp không để cho ta chút quan niệm gì cả, cái phúc lạc mãnh liệt, linh động và nồng nhiệt mà trí con người tưởng tượng không nổi. Ở Thế gian, trong những cơ hội rất hiếm hoi mà chúng ta nhận thấy, không có cái gì xứng đáng với danh từ phúc lạc ấy, cái phúc lạc vốn không cảm thấy sự đau khổ nào cả. Tại Trần thế chúng ta hưởng được hạnh phúc hay phúc lạc là khi nào, trong chốc lát, chúng ta không mệt mỏi và không đau khổ, khi nào chúng ta có thể nghỉ xả hơi, chúng ta thưởng thức được những ảnh hưởng tốt đẹp. Ðó là một ý niệm có hơi tiêu cực. Trên cõi Bồ Ðề, phúc lạc là một cảm giác mãnh liệt phi thường và linh động; tôi không biết làm thế nào để bày tỏ nó ra. Hãy tưởng tượng sự hoạt động mãnh liệt nhất mà huynh chưa hề cảm thấy, hãy thay thế sự hoạt động minh mẫn nầy, nhiệt liệt nầy bằng những ý niệm toàn phúc; kế đó hãy tinh thần hóa ý niệm toàn phúc nầy rồi đem nó lên đến một cõi thật cao, và nhân nó với một con số gọi là số n (lũy thừa n), có lẽ như thế, huynh sẽ có được một quan niệm về cái phúc lạc cõi Bồ Ðề.

 Ấy là một sự thực linh động của một sức mạnh không có cái chi chống lại nổi. Nó không có gì là thụ động cả. Người ta không có nghỉ ngơi. Ở Thế gian, chúng ta bắt buộc phải có nhiều nỗ lực siêng cần mà sự nghỉ ngơi chiếm luôn luôn một địa vị rất lớn trong lý tưởng của chúng ta, dù lý tưởng đó thế nào cũng vậy; nhưng ở trên cao đó, con người trở thành hóa thân của một năng lực phi thường, tự biểu thị bằng cách ban rải ra ngoài. Trong Tâm Thức của y, quan niệm về sự cần thiết nghỉ ngơi tuyệt nhiên không có. Ðiều mà ở Thế gian người ta gọi là sự nghỉ ngơi thì ở trên cõi Bồ Ðề dường như là một sự không có thật. Chúng ta liên kết với sự biểu thị của khí lực thiêng liêng và khí lực nầy là một sự sống linh động. Người ta có nói đến sự an nghỉ ở cõi Niết Bàn, nhưng đứng về phương diện thấp thỏi mà thôi. Sức mạnh của khí lực mới thật là đặc tính của đời sống cao siêu nầy, khí lực cao diệu cho đến đỗi không thể lấy một sự vận động thông thường nào mà giải thích được, chính nó là một triều lưu vô biên và không có chi chống lại nổi, ở dưới nhìn lên thì nó in như sự yên lặng nhưng nó có nghĩa là Tâm Thức của Quyền lực tuyệt đối. Không có danh từ nào để trình bày tất cả những điều nầy. Ði đến đó chúng ta mới thắng phục được cây cỏ dại to lớn - kẻ thù nguy hiểm của chúng ta tức là cái ý niệm chia rẽ. Tóm lại, đó là phận sự khó khăn hơn hết đang chờ đợi chúng ta, bởi vì nó bao hàm tất cả cái gì còn lại. Khi Thể Bồ Ðề phát triển trọn vẹn trên bảy cảnh rồi và chỉ lúc đó con người mới làm chủ được toàn cõi Bồ Ðề và có năng lực đồng hóa một cách mỹ mãn với toàn thể nhân loại. Cái năng lực nầy giúp cho y biết được tư tưởng và tình ý của tất cả mọi người. Trước khi đạt được Tâm Thức Bồ Ðề, chúng ta có thể gắng sức làm giảm bớt cái ý niệm chia rẽ và nói về mặt trí thức thì sự thành công to tát lắm, tuy nhiên, chúng ta còn đứng ở bên ngoài, đó có nghĩa là chúng ta chưa biết được đồng loại mình. Ðối với chúng ta, họ cũng còn là một sự bí mật tuyệt đối, bởi vì đối với con người, thì con người là một sự bí mật to lớn nhất. Chúng ta có thể giao thiệp mật thiết trong một thời gian khá lâu với nhiều người, nhưng mà chúng ta không am hiểu họ tường tận. Có thể, trước khi đi đến cõi Bồ Ðề không ai biết rành rẽ một người nào cả, nhưng sau khi lên cõi Bồ Ðề rồi, y có thể hòa mình vào Tâm Thức của những kẻ khác và biết rõ những việc làm của họ và vì lý do nào họ hành động theo thế nầy hay theo thế kia. Tại đó, tất cả vạn vật đều ở trong tâm y, chớ không phải ở bên ngoài và y quan sát vạn vật cũng như quan sát những bộ phận của chính mình vậy. Ở Thế gian thì không thể làm như vậy được, nhưng cảm giác được bấy nhiêu cũng là đủ lắm rồi. Tất cả niềm vui vẻ, tất cả nỗi đau khổ của nhân loại cũng chính là niềm vui vui vẻ và đau khổ của y. Khi y muốn xuống cõi thấp, y mượn một trong số những vòi, những tua - nghĩa là Tâm Thức của người khác, bởi vì y với những kẻ khác chỉ là một mà thôi. Y có thể cảm giác được và thật ra, y cảm giác được hết thảy những điều gì làm cho người ấy xúc động. Y biết được tất cả những niềm đau khổ của Thế gian, nhưng y hiểu một cách chắc chắn và tuyệt đối rằng sự đau khổ là một thành phần cần thiết của cõi nầy và khi lên đến cõi cao thì nó không còn nữa. Không chia sớt sự đau khổ một cách ít thấm thía hơn, y biết rằng Phạm Thiên Brahman là Toàn Phúc vàhợp nhất với đời sống thiêng liêng là một tình trạng phúc lạc vô biên ở nội tâm. Phải tới trình độ phát triển nầy trước khi có thể giúp đỡ đầy đủ đồng loại mình.

 Khi con người đạt được Tâm Thức mới nầy, thì một thời gian trước đó, y phải lìa ra mấy cõi thấp, nơi đó y còn có nguy cơ mất sự an tĩnh và sự quân bình của y, chính y mới là một yếu tố của niềm hoan lạc thiêng liêng. Khi trở về nhập vào ba thể: Trí, Vía và Xác Thân thì y còn có thể bị những sự lo lắng nhỏ nhặt làm cho y xúc động. Nhưng cũng không nên có điều đó nữa, tuy nhiên có một khoảng lớn chia đôi đời sống cao siêu với đời sống ở Thế gian và khi chúng ta còn ở trong xác phàm thì những chuyện không ra gì cũng còn có thể làm cho chúng ta nỗi cơn thịnh nộ. Có thể mất bình tĩnh trong nhất thời, vì một lý do thuộc về cõi Trần; ở một cảnh giới thật cao cũng vẫn còn điều đó, nhưng chỉ hoàn toàn phớt qua thôi. Dưới Thế gian, những sự vật làm cho người ta đau khổ thật sự vốn là những sự vật mà người ta tưởng là không phương cứu chữa. Không thể nào bị thất vọng sau khi đã đạt được Tâm Thức siêu việt nầy, thực tại luôn luôn là hạnh phúc, nhất định chắc chắn như vậy. Chúng ta biết rằng, ở những cõi thấp, tất cả những sự đau khổ đều là tạm thời và chúng ta không còn chịu đau khổ nữa, nếu chúng ta tiến rất gần đến sự toàn thiện.

 Chúng ta có cái năng lực đồng hóa, chẳng những Tâm Thức của kẻ khác mà cho đến tất cả cái chi ở trên cõi Bồ Ðề. Chúng ta học hỏi tất cả theo con đường nội tâm chớ không theo ngoại cảnh [8]. Chúng ta muốn khảo cứu một vấn đề nào, một cơ thể nào hay hoạt động của một Luật thiên nhiên nào hoặc các vấn đề khác cho đến tất cả Tâm Thức của Nhân Thể nữa, chúng ta bắt buộc phải xem xét từ bên ngoài và xem nó như ở ngoài chúng ta. Ở trong Nhân Thể, chúng ta có thể quan sát việc nầy với một Tâm Thức vô cùng mở mang, với cái năng lực thu hoạch được những điều hiểu biết hết (1) Nghĩa là đi từ trong ra ngoài, chớ không phải đi từ ngoài vô trong. (Lới dịch giả) sức rộng sâu hơn là những cõi thấp. Nhưng khi tiến tới cõi Bồ Ðề, sự sai biệt thật trọng yếu. Ðối tượng của sự quan sát của chúng ta lại trở thành phần tử của chính mình chúng ta. Khó mà phô diễn bằng lời nói, bởi vì, ở Thế gian, chúng ta không có cái gì hoàn toàn giống như thế; nhưng khi khảo sát sự vật bằng cách lấy phương diện ngoại cảnh thì có một sự ích lợi to tát cho chúng ta. Những đặc điểm mới mẻ cho đến đỗi như là chúng ta có thể nói rất đúng "Ðây là sự thấy đầu tiên của chúng ta về cách thức mà Ðức Thượng Ðế quan sát vũ trụ của Ngài", bởi vì kinh nghiệm nầy chính thật là kinh nghiệm của Ngài, điều mà Ngài quan sát phải là một phần tử của chính Ngài, bởi vì không có cái gì có ra đây mà không phải là Ngài. Tâm Thức của Ngài vốn là Tâm Thức Bồ Ðề nầy nhân cho một số n (lũy thừa n) và thêm vào đó một sự thông tuệ, một sự vinh quang và một sự huy hoàng mà không cái gì, bất cứ ở cõi nào, có thể gợi cho chúng ta một ý niệm nào cả. Người ta mới hiểu rõ rằng tại sao ta gọi cõi nầy là cõi chơn và tất cả những cái thấp là cõi giả, bởi vì sự sai biệt thật to tát, sự thay đổi thái độ của chúng ta thật hoàn toàn cho là hư ảo, không thực tế mà lại còn kỳ cục nữa, khi mà chúng ta tập quan sát sự vật theo con đường nội tâm.

 Ðạt được sự thấy cao siêu nầy cũng không phải là khó như nhiều sinh viên đã tưởng vậy. Có một số người đã thành công trong kiếp hiện tại, ở nơi đây và ngay bây giờ, chắc chắn những người bằng lòng tuân theo kỹ luật và thực hành lòng vị tha vong kỷ một cách tuyệt đối thì tập được; bởi vì ngày nào một yếu tố cá nhân chia rẽ còn tồn tại trong quan điểm của người Ðệ Tử thì ngày đó y không thể nào tiến bộ được trong Tâm Thức Bồ Ðề nầy, vì sự mở mang Tâm Thức nầy tùy thuộc sự loại trừ bản ngã.

 Ý niệm chia rẽ được diễn tả nhiều cách khác nhau trong sự sinh hoạt hằng ngày và điều khôn ngoan là coi chừng những biểu lộ nầy. Một trong những sự biểu lộ đó nổi bật hơn hết là lòng ham muốn sử dụng quyền thế để áp bức kẻ khác. Hơn phân nửa Thế gian nầy mãi mãi lo tìm cách xen vào chuyện thiên hạ, cái thói quen đó thâm căn cố đế đến đỗi chúng ta không để ý đến; thường thường thì cho việc đó là khuyên bảo những lời hay lẽ phải. Họa may trong 2.000 lần mới có một lần đúng như vậy, và thường thường, chúng ta chỉ củng cố cái bản ngã chia rẽ của chúng ta bằng cách bắt kẻ khác phải nghe theo mình.

 Ở cõi Trần, chúng ta cố gắng ép kẻ khác hành động theo đường lối của chúng ta và nhân nhượng chúng ta, luôn luôn chúng ta cố gắng bắt họ thừa nhận kế hoạch riêng của chúng ta, dù kế hoạch đó thế nào cũng mặc. Chúng ta tưởng rằng hễ là kế hoạch của chúng ta thì nó tột bực trên đời và chúng ta muốn ai ai cũng phải thi hành theo nó. Về trình độ trí thức cũng thế; họ cũng luôn luôn gắng sức bắt buộc kẻ khác phải theo ý kiến và tư tưởng của họ. Người mà trí hóa minh mẫn rồi thì nhờ nó mà bắt đầu muốn áp chế kẻ khác một cách tinh tế và không hấp tấp chút nào. Vì lý do tư tưởng của y trở nên sâu sắc hơn và dũng mãnh hơn tư tưởng của những kẻ khác, cho nên y mới ra công uốn nắn tư tưởng của họ giống như tư tưởng của y. Thật là điều chính đáng và tốt đẹp khi chúng ta có ý muốn chia sớt với kẻ khác tất cả những sự hiểu biết của chúng ta và đem trình bày cho họ những điều chúng ta đã tìm ra và có ích lợi cho chúng ta; nhưng mà thường thường, không phải ý tưởng chỉ định sự ham muốn áp chế về mặt trí thức sự ham muốn nầy lại kèm thêm lòng khinh bỉ kẻ khác. Chúng ta tự nói rằng: "Mấy người nầy cũng như bầy trừu, chúng ta có thể ở đàng sau đuổi họ đi tới trước; chúng ta có thể điều khiển tư tưởng của họ tùy theo sở thích của chúng ta". Thật đúng khi một người kia có thói quen suy tưởng như chúng ta phải suy tưởng thì nhờ tham thiền và học hỏi, y có thể chi phối tư tưởng kẻ khác hết sức dễ dàng, nhưng chúng ta không nên làm thế, bởi vì tất cả điều gì giống như áp chế, ngự trị là có phương hại cho sự tiến hóa của kẻ khác mà cũng không ích lợi gì cho chúng ta. Vì vậy, cần phải chống lại lòng ham muốn chi phối về mặt trí thức vì nó thuộc về tật xấu của sự chia rẽ.

 Vượt khỏi điều nói trên, về phương diện nầy, thì còn lại cho chúng ta một khả năng cao siêu khác là trong phạm vi tinh thần, chúng ta còn có ý muốn dắt dẫn đồng loại đi theo con đường riêng của chúng ta; do đó mà tất cả những nỗ lực nhằm mục đích bắt con người bỏ Ðạo nầy theo Ðạo khác. Nói như thế, e có vài chỗ bất công. Cơ đốc Giáo cũng vậy, căn cứ vào nguyên tắc nầy - nó là cái ảo tưởng lớn lao vô cùng - là trừ phi thừa nhận những thể thức, những tín điều của Cơ Ðốc Giáo thì con người chuẩn bị một tương lai rất khó nhọc và khổ sở, những sự nỗ lực của Cơ Ðốc Giáo trong việc cãi biến tín ngưỡng vẫn nhuộm màu sắc bác ái vị tha. Nó tuyên bố với mọi người rằng: "Giáo lý của tôi là chính thống, còn giáo lý của huynh là tà thuyết dị đoan", hoặc giả nói: "Ðiều tôi tin tưởng là chân lý, huynh phải ăn ở theo đó". Sau khi tinh thần đã phát triển, chúng ta đạt được nhiều sự hiểu biết mà kẻ khác không có; điều tốt đẹp và thích đáng là đem truyền bá Phúc Âm của chúng ta; có ý muốn chia sớt những điều chúng ta đã sưu tầm được cho đồng loại và giúp đỡ họ có tất cả những cơ hội thuận tiện để theo chúng ta vào những lãnh vực cao siêu của tư tưởng nầy; nhưng nếu điều ước vọng trên có xen lòng ham muốn áp chế họ, lòng ham muốn thường đi đôi với nhiều tánh tốt thì người ta gặp lại ở đây cái gì của bản ngã chia rẽ; "cỏ dại" to lớn cũng chưa bị bứng gốc rễ, chưa chết hẳn.

 Cũng phải loại bỏ hoàn toàn lòng ham muốn áp chế, hay chi phối, bởi vì, ngày nào, con người còn làm việc cho bản ngã riêng biệt chia rẽ, thì ngày đó y còn thuộc vào một "lớp" người rất đông đảo sống ích kỷ chia rẽ; đối với sự tiến hóa thì họ tiêu biểu cho một khối nặng vô dụng ghê gớm. Khi mà y quan niệm được sự hợp nhất rồi thì y tách ra khỏi khối nặng nầy và bắt đầu giúp đỡ những người đang nâng đỡ khối lượng đó lên.

 Sống cô độc một mình có nghĩa là không bị lệ thuộc vào người nào, ngoài ta ra, bởi vì không có người nào hay vật nào riêng rẽ mà chung qui có thể giúp ích cho ta được việc gì. Sự giúp đỡ phải tự ở trong mình chúng ta. Ðức Sư Phụ có thể luôn luôn giúp đỡ sự nỗ lực của chúng ta, nhưng chính Ngài cũng không làm sao hoạt động tại cõi của chúng ta được. Ngài không ngớt đưa ra những tư tưởng cho chúng ta và trợ lực chúng ta đủ mọi cách, nhưng ở mỗi bước đi, công việc phải do chúng ta làm cho hoàn thành. Khi tiến tới, phải có thể sống trong cảnh cô đơn tịch mịch, đối với ta thì hình như ta vẫn trơ trọi một mình và không có sức hộ trì trực tiếp của Sư Phụ. Tuy nhiên, điều nầy cũng là một ảo tưởng, bởi vì, thật sự, không ai sống chia rẽ với Ðức Sư Phụ hay Ðức Thượng Ðế được mà Ðức Sư Phụ lại là thành phần của Ðấng Vô Thủy Vô Chung. Nhưng mà phải hoạt động như là chúng ta sống một mình và trong vài giai đoạn của sự tiến hóa của chúng ta, chúng ta sẽ cảm thấy mình hoàn toàn cô lập. Ðồng thời, một sự nỗ lực về mặt trí thức, chắc hẳn là khó khăn trong tình trạng của chúng ta; sự nỗ lực nầy giúp cho chúng ta hiểu biết rằng không thể nào sống cô độc một cách thực sự được. Chúng ta thuộc về Ðức Thượng Ðế thì sự hợp nhất vẫn còn mãi mãi, bằng không thì chúng ta sẽ vô tri vô giác.

 Chúng ta thuộc về cái gì không thể chấm dứt được, vì thế, ý niệm cô độc là một ảo tưởng, dù rằng ảo tưởng đó gây cho chúng ta tất cả mọi phiền não, tất cả mọi đau khổ. Ở Trần thế, thường khi con người tưởng rằng mình cô độc thì thật ra lại ít cô độc hơn. Ở giữa một đám đông, những điều cao cả ít có ảnh hưởng đến y, vì thế mà y càng cách xa điều đó. Nhưng, khi mà những người sống ích kỷ, chia rẽ nầy dang xa y rồi thì y lại chịu ảnh hưởng của "Bản Ngã không chia rẽ" dễ dàng hơn, bởi vậy, rất đúng là con người ít cô độc hơn trong những giờ phút y tưởng hay cảm thấy mình cô độc nhất.

Khó mà quan niệm cái ý ghê sợ khi cảm thấy mình sống hoàn toàn trơ trọi trong vũ trụ - như một điểm trôi giạt trong không gian, đó là tình trạng gọi là cõi A Tỳ (Avichi), nghĩa là "không sóng gợn, không rung động". Trong tình trạng Tâm Thức nầy, dường như con người ở ngoài những làn rung động của Sự Sống Thiêng Liêng, người ta nói đó là sự kinh nghiệm kinh khủng nhất. Huynh Bàng Môn Tả Ðạo nào trong nhiều kiếp luân hồi, cố ý tranh đấu một cách có phương pháp cho sự chia rẽ và trực tiếp chống lại những lực lượng hợp nhất của sự tiến hóa thì sẽ bỏ mình trong cảnh A Tỳ. Vị Ðệ Tử của Chơn Sư cần phải tập có thiện cảm, dù là với huynh Bàng Môn Tả Ðạo chịu cảnh A Tỳ. Vì thế, trên con đường tiến hóa của mình, vị Ðệ Tử phải có một lần cảm thấy được tình trạng Tâm Thức đó. Y chỉ vào đó trong chốc lát thôi nhưng cái cảmgiác không thể nào quên được. Từ đó, y luôn luôn biết được nỗi đau khổ của những kẻ sống trong tình trạng nầy trải qua không biết bao nhiêu thời đại rồi. Ðối với chúng ta, khi thì giờ thí nghiệm đã đến [9], hãy nhớ rằng tất cả cái gì tồn tại là Ðức Thượng Ðế và chúng ta không thể nào sống chia rẽ với Ngài được, mặc dù chúng ta lầm tưởng như vậy: Chúng ta hãy hiểu rằng đó là một ảo tưởng cuối cùng mà chúng ta phải chiến thắng.

 Tất cả chúng ta phải sống trong cảnh cô đơn (một mình), bởi vì mỗi người trong chúng ta phải tập tự tin lấy mình và tự biết rằng mình là Ðức Thượng Ðế, và Ðiểm Linh Quang chói sáng trong tâm mình, thực sự, là thành phần của Toàn Thể. Khi mà chúng ta chưa tiến đến trình độ đó thì đối với những giai đoạn cao siêu của công nghiệp của Ðức Sư Phụ, chắc chắn chúng ta chưa phải là những nhân viên tín cẩn của Ngài. Trong khi chờ đợi, trong tất cả mọi công tác của chúng ta ở tại đây, dù là ở cõi Trần, ở cõi Trung Giới hay ở cõi Thượng Giới, sự tin chắc rằng: Ðức Sư Phụ không ngớt bao bọc chúng ta trong hào quang của Ngài và Ngài ở kề bên chúng ta là một sức mạnh rất lớn lao và một niềm êm dịu vô cùng đối với chúng ta. Tùy theo trường hợp, mỗi đêm chúng ta thi hành phận sự thường lệ của chúng ta ở cõi Trung giới hay ở cõi Thượng Giới và luôn luôn chúng ta biết rằng quyền lực của Ðức Sư Phụ bảo vệ chúng ta. Có khi chúng ta gặp một sức mạnh phi thường, cao hơn chúng ta vô cùng, hăm dọa làm khổ sở, điêu đứng chúng ta, cũng như ở Thế gian bị một trận bão tố dữ dội hay một cuộc động đất hoành hành, nhưng chúng ta luôn luôn biết rằng chúng ta có thể cầu cứu mãi mãi và vô hạn ở quyền lực của Ngài. Vả lại, vị Ðệ Tử phải tập "không cầu cứu với Ngài", nhưng đây cốt để cho mình trở nên một trung tâm cũng dũng mãnh như Ðức Sư Phụ vậy.

 Ðừng tưởng rằng con có thể sống riêng biệt với kẻ hung ác hay người điên cuồng. Họ chính là con, mặc dù ở vào một trình độ thấp kém hơn người bạn thân của con hay Sư Phụ con. Nhưng nếu con để trong tâm nẩy nở cái ý nghĩ rằng con không liên đới với một vật nào hay một người nào, thì do đó, con sẽ tạo ra một nghiệp quả, nó trói buộc con vào vật đó hay người đó cho đến ngày nào Linh Hồn con nhìn nhận rằng nó không thể sống riêng biệt được nữa.

C. W. L. _ Ðây là phần đầu của lời chú thích dài dòng do Ðức Chơn Sư Hilarion viết ra. Về mặt lý thuyết, có lẽ chúng ta tin rằng loài người hợp thành một đoàn thể lớn, và quả thật vậy, làm ra một khối duy nhất. Ở đây, Ðức Chơn Sư xác nhận sự hợp nhất nầy gồm có những cấp bậc, thế nên mới có những cấp bậc khác biệt nhau, sau cùng trong một mức độ nào đó, chúng ta thấy mình phân cách với kẻ hung ác hay người điên cuồng hơn là với bạn thân chúng ta hay Ðức Sư Phụ của chúng ta. Người ta thường cho danh từ huynh đệ đại đồng bao hàm cái ý nghĩa bình đẳng giữa loại người, thật ra điều nầy không thể có được. Trong tất cả các gia đình đều có nhiều anh em tuổi tác khác nhau, cũng thế đó, trong những phần tử của đoàn thể nhân loại phải có những Linh Hồn cao tuổi và những Linh Hồn nhỏ tuổi. Cũng như trong một gia đình dưới thế gian nầy, người anh cả phải đảm nhiệm phần giáo dục đàn em thơ ấu thì trong đại gia đình của nhân loại, vị Trưởng Huynh phải lo bảo vệ và giúp đỡ đủ mọi cách những em còn trẻ tuổi. Ai nói huynh đệ là nói sự bất đồng, nó gồm về sự sai biệt về niên kỷ, vừa khác nhau về những việc làm.

 Sau đây là một trong những biểu tượng đẹp đẽ nhất của tình huynh đệ mà tôi được biết. Một trong những hội viên của chúng ta, trông thấy hiện ra trước mắt một tòa thánh điện Ðông phương với cả hàng trăm cây cột. Huynh ấy diễn tả tòa thánh điện ấy với những lời lẽ như vầy: "Tất cả những cột nầy đều góp phần nâng đỡ tòa thánh điện, vậy nên chúng nó tiêu biểu cho những Linh Hồn cá nhân dự phần xây dựng tòa thánh điện nhân loại. Có những cột ở bên ngoài phơi bày dưới mắt mọi người. Người ta thấy chúng nó, người ta không ngớt trầm trồ khen ngợi, chúng nó trải qua bao cơn mưa nắng dãi dầu. Những cột khác, nằm bên trong nội điện, bị chìm mất trong đám rừng cột, suốt năm không hề thấy ánh sáng mặt trời rọi đến, khách qua đường hờ hững không hề để ý tới. Có vài cây cột ở nhằm những vị trí thuận tiện cho những vị sùng đạo tựu hợp, họ đến ngồi dựa lưng vào bệ từ sáng đến chiều. Những cột khác ở chỗ xa vắng hơn, nhưng mỗi cột là thành phần của thánh điện và mỗi cột đều có sự hữu ích của nó. Tình huynh đệ đại đồng là như thế đó. Nhiều người có thể quan niệm thủ một vai tuồng trọng yếu; nhiều người khác có thể làm mất cơ hội để phụng sự, tuy thế, tất cả đều chống đỡ một phần thánh điện. Những người làm mất cơ hội vẫn là những cột của thánh điện cũng như những cột được công chúng biết nhiều nhất".

 Nhiều sinh viên của chúng ta rất ân cần xác nhận rằng họ hợp nhất với Ðức Sư Phụ và các vị Thánh, nhưng họ ít chịu quả quyết rằng họ hợp nhất với những kẻ sát nhân, những người nghiện rượu, những kẻ hung ác. Tuy nhiên, nhân loại vẫn là một, phải hợp nhất với những người tiến hóa thấp cũng như những người tiến hóa cao. Trong trường hợp thứ nhứt, đó là một phần tử của chính mình chúng ta, theo gương đó, chúng ta phải tiến lên, nhưng trong trường hợp thứ nhì, đó là phần tử của nhân loại mà chúng ta cố gắng giúp đỡ. Bằng cách nào? Trước hết phải có một thái độ tốt đẹp đối với họ, nếu chúng ta tránh xa họ với sự ghê tởm, nếu chúng ta thù ghét họ tức là chúng ta làm cho con đường của họ trở nên khó khăn hơn. Nếu chúng ta để cho tánh tự nhiên và ưa sự ác nổi lên trong lòng ta ảnh hưởng đến thái độ chúng ta đối với phạm nhân thì chúng ta còn ở trong sự sai lầm; sự sai lầm nầy hầu như đôi khi không thể tránh khỏi được, mà chỉ có sự suy luận mới có thể giúp cho chúng ta tránh khỏi sự lầm lạc nầy.

Các bác sĩ gặp những chứng bịnh hết sức ghê gớm và hết sức khủng khiếp mà lỗi lại hoàn toàn thuộc về người bệnh gây ra, nhưng không có vị bác sĩ đứng đắn nào lại nghĩ đến điều đó, khi nhìn xem bệnh nhân. Ông không xa lánh bệnh nhân vì ghê tởm mà xem bệnh chứng như là một kẻ thù phải chiến đấu và phải chiến thắng. Ðó là một gương mẫu rất tốt đẹp của một thái độ mà ta phải theo khi ta gặp phải một người trụy lạc. Quả thật chắc chắn là chúng ta không có làm gì được với một người nghiện rượu hoàn toàn hư đốn đã mất hầu hết nghị lực. Nhưng không phải vì ghê tởm họ mà quay mặt đi chỗ khác hay là khinh miệt họ, chúng ta phải giúp đỡ họ. Cũng thế, nếu một người phạm một tội ác gớm ghiếc, chúng ta có thể phát sinh lòng gớm ghiếc tội ác, chớ không phải đối với phạm nhân. Sự phân biệt tuy rất khó cho chúng ta nhưng phải rán sức phân biệt cho được.

 Một điểm khác về chi tiết cũng hơi lạ lùng. Những vật khiến chúng ta ghê tởm nhất là những vật mà chúng ta có ý hướng ít nhiều về chúng, như vậy không phải là không nguy hiểm cho chúng ta. Không có một ý hướng về một tội ác, dù là một ý hướng mong manh yếu ớt nhất, khiến chúng ta xem tội ác không có gì là ghê tởm; nhưng nếu một người kia thấy một sự yếu đuối của con người mà sinh lòng gớm ghiếc thì y có thể tự nhủ rằng: sự yếu đuối nầy đã đưa y đến một sự nguy hiểm thật sự, có lẽ trong kiếp qua rồi hoặc trong kiếp trước kiếp đó.

Khi chúng ta bị những ảnh hưởng xấu bao vây, đôi khi chúng ta cần bao mình với một lớp vỏ đặng ngăn cản ảnh hưởng ấy xâm nhập vào mình, đó thường là điều chắc chắn hơn hết vì lẽ chúng ta đều còn là phàm phu tục tử, nhưng đồng thời ấy cũng là việc thú nhận yếu đuối của chúng ta tới một mức nào đó. Người thật dũng mãnh mạo hiểm mà không ngần ngại chi cả, vì y chắc chắn chúng nó không thể làm gì được. Chúng ta không thể làm như vậy màkhông bị mang tiếng là bất cẩn. Sức mạnh của chúng ta có hạn và phương sách không để phung phí một phần sức mạnh của chúng ta là tạo thành một lớp vỏ nầy. Một người hoàn toàn tin chắc ở sức mạnh có thể trải qua những sự nguy hiểm khác nhau mà không bị hại, bởi vì sự tin chắc của y là xác thực. Sức mạnh hoàn toàn làm tiêu mất hết sự ghê tởm. Chúng ta tin chắc ở sự không bị nhiễm của chúng ta, thì chúng ta không còn có ý tưởng về sự truyền nhiễm nữa.

 Nếu chúng ta không xem mình như riêng biệt với người hung ác và kẻ ngu ngốc thì không phải chúng ta cứ giao du với họ mãi, mặc dù có cơ hội tiếp xúc với họ cũng có lợi vậy. Nhiều người có lòng nhân đạo tìm cách giúp đỡ những kẻ nghèo khổ trong một đô thị lớn như Luân Ðôn, bằng cách vào ở những xóm bần hàn đói rách. Nhiều sinh viên của chúng ta nghĩ rằng đó là bổn phận của chúng ta đối với kẻ hung ác và những người mất lương tri. Cách giúp đỡ như vậy không phải luôn luôn là tốt nhất. Hãy lấy thí dụ ở các Ðấng Chơn Sư. Những Ðấng Thiêng Liêng Cao Cả không xuống sống trong những xóm tồi tệ, bẩn thiểu của các đô thị lớn. Tại sao vậy? Bởi vì xác Ngài không thể theo đuổi công việc giúp đỡ nhân loại của các Ngài như thế đó. Chơn Sư cần chuẩn bị cho mình một nơi nào để Ngài có thể làm việc gần trọn hết thì giờ của Ngài; có lẽ Ngài chỉ làm được có một phần trăm những điều mà Ngài thi hành được ở trong trường hợp khác.

 Nguyên tắc ấy đối với chúng ta cũng vậy: là không có sự cần thiết nhỏ mọn nào bắt buộc chúng ta phải nhận những điều kiện xấu tệ. Trái lại, sự giúp đỡ của chúng ta thường được đầy đủ hơn khi nào chúng ta được tự do. Thí dụ khi người ta mắc kẹt ở giữa một đám đông thật là đặc biệt khó chịu, đang sôi nổi vì bị sự hung ác hay bị sự phẩn nộ kích thích thì người ta có thể làm một cái vỏ để bảo vệ mình khỏi bị ảnh hưởng xấu nhưng mà người ta không làm gì được đến đám đông trong lúc đó. Trái lại, nếu ở xa đám đông, người ta có nhiều tinh lực hơn để cung hiến cho họ. Dù sao, nếu một đám đông trình độ tiến hóa chưa mở mang bị kích thích bởi lòng dục vọng tàn ác thì ở trên những cảnh giới cao siêu, không thể ảnh hưởng họ được, do vì tinh lực tiêu dùng như vậy không thể cảm đến họ, khi mà họ ở trong tình trạng ấy. Thế nên không ích chi đi vào những chỗ xấu xa bất chánh mà không biết rõ việc lành nào mình có thể làm được tại đó. Nếu chúng ta bị đặt trong hoàn cảnh ấy thì hẳn nhiên chúng ta phải làm hết khả năng mình. Người ta nói với tôi rằng các nhà truyền giáo vào những quán rượu tổ chức những công việc đạo đức. Sự can đảm của họ đôi khi cũng đem đến sự thành công. Ở nhiều trường hợp, làm như vậy thì tự nhiên đưa đến cảnh thất bại lớn. Trong vấn đề nầy cũng không khác gì ở cuộc chiến tranh, một quyết định gan dạ, có vẻ liều lĩnh, mạo hiểm, có thể thành công được, nhưng thường thì người ta có thể làm hơn thế nữa bằng cách làm việc một cách hợp lý.

 Con hãy nhớ rằng tội lỗi và sự nhục nhã của Thế gian là tội lỗi và sự nhục nhã của con, bởi vì con là phần tử của Thế gian, nghiệp quả của con dệt chung với đại Nghiệp quả của nhân loại, không thể nào gỡ ra được.

 Tại Thế gian nầy, người ta không nhận thức được điều nói trên, nhưng khi lên đến cõi Bồ Ðề, người ta mới thấy câu cách ngôn phô bày một chân lý. Ở cõi đó, chúng ta mới tự nhủ rằng: "Tôi dự phần vào việc mà nhân loại không thể tránh được, sự xấu xa của nhân loại chính là sự nhục nhã của tôi". Lý do sự tin chắc nầy vì: Vốn là phần tử của nhân loại, chúng ta đã dự phần vào tội lỗi của nhân loại cũng như chúng ta đã dự phần vào tất cả những sự tốt lành của nhân loại. Một người tiến được một bước tới trước, chúng tathấy đó là một sự thắng lợi cho tất cả. Nhờ y mà toàn thể nhân loại tiến gần đến mục đích một chút.

Và trước khi được giác ngộ, con phải trải qua khắp mọi nơi, dù chúng nó ô uế hay là chúng nó trong sạch, vì thế, con nên nhớ rằng y phục dơ dáy mà vừa đụng tới con đã gớm nhờm, có thể con đã mặc nó trong ngày hôm qua, cũng có thể con sẽ mặc lại nó ngày mai nữa, và nếu con quay mặt chỗ khác tỏ vẻ ghê tởm, nó sẽ bó sát vào thân con khi người ta choàng nó lên vai con. Người nào kiêu hãnh về đức hạnh của mình thì dọn cho mình một chỗ nằm trong chốn bùn lầy. Con hãy trì giới, vì trì giới là điều tốt, chớ không phải cốt để giữ mình con cho được trong sạch.

 Ðoạn nầy chấm dứt lời chú thích của Ðức Chơn Sư Hilarion; người ta thường hay hiểu sai lầm ý nghĩa của nó; người ta giải thích câu cách ngôn ấy như thế nầy: "Ðến một lúc kia, mỗi cá nhân đều phải phạm tất cả những tội lỗi". Không phải ý nghĩa của nó như vậy đâu, bởi vì người khôn rút lấy ở sự kinh nghiệm của kẻ khác một lời giáo huấn. Khi thấy một người đưa tay vào lửa bị phỏng thì chúng ta không cần phải làm như vậy để chắc rằng đó không phải là một gương mẫu đáng theo. Cũng vô ích mà đi gây ra các tội ác để biết thế nào là đau khổ. Ðến một giai đoạn tiến hóa nào đó, tất cả chúng ta đã vượt qua khỏi tình trạng của nhân loại tối cổ và chúng ta đã trải qua những giai đoạn khác nhau của kiếp người, cho nên đến điểm nầy, chúng ta mới ở vào tình trạng hiện hữu, nhưng không phải thế mà mỗi người trong chúng ta đều có làm tội ác. Có thể thí dụ rằng phần đông chúng ta trong khi trải qua những kiếp luân hồi dài dòng của chúng ta, chúng ta học tập cho biết hết những thứ lỗi lầm khác nhau mà con người có thể phạm, nhưng chắc chắn không phải trong những chi tiết của chúng nó. Ðối với một Linh Hồn khôn ngoan, tôi tưởng rằng sự biết được một trong những hình thức của một tội lỗi nào đó, tiêu biểu cho sự kinh nghiệm của một dọc lỗi lầm khác đồng loại với nhau.

 Một điểm khác nữa cần được xem xét. Tất cả mọi người, khi đạt được Tâm Thức Bồ Ðề thì không dùng Tâm Thức nào khác. Tất cả kinh nghiệm của nhân loại trở thành kinh nghiệm của mình. Ðối với chúng ta, sự vinh quang và sự huy hoàng của Tâm Thức Bồ Ðề là nó nối liền chúng ta với Ðức Chơn Sư. Ðừng quên rằng Tâm Thức Bồ Ðề cũng đem chúng ta gần với những kẻ tà dâm và những người làm tội ác. Chúng ta cần biết qua những tâm hồn của họ, cũng như sự vinh quang và sự huy hoàng của đời sống ở cảnh cao. Vừa đụng tới cõi Bồ Ðề như thế, chúng ta có thể quen thuộc với Sự Sống, trong những trạng thái thấp thỏi và khó khăn của nó bằng cách chia sớt Tâm Thức của những người đã trải qua những giai đoạn đặc biệt nầy. Ðó không phải là một bài học khẩn thiết cho chúng ta, bởi vì, về mặt giả thuyết, chúng ta biết rằng chúng ta không những làm mấy việc đó được, nhưng muốn cho tình thiện cảm của chúng ta trở nên hoàn toàn thì cần phải có một vài kinh nghiệm, bằng không chúng ta không thể giúp đỡ kẻ khác. Người mà lòng thiện cảm đã trở nên hoàn toàn thì nhờ trực giác cảm biết được những sự khó khăn và những sự cám dỗ của kẻ khác, vì vậy người chỉ đem tình thương đến với kẻ lầm đường lạc lối. Nhờ tình thiện cảm của y mà "chiếc áo dơ" trở thành chiếc áo của y mặc. Cuối cùng, sau khi đã loại bỏ sự sống riêng biệt một mình và thực hiện được sự hợp nhất, chúng ta thấy rằng mình nhập vào Ðời Sống Thiêng Liêng và tình thương là mối tình duy nhất có thể có đối với đồng loại chúng ta từ người cao thượng nhất cho tới người hạ tiện nhất.

6. - Hãy diệt ý niệm cảm giác.

Hãy để cho cảm giác dạy dỗ con và quan sát nó, bởi vì chỉ làm như vậy, con mới có thể bắt đầu vào môn học tự giác và đặt chân con lên nấc thứ nhứt của cái thang.

A.B. - Vị Ðệ Tử cần phải học hỏi những cảm giác riêng của mình hầu tự hiểu lấy mình một cách rõ ràng hơn, nhưng sự hiểu biết nầy bắt buộc phải nghiên cứu có phương pháp những tư tưởng riêng của mình, sự nghiên cứu đưa y trước hết đến sự tự tách mình, sự tự lìa mình ra khỏi tư tưởng. Chỉ một mình nó thôi, sự nghiên cứu về tư tưởng của huynh cũng làm cho đời sống của huynh tách ra khỏi tư tưởng rồi cho đến đỗi hiện giờ đây, huynh không còn đồng hóa với tư tưởng ấy nữa. Thật vậy, người ta không đồng hóa với đối tượng mà người ta nghiên cứu hay khảo sát. Theo một từ ngữ riêng thuộc phái của Ðức Shankaracharya, chủ quan và khách quan không bao giờ lầm lộn được. Vì vậy nỗ lực dùng vào việc nghiên cứu làm suy yếu những hình dạng và chỉ một mình sự nỗ lực cũng giúp anh được giải thoát [10].

 Lời khuyên bảo trên có liên quan đến lời khuyên bảo khác là: tự học hỏi bằng những kinh nghiệm của mình hầu con người có thể đi đến giai đoạn không còn bị kinh nghiệm ấy nhiễm mình nữa. Khi một người nghiên cứu một trong những cảm giác riêng của mình đặng học hỏi thì y có thể thí nghiệm cảm giác đó, nhưng đồng thời y cũng có thể làm hơn nữa, nghĩa là đo lường sức mạnh cảm giác mà không nhượng bộ. Những cơ hội cũng sẽ đưa đến để cho vị Ðệ Tử tập quan sát những cảm giác, y nhận thấy có những cảm giác từ lâu ngủ yên trong lòng mình, bây giờ lại ùn ùn nổi dậy.

 Chúng ta đều có những hồi ức. Người ta có thể nói rằng: Những hồi ức theo hộ tống chúng ta giống như những người đã chết. Một hành động bên ngoài có thể làm cho chúng nó sống lại. Chúng nó có thể sống lại nhờ tiếp xúc với những hình tư tưởng của kẻ khác tương tợ chúng nó; hay là có một vị quyền năng cao cường thuộc về bên Chánh Ðạo hoặc bên Bàng Môn cố tâm làm cho chúng nó sống lại, bởi vì họ muốn cho chúng ta mau trở nên thanh khiết hoặc họ muốn thử thách chúng ta. Tư tưởng đã chết rồi mà sống lại thì chủ nhân của nó sẽ cảm thấy điều mà người ta gọi là sức mạnh của sự cám dỗ ra sao. Học hỏi sự tác động của tất cả những điều nầy, vị Ðệ Tử nhận thấy những gì đã xảy ra. Khi đó sức mạnh của tư tưởng sống lại rồi, thì huynh nói với nó: "Ngươi không phải là hiện sinh của ta, ngươi chỉ là cái Bản Ngã xưa kia của ta, hãy đi đi".

 Ðôi khi, trong giờ phút bị cám dỗ cũng có ích mà nhận biết rằng đó chỉ là quá khứ của huynh sống lại thôi, rồi anh sẽ nói rất hữu lý rằng: "Cái nầy không phải là tôi", huynh xem nó như ở ngoài huynh, xa lạ như con người của huynh, hay là sự hoạt động của huynh. Huynh sẽ biết rằng cái quá khứ nầy không thể cầm giữ được huynh, cũng không thể làm ô uế huynh. Sự kiên nhẫn tin cậy do bởi lòng quả quyết nầy là một liều thuốc bổ mạnh. Ðối với huynh, gần đến thời giờ mà huynh không còn cảm thấy mình bị cám dỗ nữa. Chẳng bao lâu, sự cám dỗ sẽ trở thành bất lực, không còn cảm nhiễm huynh được.

 Trong tiến trình có phương pháp nầy gồm có sự cân nhắc, đo lường và phân tích những tình cảm và những tư tưởng xưa kia của mình, vị Ðệ Tử làm cho Bản Ngã đã chết nầy không còn phương thế nào tái sinh nữa. Ðó là ýnghĩa của câu cách ngôn nói về lòng ham muốn trong cuốn Tiếng Nói Vô Thinh như vầy: "Hãy coi chừng, nó sẽ sống lại giữa đám người đã chết". Muốn cho tình cảm và tư tưởng bị tiêu diệt thì đem chúng nó chôn vùi dưới đáy sâu cho biệt dạng cũng chưa đủ mà còn phải làm sao cho cái mảnh vụn cuối cùng còn sót lại của chúng nó tan vỡ hết. Và khi xem xét chúng nó, con người nhận biết một cách hết sức rõ rệt cái bản tính thật sự của chúng nó và không còn xem chúng nó như một phần tử của chính mình nữa.

C. W. L. - Trước tiên, chúng ta phải đứng ngoài quan sát sự hoạt động của cảm giác trong nội tâm của chúng ta. Khi nào nó lôi cuốn chúng ta được thì nó không có gì để huấn luyện ta cả, bởi vì chúng ta là nô lệ của nó rồi, nhưng nếu chúng ta có thể đem mình lên cao, từ trên nhìn xuống thì xem nó như một cặn bã của quá khứ chúng ta thì chúng ta mới có thể quan sát và học hỏi được.

Những làn sóng cảm giác bủa khắp thế gian, cần phải tìm hiểu cho được chúng nó hầu có thể giúp đỡ đồng loại mình, nhưng lẽ tự nhiên, điều ấy có thể thực hiện được là khi nào những cảm giác nầy không còn ảnh hưởng đến chúng ta nữa. Thật vậy, đây thuộc về tính khí, nhưng đối với nhiều người, một trong những khó khăn to tát là ở chỗ họ bị những cảm giác của tình cảm nhồi lên nhồi xuống trước khi biết rõ cách chế ngự chúng nó. Ðiều nầy cũng như một người đứng dưới nước ngay chỗ giáp mối của hai dòng nước chảy mà muốn ra sức khắc phục chúng. Con người không thể nào áp phục được một sức mạnh không ngớt vật ngã nó rồi lôi cuốn nó đi. Chỉ vì người ta không biết rằng tình cảm thật sự không phải là một sức mạnh bên ngoài như sức mạnh mới nói ra đây, mà sức mạnh ấy ở ngay trong tâm họ, nếu họ biết cách điều khiển thì có thể hoàn toàn chế phục được nó.

 Muốn thế, ngay từ sơ khởi, phải mạnh dạn bắt tay vào việc. Một làn sóng nóng giận, chán nản, đố kỵ hay tất cả dục tình khác phát sinh trong khoảnh khắc và lan rộng ra rất xa một cách nhanh chóng. Làn sóng ấy sinh sản quá ư đột ngột cho đến đỗi những kẻ đã từng quen xem nó như là Bản Ngã của mình, lúc ấy không sao nhận ra kịp và vì thế họ không chận đứng được nó bằng cách nói rằng: "Tôi không phải là cái đó; tôi không để bị lôi cuốn, tôi không động đậy ". Nếu ta kịp thời nhớ đến nó, thì sự cảm xúc biến mất tức khắc. Phần nhiều những kẻ, trong lúc hoàn toàn an tĩnh thì quyết định giữ vững tinh thần, nhưng khổ thay, khi làn sóng cảm giác bủa tràn vào người họ thì đúng là lúc họ không có ý muốn kháng cự lại. Linh Hồn không ý thức được liền sự nguy hiểm nên dễ bị lôi cuốn và đồng hóa với sự cảm xúc hay cảm giác. Vì thế, phải tập xua đuổi sự cảm xúc ngay từ khi nó vừa mới chớm nở, bỏ qua giờ phút ấy thì rất khó cho chúng ta chận đứng liền nó lại khi mà sự cảm giác đang trong vòng phát triển mạnh mẽ, cho dù đôi khi, người khác có thể xua đuổi nó đặng giúp chúng ta được. Rồi sau đó, chúng ta nhớ lại quyết định của mình và hối tiếc. Phương pháp thực tế là chế ngự cảm giác luôn luôn càng sớm càng tốt. Nếu chúng ta, chỉ một lần thôi, trừ diệt được nó, trước khi nó được tự do phát triển thì chắc chắn sau đó, chúng ta có thể trừ được chúng nó dễ dàng, điều nầy không sai đâu.

 Sự khó khăn đầu tiên sinh ra là tại con người, Bản Ngã, thường hay từ bỏ quyền hành của mình, cho đến đỗi họ mất cái thói quen biểu dương quyền hành nầy, nhưng nếu họ quyết sử dụng những quyền hành ấy trong tình thế nguy cấp thì họ sẽ nhận thấy rằng họ có thể sử dụng chúng thêm một lần nữa và một lần nữa, bởi vì tinh chất[11], nguyên nhân của sự khó khăn sẽ lo sợ và sẽ thấy rằng nó không phải là bất khả kháng. Thoạt tiên, tinh chất tin chắc nó lắm, không khác gì con chó nhảy xổ vào mình người, vừa sủa, vừa nhe răng nhọn ra, bởi vì nó tưởng rằng con người sợ nó, nhưng nếu, thay vì bỏ chạy, y kháng cự lại thì con chó ngập ngừng, do dự và không còn chắc chắn nó sẽ thắng nữa. Tuy nhiên, tinh chất không có trí khôn của con chó. Nó có thể biết hoặc không biết rằng chúng ta dũng mãnh hơn nó, nhưng nếu nó không biết chỉ vì tại chúng ta không xác nhận sức mạnh của chúng ta. Hãy tỏ cho nó biết rằng chúng ta là chủ nó thì ngay từ bây giờ trước nhất nó sẽ do dự trong việc nổi cơn sóng gió. Hãy tức khắc chận đứng nó lại, rồi tất cả mọi việc sẽ êm đẹp.

 Chúng ta cần học hỏi ở cảm giác của mình và cũng phân tích luôn cảm giác của người, nhờ thế, chúng ta sẽ tìm hiểu được bản tính con người. Khi thấy kẻ khác điên đầu vì làm vật hy sinh cho cảm giác của họ, khi khảo sát cảnh tượng đau thương nầy và tất cả sự đau khổ do họ tự gây ra cho họ, chúng ta tập chận đứng trong tâm tất cả định ý làm như thế đó. Thấy điều ấy nơi kẻ khác tự nhiên dễ hơn là thấy trong tâm mình, khi chúng ta là khách bàng quan và đứng ngoài trông vào. Tuy nhiên, đừng xem xét đồng loại mình đặng chỉ trích và tìm những nhược điểm của họ, mà chỉ xem coi thế nào cái gương của họ có thể giúp cho ta học hỏi được. Khi chúng ta nhận thấy khi họ bị một tình dục, một mối cảm xúc hay một ý niệm nào đó chi phối thì đời sống của họ không còn phải là đời sống thanh bai và tốt đẹp nữa. Chúng ta có thể ghi nhớ những điều nầy trong trí và đừng bao giờ nghĩ rằng chúng ta tốt đẹp hơn họ. Chúng ta có thể tự nhủ rằng: "Phải chăng tôi cũng sẽ không làm gì khác hơn thế. Riêng phần tôi, tôi lo coi chừng thế nào cho việc đó đừng xảy ra". Không có thói quen chỉ trích và thói quen đó luôn luôn là xấu, thì chúng ta có thể học hỏi do những lỗi lầm kẻ khác. Nếu chúng ta chứng kiến tai họa của kẻ khác mặc dù chúng ta có chia sớt sự đau khổ của họ đi nữa, thì cũng không có gì đáng trách trong khi ta tưởng như vầy: "Tôi không muốn đến phiên tôi lại té xuống vực sâu; một tai nạn cũng là đủ lắm rồi". Trong lúc chiến tranh, những làn sóng cảm giác trùng trùng điệp điệp bay cùng khắp hoàn cầu; tựu trung có một số kinh khủng gồm những làn sóng thù hận, đố kỵ đối với cường quốc mà chúng ta đang chiến đấu. Tôi không hề có ý dung thứ những hành vi dã man, tàn ác do các cường quốc ấy gây ra. Tôi biết những quốc gia nầy có những hành động ấy vì trong lúc xuất Vía chúng tôi chứng kiến được nhiều tội đại ác ghê gớm và đối với nhân loại, những hành động nầy làm tôi hết sức sức hỗ thẹn. Tôi không bao giờ nghĩ đến sự phủ nhận những việc nầy, tìm những lời giải thích hay bàu chữa, nhưng mà những sự bài xích do những kẻ sát nhân gây ra nổi lên một dòng nước cuồn cuộn chảy là một hiểm họa lớn. Trách nhiệm của những hành vi tàn ác nầy trút đổ trên vai những kẻ chủ động và những người truyền lệnh chớ không phải bắt trọn một quốc gia gánh chịu. Trong quá khứ, người Anh chắc hẳn đã làm những điều mà bây giờ chúng ta không muốn đồng hóa. Người ta cũng có thể nói như thế về tất cả các quốc gia khác. Ðừng để cho mình đi đến chỗ bất công dù là trong tư tưởng cũng như trong lời nói hay trong việc làm.

Kẻ nghịch của chúng ta cố tâm chăm lo phát động lòng thù hận chống lại ta. Có thể trong một thời gian họ sẽ thành công: đó cũng là một trong những mưu mô quỷ quyệt của chiến tranh, có lẽ họ cho rằng lòng thù hận có những lợi ích của nó là giúp cho họ có nhiều người hưởng ứng và tiền bạc, v.v..., ấy là sự lầm lạc nghiêm trọng về tinh thần; về phương diện cao siêu họ phạm lỗi nầy thì ho ïhoàn toàn sái quấy. Nhưng trong một trường hợp tương tợ, e cho chúng ta cũng sinh lòng thù hận. Phải triệt để cương quyết chiến đấu với tội ác và chiến đấu cho đến kỳ cùng, đừng để một chút tư tưởng thù hận đụng tới mình ta. Hãy nhớ lời Ðức Phật dạy: "Không bao giờ lấy oán đáp lại oán mà cái oán tiêu".

Nghe thuật lại những hành vi độc ác đối với đàn bà, con nít mà lòng căm phẩn của chúng ta tự nhiên bộc khởi dữ dội. Người ta có thể vì lý do chánh đáng công phẩn những tội ác như thế. Chúng nó hết sức ghê tởm và tất cả mọi người có lương tri, phải tố giác những tội ác nầy, đừng do dự, đừng hòa hoãn dung túng, đừng tìm cách bàu chữa. Nhưng thù oán kẻ vô phước phạm tội cũng là một điều lầm lạc to tát. Họ đáng thương hại hơn là đáng trách cứ. Phận sự của chúng ta không phải là khiển trách họ; bổn phận của chúng ta là thái độ của một người đối với một con thú dữ đang vồ bầy con của y. Y không danh dự gì đi thù oán với con thú nhưng mà nên loại trừ nó đi. Phải hết sức hối tiếc giùm cho những kẻ phạm những tội ác nầy, bởi vì chúng ta biết Luật Nhân Quả đang chờ họ. Sự tàn sát đàn bà trẻ nít là một hành động dã man, ghê tởm, ghê tởm dĩ nhiên đối với gia đình họ còn hơn là đối với chính họ, nhưng ghê tởm nhất là đối với kẻ sát nhân, họ đáng được thương xót dữ lắm, bởi vì thời gian sẽ đem lại cho họ những niềm đau khổ vô cùng ghê gớm.

Chúng ta sẽ làm với tất cả cố gắng của chúng ta đặng chận đứng những hành động như thế, không cho tái diễn, nhưng mà chúng ta không có lòng thù hận, ấy là trường hợp mà lòng cao thượng bắt buộc phải thế. Chúng ta cao hơn rất nhiều những kẻ còn phạm tội ác nầy; về phương diện tiến hóa và phát triển, hằng ngàn thế kỷ chia cách chúng ta với họ. Chúng ta phải chứng tỏ sự phát triển tinh thần cao siêu của chúng ta bằng cách không sinh lòng thù hận như họ.

 Muốn phân tách những hiệu quả của cảm giác ta phải tự chủ, đặt mình ở ngoại cảnh, cố gắng chế ngự tình cảm, rồi như thế mới học hỏi được. Không để cho bị lôi cuốn bởi trận cuồng phong tương tợ do tình cảm của quần chúng gây ra, chúng ta rán phân biệt vì đâu mà họ phạm tội và làm cái gì mà chúng ta có thể làm đặng, hầu điều chỉnh tình cảm ấy. Nhiều người bị nhiễm cái ảnh hưởng dục tình dữ dội nầy nên cho chúng ta có hơi vô tình và lạnh nhạt. Chính vì không thù hận mà đôi khi chúng ta bị khiển trách là thiếu tình yêu tổ quốc. Dĩ nhiên là vô lý, nhưng không có gì hữu lý đối với những kẻ bị nhiễm ảnh hưởng của những làn sóng lớn lao của lòng thù hận. Chúng ta rất có thể giải thích với họ rằng tình yêu tổ quốc không bắt buộc chúng ta phải thù hận những quốc gia khác, nhưng họ luôn luôn không biết rằng mỗi người đều có thể thương yêu tổ quốc mình mà không thù ghét quốc gia khác.

 Trong vấn đề nầy, thái độ của chúng ta là thái độ đối với sự buồn bực của một đứa nhỏ. Một đứa bé gái làm bể con búp bê của nó thì nó khóc la om sòm và thất vọng. Chúng ta có thiện cảm với em bé nầy mà không bỏ cái triết lý của chúng ta và chúng ta không chia sớt những sự hối tiếc của nó. Không phải sự đánh vỡ con búp bê, không phải một chuyện bất ngờ nhỏ nhặt nào đó xảy ra trong đời sống học sinh của đứa nhỏ mà làm cho chúng ta sầu khổ. Chúng ta nghĩ đến tương lai và tất cả những nỗi ưu phiền nhỏ nhen nầy, nếu người ta đem so sánh chúng nó với tương lai đứa bé thì chúng nó chỉ là tạm thời thôi và không quan trọng mấy, mặc dù đối với em bé, chúng nó thật hết sức hệ trọng. Chúng ta không tỏ lòng thiện cảm là chúng ta thiếu sót bổn phận, nhưng chia sớt tất cả những gì đứa nhỏ cảm xúc là vô lý, như thế chúng ta sẽ tự mình hành động một cách trẻ con.

 Cũng như thế đó, đối với những người tập công nhận một thái độ triết lý. Y có thiện cảm với những kẻ bị những sự việc xảy ra làm xáo trộn đến mức độ nầy, nhưng chính lòng y vẫn yên tịnh. Chúng ta nói với em bé rằng:"Ðiều nầy không ăn thua gì hết: Tất cả sẽ dàn xếp êm thắm". Chúng ta cũng nói như thế với những người bị tình cảm nầy lôi cuốn:"Nếu mấy huynh muốn tin điều đó thì tất cả sẽ dàn xếp, tất cả sẽ tốt đẹp". Chúng ta nói như vậy thì sẽ bị người ta cho là vô tình mà thật ra không có gì đúng hơn nữa. Ðôi khi chúng ta thật khổ tâm mà biết được sự mù quáng của đồng loại mình, chúng ta thấy họ bị xáo trộn vì những điều hoàn toàn vô lý. Thường thường những điều tốt đẹp mà họ có thể thâu thập ở ngay trước mắt họ, nhưng họ không trông thấy và để lòng tham vọng sai khiến lại họ. Nhưng chúng ta cũng ênhư họ từ cả ngàn năm rồi. Chúng ta học tập đức kiên nhẫn, chúng ta biết rằng mọi việc nói trên là một giai đoạn của sự tiến hóa, dĩ nhiên là một giai đoạn ít đáng cho ta mong muốn. Trong chúng ta, những ai còn sợ mình chiều theo thứ tình cảm nầy thì cần phải tự chủ và nói rằng: Hai chục kiếp trước, có lẽ còn tha thứ được, chớ hiện giờ thì thời gian ấy đã qua rồi". Nếu trong đời sống hằng ngày, chúng ta thấy một người trọng tuổi mà đi phí bỏ thì giờ trong các cuộc truy hoan thì chúng ta biết rằng hai chục năm trước y làm như thế thì còn cho là được đi, nhưng hiện giờ y phải lo lắng những việc quan trọng hơn. Cũng như chúng ta phải tiến đến một trình độ mà nơi đó những tình cảm là những tình cảm cao siêu và nơi đó cái ý niệm vĩ đại và duy nhất của chúng ta là cái ý niệm của phận sự mà Ðức Thượng Ðế ban cho chúng ta để hoàn thành.

7. - Hãy diệt lòng khao khát tăng trưởng. 1

Hãy tăng trưởng như đóa hoa tăng trưởng một cách vô tâm, nhưng khao khát ý muốn mở rộng tâm hồn ra với không khí. Chính cũng nhờ thế con phải hối thúc sự nẩy nở của tâm hồn con ra với Ðấng Vô Thủy Vô Chung. Nhưng phải để cho Ðấng Vô Thủy Vô Chung làm nẩy nở quyền lực và vẻ mỹ lệ của con, chớ không phải vì con có lòng ham muốn tăng trưởng. Bởi vì, trong trường hợp thứ nhứt con tự phát triển trong tất cả những sự huy hoàng lộng lẫy của lòng trong sạch; còn trong trường hợp thứ nhì, con chỉ làm cho con thành ra cứng rắn vì tánh vị kỷ không thể nào tránh khỏi được.

 A.B. - Trong một giai đoạn tiến hóa cao hơn, vị Ðệ Tử có cảm giác mình mở rộng ra với Ðấng Vô Thủy Vô Chung và càng ngày càng thưởng thức được những vẻ mỹ lệ huy hoàng của vũ trụ. Lòng ham muốn tăng trưởng cầu được cao hơn người huynh đệ mình không thể nào còn nữa. Trước khi đến trình độ nầy, y còn bị lâm nguy vì sự quan trọng của những công tác mà y đã hoàn thành. Nếu y cho sự phát triển nầy là của bản ngã chia rẽ thì y tự cảm thấy mình tăng trưởng, e cho y còn bị vấp ngã. Một phương thế duy nhất để tránh khỏi mối nguy hiểm là: từ bỏ ý muốn tăng trưởng, chống lại sự ham muốn phát triển riêng cho mình. Khi đạt đến cõi tiến hóa cao siêu của nhân loại, vị Ðệ Tử, dù có tăng trưởng hay không tăng trưởng, cũng phải trở nên lãnh đạm. Y chỉ nghĩ đến Ðời Sống Thiêng Liêng có thể ban cho tất cả những ai mở rộng tâm hồn của mình với Ngài.

C. W. L. - Chúng ta phải tăng trưởng như đóa hoa tăng trưởng. Tại sao vậy? Bởi vì đóa hoa tăng trưởng không thiết nghĩ đến mình và với một lòng vị tha tuyệt đối, không phô trương hương sắc mình mà cốt để cho nòi giống sinh sôi nẩy nở thêm ra nhờ cái chết của mình. Nếu đóa hoa có ra đây, không phải để sinh trái cho nó, bởi vì trái chỉ sinh ra sau khi đóa hoa tàn tạ. Trong sự tăng trưởng của nó, đóa hoa không có làm gì cho riêng mình cả. Tất cả đều dành cho những cây sẽ mọc trong tương lai. Cũng như chúng ta đừng nghĩ đến mình nữa mà làm việc cho hạnh phúc kẻ khác, do đó chúng ta mới tiến bộ. Một tư tưởng vĩ đại, duy nhất dẫn dụ chúng ta: là hợp tác với công nghiệp của Ðức Thượng Ðế. Chúng ta phải cố gắng tập cho có đủ các đức tánh và có đủ các năng lực, như thế chỉ để trở nên những kẻ phụng sự hữu ích mà thôi. Chúng ta quên mình trong các công việc làm vị tha, chúng ta như là phần tử của toàn thể, tức là "trong sự huy hoàng diễm lệ của lòng trong sạch".

 -----*****-----

CHƯƠNG THỨ SÁU

 -----*****-----

 Qui tắc 9 - 12

C. W. L. - Từ trước tới đây, chính là phương diện phủ định, tiêu cực đã được đem ra trình bày cho chúng ta ở trong quyển sách nầy. Người ta khuyên bảo chúng ta diệt trừ vài sự ham muốn, nhưng giờ đây, mới là phương diện tích cực, thực tiễn. Chúng ta sẽ học những điều nào chúng ta có thể học được và cố nhiên là những điều mà chúng ta phải ham muốn. Người ta có thể ngạc nhiên về sự khuyến khích chúng ta ham muốn một điều nào đó. Ðộc giả nào đã từng biết qua những kinh sách Ấn Ðộ sẽ nhớ rằng, về điểm nầy, những kinh Oupanishads cũng nói khác nhau. Quyển thì bài bác, chỉ trích đủ hết các loại ham muốn, cho đến sự ham muốn làm việc thiện nữa, bởi vì chúng ta tuyệt nhiên không còn một sự ưa thích nào cả. Quyển khác thì bảo chúng ta nên ham muốn sự tiến bộ và lại thêm rằng sau khi thắng phục được tất cả những sự ham muốn khác hơn sự ham muốn phát triển Linh Hồn thì con người không còn thế nào có sự ưu tư phiền não nào nữa. Hai phát biểu nầy có thể dung hoà với nhau bằng cách giải thích ý nghĩa của chúng nó như sau: Câu thứ nhứt có nghĩa là nếu chúng ta muốn tham dự, dù là vào những hoạt động cao cả của cõi Thế gian nầy với tư cách cá nhân riêng biệt, chỉ lo nghĩ đến mình và những công việc tốt đẹp, quan trọng mà chúng ta có đủ khả năng làm được, thì ý niệm chia rẽ chưa hẳn hoàn toàn tiêu diệt. Nếu trái lại, chúng ta tiến tới trình độ tự xem mình như là phần tử của nhân loại và thực hiện sự tiến bộ của mình để giúp đỡ chúng sinh mà chúng ta đây cũng là người như họ, nếu mọi ý niệm cá nhân riêng biệt mất đi thì sự ham muốn cao thượng và trong sạch của chúng ta sẽ biến thành một nguyện vọng rất cao quí.

9.- Chỉ nên ham muốn cái chi ở nơi con.

Bởi vì ở nơi con có ánh sáng của thế giới, ánh sáng duy nhất có thể ban rải trên Ðường Ðạo. Nếu con không đủ khả năng nhận thấy ánh sáng ấy ở nơi con thì đừng mong đi kiếm nó nơi khác vô ích.

Cái tư tưởng diễn tả ở lời chú thích nầy trong tất cả các Tôn giáo đều có, mặc dù dưới những hình thức khác nhau. Chúng ta gặp tư tưởng nầy trong Cơ Ðốc Giáo, nhưng mà, thường thường dường như chỉ có những nhà Thần Bí Cơ Ðốc Giáo hiểu được nó mà thôi. Tư tưởng ấy ở trong những vần thơ rất hay nầy đây:

Dù cho Ðấng Christ giáng sinh 1.000 lần tại Bethlehem đi nữa,

Nếu Ngài không giáng sinh trong lòng huynh thì Linh Hồn huynh sẽ bị bỏ rơi;

Tại Ðộc Lâu Cương (Calvaire) Ngài bị đóng đinh trên Thập Tự Giá cũng vô ích thôi,

Nếu trong lòng huynh cây Thập Tự Giá không dựng lên một lần nữa.

Ý nghĩa câu nầy cũng dễ mà phân biệt: nếu con người không tin tưởng ở Ðấng Thần Minh cao cả ở trong lòng mình thì y không chút hy vọng gì tiến bộ được, y không có một phương tiện hành động nào cả, y không có gì để có thể nâng đỡ y lên. Nhưng nếu y biết được cái tâm thức Bồ Ðề kỳ diệu ở trong mình y thì y hiểu rằng sự phát triển Ðấng Thần Minh chỉ là một vấn đề thời gian thôi và y phải góp phần vào sự phát triển nầy bằng cách làm điều hòa các thể ở ngoài của y hầu để cho sự vinh quang bên trong chiếu rạng ra ngoài. Ðó là ý nghĩa của những danh từ sau đây: "Ðấng Christ ở trong lòng huynh, đó là niềm hy vọng vinh quang trong huynh". Niềm hy vọng ở trong lòng huynh là Ðiểm Linh Quang đó. Người mà không chịu tin rằng: Ðiểm Linh Quang ở trong lòng mình thì dựng lên một chướng ngại vật không thể vượt qua được trên con đường mình đi trong suốt thời gian mà huynh không biết mình lầm lạc.

 Quả thật nhờ Ðấng Christ mà con người mới được giải thoát, đây không phải là nhờ một người đã sống và đã chết, mà nhờ cái Tâm Thức Bồ Ðề của chúng ta. Người cứu rỗi chúng ta lại ở trong mình chúng ta. Ðó là giáo lý Cơ Ðốc Giáo chân chính. Chúng ta có thể kể nhiều bản văn để chứng minh. Chính vì không biết cái tư tưởng cao siêu nầy mà Giáo lý Cơ Ðốc Giáo tân thời, nếu người ta được phép nói, đã đi sai đường và làm cho người ta dị nghị. Ta hãy luôn luôn nhớ rằng: Khởi điểm của Cơ Ðốc Giáo là cái triết lý Bất khả tri luận (Agnosticisme) tuyệt diệu, nhưng mà, trong số tín đồ Cơ Ðốc Giáo, những người thất học, loại bỏ ra ngoài Tôn giáo tất cả những tư tưởng cao siêu trên sức hiểu biết của họ, tất cả những khái niệm bắt buộc phải nhiều năm học tập mới hiểu nổi và khai trừ những nhà đại thông thái Cao Ðẳng Thần Học (Grands Docteurs gnostiques) mà họ cho là những người theo tà thuyết. Họ áp dụng sự đầu phiếu trong Tôn giáo, đó là một phương pháp ít khôn khéo để đi đến một quyết định với những hậu quả hết sức tai hại.

 Ban sơ, Cơ Ðốc Giáo có một triết lý tốt đẹp nhất trong những triết lý; cái triết lý duy nhất dùng làm căn bản cho tất cả các Tôn giáo. Câu chuyện kể trong Phúc Âm vốn được xem như một một tỷ dụ, một tượng trưng, nhưng khi mà người ta chỉ thấy trong đó tiểu sử bịa đặt của một người thì Tôn giáo đã trở nên khó hiểu rồi. Vì thế, tất cả những kinh sách trình bày đúng với phương diện cao siêu đều bị sửa đổi ra khác và dĩ nhiên không còn thích hợp với chân lý để dùng làm căn bản cho tư tưởng nữa. Cơ Ðốc Giáo quên mất một phần lớn giáo lý cổ truyền của mình nên hiện giờ người ta có thói quen phủ nhận rằng nó không không có một khoa bí truyền. Tuy nhiên, những bằng chứng không thiếu chi để thuyết phục vị học giả không thành kiến rằng những hiểu biết cao siêu ấy có thật và các vị Sứ Ðồ và Cố Ðạo thuở xưa đều học được nó. Giờ đây tôi không thể bàn rộng đến vấn đề nầy. Tôi chỉ cần nhắc độc giả rằng Ông Origène là vị Cố Ðạo lớn nhất của Cơ Ðốc Giáo đã xác nhận sự hiện tồn của khoa Bí Giáo. Ông nhận biết sự tín ngưỡng bình dân và phi lý đưa đến điều mà Ngài gọi là Cơ Ðốc Giáo nhục thể [12]với Cơ Ðốc Giáo tâm linh [13]. Ông định nghĩa Cơ Ðốc Giáo nhục thể là tín ngưỡng căn cứ ở lịch sử của Phúc Âm. Ông nói thêm rằng đây là một giáo lý rất tốt cho quần chúng, nhưng người Cơ Ðốc Giáo tâm linh đã hoạch đắc được Cao Ðẳng Thần Học biết rằng tất cả những sự việc xảy ra được kể trong câu chuyện nầy là: Sự Giáng Sinh, sự Rửa Tội, sự Giác Ngộ, sự đóng đinh trên Thập Tự, sự Phục Sinh và sự Thăng Thiên - xảy ra không phải chỉ một lần thôi, không phải chỉ một nơi thôi, mà tiêu biểu cho những giai đoạn trong đời sống tinh thần và trong những sự tiến bộ của tất cả tín đồ Cơ Ðốc Giáo.

 Những tín ngưỡng của Tôn Giáo chính thống tân thời vẫn còn căn cứ trên đức tin mù quáng thích hợp với quần chúng chưa được mở mang. Nó nhất quyết từ khước cái phần còn lại của một di sản xưa kia vốn tráng lệ huy hoàng, đây có nghĩa là vài đoạn vô cùng quí báu của giáo lý Cao Ðẳng Thần Học. Vì mất hết phần giải thích cao siêu nên với một sự cố gắng tuyệt vọng, nó phải đưa ra một lối giải thích thấp thỏi dưới hình thức dễ hiểu, nhưng việc nầy bất thành. Những nhà học giả Thông Thiên Học hoạch đắc được những sự hiểu biết giúp họ giải thích được tất cả những giáo lý lạ lùng ấy và gặp một ý nghĩa và những điều tốt đẹp trong lời nói thật thà của các nhà thuyết giáo ở ngoài lộ thiên. Họ hiểu được những điều mà những nhà thuyết giáo ấy diễn tả, nếu mà các vị ấy ít dốt về đề tài trong buổi diễn giảng.

Như thế, chúng ta nên ham muốn những điều gì ở mãi trong lòng chúng ta, chúng ta không tìm gặp nó ở nơi khác đâu. Ở vào một thời đại thật xưa lắm, cái chân lý nầy đã được đem trình bày cho chúng ta ở bên xứ Ai Cập. Nơi đó, tất cả những tư tưởng về Ðạo giáo đều lấy "ánh sáng ẩn tàng" và "công tác ẩn tàng" mà làm trung tâm điểm. "Ánh sáng ẩn tàng" là Ánh Sáng ở trong tâm mỗi người, "công tác ẩn tàng" giúp cho con người trước tiên phát hiện ánh sáng ấy ở nội tâm mình, và kế đó tiếp tục khai triển ánh sáng ấy ở nơi kẻ khác [14]. Ðiểm chính của giáo lý Ai Cập là thế nầy: Ánh sáng vẫn có luôn luôn, mặc dù nó bị tất cả những gì ở bên ngoài che khuất nó; công việc của chúng ta vốn là vén bức màn che khuất ấy và để cho Ánh Sáng chiếu rọi ra ngoài.

 Thường thường thì người ta hay lầm lạc là đi tìm ánh sáng ấy ở nơi khác. Người ta nói: "Chúng tôi cầu mong các Ðấng Chơn Sư giúp đỡ chúng tôi; chúng tôi cầu mong các Ðấng Chơn Sư nâng đỡ chúng tôi". Nhưng xin nói với tất cả tấm lòng tôn kính của tôi rằng không những Ðấng Chơn Sư mà cho đến Ðức Thượng Ðế cũng không thể làm việc đó được nữa. Ðức Chơn Sư có thể chỉ bảo cho chúng ta phương thế để tự đem mình lên cao. Sự tiến triển hoàn toàn giống như cách thức làm nẩy nở bắp thịt. Không ai có thể làm thế cho người khác; nhưng kẻ nào hoạch đắc được những điều hiểu biết cần thiết có thể chỉ dạy người khác cách thức phải làm chớ không có cách giúp đỡ nào khác ở ngoài. Một người kia có thể nói với chúng ta rằng khi thừa nhận vài qui tắc và vài phép luyện tập, y nghiệm thấy có kết quả tốt đẹp. Dĩ nhiên, Ðức Chơn Sư và vị Cao Ðồ có thể ban rải thần lực cho chúng ta, giúp cho phận sự chúng ta được dễ dàng, nhưng chỉ có thế thôi. Ở trình độ nào cũng vẫn có sự giúp đỡ như thế. Nếu chúng ta không cảm thấy trong tâm cái năng lực ứng đáp với sự mỹ lệ và sự vinh quang của thiên nhiên thì sự mỹ lệ và sự vinh quang ấy đi ngang qua một bên ta mà ta không hay biết. Nếu chúng ta không thể thấy Ðức Thượng Ðế ở trong tâm chúng ta thì đi tìm Ngài ở nơi khác thật là vô ích. Khi nào chúng ta nhận thức được chắc chắn rằng chúng ta là phần tử của Ðức Thượng Ðế, thì Ðức Thượng Ðế ở nội tâm sẽ ứng đáp với Ðức Thượng Ðế ở ngoại giới và chúng ta sẽ bắt đầu trở nên hữu ích thật sự cho công nghiệp của Ngài, tóm lại, đó là mục đích chính của đời sống của chúng ta vậy.

10. - Chỉ nên ham muốn cái chi ở ngoài con.

Nó ở ngoài con bởi vì khi con đến được tới nó thì con đã mất bản ngã của con rồi.

 C. W. L. - Ðây cũng là một câu cách ngôn còn di tồn lại trong giáo lý Cơ Ðốc Giáo. Chính Ðấng Christ đã nói rằng: "Ai cứu mạng sống của mình thì phải mất nó". Lời nói nầy áp dụng nhiều bận cho những trình độ khác nhau. Hãy xem người Thế gian trong đời sống bình thường của họ, cái đời sống phần lớn làm bằng những tình cảm, đôi khi những tình cảm lại không được cao đẹp nữa. Vừa khi bắt đầu nhận thức được phương diện cao siêu thì biết rằng có những sự lợi ích cao cả và cao quí hơn, nhưng y cũng biết rằng trừ phi vứt bỏ đời sống thấp hèn và thô tục nhất nầy thì y không thể nào thật sự tiến tới đời sống cao siêu được. Y buộc mình phải bỏ một đời sống thấp thỏi đặng đạt lấy đời sống cao siêu. Chỉ còn bước thêm một bước nữa thì con người sống trước hết là trong Thể Trí. Y biết rằng để cho làn sóng dục vọng lôi cuốn thì thật là hèn hạ; Thể Trí có phận sự chọn lựa và chế ngự tình cảm và chỉ lưu lại những tình cảm nào nó ưng nhận mà thôi, làm như sự tiến hóa của nó bắt buộc phải thế. Chẳng bao lâu có một sự tiến bộ mới: con người không còn vừa lòng Thể Trí nữa, y nhận thấy có một đời sống cao cả hơn đời sống của Thể Trí. Vì vậy, y bắt đầu sống dần dần trong Chơn Nhơn và lấy quan điểm của Chơn Nhơn mà xem xét vạn vật. Ấy là một mức tiến bộ thật lớn lao. Nhưng vậy cũng chưa đủ, y tìm thấy ngoài trình độ nầy còn có sự hợp nhất nữa. Như thế y đạt được một vài kinh nghiệm ở cõi Bồ Ðề và khi y vừa đụng tới cõi đó thì những gì ở mấy cõi thấp không còn làm cho y đẹp ý nữa.

 Cái Tâm Thức Bồ Ðề phi thường nầy, tới phiên nó, cũng sẽ bị vượt qua khỏi. Trên kia là cái Tâm Thức của cõi Thiêng Liêng, cõi Niết Bàn, và kế đó, cao hơn nữa và xa hơn nữa, ấy là Chơn Thần. Những vị nào chưa đắc quả vị Chơn Tiên, thấy Chơn Thần biểu hiện như Tam nguyên trên cõi Niết Bàn, kế cõi Ðại Niết Bàn của nó, nhưng mà khi y đắc quả vị Siêu Phàm thì Chơn Thần và Chơn Nhơn nhập lại làm một và chỉ có Tâm Thức chung là Tâm Thức Chơn Thần - Ðiểm Linh Quang của Ðức Thượng Ðế mà thôi.

 Ở mỗi giai đoạn trong những trình độ nầy, chúng ta cảm thấy mình nắm trong tay sự tự do, chúng ta bắt đầu sống thật sự và kế đó chúng ta lại thấy còn có một trình độ cao siêu hơn, cao hơn cả trình độ hiện hữu của chúng ta cũng như trình độ hiện hữu của chúng ta cao hơn trình độ trước đó. Trong khi tiến lên cao, chúng ta không ngớt vứt bỏ đời sống thấp thỏi trước khi đạt được đời sống cao siêu. Nói một cách khác, chúng ta phải mất đời sống mà chúng ta biết, trước khi tiến đến đời sống cao siêu mà chúng ta mong mỏi đạt cho được. Ở mỗi trình độ và khi đi đến trình độ đó, chúng ta thấy rằng mình đã mất cái bản ngã quen thuộc với mình từ đó đến giờ, bởi vì chúng ta đã qua khỏi trình độ đó rồi. Chúng ta mất nó khi mà chúng ta có một cái bản ngã cao cả hơn.

Trong những Thánh Thư viết rằng chúng ta sẽ hợp nhất với Ðức Thượng Ðế và nhập vào lòng của Ngài. Chúng tôi không rõ kết quả cuối cùng sẽ ra sao, ít ra cũng có đôi người trong chúng ta có thể quả quyết rằng theo kinh nghiệm riêng của họ thì trong sự tiến triển của Linh Hồn có nhiều lúc nhập vào như thế đã xảy ra trong những trình độ khác nhau. Ở mỗi trường hợp như vậy, dường như chúng ta trở thành làm một với điểm cao nhất mà chúng ta có thể đạt tới, tuy nhiên chúng ta không hề mất cái bản ngã thiệt thọ của mình. Thí dụ khi đạt được Tâm Thức Bồ Ðề và khi mất Nhân Thể (Thượng Trí), chúng ta mất đời sống thấp thỏi, nhưng mà đời sống nầy luôn luôn chỉ là một biểu hiện bất toàn của một phần tử nhỏ nhặt của chính mình chúng ta. Tất cả những thắng lợi là một chuỗi dài kiếp sống đem đến cho chúng ta vẫn còn hiện diện. Chúng ta chỉ cởi bỏ cái hình thể bên ngoài dùng để biểu thị những đức tánh khác nhau của chúng ta. Trên một cõi cao, luôn luôn chúng ta có những đức tánh chói ngời rực rỡ hơn trước, nhưng hình thể xưa kia của chúng nó đã mất rồi. Cũng vì cố gắng đồng hóa với đời sống và hình thể, lắm người tưởng rằng nếu họ mất hình thể thì họ không còn cái chi hết. Trái lại, không có cái gì đã thâu hoạch được mà lại mất đi bao giờ.

11.- Chỉ nên ham muốn cái thứ gì không thể đạt được.

 Nó không thể đạt được bởi vì nó cứ lùi xa mãi. Con sẽ bước vào trong ánh sáng, nhưng con không bao giờ chạm đến Ngọn Lửa Thiêng.

C. W. L. - Ðây không có nghĩa là ở đời sống cao siêu, mục đích của chúng ta, không thể đạt được, nhưng mà ngoài tất cả những đỉnh đã chiếm, chúng ta thấy luôn luôn có một đỉnh khác hiện ra trước mặt. Chúng ta sẽ không ngớt đến gần Ðức Thượng Ðế, và lần lượt, ở mỗi trình độ, chúng ta sẽ hợp nhất với Ngài, nhưng Ngọn Lửa, cái Tâm Thức thật của Ngài, chúng ta không bao giờ đụng tới được. Con đường của chúng ta đi gồm có nhiều giai đoạn mà càng ngày càng tiến lên cao thì cái vẻ đẹp của nó không thể diễn tả nổi. Mặc dù cao độ mà Tâm Thức của chúng ta lên tới làbao nhiêu, mặc dù những sự vinh quang không thể tả mà chúng ta đạt được là thế nào, luôn luôn chúng ta thấy trên kia còn có những sự vinh quang cao cả hơn nữa. Ngọn lửa không ngớt lùi ra xa mãi. Những điều hiểu biết của chúng ta càng giúp cho chúng ta tin tưởng rằng sự vinh quang và sự mỹ lệ nầy càng ngày càng tăng trưởng, càng kéo dài ra vô tận. Ở đây những thuyết lý gần như vô ích. Cũng như xưa kia, Ðức Phật đã nói: "Bàn đến lúc khởi thủy và lúc tận cùng không ích gì cả, bởi vì bức màn nầy hạ xuống rồi thì bức màn khác hiện ra, luôn luôn phải có những bức màn, màn nầy rồi đến màn kia, xa xăm vô tận".

 Tôi muốn truyền sang cho mỗi người cái cảm tưởng sâu xa và mãnh liệt mà tôi đã nhận thức là những bước tiến bộ vị lai của chúng ta hoàn toàn xác thực, cũng xác thực như sự vinh quang, sự mỹ lệ, quyền năng, sự minh triết, và tình thương kỳ diệu phát triển theo sự tiến bộ ấy, đó là cứ mỗi bước đi, con Ðường Ðạo lại mỗi lên cao và càng ngày càng khó miêu tả bằng ngôn ngữ của thế gian, nhưng mà ở trên nhìn xuống thì thấy ánh vinh quang, sự mỹ lệ chân lý chói lòa. Con đường của chúng ta đi xuyên qua lòng vị tha, muốn cho con đường ấy mở rộng trước mặt chúng ta thì chúng ta phải lìa bỏ cái bản ngã thấp hèn, bước vào đời sống ở trên cảnh giới cao siêu, ở trong cái Bản Ngã bao la bát ngát, ở trong cái Bản Ngã đại đồng. Rồi đối với con người, sự vinh quang và sự huy hoàng mà y có thể đạt được trở thành vô tận vô biên.

  -----*****-----

CHƯƠNG THỨ BẢY

 -----*****-----

 Qui tắc 13 - 16

 13. - Hãy ham muốn quyền năng một cách hăng hái.

C. W. L. - Câu cách ngôn nầy do Ðức Ðế Quân thích nghĩa như vầy:

 Và quyền năng nầy mà vị Ðệ Tử ham muốn là quyền năng làm cho nó không có giá trị gì hết trước mắt thế nhân.

Cái quyền năng làm cho chúng ta không cógiá trị gì hết trước mắt thế nhân là cái năng lực dẹp bỏ cá nhân của chúng ta qua một bên trong khi làm việc và hoàn thành công việc ấy mà không hề khoe khoang công lao của mình. Nhiều người cố ở cho được hàng đầu. Người ta thường xem điều đó cũng như một thứ khoe khoang vô hại, tuy nhiên ấy là một dấu hiệu chứng tỏ họ chưa quên được bản ngã thấp hèn. Vị Ðệ Tử không công nhận lấy công lao của mình trong một hành động nào. Mục đích của y là làm việc và miễn là y thành công thì dù cho người ta có kể công cho y hay là cho người khác; điều đó đối với y cũng không có gì quan trọng. Nếu y phải xung phong đi trước và tạo thành một trung tâm điểm thì y làm ngay điều đó nhưng mà không hề có ý nghĩ lấy đó làm kiêu, vì y biết rằng nếu có thể thì tốt hơn là luôn luôn ở phía sau, không ra mặt.

 Luôn luôn rất có ích lợi khi mà chúng ta không kể đến những kết quả, tận dụng khả năng mình và quên mình đi. Tất cả giáo lý Huyền Bí đều qui về một điểm căn bản duy nhất nầy là"Huynh hãy quên cái bản ngã thấp hèn ấy đi và bắt tay vào việc". Nhiều người cứ nghĩ mãi đến sự tiến bộ của họ. Dĩ nhiên, nghĩ đến sự tiến hóa tinh thần còn tốt hơn là mong cầu được giàu sang phú quí, nhưng đó cũng còn là tánh ích kỷ, mặc dù dưới một hình thức tinh vi hơn. Căn cứ vào kinh nghiệm riêng của tôi, tôi xin nói rằng phương pháp tiến bộ chắc chắn hơn hết là hoàn toàn quên sự tiến hóa của chúng ta và hiến mình cho công nghiệp của Ðức Sư Phụ. Rồi cái gì còn lại sẽ đến sau. Ðó là cái chân lý ngàn xưa, được kinh Phúc Aâm xác nhận: "Trước nhất, hãy lo tìm kiếm nước của Ðức Chúa Trời và sự công bằng của Ngài, thì tất cả mọi điều khác sẽ được ban thêm cho ngươi". Ðó chính là chân lý, tất cả cái gì còn lại sẽ đến sau; khi chúng ta không lo nghĩ đến sự tiến bộ của mình thì thình lình chúng ta nhận thấy mình đã tiến bộ và điều đó cũng tốt vậy.

Khi mà lần đầu tiên, con người biết được thật sự thế nào là đời sống trong Thượng Trí thì y cũng biết rằng, ở vào trình độ nầy, y có thể trở nên hữu ích tới bực nào cho tất cả các đường lối hoạt động của y, dĩ nhiên, y tự hỏi rằng: "Phải chăng điều hay hơn hết la øtôi lãnh phận sự mới và vẻ vang đưa đến cho tôi". Luôn luôn tôi có thói quen thỉnh nguyện ý kiến hay là ý muốn của Sư Phụ tôi mỗi khi tôi thấy có những cơ hội đặc biệt hiện đến, mà tôi không chắc rằng tôi nên từ chối hay không? Tôi nói: "Thưa Sư Phụ, Sư Phụ muốn con phải làm gì?". Thường thường thì Ngài đáp: "Ðiều đó do con quyết định".Như vậy thì còn trông cậy vào sự phân biện riêng của chúng ta mà thôi. Không có qui tắc nào dành cho những trường hợp đó. Tôi sẵn sàng lãnh thử phận sự cao cả hơn hết. Nhưng mà chúng ta đừng quên lời khuyến cáo thường nhắc nhở chúng ta là: "Ðừng để cái ý muốn tự phát triển làm hư hại bất cứ công việc hữu ích nào đưa đến cho con và vừa sức con. Sự phát triển của con sẽ theo với thời gian mà đến". Luôn luôn tôi theo quyết định ấy và tôi tưởng như vậy là khôn ngoan hơn hết.

Nhờ công việc làm trong tinh thần vong kỷ mà chúng ta đạt được quyền năng làm cho chúng ta như không có giá trị gì hết dưới mắt thế nhân. Nếu phải chịu nhục nhã thì cứ chịu đi. Nó liệt Phàm Nhơn xuống địa vi phụ thuộc và đó là điều cần thiết nhất. Nếu những cơ hội đến thì chúng ta hãy chụp lấy, nhưng luôn luôn hãy tự nhủ rằng: "Ấy là công nghiệp của Ðức Chơn Sư, chứ không phải của tôi đâu". Dù người phụng sự Ðức Chơn Sư hay là một người nào khác được cái đặc ân làm một công tác đặc biệt cho Ngài thì điều đó cũng không có gì quan trọng. Nhiệm vụ của chúng ta là phải sẵn sàng đặng đừng bỏ lỡ cơ hội gánh lấy một phần nào công nghiệp của Ngài.

Nên biết rõ rằng trong công nghiệp của Ngài không có gì nhỏ cũng không có gì lớn, nhưng mà tất cả mọi công tác, dù là tầm thường, mà được hoàn tất và hiến dâng cho Ðức Chơn Sư thì dưới mắt Ngài nó cũng quan trọng bằng một công tác nào khác mà người thế gian cho là phi thường hơn. Chúng ta thích chọn điều gì mà chúng ta cho là công tác quan trọng hơn hết, bởi vì chúng ta không nhìn thấy rằng tất cả những thành phần của công tác đều cần thiết. Hãy cố gắng, trong chốc lát, tưởng tượng đến cách mà Ðức Chơn Sư xem xét tất cả những điều đó từ trên đỉnh núi cao tuyệt vời, đối với chúng ta đỉnh nầy tiêu biểu cho Quyền Lực và Tri Thức rộng lớn của Ngài. Tất cả những chi tiết của công tác nầy, đối với Ngài dường như bé nhỏ, nhưng mà mỗi chi tiết đều có vị trí trong toàn thể.

Tất cả những vấn đề của đời sống, quá phức tạp bên ngoài, không thể hiểu nổi ở thế gian nầy, thì trở thành giản dị đối với một người đứng từ trên cảnh giới cao quan sát nó. Ðối với những cảnh giới không mấy cao lắm, sự kiện cũng như thế. Hãy quan sát những vật nhỏ li ti ở trong một giọt nước, huynh sẽ tìm thấy những hình thức của sự sống vừa đẹp đẽ, vừa phức tạp. Càng đi sâu vào những lãnh vực cực kỳ bé nhỏ thì người ta càng nhận thấy sự phức tạp lạ lùng của nó. Người ta tự hỏi làm thế nào những thế giới ấy lại có thể xem là giản dị được, dù đối với Ðức Thượng Ðế, tuy vậy mà đúng, vì chỉ cần lên ở những quan điểm cao nhất mà chúng ta đã đạt được để nhận thấy rằng những kết quả kỳ diệu nầy sinh ra bởi những sự biến đổi và sự phối hợp của bảy luồng sinh lức của Sự Sống duy nhất. Những yếu tố của sự sinh sản thì đơn giản và nhiều nhất; cho nên càng lên cao, con người càng thấu rõ hơn và điều gì dường như không làm được ở thế gian thì ở mấy cõi cao người ta thực hiện nó dễ dàng.

 Tôi tưởng chúng ta được phép kính cẩn nghĩ rằng Ðức Thượng Ðế có thể giữ trọn hệ thống của Ngài trong Trí Ngài và đồng thời Ngài cũng thấy dễ dàng những sự việc xảy ra, với những chi tiết nhỏ nhặt. Toàn thể hệ thống với những sự sinh sôi nẩy nở đều được nhận thức một cách chớp nhoáng cũng như chúng nó phơi bày trên mặt giấy. Ðối với Ðức Bàn Cổ và Ðức Bồ Tát thì công việc nắn đúc hình thể và điều khiển những giống dân rất minh bạch và đích xác, nhưng mà công việc ấy, đối với chúng ta, thì quá phức tạp và hỗn độn.

Chúng ta có bổn phận phụng sự Ðức Chơn Sư trong phạm vi nhỏ bé của chúng ta. Những chi tiết thuộc về phần của chúng ta chớ không phải của Ngài. Ðiều mà Ngài muốn là toàn thể công việc phải được thành tựu. Tất cả những điều chúng ta có thể làm là để góp phần vào đó, tiêu biểu cho sự tham gia của chúng ta. Những người gần gũi Ngài bằng tư tưởng và nhờ sự liên lạc nầy mà họ có cách xét đoán phù hợp với sự thấy của Ngài một phần nào; luôn luôn họ tỏ ra sốt sắng làm việc, dù là công việc tầm thường hơn hết khi mà họ xét ra nó vốn hữu ích. Thí dụ, chúng ta có thể viết vài hàng chữ nó sẽ thay đổi cuộc diện của một đời người. Chúng ta có thể nói chuyện như những nhà diễn thuyết, chúng ta cố gắng sửa đổi tư tưởng của hàng trăm thính giả nhưng mà việc đó bất thành. Tờ thơ nhỏ của chúng ta tiêu biểu cho một công việc cũng hết sức thực tế. Vài người trong chúng ta có thể bận rộn đến đỗi không làm gì được cho riêng mình. Trong trường hợp nầy, dĩ nhiên họ kiếm được nhiều lợi tức và có lẽ có thể giúp vốn cho người khác hoàn thành công tác cần thiết. Có nhiều cách nhỏ nhặt làm việc vừa sức mỗi người. Ðừng chờ đợi một cơ hội lớn lao vô ích, bằng cách tự nhủ rằng: khi cơ hội đến thì chúng ta sẵn sàng chụp lấy. Chúng ta có nhiều may mắn để sẵn sàng nắm lấy cơ hội, nếu chúng ta có thói quen luôn luôn làm những công việc nhỏ nhặt mà hiện giờ chúng ta có thể làm được.

 Một người làm việc mà không hề nghĩ đến quyền lợi riêng của mình chút nào và luôn luôn sẵn sàng đặt mình vào địa vị thấp thỏi, đứng sau kẻ khác, thì ngoài xã hội không ai biết đến y, đó là lẽ tất nhiên. Người ta biết và người ta ngưỡng mộ một kẻ nào có một ý chí hùng mạnh, tạo tên tuổi cho mình và xung phong đi trước. Nói về phương diện Thế gian thì y đã thành công. Y tỏ ra có nghị lực. Nhà Huyền Bí Học có thể có nhiều nghị lực hơn nữa, nhưng không biểu lộ bằng cách đó. Thường thường thì y kiếm thế ẩn mình không cho ai biết. Y biết rằng một trong những đức tánh chính phải có là hiểu được lúc nào nên lánh xa, lúc nào phải để cho quyền lực thiêng liêng hành động mà không kềm hãm và cũng không ngăn trở sự lưu hành của nó. Bề ngoài xem thì không có gì giản dị hơn, tuy nhiên bởi có hàng trăm người làm việc không đủ khả năng thực hành như vậy được thì bao nhiêu đó cũng đủ chứng tỏ rằng thực sự đó là một công việc cực kỳ khó khăn.

Ở Thế gian, một người đã có sẵn ý nghĩ rằng nhà Huyền Bí Học là một người không có ý chí mạnh mẽ, luôn luôn sẵn sàng nhượng bộ. Ðối với những chi tiết nhỏ nhặt của đời sống thì điều đó đúng vậy. Nhà Huyền Bí Học để cho kẻ khác làm những việc không mấy cần thiết theo ý họ và cũng để cho họ điều khiển mình tới một mức nào đó, nhưng mà trong những vấn đề nguyên tắc thì rất cứng cỏi, không nhượng bộ. Y thờ ơ, lãnh đạm với dư luận. Những người nói chuyện thiên hạ hay bịa đặt những điều nhảm nhí, những giả thuyết thì trong mười lần họ đã lầm lạc hết chín lần rồi. Cái điều họ nghĩ về chúng ta có làm gì được chúng ta đâu. Theo lời Ông Tennyson nói: "Hãy để cho họ nói điên nói khùng". Lẽ tất nhiên, tôi không muốn nói rằng chúng ta không cần biết tới tất cả những tập quán xã hội. Ban đầu vài Hội viên chúng ta xét rằng tốt hơn là làm khác hơn người thường cho nên không chịu mặc y phục buổi chiều như thiên hạ, v.v... Xâm phạm đến tập quán như thế là vô ích. Hơn nữa hình như nếu chúng ta muốn cho người khác thừa nhận những tín ngưỡng của mình thì chúng ta cần tránh, đừng xúc phạm đến ai một cách vô ích. Sự chống đối mãnh liệt những tư tưởng của kẻ khác, không phải là một chính sách khôn khéo. Nếu là một điểm không đề cập đến một nguyên tắc nào cả thì chúng ta nên nhân nhượng, bởi vì công kích ngay những tập tục thì là làm một chuyện phi lý.

 Còn điều gì thuộc về nguyên tắc thì luôn luôn phải kháng cự lại. Thí dụ, ăn chay trường, đối với chúng ta là một nguyên tắc, bởi vì chúng ta xem sự ăn chay như là có ích lợi nhất cho tất cả mọi phương diện, chẳng những đối với chúng ta mà đối với ai cũng vậy. Có hơi bất tiện là khi chúng ta dùng bữa không phải ở tại nhà mình hoặc giả khi đi du lịch, nhưng mà chúng ta nhận chịu những điều bất tiện nhỏ nhặt nầy và giữ vững quan niệm của chúng ta. Nhưng mà đối với vô số việc khác, thật sự không quan trọng thì cách giản tiện là ăn ở theo phong tục tập quán của thời đại chúng ta. Xin lấy một thí dụ khác về y phục. Y phục của người tân thời thường xấu xí, bất tiện, không đẹp mắt và trái với vệ sinh, nhưng vẫn cứ thừa nhận nó đi là điều giản tiện nhất. Nếu chúng ta không bằng lòng ăn mặc cách đó thì dù cho y phục của chúng ta có tính cách hợp lý, đẹp và vừa vặn thế mấy đi nữa, nó cũng làm cho thiên hạ chú ý đến chúng ta một cách khó chịu, và hơn nữa, chúng ta cũng bị xem như là những người điên khùng, không nhiều thì ít. Mấy điều đó không cần phải quan tâm đến. Tốt hơn là tránh đi đừng ra mặt chống đối những trường hợp ít quan trọng. Nhưng mà khi có gì liên hệ đến một nguyên tắc thì chúng ta phải mạnh dạn bảo vệ cái điều mà chúng ta tin tưởng là tốt.

 Nếu chúng ta có được thái độ hoàn toàn vô tư lợi trong tất cả mọi việc thì đối với chúng ta đó là một sự giúp đỡ rất lớn lao. Ông Ruskin khi bàn về nghệ thuật có nói rằng nếu tính tự khen mình và tính khoe khoang là tầm thường không thể nói được thì tính khiêm tốn thái quá, dưới một hình thức khác, cũng thế đó. Phải kiếm cách tạo cho mình một tâm trạng giúp cho ta xem xét mọi công tác theo phương diện khách quan và nói rằng: "Công việc ấy được hoàn thành do tôi, do huynh, hay do một người nào khác, nó cũng vẫn tốt đẹp cả". Nếu gặp cơ hội, chúng ta phải tán dương một công tác nào đã được hoàn thành chớ không phải vì công tác ấy của mình hay của bạn thân mình hoặc giả công tác ấy mang tên tuổi của một vị danh nhân nào, chúng ta tán dương chỉ vì nó tốt lành chớ cá nhân của vị thực hành công tác ấy hoàn toàn để qua một bên. Tôi sợ rằng chúng ta không thể mãi mãi làm như vậy được. Khi chúng ta kể một đoạn sách luôn luôn không phải bởi vì lời văn đẹp đẽ của nó mà vì bởi chúng ta lấy của BàBlavatsky hay của Bà Tiến sĩ Besant. Tuy nhiên trong vài trường hợp, chúng ta vẫn hoàn toàn hữu lý. Khi một độc giả gặp một điểm nào đó đã được xác nhận mà y không hiểu và cũng không thể tự kiểm soát được thì điều quan trọng cho y là tìm biết xem tác giả là ai? Y có thể nói: "Bà Tiến sĩ Besant xác nhận điều nầy, tôi có nhiều lý lẽ hay ho để tin rằng bà biết rành về vấn đề ấy, cho nên tôi chấp nhận lời bà nói". Tóm lại, về phương diện khoa học, chúng ta cũng làm in như vậy. Trong lãnh vực nầy, có nhiều sự kiện không thể nào trưng ra đủ bằng chứng, nhưng mà có vài bậc nhân tài xuất chúng, sau khi nghiên cứu vấn đề, đã đi đến những kết luận nầy hoặc những kết luận khác thì chúng ta chấp nhận được những kết luận đó. Nhưng khi chúng ta thấy một câu đẹp đẽ có tính cách đạo đức thì không có vấn đề nó xuất xứ từ Thánh Kinh, Thánh Ca Gita, Kinh Koran hay Kinh Vệ Ðà; chúng ta nên chấp nhận, vì nó có giá trị riêng của nó. Như thế là vì câu văn tao nhã và tư tưởng thanh bai.

 Nếu chúng ta thừa nhận hay cố gắng thừa nhận những sự vật vì giá trị riêng của nó thì chúng ta cũng phải thử đánh giá công tác đặc biệt của chúng ta theo đúng chân giá trị của nó và đừng cho rằng bởi vì chúng ta là người thi hành công tác ấy cho nên dĩ nhiên nó phải được hoàn thiện. Phần nhiều những người đủ khả năng làm một việc hết sức giỏi giắn cũng hiểu biết những khuyết điểm của công tác mình. Nếu việc nào đã thành công thì chúng ta sẵn lòng nhìn nhận nó. Khi chúng ta thấy những sự sai lầm trong công tác riêng của ta hay ai khác thì đừng do dự mà nói rằng: "Ý kiến của tôi thì khác". Chuyện nầy hay chuyện kia cũng có thể làm tốt đẹp hơn nữa được. Nhưng tốt hơn là phải có một trạng thái tinh thần giúp chúng ta quên mất nguồn gốc của công tác ấy đi nếu nó tốt đẹp và loại ra cái gì xấu xa, dù cho chúng ta là người thi hành công tác ấy cũng vậy.

 Công việc nầy quả thật là khó khăn, bởi vì nếu con người hoàn toàn thành công thì là nhờ từ ở cõi Thượng Thiên, Chơn Nhơn đưa mắt nhìn xuống cõi Hạ Giới chúng ta, Hạ Trí cho một phần quyển năng nầy nhưng chỉ có một mình Thượng Trí mới có được năng lực nầy một cách đầy đủ. Hạ Trí có khả năng phân biệt và nếu chúng ta sử dụng Hạ Trí về phương diện cao siêu, không để tình ý riêng tư che mờ nó thì nó là một năng lực rất tốt đẹp khi mà sự phát triển của nó được trọn vẹn. Chúng ta cũng khá tự hào về sự mở mang trí tuệ của chúng ta trong Giống Dân phụ thứ Năm của Giống Dân chánh Thứ Năm là Giống Dân thủ một vai tuồng khá quan trọng về năng lực phân tích riêng biệt của Hạ Trí, nhưng mà cái người ta gọi là Trí Tuệ bây giờ đây thì không có gì là quan trọng khi so sánh nó với cái Trí Tuệ của cuộc Tuần Hoàn sau và tới chừng đó, Trí Tuệ đã thật sự là một quan năng chính yếu. Chúng ta kiêu hãnh vì những thành công do Hạ Trí đem lại và không phải là không có lý. Trong lãnh vực khoa học và phát minh, Hạ Trí đã tỏ ra kỳ diệu phi thường. Nhưng phải đủ khả năng nhìn về tương lai và cần phải thấy các Ðấng Chơn Sư, các Ngài là những bậc vĩ nhân của tương lai, hầu hiểu được chúng ta sẽ ra sao trong vài ngàn năm nữa [15](1). Tôi có thể chứng nhận rằng sự hoạt động cao siêu nhất của Trí Tuệ hiện thời là một trò chơi trẻ nít đối với sự hoạt động của Trí Tuệ một ngày kia. Chắc chắn, là một chân trời huy hoàng sẽ mở ra trước mặt chúng ta.

Cái mà người ta thường gọi là Cái Trí của họ là phần thấp hơn hết của Cái Trí. Trong Cái Trí có bốn khu vực làm ra do những chất khí thuộc về cảnh thứ bảy, cảnh thứ sáu, cảnh thứ năm và cảnh thứ tư của cõi Trí Tu? (cõi Hạ Thiên) nhưng mà họ chỉ sử dụng chất khí của cảnh thấp nhất là cảnh thứ bảy, nó rất gần với cõi Trung Giới. Bởi thế nên, tất cả tư tưởng của họ đều bị nhiễm màu sắc của những phản ảnh của cõi Trung Giới, nơi đây, những tư tưởng xen lẫn với những sự xúc động, những tình cảm và những dục vọng. Rất ít người có thể hoạt động trên cảnh thứ sáu. Lẽ tất nhiên, những nhà thông thái trứ danh của chúng ta sử dụng chất khí cảnh nầy, nhưng khổ thay, họ dùng chất khí thứ sáu lẫn với chất khí thứ bảy, vì vậy họ trở thành đố kỵ với những sáng chế và những sự phát minh của người khác. Khi lên tới cảnh thứ năm, họ rất ít bị vướng vít vào cõi Trung Giới. Lên tới cảnh thứ tư là cảnh cao hơn hết của cõi Trí Tuệ (cõi Hạ Thiên) thì họ ở ngay trung tâm của cõi Thượng Giới, sát một bên Thượng Trí. Từ đó, tư tưởng của họ không còn bị những làn rung động của chất Thanh Khí nhiễm nữa. Tất cả những điều trên đây đều có thể hiểu được. Một sự rung động, rất dễ truyền qua một vật thể khi mà nó và vật thể hòa điệu đúng bậc với nhau. Một người giận dữ thì kích động sự nộ cảm (émotion colère) trong Thể Vía của những người ở xung quanh, liền đó, tư tưởng thấp thỏi của họ bị như thế mà xáo trộn, chớ những tư tưởng cao siêu không hề bị nhiễm, nếu họ có những tư tưởng nầy - mà phần đông chưa có những tư tưởng cao siêu đâu. Có một trong những điều, mà chúng ta là sinh viên, thì phải cố gắng thực hiện, lúc chúng ta tư tưởng và tham thiền, là kích thích những phần cao siêu của Cái Trí và làm cho nó hoạt động. Những người tham thiền thường xuyên về Ðức Chơn Sư và những gì liên hệ đến Ngài thì sử dụng, trong một phạm vi nào đó, khu vực cao siêu nhất của Cái Trí, càng sử dụng thì tư tưởng của chúng ta càng ít chịu ảnh hưởng của sự ham muốn, những dục vọng và những sự xúc động. Phần đông con người chưa đến trình độ đó, vì thế, xét theo toàn thể thì những tư tưởng phát sinh trong cõi Thế gian nầy bị lòng ham muốn biến đổi màu sắc. Phần nhiều những hình tư tưởng mà chúng ta thấy thì chứa đầy chất Thanh Khí và chất Thượng Thanh Khí lẫn lộn với nhau.

 Con người chung sống gần gũi với nhau, do đó những người khác có thể cảm nhiễm chúng ta mà không cần nghĩ đến chúng ta. Ðành rằng chúng ta cũng ảnh hưởng tới họ vậy, nhưng chúng ta phải luôm luôn chú tâm và cố gắng làm sao cho ảnh hưởng của mình được tốt đẹp đối với họ. Nếu chúng ta chuyên chú làm cho mình trở thành một trung tâm hòa bình và tình thương tuyệt đối, thì chúng ta giúp ích rất nhiều cho hết thảy những người ở chung quanh chúng ta; nhưng khi mà chúng ta là những trung tâm của dục vọng và sự ích kỷ thì sự phát triển nào cũng bị chúng ta chận đứng cả, chẳng những đối với chính mình mà còn đối với tất cả những người gần bên ta và điều đó mới là trọng hệ. Mỗi người chí nguyện phải ghi vào lòng sự kiện nầy là nếu chúng ta nuông chiều sự ham muốn riêng của mình thì chúng ta làm ngăn trở sự tiến bộ của kẻ khác.

Khó mà đạt được cái năng lực quên mình trước khi chưa loại trừ tất cả những sự ham muốn riêng tư cá nhân. Chúng ta nói đến sự tận tâm với phận sự và với Chơn Sư; dĩ nhiên, ấy là điều tối thiểu mà chúng ta có thể làm cho Ngài. Nếu cần phải có một nỗ lực thật lớn lao thì chúng ta phải sẵn sàng làm việc cho các Ðấng Cao Cả nầy, vì lẽ các Ngài ban bố rất nhiều cho chúng ta và truyền lại cho chúng ta tất cả Giáo lý Thông Thiên Học. Không phải vì muốn làm vui lòng các Ngài mà chúng ta làm như vậy, mặc dù sự tiến bộ của những người mà các Ngài lo giúp đỡ chỉ có thể làm cho các Ngài hoan hỉ thôi, ấy cũng là lẽ thường. Nếu chúng ta muốn giúp đỡ sự tiến hóa, điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất là chúng ta phải tự mình cải thiện. Phải bắt buộc Bản Ngã thấp hèn phục tùng mệnh lệnh nầy là: đứng trước mặt thiên hạ, chúng ta không có giá trị gì cả. Thật vậy, ảnh hưởng của những thần lực phi thường vốn vô hình, chúng ta có thể cũng liên hợp với những thần lực ấy và trong tình trạng nầy chúng ta có vẻ là con người không có nghĩa lý gì cả dưới mắt thế nhân.

14. - Hãy ham muốn sự an tĩnh một cách nhiệt thành.

 Sự an tĩnh mà con ham muốn là sự an tĩnh thiêng liêng không có gì làm náo động được và trong đó Linh Hồn phát triển như đóa hoa thần nẩy nở trong đầm yên lặng.

C. W. L. - Câu cách ngôn ngắn ngủi nầy liên quan chặt chẽ với câu cách ngôn trước. Cái quyền năng mà lòng ham muốn đòi hỏi dẫn đến sự an tĩnh. Không có sự an tĩnh, nếu chúng ta không chế ngự được Bản Ngã. Phải tìm được sự an tĩnh trước khi có thể ban bố nó cho kẻ khác và cái năng lực ban cho người sự an tĩnh quả thật là một trong những quyền năng vĩ đại nhất và tốt đẹp nhất. Ðời sống của đa số con người chứa đầy những sự ưu tư, phiền não, đố kỵ và tham vọng. Trong người của họ, không ngớt sôi nổi chẳng những các mối xúc cảm mà luôn luôn những sự ham muốn chưa được thỏa thích nữa. Nhiều kẻ dốc lòng khảo cứu Huyền Bí Học nghĩa là cái thực tại làm căn bản cho kiếp sống cũng hy vọng có thể tiếp tục lối sống trên đây. Người ta cũng gặp những hạng người nầy trong số những người được xem là khảo cứu Huyền Bí Học đã lâu rồi và họ tìm cách đến gần Chơn Sư, màdường như họ chưa dứt bỏ được lòng ham muốn của họ. Họ không cố tâm gắng sức xua đuổi những xúc cảm càn dở và rối loạn của họ và rồi họ lại ngạc nhiên sao mình không tiến bộ và thấy kẻ khác vượt qua họ. Tại sao lại muốn cho mình tiến bước mà không liệng quách ra sau tất cả những điều xấu xa đó? Khi mà chúng ta chưa hoàn toàn thoát ra khỏi những sự rối loạn ấy thì mọi sự tiến bộ cao siêu chân chính, dĩ nhiên, chúng ta không thể nào có được đâu. Nếu chúng ta muốn giao tiếp với Chơn Sư, thì tâm trí chúng ta phải hoàn toàn an tĩnh.

 Người ta nói sự tranh đấu vốn cần thiết cho sự tiến bộ, dĩ nhiên, thật sự là trong cuộc tiến hóa của nó, Linh Hồn trải qua một giai đoạn dài đăng đẳng ở trong tình trạng tranh đấu và chiến đấu không ngừng. Nhìn về dĩ vãng, chúng ta nhận thấy sự tiến bộ trong một kiếp sống đầy dẫy sóng gió thì mau chóng hơn là trong những hoàn cảnh mà điều kiện thuận tiện hơn. Trong sự tu luyện tánh tình nầy, tất cả những điều đau khổ và tất cả những nỗi khó khăn mà con người gặp phải và những nghịch cảnh mà y chịu đựng, dĩ nhiên là đến dạy dỗ y một điều gì đó, ấy là những bài học phải học. Ở vào trình độ cao siêu của vị Ðệ Tử thì tình trạng tranh đấu nầy đã mất giá trị của nó. Sự phát triển của hàng Thượng Thừa bắt buộc phải có một sự an tĩnh hoàn toàn. Một Ðấng Chơn Sư đã viết: "Luật của sự sống còn thì thích ứng nhất với luật tiến hóa của thú vật; nhưng luật hy sinh là luật tiến hóa của con người". Nhiều kẻ nghĩ rằng khi họ thỏa mãn được lòng ham muốn dại dột của họ rồi thì được an tĩnh, nhưng mà kinh nghiệm chỉ cho họ biết rằng không phải như vậy đâu. Rồi thì, họ bắt đầu chịu khổ sở ưu phiền vì đã chiều theo những sự ham muốn và biết rằng đáng lẽ họ phải chế ngự chúng. Sự thỏa mãn lòng ham muốn không bao giờ đem lại cho con người một sự an tĩnh nào cả. Chỉ có cách duy nhất tìm được sự an tĩnh là tránh xa những điều ham muốn thấp hèn và phát triển trong tâm cái quyền năng nó làm cho chúng ta như không có giá trị gì hết dưới mắt thế nhân.

Ở đây có nói: "Ðóa hoa thần nẩy nở trong đầm yên lặng". Trên mặt nước yên lặng, hoa sen tạo được tất cả sự đẹp đẽ của nó. Nếu nó bị lay chuyển thì nó không thành công. Chỉ ở trong sự an tĩnh mà Linh Hồn có thể nẩy nở được. Những cơn bão tố của dục tình và lòng ham muốn giống như những trận giông phá hoại những đóa hoa ở dưới Thế gian nầy. Tất cả những sự phát triển cao siêu không khác gì những đóa hoa rất mảnh mai, những cơn bão tố của lòng dục vọng nổi lên làm cho nó tan tành và tiêu mất. Những người để thì giờ nổi nóng lên một cách dữ dội, những người không ngớt nghĩ ngợi lo lắng đủ thứ những vấn đề cá nhân vô lý, những người luôn luôn nghĩ đến tình cảm riêng tư của họ và đối xử với kẻ khác thì tỏ ra ganh ghét, đố kỵ, những kẻ đó không thế nào khai triển được những lá non, những vòi xoắn, đó là dấu hiệu của sự tiến bộ.

 Thường thường người ta có rất ít những khái niệm khoa học về sự tiến bộ huyền bí, về sự tiến bộ chân chính. Ðứng riêng một mình nó thì những phương pháp giáo dục chứng tỏ rằng con người không hiểu gì về khoa Huyền Bí cả. Chúng ta hãy tiến tới một giai đoạn tiến hóa tương ứng với trình độ của người dã man, hay là trình độ hơi cao hơn một chút mà chúng ta có thể coi như là hoạch đắc chắc chắn rồi vậy, nghĩa là chúng ta, dù ở trường hợp nào cũng khó mà tuột xuống thấp hơn nữa được. Nhưng mà sự tiến bộ sau nầy, nối tiếp với sự tiến bộ của cái phần giống thú là phần thấp thỏi và thuộc về tình cảm con người; nó tiêu biểu cho một sự phát triển vô cùng tinh tế và về nhiều phương diện khác nhau. Bản chất của một điểm làm cho một người đại trí thức và là nghệ sĩ khác biệt với một người hết sức thô lỗ, chưa mở mang chút nào, thật là hết sức tinh vi, và đòi hỏi những sự tiến bộ vững bền, chậm chạp và trịnh trọng. Ðó là những mầm non đem lại những hy vọng đẹp đẽ nhất, những mầm vừa chớm nở hoa và thật ra chưa phải là đúng mức trưởng thành như tới một ngày kia đâu. Cái cây yếu ớt nầy bị nghịch cảnh đầu tiên tiêu diệt không khác nào một trận cuồng phong thổi qua. Khoa giáo dục tân thời nặng nhọc và khó khăn làm cho các trẻ em kinh sợ và cũng hành hạ bọn chúng nữa. Hiệu quả của nó là phá hủy sự phát triển tốt đẹp của sự học vấn và sự tinh luyện mà những Linh Hồn đến trú ngụ trong những hình hài trẻ em nầy đã phải dùng một thời gian rất lâu, có lẽ trong hai chục hoặc ba chục kiếp mới đạt được. Bởi thế nên, những trẻ em nầy thủ đắc đặc tính của người dã man cổ sơ, chúng thường bị sợ hãi, sự thù hận và cái tánh ý gay gắt về sự bất công thường xuyên ám ảnh; từ đó mọi sự tiến triển huyền diệu làm cho một "giống dân phụ mới" khác biệt với một giống dân phụ cũ đã tiêu mất.

 Thiên hạ không ngờ rằng họ thường có dịp làm những chuyện phá hoại như thế. Luôn luôn tôi thấy những trẻ em nam nữ có nhiều hứa hẹn mà có lẽ cha mẹ là những người tầm thường thôi. Nếu được nâng đỡ và dìu dắt vào con đường tốt đẹp trong kiếp sống hiện tại, thì chúng sẽ thực hiện được những sự tiến bộ trông thấy rõ rệt, nhưng mà hoàn cảnh của chúng không thuận tiện chút nào cho sự tiến triển như thế. Những mầm non bị gãy đổ và bị chà đạp và những đứa trẻ nầy trải qua một đời sống như một người thường tục. Tôi có ghi chú nhiều trường hợp xảy ra luôn luôn như thế, có lẽ trọn mười lăm hay hai chục kiếp như vậy. Sự tiến bộ có thể thành tựu trong kiếp thứ nhứt mà mãi để cho kiếp thứ hai mươi mới làm xong. Dĩ nhiên, khi Chơn Nhơn sống một cách đúng đắn và yên tịnh hơn trong mỗi kiếp thì chung cuộc Nhân Quả phải cho y đầu thai vào một hoàn cảnh thuận tiện hơn và đồng thời có cơ hội tiến hóa, nhưng có thể xét đoán rằng sự phát triển như thế nầy có thể hoạch đắc hai mươi kiếp sớm hơn, miễn là hoàn cảnh được tốt đẹp một chút.

Tội nghiệp thay cho những kẻ bóp nghẹt ý chí yếu ớt nhất thời nầy. Theo ý tôi, không có tội nào lớn hơn tội làm ngã lòng những người ướm thử tiến tới. Ấy là một trong những trọng tội mà Ðấng Christ ám chỉ khi Ngài nói về sự phạm tội với Ðấng Thánh Linh không thể nào khoan dung được trong đời nầy hay trong đời sau. Danh từ "khoan dung" dùng sai nghĩa. Tiếng "bỏ rơi" hay "bỏ qua một bên" giải đúng nghĩa hơn, nghĩa của nó hết sức rõ rệt. Phạm tội với Ðấng Thánh Linh là sự đàn áp Chơn Thần trong con người. Nó sinh ra những nghiệp quả không sao thanh toán được gây trong thời kỳ phổ độ nầy hoặc trong kỳ gian của sự tiến hóa của địa cầu và có lẽ trong kỳ gian sắp tới nữa chỉ vì tội nầy thật là rất nặng nề.

 Nhiều người phạm tội nầy với chính mình họ và với con cái họ nữa. Họ không để cho phần cao siêu của họ có dịp nẩy nở. Trẻ em thường có linh năng thấy được những vị Ngũ Hành và những chuyện khác lạ lùng, kỳ diệu mà những người lớn tuổi không thấy được. Họ cũng rất có thể thấy những vật vô hình ấy nếu sự nhạy cảm của họ không bị tiêu diệt vì lối sống quay cuồng của họ. Về sau, đôi khi, họ bắt đầu khôi phục trở lại, nhưng một cách khó nhọc, chẳng những linh năng Thần Nhãn mà còn những năng khiếu thưởng thức tất cả những gì tốt đẹp và mỹ thuật, tất cả những màu sắc tinh vi của tình cảm và tri giác, mấy cái nầy là dấu hiệu của nền văn hóa và giáo dục chân chính.

 Những yếu tố của sự tiến bộ cao siêu đều hết sức tinh vi và quân bình đúng mức cho đến đỗi sự điều khiển sai lầm một chút xíu cũng đủ làm tê liệt chúng trong nhiều tuần lễ hay nhiều tháng. Kết quả của nhiều tháng có thể bị hủy diệt chỉ trong một ngày thôi. Do đó, hoàn cảnh là quan trọng. Bởi chưng người ta không chắc rằng gặp lại tình trạng cũ cho nên nhà Huyền Bí Học cố gắng luôn luôn lợi dụng những điều kiện hiện hữu, mặc dù điều kiện đó là thế nào và giữ sao cho mình khỏi bị một điều kiện nào ngăn trở. Một trong những Kinh Pouranas có viết:

 Không Thể Xác thì không một ai có thể đạt đến mục đích của Linh Hồn; vì thế phải bảo trọng Thể Xác cũng như một kho tàng và thi ân bố đức cho người. Một thôn xã, một cánh đồng, một gia tài, một mái nhà cũng như nghiệp quả tốt và xấu có thể gặp lại được nhưng không bao giờ gặp lại thể xác nầy đâu.

Người ta nghe nói như vầy: "Tôi không thể làm gì lớn lao được trong kiếp nầy; tôi sẽ xem những điều nào mà tôi có thể làm được trong kiếp tới. Giữ mãi trong trí mình cái ý niệm về kiếp vị lai của chúng ta và những điều mà chúng ta có thể hoàn thành là một việc tốt, nhưng mà quá tin tưởng đến điều nầy thì là không thận trọng, bởi vì Quả Tích Trữ chắc chắn là có nhiều, tốt xấu lẫn lộn nhau, đôi khi nó ào tới phủ vây chúng ta như một lượn sóng, Có những lúc, quả báo có thể ban cho chúng ta một hoàn cảnh thuận tiện nhưng mà không phải vì đó trong kiếp sau những cơ hội đến với chúng ta cũng sẽ được thuận tiện như vầy đâu. Tóm lại, có thể Nhân Quả của chúng ta sẽ theo lẽ vận hành thông thường. Mặt khác, có thể có một khối quả báo xấu mà các Ðấng Nam Tào Bắc Ðẩu cầm cân tội phước xét ra còn quá nặng đối với người tạo ra nó và khối quả báo ấy, các Ngài có thể cho y trả dần trong kiếp tới với những điều kiện ít thuận tiện hơn.

 Không gì khôn ngoan hơn là ngay trong kiếp hiện tại, nắm lấy tất cả cơ hội có thể có; như vậy, chứng tỏ cho các Ðấng Nam Tào Bắc Ðẩu thấy rằng chúng ta biết lợi dụng những cơ hội ấy; điều đó có ảnh hưởng rất lớn đối với Nhân Quả kiếp vị lai của chúng ta, bởi vì đó cũng là quyền hưởng được những hoàn cảnh thuận tiện. Những cơ hội hiện hữu thật nhiều lắm, nhưng mà kết luận rằng chúng ta sẽ gặp lại những cơ hội ấy trong kiếp tới thì là bất cẩn. Có lẽ có mà cũng có lẽ không: Tôi không thích người ta nói như thế nầy:"Tôi già rồi không làm gì được trong kiếp nầy". Nếu chúng ta lợi dụng điều chúng ta có đây và nếu chúng ta tiến bộ càng ngày càng xa thì chúng ta tạo nên một tình trạng làm cho các Ðấng Nam Tào Bắc Ðẩu khó mà từ chối ban cho chúng ta những cơ hội mới. Khi theo đường lối đặc biệt nào đó, chúng ta có thể gây ra nghiệp quả giúp chúng ta chiếm được cõi Thiên Ðường. Chúng ta có thể bắt buộc các Ngài thanh toán quả báo của chúng ta cách nào đặng cho chúng ta có một vài cơ hội mong muốn; những nguyên nhân mà chúng ta phát động không khai triển được những hiệu quả của chúng nó; nếu chiều hướng tổng quát của chúng ta bị thay đổi. Tất nhiên, tốt hơn là triệt để lợi dụng nhưng cơ hội đưa đến và e rằng bỏ qua cơ hội ấy, chúng ta gây ra một cơ hội khác biệt nhiều ngàn năm trong sự tiến hóa của chúng ta.

Vài ngàn năm đối với đời sống vĩnh cửu của Linh Hồn thì không có nghĩa lý gì hết, nhưng mà chúng ta không muốn làm mất thì giờ của chúng ta như thế. Thí dụ, chúng ta thấy trong quyển Những kiếp sống của Alcyone, trường hợp một thanh niên sống gần bên một trong những vị Ðại Sư tại một Thánh Ðiện Ai Cập, y có nhiều điều kiện thuận lợi đặc biệt.

 Y phạm một điều khờ khạo là làm mất thì giờ, bỏ lỡ cơ hội và để cho cơ hội ấy qua đi. Sư Phụ của y bèn nói với y rằng: Ngài luôn luôn sẵn sàng thu nhận y trở lại. Dĩ nhiên trong kiếp nầy y gặp lại Ðức Thầy. Như thế, sự thờ ơ đã khiến cho y làm mất thì giờ.Huynh hãy nghĩ xem trong 6.000 năm nầy y có thể làm biết bao nhiêu công việc, nếu trước đó y chấp nhận lời đề nghị đã đưa ra. Vào thời kỳ ấy, vị Ðại Sư mà chúng ta nói đây chưa đắc quả Chơn Tiên, dĩ nhiên, nếu y chấp nhận điều kiện làm Ðệ Tử thì chính y hiện giờ cũng không cách xa lắm quả vị Siêu Phàm. Một quyết định tương tự 6.000 năm sớm hơn hay là 6.000 muộn hơn không thể giống nhau được. Một người có sự quyết định liền theo Thầy sẽ có công đức về những năm hoạt động trong khoảng 6.000 năm ở trên những cảnh giới cao nhất thì làm sao nói rằng không có sự khác biệt nhau?

Tôi không biết cái điều mà chúng ta gọi là thời gian đối với Thiên Ðình có một ảnh hưởng ra sao. Có một quan điểm mà con người có thể đạt tới là quá khứ, hiện tại và vị lai biểu lộ ra như là hiện tại trường tồn. Tuy nhiên, chính trong hiện tại trường tồn nầy, có những việc dễ đạt hơn và những việc khác thì khó thâu thập được. Vì vậy, nắm lấy một cơ hội hay bỏ qua một cơ hội, không phải là không có hậu quả, mặc dù có cách bổ khuyết trong tương lai một lỗi lầm như thế. Sự hối tiếc đã phạm lỗi trở thành một sức mạnh thúc đẩy con người phải tăng gia gấp bội sự nỗ lực hầu đền bù thời giờ đã mất. Một lý luận tầm thường, một sự cố gắng tưởng tượng tầm thường để hình dung một quá trình tiến hóa ư? Tuy vậy mà chúng ta không thiếu gì những lý lẽ để tin rằng một ngày kia có thể sửa đổi quá khứ được. Trên những cảnh giới cao siêu, vấn đề được xem xét như sau đây, chúng ta nói rằng bản tánh của quá khứ là thế nầy hay thế nọ mà chúng ta không sao thay đổi được. Nó là như thế khi chúng ta có mặt tại nơi ấy, nhưng mà, chúng ta không rõ được ngày hôm nay nó trở nên như thế nào [16] vì chúng ta hiện giờ ở quá xa điểm đó. Cái quá khứ nầy vẫn còn mãi mãi. Ðối với một người khác, ở một nơi khác, thì nó vốn là hiện tại. Quan niệm nầy khó màhiểu rõ được. Ở Cõi Trần, chúng ta biết rằng mình thấy một vật; ánh sáng từ vật ấy rọi ra làm cho chúng ta biết được vật đó. Cái ánh sáng mới ngày hôm qua đây chỉ cho ta biết một vật hiện giờ nó ở cách xa nơi đây hàng triệu dậm mà bây giờ nó cũng còn chỉ vật ấy. Cái "hôm qua" của chúng ta có thể là "buổi hôm nay" đối với một người khác, về sự tiếp nhận thông điệp do ánh sáng nầy mang đến. Hai việc giống nhau có chăng cùng một căn bản thực tế, tôi không hiểu được, nhưng mà dường như cái chân lý phải giống như vậy đó.

Quan sát cõi Hồng Trần từ trên một cảnh giới cao, ấy là đứng trên đỉnh núi, và trông thấy một toa xe lửa di động dưới chân ta, trong thung lũng. Về phần hành khách thì đoàn xe đã trải qua vài điểm. Những điểm ấy tuy đã khuất dạng, nhưng luôn luôn còn ở đó. Cây cối và thú vật trông thấy ở đó vẫn sinh sống như thường. Quá khứ vẫn còn hoạt động nhưng vì không còn thấy chúng nó nữa cho nên phần đông thiên hạ tưởng rằng vai tuồng của chúng nó tại đó đã chấm dứt rồi. Tôi không tin chắc như vậy. Tôi không nghĩ rằng tìm hiểu vấn đề nầy là rất hữu ích, bởi vì, ở thế gian, khó mà tìm được một cách giải thích có mạch lạc về điều đó. Tuy nhiên, tôi tin rằng quá khứ không phải là không thể biến cải được và ngày mà chúng ta đạt đến trình độ khảo sát được tất cả các điều đó từ trên cõi cao thì quákhứ sẽ hiện ra tốt đẹp hơn là điều chúng ta đã tưởng tượng khi nhớ tới nó. Thật vậy, tất cả cái quá khứ nầy vẫn tiến tới, vì nó là yếu tố của thực tại thiêng liêng. Nó cũng sẽ được chúc tụng, nó sẽ đơm bông, nó sẽ trở thành cái gì mà kiếp số đã tiền định. Tôi không tự phụ mà nói rằng tại sao vậy. Nhưng mà ý niệm nầy không phải là không khuyến khích chúng ta. Tôi muốn nói những sự sơ xuất, những thiếu sót, những sự lầm lạc trong dĩ vãng của chúng ta, về sau cũng có thể có một tính cách khác biệt mặc dù ngày hôm nay, đối với chúng ta, chúng có đặc tính không tốt nầy. Ở thếgian, ý niệm nầy khó cho con người thấu hiểu được, nhưng tôi tin chắc rằng nó chứa đựng một phần chân lý.

15.- Hãy ham muốn những vật sở hữu trên tất cả mọi vật.

 Nhưng mà những vật sở hữu nầy phải tuyệt đối thuộc về của Linh Hồn trong sạch, và bởi đó, Linh Hồn trong sạch nào cũng đều được hưởng sở hữu đó một cách in như nhau. Tới ngày nào tất cả chỉ là một thì ngày đó chúng ta sẽ thành ra tài sản đặc biệt của tất cả. Hãy ham muốn những vật sở hữu mà Linh Hồn trong sạch có thể gìn giữ được hầu súc tích những của cải cho đời sống tinh thần chung của nhân loại, cho đơn vị nầy, chỉ nó đây mới thật là Chơn Ngã của con.

C. W. L. - Những vật sở hữu mà chúng ta nên ham muốn là những đức tánh giúp ích cho nhân loại. Tất cả những thắng lợi mà chúng ta đạt được là nhân loại đạt được, chứ không để cho chúng ta. Sự ham muốn chiếm hữu phải nhắm vào những vật sở hữu chung cho tất cả, đó là sự ham muốn cho mỗi người đều có phần trong một gia tài chung. Chúng ta gặp lại đây vấn đề Vô Ngã và dưới một hình thức khác. Ðời sống của các Ðấng Chơn Sư cho chúng ta những gương mẫu đáng kính phục. Tôi còn nhớ có một lúc tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe người ta nói rằng các Ngài dường như không có mắc Nghiệp Quả. Những Thánh Thư của Ấn Ðộ cũng có nói rằng các Ngài đứng trên Nghiệp Quả. Thuở đó tôi không hiểu nổi điều nầy. Nhân Quả là một định luật cũng giống hệt như hấp lực. Chúng ta có thể lên cao tới ngôi mặt trời, mà hấp lực cũng không mất. Trái lại, chúng ta cảm thấy lực ấy càng mãnh liệt hơn nữa. Dường như tôi thấy khó mà thoát khỏi Luật Nhân Quả, vì bởi nhờ luật ấy mà mỗi người nhận lãnh những gì cân xứng với hành động của họ. Nếu các Ðấng Chơn Sư Cao Cả không ngớt ban rải ân lành cho vạn vật đến một điểm mà chúng ta không có hy vọng gì sánh bằng các Ngài được và nếu đồng thời, các Ngài không tạo ra một Nghiệp Quả nào thì cái kết quả phi thường của sự ban rải thần lực đặng giúp đời của các Ngài trở nên như thế nào?

Cuối cùng, sau khi khảo cứu vấn đề nầy, chúng tôi bắt đầu hiểu. Nếu tôi diễn tả cách thức mà Nhân Quả hiện ra dưới tầm mắt của vị có Huệ Nhãn, có lẽ vấn đề sẽ trở nên dễ hiểu hơn. Cách hành động của Luật Nhân Quả ở trên mấy cõi cao biểu lộ ra giống như cảnh tượng sau đây. Mỗi người đều là trung tâm của những hình cầu đồng một tâm điểm với nhau. Chúng nhiều cho đến đỗi không thể nào tưởng tượng được. Có vài cái ở sát một bên y, còn những cái khác thì ở tít mù xa trong lòng vực thẳm của Vũ Trụ. Mỗi tư tưởng, mỗi lời nói và hành vi, dù ích kỷ hay không ích kỷ đều phát ra một nguồn khí lực chạy ngay vào mặt những hình cầu, và đánh thẳng góc vào cái mặt bên trong của một trong những hình cầu ấy rồi dội ngược lại và trở về chỗ khởi điểm của nó. Tính chất của sức mạnh cũng như thời gian quay về dường như hạn định do một hình cầu nào đẩy lui sức mạnh ấy. Có thứ sức mạnh sinh ra do bởi vài hành động đánh vào một hình cầu tương đối ở gần một bên, kế đó quay trở lại rất nhanh chóng, còn những sức mạnh khác tiếp tục đi vào cõi không gian vô tận và chỉ quay về sau nhiều kiếp. Tại sao vậy? Chúng tôi không hiểu vì lẽ nào. Chúng tôi chỉ biết rằng sự quay về của nó không thể tránh được và trong tất cả những trường hợp, sức mạnh ấy chỉ có thể trở về nơi trung tâm đã phát sinh ra nó mà thôi.

Tất cả những sức mạnh do con người sinh ra thì phải trở về với y, thời gian trở về cũng lâu bằng cách y phóng sức mạnh ấy ra ngoài. Tuy nhiên, mọi người đều dính liền bên trong với Ðức Thượng Ðế và điều đó, không phải do một trong những hình cầu nào mà chính nó do nơi trung tâm điểm. Khi quay về trung tâm, y có thể đi tới Ðức Thượng Ðế và khi mà y điều khiển tất cả sức mạnh của tư tưởng và lòng ham muốn của y về ngay trung tâm thì sức mạnh ấy không quay trở về với y nữa mà đi phối hợp với khối thần lực vô biên đang chuyển động do Ðức Thượng Ðế không ngớt ban rải trong Vũ Trụ của Ngài hầu duy trì sự sống của vạn vật. Sức mạnh thiêng liêng từ trung tâm phát ra, chớ không phải từ bên ngoài đến. Khi khảo sát những nguyên tử hồng trần, vị có Huệ Nhãn nhận thấy có vài nguyên tử thu hút sức mạnh. Sức mạnh nầy phải có một nguồn cội, nó không phải vô bên nầy rồi ra bên kia. Nó từ trung tâm nguyên tử phóng ra và ở bên ngoài xem thì không biết nó từ đâu đến. Sự thật, sức mạnh ấy phát khởi từ một bề cao siêu [17] và con mắt của chúng ta không thấy được. Vì thế, con đường dắt đến Ðức Thượng Ðế ở trong tâm của muôn loài vạn vật và ấy là cái chiều hướng theo đó mà con người phải điều khiển tất cả sức lực của mình trong khi y luôn luôn nhìn về Thượng Ðế và chỉ nghĩ đến Ngài lúc y hoàn thành công việc của y. Riêng về cá nhân y thì sức mạnh nầy tan mất, tuy nhiên, như tôi đã nói, sức mạnh ấy lại đến nhập vô nguồn thần lực của Ðức Thượng Ðế luôn luôn ban rải khắp nơi. Ðối với con người thì không có cái kết quả riêng nào cho cá nhân ở trong những cõi thấp, nhưng mà nhờ mỗi sự nỗ lực tương tự, y sẽ tiến gần đến Chân Lý thiêng liêng ở trong lòng y, y biểu lộ nó rõ ràng hơn và đầy đủ hơn. Vì vậy, nói rằng y không thâu thập một kết quả nào hết thì sai. Trong một Vũ Trụ phục tùng Ðịnh Luật, tất cả đều tạo nên một hiệu quả, nhưng mà không có hiệu quả nào bên ngoài có thể lôi kéo con người trở lại thế gian.

Tôi tưởng đó là những điều giải thích đoạn sách nói về các Ðấng Cao Cả thoát khỏi Luật Quả Báo, tất cả thần lực vô biên của các Ngài đều được các Ngài lấy danh nghĩa nhân loại và như là những đơn vị của nhân loại mà sử dụng trọn vẹn để ban bố phúc lành cho con người. Dường như, các Ngài thoát ra khỏi sự bắt buộc của Ðịnh Luật. Dù là kết quả thế nào, nó cũng thuộc về nhân loại chớ không phải thuộc về các Ngài, Nhân Quả của tất cả những sự hoạt động vinh diệu của Chơn Sư không để dành lại đặng Ngài hưởng thụ mà để cho toàn thể nhân sinh.

Chúng ta cũng thế, chúng ta phải hoạt động với tinh thần vô ngã. Nếu trong lúc hành động, dù là một hành động tốt đẹp, chúng ta tự nói: "Tôi làm điều nầy, tôi muốn thấy được công lao của tôi". Hoặc giả, dù không nghĩ đến công lao, chúng ta chỉ nói: "Ấy là tôi làm điều đó", cũng như những vị Pharisiens thuở xưa thì chúng ta nhận lãnh phần thưởng của chúng ta rồi. Cái kết quả sẽ dành cho bản ngã cá nhân và buộc trói chúng ta vào thế gian nầy, không khác gì một kết quả xấu. Nếu trái lại, quên hẳn bản ngã của mình đi, chúng ta chỉ hành động như những đoàn viên của nhân loại thì kết quả của sự hành động sẽ trở về cho nhân loại và mỗi người là một phần tử. Càng hành động bất vụ lợi thì chúng ta càng đến gần Tâm Thiêng Liêng của vạn vật. Ðó là quan điểm của chính Ðức Thượng Ðế. Ðối với Ngài, không có một tư tưởng riêng tư nào có thể tồn tại được. Ngài luôn luôn hành động cho hạnh phúc của toàn thể mà Ngài là người đại diện. Nếu trong lúc hành động, chúng ta chỉ nghĩ đến Ngài thì kết quả sẽ trút đổ vào kho thần lực của Ngài và không còn trở lại với chúng ta dưới một hình thức nào khả dĩ cột trói chúng ta được, mà như là một yếu tố làm cho chúng ta trở nên những sự biểu hiện càng ngày càng viên mãn của Ðức Thượng Ðế và càng ngày nó càng nâng cao chúng ta lên đến sự an tĩnh của Ngài mà trí thông minh của con người không thể hiểu nổi.

  -----*****----- 

CHƯƠNG THỨ TÁM

 -----*****-----

 Qui tắc 17 - 19.

17.- Hãy tìm Ðạo.

C. W. L. - Bây giờ chúng ta đi đến ba qui tắc ngắn. Chúng có sự liên quan mật thiết và cùng chung với nhau trong giảng lý của Ðức Ðế Quân cũng như trong những ký chú của Ðức Hilarion. Chúng được đề cập đến một lượt. Thật có hơi khó mà sắp đặt chúng ra từng nhóm riêng như việc chúng ta đã làm từ trước đến giờ và tôi muốn lấy mấy câu nầy theo thứ tự ở trong sách. Lẽ tự nhiên chúng ta đi tới một điểm chánh quan trọng của giáo lý bởi vì chúng ta gặp nơi đây giảng lý của hai Ðấng Cao Cả dài hơn mấy đoạn trước. Ký chú của Ðức Hilarion thêm vô qui tắc thứ 17 khởi đầu như sau đây:

 Ba tiếng nầy có lẽ dường như chúng nó không quan trọng lắm để làm ra một qui tắc. Người Ðệ Tử sẽ nói: "Nếu tôi không tìm Ðạo, thì tôi đâu có phí công nghiền ngẫm những tư tưởng nầy sao?" Tuy nhiên, con chớ nên vội sang qui tắc khác. Hãy dừng lại và hãy suy nghĩ trong chốc lát. Có phải con đường mà con muốn chăng? Hay là con thấy trong đó một viễn ảnh mơ hồ của những cao độ mà phải leo lên, hay nơi đó có một tương lai rực rỡ phải thực hiện. Hãy coi chừng. Phải tìm Ðạo vì Ðạo chớ không phải vì những bước chân của con giẫm lên đó.

Những lời nầy giải bày một cách tuyệt diệu, chúng ta phải tiến đến Ðường Ðạo với tinh thần nào? Từ đầu tới cuối, phải tách phàm Nhơn ra và làm việc theo Bản Ngã cao siêu. Tìm Ðạo là hành động như thế đó. Như chúng ta đã thấy, con người dầu cho đã để lại đàng sau mình sự tham vọng tầm thường, cũng còn gặp lại nó nữa và trong những hình thức tế nhị hơn. Bây giờ đây tham vọng của nó lên tới một mức độ cao siêu, nó nhất định không ham muốn chi cho bản ngã của mình, nó hiến dâng trọn vẹn tất cả những năng lực của nó sẵn có cho công việc của Quần Tiên Hội. Nó chỉ nghĩ đến một điều là làm một khí cụ tốt lành và đối với Chơn Sư, nó chiếm một vị trí thế nào mà những thần lực của Chơn Sư đi ngang qua nó hết sức dễ dàng.

 Lẽ tự nhiên, tất cả những thần lực từ những cõi cao đi xuống đều bị hạn chế khi chúng hoạt động ở dưới một cảnh thấp. Thần lực đi ngang qua mình kẻ Ðệ Tử chỉ là một phần nhỏ nhít của ảnh hưởng mà một Ðấng Cao Cả giao cho huynh để chuyển di. Không thể làm khác hơn được. Tuy nhiên, mặc dù tất cả những khuyết điểm tự nhiên còn bám chặt vào chúng ta tại cõi Trần, khi người Ðệ Tử làm cho mình thành một khí cụ cho thần lực của Chơn Sư, càng được hoàn hảo bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, thì huynh có thể giúp ích được rất nhiều. Huynh có mục đích là mở đường cho một luồng thần lực đi qua càng nhiều càng tốt và huynh phải làm cho nó ít bị biến chất được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

 Thần lực tuôn xuống do trung gian của Ðệ Tử đặng y ban rải ra, nhưng trong sự phân biệt nầy, vị Ðệ Tử không phải đóng vai tuồng là một cái máy; y thêm vô đó phần của y, một chút màu sắc của y truyền qua thần lực. Người ta mong muốn điều nầy, người ta chờ đợi y, nhưng mà người Ðệ Tử phải triệt để làm cho đúng với thái độ và những lời dạy của Chơn Sư. Ðiều nầy không phải là không thể làm được; bởi vì Ðệ Tử làm một với Chơn Sư một cách kỳ diệu, như tôi đã nói trong quyển Chơn Sư và Ðường Ðạo (Les Maitres et le Sentier)[18]. Chẳng những cái chi có chứa đựng trong Tâm Thức của người Ðệ Tử đều có trong Tâm Thức của Chơn Sư, mà cái chi xảy ra trước mắt Ðệ Tử thì cũng có trong Tâm Thức của Chơn Sư, nếu không phải ngay trong lúc đó như ý Ngài muốn thì nó cũng ghi trong trí nhớ của Ngài. Dù trong lúc đó Ngài rất bận rộn về công việc cao siêu của Ngài, Ngài không cần theo dõi cuộc đàm thoại của Ðệ Tử, nhưng có những bằng cớ rõ rệt chứng minh rằng đôi khi Ngài vẫn để ý tới, bởi vì thỉnh thoảng Ngài cho Ðệ Tử tư tưởng hay lời phê bình và sửa đổi cái gì mới nói ra.

 Như tôi đã nói trước đây, những điều vị Ðệ Tử cảm xúc đều phản ứng đến Chơn Sư, nếu là một tình cảm như sự trêu tức, hay là nóng giận thì Chơn Sư dứt ngay tức khắc sự liên lạc. Thật vậy vị Ðệ Tử không hề muốn cho Ngài chịu nhọc như thế, mặc dù người ta có thể nói với tất cả lòng tôn kính rằng sự nhọc đó rất nhỏ lắm. Có thể Chơn Sư làm việc nầy rất mau lẹ, nội một tư tưởng cũng đủ rồi, nhưng người ta không muốn có sự gián đoạn nhỏ nhoi trong sự hoạt động của Ngài.

Ngoài ra, lẽ tự nhiên, vị Ðệ Tử muốn tránh việc bị trục xuất như thế, đó là hậu quả không thể tránh được và xảy ra một lượt. Huynh hết sức chủ tâm đặng không cho mọi tư tưởng hay mọi tình cảm không tốt đẹp thâm nhập vào Tâm Thức huynh, huynh tránh một đám đông ồn ào hay là một chỗ nào phát sinh ra một thứ từ điện xấu xa, trừ ra khi nào công việc huynh phải làm cho Chơn Sư bắt buộc huynh phải có mặt tại đó. Trong trường hợp nầy, huynh bao mình bằng một cái vỏ [19] và giữ chừng không cho sự khó chịu nào động đến Chơn Sư. Tuy nhiên, những tư tưởng thuộc về loại vật chất hiện diện trong Tâm Thức của Ðệ Tử thì cũng hiện diện trong Tâm Thức của Chơn Sư. Thí dụ, nếu bị một tiếng động thình lình làm cho giật mình thì sự đụng chạm nầy mặc dù nhẹ nhàng nó cũng truyền qua Chơn Sư. Ngài không chút chi bận lòng, Ngài xua đuổi nó đi, dù sao sự đụng chạm nầy vẫn truyền sang và nó chứng minh sự liên lạc mật thiết. Một vị Ðệ Tử thận trọng, khôn ngoan cố gắng tránh mọi thứ đụng chạm, cho nên thường thường y tỏ ra dịu dàng và yên lặng, điềm tĩnh.

Về những đặc điểm khác của Ðệ Tử, y không hề quên Sư Phụ y và sự hiện diện của Ngài. Trừ ra khi ơ hờ, sơ suất thì y không bao giờ để cho một tư tưởng hay một tình cảm nào mà y không muốn vô trong tư tưởng hay trong tình cảm của Chơn Sư; y cũng cố gắng tránh những sự xao động ở ngoài có thể làm cho y phải trục xuất tạm thời.

 Sự liên lạc mật thiết với Chơn Sư ban cho một vị Ðệ Tử một đại hạnh phúc. Niềm vui được giao thiệp với một người thông minh tuyệt thế với những cảm giác, mà đúng hơn, không phải những cảm giác mà là những quyền năng siêu việt, bởi vì trong Chơn Sư, người ta không thể gọi sự sùng đạo, tình thương và thiện cảm là những cảm giác ở nơi Ngài, ấy là những quyền năng. Niềm vui nầy thật là phi thường và có một sự xinh đẹp không thể diễn tả. Vị Ðệ Tử càng mở Tâm đặng tiếp đón những ảnh hưởng cao siêu nầy thì chúng càng tuôn xuống y và y càng giống Chơn Sư, y là người phục vụ Ngài. Ðây là vấn đề tăng trưởng dài lâu, mà sự tăng trưởng nầy gặp một sự giúp đỡ lớn lao trong luồng thần lực không ngớt truyền sang từ Thầy qua trò.

 Sự liên hiệp nầy tiêu biểu việc thu nhỏ lại sự đồng nhất cao siêu trước kỳ hạn của nó. Sự đồng nhất nầy hiện ra khi mà Tâm Thức Bồ Ðề hoàn thành sự mở mang của nó; nhưng mà trong khi chờ đợi sự mở mang nầy, tôi không biết có chi thân mật hơn sự liên lạc giữa Ðệ Tử và Chơn Sư. Những người chí nguyện mong được hân hạnh thâu nhận làm Ðệ Tử, thì ngay bây giờ đây phải sống như huynh tưởng phải sống như khi huynh đã được thâu nhận, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Chúng ta càng làm cho những sự hành động của chúng ta, những tư tưởng của chúng ta đại khái có tính cách yên tịnh và thanh bạch thì chúng ta càng đáng được thâu nhận, khi ngày giờ được sự liên hiệp mật thiết đã đến. Không có chi phải ngờ vực, cách xứng đáng được đặc quyền nầy làsống như đã có nó rồi vậy. Tôi biết lắm, người ta thường tưởng rằng những việc nhỏ mọn bên ngoài không có chút chi quan trọng cả. Ðôi khi người ta nói: "Có thể việc nào đó làm chậm trễ sự tiến hóa, nhưng mà những hậu quả không có thể trầm trọng lắm, ấy là một chuyện nhỏ mọn quá". Tôi nghe người ta nói điều nầy về sự ăn thịt cũng như sự hút thuốc. Nhưng, chúng ta không có những phương thế để bỏ qua một sự lợi ích, dù hết sức nhỏ nhoi chăng nữa. Công việc chờ đợi chúng ta rất lớn lao, quan trọng, không phải là dễ dàng đâu. Trong những trường hợp nầy, người khôn ngoan không hề bỏ qua một sự giúp đỡ nhỏ mọn nào cả.

Ðức Chơn Sư thêm vô ký chú của Ngài:

 Có sự liên lạc giữa qui tắc nầy với qui tắc thứ 17 của phần nhì. Sau khi trải qua nhiều thế kỷ chiến đấu và nhiều chiến thắng, con thắng trận cuối cùng và đòi hỏi bí quyết cuối cùng thì con sẽ sẵn sàng đi xa hơn nữa.

Qui tắc thứ 17 của phần nhì của quyển sách được Chơn Sư đề cập, đúng như sau đây:"Hãy hỏi bản thể sâu kín của con, Ðấng Duy Nhất, cái bí quyết cuối cùng mà người dành sẵn cho con qua các thời đại". Nghĩa nó như vầy: Như bây giờ đây, chúng ta phải tìm Bản Ngã Cao Siêu, thì cũng đúng vậy, khi tới trình độ cao siêu hơn nữa thì chúng ta phải tìm kiếm Ðấng Duy Nhất, là Chơn Thần, bí quyết cuối cùng là luôn luôn làm việc nhiều hơn và làm việc cao hơn. Nhiều người hình như gặp trong điều đó một viễn ảnh không vui vẻ chút nào cả. Thâm ý của một số đông người là muốn nghỉ ngơi. Chúng ta đã bao phen cố gắng, chịu đau khổ và lao lực, nên nhiều người được mong mỏi nghỉ ngơi trọn vẹn. Quan điểm nầy đặc biệt thuộc về xác thân. Ở trên mấy cõi cao không có sự mệt nhọc. Tôi đã biết có nhiều người ở cõi Trung Giới lâu năm, họ chờ cho Chơn Sư tìm cho họ một thể xác mà các Ngài xét ra thích hợp với họ. Trong trường hợp thứ nhứt, một người chờ đợi 25 năm, trong trường hợp thứ nhì, 20 năm. Trong thời gian nầy, họ triệt để thực hành công việc của Chơn Sư không ngừng nghỉ. Người thứ nhứt cũng như người thứ nhì không tỏ ra một chút chi mệt mỏi và cuối cùng họ cũng sốt sắng, hăng hái như lúc ban đầu. Nếu ở cõi Trung Giới có một điều chi giống như sự mệt mỏi và muốn biểu lộ ra thì nó phải đòi hỏi những thời hạn mà chúng ta không biết là bao lâu.

Khi mà bí quyết cuối cùng của bài học cao siêu nầy được tiết lộ thì đệ tử tìm được trong đó sự bí mật của con đường mới, con đường dắt đến trạng thái ở ngoài sự kinh nghiệm của con người và hoàn toàn ở trên tất cả tri giác và sự tưởng tượng của con người. Ở mỗi đoạn đường nầy, cần phải dừng lại thật lâu vàsuy gẫm cho kỹ lưỡng. Ở mỗi đoạn đường nầy, cần phải tự hỏi có phải chắc chắn là tìm Ðạo vì Ðạo chăng? Con đường và chân lý hiện ra trước, sự sống sẽ đến sau.

A.B. - Khi Linh Hồn được giải thoát đã trải qua những giai đoạn dắt đến địa vị La Hán và tiến đến sự Ðiểm Ðạo lần thứ nhứt của những cuộc Ðiểm Ðạo kế tiếp thì Ngài sẽ chọn lựa một trong những con đường mở ra trước mặt Ngài, có tất cả bảy con đường, số bảy là số thiêng liêng. Linh Hồn có thể quyết định bảy cách khác nhau. Người ta thường nói: tới chừng đó chỉ có một phương thế mà thôi, ấy là con người phải muốn thành một vị Chơn Sư; một tư tưởng phụ thêm vào ý kiến nầy là nếu Ngài chọn lựa đúng thì Ngài trở lại đặng giúp đời. Sự quyết định nầy nên khuyên bảo, vì quyền lợi đặc biệt của nhân loại. Nhưng tôi xin nhắc huynh, điều đó là một quyết định quásớm. Một chú giải cho chúng ta biết bản chất của sự chọn lựa trong mấy chữ nầy: "Trên mỗi đoạn đường, cần phải chắc chắn là Tìm Ðạo Vì Ðạo". Những chữ "Vì Ðạo" cho chúng ta bí quyết. Phải chọn lựa chỉ Vì Ðạo mà thôi. Việc có nhiều con đường cũng đủ để ngăn cản ta không cho lập một qui tắc nào cả về sự quyết định của chúng ta và hơn nữa, để ngăn cản chúng ta nói rằng: "Ngài chọn lựa đúng", điều nầy dường như là có thể chọn lựa sai khi Linh Hồn đã được giải thoát.

 Tuy nhiên, một ý tưởng - nó rất tế nhị - xuyên qua Trí của chúng ta: ấy là chúng ta có thể quyết định sự chọn lựa nầy. Có khi chúng ta nhất định những điều chúng ta sẽ làmcho tương lai chúng ta - tương lai nầy vẫn còn xa vời lắm - chúng ta sẽ ra thế nào? chúng ta sẽ làm cái chi? Thật ra ấy là Tâm Thức thấp thỏi đem quyết định của nó thay thế quyết định của Tâm Thức cao siêu. Khuynh hướng tế nhị nầy phát hiện ra trọn suốt cuộc đời của chúng ta. Một phần Tâm Thức của chúng ta tự cho nó là Bản Ngã, nên lẽ tự nhiên, nósẵn sàng phân chia con đường tương lai của nó theo như con đường nầy hiện ra cho nó thấy, quên phứt rằng nó sử dụng quyền chọn lựa chỉ thuộc về Tâm Thức cao siêu mà thôi. Quyết định phải làm cái chi khi giai đoạn cuối cùng của vị La Hán chấm dứt thì là hành động như một đứa con nít chọn lựa nghề nghiệp. Sự quyết định nầy không có sự hiểu biết hướng dẫn thì chắc chắn không phải là sự quyết định mà sự xét đoán già giặn của nó sẽ chấp thuận. Một đứa bé không đủ tư cách để chọn lựa nghề nghiệp mai sau của nó, và trong vấn đề nói trên đây, nguyên tắc vẫn in như nhau. Bản Ngã cao siêu nhất định mà không cần lo lắng cái chi cho Phàm Nhơn cả, mà nói cho đúng, Phàm Nhơn không còn nữa trước lúc chọn lựa [20]. Quan niệm trọng hệ duy nhất phải đưa ra cho Bản Ngã thấp thỏi là quan niệm phụng sự. Bản Ngã thấp thỏi phải thành một khí cụ khả dĩ dùng được. Nếu nó không tuân hành thì nó thành ra một chướng ngại cho Tâm Thức cao siêu. Huynh nên nhớ rằng nó có thể làm bế tắc con đường của Tâm Thức nầy; người ta thường nói nó đóng đinh Bản Ngã cao siêu trên Thập Tự Giá.

Một điểm khác cũng đừng quên: chúng ta không thể xét đoán giai đoạn nào của Tâm Thức trước khi có kinh nghiệm về nó và biết giá trị tương đối của nó. Khi tưởng đến một điều kiện cao siêu của Tâm Thức huynh, điều kiện mà huynh không biết chi về nó, thì huynh không thể nào có một quan niệm về nó cả. Khi huynh lên đến cao độ nầy thì Vũ Trụ biến đổi với huynh; một sự biến đổi thực hiện trong bản tánh huynh, và huynh có thể hiểu cách hành động đặc biệt của Tâm Thức nầy. Trước khi hiểu biết, phải có kinh nghiệm về sự biến đổi ấy. Cũng thế đó, tạo một quan niệm về một con đường tương lai thì không khác nào xét đoán một trạng thái Tâm Thức mà huynh không biết, vậy thì xét đoán của huynh không có giá trị. Khi chúng ta đứng về một quan điểm cao hơn thì chỉ có một lý do nhất định sự chọn lựa của chúng ta; lý do đó là những nhu cầu của nhân loại thuở đó. Ở đây có một chỗ trống, ở đàng kia, sự giúp đỡ của chúng ta lại cần thiết; đó là lý do điều khiển sự quyết định của chúng ta. Trong những con đường mở ra trước mặt Linh Hồn thanh khiết thì Ngài chọn lựa con đường dắt Ngài đến chỗ nào cần sự giúp đỡ của Ngài. Bản Ngã xét đoán sự giúp đỡ mà Quần Tiên Hội [21] đang cần. Sự quyết định của Chơn Ngã tùy thuộc sự cần thiết biểu lộ Ý Chí của Ðức Thái Dương Thượng Ðế. Một Ðấng Cao Cả có nói với tôi: "Thật là một sự lầm lạc mà tưởng rằng có thể quyết định ở dưới Trần Thế; sự quyết định phải do sự giúp đỡ cần thiết cho sự biểu lộ Ý Chí của Ðức Thái Dương Thượng Ðế".

 Một nhóm người làm việc đặng giúp đỡ nhân loại. Nếu họ cần dùng sự viện trợ và một vận hà trở thành cần thiết thì sự chọn lựa là nhất định tán trợ sự hoạt động nầy. Tôi nhấn mạnh về điểm nầy vì đã được cảnh cáo: đừng để tư tưởng xúi giục bỏ một sự hoạt động hữu ích đặng lo những công chuyện khác mà chúng ta chưa có trách nhiệm gánh vác. Trong quyển Thánh Ca Bhagavad Gita có cảnh giác chúng ta rằng: "Dharma (Ðạt-ma)[22] của kẻ khác thì đầy những nguy hiểm". Dharma (Ðạt-ma) của chúng ta ở chỗ nào thì công việc của chúng ta ở chỗ đó.

 C. W. L. - Con đường dắt đến trạng thái ở ngoài sự kinh nghiệm của con người là con đường của vị Siêu Phàm mở ra trước mặt Ngài theo bảy chiều hướng khác nhau như chúng ta đã thấy trước đây [23]. Tôi nghe nhiều Hội viên chúng ta quả quyết điều nầy: "Chắc chắn về vấn đề chọn lựa của chúng ta, chúng ta sẽ ở lại đặng phụng sự nhân loại". Ðiều khôn ngoan hơn hết là đừng phung phí sức lực của chúng ta đặng lấy những quyết định như thế, bởi vì thật sự chúng ta không biết chi hết về vấn đề nầy. Cái đó là hành động như một đứa con nít quyết định điều nó sẽ làm khi nó lớn khôn, nó sẽ thành tên tướng cướp hay là tài xế xe lửa. Những điều kiện quyết định sự chọn lựa của chúng ta, chúng ta không biết đâu, cũng như đối với một đứa nhỏ, nó không biết tương lai nó tùy thuộc những điều kiện nào. Không thể nào trong bảy đường lại có một con đường đáng chọn lựa hơn mấy con đường kia, mặc dù cả thảy đều dắt đến những sự hoạt động khác nhau. Chúng ta chớ nên nghi ngờ; tới lúc chọn lựa, tư tưởng quan trong nhất là: "Tôi có thể phụng sự đắc lực hơn hết là ở chỗ nào". Chúng ta không quá xa Chân lý khi tóm tắt quyết định của chúng ta như sau đây: "Kính thưa Thượng Ðế! Có con đây! Xin Ngài gởi con đến nơi nào mà sự cần thiết giúp đỡ cấp bách hơn hết". Tuy nhiên, trong lúc chúng ta phát triển, có lẽ rất hữu ích mà đạt được một khả năng đặc biệt theo đuổi con đường nầy hay con đường kia trong bảy con đường, do đó sự ích lợi của toàn thể hệ thống là chúng ta tìm được một công việc trong con đường mà nơi đó chúng ta có thể làm nhiều việc lành hơn hết. Mỗi lần chúng ta đạt được một trình độ Tâm Thức cao siêu, thì cõi đời mở rộng ra cho đến đỗi đối với chúng ta nó vẫn hoàn toàn mới mẻ. Khi thành những vị Siêu Phàm thì chúng ta sẽ thấy một chân trời rộng lớn vô biên. Chúng ta sẽ hiểu đích xác những điều chúng ta sẽ làm, bởi vì chúng ta xem Thái Dương Hệ như Ðấng Hóa Công xem nó, từ trên nhắm xuống chớ không phải từ dưới ngắm lên. Chúng ta thấy kiểu mẫu mà một tổ chức (tissu) mô phỏng lại; chúng ta sẽ biết tất cả những điều đó có nghĩa chi. Mỗi bước tiến tới trước, mỗi lần mở rộng Tâm Thức đều đem chúng ta đến gần lúc mà chúng ta hiểu gần hết ý nghĩa của mọi vật; khi đi tới, chúng ta càng ít lầm lạc hơn, và càng hiểu biết ro õhơn; nhưng mà sự hiểu biết toàn vẹn [24] vốn thuộc về Bậc Siêu Phàm; bởi vì Tâm Thức Ngài nhập vô Tâm Thức của Ðức Thái Dương Thượng Ðế; dù Tâm Thức nầy là một trong những sự biểu hiện thấp của cõi Ngài [25].

 Trong trường hợp nầy, quyền chọn lựa cũng về phần Chơn Thần, nhất định, chúng ta không có lý do để lo lắng việc đó ngay bâygiờ. Có thể Chơn Thần đã quyết định tất cả rồi. Trong trường hợp nầy, mỗi phần của những đại diện thấp thỏi hay là những phần của Ngài tìm được vị trí của nó, mặc dù những tư tưởng của những phần đó hồi trước là sao chăng nữa. Ðiều quan trọng cho chúng ta chỉ là in sâu vào trí của Phàm Nhơn tư tưởng phụng sự, đó là điều phải chọn lựa. Chúng ta có thể làm cho Phàm nhơn hiểu rằng luôn luôn phải tìm những cơ hội đặng giúp đỡ, nó sẽ thành ra một vận hà hoàn hảo cho Chơn Nhơn, và tới phiên Chơn Nhơn thành ra một vận hà hay là một khí cụ hết sức tốt cho Chơn Thần. Trong đời, phụng sự là lý tưởng cao hơn hết. Ðấng Christ há chẳng có nói: "Ai muốn đứng đầu trong các con thì nó hãy làm tôi tớ cho các con đi.

18.- Hãy tìm Ðạo bằng cách đi sâu vào nội tâm.

19.- Hãy tìm Ðạo bằng cách can đảm tiến ra ngoài.

C. W. L. - Tìm Ðạo bằng cách đi sâu vào nội tâm có nghĩa là: tìm trước nhất Chơn Nhơn, và nhờ Người dìu dắt. Chúng tôi đã giải nghĩa rồi, giai đoạn đầu tiên được chỉ định là Phàm Nhơn nhập một với Chơn Nhơn. Ngày sau, Chơn Nhơn thành một sự biểu hiện toàn vẹn của Chơn Thần; con người sẵn sàng thọ lãnh sự Ðiểm Ðạo làm một vị Siêu Phàm[26]. Kế đó, vị Siêu Phàm gắng sức đem Tâm Thức mình lên tới Tâm Thức của Ðức Thái Dương Thượng Ðế. Ngài luôn luôn tự tìm kiếm mình ở trên những trình độ cao siêu.

Trong tất cả những lần mà con người đi tới một giai đoạn nào đó và hướng một luồng tư tưởng sùng đạo lên cõi trên thì bù lại một luồng thần lực ban xuống cho y làm cho sự cố gắng của y bị một áp lực mạnh. Về phần con người, ấy là sự thọ lãnh một luồng thần lực hơn là sự đi lên cao. Cũng thế đó xảy ra giữa Chơn Sư và Ðệ Tử. Vị Ðệ Tử dâng tình thương mình cho Sư Phụ thì Ngài đáp lại bằng cách ban cho y một tình thương vượt hẳn sự cố gắng của y. Y có cảm giác nhận được một luồng thần lực hết sức mạnh mẽ, ấy là sáng kiến của y gây ra cho sự tuôn tràn nầy.

Ở mức độ cao siêu. đó là sự biểu lộ của Ðức Chúa Thánh Thần cho vị Siêu Phàm; Ðức Chúa Thánh Thần là quyền năng của Ngôi Thứ Ba của Ðức Thái Dương Thượng Ðế. Những lằn lửa tượng trưng Ngài trong cuộc lễ Ðức Chúa Giáng Lâm Pentecôte [27]. Ðúng ngày giờ thì vị Siêu Phàm nhập một với Ngôi Thứ Ba hiện ra ở cõi Niết Bàn, rồi Ngài nhập một với Trạng Thái mà tượng trưng là Ðấng Christ ở trong lòng Ðức Chúa Cha [28]. Mai sau, mặc dù tôi không biết chi hết về điều nầy, tôi chắc chắn rằng càng ngày Ngài càng tiến đến gần Ðức Thái Dương Thượng Ðế. Chúng ta không ngớt đến gần ánh sáng, nhưng chúng ta không bao giờ đụng tới ngọn lửa. Một ngày kia, chúng ta lên tới chỗ Ngài đang ngự bây giờ, nhưng Ngài không ngừng lại đặng đón rước chúng ta đâu; Ngài cũng tiến hóa vậy. Vì thế chúng ta không hề đụng tới ngọn lửa, mặc dù chúng ta luôn luôn càng đến gần nó. Hạnh phúc tuyệt vời của sự kinh nghiệm nầy không thể so sánh được, không thể diễn tả được, bản tánh của nó không hề tương ứng với bất cứ cái chi ở cõi thấp cả.

 Ở nơi mỗi người, sự tìm kiếm thâm sâu tiết lộ nhiều Chân Lý. Phàm Nhơn mà nhiều người xem như là Bản Ngã chỉ là một phần nhỏ nhít của con người. Chúng ta là những sinh vật quan trọng hơn cái vẻ bề ngoài của chúng ta nhiều. Trong mỗi kiếp, Chơn Nhơn chỉ có tách ra một phần nhỏ nhít hay là một mặt nhỏ của Ngài xuống mấy cõi thấp mà thôi, mà dù cho phần nầy biểu hiện được trọn vẹn đi nữa, nó cũng chỉ là một phần tối thiểu. Một vĩ nhân ở dưới Trần thế mang một hình dáng đẹp đẽ, chúng ta hãy chắc chắn rằng: toàn thể vẫn cao hơn rất nhiều cái điều mà chúng ta thấy được. Riêng một mình nó thì không có Phàm Nhơn nào biểu lộ được vô số khả năng còn tiềm tàng trong Chơn Nhơn. Chơn Nhơn chứa đựng trong mình tinh hoa của tất cả những kiếp đã qua. Những tánh tình hết sức tốt đẹp, hết sức cao thượng của những người sống ở chính giữa chúng ta cũng chỉ tượng trưng một mẫu bậc trung của những đức tánh mà chúng ta sẽ thấy trong Chơn Nhơn nếu chúng ta có thể chiêm ngưỡng Ngài.

 Ðôi khi chúng ta gặp những mẫu tương tự, chúng ta phải cố gắng xem chúng như là những mẫu thật. Thí dụ, chúng ta gặp một người rất tầm thường biểu lộ trong một trường hợp bất ngờ một thái độ anh hùng. Một anh thợ thuyền hy sinh tánh mạng đằng cứu sống một người bạn. Việc làm được như thế chứng tỏ con người nội tâm đã đi đến trình độ đó. Dù cho điểm cao nhất mà y lên tới là thế nào đi nữa, điểm nầy cũng vẫn chính là con người, bởi vì con người không thể đụng chạm nó hay là tưởng tới nó, nếu không có sự đồng nhất. Tất cả những sự biểu lộ thấp thỏi, những dục tình sôi nổi gây ra những trận bão lòng, những tình cảm đê hèn thuộc về Phàm Nhơn; chúng không nên có; điều nầy khỏi nói, chúng không làm ra "Con người thật". Khi mà anh nầy lên cao quá rồi thì luôn luôn y phải cố gắng giữ vững vị trí của y tại đó.

Những nguyện vọng cao thượng và thanh bai của con người phải được phát triển trong một phạm vi nào đó nơi Chơn Nhơn, không vậy thì y không cảm biết chúng nó ở tại cõi Trần nầy đâu. Những người thờ ơ với những lý tưởng ấy là những người không có mầm móng những đức tánh đặc biệt nầy trong lòng họ. Nếu chúng ta mơ ước được những sản nghiệp thiêng liêng thì điều nầy chứng tỏ rằng chúng là một sự việc linh động ở trong mình ta chớ không phải là những khả năng; chúng ta phải quyết định đời sống của chúng ta ở mức độ cao hơn hết và như vậy chúng ta còn lên tới một cao độ cao hơn nữa.

Tóm lại, nếu Chơn Nhơn xuống những cõi thấp chẳng qua là Ngài muốn thu thập sự minh bạch và đặng cho những tình cảm tốt đẹp nhưng còn mơ hồ của Ngài kết tinh lại và thành một sự quyết định hành động. Tất cả những kiếp luân hồi của Ngài tạo thành một diễn tiến nhờ đó mà Ngài hoạch đắc sự đúng đắn và sự minh bạch. Vì vậy, cách thế chúng ta tiến tới là sự chuyên môn. Chúng ta sinh vào mỗi giống dân chánh và mỗi giống dân phụ đặng hoạch đắc những đức tánh mà những giống dân nầy phải phát triển đến mức hoàn thiện. Một phần của Chơn Nhơn đi sâu vào mấy cõi thấp thì rất giỏi về chuyên môn, nó có sứ mạng mở mang một đức tánh nào đó; xong rồi, đúng ngày giờ thì Chơn Nhơn thâu hồi nó về và nhiều lần như vậy. Trở về với Chơn Nhơn, Phàm Nhơn chuyển giao cho Chơn Nhơn một chút ít những kết quả đặc biệt của nó thu thập được. Chơn Nhơn nhờ vậy ít mơ hồ hơn trước.

 Mặc dù Chơn Nhơn có những quyền năng rộng lớn, Ngài vẫn ít đúng đắn hơn Hạ Trí rất nhiều. Phàm Nhơn ưa thích trước nhất là năng lực phân tách của Hạ Trí mà nó phải mở mang, cho nên nó thường khinh khi Chơn Nhơn cao hơn nó rất nhiều nhưng còn mơ hồ hơn. Nó có thói quen tưởng mình được tự chủ, khỏi phải phục tùng Chơn Nhơn.

 Trong những giai đoạn đầu tiên của sự tiến hóa của Ngài thì Chơn Nhơn còn mơ hồ vàvề phương diện nầy thì Ngài không có làm cái chi cho tốt đẹp, nhưng trong Ngài không có điều gì xấu xa, Ngài không có khuyết điểm về đạo đức. Trong Thượng Trí hay là Nhân Thể không chứa đựng chất nào có thể ứng đáp với sự rung động thấp thỏi, nhưng ở điểm nào mà sự mở mang của nó có một chỗ khuyết thì những thể thấp của nó có thể làm vài chuyện quấy quá. Trong trường hợp nầy, có thể trong lúc nguy kịch, cái Vía ám ảnh con người và trong cơn điên y xách dao đâm kẻ khác, hay là quá cần dùng tiền, y gặp cơ hội có thể làm tiền nhờ gian lận thì y sẽ sa ngã vì bị cám dỗ. Chơn Nhơn chưa được thức tỉnh cho lắm đặng can thiệp và ngăn cản sự hành động hay là có lẽ Ngài không hiểu rằng dục tình và sự tham vọng của cái Vía có thể bắt buộc bản ngã thấp thỏi phạm trọng tội. Nếu chúng ta thấy sự quấy hiện ra thình lình trong tánh tình của một người kia thì đừng tưởng rằng sự quấy vốn do Bản Ngã cao siêu sinh ra, nó chỉ chứng tỏ rằng có một chỗ khuyết điểm trong Chơn Nhơn; bởi vì nếu Chơn Nhơn khá tiến hóa, thì Ngài ngăn chận con người khi một tư tưởng xấu xuất hiện ra thình lình và con người không phạm trọng tội.

Về phần chúng ta, tìm Ðường Ðạo bằng cách đi sâu vào nội tâm có nghĩa là chúng ta luôn luôn phải tiến lên cao rồi đem về Trần thế trong một phạm vi, càng ngày càng thêm nhiều hơn, những bảo vật mà Chơn Nhơn xúc tích trong vô số kiếp của nó. Nhưng mà trong khi tìm hiểu Bản Ngã cao siêu thì chúng ta nên nhớ rằng phải tìm Ðường Ðạo bằng cách tiến ra ngoài. Không thể nào không biết cái chi ở ngoài chúng ta. Chúng ta phải gắng sức học hỏi và tìm hiểu cõi đời và những cái chi xảy ra tại đó.

 -----*****-----

CHƯƠNG THỨ CHÍN

 -----*****-----

 Qui tắc 20

20.- Chớ nên bằng lòng tìm Ðạo với một con đường duy nhất. Mỗi tánh khí đều có một con đường riêng biệt dường như hấp dẫn hơn, quyến rũ hơn, nhưng không thể tìm được Ðạo chỉ với tấm lòng sùng tín, hoặc bằng sự thiền định, hoặc bằng sự hăng hái tiến bộ, hoặc chỉ bằng sự hành động vô tư lợi, hoặc chỉ bằng sự quan sát tỉ mỉ cuộc đời. Mỗi con đường chỉ có thể giúp cho vị Ðệ Tử vượt qua một nấc thang mà thôi; tất cả các nấc thang đều cần thiết để tạo thành một cái thang.

 A.B. - Qui tắc 20 là lời chú giải của Ðức Ðế Quân về ba câu cách ngôn ngắn từ 17 đến 19 kể trong chương trước. Qui tắc ấy nói rằng: con người không nên giới hạn sự phát triển của mình theo con đường nào mà y gặp ít trở lực hơn hết, nhưng y phải khai triển năng lực của y trong mọi chiều hướng trước khi y đi đến mục đích, sự ích lợi đại đồng. Y tìm cách trở thành một công cụ hoàn thiện của Thiên Luật và không một ai có thể thành công được nếu không khai triển cho đủ mọi phương diện. Bởi thế muốn thực hiện cho được sự hoàn thiện, mỗi giống người hay mỗi tánh khí phải cung ứng cho mình cái gì mà mình còn thiếu sót. Nhân loại đạt được mục đích không phải chỉ bằng lòng sùng tín hoặc chỉ bằng sự thiền định, hoặc chỉ bằng sự hành động vô tư lợi và cũng không chỉ bằng sự quan sát tỉ mỉ cuộc đời mà thôi. Cuối cùng sự hoạch đắc tất cả những điều trên đây vẫn cần thiết cho mỗi người, nhưng mà trên con đường hành đạo, con người bị tánh khí mình hạn chế và trong một thời gian rất lâu, những nỗ lực của vị Ðệ Tử đặng giúp đời bị hạn chế bởi một trong những tánh khí ấy.

 Bây giờ rất dễ hiểu tại sao cần phải theo đuổi tất cả những con đường. Khi tiến tới mọi người phải xít lại gần nhau, dính liền như một cơ thể trọn vẹn. Vì vậy nếu một người kia có một năng lực lớn lao về sự thiền định mà những năng lực khác lại rất thấp kém thì nó không giúp y được bao nhiêu khi y phải tiếp xúc với một người có năng lực về sự hành động vô tư lợi [29]. Trong địa hạt nầy y không sánh kịp họ được và sự hữu ích của y cũng bị giảm sút đi. Vì vậy điều có thể mong ước là trong khi tìm sự toàn thiện trong lề lối làm việc riêng biệt của mình và trước khi tìm cách hiểu biết trọn vẹn một vấn đề đặt ra thì đồng thời vị Ðệ Tử cái gì cũng phải học hỏi một chút ít, làm thế nào có thể tiếp xúc chặt chẽ với những người tính khí khác nhau khi mà y phải cộng tác với họ.

Ðiều chánh yếu là sự Quân Bình. Phải đạt cho được cách làm việc theo con đường nào cũng được cho tới một mức độ nào đó. Sự kiên nhẫn cũng cũng cần thiết vậy hầu có thể giúp đỡ mọi người. Phải xem con đường của mỗi người đi là con đường thích hợp với họ, ấy là một trong những con đường mở ra cho con người, vì thế phải cho: nó là tốt. Chúng ta phải kính trọng tất cả những hạng người, và riêng ta, trong khi chờ đợi lúc ta có thể giúp đỡ tất cả, chúng ta hãy thử hướng dẫn những người mà chúng ta không làm được gì cho họ đến những kẻ khác có khả năng giúp đỡ họ., mà chúng ta không chê bai con đường họ theo và không tìm cách dắt dẫn họ theo con đường của mình đi.

C. W.L Sự phát triển gần như không bao giờ đồng điệu với nhau. Ở người nầy sự sùng tín chiếmphần hơn, ở người khác thì trí tuệ, ở người khác nữa thì sự hoạt động. Dĩ nhiên, mỗi người đi theo con đường đối với mình được dễ dàng hơn, song họ không nên quên rằng sự phát triển toàn diện sẽ cần thiết cho họ trước khi đắc quả Chơn Tiên. Vị Chơn Tiên trước nhứt là một người hoàn toàn và nếu chúng ta coi Ngài là lý tưởng của chúng ta thì chúng ta phải rán sức phát triển nhiều cách khác nhau hết lòng tận tụy là một điều rất tốt, nhưng mà, đồng thời phải có học thức, bởi vì con người tận tụy mà mù quáng[30] thì không ích lợi bao nhiêu. Ðối với những kẻ đi trên con đường trí huệ, sự trái ngược lại là đúng, họ cần sự tận tụy, không vậy e cho họ lạc đường vì sự mở mang kiến thức của họ.

Phát triển trong một chiều hướng duy nhứt còn tốt hơn là không phát triển gì hết, nhưng mà nếu mỗi người theo đuổi con đường riêng biệt của mình thì đồng thời y phải nhớ rằng còn có những con đường khác nữa. Người ta thường có xu hướng công kích những con đường khác và tưởng chừng rằng chúng không ích lợi bằng con đường của chúng ta.

Thật vậy, đối với chúng ta, có lẽ những con đường đó không ích lợi, nhưng trái lại chúng vẫn ích lợi đối với những người đi trên con đường đó. Dầu cho trình độ tiến hóa hiện hữu của chúng ta tới bực nào đi nữa, điều chắc chắn là chúng ta cũng phải đạt cho được sự quân bình. Vì thế hôm nay chúng ta chỉ đánh giá sự hoạt động siêng cần, rồi một ngày kia chúng ta sẽ hiểu biết được người tiến bộ nhờ đức minh triết, và sau đó, người tiến bộ nhờ lòng tận tụy mà chúng ta không hề phê bình rằng họ ít có được trực tiếp hữu ích hơn chúng ta. Tôi e rằng những người tiến bộ nhờ lòng tận tụy tỏ ra hẹp lượng cố chấp với những người muốn học hỏi và làm việc. Ðôi khi họ nói rằng tất cả những điều anh làm thuộc về phương diện bên ngoài hay về phương diện trí huệ thuần túy. Nhưng mà trong mọi việc ở thế gian cái Tâm vẫn là điều quan trọng nhất, nếu anh không lo trau giồi cái Tâm thì không thế nào anh tiến bộ thật sự được. Thật vậy, những đức tánh thuộc về cái Tâm phải được mở mang. Tuy nhiên, một vài người tiến bộ nhiều bởi nhờ một công tác nhứt định. Những người khác không thể khêu gợi được nơi họ cái gì tốt đẹp hơn, nếu không có sự học hỏi cẩn thận và sự hiểu biết minh bạch.

Ðôi khi người ta bị đời sống cao siêu lôi cuốn nên chỉ lo tham thiền nhập định. Ðối với vài nhà Huyền Bí Học đó là phương sách tốt nhứt, ít ra cũng ở trong giai đoạn đầu tiên. Nhưng mà, người ta có thể nói rằng: Tôi cần phải phát triển trước nhứt hầu có đủ khả năng phụng sự. Khi tôi thành Tiên rồi tôi sẽ giúp đỡ con người một cách hoàn mỹ, tôi không còn lầm lạc nữa. Ở mọi trình độ đều có công tác để làm, và khi trở nên xứng đáng với quả vị Chơn Tiên, con người sẽ hoàn thành sứ mạng mình trên những cảnh giới cao siêu hơn những cảnh giới mà chúng ta đi đến được. Vì thế nếu chúng ta chờ đắc quả Chơn Tiên mới hiến mình phụng sự thế gian thì từ đây đến đó có nhiều việc thuộc về hạng thấp thỏi hơn sẽ bị bỏ bê. Chơn Sư chúng ta làm việc nhứt là trên cõi Niết Bàn, từ nơi đó, Ngài ảnh hưởng đến hằng triệu Chơn Nhơn. Trên những cõi cao, các Ngài làm những điều mà chúng ta không làm được, nhưng dưới những cõi thấp, hiếm gì công tác vừa sức cho chúng ta làm. Ðôi khi người ta nghĩ rằng các Ðấng Chơn Sư cần phải làm công việc hạ cấp, thí dụ như cộng tác với người nầy, người kia ờ thế gian. Như tôi đã giải thích, các Ngài không làm như vậy, trừ phi trong những trường hợp tương đối hiếm có. Các Ngài nhận thấy những người đó đền bù được một cách mau chóng sự cố gắng của các Ngài đã vì họ mà ra sức. Quyền lợi của công tác đứng trên mọi quan điểm khác đến nỗi, trong đó không tình cảm nào được đóng một vai trò, dẫu là hết sức nhỏ nhặt cũng vậy. Các Ðấng Chơn Sư cộng tác với một Ðệ Tử, nếu tinh lực đem dùng để huấn luyện và điều khiển y trong một thời gian nhất định, phải thu hoạch được kết quả cũng bằng số tinh lực Ngài đã tiêu hao trong một phạm vi rộng rãi hơn và cao cả hơn, nghĩa là nếu y học hỏi được và nếu y sẵn sàng làm được nhiều việc bất cứ ở trong trường hợp nào. Bằng không người ta có thể nói rằng các Ngài chủ ý một cách tổng quát thôi.

Còn nhiều công việc phải làm ở những cõi thấp, thật ra, có những hoạt động lớn lao và rất khác nhau, từ đó đến giờ đã bị lãng quên.

Khi mà tình huynh đệ đại đồng được xác nhận dần dần thì luôn luôn xuất hiện những phương thức mới để phụng sự. Các Ðấng Chơn Sư của chúng ta đã có nhiều Ðệ Tử trước khi thành lập Hội Thông Thiên Học nhưng phần đông là những người Á Ðông như là tín đồ Ấn Giáo, Phật Giáo, Hồi Giáo Thần Bí (Soufis) và tín đồ Bái Hỏa Giáo (Zoroastre). Tâm lý của người Ðông Phương khác hơn tâm lý của chúng ta. Tôi tưởng không phải để châm biếm, là ta có thể nói rằng: Tâm lý người Ðông Phương ít thực tế hơn tâm lý người Tây Phương về một vài phương diện.

Phần đông những Ðệ Tử Ấn lo lắng nhứt là về sự học hỏi riêng tư của họ, vả lại công việc nầy đòi hỏi lắm công phu khó nhọc và họ tiến bước khá xa trước khi họ ngưng lại để giúp đỡ đồng loại. Công tác cứu trợ vô hình đối với họ không hấp dẫn như đối với chúng ta. Ở Ấn Ðộ không một người nào dầu cho một anh lao công tương đối cũng không đến nỗi hoàn toàn mù tịt về đời sống sau khi chết như một tín đồ Thiên Chúa Giáo bực trung. Vì vậy cũng không cần thiết giải thoát họ ra khỏi cái ảo ảnh do sự tin tưởng một miền địa ngục đời đời tạo ra.

Khi mà những sanh viên chúng ta nhận thức được bản tánh của các công tác ở cõi Trung Giới thì họ biết rằng sự cần giúp đỡ lớn lao vô cùng. Trước mặt sinh viên có hàng ngàn người rên siết dữ dội vì họ bị một cơn ác mộng, một thứ bù nhìn do chính họ tạo ra bởi ảnh hưởng những lời giáo huấn phi lý. Ðứng trước một cảnh tượng như thế tức thì phát sanh ý muốn làm giảm bớt mọi sự đau khổ liền, vì vậy công việc của những người cứu trợ vô hình phát khởi và bành trướng như một quả bóng tuyết. Người được cứu bắt đầu giúp đỡ lại kẻ khác vì thế mà bắt đầu trong vòng 35 năm nay, từ khi công việc nầy được tổ chức có phương pháp thì cái kết quả thâu thập được thật là to tát.

Một người có thể tiến hóa rất cao bằng cách chỉ chăm lo sự phát triển riêng tư của mình, nhưng mà với đường lối nầy, y không đạt được quả vị Chơn Tiên. Người nào đợi đến khi mình thành Tiên mới giúp đời thì không bao giờ được thành Tiên đâu. Y có thể ẩn mình vào cõi Niết Bàn nghĩa là đã được giải thoát nhưng mà y không hiểu rằng Ðức Thượng Ðế đương chờ đợi những gì ở nơi y. Một đám đông người ít tiến hóa và ít xuất sắc mà biết được điều đó sẽ theo kịp y.

Bởi vậy cho nên y phải từ khước đời sống trên những cõi cao và trở xuống thấp học hỏi lại những điều y chưa biết nghĩa là nhân loại là một, và nếu không hiểu điều nầy thì khó mà lên tới tột đỉnh của sự tiến bộ.

Nhưng mà, như ở đây đã nói, việc làm vô tư lợi, tự nó, cũng chưa đủ bảo đảm sự phát triển trọn vẹn. Con người cũng cần phát triển lòng tận tụy, nhứt là năng lực đáp ứng với cái ánh sáng bên trong. Không vậy y là một khí cụ bất toàn, dù y hăng hái làm việc đi nữa y cũng không có khả năng đáp ứng mau lẹ với những dấu hiệu, những sự chỉ dẫn xuất phát từ cõi trên đưa xuống. Có thể nói là y cần phải được dẫn dắt mạnh mẽ đúng theo đường lối chánh, chỉ một cử động nhẹ của bàn tay là đủ rồi và thiếu điều kiện nầy thì sự huấn luyện y sẽ làm cho Chơn Sư nhọc lòng nhiều hơn.

Con người cũng phải có vài khái niệm về Thiên Cơ bởi vì công nghiệp nầy rất vẻ vang và muốn hoàn thành nó thì sự hiểu biết rất cần thiết. Vì vậy phải cố gắng mở mang trí thức mới đạt được kết quả đó. Trong lúc hoạt động, chúng ta thâu thập được nhiều sự hiểu biết, nhưng mà chúng ta có đủ lý do để lợi dụng những kinh nghiệm chung của các bậc tiền bối chúng ta, và do sự nghiên cứu, chúng ta học hỏi thêm đầy đủ chừng nào càng tốt chừng nấy hầu mau kiện toàn công việc chúng ta.

Những tật xấu của con người trở thành những nấc thang, từ cái nầy đến cái kia, khi mà con người chế ngự được chúng. Những đức tánh của con người, tự chúng nó cũng là những nấc thang cần thiết mà con người không sao bỏ qua được. Tuy nhiên, dù những nấc thang đó tạo nên một bầu không khí thuận tiện và một tương lai phúc hậu, nhưng nếu chỉ có những tánh tốt thôi, chúng nó cũng không ích gì cả.

A.B. - Ở đây tật xấu cũng như tánh tốt đều được gọi là những nấc thang. Sự đồng hóa nầy đối với sanh viên không có gì phương hại. Còn đối với Ðệ Tử nó rất cần thiết, nhưng mà ở thế gian tốt hơn là chấp nhận nhận một ý nghĩa thu hẹp, bởi vì đối với những người chưa tiến hóa, tật xấu không có nghĩa gì khác hơn là tật xấu và tánh tốt là tánh tốt. Sự đồng hóa làm xáo trộn những quan niệm về luân lý của họ. Họ không thể áp dụng những nguyên tắc như họ đã thông thạo vấn đề và họ chỉ thấy cái giá trị đạo đức của sự hành động mà thôi. Vì vậy họ cần có một bảng danh sách những tật xấu nên tránh, những qui tắc đạo đức và xã hội nên theo. Làm xáo trộn ý kiến chung về tật xấu và tánh tốt là một sự sai lầm, mặc dầu ý kiến ấy cho phép thật hiện nhiều việc mà người Ðệ Tử không biết đến.

Trái lại, những sanh viên Huyền Bí Học phải biết rằng những người nầy, những người kia là những biểu hiện của Thượng Ðế. Cách thức xem xét vấn đề là coi mỗi Linh Hồn như là một Ðấng Thần Linh, một tâm điểm của nhiều ly tâm lực rải rác khắp thế gian. Ðời sống của con người phải là sự biểu lộ của Atma và nó sẽ gặp sự biểu lộ của Atma ở ngoài đời. Trong những giai đoạn đầu tiên của sự tiến hóa của nó, không có gì có thể gọi là tật xấu hay là tánh tốt cả, đó chỉ là một luồng thần lực biểu lộ nhiều cách khác nhau mà những luật lệ xã hội hiện đại của chúng ta không thừa nhận. Và từ khi khởi sự chuyển kiếp làm người, chắc chắn phần đông trong chúng ta, đặc biệt là những ai có cá tánh hồi còn ở trong những loại thú cao nhứt có thể đã sử dụng trí tuệ của họ tới một điểm nào đó và do vậy họ học được nhiều điều khi họ nhìn xem chung qanh họ. Tuy nhiên trên thực tế thì tất cả chúng ta trong giai đoạn đầu tiên đều có phạm những điều mà ngày nay người ta cho là những hành vi xấu xa. Những kinh nghiệm này dạy chúng ta phải hành động khôn khéo hơn, vì vậy chúng là những nấc thang hay là những phương tiện để tiến hóa; ngoài ra chúng còn giúp ta hiểu biết và giúp đỡ kẻ khác mà giờ đây họ đang thực hiện những sự kinh nghiệm tương tự. Tất cả những thứ kinh nghiệm đều cần thiết như nhau. Khó cho ta nhận thức được chúng, dù là từng phần riêng rẽ, nếu không nhờ đến mọi cách thức biểu hiện. Không bao giờ chúng ta có thể giúp đỡ được đồng loại khi mà chúng ta không hiểu biết họ. Có thể xưa kia chúng ta là những kẻ sát nhơn, hay những người say sưa, nếu đó là kinh nghiệm đặc biệt của chúng ta và hiện giờ chúng ta thấy đó là điều quấy thì ấy tại vì vô minh mà chúng ta đã có những hành động như thế nên chúng mới đem sự đau khổ đến cho chúng ta. Về sau, chúng ta biết rằng chúng cản trở sự tiến hóa của mình, chúng là tật xấu, nhưng nếu chưa có một vài mức độ kinh nghiệm nào thì chúng ta chưa biết hành động đó là xấu đâu. Không có lời khuyên nhủ nào khả dĩ cho ta những sự hiểu biết đúng đắn, những sự hiểu biết nầy chỉ là những kết quả của sự kinh nghiệm mà thôi. Sau khi học xong bài học của chúng ta ở một điều nào đó rồi thì dù cho sức cám dỗ mãnh liệt thế mấy chúng ta cũng không hề phạm vào lỗi đó nữa đâu. Huynh không bao giờ được an toàn nếu Huynh còn có thể bị sa ngã. Phải biết điều nầy một cách có ý thức. Ấy là khái niệm khuôn mẫu, ấy là kinh nghiệm căn bản cần thiết cho Huynh nếu Huynh muốn được an toàn và có đủ khả năng phụng sự.

C. W.L Cũng ở đây Ðức Ðế Quân nhắc nhở chúng ta rằng mục đích của sự huấn luyện huyền bí không phải chỉ làm cho con người có đức hạnh mà còn trở thành những mãnh lực thiêng liêng lớn lao có thể hợp tác một cách khôn ngoan với Ðức Thượng Ðế.

Ðức hạnh cao cả là một điều cần thiết trước nhứt, nhưng một mình nó, cũng không ích lợi gì. Bước đầu tiên của sự tiến hóa và trong những giai đoạn sơ khai của nó, con người chưa có ý niệm về Thiện và Aùc, vì vậy mà người ta không thể gán cho họ có tánh tốt hay là có tật xấu. Người dã man, thật ra là một ly tâm lực theo loại vô trách nhiệm mà chúng ta thường gặp trong những loài hạ đẳng. Một con ruồi có một thân hình nhỏ xíu, nhưng sánh với vóc vạc của nó thì nó phát ra một tinh lực kinh khủng. Tỷ dụ một sanh vật bằng chúng ta có một tinh lực to lớn tương xứng với thân mình mà nó không biết gì hơn con ruồi về sự tác dụng tinh lực của nó, thì đó là một sanh vật hung bạo, đáng sợ, một tai họa cho những người chung quanh.

Một người dã man có một tinh lực tương tự, biểu hiện bằng những trận giặc, những sự tham lam đủ thứ, dĩ nhiên đối với quan điểm của chúng ta đó là những tật xấu mặc dầu rất khó mà xem mấy điều đó như là những tật xấu. Ở nơi họ không có thú vui vô đạo và bỉ ổi nào hơn để thúc đẩy họ đến cuộc chém giết như chuyện thường xảy ra ở những người thuộc về giống dân văn minh. Chắc chắn họ cảm thấy một thứ kiêu hãnh chiến thắng được đồng loại và tàn sát chúng, như thế đó họ phải tiêu hao một số tinh lực lớn lao mà trong nhiều ngàn năm sau mới tập trung lại một cách hữu ích được.

Họ phải tập điều khiển tinh lực ấy, để nó xuyên qua mình mà chính họ hay kẻ khác không vì đó chịu khổ. Nhưng đây là một vấn đề kỷ luật và phát triển dài lâu, và cũng là vấn đề do Chơn Nhơn chế ngự các thể của mình.

Ở một trình độ cao hơn nhiều, đối với một người có sẵn một quyền lực rộng hơn thì cũng thế; thí dụ một nhà triệu phú người Mỹ xưa kia có thu hoạch một gia tài lớn lao bằng cách làm cho đồng loại họ tán gia bại sản. Họ hành động một cách thậm tệ, xấu xa để đạt cho được những năng lực ghê gớm về sự tập trung tư tưởng và sự chỉ huy.

Trong tình trạng nầy, họ tập sử dụng năng lực ấy và điều khiển con người, có lẽ trong một kiếp khác, họ sẽ trở nên một vị tướng lãnh. Khởi đầu họ dùng quyền lực như nhà độc tài Nã Phá Luân để thỏa mãn danh vọng cá nhân, cho lòng tham muốn của họ. Về sau họ tập tập cách sử dụng năng lực ấy vào việc phụng sự nhân loại. Vì vậy, chắc chắn những tật xấu của con người là những nấc thang đưa lên đến chỗ cao hơn và tốt đẹp hơn. Tóm lại, muốn tiến qua từ tật xấu đến tánh tốt, phải tập trấn áp tinh lực của ta và đưa nó vào chiều hướng tốt đẹp. Sự thay đổi tật xấu ra tánh tốt, bắt đầu từ ngày chúng ta nhận biết rằng tinh lực phung phí như thế đã gây nhiều đau khổ thì cũng có thể sinh ra những hậu quả tốt. Mỗi khi một tật xấu bị loại trừ thì nó biến đổi thành một tánh tốt đối lập và vì thế nó trở thành một nấc thang thật sự giúp ta tiến tới trong sự phát triển của ta.

Kẻ nào muốn bước vào đường Ðạo phải biết lợi dụng một cách khôn ngoan tất cả bản tánh của con người.

A.B. Ở đây con đường Ðạo có nghĩa là đời sống thiêng liêng theo nghĩa chính của nó. Con người là một sanh vật thiêng liên, đời sống thiêng liêng mới là đời sống thật của nó. Muốn theo con đường nầy, nó phải tận dụng tất cả năng lực, tất cả sức mạnh, tất cả con người của nó. Cái điều mà con người còn ở trong trạng thái tiềm thế, chưa hiện ra thì sẽ trở thành thực tế, đây có nghĩa là trở thành một biểu hiện của Ðức Thượng Ðế. Tới một giai đoạn, vị Ðệ Tử được nghe nói: Ngươi là đường Ðạo. Từ trước đến giờ y gọi Chơn Sư là con đường Ðạo của y. Y thấy Ngài là sự biểu hiện của Ðức Thượng Ðế, nhưng khi trong tâm y biểu hiện được Ðức Thượng Ðế thì chính y trở thành con đường Ðạo và càng tiến tới, y càng thành Ðạo. Vì vậy tất cả bản tánh của con người phải được lợi dụng một cách khôn ngoan, kế đó, Ðiểm Linh Quang, nhờ khí cụ của mình tạo thành, có thể phô bày những năng lực tiềm tàng của mình vào đời sống linh động và thiết thực.

Danh từ Ðiểm Linh Quang không phải dùng như mộthình ảnh nên thơ thông thường đâu. Nó chưa đựng một Chơn Lý mà ta không thể nào được phép quên và cũng không thể diễn tả bằng những danh từ nào khác. Người ta cũng gặp ý tưởng nầy trong quyển Cương Yếu (Catéchisme) được kể ra trong bộ Giáo Lý Bí Truyền (La Doctrine Secrète) trong vị Ðạo Sư hỏi môn đệ mình rằng: Con thấy gì?. Và vị Ðệ Tử thấy vô số tia sáng dường như mỗi cái đứng biệt lập một mình. Ðối với kẻ vô minh thì đúng vậy, nhưng dưới mắt của vị Thánh Nhân những tia sáng ấy hợp thành một ngọn lửa duy nhất. Một tia sáng với tư cách trung tâm của Tâm thức là một điểm rộng lớn mênh mông, không thể tách rời ra được. Thật ra tất cả trung tâm đều là một, vì chỉ có một viên thể cuối cùng, một vũ trụ duy nhất, nhưng mà dưới cõi Niết Bàn, lẽ mầu nhiệm của trạng thái đơn nhất không làm sa hiểu nỗi. O dưới các cõi thấp, không thể nào diễn tả được. Mọi sự thử phô diễn nó bằng những biểu tượng cũng vẫn còn là bất toàn.

Ðiểm Linh Quang là Chơn Thần mà ba Ngôi là hình ảnh của nó trên cõi Niết Bàn. Tại đây Tinh Thần Atma phân làm ba Ngôi, nó phóng một trong những quyền lực của nó xuống cõi Bồ Ðề, và một quyền lực khác xuống cõi Thượng Giới. Chơn Thần có những tiềm lực của Ðức Thượng Ðế mà trong buổi đầu tiên nó không bao giờ biệu lộ được.

Atma đi xuống dưới hiện ra làm Manas là nguyên lý tạo ra cá nhân, ấy là năng lực sinh sản Bản ngã, do đó sinh ra Cá tánh trong thời gian, tương phản với Vô Thủy Vô Chung. Nó bao mình bằng một lớp vật chất hầu biểu hiện ở cõi Thượng Thiên và như thế tạo ra một vận cụ là Nhân Thể (Corps causal). Nhân Thể sống trải qua suốt những kiếp luân hồi của con người. Ấy là cái thể cấu tạo với niềm đau khổ, nhờ đó con người tự nguyện theo đuổi sự phát triển của mình.

Huynh hãy quan niệm rằng Atma đi xuống ban rải thần lực ở cõi thứ ba (bắt từ trên đi xuống) nghĩa là cõi Thượng Giới (Cõi Trí Tuệ). Nó bao mình bằng một lớp vật chất tức là chất khí cao nhất [31] của cõi nầy và tạo thành Nhân Thể, là vận cụ nó dùng từ đây để biểu biện trạng thái trí huệ của nó tại cõi nầy. Nó là Ngôi thứ Ba Manas mượn Nhân Thể (Thượng Trí) khi nhập thế đặng đi đầu thai; Manas phân ra làm hai. Nó xuống những cảnh giới thấp của cõi Trí Tuệ và tạo thành nơi đây một vận cụ gọi là Hạ Trí. Tới phiên nó, Hạ Trí tạo thành thể Vía, và Thể Vía đến lượt nó dùng tinh lực làm ra Thể Phách và Thể Xác.

Trên cõi của nó, mỗi thể là một phương tiện để thu hoạch kinh nghiệm và kinh nghiệm nầy được truyền lại cho chủ nhân sanh hóa nó, nếu bản tánh nó làm được việc nầy. Như thế, khi con người lìa bỏ trần gian, Hạ Trí chuyển đạt lên Nhân Thể mọi kinh nghiệm đã thu hoạch rồi thì Phàm Nhơn tan rã. Nhân Thể lưu trữ những kinh nghiệm khác nhau thuận lợi cho cuộc trưởng thành của nó và giữ mãi chúng trong suốt thời gian của những kiếp tái sanh của nó sau nầy.

Phần khác, Nhân Thể liên lạc với cái gì ở trên nó. Về phương diện nội tâm hay là phương diện cao hơn, từ vận cụ nầy tinh hoa của tất cả những sự kinh nghiệm của Nhân Thể đều chuyển đạt lên Manas, Ngôi Ba của Atma, như thế điều gì mà trạng thái Trí Tuệ của Atma thâu nhận được khiến nó đủ khả năng hoạt động khỏi cần đến Nhân Thể, nghĩa là không cần có vận cụ mà cũng không có giới hạn nào cả.

Quen thuộc với những sự kiện trên, học giả sẽ nhận thấy rằng những lời lẽ trên đây giải thích cái chết của Cá tánh. Vả lại, ý niệm này vẫn gặp trong những kinh sách Ấn Giáo và Phật Giáo. Nhân Thể tiêu biểu cho Cá tánh, nó sống mãi suốt chu kỳ của những kiếp luân hồi. Tạo ra trong một lúc, nó cũng phải bị hủy diệt trong một lúc khác. Ðã có sanh tất phải có tử.. Theo thành ngữ của Thánh kinh Gita Cái chết chắc chắn sẽ đến cho kẻ nào đã sanh ra[32]. Ðiều nầy thật đúng, chẳng những ở ngoại giới mà cũng trong ý nghĩa rộng hơn, Nhân Thể đã sanh ra tất phải bị hủy diệt. Chính nó là nơi trú ẩn mà Ðiểm Linh Quang đã kiến tạo với nhiều công lao khó nhọc. Chính nó là Cái Tôi của vị Ðệ Tử. Ở những người khác, Cái Tôi còn ở dưới thấp hơn nữa trong Phàm Nhơn, nhưng Cái Tôi mà chúng ta vừa nói đến chúng ta phải tiến tới nó khi bước vào đường Ðạo[33]; cuối cùng chúng ta phải vượt qua khỏi nó khi giai đoạn phát triển của Atma đã chấm dứt; ấy là lúc được giải thoát thật sự[34]. Từ đây đến đó nó thu hẹp lại và bản chất của nó thay đổi dần dần theo sự trưởng thành của vị La Hán. Ðến một ngày kia, người ta nhận biết rằng họ là Cái Tôi bất toàn chớ không phải là Cái Tôi chân thật, nhưng trong thời kỳ hiện hữu của sự tiến hóa nhân loại, tất cả sự ướm thử để miêu tả nó chỉ làm sai lạc ý những ý niệm mà thôi.

Vị Ðệ Tử có lý do tự nguyện tìm hiểu và thanh lọc cá tánh. Cá tánh được cấu tạo để phụng sự người tạo thành ra nó, đôi khi, nó được gọi bằng danh từ chuyên môn là vật được sáng tạo ra (créature), vì thế, người ta nói rằng con người con người thật (Chơn Nhơn) gặp gỡ vật của nó tạo ra, cũng thế, cá tánh hay vật tạo ra gặp lại con người tạo thành ra nó (créateur). Sự gặp gỡ nầy chỉ xảy ra trong một giai đoạn khá cao của cuộc tiến hóa. Khi con người gặp lại vật của y tạo ra thì y trở nên toàn năng, toàn thiện và vượt qua khỏi cá tánh.

Sự cấu tạo cá tánh nầy xảy ra trong một giai đoạn thấp thỏi[35], nó bắt buộc con người phải dùng nhiều nỗ lực trường kỳ. Những người ít tiến hóa bị nhốt trong những thể thấp của họ một thời gian lâu lắm và điều nầy cần cho sự tiến bộ của họ khi mà cá tánh của họ chưa được cấu tạo trọn vẹn. Vì vậy, Nhân Thể (Thượng Trí) cũng còn ở trong tình trạng của lớp vỏ vô ý thức, trong khi ở Phàm Nhơn những sự hoạt động đã diễn ra. Phải mất bao nhiêu thời gian để cấu tạo Xác Thịt; phải mất bao nhiêu cuộc Tuần Huờn, biết bao nhiêu giai đoạn mà tổ tiên con người tại Dãy Nguyệt Cầu (Pitris) [36] phải trải qua, trước khi đủ năng lực bước sang cuộc tiến hóa của Nhân loại. Thời gian cần thiết cho con người để cấu tạo cá tánh vốn biến đổi vô cùng, không nhứt định được, nhưng tất cả đều phải mất một thời gian lâu lắm. Sự cấu tạo nầy rất mau lẹ trong những giai đoạn cao siêu, dưới sức kích thích của Chơn Nhơn đã tiến hóa hơn trong những giai đoạn thấp thỏi. Khi Trí Tuệ tiến đến một giai đoạn cao, nó sử dụng những mãnh lực cao siêu, và tập không phung phí những mãnh lực ấy thì bấy giờ sự cấu tạo được tiếp tục một cach thần tốc. Ðối với chúng ta đó là một sự khích lệ mạnh mẽ. Thật vậy, chúng ta nhớ lại Dãy Nguyệt Cầu và nghĩ đến thời gian chúng ta dùng để tiến tới, nếu phải tái diễn thì thời gian ấy đối với ta thật là quá lâu lắc, xa vời; nhưng nếu chúng ta nhìn tới trước, chúng ta nhận thấy sự tiến bộ có thể gia tăng một cách mau chóng hầu như không thể tưởng tượng được.

Ðiểm Linh Quang, tự nó, không thể làm gì được, mọi phát triển của nó phải do sự tiếp xúc với những tinh lực bên ngoài và các vận cụ của nó. Không có chúng thì không thể có sự tiến triển. Như Ðức Bà Blavatsky đã nói: Tinh Thần vốn vô ý thức ở mấy cõi thấp. Nó không thể phô diễn một quyền lực nào nếu không có một Thể Xác để biểu lộ quyền lực đó tại cõi nó đương hoạt động.

Hơn nữa, nó chỉ làm chủ được các Thể của nó khi nào chúng trở nên hoàn thiện. Công việc hoàn thiện hóa các Thể làm phát triển những năng lực của Tinh Thần cho đến mức hoàn thiện. Vì vậy cả hai đều phát triển một lượt với nhau. Khi công tác nầy hoàn thành rồi thì Tinh Thần có năng lực làm tan vỡ những Thể cá nhân[37] lúc nó loại bỏ những Thể đó ra ngoài và cấu tạo lại tức khắc những Thể đó khi nó xét thấy điều nầy cần phải làm.

Hãy tưởng đến những Ðấng Thiêng Liêng đã toàn thiện. Sự phát triển của các Ngài chỉ cần dùng các Thể là khi nào các Ngài còn tiến hóa trong hàng ngũ Nhân loại hay các loài thấp hơn, nhưng nếu trong các Ngài có một vị đã đồng hóa mọi kinh nghiệm của cuộc tiến hóa nầy, muồn biểu hiện ra thì bất cứ lúc nào Ngài cũng có thể tạo ra một Thể cần thiết cho công việc đó, và sau khi đã sử dụng những năng lực của cõi nầy rồi, Ngài loại bỏ nó một lần nữa. Nói về các Ðấng Tinh Quân (Esprits planétaires), Ðức Bà Blavatsky cho chúng ta biết là các Ngài đã đầu thai vào hàng nhân loại. Chúng ta không thể thấy các Ngài trong những vai trò cứu trợ, nếu trong những giai đoạn làm người các Ngài không đồng hóa được sự kinh nghiệm cần thiết. Vì vậy cũng có những Ðấng không thể hiện ra, nhưng có đủ khả năng hiện ra bằng cách mượn trong tinh hoa của các Ngài sự kinh nghiệm mà các Ngài cần dùng và tạo ra một vận cụ để có thể hoạt động trong đó.

Người ta rất dễ hiểu tại sao có những Thể để riêng cho các Ngài dùng. Khi tiến tới, chúng ta cổi bỏ những Thể dùng để biểu hiện bên ngoài và chỉ tập sử dụng nó riêng cho công tác cao cả mà không chút tư ý nào hết. Ðối với Ðệ Tử đi tới trình độ đó thì Thể Xác pải là sự nỗ lực của anh thường ngày. Thể Xác phải đu7ọc chế ngự đến nỗi trong tâm anh không còn bóng hình của nó nữa. Nó có ra đây là để phụng sự anh và anh phải tập chế phục nó hoàn toàn hầu nó không thể bắt anh làm những kinh nghiệm nào mà anh không muốn; nó chỉ còn là một công cụ vừa tầm tay của anh; anh dạy nó chuyển đạt những kinh nghiệm của nó cho Chơn Nhơn. Một ngày kia, anh không cần đến sự chuyển đạt kinh nghiệm nữa thì Bản Ngã sẽ chọn lựa tùy ý mình. Ðó là một đỉnh núi cao vòi vọi, đó là trình độ của vị Chơn Tiên.

Trong quyển Giáo Lý Bí Truyền có nói rằng: Thể Xác của Chơn Sư là ảo ảnh, đây chỉ có nghĩa là Thể Xác không làm bực bội, xáo động hay khó chịu cho Ngài. Do Thể Xác nầy, những mãnh lực xung quanh chỉ có thể ảnh hưởng đến Ngài trong phạm vi Ngài cho phép mà thôi và không thể làm lung lay trung tâm của nó được. Ðức Bà Blavatsky cũng nói rằng Thể Xác của Chơn Sư chỉ là một vận cụ không truyền đạt cái chi hết, một điểm tiếp xúc với cõi Trần, một Thể dành cho nhu cầu hoạt động của Ngài, rồi bị phế thải sau đó khi không còn thiết dụng nữa. Ðối với Thể Vía và Thể Trí cũng thế. Khi Nhân Thể thành ra một dụng cụ thì cá tánh tan mất. Atma có năng lực biểu hiện tùy thích trạng thái thứ Ba của mình trên cõi Thượng Giới và không còn duy trì một cái Thể thường trực nữa.

C. W. L. Câu cách ngôn ngắn nầy dường như trái ngược với vài câu cách ngôn trước. Thí dụ: nó dạy chúng ta diệt lòng ham muốn, diệt vài thành phần của chính chúng ta. Trong quyển Tiếng Nói Vô Thinh (La voix du silence) nói rằng: Vị Ðệ Tử phải tập tùy ý tiêu diệt Thể Nguyệt Tinh [38]- nghĩa là tiêu diệt Thể Vía, chừng nào cũng được. Hai chữ tùy ý là cái bí quyết. Không nên tiêu diệt Thể Vía, còn nếu diệt nó thì chúng ta sẽ thành những quái vật trí hóa rất mở mang, nhưng không có chút thiện cảm nào cả. Nhiều người rất sợ sự cảm động vì họ không thể chống lại nó, tuy nhiên, họ phải gắng sức không phải để tiêu diệt nó mà là để thanh lọc và trấn áp nó. Nó phải là một mãnh lực khả dĩ giúp ích được chớ không phải là một mãnh lực đè nặng lên chúng ta. Không nên tiêu diệt sự cảm động, bởi vì không có nó thì chúng ta không bao giờ có thể hiểu được sự cảm động của kẻ khác và sau đó, cũng không bao giờ chúng ta có thể giúp đỡ những người có tánh hay cảm động. Chúng ta chỉ nên tinh luyện nó và trừ tuyệt mọi yếu tố cá nhân riêng biệt.

Cũng thế, những người trí thức không nên tiêu diệt trí tuệ của mình mà phải bắt cho nó một cái hàm thiết, rồi dẫn dắt nó đi. Thật rất đúng, trí tuệ cũng như sự sùng tín có thể nổi xung. Luôn luôn người ta không hiểu được điều đó. Người ta nói trí tuệ tự nó cản trở chúng ta sa vào chỗ cực đoan. Tôi sợ điều nầy không phải như vậy đâu. Nhiều người thần thánh hóa trí tuệ, họ nói: Lý trí của chúng ta là kẻ hướng đạo duy nhất mà chúng ta có và chúng ta theo nó một cách hợp lý cho đến cùng.

Thật quả như vậy, nếu tất cả tiền đề của nó là đún, nhưng thường thường thì chúng rất thiếu sót. Những người nầy thường chỉ xét vấn đề trên phương diện hình thức bên ngoài, sự kết luận của không tránh khỏi những sự sai lầm. Tôi xin lập lại: phải giữ quân bình. Phải tập nghiên cứu một vấn đề dưới mọi phương diện, phải tránh sự phát triển một đức tánh duy nhất, - dù nó tốt thế mấy đi nữa cho đến đỗi mọi đức tánh khác biến mất kế bên nó, bởi vì thường thường một đức tánh tốt tuyệt diệu có thể trở nên nguy hiểm nếu nó tách rời những đức tánh khác, tức là đứng riêng biệt một mình. Người có trí thông minh sắc bén đáng được chúng ta khen ngợi, vì sự mở mang trí tuệ, nhưng y càng phải lo giữ chừng phương diện khác nữa của bản tánh y, như tình thương, tình thiện cảm, không được thờ ơ, không được lảng quên.

Cũng thế, rất đúng vậy, những người có tình thương và thiện cảm phải lo phát triển về phương diện trí tuệ, hầu đừng vì thiện cảm để đến đỗi làm một điều khờ dại, đã không giúp đỡ được kẻ khác mà lại còn cản trở họ không cho tiến tới. Một người có tình thiện cảm quá nồng nhiệt nhưng vì không sáng suốt, nên thường bất lực trong sự giúp đỡ người khác cũng như một số đông những người chứng kiến một tai nạn lớn lao mà không biết gì về y học cả. Nhiều người đầy lòng thiện cảm và rất mong muốn giúp đỡ nhưng không biết phải làm gì cả. Nếu họ dốt nát thì sự cố gắng của họ có thể làm hại cũng như là làm lợi. Sự hiểu cũng cần thiết như sự cảm xúc, điều nầy không ai chối cãi được.

Trong bản tánh của ta, sự cảm xúc là một lực kích thích (xung lực), trong những bản văn cổ Ấn Ðộ có nói rằng: Những sự cảm xúc là những con chiến mã do Hạ Trí cầm cương điều khiển. Vì thế phải khai triển sự cảm xúc và luôn cả Hạ Trí nữa. Những con ngựa cần thiết cho ta, ấy là phương tiện để tiến bộ, một kho dự trữ sanh lực, nhưng mà sự chỉ huy hợp lý không phải là ít hữu ích, nếu không có nó, những con ngựa đó nổi chứng lênlôi cuốn chúng ta. Tất cả điều nầy được luôn luôn chỉ dẫn trong mọi tác phẩm Huyền Bí Học, tuy nhiên, khó mà lập đi lập lại cho thường, vì người ta sẽ quên đi. Luôn luôn có người chỉ mở mang có một phương diện, còn phương diện khác ở trong tình trạng phôi thai. Ðó là một trong những lý do có thể đưa đến sự sa ngã, dù là một người tiến hóa cao cũng vậy.

Nói một cách tuyệt đối, mỗi người, đối với chính mình là con Ðường Ðạo, là Chơn lý và là Sự Sống. Nhưng tất cả đều trở nên sự thật là chỉ khi nào nó thấu hiểu trọn vẹn cá tánh của nó và nhờ sức mạnh của ý chí thiêng liêng đã thức tỉnh, nó nhận biết cá tánh không phải thật là nó mà là cái vật do nó cần mẫn tạo thành để riêng cho nó sử dụng, và nhờ đó nó tự nguyện tiến tới sự sống ở bên ngoài cá tánh, khi sự phát triển của nó mở mang dần dần trí tuệ. Khi nó biết rằng vì lý do nầy mà sự sống tồn tại, sự sống phi thường và phức tạp, - thì thật ra chỉ tới chứng đó nó mới ở trên Ðường Ðạo.

C. W.L Con Ðường Ðạo nghĩa là đời sống thiêng liêng thật sự chỉ tìm thấy sau khi cá tánh đã được tạo thành xong. Ở đây, danh từ do Ðức Ðế Quân Vénitien dùng cái vật phức tạp nầy được cấu tạo với nhiều công phu khó nhọc và cố gắng để dành riêng cho nó sử dụng có thể áp dụng cho cá tánh, cũng như cho mỗi Phàm Nhơn. Chơn Thần cấu tạo cá tánh hay là Chơn Nhơn, đến phiên nó, nó cấu tạo ra nhiều Phàm Nhơn khác nhau, nhưng tất cả đều phụng sự cho đời sống cao siêu và cũng chỉ vì lý do duy nhất nầy mà thôi. Tất cả mọi người đồng phạm một lỗi lầm là đồng hóa với bản tánh thấp thỏi và để nó làm cho họ tin rằng nó là Bản Ngã, sự thật, trong khi đó Bản Ngã là Chơn Thần, ở tận trên cõi cao và sử dụng hết thảy những vận cụ nầy.

Có thể định nghĩa cuộc tiến hóa của nhân loại là một sự phản bổn hườn nguyên, nhưng luôn luôn con người mang theo mình những bó hoa thơm[39] chớ không hề trở về với hai bàn trắng. Sự truyền đạt những thành quả của kinh nghiệm từ thấp lên cao luôn luôn tiếp tục ở tất cả mọi trình độ.. Trong đời sống hằng ngày, chúng ta vẫn làm như thế bằng nhiều cách, nhưng chúng ta lại không giải thích như vậy. Thí dụ chúng ta biết đọc: trong kiếp nầy chúng ta tạo được năng khiếu đó một cách chậm chạp với nhiều cố gắng. Hôm nay, chúng ta cầm một quyển sách lên và hiểu liền những trương sách nói gì. Về điều nầy rất vô ích mà nhớ lại rằng chúng ta biết đọc, những chi tiết của kinh nghiệm nầy đã bị quên hết rồi, chúng ta không lợi lộc gì mà nhớ tới nó. Vài người trong chúng ta tập đọc những nốt nhạc và đọc được nó, nhưng lúc mới bắt đầu học, họ phải xem xét kỹ lưỡng mỗi nốt và kế đó tìm nút nhạc tương ứng trên phím đàn. Hôm nay sự cần thiết của tất cả công việc đó đã quên, sự nhớ lại mỗi bài học xưa không còn cần thiết nữa để dạo đàn, mục đích của nó đã đạt được.

Việc nhớ lại những tiền kiếp cũng đúng như thế. Những người tin có Luân Hồi thường có ẩn ý oán hận, bởi vì họ không nhớ được nguyên nhân của những sự đau khổ hiện thời của họ, tuy nhiên, họ bằng lòng chấp nhận những sự đau khổ nầy do tội lỗi xưa kia gây ra. Có lẽ ý thức nầy thật tự nhiên, nhưng không có gì quan trọng. Linh Hồn hiểu biết, ghi chú nguyên nhân sanh ra một kết quả xấu và cố gắng hết sức ảnh hưởng đến Phàm Nhơn hầu tránh sự tái phạm những lỗi lầm.

Người ta tưởng rằng đời sống của chúng ta sẽ được giản dị nếu Phàm Nhơn có thể nhớ lại tất cả những kiếp quá khứ. Về vài phương diện có thể được, nhưng theo ý tôi, nếu trước khi đắc quả Chơn Tiên mà Phàm Nhơn chúng ta nhớ lại tất cả những kiếp đã qua thì có hại hơn là có lợi. Trước hết, chúng ta không đủ khả năng cân nhắc tất cả những sự việc với một cách thản nhiên, bình tĩnh được. Cái cảnh tượng của những tội ác gớm ghiết do chúng ta gây ra ở những kiếp trước làm cho lóng chúng ta chán nản.

Từ lâu tôi biết cách tri ra những tiền kiếp của tôi, tôi không được vui chút nào cả. Những việc làm cao thượng, những sự tốt đẹp đôi khi xảy ra trong những kiếp trước của mỗi người, và người ta gặp lại chúng với niềm vui thỏa thích, nhưng trong sự quan sát một kiếp quá khứ, cái điều làm ta xúc động trước hết và mãnh liệt hơn hết là một số cơ hội mà người ta không thấy được. Ðây đó, khắp cả, những cơ hội bao quanh chúng ta, và tôi ngạc nhiên mà nhận xét rằng: chúng ta ít lợi dụng chúng nó quá, không phải vì chúng ta thiếu ý chí nắm lấy chúng nó, ý muốn chúng ta tốt nhiều hay tốt ít và nếu chúng ta phân biện được những cơ hội thì chúng ta chụp lấy chúng nó rồi. Bây giờ chúng ta ngó lại sau, chúng ta chợt thấy mình khi xưa mù quáng. Chúng ta tự nói rằng: nếu tôi quyết định theo đường lối nầy hay đường lối kia thì cái hậu quả sẽ xảy ra, và hôm nay tôi đã thành một vị chơn Tiên rồi. Chỉ vì chúng ta không chịu làm như vậy thôi. Ði đến trình độ cao cả nầy cái quyền năng nhớ lại tiền kiếp sẽ hữu ích cho chúng ta, nhưng vì sự phát triển hiện tại của chúng ta về trí tuệ và sự tự do ý chí như thế thì chắc chắn đ1o không phải là một niềm vui không pha lẫn với những sự buồn tủi đâu.

Chúng ta hảy khảo sát những nguyên lý tổng quát. Nói về toàn diện, chúng ta là thành phần của một cái Cơ để giúp cho con người tiến hóa, vì thế nếu chắc chắn một người kia phải nhớ lại tất cả những kiếp quá khứ của y, và việc nầy có ích lợi cho y thì y sẽ có quyền năng đó, nhưng nếu y không có quyền năng đó, chúng ta nên chứng tỏ có chút đỉnh niềm tin tưởng và nhìn nhận rằng: tất cả chung qui đều góp phần vào sự tốt đẹp. Có được quyền năng nhớ lại kiếp trước, con người cùng một lúc hoạch đắc nhiều kinh nghiệm hơn và xét đoán bình tĩnh hơn. Y rất tin tưởng Cơ Trời do Luật Công Bình chỉ huy, khi cách trả quả do bởi nguyên nhân nào sinh ra mà y không hiểu được thấu đáo thì y không nói rằng: Tôi không thấy lý do của điều nầy, nhưng chút nữa chắc chắn tôi sẽ tìm ra. Y không có ý tưởng rằng y bị sự bất công. Những người luôn luôn than van số phận bị đối đãi bất công và không ngớt than trời trách đất bỏ bê mình, thật là không biết chi hết về vấn đề nầy cả. Luật Trời, chúng ta biết vốn chí công, nó chính xác như Luật Hấp dẫn, nhưng không do đó mà chúng ta có thể luôn luôn nói đúng được cách thức của Luật Trời hành động. Như tôi đã nói, Chơn Nhơn ghi chú nguyên nhân của những hiệu quả xấu; hiểu biết nhờ những kinh nghiệm thuở xưa, nó thử gây ảnh hưởng đến Phàm Nhơn trước khi Phàm Nhơn chưa trở nên quá dũng mãnh, quá nổi bật lên, quá cương quyết để từ chối sự chấp nhận chiều hướng của Chơn Nhơn ở trên cao hơn nó nên nó cho là viễn vông. Phàm Nhơn lại rất tin tưởng rằng trong lãnh vực của nó, luôn luôn nó hữu lý. Phàm Nhơn thường khước từ sự giúp đỡ từ cõi trên, vì vậy Chơn Nhơn không thể ảnh hưởng đến Phàm Nhơn như ý muốn. Tuy nhiên, Chơn Nhơn tìm cách trở thành Chủ nhơn và khi chúng ta dần dần tiến tới, chúng ta cảm thấy càng ngày Chơn Nhơn càng tìm cách nắm lấy quyền hướng đạo. Nếu chúng ta bằng lòng đồng hóa với Chơn Nhơn, chúng ta sẽ thấy Ngài có thể tác động nhiều hơn cho chúng ta. Chơn Nhơn gặp sự khó khăn chính là việc Phàm Nhơn bực trung đồng hóa với các thể thấp và không chịu nổi sự can thiệp của Chơn Nhơn, nhưng nếu Chơn Nhơn có thể dẫn dụ Phàm nhơn đồng hóa được với mình thì mọi sự khó khăn sẽ giảm bớt tức khắc.

Hơn nữa, khi Thể Vía và Thể Trí đã hoàn toàn bị chế phục, sự tiến bộ có thể nhanh chóng nhứt. Bình thường, khi Chơn Nhơn muốn dùng một Thể thấp đặng chăm lo một việc nào đó thì chúng nó ngoan cố đưa ra cả trăm việc khác và những tờ trình mà Chơn Nhơn không đòi hỏi mà cũng không muốn biết. Cái Trí phải phục tùng mạng lịnh cách nào mà nó chỉ truyền đạt đến Chơn Nhơn điều mà Chơn Nhơn muốn biết thôi; như vậy, nếu Chơn Nhơn đưa ra một vấn đề cho Cái Trí và nói: Hãy giải quyết điều này cho minh bạch và cho tôi những lời chỉ dẫn mà tôi cần biết, thì Cái Trí dễ dạy ngoan ngoãn vâng lời, trong lúc đó, cũng ở tình trạng như thế, Cái Trí bu65c trung lại đưa cả trăm việc vô ích cho Chơn Nhơn, vì tất cả bay vơ vẫn trên không trung len lỏi vào Cái Trí và bắt nó phải thu nhận.

Hệ thống chuyển đạt những kết quả của các công tác thấp thỏi nhưng không có những chi tiết của sự kinh nghiệm vẫn bất di bất dịch cho đến khi nào chúng ta đắc quả Chơn Tiên. Trong tiến trình phát triển của Chơn Nhơn, sự thay đổi đầu tiên nổi bật trong con người là đưa trí tuệ mình lên đến cõi Bồ Ðề. Con người có Ba Ngôi, nhưng y hiện đang hoạt động trên hai cảnh giới thay vì ba [40], Atma phát triển trên cõi của nó; Ngôi thứ Nhì (Bouddhi) ở trên cõi riêng của nó, và Ngôi thứ Ba (Manas) ở ngang mức độ của Bồ Ðề (Bouddhi) được nâng lên tới Trực Giác. Chơn Nhơn liền rời bỏ Nhân Thể mà nó không còn cần dùng nữa. Nếu muốn trở xuống và biểu hiện một lần nữa trên cõi Thượng Giới thì Chơn Nhơn phải tự tạo lấy một Nhân Thể mới, ngoài ra Nhân Thể không còn cần thiết cho nó nữa.

Cũng gần giống như thế, hai biểu hiện nầy, tức là Bồ Ðề (Bouddhi) và Trí Tuệ linh diệu gọi là Trực Giác, hợp nhau lại trên cõi Bồ Ðề rồi tiến lên đến cõi Niết Bàn và tại cõi Niết Bàn, Ba Ngôi linh động một cách viên mãn. Lúc bấy giờ, Ba Biểu Hiện đồng qui làm một. Quyền năng nầy ở trình độ của Chơn Tiên, bởi vì Ngài hợp nhứt Chơn Thần với Chơn Nhơn, cũng như Ðệ Tử rán sức hợp nhứt Chơn Nhơn với Phàm Nhơn.

Ngôi thứ Ba (Manas) tách mình ra khỏi Nhân Thể và lên tới cõi Bồ Ðề ở bên cạnh Ngôi thứ Nhì Bồ Ðề (Bouddhi), đó là hình dáng hay trạng thái của Chơn Nhơn mà Ðức Bà Blavatsky gọi là Chơn Nhơn thiêng liêng (Égo spirituel). Khó mà lập một sự so sánh với những chi tiết của Hai Biểu Hiện ấy do các nhà Thần Học Cơ Ðốc Giáo đã trải qua và đã mô tả. Họ đứng trên một phương diện khác, nhưng trạng thái nầy dường như phù hợp với điều mà những nhà Thần Học gọi là Thiên Khải (Illumination spirituelle), nghĩa là trạng thái La Hán. Ấy là sự phát triển của Nguyên Lý Bồ Ðề. Ðối với chúng ta, Nguyên Lý Bồ Ðề sanh ra ngay trong lúc Tâm Thức Bồ Ðề chuyển động lần đầu tiên trong con người, nhưng mà khi nói Ðấng Christ phát triển trọn vẹn trong người nó, tôi tưởng đó là trạng thái mà chúng ta vừa mới nói đây.

Tiến tới những trình độ cao siêu nầy, sự tiến bộ gia tăng tốc độ mau lẹ vô cùng. Tôi nhớ, tại Ấn Ðộ, một ngày kia người ta hỏi tôi có phải cách đo những sự tiến bộ của con người trên Ðường Ðạo bằng Toán học cấp số (cấp số cộng) [41] không? Tôi trả lời: Khi sự tiến bộ chuyển vận điều hòa, tôi tưởng nó là Kỷ hà cấp số (cấp số nhân) [42]. Tôi không thuyế phục cho thiên hạ tin tôi. Người Ấn Ðộ dường như cho tôi đi xa hơn một chút. Tôi có hỏi Ðức Thầy Kouthoumi danh từ Kỷ hà cấp số có thể áp dụng cho sự tiến bộ của một người đi trên Ðường Ðạo không? Ngài đáp: Không, danh từ đó không được chính xác. Khi một người bước vào Ðường Ðạo, nếu y tập trung tất cả tinh lực trong người y, sự tiến bộ của y tiêu biểu không phải bằng Toán học cấp số hay là Kỷ hà cấp số mà bằng Lũy thừa. Vì vậy không phải cấp số 2, 4, 8, 16... mà bằng 2, 4, 16, 256... Ðiều nầy làm sáng tỏ vấn đề một cách rất khác xa và chúng ta thấy trước điều đương chờ đợi chúng ta không đến nỗi khó khăn mà cũng không đến nỗi gian khổ như người ta đã tưởng. Chúng ta phải trải qua hàng ngàn năm mới tiến đến giai đoạn hiện tại và công trạng không có gì đặc sắc lắm nếu tính theo thời gian đòi hỏi. Nếu cuộc tiến hóa vị lai của chúng ta cũng chậm chạp, chúng ta sẽ chán nản, tuyệt vọng khi nghĩ đến: còn phải qua bao nhiêu thế kỷ, bao nhiêu thời đại nữa mới đạt được mục đích. Nên khuyến khích cái ý nghĩ rằng chúng ta tiến bộ thật mau chóng, ngay bước đầu tiên trên Ðường Ðạo.

Hãy chấp nhận rằng người tử tế bực trung dùng có một phần trăm trí tuệ để tự đào luyện mình đặng trở nên tốt lành hơn trước một chút. Nhiều người không làm như vậy. Chúng ta khảo cứu những nguyên lý Huyền Bí Học và cố gắng sống một cuộc đời phù hợp theo đó, chúng ta đi xa hơn và bắt đầu dùng một thời gian thích ứng để học Huyền Bí Học. Khi chúng ta tiến đến giai đoạn mà mọi sức lực và mọi tư tưởng của ta tập trung vào công tác lớn lao nầy thì chúng ta tiến bằng cách nhảy vọt tới trước. Hôm nay thì chúng ta còn ở đàng sau xa, khi mà chúng ta có thể dùng tất cả năng lực của chúng ta vào công tác cần thiết thì chúng ta làm việc vô cùng tốt đẹp hơn điều mà chúng ta làm được bây giờ.

Hãy tìm Ðạo bằng cách đi sâu vào chốn thâm sâu huyền diệu và vinh quang của nội tâm con. Hãy tìm Ðạo bằng cách phân tích mọi kinh nghiệm, sử dụng các giác quan của con hầu nhận thức được sự trưởng thành và ý nghĩa của cá tánh cũng như sự tốt đẹp và sự tối tăm của những Ðiểm Linh Quang khác đương phấn đấu khổ cực ở một bên cạnh con và tạo thành nòi giống của con.

Hãy tìm Ðạo bằng sự khảo cứu những định luật sanh tồn của đời sống, những định luật thiên nhiên và siêu nhiên, và hãy tìm Ðạo bằng cách bắt buộc linh hồn con hoàn toàn phục tùng ngôi sao lập lòe đương chiếu ở trong nội tâm, lần lượt khi mà con càng canh chừng và tôn thờ thì ánh sáng của nó càng trở nên rực rỡ hơn trước. Bấy giờ con sẽ biết rằng con đã tìm được chỗ khởi đầu của con Ðường Ðạo, và khi con đi mút con đường, ánh sáng bỗng nhiên trở thành ánh sáng bao la bát ngát, vô tận vô biên.

A.B. Một lần nữa trong lời chú thích nầy nhìn thấy có ba phương cách để tìm Ðạo.

Nói về tánh cách nhân loại, người ta có thể phân biệt những Ðịng Luật Thiên Nhiên liên quan đến thế giới hiện tượng hay thế giới có thể quan sát được, những định luật siêu nhiên hay những định luật của cõi Thượng Thiên và cõi Bồ Ðề, sau rốt những định luật của Thực Thể hay của đời sống chân thật ở cõi Niết Bàn. Bởi thế, khi nói đến định luật thiên nhiên, chúng ta hiểu là những định luật thống trị cõi Hồng Trần, cõi Trung Giới và những cảnh giới hữu hình của cõi Hạ Thiên.

Những định luật cao hơn những định luật đó, nhưng thấp hơn những định luật của Thực Thể có thể gọi là những định luật siêu nhiên, nó bao gồm cả những cảnh giới vô hình của cõi Thượng Thiên và cõi Bồ Ðề. Ấy là khu vực nơi đó, đời sống phô diễn nhiều hơn hình dạng, nơi đó, vật chất tùy thuộc vào sự sống, lúc nào cũng biến đổi. Nơi đó, một sanh vật không có một hình thể thật rõ ràng, nhứt định. Hễ tư tưởng thay đổi là hình dạng thay đổi liền theo; vật chất để dùng làm khí cụ cho sự sống của nó, chớ không phải là biểu hiện của sự sống, hình dạng được cấu tạo tạm thời, mỗi lần sự sống biến đổi thì hình dạng cũng biến đổi theo luôn. Ðiều nầy rất đúng trên cảnh giới vô hình của cõi Thượng Thiên; trên cõi Bồ Ðề cũng vậy, nhưng một cách tinh vi hơn. Với Chơn Nhơn thiêng liêng thì cũng đúng nữa, tôi gọi Chơn Nhơn thiêng liêng là Ngôi thứ Nhì (Bouddhi)[43], Bồ Ðề, hiệp với trạng thái Trí Tuệ của Chơn Thần duy nhất. Trạng thái nầy vô ở trong Bouddhi, Bồ Ðề, khi mà Nhân Thể hay là Thượng Trí bị loại ra. Tình trạng nầy những nhà Thần Học Cơ Ðốc Giáo gọi là Thiên Khải. Ấy là trình độ La Hán hay là Bồ Ðề Tâm (Ðấng Christ) phát hiện trong con người.

Danh từ Siêu nhiên thường dùng để che đậy tất cả điều gì mà sự kinh nghiệm chung của cõi thế gian không giải thích được. Tất cả điều gì dường như bất thường hay không phù hợp với những định luật thiên nhiên đã được qui định thì làm cho những người hay suy tư phải do dự hoài nghi không ít. Ở Thế gian người ta thường chống lại bất cứ cái gì gọi là Siêu nhiên; nhười ta cảm thấy không có cái gì Siêu nhiên mà có thể tồn tại được, bởi vì trong cõi Thiên Nhiên, không có sự bất thường, không có sự hỗn loạn, không có khu vực nào thoát khỏi định luật cả. Ðâu đâu cũng có định luật ngự trị và định luật là một.

Cái gì ở trên thì cũng lập lại ở dưới. Ðó là Chơn Lý đại đồng. Một bản tánh duy nhứt, dù biểu hiện bên ngoài bằng nhiều cách khác nhau thế nào đi nữa thì luôn luôn cũng là bản tánh duy nhứt. Nhưng khi màchúng ta đi đến cái điều ở đây gọi là Siêu nhiên thì chúng ta đụng phải một tình trạng ngoài phạn vi của giác quan, dù ta có cho danh từ giác quan nầy cái ý nghĩa rộng rãi hơn đi nữa. Vượt qua tất cả cái gì là hiện tượng, chúng ta đi đến những thế giới thiêng liêng.

Xa hơn nữa, ấy là cõi của Atma hay là cõi Niết Bàn, là khu vực của Thực Thể, nơi đó tất cả đều là sự thật, nơi đó Tâm Thức chân chính ngự trị. Chúng ta phải tìm con đường nầy bằng cách khảo cứu con người sâu kín nhất của chúng ta, khi mà, trong buổi tham thiền tột bực cao, chúng ta chưa lên tới cõi Niết Bàn, thì chúng ta chưa đủ khả năng tiến gần đến tâmThức thật sự của Atma. Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm cách tiến đến đó và trước hết là bằng sự cố gắng tìm hiểu thực tại của nó. Huynh hãy tưởng tượng cõi Niết Bàn như một khu vực mà tất cả đều có thật; nơi đó không có ranh giới, mà chỉ có sự đồng nhất thôi. Trong lúc tham thiền, Huynh hãy rán tưởng tượng cõi Niết Bàn như thế. Huynh chỉ có thể làm như vậy bằng đường lối tiêu cực. Huyn tự hỏi: Cõi Niết Bàn có phải là cõi hiện tượng không? Không. Nó là cõi Trí Tuệ phải không? Cũng không nữa. Huynh tìm cõi Niết Bàn bằng cách loại bỏ điều nào không phải là Niết Bàn. Rồi Huynh nói: Niết Bàn không phải là vật mà giác quan nhận thức được, và cũng không thể dùng Trí Tuệ mà tưởng tượng được. Trí Tuệ bừng sáng tuy là rộng lớn mênh mông nhưng không hiểu nổi cõi Niết Bàn. Và cứ thế mà tiếp tục suy tưởng.

Nhưng người ta nói, tại sao đi tìm bằng đường lối tiêu cực, nếu anh đã vừa tiến đến Tâm Thức Atma? Thành thực mà nói không phải TâmThức của Atma phát hiện trong đầu óc Huynh đâu mà đó là một sự rung động yếu ớt của trạng thái Trí Tuệ của Atma, nó khác hẳn với mọi rung động khác riêng biệt thuộc về TâmThức của Ngôi Ba [44]. Những rung động bắt nguồn từ những cõi cao khác biệt với những rung động khởi đầu từ cõi Trí Tuệ. Tiến đến trình độ cao nhất của Con Ðường Ðạo trong nghĩa chính của nó nghĩa là cuộc Ðiểm Ðạo thứ Tư hay là con đường của vị La Hán, một người tham thiền ngoài xác thân có thể bước vào trạng thái xuất thần (Samadhi) và tiến đến TâmThức Atma tại cõi Niết Bàn.

C.W. L. Sự phân chia những phương sách ra làm ba nhóm đã được nhắc đi nhắc lại hai lần, vốn là cố ý và để chỉ dẫn cho chúng ta phải tìm Ðạo cách nào và những luật tương ứng với những phương sách ấy.

Khi đi sâu vào nội tâm của mình, con người bắt đầu nghiên cứu những định luật của Thực Thể, những định luật của cảnh giới ở ngoài tất cả những gì mà đối với ta đều là sự biểu hiện, nghĩa là cảnh giới của cõi Niết Bàn. Dĩ nhiên, những cõi cao luôn luôn là những cõi biểu hiện và cho đến cái chi ở ngoài kia cũng chưa phải thật là Cái không biểu hiện [45] nữa, mặc dù nó hiện ra dưới mắt ta như thế trong giai đoạn tiến hóa hiện tại của chúng ta. Sự khảo cứu những định luật của Thực Thể chỉ sẽ giúp chúng ta đạt đến mục tiêu tìm kiếm bằng cách đi sâu vào nội tâm chúng ta, nghĩa là sự phục tùng ánh sao lập lòe đương chiếu bên trong. Khi chúng ta tìm kiếm Atma[46] và coi nó như là người hướng đạo duy nhất của chúng ta thì lẽ dĩ nhiên chúng ta đã đạt đến một trình độ tiến triển rất cao.

Sự phân tách mọi kinh nghiệm tương ứng với sự nghiên cứu những định luật Thiên Nhiên hay những định luật của thế giới hiện tượng, những định luật nầy thống trị những cõi Hồng Trần, Trung Giới và Hạ Thiên mà Phàm Nhơn đắm mình trong đó. Kế đến chúng ta phải đạt tới sự hiểu biết cá tánh bằng cách nghiên cứu những định luật Siêu Nhiên của cõi Bồ Ðề và khu vực cao của cõi Thượng Giới, dĩ nhiên nó có nghĩa là những định luật của thế giới mà trong đó Chơn Nhơn hoạt động, nếu dùng những danh từ khác thì là những định luật của cõi Bồ Ðề và khu vực cao của cõi Thượng Giới (cõi Thượng Thiên). Dĩ nhiên điều đó không có gì là Siêu Nhiên, và chắc chắn danh từ được dùng ở đây với một ý nghĩa có hơi chuyên môn. Ấy là Sự Sống Duy Nhất biểu lộ trong tất cả các cảnh giới bằng nhiều cách khác nhau, trong Thiên Cơ không hề có sự vi phạm định luật và trật tự Thiên Nhiên nào. Chỉ khi tiến đến khu vực cao hơn những khu vực mà giác quan của Xác Thân, của Cái Vía và của Cái Trí chúng ta nhận thức được, thì chúng ta vượt qua cảnh Thiên Nhiên mà phần đông con người đã biết; ở nơi đó những định luật khác biệt nhau thực hiện và được học hỏi nhiều hơn. Tôi tưởng trong ý nghĩa nầy mà Ðức Ðế Quân dùng danh từ Siêu Nhiên. Vượt qua khỏi phạm vi của giác quan, chúng ta tiến đến một khu vực cao hơn cõi hiện tượng mà người Hi Lạp gọi là Thế Giới Bản Thể [47], nguồn gốc và nguyên nhân của những thế giới hiện tượng. Vì thế, đoạn nầy dường như trình bày cái ý nghĩa sau đây:

Khi thấu triệt Phàm Nhơn, chúng ta hiểu biết được định luật Thiên Nhiên, khi tìm hiểu cá tánh chúng ta đi vào khu vực của định luật Siêu Nhiên, sau rốt, khi tiến xa hơn để tìm hiểu Atma, chúng ta nghiên cứu những định luật của Sự Sống.

 Ở những trình độ nầy, những dị biệt khá lớn để biện minh một sự phân loại như thế. Tại cõi Trần, mọi vật đều tùy thuộc nhiều về hình dạng của nó và tại cõi Trung giới và cõi Hạ Thiên cũng vậy. Ở cảnh giới Thượng Trí (Nhân Thể), mặc dù nói rằng chúng ta không có hình dạng là không hoàn toàn đúng, nhưng những hình dạng ít ra cũng khác nhau và lại trực tiếp hơn. Tư tưởng của Thượng Trí (Nhân Thể) giống như một làn chớp đi thẳng đến mục tiêu, thay vì cấu tạo một hình dạng rõ ràng và biệt lập, nó tuôn tràn ra và thẳng đến mục tiêu, ấy là một xung lực do tư tưởng phát sinh.

 Hãy lên cao nữa, chúng ta tiến đến cõi Bồ Ðề, như tôi đã nói, một trạng thái dường như không thể nào diễn tả nổi. Nơi đó tư tưởng của mỗi người là một sự dao động của toàn diện cõi Bồ Ðề cho đến nỗi, ở trình độ nầy, mỗi người thu góp tư tưởng của tất cả những kẻ khác lại, có thể nói là y lấy những tư tưởng ấy để tự học hỏi và nhờ đó mà có kinh nghiệm. Chúng tôi xin miễn làm sáng tỏ nhiều về vấn đề nầy nên có lời chỉ dẫn mà thôi.

 Tự cố gắng tìm hiểu những trạng thái cao siêu nầy rất tốt. Chúng ta chỉ đạt được mục đích là do phương pháp chỉ dẫn trong những kinh sách Ấn Ðộ, đó cũng luôn luôn là cách tiêu cực. Kinh sách không diễn đạt một trạng thái Tâm Thức mà loại bỏ dần dần tất cả cái gì không phải là "Có thật". Sau đó, nếu chúng ta đạt được cách lưu giữ như là tinh hoa của tư tưởng liên quan đến mục tiêu, chúng ta xích lại gần một chút điều gì là thực tại.

Những môn đồ của Ðức Phật thường hỏi Ngài rằng: Niết Bàn là gì? Hoặc đôi khi: "Có Niết Bàn hay không có?" Nghĩa là Niết Bàn có thật hay không có thật. Một ngày kia Ðức Phật trả lời rằng: Niết bàn có thật, không có gì phải nghi ngờ sự tồn tại của nó, tuy nhiên, nếu con hỏi Ta cõi Niết Bàn có thật không thì ta chỉ có thể nói rằng không có vấn đề có hay không có theo như ý nghĩa mà con hiểu những chữ đó". Có lẽ chính Ðức Phật cũng không thể cho ta biết được tư tưởng của Ngài tại cảnh giới Hồng Trần nầy. Theo phương thế của chúng ta dùng vô cùng giản dị hơn, chúng ta làm một sự kinh nghiệm tương tự. Tôi có thể chắc rằng khi đạt được Bồ Ðề Tâm và sử dụng nó thì nhiều quan điểm tối tăm sẽ trở thành hoàn toàn sáng tỏ, trái lại, một khi mà mất trạng thái Tâm Thức ấy chỉ trong chốc lát thôi thì cũng không thể nào phô diễn được điều mà chúng ta hiểu. Tất cả những điều đó không phải nói ra dễ dàng đâu, chúng ta lấy bằng cớ trong việc nầy chính là Ðức Phật mặc dù Ngài là Ðấng Chí Tôn Cao Cả, Ngài cũng không thể dùng ngôn ngữ dưới thế gian nầy đặng làm cho người ta hiểu Niết Bàn là gì? Và cũng phải dùng đến đường lối tiêu cực [48]mà thôi.

 CHƯƠNG THỨ MƯỜI

 -----*****-----

 CHÚ GIẢI QUI TẮC 20

A.B. - Ðức Chơn Sư Hilarion thêm vào qui tắc 20 chú giải sau đây:

Hãy tìm Ðạo bằng cách phân tích tất cả kinh nghiệm và con nên nhớ rằng khi nói với con điều nầy Ta không muốn bảo con: "Hãy chiều theo sự cám dỗ của giác quan hầu nhận thức nó". Con có thể hành động như thế, trước khi chớ không phải sau khi trở nên một nhà Huyền Bí Học. Khi đã chọn con Ðường Ðạo và bước chân vào đó rồi thì con không khỏi hổ thẹn mà chiều theo những sự cám dỗ ấy. Tuy nhiên, con được phép thử thí nghiệm cảm giác đó mà không ghê tởm hãi hùng. Con có thể cân nhắc, quan sát, phân tích chúng và chờ đợi một cách kiên trì tín cẩn giờ phút mà chúng không còn làm cho con xúc động nữa.

Trong những giai đoạn đầu tiên của Sự Tiến Hóa của nhân loại, Chơn Nhơn chưa mấy mở mang để phân biệt thiện ác; nhưng từ khi y biết phân biệt thì luân lý đạo đức bắt đầu nảy nở nơi y. Thí dụ: khi y bắt đầu nhận biết được sự khác biệt giữa sự phá hoại và sự bảo vệ Sự Sống thì luân lý đạo đức phát sinh cho y theo thứ tự của quan điểm nầy. Loại kinh nghiệm dạy y bài học nầy trở nên vô ích: Tuy nhiên, mặc dù con người không cần phải thực hành điều đó nhưng thỉnh thoảng y cũng bị những trận tấn công của giác quan thúc đẩy y làm việc quấy nầy hay việc quấy nọ khiến cho y đau khổ, bởi y biết rằng một khi mình chiều theo sự cám dỗ là mình hành động sai quấy. Những nhà Huyền Bí Học giả hiệu cho rằng con người có thể sống cuộc đời tội lỗi hầu rút lấy những kinh nghiệm. Không bao giờ ý kiến nầy được chứng minh. Làm một việc mà không biết trước được tính cách đáng trách của nó thì con người thu hoạch được một kinh nghiệm cần thiết, nhưng từ khi biết được cái quấy rồi thì mỗi sự yếu đuối trở thành một sự sa ngã, lẽ tất nhiên nó kéo theo những niềm đau khổ dữ dội.

 Có thể con người chịu khuất phục trước áp lực của hoàn cảnh kéo dài trong nhiều kiếp. Cho đến đỗi sau khi bước vào Ðường Ðạo rồi, sự tranh đấu đặng chống lại những sự xúi giục, quyến rũ của giác quan vẫn tiếp tục thường xuyên. Trước khi có thể tiến bước mau lẹ, phải trải qua những giai đoạn dài xung đột giữa sự ham muốn lộ liễu của Thể Vía và Thể Trí và phần khác là sự tin chắc rằng khi chiều theo nó, con người làm trở ngại đời sống cao siêu. Trong những giai đoạn thấp thỏi sự tranh đấu kéo dài và khi nó lập lại ở một trình độ cao hơn do bởi hình tư tưởng của Cái Trí kết hợp với những dục vọng của giác quan, thì những sự cám dỗ lại trở nên tế nhị hơn bởi vì Thể Trí lý tưởng hóa những vật do giác quan tiếp nhận, nó thanh lọc nhưng xúc động thô kệch nhất và trình bày những sự ham muốn dưới những trạng thái hấp dẫn nhất. Kế đó, đến một giai đoạn khác mà kẻ chí nguyện ở trên con Ðường Ðạo chánh thức, trong lúc nầy những sự cám dỗ xưa kia cũng còn đủ sức mạnh khá dữ dội để đột kích y. Chính là điều đó thuộc về lời chú thích của Ðức Chơn Sư chỉ dẫn Ðệ Tử cách thức sử dụng những sự cám dỗ. Y có thể cân nhắc, quan sát, thí nghiệm chúng và kiên nhẫn chờ đợi tới lúc mà chúng không còn làm cho y cảm động nữa.

 Khi mà Tâm Thức tách rời khỏi Thể ham muốn (Thể Vía) và chú định vào cõi Thượng Giới (cõi Trí Tuệ) thì có một sự tiến bộ lớn lao hơn. Con người không đồng hóa với Thể ham muốn nữa mà xem nó như là một khí cụ thôi. Tuy nhiên, những sự rung động của Cái Vía còn có thể làm cho y xúc động vì Thể nầy có một sự sống riêng biệt và người ta có thể nói những con ngựa đôi khi còn nổi chứng. Ðó là giai đoạn trong kinh Kathopanishad đã đề cập đến: những con ngựa do người cầm cương điều khiển phóng đi êm thắm, nhưng thỉnh thoảng cũng thích nổi chứng bất tử vậy. Vị Ðệ Tử đã được cảnh cáo trước do sự kích thích của giác quan. Ðó là một giai đoạn thử thách rất khổ sở. Sự sa ngã làm cho tất cả bản tánh của con người cảm thấy xấu hổ và đau khổ, y không thể chiều theo giác quan mà không khỏi xót xa trong lòng. Trong tâm trạng bình thường, những giác quan không quyển rũ được y, những sự cám dỗ của Thể Vía, thật ra, cũng không làm động lòng y được. Tuy nhiên, một đôi khi y cũng cảm xúc mấy điều đó như thường, lý do là tại cái khuôn cũ của sự ham muốn chưa tan vỡ, vì vậy một ảnh hưởng bên ngoài làm cho sự ham muốn sống lại. Con đường vận hà chưa biến mất hẳn, mặc dù nó sắp mất dạng và một tai hại vẫn còn tồn tại: là con đường vận hà cùng một lúc bị nước ở ngoài tràn vô ngập đầy, như vậy hình ảnh cũ của lòng ham muốn bừng sống dậy. Những ảnh hưởng của Cái Vía bộc khởi trong lòng y, những sự rung động khá mạnh để một lần nữa cảm đến TâmThức y, hình ảnh ấy tự nó thì không làm xúc động được Tâm Thức, nhưng mà đôi khi con người ở một nơi kia, đúng vào một lúc hoặc ở gần một người nào xúi giục những ảnh hưởng mạnh mẽ bên ngoài làm cho lòng y rung động và đánh thức hình ảnh cũ sống lại.

 Phải tự nói rằng những ảnh hưởng nầy từ bên ngoài đưa đến chớ không do mình sinh ra. Vị Ðệ Tử phải biết bản tánh của chúng nó. Y lấy làm xấu hổ, nhục nhã và chán nản mà cảm biết những ảnh hưởng đó nhưng không tri ra được nguyên nhân. Chúng tôi xin trả lời rằng có một giai đoạn tiến hóa mà người ta có thể bị những sự cám dỗ do những giác quan đưa đến nhưng không có cái gì bắt buộc mình phải sa ngã hết. Vậy thì con người đừng để ý đến những cám dỗ và nói với chúng rằng: "Ta cảm biết mi, ta cân nhắc mi, nhưng ta không hề bị xúc động". Ðó là ý nghĩa của đoạn kinh Kathopanishad nói rằng con người đã tiến đến điểm mà y đủ khả năng cầm cương ngựa với một bàn tay vững chắc. Từ đó những giác quan chịu phục tùng y. Về việc cám dỗ của giác quan, ấy là bài học chót vàsau khi đã thuộc rồi thì những giác quan vĩnh viễn mất hết quyền năng đối với con người, chúng không còn làm cho y xúc động nữa, y đã chiến đấu với chúng một trận cuối cùng, rồi từ đó Linh Hồn mới được tự do.

 Ai cũng phải chiến đấu, khi tới giờ phút chiến đấu nầy và sau khi đem Tâm Thức lên cõi Thượng Giới (cõi Trí Tuệ) rồi thì điều rất hữu ích là hiểu được bản tánh của sự chiến đấu và biết được phương pháp theo đuổi để có thể nói rằng: "Không phải thật tôi mà chỉ là sự rung động của bản tánh thấp hèn do ở ngoài điều khiển để chống lại tôi, tôi loại nó ra; đó là câu trả lời của tôi như thế ". Vừa khi huynh loại ra sự rung động đó rồi thì sự hãi hùng ghê tởm biến mất, huynh không để cho nó ảnh hưởng tới huynh. Kế đó huynh có thể tự quan sát hầu nhận thấy phần nào của bản tánh huynh bị công kích. Sau rốt huynh kiên nhẫn chờ đợi giờ phút mà huynh không còn sự xúc động nữa. Vững niềm tin ở định luật, huynh yên lòng chờ đợi. Những sự rung động không bao lâu sẽ tan mất và những giác quan không đủ khả năng gây ra một sự đáp ứng trong lòng huynh. Huynh tự nhủ: "Tôi sẽ kiên nhẫn chờ đợi giờ phút mà tôi không còn xúc động về điều đó nữa". Ðó là một hình ảnh xưa sống dậy, nó sẽ tan rã và tiêu mất. Chỉ có một sự quyết định mà thôi là chờ đợi như thế. Có lẽ phải chờ đợi nhiều tháng hoặc nhiều năm lận. Kế đó huynh mới thắng cuộc, cái khuôn đã tan vỡ. Khi huynh tuyên bố kiên nhẫn là huynh đã đánh cho nó một đòn chót, nó không còn ảnh hưởng gì đối với huynh nữa, trừ ra khi nào huynh rời bỏ mục tiêu và điều nầy dường như không có thể xảy ra được.

 Kinh nghiệm nầy có một lợi ích khác, khi nào huynh không có kinh nghiệm như vậy thì huynh không thể giúp đỡ kẻ bị sa ngã. Huynh không giúp đỡ được một người nào trước khi huynh phải cao hơn họ, nhưng đồng thời huynh không thể cứu vớt người nào trừ ra khi huynh biết được cái điều, đã làm cho y xúc động. Trong một giai đoạn kia, chính huynh bị sự kiềm hãm của dục vọng, huynh không thể đủ sức cứu trợ những người lâm vào tình trạng khó khăn như huynh. Về sau huynh mới được giải thoát. Xua đuổi được dục vọng huynh đi đến một điểm mà huynh không thể hiểu tại sao một người khác lại để cho sự cám dỗ lung lạc được, không biết tánh tình họ thì huynh không thể giúp đỡ họ được, huynh có thể chỉ điều quấy của họ làm cho họ thấy, nhưng không thể giúp ích họ bằng đường lối Tinh Thần. Huynh không thể ban rải sức mạnh của huynh cho họ vì huynh đứng bên ngoài họ và tánh tình huynh không hợp với tánh tình họ. Huynh ghê tởm, sự ghê tởm đó làm cho huynh trở thành vô ích. Khó mà giúp đỡ một người nào mà mình ghê tởm muốn tránh xa, trong trường hợp nầy, tốt hơn là để y tự nhiên. Muốn giúp y thì phải chia xẻ tình cảm của y.

 Dù có chia xẻ tình cảm của họ đi nữa, huynh cũng không thể giúp đỡ người nào mà họ đã xây một lớp vách tường bao phủ họ[49], trong trường hợp nầy và lúc bấy giờ tốt hơn là để tự họ hành động bởi vì mọi hỗ trợ bên ngoài cũng vô ích thôi. Có thể huynh phải từ chối không giúp đỡ một người nào tại cõi Trần nhưng không có gì ngăn trở huynh không cho huynh giúp đỡ họ trong nội tâm, đều nầy bắt buộc phải nhiều can đảm hơn là việc giúp đỡ bên ngoài. Khuyên bảo và giúp ý kiến thì thú vị hơn, và đối với bản tánh còn thấp thỏi thì điều đó thích ý hơn là giúp đỡ nội tâm và một cách vô hình.

Một lẽ khác, nếu huynh phải giúp đỡ ai thì cứ giúp đừng nghe kẻ khác cho rằng họ không đáng giúp, hay là huynh hãy giúp họ mà đừng cho họ biết. Ðức Bà H. P. Blavatsky đôi khi bị chính môn đệ của bà chỉ trích với những lời lẽ nặng nề nhưng với thái độ nhân từ và cương quyết, bà không xua đuổi họ và vẫn tiếp tục giúp đỡ họ trong nội tâm không chút bận lòng đến ý kiến của họ. Sự giúp đỡ nội tâm cuối cùng cũng thắng được sự chống đối. Có khi huynh chống đối hay không có thiện cảm về tư tưởng với nhiều người khác hoặc giả dối với vị Huấn Sư của huynh chăng nữa. Huynh trách cứ họ ư? Huynh tưởng rằng có một bức tường - bức tường của họ giữa huynh và họ nhưng về sau huynh biết rằng bức tường ấy là ảo ảnh và chính là huynh tạo nó ra trên cõi Trí Tuệ. Trong tiến trình của giai đoạn đó, chúng ta dựng lên nhiều bức tường làm khổ chúng ta cho đến ngày nào chúng ta phá vỡ chúng thì ngày đó chúng ta mới hết khổ.

 Còn một giai đoạn cao hơn, khó mà phô diễn. Có vài Vị [50] làm trung gian giữa các Ðấng Cao Cả và Nhân Loại. Cũng như nói về Ðức Jésus là các Ngài xúc động vì những niềm đau khổ và những sự cám dỗ của con người, tuy nhiên các Ngài không phạm tội. Ðó là giai đoạn mà Thể ham muốn (Thể Vía) đã hoàn toàn trong sạch, tất cả những chất chết đã bị loại bỏ, chỉ còn lại những năng lực phản chiếu hình ảnh mà thôi, con người không thể phạm tội nữa.

 Nếu không có những vị như thế thì không có sự liên lạc giữa Nhân Loại với những Ðấng Cao Cả, nhưng sự liên lạc nầy được họ duy trì và mặc dù họ đã hoàn toàn trong sạch, tâm ho ïcũng xúc động vì những niềm đau khổ của kẻ khác. Giai đoạn nầy ở ngay trước đầu giai đoạn của vị Chơn Tiên, ấy là giai đoạn chót của vị La Hán. Chơn Tiên không còn sầu não nữa. Tâm Thức Ngài là chí thiện, chí mỹ. Ngài có thể hồi tưởng lại những kinh nghiệm xưa kia mà không đau buồn, đối với Ngài, kinh nghiệm là một hình ảnh hoàn thiện và không thống thiết. Nhưng trong thời kỳ chót của giai đoạn kể ra trước đây, mặc dù con người không thể phạm tội và cá nhân con người đã trong sạch, sự hồi tưởng lại sự kinh nghiệm cũng không tránh được sự xót xa trong lòng.

 Trong những tác phẩm công truyền, giai đoạn nầy đôi khi lầm lộn với giai đoạn của những vị Chơn Tiên mà người ta cho rằng các Ngài cũng còn cái cảm giác đau buồn. Chính trong giai đoạn trước đó người ta mới đau khổ, giai đoạn mà các vị La Hán tham gia những công tác của Chơn Tiên và trong lúc nầy còn bị ảnh hưởng của sự đau buồn. Vị Chơn Tiên hoàn toàn ở trên mọi sự thống khổ. Những vị La Hán dự phần vào việc xây dựng "Bức tường bảo vệ" nhưng xây dựng với sự đau khổ. Thường khi người ta áp dụng cho vị Chơn Tiên điều mà chỉ đúng với những vị Cao Ðồ trong giai đoạn họ phải chịu khổ tâm nhưng không phạm tội nữa.

 Ở trình độ thấp, chúng ta có thể vì thiện cảm mà liên kết với bạn thân đến đỗi chúng ta xóa bỏ mọi tình cảm dị biệt. Một thiện cảm sau đậm như thế gây ra sự khổ não. Khi mà không vượt qua khỏi Ahamkara [51] thì thiện cảm và đau khổ vẫn dính liền nhau. Nếu chúng ta tách rời giai đoạn nầy quá sớm, chúng ta mất quyền năng thiện cảm, ấy là một trong những sự cám dỗ gặp phải trên con Ðường Ðạo. Nhiều Ðấng Cao Cả lùi bước lại dù đã tiến tới giai đoạn chót, bởi vì nếu các Ngài mất năng lực đau khổ thì các Ngài mất luôn tính thiện cảm, dĩ nhiên, nếu tính thiện cảm không được toàn vẹn thì bức tường ngăn cách chưa sụp đổ đâu.

Nhưng đừng lên án kẻ sa ngã, hãy đưa tay ra nắm lấy bạn hành hương mà đôi chân còn nặng trĩu bùn dơ. Nầy Ðệ Tử, con hãy nhớ rằng vực thẳm có thể to lớn giữa người đạo hạnh và kẻ tội lỗi. Nhưng nó to lớn hơn nữa giữa người đạo hạnh và kẻ đã giác ngộ và nó vẫn vô biên giữa người đạo hạnh và vị sắp thành chánh quả. Vì vậy con đừng tưởng rằng con không còn ở trong hàng ngũ của nhân loại nữa.

A.B. - Ở đây bảo rằng chúng ta không nên lên án kẻ bị cám dỗ. Sau khi trải qua giai đoạn thử thách thì chắc chắn huynh sẽ không lên án ai cả. Khi huynh đã giẫm được sự cám dỗ dưới chân huynh, huynh sẽ nhớ lại thời gian huynh xúc cảm vì nó, thì huynh không còn lên án kẻ sa ngã nữa đâu. Sự khác biệt giữa người đạo hạnh và kẻ tội lỗi tương đối nhẹ, vì người nào cũng phải tranh đấu trong giai đoạn đầu, sự khác biệt rất nhỏ. Trái lại, con người sau khi đã học hỏi và biết được ý nghĩa của đức hạnh và tật xấu thì y đã tiến bộ rất nhiều rồi. Khi y thấy đạo hạnh và tật xấu là cặp đối lập thì y vượt lên trên sự hiểu biết. Khi y đến ngưỡng cửa Thần Minh [52] thì sự khác biệt không thể đo lường được. Ở đây, chúng ta được cảnh cáo rằng nếu chúng ta tưởng tượng sớm quá rằng chúng ta đã tách ra khỏi nhân loại thì chúng ta có ý khinh miệt những kẻ thấp hơn chúng ta và chúng ta sẽ bị vấp ngã sau đó. Một người đã Ðắc Ðạo thành Chánh Quả không tự cho mình là cao cả hơn ai. Ngài biết chia xẻ cảm tưởng của mỗi người. Ngài kết liên với kẻ thấp kém hơn hết.

Khi mà con tìm được chỗ khởi đầu của con Ðường Ðạo thì ngôi sao của Linh Hồn con cho thấy ánh sáng của nó và nhờ ánh sáng rực rỡ của nó con nhận thấy cảnh tối tăm nơi đó đang chiếu sáng rộng lớn biết bao. Trí, tâm, não, tất cả đều tăm tối, tất cả đều hắc ám cho đến khi thắng được trận đại chiến đầu tiên. Con đừng sợ hãi, đừng khủng khiếp khi thấy cảnh tượng nầy. Con hãy chăm chỉ nhìn ánh sáng nhỏ bé và nó sẽ lớn dần ra. Cầu cho cảnh hắc ám ở nội tâm con giúp con hiểu được sự khốn khổ của những kẻ không trông thấy chút ánh sáng nào và Linh Hồn họ sống trong một đêm tăm tối dày dặc.

A.B. - Khi chúng ta nhìn lên cõi Atma[53], chúng ta tôn sùng ánh sáng nội tâm, chúng ta thấy ánh sáng nầy to lớn lên. Lần đầu tiên thấy được ánh sáng đó, Tâm Thức huynh mở mang làm cho huynh thấy được bóng tối bao quanh ngọn lửa của nó. Sự tương phản giữa bóng tối và ánh sáng chỉ cho huynh thấy điều đó, vì vậy chính nhờ bóng tối nội tâm mà huynh hiểu biết cái bất lực của những kẻ không trông thấy chút ánh sáng nào cả. Chính là họ mới cần đến lòng thương chân thành. Không có lý do gì mà đau khổ giùm cho đồng loại chúng ta kể từ lúc họ biết có ánh sáng xuất hiện. Sự thương xót cần thiết cho những người không biết mình ở trong cảnh tối tăm, họ mãi đam mê trong cảnh vật phù du, vô giá trị, nhưng lại tưởng mình là khôn ngoan. Sự tăm tối của họ dày mịt đến nỗi họ hoàn toàn không biết điều gì đã tạo cho họ nhiều đau khổ, các Ðấng Cao Cả mới ban tình thương cho họ.

Những kẻ nào nhìn thấy được dù là một tia sáng thì vẫn tiến bộ trong những sự vật mà người đời chưa thấy thoáng qua. Từ khi thấy được ánh sáng, lòng thương xót nầy trở nên vô ích. Nếu người ta thấy một người đau khổ trong tình trạng nầy thì chính y nữa đây sẽ lật đổ được bức tường và chính y hữu phước mà làm được điều đó.

C. W. L. - Khi chúng ta biết được Linh Hồn có thật thì chúng ta thấy rằng đây là một sự kiện lớn lao mà đại đa số người đời không biết gì hết. Phần đông những người tự xưng là người đạo đức cũng không tin chắc rằng Linh Hồn có thật mà chỉ sống theo quan điểm thế gian mà thôi, có lẽ về mặt lý thuyết ho ïtin rằng Linh Hồn bất diệt nhưng mà những sự vật ở thế gian nầy đối với họ thì quan trọng hơn và họ chỉ để cho sự tín ngưỡng của họ dắt dẫn họ trong những trường hợp thật hi hữu.

Muốn cho "Ngôi sao Linh Hồn" xuất hiện, trước hết chúng ta phải tin chắc Linh Hồn có thật. Chúng ta phải biết Linh Hồn ở trong mình ta. Khi chúng ta ưa thích những sự vật trên những cảnh giới cao siêu, chúng ta tự mình hiểu được vài Chân Lý mà không có cái gì làm lay chuyển được chúng ta về việc chúng ta có thật. Ngôi sao bắt đầu cho thấy ánh sáng hay là sự phản chiếu lờ mờ của nó. Ánh sáng yếu ớt nầy giúp ta thấy được sự vô minh thăm thẳm ở quá khứ và cũng ở hiện tại của ta nữa. Ðó là cảm giác đầu tiên khi ta thu thập được chút ít sự hiểu biết.

 "Cuộc chiến đấu đầu tiên" là cuộc chiến đấu của giác quan. Trong cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ nầy, con người tuyên bố chống lại bản tánh thấp hèn của mình và y toàn thắng. Khi ánh sáng xuất hiện, chúng ta có thể lường được cảnh tối tăm mà chúng ta đã trải qua, chúng ta biết rằng tất cả những hành động và cho đến tình thương của chúng ta đều không có cái chiều hướng chỉ dẫn cho chúng nó đúng với sự thật hoàn toàn. Ánh sáng yếu ớt nầy cho chúng ta cái cảm tưởng rằng vẫn bị sai lầm không phương cứu vãn nó làm cho chúng ta cảm thấy sự bất lực của chúng, nhưng tất cả điều nầy không nên làm cho chúng ta sợ hãi được.

Ðừng trách cứ họ, đừng ngoảnh mặt làm lơ với họ, mà con cố gắng nâng đỡ một chút nghiệp quả nặng nề của trần gian. Con hãy giúp đỡ vài bàn tay mạnh mẽ đang ngăn chặn những quyền lực hắc ám không cho chúng được hoàn toàn thắng trận.

C. W. L. - Ở đây chúng ta đừng ngộ nhận. Những bàn tay mạnh mẽ là những Nhân Viên của Quần Tiên Hội. Cuộc chiến đấu không chống với ma quỉ, theo danh từ của Cơ Ðốc Giáo, cũng đừng xem những anh Bàng Môn Tả Ðạo là những người nắm giữ quyền lực độc ác. Phải hiểu ở đây những Quyền lực hắc ám" là áp lực của vật chất. Muốn thắng nó, sự hợp tác của ta với các Ðấng Cao Cả là cần thiết, nó vốn là một yếu tố dự liệu và thuộc về Cơ Tạo Hóa Trong lúc nầy những "Bàn tay mạnh mẽ" hỗ trợ không được nhiều vì sự tiến hóa của nhân loại cho đến nay mới sản xuất được một thiểu số "Chơn Tiên". Thiên Cơ lấy nguyên tắc sau đây làm căn bản: "Một khi con người biết được Thiên Cơ rồi thì cộng tác liền với Thiên Cơ". Một sự kiện cho ta thấy bằng chứng, cho đến lúc Giống dân chánh thứ Tư sinh ra được phân nửa rồi thì cũng sau đó một ít lâu tất cả những chức vụ cao cả để điều khiển sự tiến hóa của cõi Trần đều do những nhân vật không thuộc về chủng loại của Ðịa Cầu chúng ta đảm trách. Có những vị khác từ Kim Tinh [54] xuống với chúng ta và những vị khác từ Nguyệt Tinh [55] đến, ấy là những vị Ðại Thánh đã được hoàn toàn giải thoát và đáng lẽ đã nhập vào hàng Thượng Ðẳng. Nhưng kể từ khi cuộc tiến hóa của chúng ta đi đến chính giữa giai đoạn của nó phải trải qua thì nhân loại phải tự mình kiếm những vị Ðạo Sư cho mình mà người đầu tiên là Ðức Phật Gautama. Không thể phủ nhận rằng chúng ta phải sản xuất những vị Ðại Thánh như Ðức Phật và Ðấng Christ mà tất cả chúng ta phải trở thành, ở một trình độ rất thấp, những cộng sự viên thông minh, dốc lòng thúc đẩy sự tiến hóa.

 Lúc bấy giờ con nhập vào một đoàn thể vui vẻ. Ðiều nầy dĩ nhiên bắt buộc con phải gánh vác một công việc vô cùng nặng nhọc và chịu đựng những nỗi đau buồn thâm thúy mà nó cũng ban cho một niềm hạnh phúc tuyệt vời và luôn luôn tăng trưởng.

A.B. - Những lời nầy có nghĩa là nếu chúng ta hiện giờ tiếp xúc được với những vị mà đời sống là toàn phúc thì nỗi đau buồn vẫn còn vấn vít trong lòng chúng ta, bởi vì chúng ta biết rằng bóng tối vẫn còn bao phủ nhân loại. Khi mà nghĩ đến kẻ khác, các huynh buồn, bởi vì các huynh chưa đến trình độ có thể nói: "Phải, đó là điều tốt". Trong giai đoạn nầy đối với sự sung sướng và đau khổ, một tình cảm tế nhị sinh ra, tình cảm ấy không thấy ở Cõi Thấp. Khi mà ánh sáng chưa được hoàn toàn sáng rỡ thì cảm giác của huynh cũng tăng trưởng, bởi vì ánh sáng làm cho ta biết được bóng tối. Tuy nhiên, khi học hỏi định luật niềm vui của ta tăng trưởng thêm nhiều. Tôi nói gì đây? Không có một người nào thật sự khốn khổ trong thâm tâm của y, bởi vì tất cả đều là thành phần của sự sống thiêng liêng, mà sự sống nầy là toàn phúc. Vị Ðệ Tử càng tiến bộ thì y càng có thể vượt qua những vực sâu thẳm nầy. Sau hết, y biết rằng theo lời dạy của Thánh Ca Gita thì y đau khổ cho kẻ khác là y lầm vậy và Thánh Nhân không đau khổ cho người sống cũng như không đau khổ cho người chết. Tại sao ta đau buồn cho một người mà thực chất của y là hạnh phúc?

 Ðệ Tử nhập vào một đoàn thể vui vẻ, nhưng chính đoàn thể nầy bắt buộc y phải làm một việc cực nhọc và cũng phải chịu đựng một nỗi buồn sâu xa thâm thúy, bởi vì y bị đưa đẩy giữa hai tình trạng nầy. Y phải tập cảm biết niềm vui nội tâm nhưng không làm mất sự tiếp xúc với những nguyên tắc thấp thỏi của đồng loại, sự đau khổ của nó hiện ra trong những nguyên tắc nầy. Y phải cảm biết điều đó, nhưng không để nó đè nặng lên y. Con Ðường Ðạo chật hẹp [56] như lưỡi dao cạo, nhưng chúng ta phải giữ cho được thăng bằng toàn hảo, trong lúc để hai cá tánh tương phản ảnh hưởng đến chúng ta. Một trong những vai trò lớn lao của Ðức Chơn Sư là giữ cho chúng ta được thăng bằng. Vị Ðệ Tử khi thì ngã bên nầy, khi thì ngã bên kia. Lúc bóng tối đến thì Chơn Sư làm cho y nhớ tới đoàn thể vuivẻ, khi vị Ðệ Tử tỏ ý muốn hoàn toàn thoát khỏi những sự đau khổ của nhân loại thì ký ức của sự buồn rầu lại đến cho y.

 Vị Ðệ Tử ở trong tình trạng đòng đưa nầy thật lâu. Chúng ta không thể trở nên hoàn thiện, nếu trước khi giữ được mức trung bình, chúng ta không lần lượt thực hành mỗi sự kinh nghiệm. Kinh nghiệm bắt buộc nhân loại phải có là cùng trong một lúc chỉ học một bài mà thôi, như vậy mới có thể hết sức chú ý vào đó. Vị Ðệ Tử đi trên Ðường Ðạo bị ném từ bên nầy qua bên kia khi mà y không học cách giữ được thế quân bình.

 Ðôi khi, và không có lý do gì cả, một bóng tối đổ xuống bao trùm lại, y không làm sao tìm ra được nguyên nhân, tất cả điều gì y biết là có bóng tối ở đó và y không thể nào xua đuổi nó được. Nếu y đã học thuộc bài, y sẽ chấp nhận sự thử thách với lòng bình tĩnh và kiên nhẫn, không có ý định trốn tránh nó. Sự thử thách sẽ dạy y về lòng trắc ẩn và tánh kiên nhẫn và nhiều bài học khác nữa, những bài học nầy không phải học trong ánh sáng mà phải học trong bóng tối. Chấp nhận với tinh thần ấy, khoảng thời gian tối tăm không bị tiếp nhận một cách lơ là, bởi vì sự thử thách không còn gây cho ta sự buồn phiền và xáo trộn nữa. Chúng ta phải học những bài học nầy, nhưng không đau khổ, thở than. Ðó là những hình ảnh, đúng hơn gọi là những bóng tối, nó làm cho ta đau khổ. Như một đứa con nít sợ bóng tối, chúng ta chất chứa những hình ảnh đau khổ ghê gớm trong chốn tối tăm của Linh Hồn. Bóng tối là bóng tối, không hơn không kém; nó chỉ chứa đựng những bài học mà bóng tối phải đem đến cho ta và với thời gian, tất cả những loài ma quỉ sẽ biến mất. Không thể nào mà chúng ta sa ngã mãi trong bóng tối; trước hết, nó làm cho ta tê liệt vì khiếp sợ, rồi sau đó chúng ta mới lợi dụng được những bài học của nó.

 Trong kỳ Ðiểm Ðạo chót, kỳ Ðiểm Ðạo của vị Chơn Tiên. Atma hiện ra như một ánh sáng trong vắt, như một ngôi sao, và cuối cùng lúc mà bức tường [57] sụp đổ, nó chiếu sáng rực rỡ, ánh sáng của nó thành ra ánh sáng vô tận vô biên. Trước đó, vị La Hán có thể cảm biết được sự an tĩnh chưa rõ rệt của Atma trong khi Ngài ở trong trạng thái tham thiền, nhưng luôn luôn Ngài vẫn ưu sầu. Về sau, khi một người tiến hóa lên cõi Atma hoàn toàn tỉnh táo và Tâm Thức Bồ Ðề đã nhập vào Atma thì một ánh sáng duy nhất hiện ra. Quyển Tiếng Nói Vô Thinh (La Voix du Silence) diễn tả điều đó bằng những danh từ đẹp đẽ nầy: "Cả ba ngự trong Vinh Quang và Hạnh Phúc vô lượng, hiện giờ tên tuổi chìm mất trong cõi đời ảo mộng. Cả ba trở thành một ngôi sao độc nhất, ấy là lửa cháy mà không thiêu đốt, lửa ấy là Oupadhi de la Flamme ". Vận cụ của Ngọn Lửa Thiêng[58].

Trong Nhân Thể (Thượng Trí) con người thấy Ba Ngôi Thiêng Liêng (Trois sacrés) phân biệt với nhau, bây giờ y thấy như là Ba Trạng Thái của Atma. Ðối với Tâm Thức Bồ Ðề trong giai đoạn trước kia thì Bồ Ðề và Manas là hai đứa con sinh đôi, hiện giờ chúng ta hợp nhất với Atma là Ngôi sao chiếu sáng trong không gian, ấy là lửa làm vận cụ (le feuvéhicule) cho ngọn lửa Chơn Thần (Flamme Monadique). Vị Ðạo Sư liền nói; Nầy Ðệ Tử (Lanou) đâu là cá tánh của con, đâu là chính Ðệ Tử (Lanou)? Ấy là đốm lửa mất dạng trong ngọn lửa, giọt nước biến mất trong biển cả nhưng tia sáng luôn luôn có đó và trở nên Ánh sáng tỏa ra khắp nơi và vĩnh cửu. Vị Ðệ Tử đã thành Chơn Sư. Ngài ngự tại trung tâm và trong lòng Ngài chói sáng rực rỡ Ba Ngôi của Atma.

C. W. L. - Huynh bước vào một đoàn thể vui vẻ, nhưng nó bắt buộc huynh phải gánh vác một công việc vô cùng nặng nhọc và chịu đựng những nỗi đau buồn thâm thúy, đó là chú giải của Chơn Sư. Tất cả những điều nầy là đúng, mà nó cũng đúng khi nói rằng niềm vui luôn luôn tăng trưởng làm quân bình được nỗi buồn.

 Sinh viên nào mà những năng lực phát triển đầy đủ thì theo giả định, y là một người có thiện cảm: vì vậy, y phải trải qua một giai đoạn u buồn và gần như thất vọng khi thấy những nỗi thảm sầu và những niềm đau khổ bao quanh y. Bởi vì con người chưa được tiến hóa cao, chưa biết lẽ phải cho nên những sự đau đớn và buồn rầu, nóng giận, ganh ghét, tật đố, ghen tị, ham muốn và các tánh khác cùng loại, chiếm nhiều chỗ trong lòng y hơn là những đức tánh cao thượng, do đó những làn rung động khổ não do nhân loại sinh ra chiếm ưu thế. Trên cõi Trung Giới, điều nầy hiện ra thật rõ ràng; vì vậy, người nào Thể Vía mở mang đầy đủ, cũng đồng thời cảm biết được những nỗi ưu sầu và đau khổ ở thế gian, có lẽ một cách không rõ ràng nhưng mà như là một sức nặng không ngớt đè lên Linh Hồn y. Hơn nữa thường xảy ra những trường hợp ưu sầu và phiền muộn cá nhân ở cõi Trung Giới cũng ép buộc gắt gao y phải chú ý đến chúng. Sau cùng mọi thảm họa gây cho nhiều người những sự ưu sầu lớn lao thì phản ứng rõ rệt trên bầu thanh khí Ðịa Cầu.

 Sinh viên phải tập chịu đựng sự ưu sầu nầy mà không để cho nó đè nặng lên y; điều ấy kéo dài rất lâu. Dần dần, y có một cách phán đoán sâu sắc hơn, sau rốt, y bắt đầu nhận thấy rằng tất cả những niềm đau khổ nầy là cần thiết, vì lẽ những tình trạng do chính con người tạo nên, mà niềm đau khổ không thể tránh được là bởi sự lãnh đạm và thờ ơ quá mức của con người, nếu họ ít bơ thờ một chút thì có thể tránh được một phần lớn lao của sự đau khổ. Như tôi đã chỉ, sự đau khổ thật sự, do Nhân Quả của những kiếp quákhứ của ta sinh ra, có lẽ chỉ là một phần mười những nỗi đau khổ mà chúng ta phải gánh chịu, còn chín phần mười khác là kết quả của chính thái độ xấu xa của chúng ta, tại nơi đây và ngay ngày hôm nay, trong kiếp hiện tại nầy. Ðối với điều ấy, có một số đau khổ hoàn toàn vô ích. Trái lại, khi mà con người còn khăng khăng giữ lấy thái độ lỗi lầm, tư tưởng và hành động điên cuồng thì họ còn phải chịu đau khổ, ấy là định luật vĩnh cửu. Nói một cách gián tiếp điều đó đối với họ là một việc tốt lành bởi vì sự đau khổ thức tỉnh họ, họ biết được sự lầm lạc của họ. Tiếc rằng họ cần nhiều sự cảnh cáo như thế; họ không sớm lợi dụng và sửa đổi thái độ của họ, có biết bao nhiêu sự đau khổ mà họ có thể tránh được.

 Ðối với tất cả chúng ta là những người đã nghiên cứu vấn đề thì điều đó dường như rất dễ hiểu, vì thế tôi giữ hy vọng tôi tưởng là chính đáng - sự đau khổ của nhân loại sẽ giảm đi rất mau khi mà một thiểu số khá mạnh chấp nhận quan điểm chánh lý. Con người sau cùng cũng sẽ hiểu rằng chính là họ gây ra những niềm đau khổ cho họ và tới một ngày kia nhờ lương tri soi sáng, họ sẽ không làm tất cả những điều gì bất hảo nữa. Những Nhân viên của Hội Thông Thiên Học phải để cho Thế gian một gương mẫu về thái độ Thông Thiên Học đối với cuộc đời, nhưng trong số đó có lắm Hội viên, dù nhận thức rõ Chân Lý nầy cũng thấy khó đem ra thực hành. Ðó là việc rất tự nhiên. Tuy vậy, người ta cũng có thể gặp nhiều Hội viên có thể chấp nhận hơi mau lẹ những tư tưởng mới; vả lại, chắc chắn rằng những quan niệm về loại nầy sẽ loan truyền với một tốc độ nhất định. Một ngườiphát sinh một tư tưởng có thể tạo ra một vài ấn tượng, mười người thì tăng ấn tượng đó lên gắp mười và nhiều hơn nữa; một trăm người không phải chỉ tăng lên gắp trăm mà lên tới vô số lượng hơn là một người riêng rẽ trừ phi người nầy là một bậc thiên tài phi thường. Hội của chúng ta có gần 30.000 Hội viên, nếu tất cả đều chấp nhận nhìn cuộc đời một cách triết lý và cao cả nầy, do đó chắc chắn sẽ tránh được nhiều sự đau khổ; tôi tưởng, họ làm được một gương mẫu mạnh mẽ và tuyệt diệu. Theo cách đó, chúng ta có thể giúp đỡ một đám đông người không hiểu về phương diện cao siêu của đời sống.

 Ðối với ta, khi mà ta tin rằng tất cả những điều gì xảy ra đều là hết sức tốt đẹp không có gì thay đổi được - tôi muốn nói phải kể luôn hoàn cảnh và quyền lợi của mỗi người - thì nỗi ưu sầu của ta thay đổi bản chất của nó. Lòng thiện cảm của ta đối với kẻ khác cũng một mực như cũ, nhưng mà nỗi đau khổ của họ không đè nặng tấm lòng ta nữa. Chúng ta cùng chịu đau khổ chung với họ, nhưng không cùng chia xẻ tình cảm của họ. Các Ðấng Chơn Sư có thiện cảm sâu xa với những người đau khổ, nhưng chúng ta không thể nói rằng các Ngài chia xẻ nổi niềm đau khổ, sự hiểu biết của các Ngài không cho các Ngài làm như vậy. Tôi xin lập lại: Một vị Chơn Sư không bao giờ buồn, không bao giờ chán nản. Tuy nhiên, dường như đôi khi, đối với nhiều người, chính các Ngài cũng có một vài thất vọng. Có lẽ đó là tôi nói quá nhiều, nhưng mà tôi biết chắc rằng các Ngài nỗ lực đặng hoàn thành vài mục tiêu và nếu những mục tiêu nầy không đạt được thì nguyên nhân là do sự khuyết điểm suy nhược của Công Cụ của các Ngài. Tôi không rõ, có phải ngay từ lúc đầu tiên các Ngài đã biết trước rằng những nỗ lực nầy sẽ vô ích chăng? Trong nhiều trường hợp, tôi có ý nghĩ rằng các Ngài đã biết, tuy vậy các Ngài vẫn hành động như các Ngài mong mỏi thấy cái kết quả tốt đẹp. Ðây là một thí dụ: Trước Ðại chiến, nhiều nỗ lực lớn lao đã được thực hiện hầu ngăn chận, nhưng thất bại. Các Ðấng Chơn Sư góp phần vào nỗ lực nầy, đã tiên đoán ngay từ lúc đầu hay không, tôi không biết. Nhưng các Ngài làm việc như các Ngài trông vào sự thành công.

Ðức Bà Blavatsky trong nhiều trường hợp hiến những cơ hội như thế cho những người ở xung quanh. Bà thường chịu nhiều khó nhọc để dẫn dắt họ đặng họ nắm lấy cơ hội, nhưng ngay từ lúc đầu bà biết rằng họ không làm gì hết. Một ngày kia tôi nhớ bà tiếp những người muốn hỏi thăm bà. Tôi thấy rõ ràng họ không đủ khả năng học hỏi và làm bất cứ việc nào của Thông Thiên Học cả, bởi vì với tâm tánh của họ lúc bấy giờ họ không thâu thập được sự ích lợi nào cả, đó là lẽ dĩ nhiên, nhưng bà hầu chuyện với những ông khách lạ nầy và thố lộ cho họ biết những dự định hoàn toàn thầm kín mà bà mong mỏi được thực hiện cho Hội. Họ cười hề hề và dường như họ không xứng đáng chút nào với những lời tâm sự. Sau khi khách về Bà Bá Tước Wachtmeister mới hỏi:"Thưa bà tại sao bà lại nói tất cả những điều nầy cho họ? Dường như họ không phải là những người lợi dụng được mấy việc nầy". Bà Blavatsky liền đáp: "Nầy bạn, Nhân Quả dắt họ đến với tôi, tôi phải cho họ được dịp may mắn và tôi sẽ làm tất cả những điều tôi có thể làm được cho họ". Bà nghĩ rằng họ hiểu phần nào tâm sự của bà, bà đã cho họ một cơ hội thuận tiện. Tôi không biết, nhưng trái lại bà biết, thật ra họ sẵn sàng nắm lấy cơ hội nầy tới mức nào, nhưng mà thái độ bên ngoài của họ là thái độ khinh thường, chế nhạo, khó chịu. Không bao giờ họ cho chúng tôi biết tin tức của họ, nhưng mà cơ hội đưa đến với họ, có vài lý do Nhân Quả để họ nhận được sự ích lợi nầy và nếu họ thờ ơ bỏ qua thì có lẽ, khi một cơ hội khác như loại nầy đưa đến, họ sẽ nắm lấy khá hơn bây giờ một chút.

Ðức Bà Blavatsky trong dịp nầy áp dụng triệt để nguyên tắc không nên trách cứ những kẻ còn ở trong bóng tối. Họ càng tự mãn thì bà biết họ càng đáng thương. Luôn luôn rất vô ích đi trách cứ một người về thái độ thông thường của họ, thói quen của họ: đó là trình độ tiến hóa của họ, họ vốn ở tại mức đó. Nếu họ rơi xuống dưới trình độ trung bình ta có thể nói ngay với họ rằng: "Thật cái đó không tốt, huynh biết chớ, đáng lẽ không nên làm như thế ". Có lẽ chúng ta giúp họ không tái phạm. Nhưng trình độ thông thường của một người chỉ cho biết sự tiến hóa của họ tới đó và nếu người nầy là người chậm tiến nhất thì sự trách cứ y có ích lợi gì đâu; mà thật ra cũng vô lý đi quở trách đứa con nít mới lên năm sao chưa được mười tuổi.

 Một mặt khác, những người thường biểu lộ những đặc tính ít tốt đẹp, chính họ lại có những đức tánh cao thượng tiềm tàng và đôi khi những đức tánh ấy biểu lộ thình lình trong một tình thế nguy kịch, khủng hoảng: Tôi đã nói: Có những người mà đời sống hằng ngày không mấy cao thượng và trong một cơ hội đặc biệt họ có thể tỏ ra có lòng vị tha cho đến đỗi họ hy sinh đời mình cho một người bạn. Ðức Thượng Ðế luôn luôn ngự trong con người và đôi khi Ngài hiện ra không ai ngờ được. Ngài hằng có mặt luôn luôn, chúng ta có thể cầu cứu Ngài. Ðến gần Ngài thì vẫn không bao giờ được, bởi vì Ngài ngự chỗ thâm sâu nhất trong lòng ta, nhưng trong nhiều trường hợp, chúng ta có thể cảm thấy Ngài bằng cách nầy hay cách khác.
 Câu cách ngôn nầy nói rằng: "Cảnh tượng thống khổ của nhân loại cũng bắt buộc ta làm một công việc nặng nhọc phi thường". Nhận thấy tình trạng chậm tiến và sự khốn khổ của nhân loại thì làm sao ta lại không ân cần lo phương cứu chữa họ. Ấy là điều duy nhất phải làm.
Không thể nào trở lại Thế gian mà không lo lắng đến những nỗi thống khổ đau đớn đang hoành hành trên Thế gian dù chỉ thật cảm biết qua một lần thôi. Tuy nhiên, công việc khó nhọc nầy liên kết với niềm vui tột bực và luôn luôn tăng trưởng. Chúng ta nên biết ơn Luật Trời. Chúng ta thấy lý do của những sự đau khổ và điều tốt lành do đó sinh ra. Hãy ghi chú lời nầy: "Con sẽ nhập vào một đoàn thể vui vẻ". Ðó là đời sống cao thượng trong tất cả sự mỹ lệ của nó. Chúng ta hợp tác với những Ðấng Cao Cả hơn chúng ta. Chúng ta cảm biết rằng chúng ta làm việc là cho các Ngài và với các Ngài, và chỉ một sự việc nầy cũng là một niềm vui to tát cho đến đỗi nó cho chúng ta sức mạnh để hoàn thành một công tác, không vậy, chúng ta xét thấy mình vẫn bất lực, không làm được.

 -----*****-----

CHƯƠNG THỨ MƯỜI MỘT

 -----*****-----

 Qui tắc 21

21.- Hãy sẵn sàng xem hoa nở trong cảnh im lặng sau cơn bão tố, chớ không phải trước đó.

 Hoa sẽ lớn, sẽ cao, sẽ sinh cành, lá và đâm chồi chính ngay giữa cơn bão tố và trong suốt thời gian tranh đấu. Nhưng hoa sẽ không nở trước khi Phàm Nhơn chưa hoàn toàn tiêu tan và bị hủy diệt, không phải trước khi hoa được một Ðiểm Linh Quang đã tạo nó ra và xem nó như một thí vật của sự thử thách và sự kinh nghiệm nặng nhọc, không phải trước khi toàn thể bản tánh chịu khuất phục Chơn Nhơn và biết vâng lời. Liền đó, một cảnh im lặng chợt hiện ra giống như cảnh im lặng trong miền nhiệt đới, sau một cơn mưa bão; trong cảnh im lặng đó thiên nhiên thực hành với một tốc độ kinh khủng cho đến đỗi thấy rõ rệt sự hành động. Sự an tĩnh sẽ xuống cho tinh thần đang mệt nhừ. Và trong sự im lặng tuyệt đối, một sự huyền diệu sẽ xảy ra đột ngột, nó sẽ làm cho Linh Hồn biết rằng mình đã tìm được con Ðường Ðạo. Con hãy đặt cho nó cái danh hiệu gì cũng được, tùy ý: ấy là tiếng nói ở nơi mà không có con người nói, ấy là một sứ giả đi đến, sứ giả không hình sắc, hay là đóa hoa của Linh Hồn đã nở. Nó không thể đem diễn tả bằng những lời lẽ bóng dáng nào cả. Nhưng người ta có thể gặp gỡ nó, ham muốn nó, tìm kiếm nó, mặc dù bão tố đang gầm thét.

C. W. L. - Hoa nở là sự phát triển, sự khai mở Linh Hồn. Cái điều làm cho cho niềmưu tư và nỗi thống khổ của Thế gian càng thêmnặng nề hơn, ấy là chúng ta cảm thấy nỗi bất lực của chúng ta. Chúng ta thấy những người cố gắng, chịu đựng đủ mọi cách, nhưng họ thường tin rằng họ làm cái việc vô ích, không có kết quả gì cả. Họ nói: "Người ta quả quyết có vài người tiến bộ nhanh chóng. Tôi không được may mắn như họ". Sự vô minh làm cho họ mất hết nguồn hy vọng. Sự phát triển của linh Hồn không cho họ có ý tưởng ấy, bởi vì chúng ta biết điều đó. Những cuộc tranh đấu, những nỗi đau khổ, những điều khó khăn còn chờ đợi chúng ta, nhưng chúng ta tin chắc rằng bởi chúng ta là những Linh Hồn thì không ai địch nổi chúng ta, không ai đánh bại chúng ta được.

Như trong sách của chúng ta đã nói: Chính là Linh Hồn trưởng thành trong cảnh im lặng và an tĩnh. Theo ý tôi, người ta quả quyết và thường nhấn mạnh rằng: Linh Hồn trưởng thành nhờ bởi sự đau khổ. Giải thích như vậy, thì nghĩa không được hoàn toàn đúng. Linh Hồn học tập cách phát triển trong khi phạm lỗi và lúc sửa chữa những lỗi lầm ấy. Sự đau khổ luôn luôn là hậu quả của những tội lỗi, tôi xin lập lại, mặc dù sự phát triển không xảy ra trong lúc đang đau khổ mà mãi về sau rất lâu mới thấy. Một bệnh nhân có thể thấy trong mình khá hơn trước nhiều, sau khi được giải phẫu, nhưng mà sức khoẻ được khả quan không phải trong lúc giải phẫu. Cũng vậy những kẻ bị vày vò khổ sở vì mọi thứ khó khăn ghê gớm không sao phát triển được, nhưng theo cách mà họ tiếp nhận những sự khó khăn nầy và sau khi vượt qua khỏi chúng thì họ mới có thể học tập cách phát triển. Hoa chỉ nở trong cảnh im lặng và sau cơn bão tố. Chắc chắn như thế, những cây nào chịu đựng nổi trước cơn giông tố có thể tăng thêm sức mạnh, nhưng phải đợi đến lúc yên tịnh trở lại chúng mới có thể phát triển được. Phải trải qua cơn hỗn loạn của trận chiến trước khi hưởng được sự ban thưởng cho kẻ chiến thắng. Sự phát triển thật sự của Linh Hồn cũng là sự chắc chắn yên ổn mà từ đây về sau không gì lay chuyển được.

 Sự chắc chắn nầy đối với những vật ở cõi trên thì ta có thể nói rằng: cả Thế gian đồng kêu lên một tiếng duy nhất đòi hỏi nó. Lòng ham muốn tha thiết cho đến đỗi một tên bịp bợm đầu tiên khoe mình hiểu biết trực tiếp là chắc chắn có nhiều người theo xin làm môn đệ liền. Vị Ðạo Sư nào tự tín đều lôi cuốn con người, bởi vì các Tôn giáo trên Thế gian chưa đáp ứng được chút nào lòng thỏa mãn thực sự của họ. Chỗ nhược điểm của phần nhiều Ðạo Giáo là không giải thích gì hết, bất cứ vấn đề nào. Ðạo Giáo đưa ra định luật một định luật hoàn toàn - như "Ngươi chớ nên sát sanh" mà không giải thích tường tận tại sao sát sanh là điều ác. Thí dụ như sự nóng giận và những tư tưởng xấu, không ai chỉ dạy về điều ác đã gây nên, trong khi sự ác nầy không biểu lộ hoặc bằng lời nói hoặc bằng sự hành động. Tuy nhiên, Ðấng Christ giải bày rất minh bạch về vấn đề nầy. Ngài dùng lời lẽ cương quyết nói về giới luật thứ bảy: "Người đàn ông nào hướng những tư tưởng đáng trách đến một người đàn bà là trong lòng họ đã phạm tội rồi". Chúng ta không được biết Ngài có giải thích cách hình tư tưởng tác động như thế nào chăng? Bởi vì về điểm nầy sự giải thích càng làm cho giáo lý của Ngài dễ hiểu hơn nhiều.

Nếu người ta muốn có sự chắc chắn trực tiếp đối với Chân Lý thiêng liêng và Chân Lý siêu nhiên thì bước đầu tiên phải làm cũng vẫn là bước đầu tiên của sự tiệm tiến huyền bí. Phải đàn áp Phàm Nhơn thì sự thanh tịnh mới đến liền sau đó và chúng ta cảm thấy rằng chúng ta sống trong bầu không khí yên lặng mà chúng ta không biết. Chúng ta làm cho một cơn gió lốc nhỏ nổi lên ở chung quanh chúng ta thì sự an tịnh không phải để cho chúng ta, mặc dù vài người ở gần chúng ta không ngớt an hưởng sự thanh tịnh đó. Khi chúng ta có được năng lực nầy của Linh Hồn tức là sự chắc chắn nầy, thì tất cả dường như thay đổi, bởi vì chúng ta không còn cho rằng mọi nỗ lực đều vô ích. Ðức tin của chúng ta, một mình nó, trong tình thế nguy nan, cũng có thể mất đi, bởi vì lý do tin tưởng làm thỏa mãn chúng ta trong lúc nào đó, không làm thỏa mãn chúng ta luôn luôn trong khi khác, thí dụ trong giờ phút bị căng thẳng cực độ. Còn sự chắc chắn thì làm thỏa mãn luôn luôn. Khi chúng ta thấy và tự mình chứng thực, dẫu cho sự thấy nầy, sự hiểu biết nầy có bỏ chúng ta và chúng ta không thể bám víu vào chúng nó được nữa, luôn luôn chúng ta có thể nói: "Tôi thấy, tôi biết, trong lúc nầy tôi không thể nào thấy và biết như trước kia, nhưng tôi đã thấy, tôi đã biết, và sự chắc chắn nầy đưa chúng ta đi tới trước.

 Sau khi đã có kinh nghiệm trực tiếp nầy rồi thì rất khó mà tưởng tượng lại tình trạng trước kia của chúng ta, bởi vì cách chúng ta nhìn xem vạn vật dưới cõi Trần đã thay đổi tận gốc. Ðối với chúng ta, những biến cố nào đó khi xưa dường như rất quan trọng, giờ đây, chúng trở nên tầm thường. Hiện nay chúng ta biết được Chân Lý vĩ đại, thâm sâu, chúng ta biết đời sống duy nhất là cần thiết, còn đời sống bên ngoài không quan trọng, nên nó bị liệt vào hàng ngũ riêng biệt của nó. Tuy nhiên chúng ta đừng quên rằng phần đông những người mà chúng ta gặp đây vẫn còn ở tại trình độ của chúng ta trước kia, khi chúng ta chưa mở mang Tâm Thức nầy. Thế nên luôn luôn không phải dễ mà có thiện cảm với họ, bởi vì ho ïtheo đuổi những ánh lửa trơi. Chúng ta quên rằng mới hôm qua đây chúng ta cũng làm như họ vậy.

Sự im lặng có thể kéo dài trong một lúc hay trong một ngàn năm, nhưng rồi cũng sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, con sẽ mang sức mạnh của nó đi vào mình con. Phải biết bao phen chiến đấu và phải chiến thắng. Chỉ trong khoảnh khắc thôi, thiên nhiên mới có thể yên tịnh.

Việc đúng lúc phát triển trọn vẹn có thể xảy ra ở bất cứ thời kỳ nào của đời sống con người. Nói một cách khác, đối với Linh Hồn, khi giờ phút nầy đã đến, thì sự phát triển của nó vẫn được thực hiện, dù Linh Hồn có hay không có một xác phàm. Nơi đây, tại cõi Trần, sự im lặng có thể xảy ra chỉ trong giây lát hay trong khoảng thời gian rất ngắn, nhưng nó cũng có thể kéo dài trong một ngàn năm, nếu con người ở tại cõi Thiên Ðường. Sự im lặng đến chỗ mỗi người và ở luôn với họ. Nhưng mà sự im lặng của thiên nhiên chỉ có thể kéo dài trong một lúc thôi, bởi vì sự tiến hóa tiếp tục không ngừng, trong sự bất động không cósự tiến hóa. Người ta nói rằng, trong địa hạt Huyền Bí Học, không có ai đứng yên một chỗ, người ta hoặc lùi bước hay tiến tới. Tôi không biết có thật đúng như vậy hay không, nhưng chắc chắn một người không tiến bộ thì phải tự xét mình và rán tìm ra lý do đó. Sự tiến bộ phải bền bỉ và tiến bộ không ngừng.

 Bây giờ đây chúng ta đã đến câu chú thích do Ðức Chơn Sư Hilarion thêm vào qui tắc 21:

Hoa nở là thời kỳ vinh quang, lúc đó sự tri giác phát khởi, tiếp theo là sự tin cậy, sự hiểu biết, sự chắc chắn. Thời kỳ mà Linh Hồn ở vào trong trạng thái lơ lửng và khoảnh khắc kinh ngạc, kỳ lạ, sự toại nguyện đến sau đó. Ấy là sự im lặng.

Hoa từ từ nở. Dù hoa còn khép kín, nó dần dần nở lớn ra dưới sự tác động của mưa, nắng và muôn ngàn ảnh hưởng mà nó phải chịu đựng. Hoa nở khá thình lình, nhưng sự phát triển vẫn liên tục. Sự tăng trưởng theo đà như trước kia, cũng như nó theo đà đó về sau. Hãy lấy một thí dụ tương tự khác: Con gà lớn lên trong trứng, nó phá vỡ lớp vỏ và tiếp tục trưởng thành. Trong một lúc đặc biệt, dưới mắt chúng ta thì cái trứng vỡ chứng tỏ thời kỳ quan trọng, mặc dù, sự thật, nó là một thành phần trong sự phát triển liên tục. Sự tiến triển của Linh Hồn cũng như thế.

Ðoạn nầy cũng liên hệ đến một giai đoạn đặc biệt trong đời sống của vị Ðệ Tử, nó diễn tả tánh tình con người khi mà trong lúc được Ðiểm Ðạo, Chân Lý vĩ đại đầu tiên đem chỉ dạy cho y. Người ta có ý nghĩ rằng những cương yếu chỉ dạy trong kỳ Ðiểm Ðạo thì rất nhiều và khác nhau. Tôi không phản bội lời thề mà nói rằng tất cả những Chân Lý vĩ đại không hề tiết lộ cùng một lúc. Mỗi giai đoạn tương ứng với sự truyền dạy một sự việc duy nhất, sự việc nầy dưới mắt con người biến đổi cuộc diện thế giới, cũng như sự am hiểu Luật Luân Hồi và Nghiệp Quả đã thay đổi đời sống của chúng ta. Người ta có thể nghĩ rằng đứng trước một sự việc mới mẻ, vị Ðệ Tử được Ðiểm Ðạo cần phải tuân theo trong đời sống hằng ngày của mình và y tự tìm lấy bằng chứng. Không phải thế đâu. Khi con người gặp được Chân Lý thì y công nhận nó liền. Y không cần bằng chứng nào cả. Tiếp theo đó là thời kỳ lạ lùng: sự mỹ lệ và sự hoàn thiện của Chân Lý làm cho y phải kinh ngạc. Chỉ về sau y mới biết rằng không phải như vậy là hết. Những sự quan sát sau nầy sẽ mở rộng tầm hiểu biết của y, nhưng mà, ngay bây giờ, ấy là sự toàn thiện. Y cũng lấy làm ngạc nhiên là tại sao y không nghiệm biết sớm hơn những điều hiển nhiên như thế. Lòng thỏa mãn đến sau đó: Ấy là sự im lặng.

Nầy Ðệ Tử, con hãy biết rằng những người đã trải qua sự im lặng, những người đã cảm thấy sự yên tịnh và giữ được sức mạnh ấy. Những người đó tha thiết cầu mong cho con bước chân vào cảnh yên tịnh nầy.

 Chắc chắn họ cầu mong cho con được như vậy, bởi vì những người đã mở mang năng lực của Linh Hồn đều biết toàn bộ hệ thống họ thấy. Hệ thống hoạt động trước mắt họ và quang cảnh đó, họ rất mong muốn chia xẻ nó với tất cả. Họ biết rằng theo dự định của một phần Thiên Cơ, tất cả chúng ta đều phải hợp tác với Cơ Trời. Vì thế, họ muốn rằng mỗi người, càng sớm càng tốt, được hướng dẫn đặng biết rằng giúp đỡ là bổn phận của mình, là công tác riêng biệt thuộc về phần của nhân loại. Tất cả chúng ta đều có những công tác phụ thuộc. Chúng ta giữ một vai trò trên sân khấu thế gian, và chúng ta phải thủ vai trò mình, càng tốt đẹp, càng thanh cao chừng nào càng hay chừng nấy. Vai trò; không mấy quan trọng, điều cốt yếu là diễn cho xuất sắc. Chúng ta hãy nhớ rằng chỉ có đời sống thật sự của Linh Hồn ở đàng sau tất cả những điều nầy, chính đời sống đó mới là quan trọng hơn. Chúng ta sống trong một thế giới mà những phương tiện lại được lấy làm cứu cánh. Sự giáo dục gần như căn cứ trên nguyên tắc nầy. Thí dụ, người ta dạy Kỷ Hà Học và Toán Học, nhưng không bao giờ người ta chỉ bảo những môn học nầy giúp cho chúng ta biết vị Ðại Kiến Trúc Sư, tức là Ðức Thượng Ðế, tạo lập Vũ Trụ Ngài như cách nào. Nếu chúng ta lấy môn học đó làm cứu cánh thì nó không dắt ta đến mục tiêu đặc biệt nào, nhưng nếu chúng ta nghiên cứu nó như các người xưa đã làm và phát minh ra nó thì sự ích lợi to tát của nó hiện ra cho ta thấy. Ðức Pythagore dạy về giá trị của con số và Kỷ Hà Học, nhưng bài học của Ngài dành cho các nhà Hiền Triết Physikoi, tức là vị học hỏi những điều bí ẩn của cuộc đời. Họ học hỏi ngõ hầu biết rõ sự sống. Ấy là quan điểm do đó mà chúng ta cần phải học hỏi vạn vật, không nên giới hạn chúng ta ở trong những bài toán có tính cách vật chất hay thương mại.

Vì thế, khi vị Ðệ Tử đủ khả năng bước vào Ðền Thụ Huấn thì luôn luôn y gặp Ðức Tôn Sư của y tại đó.

Thường thường thì người ta hay giải thích sai lầm về "Ðền Thụ Huấn. Trong Tiếng Nói Vô Thinh cũng có nói đến Ðền nầy. Ba Ðền mà được người ta đề cập đến, trình bày nhiều ý nghĩa, như chúng tôi đã giải thích trước đây.

Ðối với Bà Mabel Collins, người được dùng để viết ra quyển Ánh Sáng Trên Ðường Ðạo thì Ðền Thụ Huấn có nghĩa đen là một tòa nhà. Bà đã xuất Vía đi vào Ðền nầy và thấy vài lời giáo huấn viết bằng chữ vàng trên tường. Có lẽ bà có lý lắm. Kinh nghiệm nầy có lẽ do phương pháp đặc biệt về lối huấn luyện bà. Những vị Huấn Sư của bà có thể có một Ðền thờ loại nầy. Tôi không biết rõ và tôi chỉ biết nói là tôi không thấy Ðền đó bao giờ, nhưng dĩ nhiên, những điều bà nói ở đây về Ðền Thụ Huấn thuộc về cõi Trung Giới. Ở tại đây, kẻ chí nguyện trước tiên cần phải học nhiều bài học của họ. Những người mà Thể Vía đã hoàn toàn khai mở thì rất ít, phần đông còn tập sử dụng Thể ấy, vì vậy người ta làm việc nhiều ở trình độ nầy. Những người khai mở Thể Trí từng bậc cũng chưa đủ khả năng dùng nó như một vận cụ, mà sau khi chết cũng vậy. Tất cả những người dùng được năng lực của Thể Trí có thể thấy được người chết bị bao bọc trong một lớp vỏ do tư tưởng của họ tạo ra. Có vài con đường thông thương từ lớp vỏ nầy ra bên ngoài nhưng số đường nầy rất ít và không có hiệu nghiệm cho lắm. Người quá vãng sống trong lớp vỏ chớ không phải ở cõi Trí Tuệ đâu. Vì vậy, tư tưởng của họ rất cạn hẹp, họ cũng thấy họ được hoàn toàn hạnh phúc. Thật ra, họ có thể sống trong hạnh phúc viên mãn hơn, nếu họ hoạt động được trong toàn cõi Hạ Thiên. Họ khai mở những năng lực giúp họ di chuyển thong thả. Trong khi chờ đợi, họ vẫn ở tại cõi Hạ Thiên, nhưng vì sự giới hạn riêng của chính mình nên họ chỉ biết có một phần nhỏ nhít mà thôi.

Ít người mở mang Thể Trí đến mức độ có đủ khả năng sử dụng nó làm một vận cụ. Tới một ngày kia, những vị Ðệ Tử của Chơn Sư học di chuyển trong Thể Trí và họ tạo ra một Thể giả gọi là Mayavi roupa để dùng khi làm việc ở Trung Giới. Học hỏi phương pháp xong rồi thì vị Ðệ Tử bỏ Thể Vía và Xác Thân ở trên giường và khi nào y muốn làm việc ở cõi Trung Giới, y tạo ra một Thể Vía tạm thời (Mayavi roupa), chừng nào thấy không còn cần dùng nó nữa thì y để tự nó tan rã. Trước tiên, Ðức Chơn Sư dạy Ðệ Tử phương pháp thực hành, kế đó, vị Ðệ Tử tự mình làm lấy như tôi đã giải thích trong quyển Chơn Sư và Thánh Ðạo.

Việc vị Ðệ Tử chắc chắn gặp Ðức Chơn Sư trong Ðền Thụ Huấn dường như mâu thuẫn với lời dạy trong Tiếng Nói Vô Thinh: Ðừng tìm Tôn Sư của con trong cõi ảo tưởng (Région mayavique). Hai đoạn nầy có thể hòa hợp trọn vẹn nếu người ta biết được ý nghĩa của mỗi đoạn. Ở đây, người ta nên hiểu rằng tại cõi Trung Giới con người sẽ luôn luôn gặp vị Ðại diện của Ðức Chơn Sư. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt thì chính Ðức Chơn Sư mới tự mình đứng ra lo lắng cho vị Ðệ Tử. Thường thường vị Ðệ Tử làm việc trên cõi Trung Giới dưới sự điều khiển của một trong những vị Cao Ðồ của Ngài.

Lời giáo huấn của Tiếng Nói Vô Thinh khuyến cáo chúng ta đừng nhận nhân vật đầu tiên mà ta gặp trên cõi Trung Giới làm vị hướng đạo cho chúng ta trong khi chúng ta chưa biết rõ họ là người thế nào, bởi vì có một số đông nhân vật trên Trung Giới, đủ hạng khác nhau, với lòng nhiệt thành đáng khen, sẵn sàng đứng ra làm Ðạo Sư và họ không chút ngã lòng về việc họ hiểu biết ít hơn những người mà họ muốn thâu nhận làm Ðệ Tử.

Ai cầu xin sẽ nhận được. Nhưng tiếng nói của kẻ thường nhơn đã không ngớt cầu xin mà không được ai nghe. Bởi vì họ cầu xin với cái Trí, và tiếng nói của cái Trí chỉ nghe được ở cảnh giới, chỗ cái Trí hoạt động. Bởi thế, ta phải chờ qua 21 qui tắc đầu tiên trước khi nói: Ai cầu xin sẽ nhận được.

Câu đầu của đoạn trên nhắc nhở một đoạn khác trong Kinh Thánh Tân Ước, đoạn đó giống hệt đoạn nầy. Ðấng Christ nói: Hãy cầu xin, người ta sẽ cho, hãy kiếm rồi người sẽ gặp, hãy gõ cửa người ta sẽ mở. Thường thường người ta giải thích điều nầy như vầy: Những lời cầu nguyện của ta sẽ được chấp nhận và nếu chúng ta gõ cửa Trời, thì cửa sẽ mở cho chúng ta vào. Người ta tưởng một cách mập mờ rằng khi ta thử tìm phương giải thoát thì ta sẽ được mãn nguyện. Trong đoạn nầy thì quan điểm cao hơn. Ðây nói về Chơn Lý cũng như về sự phát triển Huyền Bí. Câu cách ngôn không áp dụng cho kẻ thường nhơn mà đúng là cho vị Ðệ Tử sau khi trải qua 21 qui tắc đầu tiên rồi thì y đi đến trình độ được Ðiểm Ðạo lần thứ Nhứt.

Người nào chỉ cầu xin bằng trí năng thì kiếm cách hoạch đắc những sự hiểu biết về Huyền Bí Học và cố gắng quan sát kỹ lưỡng những sự bí ẩn của cuộc đời và vạn vật bằng những năng lực trí thức mà thôi. Ðức Chơn Sư nói rất minh bạch rằng điều nầy chưa đủ đâu. Người đó, cũng sẽ được đáp ứng lại nhưng chỉ tương ứng với trình độ Trí thức của y mà thôi, nói một cách khác, y sẽ chỉ có một quan niệm trí thức về vài vấn đề. Vả lại, đó cũng là một việc rất tốt lắm rồi và phải thận trọng đừng khinh thường điều đó.

Học giả Thông Thiên Học, về mặt trí thức hiểu rành rẽ giáo lý thì đã làm được một việc tuyệt đẹp, y công nhận giáo lý là đúng bởi vì trí tuệ của y được thỏa mãn.. Ðó đã là một kết quả quí báu, nhưng không cấu thành được sự hiểu biết thật sự và không giống chút nào sự xác thực tuyệt đối do những điều hiểu biết nhận được ở cõi Trực Giác [59], chỉ có những điều hiểu biết đó, đối với nhà Huyền Bí Học mới chứng tỏ sự tiến bộ đúng đắn.

Rất khó mà có một trí thức quá sâu sắc. Ai không đồng ý kiến với chúng ta? Ðiều lợi ích cho chúng ta là cố gắng gia tăng sự hiểu biết của chúng ta, mở mang trí thức do một công việc làm nhất định, bởi vì tôi đã giải thích ở trên không có sự tiến bộ quan trọng nào có thể có được trước khi Thể Trí cũng như Thể Vía của chúng ta đã phát triển tới một trình độ nào đó. Trong vài trường hợp, người hiểu rõ hệ thống Thông Thiên Học gặp phải nguy cơ là phóng đại tầm quan trọng của những năng lực trí tuệ của y, có thể y tự ý phê phán và nói rằng: Nếu do tôi điều khiển thì Vũ Trụ sẽ được xếp đặt một cách khéo léo hơn, không như bây giờ. Người nào duy trì ý kiến nầy là dùng một cách tệ hại trí năng của mình, y sẽ phải khổ sở vì nó. Y sẽ được ích lợi là mở mang cho mình năng lực xúc cảm sâu xa hơn và thắm thía hơn. Trái lại, nếu con người có thể mở mang về mặt trí thức, mà vẫn giữ thói khiêm cung, nếu y hết sức nghiên cứu hệ thống mà trong trí tưởng hoặc trong lời nói, y không xét đoán nó thì sự phát triển của y chỉ đem lại cho y toàn là những sự ích lợi mà thôi.

Người ta thường nói với chúng tôi: Phải lấy Lương Tâm mình làm người hướng đạo. Những mạng lịnh của Lương Tâm từ trên đưa xuống và thường thường tiêu biểu những sự hiểu biết của Chơn Nhơn về vấn đề đương giải quyết; nhưng mà Chơn Nhơn mới phát triển có một phần; những điều Ngài hiểu biết về một vấn đề có thể rất ít oi và cũng có thể sai lầm nữa, Ngài chỉ có thể lý luận tùy theo những sự hiểu biết mà Ngài sẵn có. Vậy thì Lương Tâm của một người đối với y vẫn là một người hướng đạo ít chắc chắn. Ðôi khi, một Chơn Nhơn còn trẻ, ít thông minh, có thể bắt buộc Phàm Nhơn tuân theo ý muốn của mình. Theo thế thường, một Chơn Nhơn chưa phát triển không khác hơn điều đó được, nếu là việc cưỡng bách mấy thể thấp phải thực hành mạng lịnh của Ngài đưa ra, và có lẽ việc nầy là một điều tốt lành. Ðôi khi, một Chơn Nhơn ít mở mang về phương điện khoan hồng và không có một học thức vững chắc nhưng có một ý chí khá mạnh mẽ nên ra lịnh cho cái óc xác thịt, và những mạng lịnh nầy chứng tỏ vị Chơn Nhơn nầy còn trẻ lắm và không hiểu biết chi cả.

Chúng ta chỉ phải vâng lời Lương Tâm của chúng ta mà thôi, nhưng cũng chắc chắn là chúng ta phải tìm cách sử dụng Lương Tâm đặng kiểm soát và kiểm nhận vài sự việc quan trọng lớn lao mà không ai đem ra bàn bạc.

Rất có thể những vị Pháp quan [60] đôi khi hành động như vậy là vì theo tâm ý [61] họ xúi giục, nếu họ so sánh tâm ý họ bảo họ giết người, tra tấn người, thiêu đốt người với lời giáo huấn cao thượng và khoan hồng của Ðấng Christ, Ðức Giáo Chủ của họ đã dạy họ: Các người hãy thương yêu nhau thì họ sẽ do dự. Họ sẽ tự nói: Lẽ tự nhiên điều nầy là một sự lầm lạc. Ít ra chúng ta cũng phải sáng suốt tìm hiểu trước khi chìu theo bản năng của chúng ta về quan điểm đặc biệt nầy. Mấy vị Pháp quan rất hữu lý mà tự giác như thế đó và đem tâm ý của họ ra mà so sánh như đá thử vàng với những qui tắc tổng quát của Ðấng mà họ đã biết là bực cao minh tối thượng. Nhưng mà họ không tưởng nghĩ đến điều đó, vì thế mà cõi đời chịu đau khổ dữ dội. Trong một trường hợp như thế, ít có người chịu ra công suy nghĩ, mà tại sao không thấy đó là phương sách chắc chắn nhứt phải đem ra thực hành.

Vì vật chúng ta phải sử dụng trí tuệ của ta cách nào đặng nó làm dụng cụ cho Chơn Nhơn và không làm trở ngại sự phát triển của Ngài. Nếu tâm ý của ta hình như bảo ta làm một việc rõ ràng trái ngược với Ðại Luật Bác Aùi, Chơn Lý và Công Bằng thì chúng ta phải tự hỏi có phải là qui tắc tổng quát không cao hơn sự áp dụng đặc biệt nầy chăng? Mà dường như sự áp dụng không hợp với Ðịnh Luật.

Trước khi thật thức tỉnh trên cõi Trực Giác [62], thì ta thường nhận được những phản ảnh của nó. Ðôi khi trực giác đến với chúng ta trong đời sống hàng ngày và mặc dù những cảm giác của Chơn Nhơn bắt nguồn từ cõi Thượng Thiên hơn là cõi Bồ Ðề, thỉnh thoảng chúng ta cũng nhận được như lằn chớp nháng của sự hiểu biết thiêng liêng mà sự biểu hiện không thể phát sanh ở cảnh giới thấp hơn cõi Bồ Ðề. Những ánh sáng vô giá nầy đem đến cho chúng ta những sự hiểu biết mà chúng ta cảm biết hết sức là đúng, nhưng trong nhiều trường hợp không dùng trí khôn tìm ra được nguyên nhân.

Sự tín nhiệm của ta rất chính đáng, nếu quả là trực giác thực sự. Trong những giai đoạn đầu tiên, sự khó khăn đối với chúng ta là luôn luôn chúng ta không thể phân biệt được Trực Giác với sự kích thích. Muốn phân biện, Ðức Bà A. Besant có đưa ra một hay hai thí dụ sau đây:

Huynh đã có thời giờ chờ đợi thì hãy bỏ qua trong chốc lát và để việc đó qua ngày mai. Nếu là một sự kích thích thì chắc chắn nó sẽ tan mất. Còn như quả là một Trực Giác thực sự thì nó vẫn giữ nguyên vẹn sức mạnh của nó. Một mặt khác, Trực Giác luôn luôn có tánh cách Bác Aùi, Vị Tha. Một sự kích thích từ cõi cao đưa xuống mà có mòi ích kỷ thì Huynh hãy tin chắc rằng đó là một sự kích thích trí tuệ, chớ không phải là Trực Giác thật sự ở cõi Bồ Ðề.

Những sự kích thích của Cái Vía cũng như những Trực Giác, đi từ cõi Trung Giới vô Cái Phách của cái óc xác thịt, còn những Trực Giác xuất phát, tùy theo trường hợp, từ Thượng Trí hay Kim Thân (Thể Bồ Ðề): thứ nầy cũng như thứ kia, đều phát sanh từ những cảnh cao nên thật khó mà phân biệt chúng nó. Tới một giai đoạn sau nầy, chúng ta không thể lầm lạc, khi TâmThức mở ra trên mức độ cao hơn Cái Vía, chúng ta biết chắc chắn những kích thích bắt nguồn từ cõi Trung Giới hay là một cõi cao hơn. Những người sanh đồng thời với chúng ta ít khi hưởng được sự ích lợi nầy, thế nên họ phải vận dụng tất cả lương tri và tất cả trí lực mà họ đã mở mang được.

Sau khi thực hành xong 21 qui tắc thì trong lúc sanh viên được Ðiểm Ðạo, Tâm Thức Bồ Ðề hay là sự hiểu biết Sự Ðồng Nhất hiện ra cho anh thấy như là một sự kiện Thiêng Liêng vĩ đại [63]. Sau sự kinh nghiệm nầy, thí sanh khác hẳn thường nhơn chỉ biết cầu xin với trí năng mà thôi. Người ta thường nói: Ðơn Nhứt là đặc điểm của cõi Bồ Ðề. Ðiều nầy có lẽ cần phải có vài lời giải thích phụ thêm. Ở trong Nhân Thể (Thượng Trí), một người có thâu thập sự hiểu biết khá đầy đủ một vật nào đó; anh thấy cái tinh hoa, cái cốt yếu của nó, bởi vì Chơn Nhơn tác động qua trung gian của Nhân Thể (Thượng Trí). Chơn Nhơn tưởng một cách trừu tượng, chớ không cần hạ xuống cho tới những thí dụ, bởi vì tư tưởng của Ngài soi thấu cặn kẽ vấn đề. Mấy điều nầy thật kỳ diệu nhưng mà còn hành động từ bên ngoài.

Ðặc điểm lớn lao của cõi Bồ Ðề là hoạt động từ trung tâm phát ra ngoài (Ly tâm lực). Nếu ta muốn tỏ bày thiện cảm với người nào đó và hiểu biết họ trọn vẹn hầu giúp đỡ họ cho có hiệu quả thì ta hoạt động trong Thượng Trí (Nhân Thể). Ta phóng ra một tia sáng như tia sáng của đèn khí đá của Nhân Thể của y (đây là nói một cách bóng dáng) rồi ta học hỏi những đặc tánh, những cái riêng biệt. Chúng nó rất rõ ràng và rất dễ xem xét, nhưng luôn luôn chúng ta thấy từ bên ngoài. Nếu chúng ta có năng lực Bồ Ðề và muốn đạt được sự hiểu biết nầy thì ta đem Tâm Thức ta lên cõi Bồ Ðề và tại đó ta nhận thấy Tâm Thức của người mà ta muốn học hỏi là một thành phần của chúng ta. Tại đây, ta gặp trong Tâm Thức ta, một điểm, có thể nói là một kẽ hở hơn là một điểm, nó tiêu biểu cho tâm thức của y, nhờ kẽ hở nầy mà ta vào Tâm Thức của y, đây là một mức độ thấp ta đã chọn lựa. Ta thấy tất cả mọi vật đúng như y đã thấy. Ta thấy chúng nó bằng ta vô ở trong tâm y, thay vì từ ở ngoài mà nhắm vô. Người ta hiểu dễ dàng rằng phương pháp nầy giúp chúng ta hiểu biết và có thiện cảm một cách trọn vẹn.

Khi tầm mắt ta mở rộng nhờ những sự hiểu biết mới mẻ nầy thì tất cả những thực thể khác nhau và tất cả những vấn đề liên hệ đến chúng nó trở thành một thành phần của chúng ta. Chúng ta học hỏi chúng nó từ bên trong, chớ không phải từ bên ngoài, chúng ta có thể nhứt định điều khiển Tinh Lực chúng ta theo chiều hướng nào. Ðây là một sự lợi ích rất lớn lao và rất mới mẻ. Chúng ta biết phải bàn đến những vấn đề dưới thế gian cách nào. Tôi không muốn nói rằng một người mới thấy thoáng qua sự đồng nhứt thì không hề lầm lạc ở trong mấy cảnh thấp, nhưng y không lầm lạc nếu y có khả năng đem Tâm Thức y lên cảnh cao, y quan sát vấn đề theo quan điểm cao siêu nầy, chừng về nhập xác nhớ rành rẽ rồi hành động. Có khi y không có đủ thì giờ làm như vậy, hoặc là không nghĩ tới điều nầy. Y cũng lầm lạc như mấy kẻ khác vậy.

Tuy nhiên, việc có năng lực nầy rất ích lợi cho y lắm, bởi vì ngay bây giờ đây chẳng những nó giúp cho y hiểu biết mà còn nhờ tầm mắt mở rộng nên thấy được nhiều hướng phải điều khiển sức mạnh đặng thâu thập những kết quả mong muốn với những điều kiện rất thuận lợi.

Ðọc, theo ý nghĩa huyền bí của danh từ là đọc với cặp mắt tinh thần. Hỏi, tức là cảm biết khao khát trong thâm tâm, thiết tha với nguyện vọng thiêng liêng, có khả năng đọc được tức là có năng lực để thỏa mãn sự khao khát đó trong một mức độ nhỏ nhít.

Nguyện vọng thiết tha thiêng liêng không phải là sự ham muốn thường để hiểu và biết, vốn sẵn có (cố hữu) của Nhân Thể (Thượng Trí) mà nó thuộc về một sự biểu hiện cao cả, sự biểu hiện ở cõi Bồ Ðề và chỉ tại cõi nầy nó mới tìm được sự thỏa mãn trọn vẹn. Như tôi đã giải thích, cái chi xảy ra trong Thể Bồ Ðề đều phản chiếu trong Cái Vía của Phàm Nhơn. Vì thế luôn luôn người ta lấy một sự cảm xúc mạnh mẽ thuộc về cõi Trung Giới như là một nguyện vọng thiêng liêng.

Những sanh viên Huyền Bí Học không nên lầm lạc như thế, nhưng mà những Tân tín đồ đều thường phạm lỗi nầy. Chúng ta thường thấy những gương thí dụ trong những cuộc hội họp Tôn giáo gọi là Ðể Thức Tỉnh trong đó nhiều người không có giáo dục, không có sự mở mang nào cả, ở vào trạng thái xuất thần, mê mang trong chốc lát khi nghe một người kia giảng Ðạo. Chính là người nầy cũng bị xúc động mãnh liệt, cho nên mới gây được sự xúc động cho các thính giả. Vài nhà đại truyền giáo thuở xưa vì bản tánh đa cảm nên có được quyền năng nầy đến một mức độ hết sức cao. Tôi không có ý nghĩ rằng họ không làm được nhiều sự ích lợi, tôi không có chút chi ngờ vực về điều đó, nhưng mà theo lời thú nhận tất cả thì sự hành động của họ thuộc về cõiTrung Giới và nhắm vào sự cảm xúc.

Quả thật có thể thức tỉnh nhiều người có nguyện vọng thiêng liêng bằng phương pháp đi từ dưới thấp lên trên cao, nhưng mà mấy người nầy rất hiếm hoi và không có trong những hạng người còn kém bề học thức.

Ý kiến nầy không có chi gọi là hẹp hòi hay nhỏ nhen, vì những tình trạng của sự sanh sản đều do Nhân Quả định đoạt. Một người kia sanh trong giai cấp xã hội thiếu giáo dục và đức dục là tại số phần của y. Chắc chắn y là một Linh Hồn còn trẻ hơn một người khác lúc mới sanh đã hưởng thụ được những lợi lộc nhiều hơn y. Nhưng đây không phải là trường hợp bất di bất dịch. Có những ngoại lệ, những trường hợp đặc biệt, nhưng nói một cách tổng quát thì thật đúng như vậy. Có những tín đồ Cơ Ðốc Giáo như hạng ông Mondy và Nankey chỉ thuyết Ðạo cho những người không có giáo dục nghe. Người ta có thể mong mỏi đánh thức được những cảm xúc, chớ không biết những hiệu quả được trường cửu hay không. Nếu những ấn tượng khá mãnh liệt thì họ sẽ nhớ được lâu, dầu cho những xúc động đã lắng dịu xuống và người mà thế gian gọi là Ðược cứu rỗi có thể duy trì tâm trạng mới mẻ và cao thượng hơn trước.

Những sự xúc động mãnh liệt có khi rất bổ ích, nhưng mà thường thường chúng nó gây ra nhiều tai hại. Có nhiều người nhờ chúng nó mà dứt bỏ được đời sống xấu xa, nhưng cũng có nhiều người thì bị khổ sở vô cùng như trí tuệ mất sự quân bình hay là mất năng lực tư tưởng hoặc trở nên điên cuồng dữ tợn. Những trường hợp mà sự ích lợi được trường cửu rất hiếm lắm, không phải là thông thường, phần đông thì có tánh cách tạm thời. Sự kích thích tiêu tan rồi thì không còn cái chi tốt đẹp tồn tại cả. Nhưng mà chúng tôi nhìn nhận rằng sự cảm xúc là một việc tốt đẹp trong trường hợp mà những người cảm thụ được nâng lên một trình độ cao hơn trước, mặc dầu điều nầy là nhứt thời, trong chốc lát thôi.

Những sanh viên Huyền Bí Học không nên có những sự cảm động nầy, bởi vì họ đã qua khỏi giai đoạn nhờ sự kích thích như thế đó giúp cho họ tiến hóa. Nhưng mà đừng lầm lẫn sự cảm động của loại nầy với sự phấn khởi của mấy cõi cao. Trong những cuộc hội họp goi là Thức Tỉnh, các thính giả thường ở trong trạng thái xuất thần, hôn mê; lúc đó chắc chắn họ không tự chủ được nữa. Tôi thấy nhiều người dậm chơn, la hét om sòm, họ không tự kềm nổi cho đến đỗi họ không hiểu họ làm cái chi nữa. Người ta nói: Cái đó để chứng tỏ họ vui mừng. Tôi muốn công nhận như thế, nhưng đó là một sự cảm xúc cuồng loạn, sanh viên Huyền Bí Học phải tránh xa. Người nào ở vào trạng thái xuất thần lên cõi Bồ Ðề thì rời khỏi xác thân, một niềm phúc lạc đưa anh lên, mãnh liệt cho đến đỗi không có danh từ nào diễn tả được, nhưng anh không mất ý thức anh chính là anh. Anh ở trên một cõi cao anh cũng chính là anh, anh còn hơn trước nhiều, anh vẫn tự chủ. Sự xuất thần của anh có thể đối chiếu với một thứ cảm xúc của Phàm Nhơn; nó là một niềm vui tột bực ở mọi trình độ, nhưng không phải một cảm xúc buông lung, không có sự kềm hãm. Nhưng mà sự xuất thần không hề xúi giục anh làm những việc bất cẩn hay là những điều vô lý, anh quên mình và tự hạ nhục mình. Sự phấn khởi tột độ, niềm phúc lạc của sự kinh nghiệm cao siêu không thể diễn tả được, luôn luôn nó kèm theo một sự an tịnh tuyệt vời dường như lan tràn khắp thế gian, trong lúc đó, những sự cảm xúc thấp thỏi làm mất sự thăng bằng tới một điểm hết sức lạ lùng.

Một người có Thần Nhãn khi tới dự một cuộc hội họp gọi là Thức Tỉnh thì thường thấy có những sanh vật không phải là con người, ở chật nức trong phòng đặng lợi dụng những lượn sóng của sự xúc động vô kỷ luật nầy. Sự cảm xúc là một năng lực khủng khiếp và những lượn sóng của nó, nếu chúng ta để ý xem xét về kích thước của chúng thì thấy chúng rất cao và có một sức mạnh dữ tợn. Chúng phóng tới, chúng lao mình qua chất Thanh Khí làm cõi Trung Giới và gây ra tại đây tất cả những hậu quả của một trận bão lớn tại cõi Trần. Nhiều sanh vật ở cõi Trung Giới vui thích trầm mình trong cơn bão tố với một niềm hoan lạc và một sự kích thích tột độ, hoọ không biết cảm xúc ấy sanh ra bởi những cảm tình đạo đức, thù hận hay tình thương. Họ chỉ tìm những sự rung động dữ tợn, những dòng nước xoáy và những làn gió lốc của trận bão tố. Họ rất thích thú quay cuồng trong sóng nước và thả trôi như những tay bơi lội giỏi ở ngoài biển khơi. Khi họ làm được thì họ làm nổi dậy những cảm xúc của con người và tìm cách tăng nó lên thập bội, họ chỉ biết đó là niềm vui vô bờ bến. Trong những cuộc hội họp như thế chính là do họ mà những lực hhùng hồn phát sanh ra. Họ tăng thêm cường độ lực nầy cũng như một bầy cá voi trong lúc biển động trửng giởn làm cho sóng dậy ba đào. Những loài sanh vật nầy chỉ khôn bằng loài kình ngư mà thôi, không có chi gọi là thiêng liêng cả. Không phải như nhiều người đã lầm tưởng là Linh Khí đâu. Làm trò chơi cho những sanh vật thấp thỏi như thế thật là không xứng đáng cho con người chút nào.

Sự phấn khởi và niềm phúc lạc mãnh liệt kèm theo mình sự im lặng và sự yên tĩnh tuyệt đối trong cõi lòng mới chứng tỏ chắc chắn là con người đạt đến những mức độ cao siêu. Sự xáo động, sự hỗn loạn, sự mất tự chủ là dấu hiệu con người còn ở trong một cảnh thấp thỏi.

Khi Ðệ Tử đã sẵn sàng học hỏi thì anh được đón tiếp, nhìn nhận và thâu nhận. Phải có như thế bởi vì anh đã đốt sáng ngọn đèn của anh, không thể che giấu nó được.

Ðây là một câu cách ngôn khích lệ chúng ta. Những vị Ðệ Tử luôn luôn được Sư Phụ chăm nom, mặc dù nhiều người khó mà hiểu được điều nầy. Những Ðấng Cao Cả đã cắt nghĩa điều nầy như vầy: Khi các Ngài nhìn xuống cõi Trần, người nào đã thắp sáng ngọn đèn của mình rồi thì hiện ra như một ngọn lửa lớn giữa đêm tăm tối, như thế làm sao các Ngài không thấy nó. Các Ngài chờ đợi những ánh sáng nhỏ hiện ra rồi các Ngài gắng sức biến đỗi mỗi ngọn đèn leo lét thành một ngọn lửa, đặng sau đó, tới phiên những ngọn lửa mới nầy chiếu sáng khắp cõi Trần.

Về điều nầy, người ta thường đưa ra những lời công kích hớp tớp, không kịp suy nghĩ. Có lẽ cái đó là sự tự nhiên, nhưng mà những người công kích đó nên im lặng là điều tốt hơn hết. Tôi thường nghe nhiều hội viên rất thông minh, biết phân biện lẹ làng những sự lầm lạc và nhược điểm của kẻ khác, nói như vầy: Anh đó là Ðệ Tử Chơn Sư, tôi thấy anh không có cái gì xứng đáng hơn tôi. Tôi đã ở nhiều năm trong Hội, tôi đã làm việc nầy, việc nọ, nếu một người nào còn những nhược điểm thấy rõ rệt mà được thâu nhận thì tại sao tôi không được hân hạnh đó.

Những người đưa ra các ý kiến như thế quên hẳn nguyên tắc chung là nền tảng của sự tiến bộ huyền bí. Những sự chống đối của họ đúng là một loại với sự chống đối về Luật Nhân Quả mà người ta thường thấy. Họ thấy không có sự công bình trong nhiều việc đã xảy đến cho họ. Như thế thì không có luật công bình nào cả. Họ nói: Không có luật công bình ở thế gian, đó chỉ là ảo tưởng thôi. Ðiều nầy rõ ràng cũng như việc nói: Tôi chế tạo một Thủy động cơ, mà nó không chạy. Vậy thì không có áp lực của nước. Không một người nào trí óc lành mạnh mà nói như vậy. Trước hết anh sẽ tìm kiếm coi cái máy trục trặc ở chỗ nào, biết rằng những luật của thiên nhiên vẫn bất di bất dịch và không bao giờ chúng nó lầm lạc. Không một ai có thái độ như thế đối với luật của Khoa học Vật lý; nhưng mà đối với Luật Nhân Quả thì người ta lại có thái độ đó. Nếu lúc đầu tiên người ta lấy giả thuyết rằng Luật Nhân Quả có thật và có hành động bất di bất dịch, và nếu người ta không biết cách nó hành động trong trường hợp nầy hay trường hợp kia, thì họ nên qui lỗi cho chính mình họ và sự thấy còn nông cạn của họ. Họ sẽ không phạm lỗi khờ khạo phủ nhận sự tồn tại của Luật Nhân Quả.

Cũng thế, về nhiều phương diện, những người nào tưởng mình cao hơn những người đã được Chơn Sư thâu nhận làm Ðệ Tử nên nhớ rằng sự xét đoán của Ngài không hề sai lầm trong sự lựa chọn. Quả thật ở trên những cõi cao siêu có những điều mà một vị Chơn Sư chưa biết, nhưng mà chắc chắn những gì ở các cõi thấp liên hệ với chúng ta, chúng ta có thể nhìn nhận những sự hiểu biết của Ngài không hề sai lầm. Trên Chơn Sư còn những Ðấng Cao Cả như Ðức Bàn Cổ (Manou). Ðức Bồ Tát (Bodhisatva), Ðức Phật, Ðức Ngọc Ðế. Các Ngài thấu rõ nhiều điều mà Chơn Sư chưa thông. Ðức Thái Dương Thượng Ðế còn biết nhiều hơn nữa. Ngoài ra còn những Ðấng Thái Dương Thượng Ðế cao hơn nữa và sự hiểu biết của các Ngài càng sâu rộng vô cùng. Ðối với mấy cảnh dưới mà Chơn Sư đã hoàn toàn khắc phục thì chớ nên nghi ngờ sự xét đoán và sự đúng đắn của Ngài. Khi chọn lựa ai thì Ngài không thể lầm lạc.

Dầu trong hợp đặc biệt, ngoại lệ, ngày sau vị Ðệ Tử bỏ đường chánh mà làm những việc xấu xa tệ hại, điều nầy không phải Chơn Sư đã lầm trong sự lựa chọn. Anh nầy xứng đáng được cơ hội tốt đẹp thì cơ hội tốt đẹp đưa đến cho anh. Việc dạy dỗ một vị Ðệ Tử như thế đòi hỏi vô lượng công phu. Trong trường hợp trên đây, dường như những công phu trước kia rất vô ích. Nhưng không phải như vậy đâu. Chắc chắn tất cả những điều nầy sẽ được kể vào sự tiến hóa của y trong một chỗ kia và một cách nào đó. Có khi Chơn Sư đưa đến cho người nào đó một dịp may vì anh xứng đáng được hưởng, mặc dầu trong người anh, gần một bên những tánh tốt lại có những tật xấu, nếu những tật xấu nầy thắng những tánh tốt thì không thể dùng anh được. Chơn Sư vẫn đưa cơ hội đến, bởi vì đó là sự công bình.

Ðôi khi có những sự ràng buộc giữa những Chơn Nhơn (Linh Hồn) với nhau, rồi nhiều kiếp sau đưa đến tình thân mật giữa Thầy và Trò. Ta hãy kể một trường hợp mà nhiều người biết là trường hợp của Huynh Sinnett, Phó Hội Trưởng của chúng ta. Xưa kia, đã lâu lắm rồi, Huynh là một ông hoàng Ai Cập danh tiếng lẫy lừng. Thân phụ Huynh có tạo lập và chu cấp cho một Ðạo Viện nên có thanh thế và uy tín rất lớn trong đó. Lúc ấy, một vị Tôn Sư của chúng ta bị bắt làm tù binh ở Ai Cập. Huynh Sinnett và tôi vốn ở trong đạo binh sanh cầm Ngài. Ở trong xứ Ngài, Ngài là một vị rất có thinh danh. Người ta giao Ngài cho chúng tôi giữ, bởi vì những tù binh thuộc hạng quyền quí cao sang thì được đối đãi rất tử tế tại Ai Cập và được những người ngang hàng với họ săn sóc nếu ngày nào mà họ không tìm cách trốn đi. Ngài ở trong nhà Huynh Sinnett hai năm, trong thời gian nầy Ngài rất thích những sự hoạt động trong Tu Viện. Ngài xin tham gia vào những công tác đó. Nhờ Huynh Sinnett giúp lời nên Ngài mới vô được Ðạo Viện khảo cứu Huyền Bí Học. Ngài tiến bộ một cách lạ thường và trong những kiếp sau, Ngài cứ tiếp tục học hỏi thêm rộng sâu những điều mà Ngài đã biết hồi còn ở trong Ðạo Viện tại Khem thuở xưa. Về sau Ngài thành một vị Chơn Sư trong khi người ơn của Ngài ngày xưa ở Ai Cập vẫn còn xa cửa Ðạo. Trong kiếp hiện tại nầy, khi Ngài quyết định đem truyền bá Chơn Lý Thông Thiên Học cho thế gian, vì ngày giờ đã đến cho nhơn loại để tiếp nhận nó, Ngài bèn tìm một người để giao phó sứ mạng nầy. Ngài nhìn xuống thế thì thấy người bạn cũ và cũng là ân nhân của Ngài khi xưa đương làm Giám đốc một tờ Ðại nhựt báo hội đủ những điều kiện cần thiết để hoàn thành sứ mạng nầy. Khi đưa cơ hội tốt đẹp đến cho Sinnett, Chơn Sư đã trả xong mối nợ của Ngài đã thiếu Huynh. Chúng ta hiểu Huynh Sinnett đã biết lợi dụng cơ hội nầy bằng cách tốt đẹp nào rồi. Gương nầy chứng tỏ rằng một người kia, trong một quá khứ xa xưa có tạo sợi dây liên lạc với người khác mà ngày nay đã Ðắc Ðạo thành Chánh Quả làm một vị Siêu Phàm. Muốn trả món nợ đã mang, lẽ tự nhiên Ngài giúp đỡ anh nầy, dạy dỗ anh và đem anh đến gần Ngài.

Vì vậy, những sợi dây có thể thắt chặt nhiều cách khác nhau và có thể người được chọn lựa làm Ðệ Tử rất còn xa sự trọn lành; nhưng nếu anh không xứng đáng thì anh không được chọn lựa đâu. Những lầm lỗi của anh, những nhược điểm của anh chưa phải là một duyên cớ để loại anh ra ngoài, nếu anh có nhiều khả năng khác quan trọng hơn và những sự lợi ích thâu hoạch được nhiều hơn những sự bất lợi. Có nhiều trường hợp làm cho Chơn Sư quyết định thâu nhận người nầy hay người nọ. Chúng ta hãy chắc chắn rằng anh nầy không được thâu nhận nếu anh không xứng đáng. Sự trái ngược lại rất đúng là không một ai xứng đáng phải lo ngại cho số phận mình không được Chơn Sư để ý tới và không được chọn lựa.

Dùng Hạ Trí, do công trình khó nhọc của chúng ta đặng phê phán những hành động của các vị Chơn Sư mà sự hiểu biết vô cùng cao siêu hơn chúng ta thì là không sáng suốt chút nào. Chúng ta có thể không hiểu được lý do của các Ngài. Nhưng ít ra những kẻ phụng sự Ngài giữ vững niềm tin đối với các Ngài đặng nói rằng; Tôi biết Chơn Sư hành động rất đúng. Tôi không phân biệt được tại làm sao. Riêng về phần tôi, Ngài sẽ thâu nhận tôi khi tôi sẵn sàng. Tôi phải tỏ ra xứng đáng. Trong khi chờ đợi, những điề`u Chơn Sư làm cho kẻ khác không quan hệ gì tới tôi cả. Không có gì khôn ngoan hơn nữa.

Cũng nguyên tắc đó đối với công việc giao phó cho chúng ta. Nếu bề ngoài xem như nó có vẻ không thành công thì cũng đừng thất vọng. Nếu chúng ta không thu nhận được kết quả đã tiên liệu thì chúng ta có thể thu nhận được cái kết quả đúng với ý muốn của Chơn Sư. Không phải luôn luôn Ngài nói với chúng ta tất cả những tư tưởng của Ngài. Ngài cho chúng ta một công việc làm, chúng ta tưởng cái kết quả chúng ta thu thập được chắc là kết quả mà Ngài chờ đợi. Có lẽ ý muốn của Ngài thì khác hẳn. Có lẽ Ngài muốn tập cho người làm việc chịu một kỷ luật đặc biệt, thí dụ như không thất vọng trong trường hợp thất bại, sau cùng, Chơn Sư có những lý lẽ khác mà kẻ làm việc không biết. Trong những kinh nghiệm của tôi về Huyền Bí Học, tôi có cơ hội nhận thấy nhiều lần điều đó. Chúng tôi được lịnh làm vài việc, chúng tôi tưởng rằng chúng sẽ sanh ra những hậu quả nào đó, nhưng mà không có gì xảy ra hết. Chúng tôi lấy làm lạ, nhưng vài năm sau, chúng tôi thấy rằng nếu không có việc làm của chúng tôi trước đây thì không thu thập được một hiệu quả khác. Theo ý tôi, chắc chắn là trong trường hợp nầy Chơn Sư cho chúng tôi làm một việc không phải như ý của chúng tôi đã tưởng mà với ý nghĩ khác chúng tôi không hiểu chi cả.

Với những người bất mãn vì tìm thấy những điều mà họ gọi là lỗi lầm ở nơi những người Ðệ Tử và cho rằng những người như thế không xứng đáng được chọn lựa thì tôi xin nói với họ: chắc chắn mấy anh thấy có một khía cạnh của vấn đề và Cái Trí của mấy anh đã nghĩ sai lầm. Nếu mấy anh biết sự hiện hữu của các Chơn Sư và nếu mấy anh có một chút ý niệm về quyền năng của các Ngài thì mấy anh có thể tin chắc rằng các Ngài biết rõ những điều của các Ngài làm. Nếu mấy anh không tìm hiểu được ý định của các Ngài thì, tóm lại, điều nầy thấy không có gì là cần thiết chomấy anh. Các Ngài biết, đó mới là điều quan trọng.

Người được chọn lựa làm Ðệ Tử không phải luôn luôn được hay biết liền về việc nầy. Thường thường người được vinh hạnh sẽ làm Ðệ Tử đã có giao thiệp cách nầy hay cách nọ với một người đã làm Ðệ Tử Chơn Sư rồi và đã được Ngài chỉ dẫn đôi điều qua trung gian của người Ðệ Tử ấy. Chắc chắn Chơn Sư đã nói với vị Ðệ Tử cũ: Ðêm mai, con dắt người đó đến Thầy trong lúc y ngủ. Khi y đến trình diện thì Chơn Sư nói với y: Ta theo dõi công việc làm của con, ta tưởng con có thể tiến bộ. Ta thâu nhận con làm Ðệ Tử Nhập Môn, nếu con cam kết con sẽ dùng hết sức lực của con, hay là những sức lực mà con có thể sử dụng đặng phụng sự nhơn loại theo những điều kiện mà Ta sẽ chỉ bảo, đó là điều thường xảy ra.

Nhưng mà có khi phải chờ đợi một thời gian khá lâu trước khi cho hay biết việc được chọn lựa, hoặc vì một lý do nào đó, con người khộng biết được việc nầy trong lúc anh đương thức đây.

Tôi nhớ, có biết một trường hợp đặc biệt, tại Ấn Ðộ, một ông lão, tín đồ Ấn Giáo chánh thống sống một đời hết sức đúng đắn, rất hữu ích và siêng năng. Ấy là một người không bao giờ tỏ ra ích kỷ và dùng tất cả những phương tiện đã có để phụng sự nhơn loại. Sau khi làm đầy đủ bổn phận trong gia đình, ông dùng tất cả thì giờ và tiền của ông đặng làm những việc phước thiện theo ý ông hiểu. Trước khi biết Hội Thông Thiên Học, ông luôn luôn tin rằng: Những vị Ðại Hiền Triết Ấn Ðộ (Rishis) thuở xưa phải có thật mà hiện giờ các Ngài phải còn. Ông hi vọng sẽ được gần gũi các Ngài trong tương lai, nhưng ông nói một cách khiêm tốn: Tôi biết quyền quyết định ở nơi các Ngài chớ không phải do tôi. Tôi tìm kiếm các Ngài, trong nhiều năm dài đăng đẳng, tôi cố gắng sống một cuộc đời đúng theo ý muốn của các Ngài. Ngày kia, một vị Chơn Sư của chúng tôi nói với ông: Ðã 40 năm rồi. Ta theo dõi công việc của con làm, Ta thường dắt dẫn con mà con không hay biết. Ngày giờ đã đến. Tốt hơn là cho con hay biết điều nầy.

Ðây là một gương sáng rất hiển nhiên, dường như nó chứng tỏ rằng nhiều người có lòng vị tha có thể làm việc dưới sự điều khiển của các Tôn Sư của chúng ta mà họ không ngờ điều đó. Có thể có nhiều lý do mà trong kiếp nầy họ đừng biết việc ấy[64]. Chúng ta hãy tin chắc đi. Chơn Sư hành động cho sự tốt đẹp, nếu các Ngài không nói chi cả thì điều nầy không chứng tỏ rằng sự chăm nom của các Ngài vẫn không được thường trực.

Trong những sự giao thiệp nầy, Chơn Sư hành động làm sao cho quyền lợi của con người và sự ích lợi của việc làm được tăng thêm, bởi vì Ngài được ưu thế xem xét tất cả những điều nầy từ trên những cõi cao siêu, nơi đó khỏi cần phải làm cho sự lành và sự dữ cân phân với nhau như ở dưới mấy cảnh thấp. Biết bao lần, tại thế gian nầy, sự làm được việc phải, việc lành đưa tới theo một chiều hướng duy nhứt, mà xét về một phương diện khác thì việc làm của ta có hại.

Ðức Bàn Cổ có ám chỉ về Chơn Lý nầy mà người ta không biết khi Ngài nói: Không có lửa nào mà không có khói, nhưng Lửa không có Khói có thật. Ở mấy cõi cao sự lành thuần túy, không có những hiệu quả, không có sự liên kết với những sự ác, bởi vì tất cả đều thực hiện cho quyền lợi chung và sự tiến bộ của toàn thể bao hàm sự tiến bộ của mỗi đơn vị. Nếu đôi khi, việc làm gây ra tai hại, nếu con người bị chận đứng lại, thì việc chận đứng nầy giúp cho sự tiến bộ của y. Cũng như sự tỉa nhánh cây chỉ có một mục đích là làm cho nó vượt lên tốt, nhưng cái cây cho là sự ác độc đối với nó.

Nhưng không thế nào học được trước khi thắng trận giặc đầu tiên. Lý trí có thế biết Chơn Lý nhưng Tinh Thần không thể chấp nhận nó.

Chơn Nhơn đưa những cảm giác xuống mấy cảnh thấp khi Ngài bắt đầu thức tỉnh. Ngày nào mà Ngài chưa làm chủ được Cái Vía thì ngày đó Ngài không làm gì được, bởi vì khi Cái Vía chỉ là những sự cảm giác sôi nổi thì làm sao Chơn Nhơn truyền đạt những lời giáo huấn có mạch lạc hay là hợp lý. Trận Ðại Chiến đầu tiên là chiến đấu đối với giác quan. Chơn Nhơn phải thắng phục chúng nó, rồi Chơn Nhơn đối diện với CáiTrí, có thể nó là một địch thủ gớm ghiết hơn Cái Vía nữa.

Rồi Chơn Sư mới nói qua những điều do Trực Giác ban cho. Như tôi đã giải thích, trong mỗi kỳ Ðiểm Ðạo thí sanh nhận được một bí quyết, một chìa khóa, dưới tầm mắt của anh thì nó biến đổi hết cuộc đời, tiết lộ những sự bí mật thâm sâu mới mẻ và như thế đó, nó thêm cho giáo lý Huyền Bí một ý nghĩa rộng rãi hơn. Mỗi lần thí sanh nhận lấy bí quyết, mỗi lần anh tưởng nó là cái chót. Anh nói: Bây giờ đây tôi thông suốt tất cả, những sự hiểu biết của tôi rất mĩ mãn, rất đấy đủ, không có cái chi cao siêu hơn nữa đâu. Nhưng mà những điều còn lại phải học tập vốn vô tận, vô biên. Càng ngày con người càng tiến thì từ bức màn nầy tới bức màn khác lần lượt vén lên cho anh. Chơn Sư biết đúng lúc nào sự giải thích nầy hay sự giải thích nọ hữu ích hơn hết. Ðôi khi, người ta tưởng tượng rằng: Ðiều tốt hơn hết là nhận lãnh tất cả một lần một. Ý tưởng như thế thật là phi lý. Ðiều nầy không khác nào bắt buộc vị giáo sư dạy phép Vi Tích Phân cho một đứa nhỏ còn đương học bảng toán nhân. Nó phải trải qua nhiều trình độ trung gian, trước khi hiểu được ý nghĩa của phép toán mới nầy.

Ðối với chúng ta cũng hoàn toàn đúng như vậy. Chúng ta thường nghĩ rằng (cũng còn sự kiêu hãnh của Cái Trí) chúng ta hiểu biết khá đầy đủ, không còn có thể dạy chúng ta những sự hiểu biết mới mẻ khác nữa. Tôi chỉ xin nói: Các Ngài hiểu hơn chúng ta nhiều về cái gì tốt đẹp cho chúng ta. Dĩ nhiên, điều tốt nhứt cho mỗi người cũng là điều tốt nhứt cho tất cả.

Nhiều người vẫn đồng ý về điều nầy. Họ thừa nhận toàn thể phải đi trước mỗi phần tử, nhưng đôi khi họ có chút ý nghĩ rằng: những phần tử bị bỏ quên và nếu tất cả đều góp phần vào sự ích lợi cho toàn thể thì những phần tử cá nhân thường không được săn sóc. Cõi đời được cai trị một cách rất khôn khéo. Cái điều tốt nhứt cho toàn thể thì chắc chắn là tốt nhứt cho cá nhân. Chẳng những nhân loại đều được đối xử công bình mà sự công bình nầy đối với bất cứ một cá nhân nào cũng không được trở thành một sự bất công, dầu là một sự bất công nhỏ nhít chăng nữa. Chúng ta hãy tin như thế: niềm tin của chúng ta phải trở thành tuyệt đối, vậy thì không còn chút chi ngờ vực, không còn chút chi sợ hãi nữa. Dù có chi xảy đến, chúng ta cũng có thể nói với một lòng tin tưởng và bình tĩnh rằng: Tất cả đều thực hiện cho sự tốt đẹp nhứt.

Ai đã trải qua cơn dông tố và tìm được sự an tịnh thì từ đó lúc nào cũng có thể học hỏi; dầu cho vị Ðệ Tử còn do dự, sa ngã và rời bỏ con đường chánh. Tiếng Nói Vô Thinh vẫn ở trong lòng y, dầu y bỏ hẳn Con Ðường Ðạo đi nữa, một ngày kia nó sẽ vang lên, làm tan nát cõi lòng y và chia đôi tình dục với thiên năng. Rồi, mặc cho Phàm Nhơn đau khổ và kêu la tuyệt vọng, vì bị bỏ rơi, vị Ðệ Tử cũng trở về với Ðạo.

Trong trường hợp như thế, thật ra, sự chiến đấu sẽ cực kỳ ác liệt. Chúng ta chớ nên đi đến tình trạng đó. Ðiều tốt hơn là chúng ta gìn giữ lấy mình và tránh một sự giải phẩu trầm trọng là sự chia rẽ giữa Chơn Nhơn và Phàm Nhơn. Sự chiến đấu chống với Phàm Nhơn vốn tiếp tục không ngừng, nếu vị Ðệ Tử cho kẻ nghịch bám chặt vào Chơn Nhơn và làm cho Ngài bỏ những khả năng cao thượng của mình thì sẽ chịu cực kỳ đau khổ khi tới ngày chia rẽ không tránh khỏi được, bởi vì người đã nhập lưu chỉ ra khỏi dòng sông khi đã tới bờ bên kia [65].

Vì thế Ta nói với con: Cầu chúc cho con được an tịnh. Câu: Ta ban cho con sự an tịnh của Ta chỉ để cho Ðức Thầy dùng nói với những Ðệ Tử yêu quí đã giống như Ngài.

Nơi đây Chơn Sư định rõ một sự phân biệt đáng chú ý. Ở Á đông câu: Cầu xin sự an tịnh đến vói anh là một lối chào thường lệ, với một nét tốt đẹp. Khi chúng ta nói Good bye là Cầu xin Ðức Thượng Ðế đến với anh, câu nầy đồng nghĩa với câu trên, vì Ðức Thượng Ðế là Sự An Tịnh. Chữ Salaam của người Hồi Giáo là Salem của Jérusalem và Jérusalem có nghĩa là chỗ cư lưu của sự yên tịnh. Người Ấn có từ Shanti, có nghĩa là Yên tịnh. Còn Namaste của họ có nghĩa là Chào anh! Kính anh. Thường thường người ta trả lời lại bằng chữ Shanti.

Ở Á đông có tục lệ để sau chót quyển sách câu: Cầu xin sự an tịnh đến với anh. Câu nầy muốn nói tác giả cáo từ các độc giả và chúc phước lành cho họ. Nhưng mà, như Chơn Sư đã nói: Câu Ta cho con sự an tịnh của Ta chỉ để dùng trong trường hợp đặc biệt mà thôi. Khi nói: Ta để lại cho các con sự an tịnh của Ta, Ta cho các con sự an tịnh của Ta, Ta cho các con sự an tịnh của Ta không phải như thế gian đã cho [66], Ðấng Christ chỉ nói riêng với các Ðệ Tử của Ngài mà thôi. Chúng ta hãy đọc câu nầy. Muốn thọ lãnh sự yên tịnh của Chơn Sư thì vị Ðệ Tử phải giống như Ngài, nghĩa là một vị Ðệ Tử Chánh Thức, Thiệt Thọ, có lẽ còn hơn nữa, là Ðệ Tử, Con của Thầy. Những lời nói với vị Ðệ Tử không phải tiêu biểu cho cái ước vọng thường tình là cầu xin sự an tịnh và ân huệ ban xuống cho y. Ước vọng do một người có quyền năng đọc lên thì có một hiệu lực chắc chắn. Những tiếng nầy có một ý nghĩa nhiều hơn. Chơn Sư ban sự yên tịnh của Ngài, sự yên tịnh mà không có chi khuấy rối được, cho những người con của Ngài, giống y như Ngài. Họ thuộc về thành phần của chính bản chất của Ngài và kết hợp với Ngài trong phạm vi khả năng của họ. Lẽ tự nhiên cái đó không có nghĩa là vị Ðệ Tử được dự phần vào trọn vẹn bản chất của Ngài và những gì mà Ngài đã có. Nếu như vậy thì vị Ðệ Tử đã thành một vị Siêu Phàm rồi, nhưng anh dự phần vào được bao nhiêu hay bấy nhiêu.

Những câu trên đây có thể lập đi lập lại hằng ngày một cách đầy đủ hơn cho những ai chưa từng biết Khoa Minh Triết Ðông Phương.

Ðây là một thông điệp rất đặc sắc và rất thú vị. Ðối với chúng ta nó có thể dường như lạ lùng, bởi vì nhiều người trong chúng ta có vài quan niệm về Khoa Minh Triết Ðông Phương, tôn kính các Ðấng Cao Cả, từ lâu thuộc về một tổ chức đặc biệt hiến mình để phụng sự các Ngài và công việc của các Ngài; nhưng đốivới phần đông, các Ngài không thể nói: Ta cho các con sự sự an tịnh của Ta. Ngài chỉ nói câu nầy với một số người được Ngài chấp nhận sự liên quan mật thiết với Ngài.

Tuy nhiên ân huệ thân mật nầy có thể ban cho vài người không biết Khoa Minh Triết Ðông Phương. Cái nầy có nghĩa chi? Ai được một đặc ân như thế ban cho? Trong giai đoạn tiến hóa hiện thời những người được đặc ân đó rất ít, song vẫn có. Muốn hiểu được, chúng ta hãy tự hỏi điều gì làm cho Chơn Sư được quyền đem vị Ðệ Tử đến gần bên Ngài và phụ tá Ngài. Ấy bởi vị Ðệ Tử đã bước qua thế giới của Ngài, chia xẻ hoàn toàn cách nhìn thấy của Ngài và xem xét tất cả những gì có liên hệ với cõi đời y như Ngài đã quan sát vậy. Ðiều nầy cũng có thể được cho một người không biết Chơn sư và Khoa Minh Triết Ðông Phương. Sự thiếu kém giáo dục không thể ngăn cản y, không cho y chấp nhận sự thấy cao siêu nầy. Ðặc điểm của Chơn Sư là Tuyệt Ðối Không Ích Kỷ. Ở nơi Ngài, bản ngã thấp hèn thì không đếm kể. Chơn Sư xem coi vạn vật như thấy chúng nó tại cảnh giới của Thượng Ðế và không có phút nào Phàm Nhơn của Ngài can thiệp. Tất cả cái chi giúp ích cho sự tiến hóa của con người thì tốt đẹp, cái chi ngăn cản nó thì xấu xa. Khoa Minh Triết Thiêng Liêng cho chúng ta đầy đủ tâm trạng nầy, nếu chúng ta hiểu rõ nó, tuy nhiên chúng ta cũng nhận thấy có nhiều người không biết Khoa Minh Trriết nầy mà cũng có được tâm trạng đó như chúng ta. Muốn gần Chơn Sư đến mức độ có thể nhận lãnh được sự an tĩnh của Ngài thì lòng thương người hay là tánh vị tha (Từ Bi, Bác Ái) là điều kiện đầu tiên và chánh yếu. Người ta có thể ở gần Chơn Sư và nhận lãnh sự An Tĩnh của Ngài, nhưng mà hai người được diễm phúc nầy vẫn thọ lãnh không đồng đều với nhau. Một người hiền đức vị tha nhưng dốt nát [67] nhận lãnh sự an tĩnh của Ngài tất cả những gì mà y có thể nhận lãnh được. Trái lại, một người kia có đủ hai đức tánh đó đồng bực với người nầy nhưng thêm vô sự hiểu biết cao siêu thì nhận lãnh sự an tĩnh đó nhiều hơn không biết bao nhiêu lần mà kể.

 Hãy xem xét ba Chơn Lý. Chúng vẫn bằng nhau.

Trước hàng nầy có hình tam giác; ấy cũng như chữ ký của người đã viết nó, cũng như các Ðức Giám mục Công giáo để hình Thập Tự trên những bức thơ hay là những tài liệu. Ở đây hình tam giác để cho người ta chú ý một cách đặc biệt.

Ba Chơn Lý mà Ðức Chơn Sư Hilarion đề cập đến là những Chơn Lý của Ngài đã kể ra trong một quyển mà Ngài nói cho một vị Ðệ Tử chép lại. Quyển đó nhan đề The Idyll of the White Lotus (Mối tình ngây thơ của Bông Sen Trắng) nhưng mà không được độc giả chú ý đúng mức.

Ðây là sự thuật lại một trong những tiền kiếp của Ngài tại Ai Cập trong thời kỳ mà Ðạo Giáo Ai Cập đã suy đồi, nên không còn ai hiểu nó nữa. Sự thờ phượng tốt đẹp và Vô Ngã biến thành sự tôn thờ một nữ thần bắt buộc tín đồ phải phát triển dục tình sôi nổi nhiều hơn là lòng thanh khiết cao thâm; sự trụy lạc càng ngày càng trầm trọng.

Chơn Sư lúc đó tên là Sensa, Ngài có thần nhãn và là một học trò trong một Ðạo Viện Ai Cập. Các Mục Sư của Ðạo Viện nầy rất mến Ngài, vì Ngài có thần nhãn và dùng Ngài như một đồng cốt, nhưng không muốn Ngài đem Ðạo Giáo chân chính ra dạy dân chúng, bởi chưng điều nầy có hại cho Giáo Hội thuở đó. Cuối cùng họ giết Ngài. Trong câu chuyện nầy, Sensa sau khi trải qua nhiều cơn thử thách gặp một nhóm Chơn Sư trong đó có Sư Phụ của Ngài. Sư Phụ Ngài nói với Ngài những điều phải dạy cho dân chúng biết, họ là những người lạc đường vì nghe theo một giáo lý sai lầm, đồi trụy.

Các vị Siêu Phàm dặn Ngài chỉ dạy những Chơn Lý tổng quát mà thôi. Chúng tôi có những Ðại Chơn Lý nầy như chúng đã được trình bày khi xưa. Ờ đằng trước có vài chữ như vầy: Có Ba Chơn Lý tuyệt đối không bao giờ mất được, nhưng có thể phải chìm vào sự im lặng, vì không có một miệng nào phô diễn chúng.

Nói một cách khác: Quần Tiên Hội gìn giữ chúng nó, cho nên chúng nó không thể nào mất được, dù cho tới một thời buổi kia, thiên hạ không biết đến chúng nó nữa, vì không có một ai đem ra công bố.

1) Ðại Chơn Lý thứ nhứt: Linh Hồn con người vốn bất tử, tương lai của nó là tương lai của một vật mà sự phát triển và sự huy hoàng vốn vô tận vô biên.

Ðại Chơn Lý nầy trừ tuyệt sự sợ sệt ngày về Ðịa Ngục và việc cần được cứu rỗi, bởi vì sự thành công cuối cùng của mỗi Linh Hồn con người là điều tuyệt đối chắc chắn, mặc dầu vì lạc nẻo, nó cáchxa đường tiến hóa không biết bao nhiêu dặm.

2) Ðại Chơn Lý thứ nhì: Nguyên Lý ban phát sự sống vốn ở trong mình ta và ở ngoài ta. Nó không bao giờ chết. Ðời đời kiếp kiếp nó vẫn chí thiện; không thấy nó được, không nghe nó được, không cảm nó được, nhưng mà người nào muốn thấy nó thì thấy được.

Nói một cách khác, Thế Gian là một sự biểu hiện của Ðức Thượng Ðế. Con người là một thành phần của Ngài, có thể chứng nhận được điều nầy khi nó có khả năng vươn lên tới mức độ mà sự hiểu biết nầy có thể ban cho nó. Cuối cùng vạn vật đều hướng về sự Từ Thiện, minh bạch và khôn ngoan.

3) Ðại Chơn Lý thứ ba: Mỗi người vừa là người tự lập luật lệ cho mình, tự cấp phát cho mình sự vinh quang hay sự đen tối, vừa là người tự quyết định đời sống của mình, tự ban thưởng mình hay là tự hành phạt mình.

Ấy là Luật Nhân Quả, Luật Bù Trừ và Luật Thăng Bằng được thuyết minh rõ ràng.

Ðối với những chữ nầy: Những Chơn Lý nầy vĩ đại như sự sống, mà cũng giản dị như tinh thần con người giản dị nhứt. Hãy lấy chúng làm thực phẩm nuôi những kẻ đói.

Ở đây trình bày những nguyên tắc của một Tôn Giáo, ai ai cũng có thể hiểu được. Nó gồm Ba tín điều chánh yếu trình bày một cách giản dị hết sức, nhưng cũng với nhiều thận trọng đặng tránh những sự khinh miệt. Người ta có thể tóm tắt chúng nó như sau đây:

Ðức Thượng Ðế vốn Chí Thiện. Người ta gieo cái chi thì sẽ gặt cái nấy. Dưới hình thức sơ đẳng nầy, các tín điều trên phù hợp với những người còn ở trong giai đoạn cần có một tín điều đơn giản. Một Linh Hồn tiến hóa hơn thì muốn hiểu tất cả; có thể dạy y những chi tiết nầy; chúng cũng đủ choán hết tâm trí của những người khôn ngoan hơn hết.

Ba Chơn lý nầy thấy rõ ràng; dù chúng nó có mất đi chăng nữa, chúng ta sẽ nhờ kinh nghiệm mà tìm lại được chúng. Nhiều Chơn Nhơn tự biết được Ba Chơn lý nầy và một cách trực tiếp, còn nhiều người khác chỉ tin thôi, đây là nói về cái gì liên quan với Phàm Ngã của họ. Họ chấp nhận những Chơn Lý nầy, bởi vì họ tin cậy những người đã đưa chúng đến cho họ và cũng bởi dường như chúng rất rõ ràng và chỉ chúng mới giải thích được một cách hợp lý đời sống ở chung quanh. Ðây là một giai đoạn và cũng là một giai đoạn tối quan trọng trên con đường dắt đến sự hiểu biết, nhưng lẽ dĩ nhiên không phải là sự hiểu biết trực tiếp. Thí dụ, tôi có thể nói với các anh: Ðối với tôi, thật sự đó là những Chơn Lý, vì đã nhiều năm và ở trên nhiều cảnh giới, tôi đã tìm kiếm và có những kinh nghiệm mà cái kết quả sẽ khác, nếu những luật căn bản nầy không có thật.

Ngày nay, những người có thể nói Tôi thấy rất ít, ít lắm, những mỗi người phải cố gắng để có đủ khả năng thốt ra lời nầy, bởi vì Sự Hiểu Biết Trực Tiếp ban cho nhiều quyền năng hơn sự tin tưởng hết sức rõ rệt bằng Trí Tuệ.

Một người kia nói về những việc nầy, luôn luôn người ta biết y nói những điều y hiểu biết hay là những điều y chỉ nghe nói lại mà thôi. Aûnh hưởng của từ điện khác nhau tùy theo trường hợp. Bởi thế, vì quy?n lợi của thiên hạ, điều quan trọng là sớm đạt được những sự hiểu biết riêng tư của mình. Dù là một phần nhỏ nhít của Ðại Chơn Lý chăng nữa, đó cũng là kết quả của sự kinh nghiệm của chúng ta. Chơn Lý của tất cả những gì còn lại liền trở thành chắc chắn và niềm tin của chúng ta tăng thêm. Những người mà sự tin chắc được hoàn toàn và căn cứ vào những sự hiểu biết của mình có thể giúp đỡ kẻ khác, bởi vì chỉ có sự hiểu biết mới làm được việc đó mà thôi. Thế nên, sự kinh nghiệm riêng tư của chúng ta mặc dầu là từng phần, từng giai đoạn cũng là rất hữu ích.

Nhiều người có những lúc, như trong giấc ngủ hay trong tham thiền, thấy Chơn Sư, nhưng không thể chứng minh điều nầy cho kẻ khác. Người ta sẽ bảo: Biết đâu cái đó chỉ là ảo ảnh hay là tưởng tượng. Nhưng mà mấy người đó biết chắc chắn không phải như vậy, họ biết họ thấy, họ cảm biết chắc chắn có sự hiện diện của một Ðấng Chơn Sư của chúng ta. Ðó là một sự kinh nghiệm tầm thường nhưng mà những hiệu quả lại lớn lao vô cùng. Những người nào có được hạnh phúc kinh nghiệm như vậy có thể tỏ lòng vô cùng biết ơn các Ðấng Cao Cả. Ấy, ít ra cũng là một điểm đã đạt được và sự biết được một việc liên quan đến cõi cao siêu thì soi sáng và giúp cho chúng ta hiểu biết dễ dàng ngay lúc đó tất cả những cái chi còn lại của Giáo Lý. Chớ nên khinh thường những kinh nghiệm về loại nầy.

Nếu sự hiểu biết của ta còn khuyết điểm thì không có chi là lạ lùng. Nó phải thế; đó là lẽ tự nhiên. Khi chúng ta tưởng bổ túc những sự hiểu biết từng phần và đáng thương hại của chúng ta, khi mà chúng ta đinh ninh rằng chúng ta Toàn Tri, thông suốt tất cả, chúng ta lên án những kẻ có tư tưởng khác hơn chúng ta, không biết rằng họ chiêm ngưỡng Chơn Lý do một trong nhiều mặt của nó, như vậy chúng ta đã đi lạc đường. Hãy giữ vững những sự hiểu biết còn nhiều khuyết điểm của chúng ta, nhưng phải lợi dụng tất cả những cơ hội để mở mang thêm chúng nó, mà đừng bao giờ quên rằng chúng nó chưa hoàn toàn, không vậy chúng ta sẽ lầm lạc rất dễ dàng: ấy là việc lên án một người có lẽ thông minh hơn chúng ta.

Chơn Lý rất thâm sâu, Chơn Lý rất mầu nhiệm, không một người nào, không một nhóm nào, không một đảng phái nào hiểu biết nó được trọn vẹn.

Phải tập mến Chơn Lý, dần dần trước khi có thể hiểu biết nó dưới một trong những trạng thái của nó. Chơn Lý liên quan đến một vật nào là cách thức của vật đó tự trình bày với Ðức Thái Dương Thượng Ðế, là Ðấng đã sanh hóa Hệ Thống nầy.

Chỉ có một mình Ngài mới hiểu nó và biết tất cả vạn vật như thế nào. Chỉ có Ngài mới thấy hết sức đúng. Với chúng ta thì Chơn lý vẫn tương đối. Chúng ta không thấy toàn diện như Ngài đã thấy, mà nếu những sự hiểu biết của chúng ta còn khuyết điểm thì trong tình trạng hiện thời, không phải chúng nó sai lầm. Về một vấn đề, chúng ta có thể hiểu biết nó vừa đủ, tới khi chúng ta thành những vị Siêu Phàm, chúng ta hiểu biết nó trọn vẹn, chúng ta không cần sửa đổi những ý niệm thâu thập trước kia, chúng ta chỉ mở rộng nó ra mà thôi.

Rất khó mà biết những điều nào người ta có thể đem ra dạy ở ngoài đời. Vậy thì tốt hơn là nên tham khảo ý kiến của Chơn Sư đặng biết những điều nào có thể nói cho thiên hạ nghe. Thường thường chúng Giaùo ta nói Thông Thiên Học với những người không hề chia xẻ quan điểm của chúng ta. Trong một cuộc diễn thuyết công cộng, chúng tôi cảm thấy chúng tôi nói rành rẽ hơn nữa, nếu chúng tôi tiết lộ một chút ý nghĩa cao thâm, nhưng chúng tôi ngần ngại vì điều đó có hại cho họ.

Thật sự, nếu chúng tôi đem dạy thiính giả những điều chúng tôi biết về Thông Thiên Học thì sẽ có nhiều vị không hiểu được bao nhiêu. Người ta cảm thấy tức khắc không thể đem vấn đề Chơn Sư ra nói với một số người, vì tư tưởng nầy rất lạ lùng đối với họ. Về điểm nầy chắc chắn họ sẽ đưa ra những lời chỉ trích quá đáng không kịp suy nghĩ hay là những sự nhạo báng, làm buồn chúng ta và cũng gây cho họ quả xấu lớn lao nữa. Người nào nói xấu các Ðấng Cao Cả thì chịu một trách nhiệm nặng nề. Việc họ không tin các Ngài cũng không thay đổi được hiệu quả. Chúng ta có thể không tin một miếng kim khí nóng. Nhưng nếu chúng ta nắm nó trong tay thì chúng ta sẽ bị phỏng. Những người nói hành các Ðấng Cao Cả thì phạm hai tội một lượt: tội bạc bẽo, phi ân bội nghĩa và tội nhạo báng những chuyện Linh Thiêng, tức là phạm Thánh, bởi vì các Ngài đã đem hết những kiếp sống và những năng lực của mình ra độ đời. Việc không hiểu bản tánh thiêng liêng của các Ngài không có can dự vào việc nầy. Thế nên, điều cần thiết là phải cân nhắc lời nói chúng ta. Mục đích duy nhứt của cuộc diễn thuyết là đem sự ích lợi cho thính giả. Chúng ta có thể làm hại họ, thay vì giúp đỡ họ, nếu chúng ta trình bày những tư tưởng mà họ chế nhạo.

Các Huynh hãy nhớ lời của Ðấng Christ nói mà thường bị hiểu lầm: Chớ nên ném những hột ngọc trước những con heo. Người ta thường tưởng rằng câu nầy so sánh con người như là một con heo. Ðức Chưởng Giáo không bao giờ nghĩ như thế. Ngài chỉ muốn nói đem những Chơn Lý cao thâm cho những người quá dốt nát đặng họ thưởng thức thì cũng điên rồ như việc ném những hột ngọc trước những con heo. Chúng tưởng nhận được đồ ăn; khi mà chúng thấy những ngọc không ăn được thì chúng chà đạp những hột ngọc nầy dưới bùn rồi trở lại tấn công những người ném cho chúng những ngọc, chúng giận dữ cắn xé họ vì chúng đã thất vọng. Dầu cho giá trị những ngọc đối với chúng ta thế nào chăng nữa, những ngọc nầy rất vô ích đối với bầy heo. Ấy là thái độ của những người thường khi chúng ta đưa cho họ những Chơn Lý mà họ không hiểu được. Họ không nhận được giá trị, họ ném chúng nó qua một bên và thường thường họ giận dữ và trách sao chúng ta đem cho họ những gì mà họ xét ra vô ích.

Luôn luôn người ta nhìn nhận rằng chỉ có những Chơn Lý đơn giản, bình dị mới đem ra trình bày cho đại đa số quần chúng chưa được tiến hóa nhiều.

Tất cả những Tôn Gíáo lớn đều có một Chơn Lý đặc biệt để dạy tín đồ một cách ân cần; một trong những Chơn Lý ấy được chấp nhận toàn diện, thì người ta thấy nó ứng đáp với hầu hết tất cả những nhu cầu. Ðiều kiện cần thiết là vài tư tưởng phải ăn sâu vào trí não của những Linh Hồn đương tiến hóa. Những Linh Hồn ấy đi từ Tôn Giáo nầy qua Tôn Giáo khác, từ giống dân nầy qua giống dân khác và trong mỗi Tôn Giáo hay mỗi giống dân, họ đều học tập để trở nên thông minh.

Thí dụ Ấn Giáo nhấn mạnh đặc biệt về Ðại Tư Tưởng của Bổn Phận. Khi tư tưởng nầy làm chủ Cái Trí rồi thì nó khuyến khích con người sống một đời đức hạnh và rất có mực thước. Ðạo Giáo của Hi Lạp nhấn mạnh về Mỹ Lệ.

 Quan niệm chính yếu mà Tôn Giáo ấy ghi khắc trọn đời trong lòng người dân Hy Lạp là quan niệm về Mỹ Lệ. Mỹ Lệ về sự biểu hiện củaThượng Ðế. Trong phạm vi mà một người tô điểm cho đẹp đẽ thân mình y và những người và vật ở chung quanh y, thì y đem họ đến gần kiểu mẫu của Ðức Thượng Ðế đã mong muốn và giúp quyền lực thiêng liêng biểu hiện thêm nhiều ở nơi y. Một vật nhỏ mọn thường dùng vẫn luôn luôn tốt đẹp, không cần thiết nó phải đắc giá hay là tại nó khó kiếm, nhưng mà nó đẹp vì hình dáng và màu sắc của nó. Ðó là Sức Mạnh của Mỹ Lệ, điều mà Hy Lạp tuyên bố cho đời biết. Thiên Chúa Giáo lấy Sự Sùng Tín làm quan niệm chánh. Ðã nhiều thế kỷ, Giáo Hội dự định sản xuất những vị Thánh, những vị có Ðức Hạnh; Giáo Hội tự khen mình đã thành công và lập ra tước vị để được mọi người chú ý, tổ chức những cuộc lễ và dùng tất cả những phương sách để đưa Thiên Chúa Giáo lên địa vị rất cao. Khi khảo cứu lịch sử, thì người ta thấy tín đồ Thiên Chúa Giáo thuộc về những hạng người không giống nhau. Những người nầy quả thật là cao sang, thông minh và có nhiều khả năng; những người kia khác hơn, thì quá ư tầm thường và vô học thức, nhưng mà lòng tốt của họ làm ra vinh dự cho họ. Phải có một sự khảo cứu thâm sâu mới biết được Thiên Chúa Giáo có mục đích không những bồi dưỡng cho ngọn lửa Sùng Tín mà còn giúp đỡ tín đồ ở mọi giai cấp và mọi phương diện. Khi khảo sát các Tôn Giáo khác, như Phật Giáo hay Ấn Ðộ Giáo chúng ta thấy hai Tôn nầy sẵn sàng đáp ứng với tất cả những nhu cầu. Mỗi tôn Giáo, đối với quần chúng thất học, có vài qui tắc giúp họ sống một đời đức hạnh nếu họ thành thật tuân theo. Những Tôn Giáo lớn cũng có những giáo lý quan trọng về triết học và siêu hình học để cho những người cần dùng tới chúng. Trong hình thức hiện thời, Thiên Chúa Giáo không làm như thế. Tôi không quên sách vở của các vị Cố Ðạo viết ra. Khi đọc lại Origène và Clément d'Alexandrie chúng ta thấy những lời chỉ dẫn về những giáo lý cao siêu ấy. Thí dụ, hai tác giả nầy nói rằng Thiên Chúa Giáo có những Bí Pháp của nó, nhưng mà những Giáo Hội Hy Lạp, La Mã, Anh Quốc hiện kim chắc chắn là tiêu biểu một cách bất toàn tình trạng của Thiên Chúa Giáo lúc ban sơ. Chánh giáo nào cũng phải có đủ khả năng thích ứng với nhu cầu của những người cực kỳkhác nhau. Nó phải thỏa mãn người Hiền Triết và những người thông thái cũng như người sùng Ðạo thất học. Nó không nên để những người sùng Ðạo dốt nát lên trên người Hiền Triết muốn hiểu biết. Khổ thay! Thiên Chúa Giáo lại có khuynh hướng không thể phủ nhận được là việc lên án những người hiếu học, chê bai sự hiểu biết của hï và gọi sự hiểu biết nầy là "Sự khôn ngoan của thời đại". Sau cùng họ tin rằng những người nào có thái độ trẻ con thì có nhiều khả năng để tiến mau. "Linh Hồn còn trẻ" phải hành động như thế; Tôn Giáo nào cũng phải có thể nuôi dưỡng nó, nhưng mà không phải là một lý do nói rằng không có món đồ ăn nào để nuôi dưỡng những Linh Hồn tiến hóa cao. Ðã lâu lắm rồi, những Linh Hồn trong những kiếp trước đã trải qua nhưng giai đoạn phát triển đầu tiên, bây giờ đây muốn tìm hiểu Cơ Trời, muốn biết vài chuyện của cõi Trần là nơi họ đang sống, những nguyên lý làm nền tảng cho Thế gian và giúp cho cõi Trần được tồn tại. Nhiều huynh đệ Công giáo của chúng ta lấy làm ngạc nhiên và được an ủi rất nhiều khi tìm thấy Thông Thiên Học có thể cung cấp cho họ những sự hiểu biết nầy mà không làm thương tổn Thiên Chúa Giáo chút nào cả. Thiên Chúa Giáo nguyên thủy không chứa đựng điều gì trái ngược với khoa Học, mặc dù từ đời Trung Cổ, Giáo Hội có khuynh hướng Phản Khoa Học. Lúc ban sơ Thiên Chúa Giáo đã thực hiện được mục đích của nó như các Tôn Giáo khác; lý do duy nhất mà nó cần phải được bổ sung thêm là bởi nó khổ sở vì đã mất giáo lý cao siêu của nó. Ðức Ðế Quân chấm dứt Phần Thứ Nhứt với mấy lời nầy:

Những qui tắc trên đây là những qui tắc thứ nhứt đã viết lên trên tường của Ðền Thụ Huấn. Những ai cầu xin thì sẽ nhận được. Những ai muốn học thì sẽ học được.

CẦU CHÚC CHO CON ÐƯỢC AN TỊNH

  -----*****-----

 
 PHẦN THỨ HAI

****

CHƯƠNG THỨ NHẤT

 -----*****-----

LỜI GIẢNG LÝ MỞ ÐẦU

 C. W. L. - Trong Phần Thứ Hai của quyển Ánh Sáng Trên Ðường Ðạo người ta giả sử sinh viên đã được Ðiểm Ðạo lần thứ nhứt rồi. Con người tiến lên từng bậc kế tiếp cho tới khi thành một vị Siêu phàm. Xa hơn nữa khởi đầu có một lời giải thích khác và cao siêu, nó giúp vị Siêu Phàm theo đuổi giai đoạn kế tiếp. Theo lời Ðức Subba Row là người biết rành rẽ về vấn đề nầy nói với tôi: thật ra quyển nầy có Bảy nghĩa, Bảy cách giải thích, dường như tương ứng với nhiều trình độ khác nhau và sự giải thích cao hơn hết dắt con người đến địa vị Văn Minh Ðại Ðế. Lẽ tự nhiên, đây là những vấn đề vượt quá xa tầm hiểu biết của chúng ta. Trình độ nầy quá cao, chúng ta không thể hiểu câu văn liên hệ đến cái chi. Có lẽ chúng ta thấy nó có hai nghĩa, rồi ngoài ra, cái còn lại, chúng ta vói không tới. Phần đã học rồi dạy ta phải loại bỏ Bản Ngã thấp thỏi hay là Phàm Nhơn; theo lời giải thích cao chúng ta loại bỏ cá tánh. Nếu trong phần giải thích thấp của Phần Nhứt có mục đích là hợp nhất Chơn Nhơn với Phàm Nhơn thì sự giải thích thứ nhì là hợp nhất Chơn Nhơn với Chơn Thần. Lời giải thích thứ nhì của Phần Nhứt phải là lời giải thích thứ nhứt của Phần Hai, bởi vì nó do Phần Nhứt mà ra. Nên nhớ điều nầy; như vậy ở chỗ nầy hay chỗ kia, chúng ta sẽ thấy ý nghĩa còn cao hơn nữa của lời giải thích thứ nhứt.

Ngoài sự im lặng là sự an tịnh, một tiếng vang lên. Tiếng đó sẽ nói:

 " Bao nhiêu chưa đủ; ngươi đã gặt, bây giờ ngươi phải gieo". Và biết rằng tiếng nói đó tức là sự im lặng, con sẽ vâng lời. Con bây giờ là một vị Ðệ Tử đủ sức đứng vững, đủ sức nghe, đủ sức thấy và đủ sức nói; con đã thắng được dục vọng và đạt được sự hiểu biết bản ngã; con thấy tâm hồn con đang phát triển, con nhận biết nó, con đã nghe Tiếng Nói Vô Thinh. Vậy con hãy vào Ðền Thụ Huấn và đọc cái gì đã viết tại đó cho con.

Ấy là những câu nhập đề của Phần Nhì do Ðức Chơn Sư Vénitien viết ra. Tôi tưởng trước nhất phải xem xét câu cách ngôn đầu tiên:"Ngoài sự im lặng là sự an tịnh, một tiếng vang lên... và biết rằng tiếng nói đó tức là sự im lặng, con sẽ vâng lời". Người ta thường hỏi rất nhiều, trong những người Thông Thiên Học, Tiếng Nói Vô Thinh, thật đúng là cái chi? Bây giờ đây người ta gần như đồng ý nhìn nhận rằng: ý nghĩa của nó vẫn thay đổi. Sự im lặng luôn luôn tiêu biểu điều gì xa hơn điểm mà con người đã đi đến; Tiếng Nói Vô Thinh là tiếng nói từ cõi cao đưa xuống, tiếng nói của Bản Ngã thâm sâu mà chúng ta đã nói đến.

 Trong mọi trường hợp, tiếng nói từ cõi cao đưa xuống là tiếng nói, một khi nghe được, thì bắt buộc phải vâng lời. Với người Ðệ Tử mới được Ðiểm Ðạo lần thứ nhứt (theo lời giải thích thấp) hay với vị Siêu Phàm được năm lần Ðiểm Ðạo (theo lời giải thích cao) thì Tiếng Ðó nói rằng nếu huynh an nghỉ trong niềm phúc lạc của sự yên tịnh khôn lường thì huynh chớ nên vui thích trong đó quá lâu. Trong sự im lặng, con người vẫn còn kinh ngạc về những tặng phẩm vinh diệu của sự Ðiểm Ðạo ban cho. Y học hỏi vạn vật trong ánh sáng mới đang bao phủ y. Mà tiếng nói vang lên "ngươi đã gặt, bây giờ ngươi phải gieo lại". Con người đi đến trình độ nầy và đạt được tất cả những gì bao hàm sự hiểu biết, sự tin chắc và sự an tịnh thì y phải cố gắng đem tặng phẩm nầy[68] ban cho kẻ khác. Y không nên tự mãn rằng đã hoạch đắc được mấy điều ấy.

Kế đó Ðức Ðế Quân nhắc nhở sinh viên về những quyền năng mà y đạt được: "Con bây giờ đây là một vị Ðệ Tử có thể đứng vững, có thể nghe, có thể thấy, có thể nói". Như Chơn Sư đã cắt nghĩa: Ðủ sức đứng vững là có lòng tin cậy. Sự tin cậy nầy đem ban cho con người do sự hiểu biết của y. Trong cuộc Ðiểm Ðạo lần thứ nhứt, vị Ðệ Tử được tiếp xúc lần đầu tiên với cõi Bồ Ðề. Vài sự kinh nghiệm không cần thiết kéo dài ra nhưng mà rất rõ rệt giúp cho chính y nhận thấy có một sự thật như thế và sự sống vẫn đơn nhất. Kế đó là chú thích của Chơn Sư Hilarion và mới xem qua thì ta thấy, trong Phần Nhì, Ngài giải thích toàn thể vấn đề một cách khác. Trước đây Ngài cho chúng ta một giảng lý tổng quát về bản văn. Ở đây Ngài giải thích từng chữ. Lẽ tự nhiên Ngài cho phần nầy rất khó hiểu và đòi hỏi không phải một giảng lý suông mà một sự cắt nghĩa nữa. Ðể khởi đầu, Ngài nói:

 Ðủ sức đứng vững có nghĩa là có lòng tin cậy. Ðủ sức nghe tức là mở cửa tâm hồn.

"Cửa của Tâm Hồn" nhắc nhở đức tánh thứ nhứt của Con Ðường Nhập Môn là Sự Phân Biện Sự Chơn và Sự Giả, theo chữ Phạn Pali là Manodwaravajjana, có nghĩa "mở cửa của Cái Trí". Khi Trí bắt đầu phân biệt những vật đáng tìm kiếm và những vật không đáng nhận lấy thì nó mở cửa đặng nhận lấy Chân Lý. Trong lúc Ðiểm Ðạo còn những cánh cửa khác phải mở, ấy là những cánh cửa của Tâm Hồn. Nói một cách khác, sinh viên phải đạt được Tâm Thức Bồ Ðề. Ðây là lần đầu tiên con người mới thật là một Linh Hồn và xem xét vạn vật như một Linh Hồn xem xét. Dưới trình độ nầy thì sự chia rẽ ngự trị do bởi vật chất gây ra cho đến đỗi ở trong Thượng Trí con người cũng vẫn còn rất xa việc hiểu biết ý nghĩa thật sự của đời sống, như Linh Hồn đã thấy. Nhưng khi dùng được Tâm Thức Bồ Ðề, con người đạt được một điều kiện khác hơn điều kiện trước chẳng những về thứ bậc mà còn về bản chất của tình trạng nữa. Thế nên điều nầy được xem như là rất quan trọng, vì vậy nó mới được kể vô trong lúc Ðiểm Ðạo lần thứ nhứt, mặc dù chúng ta có thể đạt được Tâm Thức Bồ Ðề ngoài sự Ðiểm Ðạo và trước khi đi tới mức độ đó.

Có thể thấy được là đạt được năng lực nhận thấy.

Nếu thực sự người được Ðiểm Ðạo thấy cõi Trần trực tiếp rõ ràng hơn người thường rất nhiều thì sự kết quả những sự quan sát của y vẫn cao hơn những điều mà người thường có thể bày tỏ dễ dàng hay là hiểu biết một cách chính chắn. Ðã từ lâu, các nhà tư tưởng lấy việc "có Thượng Ðế hay không có Thượng Ðế " làm đề tài học hỏi, tranh luận và suy luận. Không một người có Thần Nhãn nào thông minh mà làm như vậy, vì y biết. Tôi không nói: Y thấy Ðức Thượng Ðế. Trong quyển Saint Jean,1, 18 (Thánh Giong) có câu nầy: "Không ai thấy được Ðức Thượng Ðế cả". Nếu nói về Ðức Thái Dương Thượng Ðế thì không thật trúng; nhưng mà đối với phần đông sinh viên thì điều nầy không sai. Nói một cách tổng quát, mặc dù người ta không thấy điện, nhưng người ta có nhiều bằng chứng về sự hiện tồn của điện. Ðèn điện thắp sáng, động lực của xe điện chứng minh điện có thật, mặc dù không ai thấy lực nầy ra sao cả. Ðối với người có Thần Nhãn cũng thế. Y không thể chiêm ngưỡng Ðức Thái Dương Thượng Ðế, nhưng việc nhận thấy sự Hành Ðộng của Ngài cũng đủ để chứng minh rằng Ngài có thật. Ấy là trường hợp của chúng ta đối với nhiều bằng chứng liên quan đến những vấn đề cao siêu Thông Thiên Học. Luôn luôn chúng ta không biết chúng một cách trực tiếp, nhưng mà chúng ta thấy những kết quả.

 Dưới bậc Chơn Sư, không ai thấy Chơn Thần ra sao, nhưng vị La Hán biết nó có ở tại cõi Niết Bàn, dưới cõi cư trú của nó một bậc [69]. Chúng ta thấy Ba Biểu Hiện của Chơn Thần gọi là Ba Ngôi. Những tia sáng của Chơn Thần phóng ra, khi đi lên phải đồng qui tụ tại một điểm cao. Chúng nó phải hiệp lại với nhau. Chúng ta biết điều đó, mặc dù chúng ta không hiểu sự hòa hợp của chúng ra sao. Những hiện tượng mà chúng ta đã thấy liên kết với Ba Ngôi, và làm cho chúng ta tưởng rằng ba tia sáng chỉ là ba mặt nhỏ của một Thân Hình lớn hay là một Ánh Sáng lớn. Vì vậy, dù không thấy tận mắt Chơn Thần, chúng ta vẫn công nhận nó có thật nhờ một bằng chứng đáng cho chúng ta tin chắc một cách tuyệt đối: ấy là "Sự hiện diện của các Chơn Sư ". Hơn nữa những hiện tượng chúng ta thấy ở cõi cao hơn hết mà chúng ta lên tới chứng nhận có một sự thật như vậy.

 Các Ðấng Cao Cả nầy có nói với chúng tôi nhiều chuyện mà chúng tôi chưa hiểu thấu rành rẽ, nhưng khi chúng tôi bước thêm một bước tới trước, chắc chắn chúng tôi nhận thấy mấy điều đó nhiều hơn bây giờ. Ðiều đó đã đến với chúng tôi nhiều lần rồi. Nếu chúng ta đi đến cảnh giới đã nói trong bài nầy [70], chúng ta cũng không đủ sức thấy được Ðức Thái Dương Thượng Ðế. Những sự chứng nhận như thế quả quyết Ðức Thượng Ðế có thật; chúng ta không có thể nào không tin được điều đó. Những chứng nhận ấy và cơ cấu của sự tiến hóa làm cho ta tin tưởng tuyệt đối rằng tất cả đều được tốt lành.

 Về điều nầy phải bắt đầu mở Huệ Nhãn cao mới thấy được. Sự quan trọng của nó rất lớn lao. Trước khi đi đến mức độ đó, tôi tưởng rằng con người mới hiểu được bản tánh của sự tin chắc tuyệt đối nầy; không có cái thảm họa cuối cùng và dù cho bóng tối bao phủ vạn vật, đó cũng chỉ là hình dáng bề ngoài mà thôi. Chẳng bao lâu, đám mây sẽ tan, rồi vầng Thái Dương vĩnh cửu không ngớt chiếu sáng trên đầu chúng ta sẽ hiện ra lại.

Với một chút thói quen, không khó chi mà đi đến sự tin chắc rằng riêng về phần chúng ta thì tất cả đều được tốt lành. Khi trải qua cuộc đời, chúng ta đã biết đủ hết các thứ ưu tư, phiền muộn, các thứ khó khăn. Không nói về Huyền Bí Học, con người có tư tưởng Thông Thiên Học vẫn biết rằng tất cả cái chi xảy đến cho y ít quan trọng hơn là Thái Ðộ của y, và y có thể thấy mình hữu phước[71], trong những trường hợp mà nhiều kẻ khác lại đau buồn. Sự trái ngược lại cũng đúng như vậy. Một người có thể làm cho y khổ sở trong những trường hợp mà thường thường nhiều kẻ khác lại vui mừng. Thế nên không có khó chi mà tin rằng riêng về phần chúng ta, thì tất cả làm việc cho hạnh phúc chúng ta, và đối với những người thân yêu của chúng ta, hãy tin rằng hạnh phúc nầy sẽ đến với họ nhiều hơn nữa, nếu chúng ta thấy họ đang bị những chuyện khó khăn, những sự lầm lạc và những điều khổ não. Chúng ta rất khó mà tin tưởng rằng tất cả đều xảy đến cho họ một cách bình thường, bởi vì lẽ tự nhiên chúng ta muốn bảo vệ họ, chúng ta muốn che chở họ cho khỏi bị Nhân Quả báo ứng.

 Người ta nói: Tình thương mù quáng, có lẽ theo một ý nghĩa, nó ngăn cản không cho con người thấy rõ ràng. Nhưng mà sự kinh nghiệm riêng của tôi thì chứng minh sự trái ngược lại. Một tình thương đậm đà làm cho chúng ta thành những người quan sát viên đặc biệt về một tật xấu đã thấy và chúng ta muốn góp phần vào sự tiêu diệt nó. Như theo người ta hiểu, thì câu cách ngôn có nghĩa là chúng ta không thấy những tật xấu của người chúng ta yêu thương. Dù sao đi nữa, khi ý thức về thực tế nảy sinh trong lòng chúng ta rồi thì ngoài những sự ích lợi lớn lao khác, chúng ta mười phần tin chắc rằng tất cả đều góp phần vào việc xây dựng hạnh phúc của chúng ta và của người thân yêu của chúng ta. Cuối cùng và trong tất cả những trường hợp, cái kết quả sẽ là: "Sự tốt đẹp nhứt có thể thu thập được". Sự chắc chắn nầy là nguồn cội lớn lao của sự an tịnh.

Ðủ sức nói, ấy là được quyền năng giúp đỡ kẻ khác.

Sự chọn lựa nầy rất có ý nghĩa. Chơn Sư chỉ rõ lời nói như là phương thức và cách giúp đỡ rất dễ dàng hơn hết của chúng ta. Ðối với phần đông chúng ta, điều nầy rất đúng vậy. Tại cõi Trần, chúng ta có thể giúp đỡ kẻ khác nhiều cách, mà đối với chúng ta là người Thông Thiên Học thì phương sách có hiệu quả hơn hết là Nói, hay là Viết, đó là một hình thức khác của lời nói. Chúng ta có thể truyền đạt sự hiểu biết của chúng ta. Rất ít người trong chúng ta tuy không có sự hiểu biết trực tiếp, nhưng mà có sự tin chắc trong lòng, sự tin chắc nầy, chúng ta khó mà cắt nghĩa, nếu người ta bảo chúng ta giải thích. Ảnh hưởng lớn lao của Bà A. Besant vốn do cảm giác của thính giả gây ra khi nghe Ðức Bà nói về những điều bà hiểu biết. Hơn nữa, tài hùng biện của bà vốn thật là phi thường. Không có hy vọng nào được tài hùng biện nầy trong một thời giam ngắn ngủi, bởi vì nó không phải là một thiên tư. Tài hùng biện của bà vốn là kết quả của một công trình cực kỳ khó khăn, cực nhọc, đeo đuổi trong nhiều kiếp. Trong những kiếp nầy bà tập trung một phần lớn sức mạnh của tư tưởng vào thuật hùng biện, thuật diễn thuyết, do đó bà mới tài ba lỗi lạc như bây giờ. Một ngày kia, người ta khen tặng bà về tài hùng biện của bà. Bà bèn trả lời: "Tôi đã nói giữa công chúng từ 12.000 năm rồi, tôi phải bắt đầu có thói quen". Chỉ có sự thực hành nầy mới làm cho bà có một năng lực phi thường. Nếu không có sự cố gắng như bà thì chúng ta không hy vọng đạt được cái kết quả như thế. Tuy nhiên dù chúng ta không có tài hùng biện vô song nầy, chúng ta cũng nói được điều chúng ta biết. Lòng tin cậy của các thính giả sẽ ứng đáp với sự tin chắc của chúng ta.

 Chúng ta càng tin chắc lấy mình thì chúng ta càng chia sớt sự tin tưởng của chúng ta cho kẻ khác dễ dàng và sự giúp đỡ của chúng ta càng có hiệu quả. Phải mở mang học thức của chúng ta càng ngày càng thêm rộng sâu. Chớ nên bằng lòng sự giải thích nông cạn về những tư tưởng Thông Thiên Học. Tư tưởng nầy phải thấm nhuần đời sống chúng ta. Tôi biết có nhiều Hội viên Thông Thiên Học vô hội 20 năm rồi mà không biết gì hơn lúc họ mới gia nhập; tôi cũng biết có nhiều Hội viên cũ đồng hóa giáo lý Thông Thiên Học và biến nó thành một thành phần của họ. Mấy vị nầy đủ sức nói với một cách quả quyết, một sự quả quyết mà nhiều sinh viên mặc dù có lòng nhiệt thành cũng không thể đạt được một cách dễ dàng. Ngày nay cũng như thuở xưa câu sau nầy rất đúng: "Nếu ai muốn thực hành ý muốn củaThượng Ðế thì họ sẽ biết giáo lý của Ta có phải là của Trời hay không".(Saint Jean, 7,17). Cách duy nhất đạt được sự tin tưởng nầy trước khi có sự hiểu biết trực tiếp là sống như giáo lý đã đúng thật vậy. Rồi thì trước mắt chúng ta những sự việc lần lần tăng thêm và xác nhận giáo lý. Mỗi sự việc riêng rẽ thì dường như không có nghĩa chi cả; nhưng mà hợp lại thì chúng làm ra một bằng chứng khó mà nghi ngờ hay là từ khước.

Thắng phục được lòng tham dục, tức là đã học hỏi được sự kiểm soát và sử dụng Phàm Nhơn; đạt được sự tự tri, ấy là rút vào trong thành trì nơi đó có thể xét đoán Phàm Nhơn một cách vô tư.

 Trong trường hợp nầy, thành trì nội tâm, lẽ tự nhiên, là Chơn Nhơn. Trong giai đoạn cao hơn, thành trì nội tâm là Chơn Thần mà Chơn Nhơn phải nhập vô Chơn Thần. Tôi đã cắt nghĩa Chơn Nhơn xuống vô con người cách nào. Phải hiểu điều nầy một cách rành rẽ. Chơn Thần cho một tia sáng từ trong mình đi xuống cõi Niết Bàn dưới cõi nó một bậc. Chúng tôi không tìm được sự so sánh nào đúng hơn. Tia sáng nầy phân ra làm ba và thành ra Atma TamThể hay Ba Ngôi Thiêng Liêng. Dưới hình thức ba trạng thái nầy, nó đi xuống và hiện ra dưới mấy cõi thấp như là Atma, Bouddhi, Manas và cả ba hiệp lại làm ra Chơn Nhơn. Thế nên, Chơn Nhơn là một sự biểu hiện một phần của Chơn Thần, có thể nói nó là một phần nhỏ của Chơn Thần, nhưng mà Nó cư xử như nó là một sinh vật hoàn toàn độc lập. Vì vậy một người thường, tự xem mình như là một sinh vật riêng biệt. Nó tưởng rằng Linh Hồn bay vơ vẫn trên đầu nó như một quả Khí Cầu bị cột dây dưới đất. Tôi tưởng các bạn Thông Thiên Học nào chưa biết quyển Cá Tánh của Con Người (Human Personality), (La Personalité humaine) của Giáo Sư Myers thì nên tìm đọc quyển đó. Trong quyển ấy Giáo Sư giải bày một cách hết sức hay sự liên lạc giữa Chơn Nhơn và Phàm Nhơn. Những trường hợp nầy có một sự ích lợi đặc biệt đối với những Hội viên của chúng ta, bởi vì Giáo Sư Myers trước kia là người hoài nghi, nhưng cuối cùng phải tin rằng có thật những hồn ma hiện hình và tất cả những gì do đó mà ra. Tôi thường gặp ông. Ông cũng thường gặp Bà Blavatsky và rất cảm phục những điều bà nói với ông, nhưng tỏ ra chưa vừa lòng. Luôn luôn ông tìm những sự chính xác, minh bạch, nhưng khư khư theo quan điểm trí thức. Ðó chính là những điều không thể nói về cái gì thuộc về mấy cõi cao mà không gặp phải những nỗi khó khăn không vượt qua được. Người ta không thể dùng những danh từ ở cảnh thấp đặng phô diễn những năng lực mạnh mẽ hay là những điều kiện của mấy cõi cao. Cái đó cũng không thể nào đem những hình bình diện (mesures de surface) trải ra trong dung tích của hình lập phương. Chính là chúng ta không quan niệm được cõi đời cũng như con người, sinh ra đây cách nào, bởi vì Đức Thượng Đế tạo con người giống hình Ngài. Con người cũng có bản tnh thiêng liêng in như Ngài vậy: Ba Ngôi trong một Đơn Nhất. Ba Ngôi và một Đơn Nhất biểu hiện trên cõi thứ bảy Không Gian vẫn giống như Atma - Bouddhi - Manas (Ắt ma -Bồ Đề - Mạt na) trong con người, nếu dùng cho đúng danh từ thì là Ba Trạng Thái chỗ khác biệt ở nơi đó.

Giáo Sư Mayers kiếm thế diễn tả thế giới cao siêu với những danh từ dùng ở cảnh thấp. Chúng ta có thể tìm cái "phỏng chừng", chúng ta có thể áp dụng điều nầy bằng cách kiếm thế kích thích sự tưởng tượng của độc giả hay thính giả của chúng ta, nhưng chúng ta không có danh từ thích ứng, không phải chúng ta bị bắt buộc phải giữ thái độ im lặng, nhưng mà cái cảm giác mong muốn không thể có được. Muốn thấy những cõi cao thì chúng ta phải phát triển những quan năng cao siêu. Măc dù chúng tôi cố gắng nói với họ những điều liên quan đến cõi Trung Giới, nhưng mà những người lên tới cõi ấy và vẫn thức tỉnh như chúng ta đây sẽ thốt ra mấy lời nầy: "Người ta chỉ nói với chúng tôi không tới phân nửa sự thật". Thật vậy, chúng ta không có đủ những tiếng để diễn tả. Nếu thực sự chúng ta không biết những việc ở mấy cõi trên thì điều đó là một sự ích lợi và một sự thỏa mãn lớn hơn là việc hiểu chúng có một phần. Chúng tôi có thể biết có phân nửa, nhưng chúng tôi biết khá đầy đủ và có thể chắc chắn rằng không sợ sệt, không nghi ngờ và đó là sự ích lợi lớn lao và tốt đẹp nhờ sự học hỏi Thông Thiên Học đã đem đến cho chúng tôi.

Thấy Linh Hồn con bừng nở, ấy là đã thấy nơi con trong chốc lát sự biến dạng của Linh Hồn, tới một ngày kia nó sẽ biến đổi con thành một vị Siêu Phàm.

Khi đi đến Tâm Thức Bồ Ðề thì sự thấu triệt của con người tăng thêm và khác hơn sự thấu triệt thường, bởi vì nó cũng gồm luôn sự cảm giác nữa. Ấy là sự lạ lùng và hết sức mới mẻ trong kinh nghiệm của con người, cho đến đỗi Chơn Sư phải lập đi lập lại nhiều cách và Ngài đứng về nhiều phương diện khác nhau. Thấy được lần đầu tiên cái điều làm cho huynh biến đổi thành khác hơn con người, đó là sự tiếp xúc lần đầu tiên với trạng thái Ðơn Nhất ở trong Ðức Thái Dương Thượng Ðế, Chúa Tể Thái Dương Hệ chúng ta. Huynh hãy nhớ rằng trong cuộc Ðiểm Ðạo lần thứ nhứt, con người chưa nhận được Tâm Thức Bồ Ðề đầy đủ và chưa hề mở mang Thể Bồ Ðề.

Người Ðệ Tử đã tập luyện đặng mở mang Tâm Thức Bồ Ðề thì thường thường đã có vài kinh nghiệm trên cõi nầy rồi. Nếu chưa thì kinh nghiệm lần đầu tiên của y phải thực hiện ngay bây giờ, nó liên quan đến những chướng ngại mà y phải vượt qua. Ba chướng ngại trước nhứt phải diệt trừ là: Phàm Nhơn là ảo ảnh, sự nghi ngờ và sự dị đoan [72]. Quang cảnh nầy thấy rồi thì làm cho chúng nó rơi xuống, khi biết được bản tánh Ðơn Nhất (Tất cả chỉ là Một) thì không còn sự chia rẽ hão huyền nữa. Không thể còn nghi nhờ những sự việc nữa. Vị Ðệ Tử tự hiểu rằng y không nên nghi ngờ Sự Tiến Hóa, Ðại Luật Nhân Quả hay là việc có thể nhờ Thánh Ðức mà tiến bộ rất mau. Ðó là Chân Lý vậy, con người tin chắc điều đó. Y có thể thấy Luật đó hành động. Y ở vào ngã ba, chỗ gặp gỡ của nhiều con đường, y biết bản tánh phức tạp của chúng cũng như mục đích chung, nghĩa là Chí Phúc. Y không còn tin tưởng dị đoan rằng: đi tới mức độ đó, một Tôn Giáo đặc biệt còn cần thiết cho y. Ðứng trên chót núi cao, y phân biệt được tất cả những con đường dắt chúng ta đi đến đó và biết rằng chúng nó đều tốt đẹp. Một điều trọng yếu lớn lao dính dấp đến sự kinh nghiệm tại cõi Bồ Ðề nầy; về mọi mặt, nó cho thấy thoáng qua "Cái gì mà tới một ngày kia nó biến đổi con người thành ra hơn một con người".

 Ðối với con người thành một vị Siêu Phàm thì sự kinh nghiệm còn có nghĩa cao hơn nữa, bởi vì Ngài đã hoàn toàn liên kết với Một Sự Biểu Hiện của Ðức Thái Dương Thượng Ðế [73]. Khi hiện ra ở những cõi [74] mà tất cả nhập lại làm ra Nguyên Khí Không Gian (Plan Prakritique) hay là cõi thấp hơn hết của những cõi lớn của Không Gian (Grands plans Cosmiques) [75] thì sự Biểu Hiện nầy phân làm Ba Ngôi và một đơn vị; Ba Ngôi Thánh Thiện, BaTrạng Thái của một Ðơn vị huy hoàng [76](1).

 Người ta không ngớt lập đi lập lại với chúng ta rằng: khi tưởng đến Ðức Thượng Ðế thì luôn luôn chúng ta tránh việc lầm lộn Những Cá Nhân và sự phân chia "Bản Chất" và chúng ta cố gắng hiểu ý niệm về sự Mầu Nhiệm Lớn Lao của Ba Ngôi, tuy Ba song vẫn là Một, nhưng không thể hiểu biết, không thể cắt nghĩa cho rành rẽ được. Trong hầu hết các Tôn Giáo và ở các thời đại, người ta đều cho sự hiểu biết sự Mầu Nhiệm nầy rất quan trọng và về phương diện thực tế, tầm mức của nó thật lớn lao. Cả ngàn người nói rằng tất cả những giáo lý về loại nầy chỉ trình bày một giá trị tầm thường về phương diện lý thuyết và không có ảnh hưởng chi tới đời sống hằng ngày. Ðiều nầy không phải thật đúng vậy. Hãy tin chắc rằng rất cần thiết, có một sự hiểu biết ít nhất cũng là bậc sơ đẳng về điều nầy. Chúng ta không hiểu biết toàn diện, nhưng chúng ta phải biết sự hiện hữu của ba cách thức của Năng Lực, và Năng Lực vốn Duy Nhất. Nếu chúng ta không biết điều nầy thì của Chơn Nhơn. Chơn Linh cao cả ngự tại cõi cao hơn hết trong Bảy cõi của chúng ta [77]. Ngôi thứ Nhì xuống thấp một cõi và hiện ra dưới hai trạng thái: một trạng thái ở tại cõi trên (tức là cõi Lưỡng Nghi hay là cõi Ðại Niết Bàn), một trạng thái ở cõi kế đó (tức là cõi Tứ Tượng hay là cõi Niết Bàn). Người ta thấy tại đó Nhị Nguyên. Theo Thiên Chúa Giáo, Ðấng Christ là Trời và Người. Chúng ta đọc trong bộ Giáo Lý Bí Truyền (Doctrine Secrète) đoạn nầy: Trạng thái nầy luôn luôn là lưỡng tính. Nó bằng Ðức Thượng Ðế về hai phần thiêng liêng. Nhưng khi nó xuống dưới một cõi thì nó thấp hơn Ðức Thượng Ðế về phần Nhân Tính (Humanité). Tuy nhiên hai trạng thái không chia rẽ ra. Cả hai làm ra Ðấng Christ duy nhất và Ðấng Christ vốn là một với Ðức Chúa Cha.

 Ngôi thứ Ba của Ðức Thượng Ðế xuống cõi thứ nhì, nơi đó Ngài ngang hàng với Ðức Chúa Con, rồi Ngài xuống thấp một bậc nữa và hiện ra ở tại một chỗ cao của cõi Niết Bàn hay là cõi của Atma. Cõi nầy chúng ta chưa vói tới, Ngài ở tại đó. Vậy thì chúng ta có Ba đường làm ra Hình Tam Giác. Trước nhất là cạnh nối liền Ba Trạng Thái hay Ba Ngôi, ở tại cõi các Ngài, kế đó là đường thẳng góc (perpendiculaire) của Hình Tam Giác đi xuống, trong trường hợp nầy chúng ta gọi là cạnh nằm, thay vì đi lên, nó là cạnh huyền (hypoténuse) của Hình Tam Giác mà bình phương của nó bằng tổng số bình phương của hai cạnh kia. Hình Tam Giác tiêu biểu Ðức Thượng Ðế. Ðối với chúng ta, tại cõi Trần, Ba Ngôi được tiêu biểu như thế đó nhưng vẫn hiệp lại làm Một. Con người thành một vị Siêu Phàm khi Ngài đem Tâm Thức của Ngài lên tới cõi Niết Bàn. Việc làm cho Ngài khác hơn người thường và lên tới bậc Siêu Phàm là sự liên hiệp Chơn Thần với Chơn Nhơn. Hợp nhất với Chơn Thần rồi, vị Siêu Phàm được lên ngang hàng với Ngôi thứ Ba. Ngôi thứ Ba là sự biểu hiện thấp hơn hết của Ðức Thượng Ðế. Vì vậy Ngôi thứ Ba mới ban thần lực xuống cho Ngài, như sự miêu tả của Lễ "Chúa Giáng Lâm" (Pentecôte) làm cho ta hiểu được việc đó. Sau khi bị đóng đinh Trên Thập Tự Giá và Sống lại, việc nầy tiêu biểu trình độ La Hán, thì con người có trước mắt Sự Thăng Thiên (Lên Trời), kế đó là Ðức Thánh Linh (Ðức Chúa Thánh Thần) hiện xuống. Trong biểu tượng mà người ta đưa ra cho chúng ta, theo lời tường thuật của Tân Ước, thì Ðấng Christ lên Trời; việc Ðức Thánh Linh hiện xuống ở trên đầu các Tông Ðồ không liên quan chi với Ðấng Christ và sau khi Ngài đã từ giả cõi Trần. Nhưng mà Cao Ðẳng Thần Học hay là Thần Bí Triết Học (Gnosticisme) trong Pistis Sophia [78] nói rằng sau khi Ðấng Christ lên Trời rồi Ngài trở xuống Thế dạy dỗ các tín đồ trong mười một năm. Như vậy người ta thấy rằng Ðức Thánh Linh hiện xuống không phải sau khi Ðấng Christ lìa Trần mà chắc chắn lúc Ðấng Christ còn ở trong Giáo Hội Ngài. Sự giáng phàm của Ðức Thánh Linh tượng trưng sự Ðắc Ðạo thành Chánh Quả của tất cả những người tu hành (bất cứ là người nước nào), còn các Tông Ðồ tượng trưng mấy vị nầy bởi những ngọn lửa đặt trên đầu các Ngài. Lời tuyên bố nầy giống như vài hiện tượng mà người ta đã biết rõ ở Á Ðông. Người ta thấy trên đầu những hình Ðức Phật, hoặc trên đầu hình của những vị Ðại Thánh hay là trên đầu những vị Thần Ấn Ðộ một cái vòm tròn nhỏ có hai tầng. Ít có người biết cái đó có nghĩa chi. Trên đầu con người có một Luân Xa (Chakra) đôi khi được gọi là Bông Sen có 1.000 cánh. Ở nơi người thường ấy là một thứ gió lốc, một bề lõm hủng vô (concave) trong Cái Phách. Khi con người đi đến một trình độ cao thì y có thể lật ngược Luân Xa nầy ra phía ngoài và làm cho nó lồi ra (convexe). Ðó là điều mà các nhà nghệ sĩ muốn mô tả khi vẽ hình Phật trên đầu có một vòm tròn nhỏ kỳ lạ có hai tầng. Bởi Luân Xa nầy chói sáng và làm cho người ta có cảm tưởng là một ngọn lửa, cho nên từ ngữ langues de feu - những lằn lửa - vừa là nên thơ, vừa là chính xác vậy.

 Theo Thánh Kinh, một hiện tượng lạ lùng khác đi kèm theo sự giáng lâm của Ðức Thánh Linh: đó là những người ấy nói thì mỗi thính giả đều nghe như là tiếng mẹ đẻ của mình. Sự hiểu biết của chúng tôi hiện thời, không cho phép chúng tôi quả quyết rằng khi con người thành Chánh Quả thì có quyền năng đó, nhưng mà nó thuộc về một cấp bậc cao hơn. Riêng tôi, tôi chứng kiến điều nầy một lần rồi [79](1). Nếu chúng ta thấy lời tường thuật trên là một sự kiện lịch sử thì quyền năng nầy vốn ban cho các vị Tông Ðồ.

Dùng Thần Nhãn xem xét, chúng tôi không thấy các vị Tông Ðồ hợp từng nhóm như đã nói trong Thánh Kinh. Không phải Pierre không có thật, nhưng có nhiều Pierre. Pierre là một chức tước ban cho vị Cai quản một Giáo Ðường (Petros = pierre ou fondement sur laquelle était édifiée l'églèse): đá hay là nền tảng trên đó xây cất một giáo đường. Sự tượng trưng nầy rất khéo chọn lựa, vì chúng tôi biết rằng có nhiều Chi Bộ Thông Thiên Học và những nhóm khác thường ở dưới quyền cai quản của một vị. Thuở xưa dường như cũng thế đó, có những người đủ sức điều khiển. Ai biết điều khiển thì luôn luôn sẽ được người ta nghe theo, sự kinh nghiệm của y là tảng đá lớn để làm nền tảng cho Giáo Hội đặc biệt nầy; những cái còn lại chúng tôi không có quan sát thêm nhiều đặng có thể nói một cách chính xác, nhưng mà câu chuyện làm cho chúng tôi thấy có nhiều điều ngờ vực lắm. Origène đặc biệt đề phòng chúng tôi, khi Ngài bảo chúng tôi đừng tin lời tường thuật như là một sự kiện lịch sử. Ngài so sánh nó với chuyện Agar và Ismael mà trong Thánh Kinh Bible có viết câu nầy: Những chuyện đó có ý nghĩa bóng dáng, tượng trưng" (Ces choses ont un sens allégorique - Galates, 4. 24)[80] Khi áp dụng nguyên tắc nầy cho những việc đó thì thấy chúng nó rất quan trọng và rất hữu ích, bởi vì Origène có nói: "Dù mấy việc nầy có xảy ra tại Judée hay không, chúng vẫn xảy đến mãi mãi cho kiếp sống của những người Công Giáo, đời đời bất diệt". Trong trường hợp nầy, đó là điều quan trọng, không phải là một sự kiện thuộc về vật chất đâu.

Như thế đó, vị Siêu Phàm nhập một cách có ý thức với Ngôi thứ Ba của Tam Vị Thánh Thiện. Sự liên hiệp nầy phải giống như cách mà cõi dưới chúng ta đi đến "Tâm Thức duy nhất". Khi đi đến Tâm Thức hoàn toàn thuộc về cõi Niết Bàn, chúng ta thấy những người đồng loại với chúng ta dường như là những thành phần của chúng ta; cả thảy đều thuộc về chúng ta cũng như những mặt của một Ðơn Vị Duy Nhất.

 Nhận biết, ấy là đã hoàn thành công việc lớn lao nhìn ngay ánh sáng rực rỡ mà không cúi mắt xuống và không sợ hãi thối lui lại như đứng trước vài ma quái ghê gớm. Ấy là điều đã xảy đến cho vài người và vì thế mà phải bại trận trong lúc sắp chiến thắng.

Thật là hết sức kỳ lạ, khi lên đến bậc cao siêu như vậy mà còn có thể yếu đuối nên thất bại. Tuy nhiên điều nầy đôi khi đã xảy ra. Trước khi đi đến mức độ nầy, con người phải không còn sợ sệt nữa, nhưng mà có những người thối bước, thụt lùi lại trước những sự phát triển huy hoàng nầy vì sợ mất cá tánh của mình. Ở một trình độ thấp thỏi, một tai hại in như thế chờ đợi con người sau khi chết. Nhiều người bám lấy sự sống của xác thân, vì tin chắc rằng không có sự sống nào khác. Trong trường hợp nầy, Cái Phách làm bằng chất Hồng Trần lìa khỏi xác thịt; con người ở trong Cái Vía, y bám vào Cái Phách, nó bao bọc y, thay vì để cho nó tan rã lần lần như thường lệ. Như thế con người sửa soạn lãnh lấy những kinh nghiệm đau khổ. Y sống trong Thế Giới Xám [81] như đôi khi người ta đã gọi nó như vậy. Chúng ta gặp hiện tượng như thế ở một trình độ cao hơn. Trong tất cả những kiếp Luân Hồi, con người có Nhân Thể (Thượng Trí), y đồng hóa Nhân Thể với cá tánh của y và y sợ mất cá tánh nầy. Chí phúc và ánh sáng vô biên của cõi Bồ Ðề ở trước mặt y, nhưng lên được cõi nầy chỉ khi nào y phải bỏ Nhân Thể mà viễn ảnh nầy có khi làm cho y phát sợ. Sợ mất tất cả khi mất Nhân Thể, y sợ nhập vào ánh sáng vô biên; nên khi tới ngưỡng cửa, y bèn lùi lại. Sự nhập vào Ðơn Nhất, sự kinh nghiệm nầy y chưa biết nên làm cho y sợ. Y không biết rằng sau khi nhập rồi, không có chi thay đổi trong người y. Giọt nước không phải tan mất trong biển cả mà biển cả chun vào một giọt nước.

Ở dưới những mức độ thấp thỏi, thỉnh thoảng, những sự kinh nghiệm một loại với điều đó hiện đến với chúng ta. Con người hoạt động ở trong Hạ Trí, đôi khi lại sợ mất nó đi. Nó vô trong Thượng Trí không còn cụ thể nữa mà là trừu tượng. Tới giai đoạn nầy, y ngập ngừng và không dám đi tới. Trong mọi trường hợp, sự tiến bộ của con người, tùy thuộc năng lực mà y có sẵn và luôn luôn nhiệt thành, lòng sùng tín cực độ, chúng phấn khởi y. Nếu đó là sức mạnh của sự kích thích thì sự ngần ngại chứng minh rằng y không có lòng nhiệt thành, bởi vì sự sợ sệt và lòng nhiệt thành về loại đó tương xung, tương khắc, nếu có cái nầy thì không có cái kia. Khi con người phát sợ sệt, thì y buông trôi, y thối bước và mất địa thế chiếm được. Sự thối lui nầy luôn luôn không phải làvô cớ. Theo tôi, dường như là vì lý do sau nầy, khi con người qua khỏi mức độ mà y có ý thức thì y trở nên mê mang gọi là xuất thần, y không hiểu gì hết. Bên Ấn Ðộ người ta gọi nó là Ðại Ðịnh (Samadhi). Chúng tôi tự hỏi: trạng thái nầy như thế nào? Chúng tôi nhận biết nó ở nhiều trình độ liên tiếp và thấy nó không phải là không thay đổi. Chúng tôi phải mất một thời gian khá lâu mới tìm thấy Sự Xuất Thần Sa-ma-đi (Shamadi) đều thay đổi tùy theo con người. Ấy là mức độ ở trên khít mức độ mà nơi đó con người đủ sức hiểu biết như ta thức đây. Ðối với người còn dã man, Tâm Thức của y minh bạch chỉ ở tại cõi Trần mà thôi thì Shamadi (Ðại Ðịnh) của y là cõi Trung Giới. Phần đông những người da trắng không thông hiểu vấn đề nầy, thì việc qua Nhân Thể [82](1) là Ðại Ðịnh của họ, bởi vì họ không đủ sức hiểu biết nên không thu thập được chút lợi ích nào của sự kinh nghiệm nầy. Nhiều người trong chúng ta, nếu nhờ sức mạnh lên tới cõi Bồ Ðề thì cũng không ý thức được chi cả; nói một cách khác, khi trở về nhập xác, không đem được một sự hiểu biết mới mẻ nào cho trí óc, chỉ trừ có cảm giác hưởng được một hạnh phúc tuyệt vời và ở trong tất cả những sự vinh quang bất biến, mà cũng không có sự hiểu biết chính chắn nào, cũng không có một năng lực mới mẻ nào đặng làm việc hữu ích. Loại Ðại Ðịnh nầy, hay là tình trạng cao hơn Tâm Thức hiện thời của huynh một bậc, Tôn Sư của chúng ta khuyên chúng ta không nên tập cách nầy. Các Ngài sẽ nói với chúng ta: "Thật vậy, phải lên tới trình độ cao hơn hết mà các con có thể đạt được, nhưng phải làmviệc nầy có ý thức, phải đi từ bậc, đừng nhảy một cái một; phải cẩn thận. Sự cố gắng đi lên trên của mấy trò phải tiếp tục không ngừng, nhưng không được mất một phần nào của Tâm Thức cả". Có nhiều việc làm được mà có thể gọi là nguy hiểm, nhưng mà thật sự không có chi là nguy hiểm cả, bởi vì trên những trình độ cao, con người không có đời sống riêng rẽ để mất như cõi Trần. Nhưng còn một sự nguy hại là những sự kinh nghiệm táo bạo có thể làm cho con người mất nhiều chiều hướng bình thường của sự tiến hóa. Ðối với một sinh viên thường không chắc có điều nầy, vì y làm việc với một sự cần mẫn bền bĩ ở mức độ mà y biết; đó là mục đích của những sự cố gắng của y.

 Việc có thể bị yếu đuối nên thất bại vì sợ những sự phát triển cao siêu đã được người ta nhắc nhở cho chúng ta biết một cách thấm thía trong các cuộc Ðiểm Ðạo của những Bí Pháp ở Ai Cập thuở xưa. Người ta dạy sinh viên khi muốn tầm học thì chớ nên bất cẩn mà cũng đừng sợ sệt. Người ta dắt sinh viên tới cửa của một căn phòng ở dưới đất, nơi đó sẽ cử hành những đại lễ. Về điều nầy y học được một bài thực tập. Khi y bước vô tới cửa thì một mũi gươm đụng ngay vô ngực y. Ðây nghĩa bóng của nó là điều cần thiết không nên phóng mình tới trước những Bí Pháp nầy mà không suy nghĩ. Trong lúc đó người ta tròng một sợi dây vào cổ y rồi dắt đi, nếu y sợ sệt thụt lùi lại thì sẽ bị sợi dây siết cổ làm cho y bị đau đớn. Người ta sẽ giải thích về điều nầy sau đó, sinh viên học hỏi cần thiết là phải trầm tĩnh và tin cậy; không nên phóng mình một cách bất cẩn tới chỗ chưa biết, chưa trải qua, trái lại cũng đừng sợ hãi lùi bước như một việc bề ngoài xem như rất dữ tợn.

 Ðức Bà Blvatsky, sáng lập viên Hội chúng ta, không ai có thể trách bà là không can đảm. Năm 1864, bà mặc quân phục đàn ông chiến đấu dưới thời Garibaidi, bà nói với tôi khi bà được dẫn tới trước mặt Ðức Ngọc Ðế, Ðấng Duy Nhất Chí Tôn cầm quyền Ðiểm Ðạo, Chúa Tể quả Ðịa Cầu nầy thì bà quỳ xuống cúi mặt, nắm nắm nớp nớp không dám ngó lên vì Ngài rất oai nghi lẫm liệt. Tất cả những thí sinh đều không phải xúc động in như bà, nhưng mà nếu cái cảm giác của một người gan dạ như Bà Blavatsky mạnh mẽ thế ấy thì sự đối diện với Ðấng Chí Tôn thay mặt cho Ðức Thái Dương Thượng Ðế tại quả Ðịa Cầu không phải là sự thử thách tầm thường đâu, ấy là một kinh nghiệm kỳ diệu, phi thường.

Những người được làm Ðệ Tử Chơn Sư, tới một ngày kia, đúng lúc thì được Ngài dắt vào con đường đi đến sự Ðiểm Ðạo. Thí sinh sẽ phải đối diện với Ðức Ngọc Ðế, không phải lần thứ nhứt hay lần thứ nhì, nhưng mà tới lần thứ ba và lần thứ tư. Từ đây đến đó, dọc đường, họ có nhiều kinh nghiệm, họ sẽ được đôi chút chuẩn bị. Ðức Bà Blavatsky cũng thế đó. Tôi chỉ lập lại lời của bà, tôi hoàn toàn đồng ý với bà: Gương mặt Ngài vô cùng lẫm liệt, oai nghi, một sự oai nghi thật là phi thường ngoài sức tưởng tượng của con người mà nó cũng tỏ ra một tình thương bao la bát ngát cho đến đỗi, theo ý tôi, đứng trước mặt Ngài không thế nào có một chút sợ sệt. Tôi không tin Bà Blavatsky hoảng sợ, nhưng mà bà khép nép, cung kính cũng như đối với bà ánh sáng rực rỡ chói lòa, bà biết không thể nào chịu nổi.

 Trong quyển nầy, không phải sự gặp gỡ Ðấng Duy Nhất Chí Tôn cầm quyền Ðiểm Ðạo, mà sự gặp gỡ Bản Ngã cao siêu của ta, sự vô trong khu vực Tinh Thần rộng rãi hơn. Tại ngưỡng cửa, những người lùi lại, họ sợ khi lặn vào cái biển rực rỡ hào quang nầy thì họ không bao giờ trở lại đàng sau nữa được và mất luôn cá tánh của họ. Chỉ cần suy nghĩ đặng tự nói rằng nhiều người đã lặn xuống biển đó mà vẫn còn sống, nhưng mà trong những trường hợp như thế thì luôn luôn người ta không suy nghĩ, có lẽ người ta hành động theo bản năng tự nhiên. Sự hành động theo bản năng nầy phải rán làm sao cho nó có lý là thật đúng. Ðừng lùi bước trước cái chi thiêng liêng, dầu nó xuất hiện nơi ta hay ở nơi khác. Ở đây, người ta nói có nhiều người đã lùi bước, nên thất trận trong khi sắp sửa chiến thắng. Sự nhu nhược đáng thương hại thật, nhưng mà những danh từ sử dụng không nên khêu gợi nơi chúng ta những tư tưởng sai lầm.

 Chúng ta thường được cảnh cáo rằng: Con người càng lên cao thì càng có cơ té nặng. Về điều nầy có nhiều lý do. Sau đây là một: Con người có thể dùng sai sức mạnh thiêng liêng đã được ban cho. Một lý do khác nữa: Y có thể rơi vào một tình trạng làm nên một lỗ hở trong vận hà do một nhóm Ðệ Tử làm ra mà y cũng là một thành phần. Các Ðấng Cao Cả cho vào một vận hà như thế một luồng thần lực mãnh liệt mà không thâu hồi lại. Nếu vận hà không kín thì một phần lớn thần lực có nguy cơ mất đi. Luồng thần lực nầy không phải luôn luôn hoạt động theo một chiều hướng. Khi thì nó hoạt động theo cách nầy, khi thì nó hoạt động theo cách kia. Mục đích thay đổi và sự thành công chỉ chắc chắn là khi nào những người làm ra vận hà đứng vững, mỗi người đều ở vị trí của mình. Sự suy nhược cá nhân thật đáng tội nghiệp, nó gây ra một lỗ hở rất quan trọng, bởi vì áp lực của thần lực hết sức mạnh mẽ; đối với người yếu tánh như thế nó là một sự sa ngã, rơi xuống. Người nào sợ trách nhiệm không dám làm một công việc hữu ích vừa trình độ của mình thì cũng bị rớt xuống như vậy. Con người càng lên cao, nếu té thì càng té nặng. Thật hết sức buồn, khi đi tới chót rồi mà một người kia còn để cho té xuống; nhưng nếu huynh lên tới mức cao như thế thì chắc chắn huynh không té xuống tới đáy sâu đâu. Song, chúng ta đừng tưởng nghĩ rằng một sự sa ngã, rơi xuống như việc đã miêu tả trong sách thật là tai hại ác liệt. "Người nào lên cao có thể rơi xuống. Người nào rơi xuống có thể lên cao; bánh xe quay không ngừng"[83] (1). Không có sự sa ngã nào là tai hại ác liệt cả, bởi vì ý muốn của Thượng Ðế là mọi người đều tiến lên; vì vậy ai ai cũng tiến bộ; chỉ có việc đi mau của y là lý do sự sa ngã của y mà thôi.

 Một sự sa ngã như điều mới nói trên đây là một cơ hội bỏ lỡ, để mất nhưng nó không đem con người trở lại chỗ bắt đầu khởi hành; nó có nghĩa là y phải lo mở mang có phương pháp sự hiểu biết bản tánh thiêng liêng của mình và tin chắc vào bản tánh nầy.

Không có gì là dễ. Lẽ tự nhiên trong lúc con người, mất tự chủ, mất bình tĩnh, không phải dễ mà tìm lại được mấy điều nầy đâu. Nếu trong lúc đi lên, con người nhìn xuống dưới chân mình và thấy hố sâu, chắc chắn y phát sợ, y sẽ té xuống. Nếu y đừng sợ thì y có nhiều may mắn lên tới chót mà không run rẩy. Người nào mà nhìn xuống vực thẳm và mất bình tĩnh thì không thế nào leo lên lại với những điều kiện chắc chắn sau đó rất lâu. Mà cũng đừng ai tưởng rằng sự sa ngã, rơi xuống của y là hoàn toàn thiệt thọ. Y đáng thương hại, y không nên phạm lỗi đó. Chúng ta phải thấy điều nầy và phải thốt ra như thế. Y sẽ tìm lại được những phương sách rồi chẳng sớm thì muộn, y sẽ lên đường lại.

 Rất dễ mà nói rằng chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào Bản tánh thiêng liêng của chúng ta, nhưng thật là cực kỳ khó khăn cho chúng ta khi chúng ta đương đầu với một trong những sự thử thách lớn lao nầy. Trong trường hợp sa ngã, ít ra người ta cũng có thể tin chắc rằng công việc đã thực hiện không mất, một sự sa ngã không cứu vãn được không hề có đâu. Cũng thế đó, như ở tại cõi Trần người ta có thể không thi đậu, thật là một việc đáng buồn lắm, nhưng thí sinh vẫn còn giữ được những tài năng của mình trong lúc chuẩn bị cuộc thi. Khi mà y sẵn sàng để ứng thí một lần nữa thì có phần chắc là y sẽ thi đậu.

 Sự chết thình lình của một người tiến rất mau trên con đường Huyền Bí Học thì hình như là một việc đáng buồn lắm. Người ta có ý nói: "Thật là đáng tiếc". Nếu y tiếp tục tiến hóa như thế thì chắc chắn trong kiếp nầy y sẽ được "Ðiểm Ðạo". Nhưng không phải thế. Cái gì đến cho con người là ảnh hưởng của Nhân Quả và rất tốt cho nó. Người chết không mất những điều nó đã thu thập được. Bản ngã cao siêu (Chơn Nhơn) bảo tồn những gì mà Ngài đã hoạch đắc, Ngài phải tạo ra một thân hình mới đặng sử dụng; công việc của Ngài được dễ dàng cho tới điểm chót mà Ngài đã đến hồi kiếp trước; rồi sự khó khăn mới bắt đầu từ đó về sau.

Nghe Tiếng Nói Vô Thinh tức là hiểu rằng sự hướng dẫn chánh đáng duy nhất phát xuất từ nội tâm, bước vào Ðền Thụ Huấn là đi đến một tình trạng có thể học hỏi được. Con sẽ gặp trong đó những lời nói viết bằng chữ sáng rực để dành cho con và rất dễ đọc, bởi vì khi Ðệ Tử sẵn sàng thì Thầy cũng sẵn sàng.

Như chúng ta đã thấy điều đó, Ðền Thụ Huấn khởi sự tại cõi Trung Giới; ấy là cõi thứ nhứt mà nơi đây không có chi học hỏi cho chính chắn về những trạng thái cao siêu. Ðiều nầy không có nghĩa là không có chi để học hỏi ở trên mấy cõi cao, tỷ như cõi Thượng Giới chẳng hạn. Có nhiều điều để học hỏi, nhưng đối với người thường, Ðền Thụ Huấn của họ vốn ở tại cõi Trung Giới. Khi bỏ xác phàm đặng qua cõi Trung Giới rồi thì con người thọ lãnh một phần trọng hệ những điều mà người ta phải dạy dỗ y. Thường lắm, những sinh viên không thật hiểu rõ được làm Ðệ Tử Chơn Sư có nghĩa là chi? Nhiều sinh viên tưởng rằng, khi được đặc ân lớn lao nầy thì họ không ngớt nhận lãnh những bài học của Chơn Sư đưa ra và Ngài dạy họ những chi tiết liên quan đến sự phát triển của họ. Khi Chơn Sư thu nhận những Ðệ Tử nhập môn thì Ngài xem xét đời sống của họ hơn là dạy dỗ họ. Một điểm chính là Ngài phải có trước mắt tất cả những chi tiết về đời sống của Ðệ Tử, từ những tư tưởng, những tình cảm của y đặng xem Ngài có thể đem y liên kết chặt chẽ với Ngài không và điều nầy có ích lợi chăng? Sự hiểu biết ấy rất cần thiết khi đi xa hơn nữa. Sự khiếm khuyết về khả năng của Ðệ Tử sẽ gây cho Chơn Sư nhiều sự phiền muộn lớn lao mà không có lợi ích nào về phương diện làm việc bù đắp lại được. Ðệ Tử nhập môn có thể dùng để chuyển giao thần lực của Ngài, trường hợp nầy thường xảy ra; nhưng y không thể luôn luôn được liên lạc thường xuyên với Sư Phụ trước khi được liên kết chặt chẽ với Ngài, mà cũng không cần thiết cho y ý thức được việc nầy nữa. Mỗi khi vị Ðệ Tử cảm biết một luồng thần lực đi ngang qua mình y, ấy là một sự kinh nghiệm lạ thường, một đặc ân, một sự vui mừng cực điểm khi mình được sử dụng đặng ban rải thần lực của Chơn Sư, nhưng mà ít khi Chơn Sư dạy dỗ y. Một vị Ðệ Tử cũ thường được giao phó coi sóc vị mới Nhập Môn và dạy y những bài học cần thiết. Như tôi đây, Ðức Bà Blavatsky dạy tôi rất nhiều do theo mạng lệnh của Chơn Sư. Nhưng tôi phải xa bà trong năm năm vì phải qua Ấn Ðộ, trong lúc đó bà ở Âu Châu. Bà không thể săn sóc tôi, trừ ra thỉnh thoảng tôi nhận được thư của bà gởi hay là bà dạy tôi trên cõi Trung Giới [84]. Thế nên tôi được giao phó cho Ðức Swami T. Subba Rao. Tôi chịu ơn vị Huấn Sư nầy rất nhiều, vì Ngài nhẫn nại một cách hiếm có trong sự dạy dỗ những chi tiết.

 Trong thời kỳ nầy, thỉnh thoảng tôi mới thấy Tôn Sư tới một lần và trong lúc thấy, tôi nhận được những bài học ít hơn là những huấn lệnh về những công việc mà Ngài giao cho tôi thực hành. Khi làm công việc nầy thì người ta hiểu biết rất nhiều về Thông Thiên Học lý thuyết và thực hành. Khi cố gắng thi hành một mạng lệnh, dù không biết tại sao, vị Ðệ Tử vẫn nhận thấy chỗ khuyết điểm của mình rồi chuyên tâm trừ khử chúng nó đặng lần sau thực hành công việc một cách khéo kéo hơn. Tôi tưởng đây là phương thế do đó tôi học được hầu hết tất cả. Tôi bày ra một cách thực hành nào đó, rồi tôi tìm thế cải thiện nó, sau cùng tôi tập thực hành những phương pháp cao siêu do Ðức Swami T. Subba Rao chỉ bảo cho tôi. Ðây là thời kỳ làm việc cực nhọc và những sự cố gắng khó khăn, những sự tiến bộ thường chậm chạp, nhưng phải như thế; tôi đã đi qua đường đó và vì thế tôi tưởng rằng tất cả những vị Ðệ Tử đều được đào tạo theo phương pháp nầy. Khi thi hành xong một công việc được giao phó thì Ðệ Tử học được cách hoàn thành những công việc khác cao thượng hơn. Trong quyển Chơn Sư và Ðường Ðạo tôi có viết nhiều chương nói về sự liên lạc giữa Thầy và Trò [85].

 Có nhiều cách học hỏi cung cấp cho vị Ðệ Tử, cũng có nhiều cách khác trên cõi Trung Giới cung cấp cho bất cứ ai muốn lợi dụng chúng. Tại cõi Trần, có khi chúng ta đến dự những cuộc diễn thuyết đặng thâu hoạch những khái niệm Thông Thiên Học, nhờ thế những người nầy thì học hỏi dễ dàng hơn, còn những người khác thì học hỏi bằng cách tự mình đọc sách. Những diễn giả về Huyền Bí học luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ các thính giả. Có nhiều hội viên để trọn thì giờ của mình đặng làm việc và giúp đỡ trên cõi Trung Giới. Vị cựu Phó Hội Trưởng của chúng ta là Ông A. P. Sinnett, làm bổn phận trên cõi Trung Giới bằng cách đó. Thường thường ông không cộng tác với những người phò trợ vô hình. Trái lại ông có một khu vực riêng của ông, nơi đó người ta gặp ông không ngớt lo dạy dỗ Thông Thiên Học cho những ai bằng lòng nghe ông trên cõi Trung Giới rộng lớn nầy. Ông giúp cho một số đông những người còn sống [86] cũng như những người đã chết hiểu biết những Ðại Chân Lý nầy, vì ông có một phương pháp quả quyết trình bày giáo lý Thông Thiên Học làm cho các thính giả rất thích nên theo dõi những bài học dễ dàng.

  -----*****-----

CHƯƠNG THỨ HAI

 -----*****-----

 Qui tắc 1 - 4

 C. W. L. - Trong Chương thứ Nhứt chúng ta đã học hỏi những điều thực sự làm ra Bài Tựa của Phần Nhì của quyển sách. Bây giờ chúng ta đi tới những qui tắc. Chúng nó được đánh số như trong Phần Thứ Nhứt cho tới qui tắc 12. Những qui tắc 1 đến 3, 5 đến 7, và 9 đến 11 thì được xấp chung lại từ ba câu theo Bản Thảo viết tay trên những lá buông. Những qui tắc 4, 8 và 12 là giảng lý của Ðức Ðế Quân. Xa hơn nữa thì sự đánh số lại khác.

Trong chương nầy, chúng ta học hỏi những qui tắc từ 1 đến 3. Tôi chia giảng lý của Ðức Ðế Quân, hay qui tắc thứ 4 ra làm ba phần và chúng ta học hỏi chúng nó một lượt với những qui tắc mà chúng nó có liên quan.

1. - Con hãy đứng bên ngoài cuộc chiến đấu sắp diễn ra và mặc dù con chiến đấu, con cũng không làm vị chiến sĩ.

Người vẫn là con, nhưng mà con bị giới hạn và còn lầm lạc, còn Người thì vĩnh viễn, trường tồn và chắc chắn. Người là Chân Lý bất diệt. Một khi Người thâm nhập vào mình con rồi và thành một người chiến sĩ của con thì không khi nào Người hoàn toàn bỏ con và tới ngày Ðại An Tịnh [87] thì Người trở nên một với con.

Người Ðệ Tử phải chiến đấu, y dấn mình vào sự tiến hóa đang bao bọc y, y chiến đấu về phía Tinh Thần. Tinh Thần tập sử dụng lần lần vật chất, khi làm chủ được nó tới một trình độ nào rồi thì tách ra khỏi nó, kế đó khắc phục một cảnh giới vật chất cao hơn rồi sử dụng nó. Tinh Thần theo đuổi sự thắng phục Vật Chất ở mọi trình độ, chẳng những ở chung quanh ta mà còn ở trong mình ta nữa. Chúng ta dự phần vào sự chiến đấu đặng giúp cho sự hành động của Luật Tiến Hóa được dễ dàng.

 Trong sự chiến đấu nầy, để cho sự tiến hóa được nhanh chóng, phải đặt Phàm Nhơn qua một bên; nó không được dự phần vào. Nhưng phải dùng nó vì nó là một khí cụ duy nhất giúp chúng ta có ảnh hưởng đến những người đồng loại với chúng ta ở tại cõi Trần, nhưng mà chúng ta đừng cho Bản Ngã thấp thỏi của chúng ta bắt buộc chúng ta phải vâng theo mạng lệnh của nó. Trên mỗi cõi của Phàm Nhơn [88], phải tháo gở những xiềng xích trói buộc chúng ta và phải ở vào thế mạnh. Lần lượt chúng ta rút ra khỏi Ba Thể: Thân, Vía, Trí, nhưng duy trì năng lực sử dụng chúng nó.

 Câu cách ngôn nầy còn gồm một nghĩa cao siêu nữa, nó áp dụng vào lúc Phàm Nhơn bị dẹp qua một bên, con người nhập một với Chơn Nhơn. Rồi kế đó con người biết rằng sự kiện nầy phải lập lại với Chơn Nhơn; nó ước mong đạt được Tâm Thức của Chơn Thần. Phải để Chơn Thần hoạt động do Chơn Nhơn.

Vị chiến sĩ vẫn trường tồn bất diệt, và chắc chắn; điều nầy tương đối đúng với việc Chơn Nhơn liên lạc với Phàm Nhơn thấp thỏi; nó hoàn toàn đúng về việc Chơn Nhơn liên lạc với Chơn Thần. Chúng tôi đã nói: Trong những giai đoạn đầu tiên, Chơn Nhơn có thể lầm lạc, nhưng thường ít lầm lạc hơn Phàm Nhơn. Còn Chơn Thần thì không bao giờ lầm lạc. Một mặt khác, nếu chúng ta dám nói đến Chơn Thần như chúng ta biết Ngài - mà thật sự chúng ta không biết Ngài ra sao - thì chúng ta sẽ nói sự hiểu biết của Ngài ở cõi Trần còn mập mờ, Chơn Thần tự nhiên xác nhận lẽ phải, bởi vì Ngài vốn thiêng liêng, trường tồn bất diệt và cũng chắc chắn như đã nói ở đây, nhưng có thể Chơn Thần và Chơn Nhơn thường đứng về một quan điểm tổng quát và khi chúng ta cố gắng áp dụng những tư tưởng của Chơn Thần và Chơn Nhơn tại cõi Trần nầy, thì chúng ta sẽ lầm lạc, bởi vì sự đi xuống vật chất có một mục đích mà thôi, ấy là đạt được sự đúng đắn và sự xác thật nhờ hiểu biết hoàn toàn những điều kiện thấp thỏi. Sự tiến hóa của Chơn Thần và Chơn Nhơn chưa đầy đủ, chưa trọn vẹn. Chơn Thần hay Chơn Nhơn, không một vị nào có sự hiểu biết đúng đắn cả. Hai Ngài là những vị Hướng Ðạo của chúng ta, chúng ta chỉ cần phải vâng theo mạng lệnh của hai Ngài mà thôi. Nhưng mà hai vị Hướng Ðạo nầy cũng tiến hóa vậy.

 Trên cõi cao, ngày Ðại An Tịnh là ngày mà chúng ta sẽ đi đến cõi Niết Bàn. Ở dưới cõi thấp nó có nghĩa là Phàm Nhơn hợp nhất với Chơn Nhơn.

2.- Hãy tìm kiếm người chiến sĩ và để Người chiến đấu với con.

 Hãy tìm kiếm Người, bằng không trong trận chiến sôi nổi và hỗn loạn, con có thể đi qua bên cạnh Người mà Người không nhận biết con, trừ phi con biết được Người. Nếu tiếng kêu của con thấu đến tai chăm chỉ của Người thì Người chiến đấu nơi con và lấp bằng chỗ trống rỗng đau đớn của lòng con. Và nếu được như vậy, con có thể trải qua trận chiến không mệt mỏi và bình tĩnh. Con đứng riêng qua một bên và để Người chiến đấu cho con. Như vậy, con không thể đánh một thế nào sai cả.

Diễn tả Chơn Nhơn như vậy thì hình như kỳ lạ, nhưng đó là Chân Lý, là sự thật. Hào quang của Ngài chói ra tuy đẹp nhưng còn mập mờ. Không thấy được những Chơn Nhơn thì không thể nào tưởng tượng được Chơn Nhơn cao hơn Phàm Nhơn bao nhiêu về Ðức Minh Triết và sức mạnh. Hơn nữa, con người chớ nên kiêu căng, tự phụ ở vào một trình độ cao, mình là một nhân vật lỗi lạc, một nhân vật phi thường, bởi vì Linh Hồn nào cũng như thế cả, cũng lỗi lạc, cũng phi thường hết. Thật vậy, mỗi người đều cao hơn trạng thái của mình hiện giờ rất nhiều. Một vị Ðại Thánh cao hơn hết cũng không thể biểu thị trọn vẹn Chơn Nhơn của mình nữa; ở trên cảnh cao nầy (cõi Thượng Thiên)[89] luôn luôn Ngài lớn hơn vị Ðại Thánh ở Trần Thế vì vậy phải rán để cho phần cao cả nầy của chúng ta dùng chúng ta như một khí cụ. Chơn Nhơn vốn đẹp hơn và tốt hơn Phàm Nhơn nhiều lắm. Ngài sinh ra Phàm Nhơn đặng tiến hóa và đặng Ngài tiến đến gần mức toàn thiện. Sự tiến hóa nầy cần thiết cho Ngài, chúng ta đừng lầm tưởng rằng Chơn Nhơn vốn trọn lành, Ngài chưa được điều đó đâu. Cái điều mà Ngài còn thiếu sót đặng tiến bộ là sự đích xác, sự minh bạch. Ngài rất đẹp đẽ, nhưng nếu tôi dám nói thì sự đẹp đẽ nầy còn lờ mờ.

 Ngài muốn tự phát triển nhờ một phần nhỏ của Ngài đầu thai xuống Trần Thế. Ngài biết cách đi xuống, nhưng khi chưa phát triển đến một mức độ nào đó thì Ngài không biết phải làm sao đặng dìu dắt Bản Ngã thấp thỏi. Ấy là những kinh nghiệm của Bản Ngã thấp thỏi ở tại Trần Thế dạy Ngài cách hành động theo ý muốn của Ngài. Ngài muốn tiến hóa, Ngài cho một thành phần của Ngài xuống mấy cõi thấp, có thể nói, như một ngón tay; ngón tay nầy đạt được một sự đúng đắn nào đó; nhưng khi Chơn Nhơn thâu hồi nó về sau một chu kỳ mau lẹ của đời sống ở tại cõi Trần, tại cõi Trung Giới và tại cõi Thượng Giới, thì nói theo danh từ vật chất, nó chỉ đem cho Chơn Nhơn một chút ít sự đúng đắn mà thôi. Huynh hãy nhớ lại việc Hồn Khóm[90] nhờ sự kinh nghiệm của các con thú đemlại cho nó, nên lần lần nó mới được dồi dào. Một con sư tử, một con mèo hay một con chó có thể trải qua vài thứ kinh nghiệm và đạt được vài tánh thấy rõ ràng ở mỗi con. Sự gan dạ có thể đầy đủ đặng làm cho con mèo nầy, con chó nầy, hay con sư tử nầy thành ra con thú hết sức can đảm. Nhưng nếu tổng số can đảm nầy đem rải rác cho một Hồn Khóm 100 con thú thì mỗi con thọ lãnh chỉ được có một phần trăm sự can đảm mà thôi. Thế nên phải trải qua nhiều kiếp như vậy thì tánh nầy mới mở mang được mạnh mẽ trong Hồn Khóm tập hợp chung.

 Mặc dù Chơn Nhơn là một thể khác hơn Hồn Khóm mà dường như người ta có thể nói Ngài cũng như Hồn Khóm vậy. Nhờ Phàm Nhơn mà Ngài đạt được sự đúng đắn. Sự đúng đắn nầy đủ sức làm cho một Phàm Nhơn trở thành hết sức chính chắn, nhưng khi tánh nầy được Chơn Nhơn thu lấy thì Ngài đem phân phát cho khắp cả Thượng Trí (Nhân Thể). Tổng số những sự đúng đắn thì dư sức làm cho một Phàm Nhơn trở nên hết sức đúng đắn, nhưng mà nó chỉ ứng đáp được có một phần những nhu cầu của Chơn Nhơn mà thôi. Ngài phải cần nhiều kiếp trước khi Ngài phát triển một tánh cho đến mức độ trong kiếp sau đó, nó vượt lên trên tất cả mấy tánh khác, bởi vì Chơn Nhơn không để dành một phần riêng biệt nào đặng làm ra một Phàm Nhơn kiếp sau. Ngài lấy một phần nhỏ trong toàn thể rồi phóng ra một Phàm Nhơn, nhưng mà không có việc hai lần Phàm Nhơn in như nhau: Một Chơn Nhơn (một Linh Hồn) tiến hóa cao thì rất đúng đắn, hiểu Phàm Nhơn, và biết sử dụng nó một cách khôn ngoan và cố gắng làm cho nó thành một khí cụ tốt. Ðối với người thường ở dưới cõi Trần nầy thì là một việc khác, vậy Phàm Nhơn phải cầu khẩn Chơn Nhơn và chịu ảnh hưởng của Ngài. Nếu con người ở tại Trần Thế muốn cộng tác với Thiên Cơ và hành động như vậy thì Chơn Nhơn ứng đáp tức khắc, Ngài sử dụng Phàm Nhơn, và Phàm Nhơn phải đứng qua một bên để người chiến sĩ (Chơn Nhơn) chiến đấu cho nó.

Chơn Nhơn có sẵn nhiều khả năng tốt đẹp chỉ cần khai mở; ngoài những lý do khác, ấy là những sự tiến bộ lớn lao thường do một người thô tục thực hiện được khi y gây ra chiến tranh, cùng là tranh đấu cho những tín ngưỡng của mình, dù phải liều thân hay chịu những sự nguy hiểm lớn lao khác. Một quyết định tốt đẹp như thế, sự hy sinh hạnh phúc cá nhân cho một lý tưởng không lo sợ một mảy may những sự đau khổ linh hồn và có thể bỏ mạng thì kêu gọi ở Chơn Nhơn một sự đáp ứng mạnh mẽ.

 Nhưng thiên hạ không tin chắc về điều nầy. Nhiều người gởi thư cho chúng tôi và hỏi: "Các Ngài nói một anh lính mở mang về phần Tinh Thần, tôi không thấy cách nào, bởi vì anh bị sự thù hận thúc đẩy hơn là một tình cảm cao thượng". Dù công nhận anh lính ghét kẻ nghịch, nhưng anh sẵn lòng chiến đấu vì cái điều mà anh cho là quyền lợi, thì sự hành động của anh vốn quí hóa, cao thượng và vô tư. Việc làm của anh phản ứng đến Chơn Nhơn và thức tỉnh Ngài hơn bất cứ điều nào khác. Ðời tư của con người đôi khi đưa đến cho con người cơ hội cho một sự hy sinh cao thượng, dù phải bỏ xác thân nầy; thí dụ hết sức tận tụy với một người khác không than phiền, không tưởng nghĩ tới mình, từ bỏ các sự vui, giải trí, không nghỉ ngơi, hay là canh chừng ngày đêm ở bên giường một người bệnh kinh niên. Nhiều sự hy sinh giống in như vậy còn lớn lao hơn sự hy sinh anh dũng của anh lính chiến, nhưng mà chúng rất ít lắm; nhưng trong lúc chiến tranh cả ngàn người nắm lấy được cơ hội lớn lao nầy. Nhờ một sự nỗ lực phi thường, con người hy sinh. Như thế, Chơn Nhơn thức tỉnh liền ứng đáp bằng cách ban cho con người một luồng thần lực sùng tín rất đẹp đẽ có thể phấn khởi cho sự ưng thuận hy sinh nầy trong một kiếp sau nữa. Một sự nỗ lực can đảm cần thiết chăng? Một luồng thần lực can đảm từ Chơn Nhơn ban xuống, Cũng như Ðấng Christ xưa kia đã nói: "Ai mất sự sống sẽ tìm lại được nó". Khi mất sự sống trong trong một dịp như thế, chắc chắn con người chuẩn bị cho kiếp sau một đời sống quan trọng hơn, ấy là một đời sống của một Phàm Nhơn lớn lao, không ai chối cãi điều nầy. Chơn Nhơn có thể biểu lộ quyền năng của mình và hơn nữa, điều khiển Phàm Nhơn dễ hơn trước.

 "...... trong trận chiến sôi nổi và hỗn loạn, con có thể đi qua bên cạnh người......" Sự ngẫu nhiên nầy có thể đến khi những người tận tâm làm những việc tốt đẹp, cao thượng cho phép Phàm Nhơn can thiệp vào. Việc nầy không nên xảy đến cho sinh viên Huyền Bí Học, nhưng đôi khi họ hay làm. Một công việc lớn lao, tốt đẹp, đang thực hiện trong Hội Thông Thiên Học và những người thi hành nó thì riêng họ phải tự đặt mình ở trên tình cảm cá nhân; nhưng thường thường thì lại trái ngược với điều nầy. Họ tự nói: "Công việc nhỏ mọn nầy vốn của tôi, nó phải được làm trước các công việc khác, không phải tại tôi làm nó đặng thỏa thích ý muốn tôi và vì lý do đó tôi không muốn thấy ai làm thế cho tôi. Nếu tôi quyết thi hành nó là vì không có ai làm được như tôi vậy. Tôi dám chắc điều nầy". Ðây là một thái độ chứng tỏ một Phàm Nhơn tham lam. Tham dự vào một công việc như công việc của chúng ta thì làm cho con người làm việc được mở mang thêm, tình cảm được mẫn nhuệ hơn, sắc bén hơn. Sự kiện làm cho công việc gây ra ảnh hưởng kích thích nầy, có khuynh hướng tăng thêm sự cứng rắn của Phàm Nhơn; nhưng điều nầy không có bàu chữa được cái chi cho con người khá điên rồ, nếu không chống lại nó. Cũng có mấy điều đó trong những nhóm khác. Hồi tôi làm Linh Mục và còn trẻ, tôi lo lắng tất cả những công việc của Giáo Hội, bất cứ về loại nào; ngoài ra còn sự thành lập đoàn hát lễ đồng thanh. Những người dự phần vào công việc nầy hy sinh trực tiếp cho Giáo Ðường của Thượng Ðế, người ta cho họ có những động lực và những nguyên nhân cao hơn những động lực và những nguyên nhân của những người bậc trung ở ngoài đời, nhưng mà tôi tưởng người ta không có cãi vã với nhau như những người hát lễ gây gổ với những người thân cận với họ trong Giáo Ðường. Phải có điều khiển đoàn hát lễ mới biết việc đó. Thật là buồn, nhưng đó là sự thực, thiết tưởng điều nầy không nên có. Lý do chắc chắn là mấy người nầy đồng cộng tác vào một việc khá cao hơn trình độ bình thường; không cần phải có cái chi nhiều hơn nữa đặng kích thích đời sống nội tâm của họ bằng một cách dị thường. Vị Ðệ Tử giữ chừng đừng cho Phàm Nhơn can thiệp vào bất cứ điều chi của công việc tốt lành nầy; không vậy y không còn thấy vị Hướng Ðạo cao cả. Muốn cho Chơn Nhơn có thể chiến đấu nơi y và sử dụng được y thì vị Ðệ Tử phải tận tâm làm việc không chút chi lo lắng cho phần việc của y đảm đương. Một cơn sôi nổi, một mối cảm động của Phàm Nhơn cũng đủ làm cho y quên mất Bản Ngã cao siêu, rồi từ đó y không còn đủ sức để thu nhận sự giúp đỡ và biết được ý kiến của Chơn Nhơn nữa. Vị Ðệ Tử có thể trong một thời gian không còn liên lạc với Chơn Nhơn và mất sự giúp đỡ quí báu của Ngài.

 Sự mơ hồ của Chơn Nhơn [91] - trừ ra khi nào Ngài tiến hóa cao - ngăn cản Ngài không cho Ngài chỉ bảo một công việc đặc biệt nào cho Phàm Nhơn. Nhưng khi Phàm Nhơn trở nên đúng đắn đã chon lựa một công việc nào đó thì Chơn Nhơn có thể hợp tác với Phàm Nhơn, dự phần vào công việc của Phàm Nhơn và giúp cho Phàm Nhơn thực hiện công việc đó tốt đẹp hơn trước nhiều và trong những ý thức cao thượng nhiều hơn là khi Phàm Nhơn hoạt động có một mình.

 Nếu con không tìm Người, nếu con đi qua mặt Người mà không thấy Người thì không có cái chi bảo vệ con cả. Ðầu óc con rối loạn, tim con đập không đều và giữa cảnh cát bụi của chiến trường, sự thấy và giác quan của con yếu đi và con không còn nhận biết ai là bạn, ai là thù.

Tất cả những điều diễn tả ra đây phải đến, khi Phàm Nhơn không kêu gọi những Hướng Ðạo cao siêu. Vị Ðệ Tử không còn phân biệt ai là bạn, ai là thù, y bị nó lôi cuốn vào trận cuồng phong của tình dục và dưới ảnh hưởng nầy, y tin theo lời của một người không thân thiết với y chút nào. Việc nầy thường thấy trong đời sống hằng ngày. Một người kia bị chọc phá, nổi giận hay ganh tị thì lóng tai nghe những chuyện ngồi lê đôi mách, tầm phào, nhảm nhí của những kẻ cho rằng mình là bạn thân của y mà kỳ thật không phải vậy.

Một người nói hành, một người gieo rắc những sự bất hòa thì không phải là bạn thân của ai cả, mà y là kẻ thù nghịch tồi tệ của những kẻ đối thoại với y. Giao thiệp với một người như thế và tin những lời của y thật là đáng buồn biết bao nhiêu. Nếu trước mặt chúng ta mà y bắt đầu phê bình, chỉ trích hành vi của kẻ khác thì chúng ta hãy lánh xa y, sớm chừng nào tốt chừng nấy và điều nầy vì hai lý do. Một là, trước nhất chắc chắn chúng ta không học được cái gì tốt đẹp cả; hai là, một người đem những chuyện của kẻ khác ra nói thì kỳ sau có dịp sẽ đem những chuyện của chúng ta ra nói in như vậy. Ðiều hay hơn hết là đừng liên lạc với những kẻ nói hành và đừng để những điều y nói ảnh hưởng đến chúng ta. Khi nghe họ thuật chuyện thì người ta thường nói: Tôi không tin chi hết mấy điều đó. Tôi không để ý tới. Nhưng mà những chuyện đã nghe không để cho người ta lãnh đạm, thờ ơ đâu. Thỉnh thoảng nhớ tới chúng nó, người ta tự hỏi: phải chăng thật sự, mấy điều đó có vài lý do, thay vì phải khinh thường chúng nó ngay khi đó. Chỉ có thái độ nầy mới là hợp lý.

Khi biết rõ một người nào rồi thì ý kiến của ta về người đã đủ và đừng cho có giá trị những điều mà người ít biết y hơn mình, nói về y. Những tánh tình của con người đều khác nhau rất xa, nhưng nói một cách tổng quát, chúng ta không thể đi lạc đường khi chúng ta giữ ý kiến của chúng ta liên quan đến tánh tình, tư tưởng và việc làm của người nầy sau một thời gian rất lâu mà chúng ta không nhận thấy có một sự thay đổi nào trong người y, và điều nầy không còn cái chi ngờ vực nữa. Một thí dụ chưa đủ cho chúng ta; phải chờ đợi và xem xét, bởi vì thường thường bị mất ngủ hay là khó ở, một người kia thốt ra một lời hoặc là làm một việc mà y không nói hay không làm trong những trường hợp khác. Cho rằng y thay đổi tánh tình, bởi vì nhiều người quả quyết như thế thì là không công bình chút nào. Nếu huynh có một người bạn thân, huynh hãy ở gần một bên y và hãy chờ đến khi nào mà một lời nói hay một việc làm của y chứng minh rằng những tư tưởng, những việc làm hay những lời nói của người ta gán cho y rất đúng vậy. Ðừng chấp nhận bằng chứng của những kẻ khác, có lẽ họ nghe tin thất thiệt, họ khờ khạo dại dột hay là không có thiện cảm với y.

 Nếu một người để bị ảnh hưởng như thế cho đến đỗi không phân biệt được người bạn hay kẻ thù, không hề biết những sự việc thì những hậu quả sẽ giống in như người để cho Phàm Nhơn chi phối. Y ganh gổ ư thì y thành ra rõ ràng mù quáng, những giác quan thông thường đối với y thành ra vô ích. Y không trông cậy chúng nó nữa. Ý kiến của y về bất cứ vấn đề nào cũng đã kết thúc rồi. Muốn sửa đổi cũng là vô ích. Thật kỳ lạ, mà cũng thật đáng buồn mà thấy có không biết bao nhiêu người sẵn sàng tin tưởng những điều xấu kẻ khác. Hãy bác bỏ những lời trách móc, hãy giải thích rằng nó không căn cứ vào đâu, nhưng dầu sao, một sự ngờ vực cũng vẫn còn.

 Ðiều nầy không nên có, nhưng mà một phần lý do nầy là sự mở mang quá độ của một thành phần [92] của chúng ta trong sự tiến hóa hiện thời của nhân loại. Hạ Trí học hỏi nhờ sự phân biện, nhờ năng lực nhận biết sự khác biệt nhau giữa vật nầy với vật kia, vì vậy cho nên chắc chắn là lập tức nó nhảy vào chỗ khác biệt. Khi con người đứng trước một người lạ với y, hay một tư tưởng mà y không quen thuộc hoặc là một cuốn sách mà y chưa đọc qua, thường thường thì y muốn trước nhất là nêu lên những chuyện y không thích, những điều khác hơn thói quen của y, rồi y phóng đại đặng thay đổi nó hết. Lý do là chúng ta có hơi mở mang quá độ năng lực phân tách hay đúng hơn là chúng ta không cho nó một đối lực là một năng lực Bồ Ðề [93] đã được xác nhận khá đầy đủ.

 Trong quyển Thánh Ca Bhagavad Gita, II,62 - 63 có những danh từ ý nghĩa rõ rệt như sau đây về sự dạy dỗ chứa đựng trong câu cách ngôn nầy:

Khi tưởng đến những đối tượng của giác quan, con người bát đầu trìu mến chúng; từ trìu mến sinh ra ham muốn, sự ham muốn sinh ra sự giận dữ, từ sự giận dữ sinh ra sự sai lầm, sự sai lầm làm cho ký ức rối loạn, rồi sự rối loạn sinh ra sự tiêu diệt lý trí. Khi lý trí bị tiêu diệt rồi con người mất mạng.

Tôi biết rất khó cho chúng ta hiểu được vì sao Chơn Thần vừa thiêng liêng mà lại vừa không phát triển một lượt, vì sao tới khi kết thúc những kiếp Luân Hồi của nó trong Chơn Nhơn, nó sẽ khác hơn lúc sơ khởi. Chúng ta hãy lấy một thí dụ tương tự, nhưng mà chưa được hoàn toàn, như sau đây: Thân mình con người gồm cả triệu tế bào, những tế bào nầy là tế bào của con người, bởi vì chúng là những thành phần của con người, thí dụ có một sự tiến hóa nào đó - việc nầy không phải làkhông thể có - giúp cho Hồn của tế bào biến thành Hồn của một con người thì làm sao cho rằng cuối cùng sự tiến hóa không đem lại kết quả nào hết; tế bào lúc đầu tiên đã là con người rồi. Sự so sánh nầy cho chúng ta một ý niệm về việc Chơn Thần là một thành phần của Ðức Thái Dương Thượng Ðế, nhưng mà một thành phần chưa mở mang. Tôi biết việc làm nầy không được thận trọng khi dùng lý luận tương tự bắt từ dưới thấp đi lên trên cao rồi áp dụng nó vào mỗi chi tiết, bởi vì, thường thường, mấy điều đó không thích hợp. Một đại cách ngôn Huyền Bí Học nói với chúng ta:"Cái chi ở trên cao thì lập lại ở dưới thấp", còn câu trái ngược lại: "Cái gì ở dưới thấp thì lập lại ở trên cao", chỉ đúng trong những trường hợp rất hẹp hòi mà thôi. Tôi tưởng, chúng ta có thể lý luận như những người Ấn mà không có gây ra tai hại khi bàn luận về câu mà người ta nói với họ: "Cái chi ở trên cao thì sẽ tự nhiên phải có ở một trình độ thấp kém hơn". Lập luận trái ngược lại thì không thận trọng, bởi vì ở mấy cõi cao lẽ tự nhiên những sự sắp đặt rất rộng lớn, mặc dù chúng ta không hiểu tại sao vậy. Thường thường người ta rất lầm lạc mà nói rằng: Chuyện nầy xảy ra ở cõi Trần thì ở cõi cao cũng phải có vậy". Cũng một Luật như thế hành động trên mấy cõi cao, nhưng dưới một hình thức nào đó mà chúng ta không được biết. Sự tương tự của những tế bào trong mình con người không thể dùng để dắt dẫn chúng ta cho lâu được; nhưng trên con đường học vấn chúng ta gặp vài điểm làm cho chúng ta suy nghĩ thì thấy có vài việc tương tự xảy ra. Chúng ta biết rằng sự sống nuôi dưỡng tất cả những loại thấp thỏi, rồi tới phiên nó, nó sẽ thành ra một dụng cụ cho một sự sống cao siêu hơn khi con người có cá tánh. Thượng Trí hay là Nhân Thể mà chúng ta sử dụng ngày nay vốn là Hồn của một con thú. Nhân Thể đó là điểm xuất hành của cá tánh chúng ta; trước kia cái chi là sự sống để nuôi dưỡng thì ngày sau thành ra một vận cụ. Nhưng trình bày như thế thì Chân Lý nầy không phải là tuyệt đối đâu. Cái mà trong con người gọi là Nhân Thể, trước kia là sự biểu hiện của Linh Hồn trong con thú và trong cái cây, nhưng thuở xưa, ấy là một chất thuộc về một cõi đặc biệt, chất nầy phải là một sự sống, nó đi xuống nuôi dưỡng chất nầy làm cho nó trở nên linh động, nhưng mà chúng ta không thấy được điều nầy [94]. Ðừng quên rằng chúng ta không thấy khí lực, tinh thần ra sao, chúng ta chỉ nhận biết sự biểu hiện của nó trong một hình dạng làm bằng vật chất mà thôi. Thí dụ Xác Thân ta đây. Cái chi làm cho nó sống, có sinh khí? Linh động? Ấy là Con Người ở trong Cái Vía. Chúng ta không thấy Cái Vía. Trong giai đoạn nầy nó là Hồn của chúng ta. Sự mở mang Thần Nhãn cho chúng ta thấy, tới phiên nó, Cái Vía nhờ Chơn Nhơn làm cho nó linh động và cứ như vậy và càng lên cao mãi. Cái chi đối với chúng ta dường như là sự sống, cội rễ của sinh vật thì không phải thật là Tinh Thần đâu, nó chỉ là một trong những sự biểu hiện của Tinh Thần mà thôi. Khi chúng ta đi đến điểm cao hơn hết mà chúng ta có thể tới, thì những bọt của Hỗn Nguơn Nhứt Khí (Bulles du Koilon) hay làTiên Thiên Dĩ Thái trên Không gian (Véritable éther de l'espace) dường như trống rỗng đối với con mắt của chúng ta hiện thời. Thật sự thì không phải như thế, đúng vậy, chúng nó chứa đựng một nguồn gốc mà chúng ta không biết ra sao, có năng lực duy trì ở cách khoảng xa sức mạnh phi thường của dĩ thái trên không gian vô tận. Không gian nầy dường như trống rỗng nhưng chắc chắn nó chứa đựng vài chuyện, hiện giờ chúng ta không thấy nó ra sao, nhưng có lẽ một ngày kia chúng ta sẽ thấy được. Cái điều chúng ta sẽ thấy không phải Tinh Thần ban cho sự sống nhưng mà một chất thuộc về hạng cao siêu giúp Tinh Thần ban cho sự sống nầy biểu hiện ra được. Luôn luôn chúng ta không hề thấy được sức mạnh cao siêu.

3.- Hãy lãnh lấy mạng lệnh của Người đặng chiến đấu và hãy tuân theo.

4.- Hãy tuân lệnh Người, nhưng không phải xem Người như một chủ tướng mà phải xem Người chính là con và xem những lời của Người như là ý muốn thầm kín của con, bởi vì Người là con đó, mặc dù Người mạnh hơn con và khôn ngoan hơn con không biết là bao nhiêu.

Phải biết rằng trong mọi chiến đấu giữa kẻ dưới và người trên thì chúng ta là người trên. Ðầu tiên chúng ta chưa chắc chắn lắm rằng Chúng Ta đồng nhất với Chơn Nhơn. Chúng ta tin tưởng như vậy, vì giáo lý của chúng ta dạy chúng ta điều nầy. Chúng ta hành động như chúng ta tin chắc việc đó, rồi không bao lâu chúng ta sẽ nhận thấy sự đồng nhất quả có thật. Sự nguy hiểm hăm dọa chúng ta là việc chúng ta đồng nhất với kẻ dưới và bỏ rơi người trên.

  -----*****-----

CHƯƠNG THỨ BA

 -----*****-----

 Qui tắc 5 - 8

 C. W. L. - Những qui tắc từ 5, 6, 7 và 8 hợp thành những nhóm mà chúng ta quen thuộc. Tôi chia qui tắc 8 (giảng lý của Ðức Ðế Quân) ra làm ba phần, mỗi phần liên quan với một trong ba qui tắc ngắn, rồi chúng ta học hỏi chúng một lượt với những qui tắc nầy, như trong chương trước.

5.- Hãy lắng nghe tiếng hát của sự sống.

 Sự sống có tài nói năng và không bao giờ im lặng, và lời nói của nó không phải là một tiếng la hét, nhưng bởi con điếc nên đã tưởng như vậy. Nó là một câu hát. Hãy học với sự sống đặng biết rằng con là một phần tử của sự điều hòa. Hãy học với nó đặng tuân theo Luật Ðiều Hòa.

 Câu cách ngôn 5 cũng gồm một chú giải thật dài của Chơn Sư Hilarion; nó khởi đầu như vầy:

Hãy kiếm Người, và hãy nghe Người trước nhất ở trong lòng con, có thể ban đầu con sẽ nói: "Người không có ở trong đó", khi kiếm Người, tôi chỉ gặp sự bất hòa. Hãy tìm sâu hơn nữa. Nếu thêm một lần nữa con thất vọng thì hãy ngưng lại, rồi tìm sâu hơn nữa. Có một âm điệu du dương tự nhiên, một nguồn bí mật ở trong lòng mỗi người. Nó có thể bị che lấp, hoàn toàn bị ẩn khuất và bị bóp nghẹt, nhưng nó vẫn ở đó. Con có thể tìm gặp đức tin, hy vọng và tình thương trong chốn thâm sâu của chính bản tánh con.

 Nói một cách khác, sinh vật nào cũng bao phủ, che đậy một sức mạnh tiềm tàng không ít thì nhiều, tùy theo trạng thái mở mang của sự sống. Sự sống làm cho vạn vật chuyển động. Thiên Chúa Giáo dạy chúng ta gọi Sự Sống là Ý Muốn của Thượng Ðế hay là Tình Thương củaThượng Ðế; nhưng mà người ta thường dùng danh từ nầy một cách mơ hồ, chúng mất rất nhiều sự thật và sức mạnh của chúng. Trong Tôn Giáo bình dân, chúng ta gặp nhiều danh từ trình bày một tính cách lịch sử hay là truyền thống, nhưng không có ý nghĩa chi nhiều đối với những người đã sử dụng chúng. Thí dụ người ta nói nhiều về Phước Trời (Thượng Ðế) ban xuống, nhưng tôi tưởng thường thường họ không biết danh từ đó có nghĩa chi. Cũng vậy, trong những Giáo đường, khi đọc kinh cầu nguyện, các tín đồ nói: "Cầu xin Ðức Thượng Ðế nhân từ xá tội chúng tôi". Câu nầy thật là kỳ lạ, thật vô cùng phi lý và không thể có được; mà dường như không ai thấy điều đó; những tiếng "xin xá tội chúng tôi" kết liên với những tiếng "Ðức Thượng Ðế nhân từ" là những danh từ mâu thuẫn nhau. Thật là vô ích mà cầu xin Ðức Thượng Ðế nhân từ xá tội cho bất cứ ai. Cầu khẩn Ngài tội còn nặng hơn sự lầm lạc, bởi vì lời cầu nguyện nầy công nhận rằng Ðức Thượng Ðế còn có tánh xấu. Ấy là một xúc phạm đến Thượng Ðế, còn nặng hơn việc kêu trời mà chưởi rủa, thề thốt như chúng ta thường nghe ngoài đường, mà làm điều nầy cũng đủ phạm tội rồi đó. Như vậy các tín đồ cho Thượng Ðế còn có dục tình và ác độc nên mới cầu khẩn Ngài xá tội cho họ. Người ta cũng nói đến Ðức Từ Bi của Thượng Ðế. Về điều nầy chúng ta cũng gặp một thứ quan niệm. Ðức Thượng Ðế có thể giáng cho quí huynh những tai họa dữ dội, nhưng Ngài không làm gì hết rồi xét ra điều rất tốt là xá tội cho chúng ta. Thật vậy, những danh từ nầy hàm chứa một sự hoàn toàn dốt về ý nghĩa của tiếng Trời hay Thượng Ðế. Ấy là một tiếng cao thượng hơn hết và tốt đẹp hơn hết. Nó có nghĩa là Nhân Từ, mà Người Nhân Từ thì không cần những lời cầu nguyện đặng tỏ ra mình xót thương trong trường hợp nầy hay là trong trường hợp khác, bởi vì Tình Thương của Ngài tràn trề tới một điểm mà chúng ta không thể cho Ngài có tình cảm nào khác hơn là sự xót thương. Ðức Thượng Ðế biểu lộ tình thương cho tất cả mọi người, mặc dù họ làm điều chi cũng vậy. Chúng ta thử nghĩ xem một người cha hiền, tánh tình thế nào, khi mà ông ngồi nghe mấy đứa con quỳ dưới chân cầu khẩn ông tha thứ. Trong Thông Thiên Học; khi chúng ta giải về những lực cao siêu thì chúng ta phải chống đối với sự khó khăn nầy. Những người trong chúng ta trải qua những Giáo Ðường hay Tiểu Giáo Ðường rất tiếc là có thói quen khi nói mấy vấn đề trên đây thì họ xem chúng nó dường như rất mơ hồ; không có ý nghĩa chi chính chắn lắm. Người ta đi đến các cuộc lễ đặng cầu xin phước lành của Thượng Ðế ban xuống trong ý tưởng được Trời phò hộ hay là ban cho một ân điển. Tôi sợ quan niệm nầy không đúng với khoa học lắm. Phải hiểu rằng một cuộc Thánh Lễ ở nhà thờ là một cách chuyển sang một thứ thần lực nhất định ro õràng, đó là ân huệ của Thượng Ðế. Thần lực nầy như điện, không thể bác bẻ được, nó cũng như hơi nước vận động làm cho xe lửa chạy. Nó theo những vận hà mà các vị Linh Mục hay là Giám Mục dọn sẵn cho nó. Khi một trong những vị nầy giơ bàn tay ra thì Ngài Phóng cho các tín đồ một thứ thần lực đặc biệt. Thần lực nầy tủa ra và tràn ngập Giáo Ðường. Những người đã dọn mình đặng rước nó thì thâu nhận nó và đồng hóa với nó. Còn trong nhóm tín đồ, những người nào không thâu nhận nó được chỉ vì tại họ không dọn sẵn mình trước về việc nầy. Khi ta nói về tình thương và ân huệ củaThượng Ðế thì thường thường hai điều nầy đối với họ là những khái niệm mơ hồ, nhưng thật ra chúng là những lực hết sức thực tế. Luôn luôn không phải dễ mà chừa bỏ những tư tưởng mập mờ nầy. Không phải chỉ có những người đã trải qua nhiều Giáo Hội khác nhau chịu khổ đâu, mà những người khác cũng bị thiệt thòi vậy. Những người theo đường lối tu hành thì đạt được vài thái độ, vài năng lực hiểu biết mà những người tự do tư tưởng thuở xưa không thể sử dụng một cách dễ dàng đâu. Kỷ luật của Giáo Hội chánh thống thật hữu ích, trừ ra việc nó trình bày sự sùng đạo quá mức đến đỗi thành ra ngu muội, cùng là tư tưởng hẹp hòi và cách giải thích quan niệm về Thượng Ðế cho các tín đồ. Phần còn lại, như Phụng Sự Thượng Ðế với những lời ca tụng và những sự ban phước, hội hợp lại đặng tôn thờ Ngài cùng làsắp đặt cách thờ phượng với tất cả những sự xinh đẹp có thể làm được, tôi tưởng tất cả những điều đó có thể đi chung với giáo lý hết sức tự do và hết sức rộng rãi. Tiếc thay! Ðã nhiều thế kỷ rồi, sự đi chung nầy đã chấm dứt, ngoại trừ ở chỗ nầy, chỗ kia chỉ có vài người còn thực hiện được mà thôi. Tôi đã suy nghĩ lâu rồi, chẳng sớm thì muộn sẽ nảy sinh ra một Giáo Hôi phối hợp những nguyên tắc khác nhau nầy; mà bây giờ đã có Giáo Hội đó rồi, ấy là Giáo Hội Thiên Chúa Giáo tự do. Những người còn trìu mến Giáo Hội thuở xưa, cùng với những phương pháp, những nghi lễ, những bài hát, sự mỹ lệ, sự dịu dàng và thánh thiện của nó thì bây giờ gặp lại những điều nầy và đồng thời một giáo lý, ấy là Thông Thiên Học thuần túy.

 Thế nên khi nói về Thông Thiên Học, chúng ta dùng những danh từ đối chiếu với những danh từ mà người ta thường dùng một cách không chính xác. Nên hiểu rằng những danh từ nầy không có chi gọi là mơ hồ hay là tối tăm, khó hiểu. Nói rằng ban ân huệ của Chơn Sư cho một người kia, theo những danh từ nầy thì tôi hiểu đó là một luồng thần lực tích cực tuôn xuống; thần lực nầy thường dùng chất khí ở cảnh cao hơn cõi Trần đặng làm một vận cụ cho nó. Nó phải dùng chất khí đó thì mới ảnh hưởng được chất khí làm ra Thượng Trí, Hạ Trí hay là Cái Vía tùy theo trường hợp. Không nên có một chút ý nghĩ nào rằng đó là một ảnh hưởng không chắc là tốt lành và không có tầm mức lớn lao.

 Ðại thần lực nầy làm cho vạn vật chuyển động và trình bày một trạng thái khác nữa: ấy là Luật Hy Sinh. Hy Sinh là một tiếng đẹp lắm mà thường bị dùng sai. Hy Sinh thường có nghĩa là: từ bỏ một vật mà sự mất nó làm tan nát cõi lòng; nếu con người muốn biết ý nghĩa thật trong Tôn Giáo của tiếng Hy Sinh thì là một tư tưởng mà họ phải loại trừ. Họ phải chấp nhận một sự giải thích mới về một tiếng mà suốt đời họ đã biết. Ðôi khi họ tin tưởng rằng họ đã thảy bỏ cái cũ và chấp nhận cái mới, mặc dù cái cũ còn phủ bóng trên mình họ; một đám mây mù xâm nhập Cái Trí họ mà họ không ngờ và nó chỉ tan mất dần dần thôi.

 Hy Sinh (Sacrifice) do chữ La Tinh Sacrifico có nghĩa là: Tôi làm cho thánh thiện (Je rend saint). Hy Sinh một vật tức là hiến dâng nó cho Ðức Thượng Ðế và vì thế làm cho trở nên thánh thiện. Ý tưởng khi hiến dâng vật đó cho Ngài thì huynh mất nó đi, là nghĩa phụ và do người ta thêm vô. Như Thánh Kinh thường nói: Nếu huynh có ý muốn hiến dâng mình cho Ðức Thượng Ðế như là một sự hysinh trọn vẹn thì đừng có một tư tưởng nhỏ mọn nào về sự từ bỏ xen vào. Thật ra, dưới cái vẻ trái ngược nhau khi y có ý nghĩ về sự hy sinh một món nào đó thì không có sự hy sinh đâu, vật đó không được thánh thiện, bởi vì huynh hiến nó với một sự tiếc rẻ. Khi mà huynh cảm thấy không thể nào huynh không quỳ dưới chân Ðức Thượng Ðế hay là Ðấng Christ được trong lúc phấn khởi của lòng sùng tín; khi mà tư tưởng về sự thiếu thốn không đến cho huynh; khi mà tánh tình huynh không cho huynh hành động khác hơn; khi mà huynh tin chắc rằng huynh có thể đoạn tuyệt tất cả; thì tới chừng đó có lẽ sự hy sinh của huynh mới là hoàn thiện. Muốn hiến dâng một sự hy sinh thực sự thì phải quên mất ý tưởng thường dính dấp với danh từ nầy. Ấy là một tiếng rất tốt đẹp, nó không có nghĩa là từ bỏ một vật, mà nó có nghĩa là thánh thiện hóa.

 Ðức Thái Dương Thượng Ðế thực hành một sự hy sinh lớn lao tột bực, bởi vì Ngài tự ban rải ra, Ngài xuống vật chất, Ngài giới hạn quyền năng của Ngài, Ngài cởi bỏ sự Vinh Quang của Ngài. Thật sự "vì chúng ta là những con người và vì sự giải thoát của chúng ta mà Ngài từ trên Trời xuống". Ấy là một câu châm ngôn rất đẹp, mà ngày nay ý nghĩa của nó bị giảm đi rất nhiều và làm nhơ bẩn tư tưởng thiệt thọ. Nếu chúng ta hiểu rành rẽ những ý nghĩa nầy thì sự tốt đẹp của chúng làm cho chúng ta chú ý đến chúng. Chúng ta nhận biết chúng đáng cho chúng ta tán đồng và hoàn toàn khâm phục, nhưng mà trước nhất phải hiểu biết chúng. Sự hy sinh lớn lao hơn hết là sự hy sinh của Ðấng Christ [95]. Còn chúng ta, trong phạm vi mà chúng ta tận tâm với công việc của Ngài thì chúng ta dự phần vào sự hy sinh nầy và chúng ta liên kết với nó. Không thể có sự chọn lựa nào khác, khi mà thấy được sự thực tế sâu xa. Ở ngoài đời không còn thấy sự hy sinh nào khác nữa, bởi vì chúng ta có vẻ lấy ý chí chúng ta làm hướng đạo. Con người tiếp tục giúp đỡ lực tiến hóa, nhưng mà quên mất "Sự hiến dâng" của mình. Ðây, không phải là một sự từ bỏ nào nữa, mà ấy là đi tới sự thực hiện Chơn Ngã và biết được Sự Sống ra sao? Tư tưởng của Ðức Thượng Ðế là như thế đó. Phải giống in như Ngài, nếu ta muốn thật sự hy sinh.

 Như Tiến Sĩ A. Besant đã nói rằng trên đời không có một Tôn Giáo nào mà không trình bày ý niệm của sự Hy Sinh với nhiều tính cách khác nhau; điều nầy chứng tỏ sự hiện diện của một Ðại Chân Lý bí truyền và cao thâm. Luật Hy Sinh chưa được dùng làm mục đích của một sự học hỏi trọn vẹn; nhưng có một hôm, Chơn Sư đã nói nó cũng quan trọng như những Luật của Luân Hồi và Nhân Quả.

 Thấy được sự thật ở đàng sau vạn vật là nghe bài hát của sự sống. Bài hát của sự sống là một động lực không bao giờ ngừng nghỉ. Trong thiên nhiên những sự chuyển động khác nhau đều phổ biến bằng những âm thanh và những màu sắc kèm theo chúng nó; còn nhiều sự biểu lộ khác, chúng ta không biết, trừ ra khi nào tiếng tăm và màu sắc là một thành phần của những sự kinh nghiệm của chúng ta. Có thể tập nghe sự điều hòa của thiên nhiên cho tới một điểm nào đó, và thấy được sự đẹp đẽ, sự vinh quang và trật tự của nó. Ðây là cách chắc chắn hơn hết để quả quyết rằng mọi vật đều góp phần vào sự tốt lành và trật tự tuyệt đối, dù cho sự rối loạn bên ngoài che lấp đi nữa cũng vẫn là quan trọng hơn hết, thiết thực hơn hết về các phương diện và không có chi sánh kịp. Sự rối loạn bất quá là một sự xao động nhẹ nhàng, một bọt nước trên mặt; ở phía dưới ngự trị những vực sâu của biển cả; biển cả vốn hoàn toàn tuân theo Luật Trời, mặc dù trên mặt biển, Luật Trời hình như bị vi phạm.

 Ðối với chúng ta, nếu chúng ta có thể làm đặng điều cần thiết là biết được sự thật ẩn tàng phía bên trong và thấy cái không có chi làm xáo trộn mà cũng không làm chênh lệch, lạc hướng. Ðạt được sự tiếp xúc với sự thật nầy, tin chắc rằng vạn vật đều tiến tới trước không ngừng nghỉ; do đó, cái chi xảy ra trên bề mặt vẫn không quan hệ gì bởi đó chỉ là một sự phân tán tạm thời, ngắn ngủi, một sự lay chuyển yếu đuối màthôi, thì tất cả mấy điều đó là một sự dịu dàng cao quí, một sự an ủi lớn lao, một sự an toàn chắc chắn. Chúng ta không ngớt tiến đến gần sự liên hiệp với Ðấng Duy Nhất, nhưng mà chúng ta là thành phần của Ngài rồi; tới một ngày kia chúng ta thực hiện được sự Hiệp Nhất nầy. Ðấng Duy Nhất càng ngày càng hiện ra do chúng ta.

Người ta có thể nói rằng một bài hát, một sự hòa hợp vang lừng bên ngoài của các thế giới, bao la bát ngát. Trong thời kỳ cổ điển, người ta nói về âm nhạc của những Tinh Cầu; người ta tưởng rằng mặt trời, các hành tinh, các ngôi sao trong lúc vận chuyển trên không gian phát sinh một sự điều hòa hùng vĩ. Chúng tôi đọc trong Thánh Kinh Cựu Ước đoạn nầy: Những ngôi sao ban mai đồng la lên những tiếng vui mừng và những con của Thượng Ðế hát khúc khải hoàn" (Les étoiles du matin poussaient ensemble des cris de joie et les enfants de Dieu chantaient en triomple - Job,XXXVIII, 7). Ðối với nhiều người, ấy là những danh từ tốt đẹp, một biểu tượng của thi thơ chớ không có chi khác hơn. Theo ý nghĩa của một câu cách ngôn thì "Vài chuyện tốt quá nên không có thật". Nhưng cái chi thiện và mỹ phải có thật vì sự tốt và sự đẹp của nó. Không có tư tưởng tốt nào sinh ra mà không có lý do, nó không đến cho người nào nếu y không có một sự tương ứng ở mấy cõi cao. Những việc cao quí hơn hết, cao thượng hơn hết, vĩ đại hơn hết là những tư tưởng của Trời, những Thiên ý. Tư tưởng của chúng ta càng đến gần chúng nó thì tư tưởng của chúng ta càng trở nên cao siêu, thanh khiết, chân thật và thanh cao. Hãy tin chắc rằng không phải chúng ta thấy ở đó một tư tưởng lạ lùng của thi thơ và để giải trí, nhưng đó là một sự thật rõ rệt rất quan trọng và ở trên tất cả, sự đẹp đẽ và sự chơn thật ngự trị [96]. Những tư tưởng đem cung cấp cho chúng ta thường ngày là sự xét đoán của con người về những sự vật, còn những sự thật bị những sự vật làm ra một bức màn bao phủ, mới là sự xét đoán của Thượng Ðế. Những tư tưởng của Thượng Ðế vượt qua tư tưởng của chúng ta trong phạm vi mà Thượng Ðế cao hơn con người [97]. Cao hơn không có nghĩa là nghiêm khắc, hay ít thực tế hơn hoặc là xa lạ không liên quan với đời sống hằng ngày, nhưng mà lớn lao hơn, đẹp đẽ hơn và vinh diệu hơn.

Chúng ta lắng nghe tiếng hát của sự sống trong tất cả những lần mà chúng ta ướm thử khám phá sự tốt lành và sự đẹp đẽ chứa đựng trong vật nầy hay vật kia. Sinh viên Huyền Bí Học cần phải lạc quan, bởi vì họ biết rằng những sự việc biện minh cho sự lạc quan cực điểm của chúng ta và còn ngoài điều đó nữa. Chân lý ẩn tàng bên trong luôn luôn vẫn cao thượng. Nếu chúng ta không biết nó, không hiểu nó, không đạt được nó thì lỗi đó không phải ở nơi Chân Lý mà tại chúng ta chưa được thông minh. Vậy thì đời sống hằng ngày giúp cho chúng ta nghe được tiếng hát của sự sống bằng nhiều cách khác nhau, nhưng luôn luôn không phải là lạ lùng lắm. Khi chúng ta nghe được Nó một lần rồi thì không phải chúng ta không còn nghe được nữa đâu. Nó vang lừng khắp các cõi. Thí dụ chúng ta nghe được nó trọn vẹn tại một cõi nào đó thì chúng ta chỉ biết có một phần nhỏ nhít, một nốt (note), một âm điệu mà thôi. Mỗi cõi lần lượt tiết lộ cho ta sự đẹp đẽ và sự vinh quang nhiều hơn trước. Chúng ta càng nghe rõ tiếng hát thì sự điều hòa càng được hoàn hảo. Hãy đánh một lượt tám nốt của một khoảng bát độ thì huynh không nhận được một sự điều hòa mà lại là một âm điệu bất hòa chát tai. Ở trên mấy cõi cao, trái lại, có một điều mà tôi chỉ có thể diễn tả bằng một cách trái ngược lại là có thể nhận được một sự điều hòa càng hoàn hảo khi huynh nhấn mạnh một lượt nhiều nốt, bởi vì tại đó mọi vật đều hội hợp với nhau và phù trợ với nhau một cách kỳ lạ, không thể nào giải thích cho ở dưới Trần Thế hiểu được. Nếu viết một phần nầy của một khúc điệu du dương (mélodie) trong một khóa (clef), còn một phần kia thì viết trong một khóa khác thì ảnh hưởng phát sinh ra là một sự bất điều hòa. Nếu chúng ta có thể tưởng tượng rằng trên không gian trước hết những phần tử khác nhau nầy được phóng ra, trong đó mỗi phần tử đều tự biểu lộ là một toàn thể điều hòa, rồi trong một phương hướng khác lại có một sự phối hợp những phần tử nầy cách nào mà khi thực hành sự hỗn hợp thì mỗi phần tử thành ra một nốt. Có lẽ như vầy chúng ta có thể hiểu được ý niệm nầy, chúng ta không có ngôn ngữ đầy đủ để diễn tả. Luôn luôn có thể phóng ra như vậy những khóa khác nhau mà chúng tạo ra ở những cõi cao một sự điều hòa trọn vẹn, mặc dù ở tại cõi Trần nầy chúng chỉ sinh ra sự bất hòa, chát chúa lỗ tai.

Âm nhạc kim thời trình bày một sự điều hòa kém hơn âm nhạc cổ điển. Nó gia tăng những âm điệu bất hòa hết sức cuồng loạn đặng tìm lấy một sự điều hòa tốt đẹp hơn, nhưng không thành công. Tuy nhiên, tôi tưởng những nhạc sĩ đã thấy điều tôi mới mô tả đây và cố gắng phô diễn nó ra. Họ kiếm tìm một cách lấy sự điều hòa trong âm điệu bất hòa. Tôi tưởng điều nầy không thể có được ở tại cõi Trần, mà xin thú thật tôi không thích sự biểu diễn những khúc nhạc lạ lùng của thời đại chúng ta và vì vậy chắc chắn tôi không hiểu được chúng nó. Tác giả những bản nhạc lạ lùng nầy tìm những hiệu quả mà phần đối chiếu của chúng nó trên cõi Trung Giới và Thượng Giới là sự điều hòa chớ không phải là những âm điệu bất hòa. Ởû dưới Trần nầy họ chỉ thâu nhận được sự không điều hòa. Tôi tưởng rằng những người thưởng thức những khúc nhạc nầy tập thực hiện trong những thể cao của họ những hiệu quả mong muốn; thế nên họ rất thích nghe những tiếng dị kỳ và đụng chạm nhau.

Nhiều sự biểu hiện kỳ lạ của nghệ thuật hiện kim, chẳng những trong âm nhạc mà còn hội họa nữa, chắc chắn nhắm vào tương lai vàsinh sản những hiệu quả mà con mắt chúng ta, lỗ tai chúng ta không thể nhận biết được. Cái mà chúng ta có thể nghe được, thấy được thì thường xấu tệ, nhưng tôi vẫn tin rằng mục đích của các nghệ sĩ đang nhắm sẽ trình bày những sự tốt đẹp khi mà những ý muốn của họ được thực hiện. Người ta muốn sự điều hòa có một hiệu quả vừa đủ ở mỗi cõi và tại cõi Trần Thế nầy thì công việc được tốt đẹp đối với những người dù không biết trạng thái cao siêu của vấn đề ra sao.

 Nhiều người quả quyết với tôi rằng những khúc nhạc khác nhau cho họ một ấn tượng đồng nhất. Nhiều người trong chúng ta cảm thấy một sự vui mơ hồ mà nghe âm nhạc nhưng họ không hiểu chi cả. Ðối với những kẻ khác thì khúc nhạc nào đó chẳng những làm êm tai mà nó còn lại là ngôn ngữ đúng đắn như ngôn ngữ của một diễn giả, ấy là một hình dạng rõ ràng có thể thấy được và thưởng thức được. Tôi có nghe những Ðại Nhạc sĩ đàm luận với nhau. Tôi hiểu rằng hình tư tưởng mà một nhạc sĩ dùng để viết một trương nhạc nào đó có thể truyền qua một người khác. Tôi có ghi vào sổ một trường hợp như thể ở Ý Ðại Lợi hồi tôi còn ở đó cách đây vài năm. Một người phổ nhạc viết một bài nhạc để trình bày một suối nước ở trong một cái vườn có ba cái hồ nước chồng chất cái nầy trên cái kia, hình tư tưởng nầy đã hiện diện trong lúc y làm việc. Tôi biết hình tư tưởng nầy truyền sang qua trí của một người nhạc sĩ khác. Huynh nầy không hề thấy cái suối, cái vườn ra sao, y cũng không ngờ khúc nhạc tượng trưng cái gì. Nhưng khi trổi khúc nhạc thì hình tư tưởng hiện ra cho y, nên y nhận biết những phần liên quan với những hồ của cái suối và luôn cả phần trạng tả cái vườn. Tôi có biết vài thứ tương ứng, nhưng cần phải cắt nghĩa cho tôi biết thì hình của chúng nó mới hiện ra cho tôi thấy. Ðó là một sự phát triển cao siêu của khiếu âm nhạc. Khi chúng ta đi tới điểm mà chúng ta có thể biết được ý định của một bản nhạc như thế thì âm nhạc sẽ có giá trị, mà phần đông những người trong chúng ta chưa biết được điều nầy. Ðối với một bức tranh, một bức họa cũng thế đó. Ðiều mà người nầy thấy, không phải là điều mà người kia đã khám phá ra. Có những kẻ giống như người ở trong bài thơ của Wordsworth:

 Cây anh thảo (prinevère) vàng mọc trên mé rạch đối với y thì là một cây anh thảo vàng mà thôi chớ không có chi khác lạ.

Nhưng mà đối với một nhà thi sĩ thì cây anh thảo làm nảy sinh trong tâm trí một loạt tư tưởng tốt đẹp vô cũng. Hoạch đắc được hoàn toàn năng lực nầy thì chúng ta có thể dùng những tượng trưng để tưởng nghĩ. Ðó là việc của Chơn Nhơn làm ở trong Thượng Trí. Ngài dùng những tượng trưng để tưởng nghĩ chớ không phải những chuyện cụ thể. Không có chi ngờ vực, đây là một trong những cách mở mang những quyền năng, mặc dù nó vẫn khác hơn nhiều những cách thường dùng. Những sự biểu lộ mỹ thuật, nghệ thuật mới mẻ như những bức tranh của những Phái vị lai (futuriste) [98] và của những Phái lập phương (cubistes), người ta không hề thấy ở trên Trời hay ở dưới đất những điều giống in như vậy. Chúng đang ở vào giai đoạn chuyển tiếp, ấy là công việc làm mới có phân nửa. Luôn luôn người ta nói không nên để cho trẻ em thấy một việc làm chưa hoàn thành. Về phương diện nầy phần đông trong chúng ta là những đứa con nít. Chúng ta không học những công việc còn khuyết điểm, chưa hoàn toàn, nhưng có lẽ sự thành công của chúng sẽ lớn lao khi chúng được hoàn tất. Tiếng hát của Sự Sống không phải làm ra có một phần mà thôi; nó là trọn một giàn nhạc. Ấy là một sự tập hợp vĩ đại của những khúc điệu du dương và có lẽ những người có nhiệt tâm với nghệ thuật mới đi lên tới một sự biểu hiện mà chúng ta không thấy được.

Khi Ðức Chưởng Giáo [99] lâm phàm thì có thể xảy ra những việc thay đổi lớn lao trong  những thuật tạo hình (arts plastiques), cũng như trong Tôn giáo những sự cải cách xã hội và chính trị. Thường thường chúng ta xem Ngài như là một vị Giáo Chủ. Tôi tưởng chúng ta không nên giới hạn những tư tưởng của chúng ta, bởi vì ngoài Ðạo Giáo, sự tiến hóa của con người tiếp tục theo nhiều đường lối khác nhau. Tôi không muốn nói rằng giáo lý đạo đức không nên thấm nhuần trọn kiếp sống của chúng ta; chắc chắn phải thấm nhuần, nhưng Tôn giáo cũng có thể tự biểu hiện dưới nhiều trạng thái khác nhau. Có thể Ðức Chưởng Giáo dạy chúng ta làm những việc nầy và Ngài cũng Linh Cảm chẳng những vị Giáo sĩ mà lại còn các nhà: thi sĩ, mỹ thuật, điêu khắc, nhạc sĩ và bác học nữa. Khi Tôn giáo được trình bày một cách tân thời thích ứng với trình độ tiến hóa của nhân loại hiện kim thì rất có thể sự tuyên bố mới mẻ nầy truyền qua cho tất cả một sự phấn khởi phi thường. Thông điệp của Ðức Chưởng Giáo về tất cả những phương diện làm cho chúng ta càng ngày càng hiểu rành rẽ Tiếng hát của Sự Sống. Nó tiết lộ cho chúng ta càng ngày càng nhiều sự vinh quang, sự đẹp đẽ, sự điều hòa và trật tự ẩn khuất bên trong.

Ðiều cần thiết là thật hiểu trật tự. Hiện giờ chúng ta đang trải qua một giai đoạn Chế Ðộ Dân Chủ; trong những tình trạng nầy, sự rối loạn hình như phát hiện ra đến cực điểm không thể tránh được. Hơn nữa, vài người tự hào đã góp phần vào sự rối loạn. Họ quả quyết rằng mỗi người phải theo con đường riêng biệt của mình, còn số phận đồng loại của họ thì mặc kệ, không quan hệ gì. Vậy thì, nếu cần thiết cho con người tập tự mình điều khiển mình thì sau khi thực hành điều nầy rồi, cũng cần thiết cho con người tập luyện ý chí của mình phục tùng ý chí Thượng Ðế. Khi đạt được quyền năng hành động, nói năng và đứng vững thì nó phải tập sử dụng chúng nó vào mục tiêu chính đáng. Phải có một ý chí và để nó phục tùng Ý chí Thượng Ðế. Người không ý chí có một đời sống rất dễ dàng, bởi vì y không lo lắng cái chi hết và cứ phú cho Trời. Những người có ý chí đôi khi lại dùng ýchí mình chống lại Ý chí Thượng Ðế và hình như điều nầy có lợi cho sự tiến hóa của họ; họ có sức làm quấy thì chẳng bao lâu họ trở về với luật pháp, bởi vì những kẻ không tốt mà cũng không xấu hình như không thể làm những việc rất hữu ích và cũng không đi xa được.

 Tuân theo Ý chí của Thượng Ðế là lắng nghe theo Tiếng hát của Sự Sống; chúng ta càng chăm chỉ thì chúng ta càng nhận biết nó. Ở mỗi trình độ, kế tiếp nhau, lần lượt, đối với chúng ta thì nó càng phong phú, càng vĩ đại hơn. Trong sách đã nói, ngay bây giờ, chúng ta có thể có một quan niệm mơ hồ về nó, chúng ta có thể thấy nó như một phản ảnh lờ mờ của một ánh sáng rực rỡ, huy hoàng toàn diện, bởi vì Tiếng hát của Sự Sống ở trong mình ta, nếu ta tìm kiếm nó khá sâu xa thì ta sẽ gặp nó. Trong mình ta vẫn có Tinh Thần của Thượng Ðế, hay là Linh Khí. Nhưng bởi nó bị bản tánh con người che lấp, khúc điệu du dương không thể chọc thủng dễ dàng nên điểm Linh Quang chỉ chiếu ra lờ mờ. Tuy nhiên khúc điệu du dương vẫn vang dội tại đó, đốm lửa (ÐiểmLinh Quang) [100] không lìa khỏi chúng ta, như chúng ta đã tưởng, nó luôn luôn là một thành phần của Ngọn Lửa Trời toàn vẹn và bổn phận của chúng ta phải biến đổi bản ngã thấp thỏi thành ra một ngọn đèn chiếu sáng.

 Luôn luôn trong mình chúng ta có một sự biểu hiện thiêng liêng, việc nó kết liên với vật chất cũng không thể làm ô uế nó và che lấp nó được. Nếu ta có thể đồng hóa với nó thì vật chất không còn quyền lực nào đối với chúng ta nữa; nhưng muốn đạt được kết quả nầy trọn vẹn thì phải đi đến một trình độ rất cao siêu, có lẽ cao hơn Bậc Siêu Phàm. Sự biểu hiện nầy luôn luôn vẫn có, nó hoàn toàn trong sạch, còn nguyên vẹn không còn bị mây mù che khuất. Nếu chúng ta tự đồng hóa với nó, dù là một chút ít thôi và cảm biết rằng Bản Ngã của chúng ta tức là "Nó đó" thì luôn luôn chúng ta sẽ nghe được Tiếng Hát của Sự Sống. Dù cho bị sự hỗn loạn và những sự chiến đấu ở dưới mấy cõi thấp bao vây chúng ta, tiếng hát nầy vẫn luôn luôn vang dội trong chúng ta. Chúng ta thực hành bổn phận của chúng ta ở ngoài đời một cách bình tĩnh, bất biến, chúng ta không muốn gì hơn nữa, vì biết rằng sự thật duy nhất xứng đáng với danh từ nầy vốn ở trong mình chúng ta và tất cả những cái chi còn lại chỉ là sự biểu hiện tạm thời thôi. Thường thường khi chúng ta vừa đụng tới Tâm Thức cao siêu của chúng ta hay là Tâm Thức của Chơn Sư thì chúng ta bắt đầu nghe được khúc nhạc du dương nầy, nó cho chúng ta sự cảm biết Sự Sống bên trong, sự vui vẻ, niềm hạnh phúc; chúng ta đã chinh phục được, chúng ta là kẻ chiến thắng trong trận Ðại Chiến. Chú giải của Ðức Chơn Sư tiếp tục như sau đây:

Kẻ nào chọn con đường quấy thì không chịu nhìn lại bản tâm mà bưng tai không nghe âm điệu du dương của tâm hồn, cũng như bịt mắt để không nhìn ánh sáng của Linh Hồn. Họ làm như thế vì cho rằng sống theo dục vọng thì dễ dàng hơn. Nhưng bên trong mọi Sự Sống, có một dòng nước mãnh liệt chảy qua không thể nào ngăn cản được; nguồn nước vĩ đại vốn ở nơi đó. Hãy tìm nó, con sẽ thấy tất cả đều là phần tử của nó, tất cả, cho tới một sinh vật hết sức khốn cùng, tồi tệ, dù cho nó khư khư không chịu nhìn thấy điều nầy và mang lớp quỉ ma gớm ghiếc.

Nếu con người chọn đường quấy, ấy tại họ không chịu nhìn lại nội tâm; không phải họ tự ý chọn lựa đường quấy mà tại họ không hề tự rút lui vào trong thâm tâm. Họ tưởng rằng họ là Cái Vía, họ để tất cả những sự ham muốn trong đời sống của họ và họ theo con đường thấp thỏi đặng thỏa mãn chúng nó. Họ không muốn nhìn ngay những thực tế của đời sống, bởi vậy họ là một chướng ngại trong trào lưu tiến hóa. Thường thường họ nhất quyết quay đầu về chỗ khác rất lâu sau lúc mà họ có thể bước qua đời sống cao siêu. Họ thấy rất khó chịu mà tự biết rằng đã lâu rồi họ theo đuổi con đường quấy, họ phải trở bước lại, họ phải đương đầu với những việc làm cực nhọc, khó khăn, buồn bã vì lẽ họ là tác giả của một sự kích thích hướng về con đường quấy. Có biết bao nhiêu người ở trong trạng thái nầy, mới xem qua thì thấy không có chi là nặng nề lắm; nhưng nếu một người có những đặc điểm nầy mà ở vào vị trí có thể làm được nhiều điều phải hay là nhiều điều quấy, thì về phương diện tiến hóa huyền bí y sẽ gặp ngay những sự nguy hiểm hết sức lớn lao.

Những đoạn văn như những đoạn văn trên đây thường khêu gợi tư tưởng của chúng ta về một người luyện tập Ðại qui mô của Phái Bàng Môn Tả Ðạo, nhưng trong sách nói đúng khi điều đó là chuyện nhỏ nhặt hơn. Người mà không nhìn nhận những sự vật thì có nguy cơ bị lôi cuốn vào con đường dễ dàng nhưng nguy hiểm hơn. Họ thích cái gì dễ dàng, thay vì cái gì tốt đẹp. Chúng ta phải tự thấy cho thật đúng chúng ta là như thế nào. Người nào nhứt định không làm cái chi về việc nầy chắc chắn là có những lý do để sợ rằng, nếu y tự đối diện với y thì không có chút chi vui cả. Người ta cũng có thể bị lầm lạc trong việc làm trái ngược lại. Rơi vào trạng thái tự xét mình một cách rối trí, mất Tinh Thần thì quả thật có những hậu quả rất tai hại[101], chúng tôi đã chỉ điều đó trong khi học quyển Dưới Chơn Thầy. Những người nhổ gốc rễ lên đặng xem chúng nó có tốt không, chẳng tiến bộ được. Ðiểm quan trọng là tin chắc rằng chúng ta đã quay về phương hướng tốt đẹp và huynh cố gắng làm lành rồi huynh bền lòng tiến tới một các bình tĩnh và làm hết sức mình. Ðừng lo sợ cho "sự tiến hóa của huynh". Chắc chắn huynh tiến bộ, nhưng mà những sự tiến bộ tốt hơn hết làkhi huynh đừng tưởng tới chúng nó và khi thực hành một công việc hữu ích và tốt đẹp cho đời thì huynh hãy hoàn toàn quên phứt mình đi. Những sự tiến bộ mà tôi đạt được trong bốn mươi lăm năm nay vốn nhờ một lý do duy nhất và tuyệt đối là tôi chấp nhận tất cả những công việc đưa đến cho tôi mà không hề lo lắng chi hết về sự tiến bộ riêng của tôi. Một sự thật khác hẳn nữa: người không nhìn nhận Ðiểm Linh Quang trong người mình thì chuẩn bị mang một hình dáng gớm ghiếc. Nếu khó cho chúng ta giúp đỡ họ là tại ở dưới Trần Thế nầy chúng ta gặp một hình dáng gớm ghiếc chớ không phải Linh Hồn ở trong hình dáng nầy, nhưng phải rán hiểu rằng Linh Hồn vốn có mặt trong hình dáng. Tôi tưởng đã nói với huynh rằng trước kia tôi có thâu thập được một sự kinh nghiệm trong Giáo Ðường với tư cách là một người phụ tá ngoại đạo còn trẻ tuổi, khi đó ở trong khu phố hết sức tồi tệ ở Anh Quốc. Trong kinh nghiệm của tôi, tôi gặp những người đê tiện và vô liêm sĩ nhất, không còn ai hơn họ nữa. Họ không hề tưởng tới một đời sống vinh dự; đối với họ sống là trộm cắp hay là làm những việc phạm pháp; những tư tưởng của họ không đi xa hơn mấy điều đó. Những người sống dư dã đã không bao giờ biết được đời sống của những người thật nghèo khổ tại Luân Ðôn (Londres). Tôi biết năm gia đình ở chung một căn nhà, mỗi gia đình chiếm một góc và một gia đình ở chính giữa cũng như ở trong một chuồng heo, họ cũng khá thỏa thuận với nhau cho tới một ngày kia gia đình ở chính giữa cho một người tới ở trọ rồi họ đánh nhau.

Trong những xứ còn trẻ trung, không có cái chi giống như những phòng dơ dáy gọi là ổ chuột ở tại Anh Quốc. Giống dân nào cũng chứa đựng những người tiến hóa nhiều hay tiến hóa ít, nhưng mà ở đây (Anh Quốc) những tình trạng đến mức tột độ gặp gỡ nhau, bởi vì luôn luôn chúng ta không hoàn thành những quyền năng và trách nhiệm của chúng ta. Trong vài trường hợp, chúng ta đã tàn sát những dân tộc dã man, chúng ta giết họ như hạ những mãnh thú, chúng ta gởi binh đi chinh phục họ giống như một cuộc đi săn. Thường thường những người bị ngược đãi như thế đầu thai vào đời sống của chúng ta. Chính họ là những người ở trong những ổ chuột đó. Về hình thể, họ được một sự ưu đãi là thuộc về một giống dân có một trình độ cao, nhưng thường thường họ không lợi dụng được cái chi cả, việc nầy kéo dài rất lâu, nhất là khi hoàn cảnh đáng tội nghiệp, đáng xót thương của họ vẫn còn như thế.

 Khi mà những người sống trong những điều kiện như vậy thì làm sao bảo họ có một trình độ luân lý và nhân từ cao thượng được bây giờ. Những người tội nghiệp nầy, tổ tiên của họ là những người phạm các trọng tội, họ sống trong những điều kiện gớm ghiếc như tôi mới miêu tả ra đây, dù sao cũng có trong người họ một đốm nhỏ nhít của vài điều tốt đẹp như là tỏ ra một chút tình thương người láng giềng đau ốm, một đứa con nít hay là một con chó. Tôi nhớ một người hết sức tồi tệ: tôi tưởng trong người y không có một ảnh hưởng nhân từ nhỏ nhoi nào, ngoại trừ y rất thương con chó của y và chia sớt cho nó miếng bánh mì chót của y. Trong những người nầy đều có Ðiểm Linh Quang, nó sẽ hiện ra trong lúc mà người ta không có chút chi chờ đợi nó. Huynh biết rằng Ðiểm Linh Quang vẫn luôn luôn hiện diện và việc làm của huynh ảnh hưởng đến nó. Huynh không tìm được một dấu vết nhỏ mọn nào của nó ư? Huynh hãy tin chắc rằng nó không vắng mặt đâu. Nếu chúng ta cố gắng đừng khi nào quên rằng sự vinh quang bị hình hài của con người che lấp thì phải nhìn nhận rằng hình dáng bên ngoài, hiện giờ đây xấu xa lắm. Phải giúp cho Ðiểm Linh Quang hiện ra, mặc dù trong vài trường hợp chúng ta mới vừa tới gần nó. Nhưng không phải mọi người đều biết được cách nào. Chúng ta gặp những người rất khó giúp đỡ, chúng ta ướm thử, chúng ta cứ làm hết sức chúng ta. Có lẽ Kạt-ma (Karma) của họ ngăn cản điều nầy; cũng có lẽ Karma của chúng ta không cho chúng ta có đủ sức đặng tìm được cách giúp đỡ như trong trường hợp đặc biệt nào đó. Trong những vấn đề nầy, luôn luôn chúng ta hãy nhớ đến sự quan trọng của Lẽ Phải, chúng ta đừng để thành ra bất lực hay là ngã lòng rủn chí hoặc là để một thứ đa cảm nào ngăn cản chúng ta không cho chúng ta nhìn nhận những sự việc quả là hiển nhiên minh bạch. Người ta thường nói: "Từ cao thượng đến câu chuyện buồn cười, lố lăng chỉ có một bước thôi". Ðôi lúc, khi đi quá xa hay là phóng đại cái chi cao thượng và tốt đẹp thì người ta làm cho nó hóa ra buồn cười. Giáo lý và những sự hoạt động Thông Thiên Học đã đưa nhiều gương thí dụ và nhiều trường hợp lắm rồi.

 Sự sống thiêng liêng ở trong mình chúng ta và có thể sự biểu hiện của nó yếu đuối và lu mờ, phải để ý đến điều nầy. Tại cõi Trần, về đời sống xã hội, vài luật lệ rất cần thiết cho những người vi phạm chúng nó và họ thành ra những người thường phạm pháp; vậy thì phải áp dụng một cách đối xử hữu ích cho họ và luôn cho xã hội nữa. Tôi biết có nhiều người tưởng nghĩ quá xa về ánh sáng nội tâm nên trách cứ sự câu thúc những tội nhân nầy. Theo ý tôi, đó là một sự khờ dại, đó là tự nạp mình cho kẻ sát nhân. Ðời sống, trật tự và sự tiến bộ trở thành vô ích đối với cả triệu người xứng đáng được hưởng những trườnghợp tốt đẹp và họ cần thiết cho sự tiến bộ của nhân loại nhiều hơn là kẻ phạm trọng tội. Không nên làm hại họ, phải đối xử với họ như một trường hợp y học. Phải thấy họ là một người bệnh nhân hơn là một người bất chánh, tà tâm, bởi vì kẻ phạm đại tội thường lệ là tại trí óc họ chưa đầy đủ. Về vài phương diện họ nhận thấy khá lắm, còn những phương diện khác, thì họ rất kém sút, còn thấp thỏi. Họ không thể hiểu sự cần thiết của tánh vị tha, sự hợp quần và sự phù trợ nhau, không vậy thì họ đâu có thành người thường phạm đại tội. Ðộc giả những quyển sách của Giáo sư Lombroso sẽ nhớ rằng sau một loạt thí nghiệm rất dài, ông kết luận rằng ở những người thường phạm đại tội thì cái óc họ chưa mở mang đầy đủ, mặc dù họ khéo léo; cái óc của họ nhất định nhẹ hơn cái óc của một người thường và nhiều phần tử trong óc chưa hoạt động.

 Hành phạt người phạm trọng tội vì muốn trả thù, chắc chắn không phải thật là cách xem xét vấn đề. Ðối với tôi hình như điều đó không xứng đáng với một dân tộc văn minh. Phải ngăn cản những sự công kích của những hạng người hung ác phạm trọng tội, bởi họ gồm những người và những anh em, thật vậy, những anh em còn trẻ hơn chúng ta nhiều lắm, chúng ta nên cố gắng trong khi đảm nhận sự bảo vệ họ thì phải giúp đỡ họ, giáo dục họ, thay vì trả thù họ. Người ta nói rằng một gương thí dụ khủng khiếp, ghê gớm có thể ngăn chận được những tội trọng khác. Cái đó là gây tội lỗi hầu có sự tốt lành. Lịch sử chứng minh rằng tuân theo nguyên tắc nầy thì không thể thâu thập được việc tốt lành.

Tất cả những thứ kinh sợ, hãi hùng nầy là những ảo tưởng, trong sự thực tế thiêng liêng, chúng nó không có sự sống nào cả. Những người Trung Hoa nói: "Sự dữ chỉ là một bóng dày đặc của sự lành". Trong cõi đời nầy, chúng ta là tác giả của phần nhiều những sự đau khổ của chúng ta, bởi vì chúng ta không hành động đúng nhịp điều hòa với Luật Trời, hoặc trong một kiếp nầy, hoặc trong những kiếp trước. Nếu tất cả chúng ta có thể tuân theo Thiên Luật thì sự đau khổ sẽ bị tiêu diệt. Ðiều cần thiết là chúng ta phải đi đến một trình độ nào đó của Tự Do Ý Chí hầu tập cách sử dụng nó. Nhưng chúng ta thường dùng Tự Do Ý Chí của chúng ta đặng làm điều quấy cũng như làm điều phải; thế thì cái điều mà người ta gọi là đau khổ mới nhập vào cõi Trần nầy. Nhưng nó chỉ là một sự xáo trộn trên mặt; phía dưới, trong những chỗ thâm sâu, sự sống thiêng liêng vẫn lưu hành cuồn cuộn và sự tiến hóa do Ðức Thái Dương Thượng Ðế sắp đặt sẵn để giúp chúng ta cứ tiếp tục. Những thực tế bất biến của đời sống, chúng ở đàng kia kìa. Còn sự biểu lộ của sự quấy vốn nông cạn, mặc dù đối với chúng ta hình như chúng nó có một thế lực ghê gớm và một sức mạnh kinh hồn; so sánh phần còn lại thì chúng nó không có chi là hùng cường cả. Không có cái chi của những điều ta thấy, động đến dòng nước lớn được. Do một cách mầu nhiệm, như câu thơ của Southey nói rất đúng:"Những kẻ hung ác thực hiện một cách mù quáng công bình của Thiên Ý".

Chính trong ý nghĩa đó mà Ta nói với con: Tất cả chúng sinh mà con đang chiến đấu đều là những Ðiểm Linh Quang của Thượng Ðế. Cái ảo ảnh mà trong đó con đang sống quá giả dối, cho đến đỗi con khó dự đoán được phải bắt đầu từ chỗ nào đặng nghe được tiếng nói dịu dàng trong tâm của kẻ khác. Nhưng hãy biết nó vốn ở ngay trong tâm con. Con hãy kiếm nó trong tâm con và một khi con đã nghe được nó rồi thì con sẽ nhận biết nó dễ dàng ở xung quanh con.

 Nếu có thể xem xét vạn vật theo quan điểm của Chơn Nhơn trong Thượng Trí và còn hơn nữa khi chúng ta đi tới cõi kế đó là cõi Bồ Ðề thì cái ý nghĩa thật của điều đó sẽ hiện ra cho chúng ta thấy. Cái điều mà chúng ta sẽ thấy không phải là cái phần nhỏ nhít của trạng thái thấp thỏi, nhưng mà chúng là toàn thể. Những sự rộng lớn sẽ tự biểu lộ ra và chúng ta sẽ nhận thấy sự quấy thật ra không có chi là quan trọng cả. "Sự quấy không có gì hết, sự quấy vốn trống không, ấy là sự im lặng bao hàm âm thanh". Khi Browning viết mấy câu nầy có lẽ ông không ngờ rằng ấy là Chân Lý, nó đúng tới mức nào. Ở đàng sau, ở ngoài xa và ở phía dưới của tất cả sự quấy, triều lưu tiến hóa cứ tiếp tục vận hành; chúng ta chỉ tin chắc điều nầy. Tiếng hát của Sự Sống vốn nghe được, nếu chúng ta kiếm nó một cách khá thâm sâu. Như xưa kia Ðức Phật đã nói: " Hồn của Tạo Vật vốn dịu hiền và Tâm của con người là chỗ an nghỉ đời đời".

Muốn gặp con đường dắt đến Thượng Ðế chúng ta phải nuôi một đốm lửa cho đến khi nó thành ra một ngọn lửa rồi nó sẽ đốt những vách do cá nhân dựng lên; nó diệt những vách nầy song chúng ta không mất khí lực và sự đúng đắn đã thâu hoạch được trong lúc xây dựng chúng nó và sử dụng chúng nó. Một ngày kia, nhờ sức lực của nó được gia tăng, nó sẽ hành động không phải như một đốm lửa mà như một ngôi Mặt Trời tỏa ra sự sống và ánh sáng xuyên qua khoảng không gian bao la bát ngát của Thái Dương Hệ và tới chừng đó, thật sự, con người sẽ giống như Thượng Ðế.

 Bây giờ chúng ta hãy xem qua giảng lý của Ðức Ðế Quân thêm vô cho qui tắc 5.

Sự Sống có tài nói năng và không bao giờ im lặng. Và lời nói của nó không phải là một tiếng la hét. Như bởi con điếc nên đã tưởng như vậy. Nó là một bản nhạc. Hãy học với Sự Sống để biết rằng con là một phần tử của sự điều hòa. Hãy học với nó để tuân theo Luật Ðiều Hòa.

 Ở dưới Trần Thế, nghĩa là trên mặt, có không biết bao nhiêu sự lẫn lộn, hỗn độn, biết bao nhiêu nước mắt, tham lam, sự gạt gẫm, sự thù hiềm và người ta tưởng rằng nếu họ đi tới Tâm của Thiên Nhiên thì nghe được tại đó một tiếng kêu khốn khổ, một tiếng kêu đau thương, nhưng không phải như vậy. Không phải người ta có thể nghe một tiếng kêu la, mà người ta nghe một tiếng hát. Mặc dù những bọt nổi lên mặt nước, mặc dù con mắt phàm của ta thấy tại cõi Trần tất cả những dòng nước và những xoáy nước, triều lưu mạnh mẽ cứ tiến tới mãi; mà chỉ cái đó mới đáng kể và mới quan trọng.

Một tiếng yêu cầu sự nghỉ ngơi và sự an tịnh, đó thường là những điều ta có thể nghe được tại cõi Trần. Khi đi lên những cõi cao siêu, chúng ta khám phá ra rằng nguồn cội của Sự Sống vốn ở trong mình ta. Không yêu cầu sự an tịnh, một khúc ca khải hoàn vinh diệu trổi lên và không ngớt đi đến phương hướng mà Ðức Thượng Ðế đã vạch sẵn cho nó. Tiếng hát nầy có thể dạy huynh được, cũng như đã nói ở đây: Huynh là một thành phần của sự điều hòa và huynh có thể nhờ tiếng hát mà học tập cách tuân theo những Luật Ðiều Hòa. Tất cả Vũ Trụ kỳ diệu và vinh quang nầy là sự biểu lộ Thiên Ý, nó vận hành không ngừng nghỉ như ý muốn của Thượng Ðế. Muốn biểu hiện được điều ấy, chúng ta phải lãnh một phần khéo léo trong sự vận hành nầy và tìm xem Thượng Ðế chỉ định cho ta công việc nào, rồi thực hành nó cho trọn vẹn.

Không có mà cũng không hề có một sự khó khăn nào trong sự hiểu biết công việc nầy, bởi vì từ đời thái cổ mà ta có thể hồi tưởng lại thì điều đó quả thật là những điều mà luôn luôn Tôn giáo đã dạy liên quan đến những hành động của con người. Có bao nhiêu Tôn giáo thì có bao nhiêu danh từ khác nhau đặt cho những sự vật, nhưng mà các Tôn giáo đều đồng ý về việc mà bổn phận con người phải làm. Ðó là điều quan trọng mà rất lạ là người ta không công nhận điều nầy và không để ý đến. Tất cả đều công nhận rằng người có đức hạnh là người quảng đại, hào hiệp, vô tư lợi, làm ơn, làm phước; thay vì hiếp đáp kẻ khác thì lại cố gắng tới giúp đỡ họ, tùy phương tiện; ấy là những người nhân từ đối với kẻ nghèo, nuôi dưỡng kẻ đói, cho nước uống những kẻ khát, cho quần áo những kẻ trần truồng, tới thăm viếng những người đau ốm và những tội nhơn. Theo lời Ðấng Christ nói: "Số phận con người tùy thuộc những hành động nầy" (Saint Matthieu XXV - 35 - 40). Trong Phật giáo, Tôn giáo chót do Ðức Phật Cồ Ðàm (Gautama Bouddha) là Ðức Chưởng Giáo tiền nhậm tạo ra, huynh thấy cũng đức tánh mới kể ra trên đây đem truyền dạy cho các tín đồ phải tuân theo. Riêng Ðức Chưởng Giáo hiện kim lâm phàm lấy xác Shri Krishna thì Ngài cũng truyền bá giáo lý nầy. Những biến thể mà người ta thấy trong vài hình dạng bên ngoài và trong vài danh từ, thật không quan trọng lắm, giáo lý không hề thay đổi. Nhưng dù cho con người luôn luôn nghe nói và biết được Thiên Ý, cũng thật lấy làm khó mà bảo họ tuân theo.

 Trong sách vở, người ta nói rất nhiều về đời sống giản dị. Nhưng tôi tưởng, không đời sống nào giản dị hơn đời sống của những vị ẩn tu (ermites) thuở xưa. Tại Ấn Ðộ hiện giờ vẫn còn những người sống ẩn dật trong các rừng sâu, không có tài sản chi hết và cứ chuyên tâm sống một đời cao thượng. Tôi thường biết về điều nầy, họ không được khá đâu. Những người được xem như là sống một đời cao thượng, thật sự không đủ sức sống hoàn toàn như thế, họ không có lên tới một trình độ khá cao đặng trọn đời cứ lo tham thiền nhập định. Ðã có những vị Dô-ghi (Yogi) làm cho người ta chỉ trích Dô-ga (Yoga) và có những vị ẩn tu làm ô danh Tôn giáo của họ. Nhưng, thật đúng ra, đời sống cao thượng hơn hết, giản dị hơn hết là đời sống đã được thực hiện đầy đủ, ấy là đời sống trọn vẹn trên mấy cõi cao siêu.

Ðời sống nầy không thích hợp với tất cả, phần đông chúng ta theo con đường Kạt - ma Dô -ga (Karma Yoga) hay là làm việc cho nhân loại tại cõi Trần. Người nào lánh Trần, sống ẩn dật thì phải làm việc cho nhân loại với sự quyết định và nghị lực nhiều hơn, nhưng phải ở trên cõi cao. Nếu họ vào rừng sâu hay động cả đặng tham thiền thì không phải chỉ là họ trốn đời và để cứu rỗi dễ dàng Linh Hồn họ. Họ ẩn đạt bởi vì họ là một Linh Hồn đã được cứu rỗi, chiếu sáng rực rỡ, tốt phước, mạnh mẽ, và thành ra một năng lực tinh thần. Họ biết họ có thể làm việc rất dễ dàng trên những cõi cao siêu hơn là ở trong một thành thị chịu ảnh hưởng của thế tục.

 Có nhiều người lánh mình vào rừng sâu chỉ vì muốn trốn tránh những trách nhiệm và những sự khó khăn của họ trong đời sống xã hội. Nhưng mà người nào đã qua khỏi giai đoạn của những nhiệm vụ nầy rồi thì thấy mình đã được giải thoát lần lần; con đường đã mở ra cho họ, họ có thể thử sống một đời cao thượng như là đời sống của một người tu sĩ Sannyasi[102] hay là một tăng lữ. Trong giai đoạn hiện tại của lịch sử thế giới thì đời sống tu sĩ hình như không được chỉ bảo nhiều hơn hết. Có biết bao nhiêu chuyện phải làm ở cõi Trần, ít ra chúng ta cũng phải thực hành cho tròn tất cả những bổn phận của chúng ta, trước khi xét rằng chúng ta được rảnh rang đặng lánh mình và giao công việc lại cho kẻ khác. Có lẽ khi Ðức Chưởng Giáo lâm phàm, Ngài sẽ chọn lựa những người phải làm việc cách nầy hay cách kia, có lẽ trong đám thanh niên có vài người được chỉ định sống một đời tu sĩ. Chúng tôi không hiểu chi về việc nầy cả, nhưng chắc chắn rằng tại cõi Trần Ngài sẽ cần dùng rất nhiều người phụ tá dễ thương, thích hoạt động và có lòng nhiệt thành. Bây giờ chúng ta hãy làm việc nầy vì nó đưa đến cho chúng ta. Khi Ngài lâm phàm, thì tùy Ngài, nếu Ngài để riêng ra vài người đặng giao phó một công việc cao siêu thì Ngài sẽ giúp cho chúng ta có phương tiện hoàn thành công việc ấy. Hiện nay chúng ta phải lo hoàn thành công việc ngay bây giờ của chúng ta với tất cả sức lực của chúng ta như là một công việc hiến dâng cho Ðấng Chí Tôn, Ðức Thượng Ðế, chớ không phải cho con người.

 6.- Hãy ghi vào ký ức khúc điệu du dương con đã nghe được.

 Trong khi con là một con người, chỉ có những đoạn của đại khúc hòa tấu có thể lọt vào tai con mà thôi. Nhưng nếu con đã nghe được, con hãy ghi nhớ kỹ đặng đừng mất một đoạn nào và gắng sức học hỏi cho biết ý nghĩa của sự huyền bí bao bọc chung quanh con. Với thời gian con không cần một Huấn Sư nào nữa. Bởi vì mỗi cá nhân có một tiếng nói, một tiếng mà do đó nó mới hiện tồn.

 Khi lóng tai, đôi khi huynh nghe được tiếng hát rất lớn, hãy nhớ kỹ nó. Ðừng quên cái gì huynh đã nghe được. Tất cả cái gì huynh nhận biết, đừng để bị phai mờ; vậy khi huynh ráp lại những đoạn của tiếng hát vang lừng nầy thì lần lượt huynh có thể khám phá được ý nghĩa của sự huyền bí đang bao bọc huynh.

Sự sống vẫn là một sự huyền bí đối với những người không thấy nó như là một Toàn thể duy nhất, và không một người nào trong chúng ta thấy nó trọn vẹn trước khi nhập Một với Ðức Thái Dương Thượng Ðế, mà Sự Sống nầy chỉ là một sự biểu lộ của Ngài mà thôi. Chỉ có một mình Ngài mới thấy nó trọn vẹn. Chúng ta là những phần tử hết sức nhỏ nhít của TâmThức Ngài (tôi biết, tôi nói đây không phải với những danh từ triết học mà lời nầy thích ứng với những sự vật hơn mấy danh từ khác). Chúng ta có thể đồng hóa ít hay nhiều với Ðại Tâm Thức nầy; chúng ta càng gần nó thì chúng ta càng thấy, sẽ càng nhận thức được Tiếng hát của Sự Sống. Mỗi người trong chúng ta gắng sức nghe nó, gắng sức ráp lại những đoạn văn mà chúng ta đã ghi chú ở chỗ nầy hay chỗ kia.

 Toàn thể thiên nhiên chắc chắn là đơn giản, những lực đơn giản không có nhiều lắm, trong những điều kiện thay đổi, cũng đủ để giải thích tất cả những gì đang bao quanh chúng ta. Nhưng chúng ta chưa đi đến điểm màchúng ta có thể nhận biết một cách đúng đắn bản tánh của những lực nầy và ảnh hưởng của những điều kiện tất yếu. Thoạt đầu, thật lấy làm kỳ lạ mà thấy rằng ta càng học hỏi thiên nhiên theo phương pháp khoa học thì nó càng hiện ra phức tạp đối với chúng ta. Thí dụ khi gia tăng sức phóng đại của kính hiển vi thì một điểm tự biểu lộ như là một cơ thể phức tạp tuyệt vời. Mới đây, các nhà hóa học gọi vàng, sắt là một nguyên tố, một đơn chất, nhưng đã nhiều năm rồi, nhờ Thần Nhãn cao hơn không biết bao nhiêu lần sức phóng đại của kính hiển vi, chúng tôi nhận thấy sự cực kỳ phức tạp của mấy chất nầy. Thế nên, một nguyên tử hóa học của vàng, như người ta thường gọi, chứa đựng 3546 nguyên tử căn bản Hồng Trần và chúng nó vận chuyển từng nhóm chung quanh trọng tâm (centre de gravité) của chúng nó và điều nầy giống in như Thái Dương Hệ.

Về bề ngoài, chúng ta càng kéo dài những sự tìm kiếm của chúng ta thì đối với chúng ta hình như tất cả càng thêm phức tạp. Nhưng, cuối cùng, cái đó vốn là giả, là hư ảo, bởi vì càng đi sâu vào sự khảo sát của chúng ta, chúng ta thấy mọi vật đều làm bằng những Bọt Hỗn Nguơn Nhứt Khí (Bulles de Koilon) tức là trống rỗng và Vũ Trụ hình như là ảo ảnh [103]. Kinh sách Ấn từ ngàn xưa đã xác nhận điều nầy: "Sự đơn giản cuối cùng vốn ở trong thâm tâm của mọi phức tạp". Chúng ta không thể hoàn toàn giải quyết điều đó, bởi vì chưa nhận thấy chúng nó; nhưng hình như nó đúng cho đến đỗi chúng ta có ý định cho rằng tính cách bất biến của qui tắc nầy vẫn không mấy sai. Nếu những sự phức tạp cực kỳ lớn hơn việc chúng ta đã giả tưởng thì nền tảng của chúng cũng vẫn là sự đơn giản tuyệt đối.

7.- Hãy học bài học điều hòa nơi hòa điệu ấy.

8.- Bây giờ con có thể đứng vững như ngọn núi giữa trận ba đào, vâng theo mệnh lệnh của Người Chiến Sĩ, người chính thật là con, và là vị Chúa Tể của con. Không nghĩ đến trận chiến đấu mà chỉ nghĩ đến vâng theo lời Người; không nghĩ đến kết cuộc của chiến tranh, mà chỉ có một điều quan trọng là Người Chiến Sĩ phải thắng, và con biết rằng không bao giờ bại. Con vững vàng như thế, bình tĩnh sáng suốt, sử dụng trí minh mẫn mà con đã hoạch đắc được trong đau khổ và trong sự diệt trừ sự đau khổ.

 Ðại Sư Vénitien diễn tả nơi đây trạng thái mà con người phải đi đến khi bản Ngã cao siêu là người chiến sĩ, người chiến đấu. Khi con người nhận biết sự đồng nhất của mình với người chiến sĩ, tự biết mình là Bản Ngã cao siêu, mình vốn thiêng liêng và thành phần của Ðức Thái Dương Thượng Ðế, thì sự chiến đấu của đời sống không còn làm cho con người bận lòng lo lắng nữa, con người chỉ còn một tư tưởng mà thôi; ấy là tuân theo mạng lệnh củaBản Ngã cao siêu.

 Trước nhứt trong lúc chiến đấu tại cõi Trần, gắng sức làm công việc của chúng ta và hoàn tất bổn phận của chúng ta thì chúng ta rất lo lắng cho cái hiệu quả. Chúng ta cảm biết nếu chúng ta không làm việc cho điều lành thì điều lành không thắng thế được. Nhưng luôn luôn, cuối cùng, sự lành thế nào cũng mạnh hơn hết. Thật là rất buồn cho một người trong chúng ta không chịu góp phần vào mục đích nầy, nhưng chúng ta dám chắc chắn rằng việc lành dù có chi xảy đến đi nữa, tới một ngày kia nó cũng đắc thắng. Ngày nào chúng ta tuân theo mệnh lệnh của Bản Ngã cao siêu và chúng ta dùng tất cả những phương châm hành động thì ngày đó chúng ta không cảm thấy bối rối, bấn loạn, ưu tư, dù cho những sự gắng sức của chúng ta dường như vô ích vậy. Chỉ có một điều là chúng ta phải hết sức chắc chắn là chúng ta đã làm hết khả năng và tin chắc rằng sự lành sẽ thắng, chúng ta không nên kiếm cớ chữa lỗi về tánh uể oải, bất động của chúng ta.

Cả ngàn người nói về Ðại Thế Chiến như vầy: "Lẽ phải sẽ thắng, tại sao chúng ta phải hành động?". Ðúng vậy, lẽ phải sẽ thắng, nhưng rất đáng phàn nàn, đáng tội nghiệp cho những người mà cơ hội đưa đến đặng dự phần vào sự thành công lại cố ý trốn tránh đi. Kạt-ma (Karma) Quả của một cơ hội lớn lao đã mất và luôn quả của tất cả sự quấy gia tăng vì thời giờ đã mất, sẽ trả lại cho họ rất nặng. Nếu được nhiều người nhất định hy sinh và có gan dạ đến trình diện đặng chiến đấu thì lẽ phải đã thắng sớm hơn và nhiều sinh mạng đã được cứu khỏi. Những người do dự chịu trách nhiệm về số người chết đã gia tăng thêm nhiều. Tôi tưởng rằng nhiều người thích gởi những kẻ khác để chết thế cho họ [104], mặc dù thật là khó tin được điều nầy. Ðó là một giai đoạn tiến hóa rất thấp thỏi, nhưng hình như vẫn có những người như vậy.

Chắc chắn rằng trong trận đại chiến của sự sinh tồn, việc lành sẽ thắng và tất cả tới một ngày kia đều đi đến mức trọn lành, hoặc cách nầy hay cách nọ, nếu không ở tại Dãy Ðịa Cầu thì ít ra cũng trong Dãy Hành Tinh sau [105]. Những ai thấy "trong sự thật "nầy một duyên cớ để tự bàu chữa cho mình và nói: "Tất cả đều sẽ hoàn tất tốt lành, tôi không cần phải ra sức, Chơn Nhơn sẽ chiến đấu trên cõi cao nào đó; cái điều tôi làm với tư cách là Phàm Nhơn không có quan trọng gì hết" đang tạo một nghiệp quả xấu xa cho họ, bởi vì họ làm chậm trễ sự chiến thắng cuối cùng của sự lành trong chu kỳ tiến hóa nầy.

 Có một sự khác biệt lớn lao giữa sự hiểu biết rằng vị chiến sĩ ở trong mình chắc chắn sẽ thắng trận và sự ngờ vực việc đó không xác thật ở giai đoạn trước đây. Trong trường hợp sau nầy huynh có cảm nghĩ mơ hồ rằng vị chiến sĩ sẽ thắng trận và huynh lo âu rất nhiều về vai trò mà huynh phải lãnh trong trận chiến. Ðó là sự sai lầm, nhưng nó là một giai đoạn cần thiết. Trái lại, ai hành động vì biết chắc lý do thì rất bình tĩnh, dù ở trong trường hợp thất bại; không phải sự bình tĩnh của sự bất động mà sự bình tĩnh của Thiên Ý hoạt động trong Bản Ngã cao siêu. Về phương diện của sự Ðại Viên Mãn [106] không có công việc của người nào gọi là vô nghĩa cả. Những sự cố gắng nhỏ nhoi hiệp lại thì sẽ thành một toàn thể kinh khủng, nhưng mà cái phần của mỗi người không có gì là quan trọng, lấy điều nầy mà tự hào thì là có lỗi vậy. Sự lành sẽ thắng. Bây giờ đây nên biết xem chúng ta sẽ gia nhập vào đạo binh chinh phục lẽ phải [107] hay là chúng ta rất thích ở lại phía sau. Phải gia nhập hoặc với những người lo giúp đỡ nhân loại, hoặc với những người được giúp đỡ. Mỗi người phải thuộc về những người làm việc cho thế tục hay là thuộc về những người nhờ việc làm của kẻ khác hỗ trợ.

Chân Ngã sẽ thắng, không khi nào Ngài bại trận. Khi Phàm Nhơn bị dẹp qua một bên thì người chiến sĩ trong con người chiến đấu, sự thắng trận sẽ chắc chắn. Khi huynh đồng hóa với người chiến sĩ thì huynh bình tĩnh và chăm chỉ theo dõi trận chiến mà huynh dự phần cũng như trận chiến xa lạ với huynh. Mấy điều đó không cản trở được huynh trong việc tìm kiếm những giọng hát của Sự Sống. Huynh dùng thính giác đặng nghe sự đau khổ và diệt sự đau khổ. Ngày nào huynh còn nhận biết sự đau khổ thì ngày đó huynh còn chiến đấu, huynh còn giong ruổi trên con đường hành hương, nhưng một khi sự đau khổ bị tiêu diệt rồi, huynh đi tới một trạng thái trong đó huynh hoạch đắc được một quan năng mới, nó giúp huynh luôn luôn nghe được và thấy được phía ngoài xa trận chiến nữa. Huynh phân biệt được Tiếng Hát của Sự Sống trong lúc hỗn chiến cuồng loạn, và triều lưu tiến hóa vĩ đại trong trận giông tố thổi tới. Huynh biết rằng sự đau khổ chỉ có một thời buổi thôi. Huynh sẽ vượt qua khỏi nó. Nó không còn gây ra tai hại cho huynh; không còn là sự đau khổ đâu, bởi huynh biết ý nghĩa của nó, nó không còn ảnh hưởng chi đến huynh nữa.

  -----*****-----

CHƯƠNG THỨ TƯ

 -----*****-----

 Qui tắc 9 - 12

 C. W. L. - Chúng ta tới nhóm qui tắc từ 9 đến 12. Chúng ta hãy tập kết hợp lần nữa mỗi qui tắc ngắn ngủi nầy với phần đối chiếu của giảng lý của Ðức Ðế Quân.

9. - Hãy quan sát kỹ lưỡng mọi sự sống ở chung quanh con.

 Hãy xem xét cuộc đời luôn luôn biến chuyển và thay đổi ở chung quanh con, bởi vì nó do những tâm tánh của thế nhân tạo thành và khi con biết được sự cấu tạo và ý nghĩa của chúng thì lần lượt con hiểu được ý nghĩa của sự sống rộng rãi hơn hết.

Phần đông dân chúng để thì giờ xem xét không phải là Sự Sống mà hình dạng bao quanh họ. Tư tưởng họ không hề chú trọng đến Sự Sống thâm sâu. Thế nên họ tỏ ra cộc cằn, tàn nhẫn, vô tư lự đối với loài thảo mộc, họ hạ những cây rất đẹp và biến đổi một cảnh vật xinh tươi ra làm một trung tâm kỹ nghệ gớm ghiếc hay là một đô thị hì hợm, họ không có ý niệm gìn giữ những vẻ đẹp thiên nhiên, tùy sức họ; họ cũng không thương xót chẳng những thú vật là những em út còn thơ của chúng ta mà còn xâu xé lấy nhau nữa.

Cũng lý do nầy làm cho chúng ta hiểu tại sao sự dữ ở Trần Thế đè nặng tâm hồn của những người cao thượng. Nếu họ nhìn xuống phía dưới của bề mặt và thấy cái chi xảy đến cho Sự Sống thâm sâu thì họ nghiệm xét rằng những sự việc xảy ra hết sức gớm ghiếc cũng dùng để điều khiển sự sống trên con đường dẫn đến Hạnh Phúc Thiêng Liêng; như vậy sự bối rối của họ sẽ ít hơn. Trong mọi việc, người Ðệ Tử phải xem xét Sự Sống. Ðiểm thứ nhất mà huynh phải xem xét trong mỗi Sự Sống là: Sự Sống vốn là sự biểu hiện của Ðức Thái Dương Thượng Ðế. Trong sự sống bao quanh chúng ta, thật vậy, chúng ta gặp nhiều chuyện ghê tởm và chúng ta biết tính cách xấu xa của chúng nó, nhưng mà chúng nó cũng có vai trò phải đóng trong sự tiến hành của thế sự. Vậy, chúng ta có thể phân biện khắp nơi một sự biểu hiện của Ðức Thượng Ðế.

 Trong mỗi người đều có sự tốt lành, trừ ra, có lẽ trong trường hợp mà Phàm Nhơn vĩnh viễn lìa khỏi Chơn Nhơn; đây là trường hợp rất hiếm lắm, song đôi khi cũng có xảy ra vậy. Sự chia rẽ nầy đối với chúng ta dường như rất gớm ghiếc, mà điều nầy thật đúng vậy, nhưng người ta quá phóng đại nó. Lúc đầu tiên, những sách Thông Thiên Học bàn rộng ra rất nhiều về việc mà người ta gọi là "Những Linh Hồn bị tiêu mất" (Les âmes perdues); có khi người ta gặp trong mấy chuyện đó hai hay ba dẫn chứng họp lại và thuộc về những điều kiện rất khác nhau. Nhiều độc giả bị lầm lạc và tưởng rằng rất nhiều "Những Linh Hồn bị tiêu mất".

 Dưới Trần Thế có vài hạng người bị sự ghê gớm khủng khiếp lôi cuốn mạnh mẽ; nó chỉ nhìn thấy trong mọi vật và mọi người tình trạng tồi tệ. Ðây là đặc điểm của những giai cấp thấp ở Anh, mà do theo những bài báo để xét đoán thì khắp mọi nơi đều có điều nầy. Mấy người đó có chăng một tin tức xấu xa để nói cho người ta biết thì hình như là họ vui thích mà tô điểm nó, họ thêm vào đó nhiều chi tiết rùng rợn. Tôi có cảm tưởng rằng một số đông người có ít nhiều tâm trạng đó và nếu tâm trạng nầy thấy rõ rệt trong những giai cấp thấp thỏi thì nó cũng biểu lộ trong các giai cấp khác.

 Tôi tin tưởng trong Hội Thông Thiên Học, chúng ta cũng có những hội viên như vậy, họ ghi chép kỹ lưỡng những đoạn nói về vấn đề trên đây, như Bầu thứ Tám [108], việc có thể mất Linh Hồn và tất cả mấy điều đó tạo thành một bài tường thuật hãi hùng, rồi họ liên kết vào tư tưởng nầy một câu của Ðức Bà Blavatsky nói rằng: "Mỗi ngày chúng ta đụng chạm không biết bao nhiêu người bị mất Linh Hồn". Ðây là một danh từ ít ra cũng cần sửa đổi, không thể nào trong một ngày mà có thể đụng chạm tới một triệu người. Câu nầy không nên hiểu theo nghĩa từ chữ: ấy là cách nói bóng dáng về số hai phần năm nhân loại [109] rời bỏ sự tiến hóa của chúng ta lúc phân nửa cuộc Tuần Hoàn thứ Năm. Những Linh Hồn nầy gọi là những Linh Hồn bị tiêu mất để phân biệt họ với những Linh Hồn được an toàn và tiếp tục tiến tới. Họ chỉ mất trong Dãy Hành Tinh nầy mà thôi. Như chúng ta đã giải thích, họ không bị sự hành phạt đời đời nào cả. Họ an nghỉ, mơ mơ màng màng và toại nguyện, họ rất hữu phước, bởi vì họ không biết cái chi tốt hơn nữa. Họ đáng cho chúng ta xót thương chỉ vì trong Dãy Hành Tinh sau, họ phải trải qua một chu kỳ chuyển tiếp, sinh tử, tử sinh rất dài và tất cả chúng ta đều biết việc nầy rất buồn chán lắm. Nhưng không còn gì tốt hơn cho những người phải chịu như thế vì điều nầy hết sức hữu ích cho họ và dễ dàng cho họ, hơn làviệc họ bị chậm trễ trong chu kỳ tiến hóa của chúng ta. Họ bị thúc đẩy đi tới, mà chắc chắn họ không chịu đựng nổi những sự cố gắng mãnh liệt. Sự tiến hóa của chúng ta vượt qua những khả năng của họ. Họ không mất thì giờ, những điều họ đã học hỏi và hoạch đắc được trong Dãy Hành Tinh nầy đều để dành cho họ và trên cõi Thiên Ðường [110] giữa hai Dãy Hành Tinh họ có thể tiến bộ chút ít. Thế nên trong Dãy Hành Tinh sau, họ sẽ chiếm một địa vị cao và đứng đầu những Linh Hồn còn trẻ của Dãy Hành tinh nầy.

 Ðó là hằng triệu người mà chúng ta đụng chạm hằng ngày; không có điều chi giống như trường hợp lẻ loi, biệt lập, trong đó Phàm Nhơn lìa khỏi Chơn Nhơn. Ðiều nầy thật là ghê tởm, khủng khiếp, tuy nhiên tốt hơn là đừng xem nó như là một đại thảm họa; nhưng mà, như tôi đã nói, ấy là một trường hợp cực đoan của một việc thường xảy ra; sau một kiếp luân hồi thường có một sự mất mát, mặc dù có thể được rất nhiều lợi ích. Sự mất trọn vẹn một Phàm Nhơn là hậu quả của một đời sống đồi bại khủng khiếp. Mà điều đó không có nghĩa là Chơn nhơn cố ý phạm tội, nhưng mà Phàm Nhơn đôi khi thoát ra khỏi sự điều khiển của Chơn Nhơn, Chơn Nhơn phải chịu trách nhiệm về điều nầy. Lẽ ra thì Ngài không nên cho Phàm Nhơn được tự do, mà lỗi của Chơn Nhơn là một sự nhu nhược hơn là một tai hại trực tiếp. Tuy nhiên Chơn Nhơn cứ tiếp tục tiến tới. Ngài đã lui lại một cách khủng khiếp, nhưng mà Ngài cứ tiếp tục đi, không phải liền ngay khi đó, bởi vì Ngài như choáng váng. Sau một sự kinh nghiệm như thế, thì Chơn Nhơn duy trì một tánh nết đặc biệt; luôn luôn Ngài không hài lòng, Ngài chợt nhớ lại một mục đích cao siêu, quan trọng hơn, mà bây giờ đây, không còn ở trong tầm tay của Ngài nữa. Ấy là một trường hợp ghê tởm, mà người nào phạm một sự nhu nhược nặng nề như thế thì phải chịu Quả Báo về điều đó và một ngày kia y sẽ biết rằng y là tác giả của những sự đau khổ của y.

Tôi không biết chắc chắn những sự mất mát khác có thể xảy ra trong thời đại xa xưa của lịch sử thế giới của chúng ta là thế nào. Trong những trường hợp hiện thời thì chắc chắn cái tệ hại nhất xảy đến cho Chơn Nhơn là mất trọn vẹn một Phàm Nhơn. Ðối với Ngài, điều đó hết sức nặng nề. Ngài có nguy cơ kéo từ một nền văn minh khá cao thụt lùi lại cho tới trường hợp gần giống như trường hợp của một người còn dã man, nhưng không phải đến mức thú vật. Nếu sự thối hóa có thể xảy ra được trong một thời kỳ nào đó thuở xưa thì bây giờ đây, không thể nào có điều đó nữa. Chúng tôi nghiệm xét như vậy.

Nhiều người thuộc về Nhân loại hiện kim mới thoát kiếp thú không được lâu lắm đâu. Tôi nói đây là xem xét thời gian theo nhà Huyền Bí Học. Khi gần đến lúc không cho thú vật đi đầu thai làm người nữa thì một sự cố gắng lớn lao thực hiện đặng làm cho một số đông thú vật được đi đầu thai làm người [111]; hầu đưa đến mỗi con thú một dịp may cuối cùng tuyệt đỉnh. Vì lẽ ấy mà những vị Hồng Quân (Les Seigneurs de la Flamme) từ Kim Tinh xuống Trần Thế ngay lúc đó hay trước thời kỳ đó một ít lâu. Ảnh hưởng của các Ngài là sự kích thích [112]. Tất cả những sự cố gắng đều hướng về trước, nhất là việc giúp cho nhiều thú vật được đi đầu thai làm người trước khi cánh cửa Thiên Nhiên đóng chặt lại vĩnh viễn [113]. Trong nhiều trường hợp kém hơn, có nhiều người cố gắng một cách đặc biệt khi một dịp may tốt đẹp đưa đến cho họ, như buôn bán trong những điều kiện thuận lợi, hay là dự vào một việc thi cử. Hình như có một việc tương tự như thế, nhưng trong phạm vi rộng lớn hơn nhiều đã xảy ra trong thời kỳ mà một dịp may cuối cùng đưa đến giúp cho loài thú được đi đầu thai làm người trong Dãy Ðịa Cầu chúng ta.

 Có nhiều kẻ còn quá gần với loài thú vật và vừa đủ điều kiện để đi đầu thai làm người. Họ phải chuyển kiếp mấy trăm lần liên tiếp không ngừng nghỉ vào giống dân tộc còn dã man, rừng rú và hết sức thấp thỏi; luôn luôn họ lăn lóc trong đời sống Hồng Trần. Cõi Trung Giới chỉ mở ra lần lần cho họ mà thôi. Trong số đó có lẽ có những người được đi đầu thai làm người mà không có ích lợi chi cho họ cả. Chắc chắn là tới lúc phân nửa cuộc Tuần Hoàn thứ Năm thì họ sẽ rời khỏi Triều lưu tiến hóa. Mặc dù như vậy, họ cũng hoạch đắc được một vài kinh nghiệm của đời sống con người trong thời gian "phân nửa cuộc Tuần Hoàn thứ Tư và phân nửa cuộc Tuần Hoàn thứ Năm". Qua Dãy Hành Tinh sau, họ không đầu thai lúc sơ khởi, bởi vì họ đã qua lớp sơ đẳng rồi. Họ có thể đầu thai làm người còn dã man, song thuộc về hạng tốt, không dã man cho đến đỗi làm cho sự tiến hóa của họ bị chậm trễ rất nhiều. Họ không thể tiến nhiều, và điều cần thiết là họ phải tiến chậm; một lẽ khác, năng lực trí não của họ còn yếu đuối, cho đến đỗi họ không thể thoái bộ nhiều.

 Vài cuốn sách xưa thường nói con người trở xuống đầu thai làm thú vật. Nhưng chúng tôi không xem thấy một trường hợp nào cả.Có nhiều cách làm cho con người tiếp xúc với tâm thức của thú vật và gặp phải những sự đau khổ kinh khủng. Tôi có giải nghĩa trong quyển Huyền Bí Học trong Thiên Nhiên, quyển II, Chương I (L’occultisme dans la nature, section I). Nhưng mà đầu thai làm thú vật, hiện giờ không còn có thể được nữa. Từ lâu lắm rồi, chúng ta đã qua khỏi con đường chia rẽ con người và thú vật, chúng ta không thể trở lại con đường đó một lần nữa, dù cho công nhận rằng thuở xưa một trường hợp như vậy có thể xảy ra. Mấy huynh Bàng Môn ý chí hết sức cứng cỏi cũng không làm nổi điều đó. Trong trận đại chiến, chúng tôi có dịp thấy vài vị Hắc Diện Ðại Vương đã đầu thai lại và hành động. Ðiều nầy có thể cắt nghĩa những tội ác ghê gớm đã phạm. Quả của cá nhân họ gây ra thật hết sức rùng rợn. Tôi có thấy quả vị lai của vài người ít tội lỗi hơn họ: một cảnh tượng không thể quên được, một ác mộng hãi hùng. Vài người còn thua xa những kẻ hung ác ấy, nhưng họ tạo cho họ một tương lai ghê tởm khi họ đánh đập những trẻ con, mổ xẻ thú vật đặng học hỏi cơ thể [114] (Vivisecteurs). Thấy tương lai của họ thì rùng mình mọc ốc. Nhưng mà những huynh Bàng Môn Tả Ðạo tôi mới nói đây còn cực kỳ ác nghiệt hơn nữa. Họ phạm những tội lỗi đó đến một tỷ lệ to lớn hết sức, vì tánh ích kỷ phi lý của họ mà họ hy sinh tánh mạng dân chúng của phân nửa Ðịa Cầu, nhưng họ cũng không trở lại đầu thai làm thú vật.

 Trong những trường hợp hiếm có, Phàm nhơn bị trôi giạt, thì nó sống một cuộc đời giống đời sống của Margrave, trong quyển Một Chuyện Lạ Lùng (Une Histoire étrange) của Bulwer Lytton. Margrave là một người hết sức ích kỷ, vô lương tâm, không có Linh hồn đặng hướng dẫn y. Ðây là một người đồi bại tột bực, tánh tình nầy có thể hiện ra kiếp sau nữa. Ðức Bà Blavatsky có nói: Một Phàm Nhơn như thế thì không có một xác thân nào làm sẵn cho nó hết. Nó có thể đầu thai lại bằng cách nhập vào mình một đứa nhỏ mới chết và làm cho nó sống lại rồi sử dùng xác thân đó [115]; như thế nó sống một đời mới khác. Ðức Bà ít khi đề cập đến những vấn đề như thế, mà khi bà ám chỉ những sự việc đó thì bà biểu lộ sự ghê tởm của bà với những danh từ rất thấm thía. Ðối với chúng ta là những thính giả của bà, chúng ta cần biết bà đã thấy rõ ràng những trường hợp như thế; bởi vì bà chỉ nói để tự vệ mà thôi.

Những lời chỉ dẫn của bà cho chúng ta hiểu rằng nếu một sự đi đầu thai làm người lần thứ nhì không thể được thì Phàm Nhơn trong lúc tan rã còn giữ được một mảnh nhỏ tách rời khỏi Chơn Nhơn, và rút lấy sinh lực của mảnh nầy. Nó xuống loại thú vật. Một ngày kia bà trạng tả cho chúng tôi nghe một cách rùng rợn cách thế mà một Phàm Nhơn như vậy thối bước khi theo con đường gọi là Lệ Thuộc Sự Tiến hóa (Courant de la évolution)[116]. Tôi nhớ bà nói rằng đôi khi có những Phàm Nhơn như thế nhập vào mình mấy con rắn và có vài người nhớ lại tình trạng con người của họ khi xưa, vì họ cũng có ý thức như chúng ta. Thật là hãi hùng và giống như một cơn ác mộng. Chúng tôi có thể nói rằng một trường hợp như thế là một việc hi hữu và ngoại lệ. Hình như một trường hợp như thế vốn do kết quả của một sự ngoan cố sống một đời đồi bại, trụy lạc trong nhiều kiếp liên tiếp

 Những người thật hung ác rất hiếm có ở cõi Trần; họ còn đưa ra những lý lẽ để bàu chữa cho họ. Kẻ trộm cắp những đồ bằng bạc của huynh thường có ý tưởng rằng tài sản phân phối không đều. Họ chỉ lấy cái phần mà Chính phủ hay là những kẻ khác lẽ ra phải ban thưởng cho họ. Họ giành lại của "sở hữu bất hợp pháp" những của cải mà thật ra đáng lẽ phân phát cho tất cả. Những kẻ bất lương ít khi biết rằng việc làm của họ là có tội, luôn luôn họ tìm cách chữa lỗi họ. Ngày sau họ sẽ thấy rằng những sự bàu chữa lỗi lầm của họ vẫn vô giá trị, mà theo ý tôi, lúc họ phạm tội lỗi, luôn luôn họ tưởng tới một sự bàu chữa nào đó. Những tội ác nầy so sánh với những sự rùng rợn của việc "Tiêu mất Hồn" thì khác xa lắm. Muốn đi đến việc tiêu mất hồn thì con người phải làm ác với tất cả ý muốn, với tất cả sự suy nghĩ kỹ lưỡng và chống lại với triều lưu tiến hóa.

 Những khả năng ghê gớm nầy càng ngày càng hiếm hoi, bởi vì Nhân Loại tiến hóa và thông minh. "Phái trong bóng tối" càng ngày ít tìm được những đảng viên mới và bây giờ đây họ chỉ còn tượng trưng một tàn tích của quá khứ thôi. Người hiểu nhiều về "Những Ma Cà Rồng", "Những Người Hóa Sói". Mấy thứ nầy có thật hồi xưa, cũng còn gặp họ bây giờ nữa. Tôi có thấy những mẫu người đó mà tôi không trông mong thấy những người khác nữa. Không thể nào con người lại xuống đến mức đó. Thay vì là những Ma Cà Rồng, họ qua "Thế Giới Xám" (Monde gris)[117]. Hình như trường hợp sau nầy thay thế cho trường hợp trước và nó còn tốt hơn, nhưng, thật ra, dù sao cũng còn là đáng buồn lắm.

Ðời sống ở Thế giới Xám sau khi bỏ xác là do Cái Phách và Cái Vía kết dính liền nhau. Nhiều người không tin có đời sống bên kia cửa tử nên ước vọng sống thêm nữa. Họ nói một cách mơ hồ rằng họ tin sau khi bỏ xác con người còn sống, nhưng kỳ thật họ rất nghi ngờ điều nầy. Ðối với họ, chỉ có đời sống Hồng Trần là thực tế, cho nên họ bám chặt vào xác thân. Ðến đỗi sau khi họ chết rồi, chất dĩ thái không rút ra hết khỏi Cái Vía [118], như trong trường hợp bình thường. Thế nên, người chết ở rất lâu trong trong một điều kiện không phải điều kiện ở cõi Trần mà cũng không phải là điều kiện ở cõi Trung Giới. Bởi vì họ còn giữ một phần của chất dĩ thái, nó không cho họ dùng trọn vẹn những giác quan của Cái Vía; vì lẽ họ phải qua cõi Trung giới, nhưng không qua được. Một mặt khác, họ không trở về cõi Trần được vì không còn ảnh hưởng chi tới cõi nầy nữa, mặc dù trong mình họ có chất dĩ thái. Họ bị kẹt ở chính giữa một cõi mà người ta gọi là Thế Giới Xám. Trong trường hợp nầy, khi thì họ thấy cõi Trần, khi thì họ thấy cõi Trung Giới, không chừng đỗi chi hết. Họ rất hoảng hốt, họ không ngớt chống chỏi đặng có một đời sống trọn vẹn. Nếu họ có chí khí thì trong chốc lát họ được giải thoát ra khỏi chốn nầy, nhưng mà thường thường thì phải mất một thời gian khá lâu.

 Ðức Ðế Quân nói rằng: Sự Sống biến đổi bao bọc chúng ta vốn do tâm của con người cấu tạo ra. Những điều kiện bên ngoài của chúng ta là kết quả của những tư tưởng và những tình cảm bên trong của chúng ta. Thường khi người ta than phiền những điều kiện xã hội, chính thể, chính trị, tôn giáo, thương mãi và giáo dục. Tất cả những điều đó biểu lộ tình trạng của dân chúng ở chật nứt trong thành phố của chúng ta. Tất cả mấy điều đó do tâm của con người cấu tạo ra. Những sự vui vẻ và những sự đau khổ mà nguyên nhân ít trực tiếp hơn như những cuộc biến đổi địa chất, khí hậu, làm ra hoàn cảnh chúng ta, vốn do Nhân Quả của tư tưởng và những tình cảm chúng ta tạo thành. Như vậy, chúng ta chỉ định địa vị của chúng ta trong Thiên Nhiên do bản tánh bên trong của chúng ta và tấm lòng của chúng ta. Sau đó chúng ta không hiểu biết chi cả, bởi vì chúng ta xem xét những hình dạng, thay vì xem xét sự sống. Nhiều việc thường bị xem như là một tai họa vẫn có một khía cạnh tốt của nó. Thí dụ, như ở cõi Trần, một trận động đất xảy ra năm 908 làm sụp đổ một phần lớn Sicile và Calabre [119] giết hại hơn 150.000 sinh mạng; có người chết liền, còn mấy người kia, tôi sợ, họ chịu đau đớn dữ dội trước khi lìa trần. Biết bao nhiêu người sẽ xem điều đó như là một đại thảm họa. Nhưng đối với quả Ðịa Cầu không phải là một tai hại. Trận địa chấn làm nổi lên và dời chỗ một phần lớn vỏ trái đất và đổi mới đất đai. Ðối với cõi Trần, ấy là một sứ ích lợi thực tế. Hãy xem, tại Ý, hỏa diệm sơn Vésuve; trong một thời gian sau, tất cả những chất của hỏa diệm sơn bị trục xuất biến thành ra một thứ đất tốt và phì nhiêu hơn hết, nhưng mà trong lúc chờ đợi điều nầy, nó giết hại bao nhiêu sinh mạng [120]. Một trận bão, một trận động đất, một trận lụt lớn không phải chỉ là một tai họa, nó có thể giải thoát cho nhiều người ra khỏi xác thân, nhưng không phải là việc hại họ. Tất cả nhưng chi xảy đến, dù cho những tai họa về loại nầy, đều thuộc về Ðịnh Luật Nhân Quả và về lâu thì góp vào sự ích lợi cho nạn nhân. Người Thông Thiên Học phải hiểu biết sự chết riêng nó không phải là một tai hại, mà thường lắm, nó được xem như là một sự ban thưởng. Về điểm nầy thái độ thường thường của con người vốn do một giáo lý đạo đức sai lạc tạo thành. Bản năng bảo tồn đều ăn sâu vào lòng của mỗi người trong chúng ta, nó thúc giục chúng ta phòng ngừa xác thân chúng ta cho khỏi, hoặc một sự tổn thương, hoặc bị tiêu diệt. Bản năng nầy rất khôn ngoan và rất cần thiết. Chúng ta phải bảo vệ xác thân của chúng ta và giữ cho nó được sống lâu chừng nào thì càng tốt chừng nấy. Nếu tôi dám, thì với tất cả sự kính cẩn, tôi xin nói rằng Ðức Thái Dương Thượng Ðế ra công cực nhọc đặng cho chúng ta kiếp sống nầy thì bổn phận hiển nhiên của chúng ta là phải dùng nó đặng làm những điều hết sức ích lợi, nhiều chừng nào tốt chừng nấy.

 Nhưng có một cơ hội có thể hiện đến, trong đó, cách sử dụng kiếp sống của chúng ta tốt hơn hết là phải chịu nguy hiểm, liều lĩnh và hy sinh nó nữa. Như thế, một tên lính xông tới hầu như tuyệt vô hy vọng, vì biết rằng nó sẽ chết, nhưng sự chết của nó thuộc về Ðại Kế Hoạch chiến lược mà kết quả là sự thắng trận. Anh lính nầy sử dụng kiếp sống của anh một cách cao thượng khi anh tự ý bỏ nó, khi anh hiến dâng nó. Ðối với phần đông chúng ta, trong những trường hợp bình thường thì bổn phận chúng ta phải cẩn thận đề phòng đặng cho xác thân chúng ta được sống lâu chừng nào càng hay chừng nấy. Không vậy, khi chúng ta làm cho xác thân chết sớm thì chúng ta gây ra những sự xáo trộn nặng nề.

 Vài người không suy nghĩ chính chắn về việc họ tin chắc rằng Chơn Sư phải che chở cho họ. Họ nói: "Khi mà tôi còn làm việc cho Chơn Sư, tôi không cần phải đề phòng chi cả về sự truyền nhiễm khi tôi đến gần bệnh nhân. Tôi chắc chắn Ngài sẽ chăm nom tôi. Tôi không biết lội, nhưng tôi nhảy xuống nước, tôi chắc Ngài sẽ nâng tôi lên". Ðiều nầy có thể được, nếu Chơn Sư xét ra việc đó tốt lành. Nhưng chúng ta có quyền gì ép buộc Chơn Sư phải làm điều mà theo một chút chánh lý, chúng ta có thể làm được. Nếu chúng ta có phận sự đi viếng thăm những người bị bệnh truyền nhiễm, tôi tưởng, thay vì dựa vào một cách mù quáng sự che chở của Chơn Sư, chúng ta phải dùng những cách đề phòng bình thường đặng tránh cho Ngài sự mệt nhọc. Về phần chúng ta, chúng ta phải làm hết khả năng của chúng ta. Nếu Chơn Sư muốn giúp chúng ta thì đó là quyền tự do của Ngài. Chúng ta có lỗi hết sức lớn mà tin vào sự can thiệp của Ngài. Ðôi khi quả thật Ngài có can thiệp, nhưng chúng ta không có quyền chờ đợi điều đó. Trong tình trạng nầy, tôi thấy có nhiều sự việc kỳ lạ lắm, nhưng không khi nào tôi làm cho Chơn Sư phiền muộn về việc tôi cầu xin Ngài che chở cho tôi một cách đặc biệt, bất cứ về việc gì, trong khi mà tôi có thể giữ mình tôi dễ dàng.

 Bản năng bảo tồn hữu ích cho nòi giống con người; nó vẫn bình thường, nhưng mà người gan dạ luôn luôn sẵn sàng chịu lấy sự đau khổ, sự nguy hiểm và mất mạng nữa vì những lý do cao thượng. Người nào không còn cho sự chết là một tai hại lớn lao hơn hết thì đi đến trước cái chết với một tấm lòng cao thượng đặng ngăn cản một thảm họa lớn lao hơn nữa. Ðó là điều mà cả trăm ngàn đồng bào của chúng ta đã làm trong chiến trận. Chúng ta biết rằng sự chết không phải là sự cuối cùng của một việc như người ta thường tưởng như vậy. Ðối với chúng tôi, một tai biến thảm khốc như tai biến của Messine [121] không phải là khủng khiếp chỉ vì một việc là nhiều người thình lình bị thảy lên cõi Trung Giới. Tôi ở tại Mỹ Quốc trong lúc một trận hỏa hoạn thiêu rụi một rạp hát tại Chicago. Một số đàn bà và trẻ em mất mạng. Có vài hội viên đến hỏi tôi: "Ðức Thượng Ðế cai trị cõi đời cách nào mà để cho đàn bà và trẻ em vô tội đó chết như vậy?" Tôi mới trả lời với họ: "Mấy huynh tưởng rằng chỉ có người đàn ông mới xứng đáng được ban thưởng là mau thoát khỏi kiếp Trần ư?" Những người đối thoại với tôi không hề tưởng rằng sự chết là một đặc ân, nó giải thoát con người ra khỏi những tình trạng đau đớn, khó khăn và như thế con người được tự do hơn đặng tiếp tục tiến tới trước.

Vậy thì chúng ta chớ nên xem một trận động đất lớn như là một tai hại, khi mà tưởng đến những người bị thảy lên cõi Trung Giới một cách đột ngột, số những người bị chôn lấp và chết chậm chạp tương đối không có lên cao. Những người bị thiêu sống, những người khác thì bị chôn dưới đống gạch đá vụn; chúng tôi tưởng rằng những sự đau đớn của họ rất khủng khiếp. Nhưng chúng ta hãy áp dụng Thông Thiên Học vào những trường hợp ngoại lệ cũng như những trường hợp bình thường và tự nhủ rằng: chắc chắn những sự đau khổ của người nầy hay người nọ trừ được ngay bây giờ là một mối nợ đã ghi trong sổ Nhân Quả của y mà số nầy y phải đầu thai trong hai mươi kiếp bình thường mới trả xong nó. Chúng ta hãy thương hại những người chết như thế, hãy giúp đỡ họ với tất cả khả năng của chúng ta, nhưng đừng than khóc cho họ [122], mấy điều đó thật vô ích. Sự chết trên đây là một cách mau lẹ, nhưng nghiêm khắc để giải thoát chúng ta ra khỏi những hậu quả do những sự lầm lạc nghiêmtrọng gây ra. Sự kinh nghiệm thật là ghê tởm, thật vậy, nhưng khi tất cả chấm dứt rồi thì sẽ được lợi biết dường nào. Chúng ta so sánh những sự đau khổ đã chịu đựng, trước nhất là một bệnh nặng được chữa lành lần lần và tự nhiên, kế đó là việc chữa lành bằng các mổ xẻ. "Nhưng đại khái là đừng kéo dài những thí dụ tương tự như thế". Sự chữa lành bệnh một cách chậm chạp có thể chung qui gồm những sự đau khổ nhiều hơn và phân chia ra nhiều năm. Cảm tình của chúng ta đối với những người chết không phải là cảm tình mà họ thường khêu gợi, bởi vì chúng ta biết rằng tình trạng của họ bây giờ đáng quí hơn là tình trạng trước. Chúng ta có cảm tình sâu đậm đối với những cha mẹ, bà con đang than khóc. Nhưng chúng ta nhấn mạnh về sự lầm lạc mà con người mắc phải khi nghĩ đến mấy việc đó một cách ghê tởm và tưởng tượng rằng Ðức Thượng Ðế đã cho mấy việc đó xảy ra thì Ngài không thể tốt được. Thật vậy, những kinh nghiệm nầy khủng khiếp lắm, nhưng hậu quả cuối cùng là một điều tốt lành, không bao giờ sai.

Phải làm chủ hoàn toàn quan điểm cá nhân đặng thấy rằng tất cả đều góp phần vào hạnh phúc của chúng ta và ở nơi những người đồng chủng với chúng ta, sự sống xuyên qua những lối khúc khuỷu quanh co của Nhân Quả và đi về phía dưới chân của Ðấng Vô Thỉ Vô Chung không hề ngừng nghỉ. Ðức Ðế Quân bảo chúng ta xem xét Sự Sống một cách tổng quát. Chúng ta không phân hạng những người đồng chủng với chúng ta một cách hẹp hòi. Thí dụ, chúng ta không thấy trong những người tu hành, những người nầy là theo Anh Quốc giáo phái, còn những người kia là những người chia rẽ, ly khai, mà chúng ta gọi họ là những người sùng Ðạo; và ở trong những nhà chính trị chúng ta không hề gọi những người nầy là Bảo Thủ, còn những người kia là Cấp Tiến. Quan điểm của chúng ta cao hơn những điều đó. Chúng ta sắp hạng những người đồng chủng như vầy: Những người trí thức, những người có lòng nhân từ hay là những người có ý chí tùy theo tiêu chuẩn hoạt động có ý thức điều khiển đời sống họ. Chúng ta gọi họ theo tên của Cung ngự trị họ [123]. Khi chọn sự phân hạng cao thâm hơn theo cách nầy, chúng ta đi gần đến sự thật và sự sống có thể dễ hiểu hơn trước.

 Rất khó mà hiểu trọn vẹn những mẫu người khác nhau. Nhưng chúng ta phải chuyên tâm học hỏi. Hạng Siêu Phàm gồm nhiều mẫu người hết sức thiêng liêng, mỗi vị cho mỗi người, nhưng nếu làm được việc nầy thì phải là một vị Siêu Phàm. Chúng ta có bổn phận cố gắng thực hiện điều đó. Quan điểm của đồng bào chúng ta có thể là khó hiểu, nhưng dù sao chúng ta cũng phải rán sức tìm hiểu nó. Tuy nhiên, những điều nầy không hề bắt buộc chúng ta phải chấp nhận quan điểm của họ; chúng ta có quyền về quan điểm cá nhân của chúng ta, cũng như họ có quyền về quan điểm cá nhân của họ. Nhưng mà trái ngược lại cũng đúng vậy. Người nào có thể có thiện cảm với những người hoàn toàn triệt để khác lạ hơn y thì chẳng bao lâu y sẽ hiểu được ít nữa cũng một khu vực của thế giới y đang sống.

 Chắc chắn là những điều Chơn Sư nói đây là một mạng lệnh cho Ðệ Tử. Chúng ta phải hiểu biết tất cả những mẫu người tùy theo khả năng chúng ta và mỗi lần mà ảnh hưởng của chúng ta có thể dắt dẫn họ ra khỏi vết xe cũ của họ thì hãy thực hành ngay; nhưng luôn luôn phải xét đoán, không vậy, chúng ta không thành công trong việc lôi cuốn về với chúng ta; do những bài giảng dạy của chúng ta, chúng ta có thể làm cho tình trạng của họ xấu tệ hơn trước nữa. Tôi biết nhiều gương rồi.

 Những độc giả nào còn nhớ các quyển sách Thông Thiên Học của những năm đầu tiên, thì không thể quên rằng chúng không có thiện cảm với Thiên Chúa Giáo. Ðức Bà Blavatsky tỏ ra ít nhẫn nại đối với Chánh thống Tôn giáo. Lẽ tất nhiên bà thường thấy một tín ngưỡng không sáng suốt làm tê liệt trí khôn và những Linh Hồn cách nào rồi. Có khi bà dùng những lời lẽ nghiêm khắc đối với giáo lý đạo đức hẹp hòi, luôn luôn không tạm ngừng đặng nhắc nhở rằng có một quan điểm khác cao hơn. Bà là kẻ thù nghịch hăng hái chống với tất cả những hình thức của sự mê tín dị đoan và chú ý vào sự giải thoát con người ra khỏi sự mê tín của họ nhiều hơn là cho họ cái gì để thay thế sự tín ngưỡng lầm lạc nầy. Chắc chắn mấy người đó cần được lay chuyển và chịu một sự đối xử nghiêm khắc và cũng chắc chắn vì họ từ chối không chịu chia sớt tức khắc cách chúng ta xem xét cuộc đời.

 Tôi biết Ðức Bà A. Besant trong lúc bà công kích Thiên Chúa Giáo kịch liệt hơn Ðức Bà Blavatsky nữa. Có hai lần bà đứng trước những người tự do tư tưởng nhóm họp nhau trong phòng Khoa Học tại Luân Ðôn. Một người tín đồ Công Giáo hay là Giáo sĩ ở Anh bênh vực giáo lý Chánh Thống, thì người ta nghe rất thú vị những lý lẽ của Bà A. Besant đưa ra, bởi vì bà là nhà hùng biện giỏi nhất trong thời đại của bà. Tôi có nghe bà tranh luận trước và sau khi bà vào Hội Thông Thiên Học. Sự tranh luận Thông Thiên Học của bà thì nhân từ hơn trước, nhưng ít lý thú hơn. Bà chỉ rõ những nhược điểm của bài tranh luận, phản đối một cách êm ái và tử tế, bà cố tránh nêu ra những câu hỏi làm bối rối, lúng túng, đặng đừng làm mất cảm tình của kẻ đối lập. Lần đầu tiên, tôi nghe bà nói, bà theo đuổi sự thắng lợi tới cùng, điều nầy có nhiều lý thú hơn, nhưng mà kẻ đối lập không được vui lòng.

Tài hùng biện của bà ngày nay cũng còn như trước, nhưng bà dùng nó một cách dè dặt, thận trọng cho đến đỗi trong các cuộc tranh luận người ta ít thấy tài của bà. Bây giờ bà đạt được cái mà bà chưa có, có lẽ lúc bà còn tự do tư tưởng; tôi muốn nói đó là khả năng hiểu biết mọi người. Bà có được quan năng phi thường nầy vì bà làm việc không ngừng. Bà hoạch đắc nó là nhờ bà hết sức tìm hiểu công chúng và đặt mình vào vị trí của họ. Lúc tôi nghe bà nói hồi bà còn tự do tư tưởng thì chắc chắn bà không tự đặt mình vào vị trí của những kẻ đối lập, đôi khi bà còn làm cho họ ấp úng nói không ra tiếng và kinh ngạc vì lý luận hoàn hảo, không khuyết điểm và sức tấn công mãnh liệt của bà.

 Người nào muốn hiểu biết Nhân Loại và thật tâm muốn học hỏi cách quan sát sự sống từ trên xuống dưới thì cũng phải đồng hóa với những loại thấp thỏi và, tùy khả năng, xem thiên nhiên như một toàn thể. Y phải có một thái độ thiện cảm đối với các Ðại Thiên Thần, các loại Ngũ Hành (các Tinh Linh) săn sóc cây cối và ở trong đồng bái [124]. Những sự văn minh kim thời của chúng ta hình như đã mất quan niệm nầy, mặc dù chúng ta thấy nó chỗ nầy hay chỗ kia trong những tác phẩm của một văn sĩ hay một nghệ sĩ. Nếu những người như Ruskin [125] và Turner đã viết và trạng tả những cái gì họ đã làm thì quả là họ có quan niệm đó.

 Thuở xưa, ở cổ Hy Lạp, chúng ta xem xét vạn vật khác hơn ngày nay. Trong thiên nhiên, trước mắt chúng ta không có cái chi quan trọng cho nhưng người sinh đồng thời với chúng ta, ngoại trừ đối với một ít người có tinh thần mỹ thuật. Chúng ta ít tưởng nghĩ đến tiền bạc, những việc kinh doanh, chúng ta hưởng lạc thú Thiên Nhiên rất nhiều. Có quan điểm như thế đó, thật là rất tốt. Về việc mở mang Hạ Trí, làm cho nó trở nên sắc bén đối với những việc làm và phương diện thực hành của đời sống thì những giống dân kim thời mất rất nhiều mà cũng được rất nhiều; tôi muốn nói năng lực làm một trăm việc một lượt và tập trung tư tưởng vào những điều kiện cực kỳ khó khăn ở chính giữa những tiếng ồn ào, gầm thét, những sự náo nhiệt khủng khiếp của sự văn minh của chúng ta. Không có điều nầy ở cổ Hy Lạp. Những cuộc hành trình của chúng ít mau lẹ hơn bây giờ, nhưng khi chúng ta đi du lịch, chúng ta học hỏi nhiều hơn bây giờ. Tôi nghĩ, chúng ta nên tìm lại trong một mức độ nào đó, trạng thái tinh thần nầy. Ngày nay con người ít khi tô điểm cho đẹp những gì ở chung quanh họ, nhưng hồi thuở mà họ hiểu biết Thiên Nhiên hơn bây giờ, họ không làm cho Thiên Nhiên biến dạng nhiều như thế nầy. Những người cổ Hy Lạp biết xây dựng đúng chỗ những Ðền Miếu, những Thánh Ðường trong những phong cảnh hết sức u nhàn. Có lẽ chúng ta bắt chước họ phối hợp Thẩm Mỹ với sự hữu ích. Thí dụ, chúng ta có thể dùng làm một cơ xưởng, một tòa nhà giống như một Ðại Giáo Ðường, nhưng trong khi chờ đợi, một trong những nhược điểm của văn minh hiện kim là nó không có thiện cảm với tất cả những phương diện thâm sâu của Thiên Nhiên, cho đến đỗi chúng ta phải trau giồi, luyện tập mới hoạch đắc được cái mà đối với người cổ Hy Lạp là một Thiên Tư: đó là một năng lực hiểu biết Thiên Nhiên. Khi đọc quyển Queen of the Air của Ruskin, người ta mới bắt đầu thấy quan niệm nầy.

Chúng ta hãy tìm cách điều khiển một lượt tất cả sự tiến bộ. Thuở xưa, chúng ta đã sống trong những giống dân tộc từng sử dụng sự Mỹ Lệ, biết được lúc nhàn hạ và đời sống rộng rãi; Chơn Nhơn của chúng ta còn giữ gìn quan niệm đó. Ðời sống hiện thời của chúng ta đưa đến việc bóp nghẹt quan niệm nầy; nhưng chỉ cần kêu gọi đến những ký ức của chúng ta thì các chướng ngại đều rơi xuống. Ðiều nầy không phải là không thể làm được và rất đáng ra công thực hiện, khi mà cái đó chỉ làmột quan điểm cá nhân; bởi vì chúng ta sẽ được hưởng được rất nhiều những lạc thú của đời sống.

 Có những người tự cảm thấy mình xa lạ với Thiên Nhiên; họ nói rằng họ bị những ảnh hưởng xấu xa bao phủ họ và chỉ thấy trong cõi đời toàn là bò cạp, rắn và cọp. Không có con rắn nào, không có con bò cạp nào, không có con ong bầu nào thật là hung dữ cả. Nhưng mà chúng nó dễ nóng giận lắm - chúng ta sẽ nói: chúng nó thuộc về dòng giống con người - chúng không có chút chi ngần ngại trong cách hành động của chúng. Chúng bị quấy phá, chúng nổi giận rồi chích và cắn những người đến gần chúng. Huynh không thể gọi chúng là hung dữ, vì chúng hành động không phải là ác ý; bởi vì sinh lực của chúng rất dồi dào, chúng sử dụng nó và tấn công bất cứ ai mà chúng gặp trên con đường đi của chúng.

 Trên cõi Trung Giới và ở các cảnh dĩ thái cũng có nhiều chuyện như thế. Có nhiều loại Ngũ Hành thuộc về hạng thấp thỏi, không hung dữ và cũng không kiếm cách làm hại, nhưng mà gặp họ thì khó chịu lắm. Vậy, phải tránh họ đi. May thay rất dễ tránh họ trên cõi Trung Giới hơn là cõi Trần, bởi vì một ý chí cứng cỏi cũng đủ đuổi họ đi xa mình. Nếu huynh chấp nhận ảnh hưởng của bọn chúng thì bọn chúng sẽ sai khiến lại huynh. Như tôi đã giải thích, nhiều Tinh Linh trong đám đó rất hân hoan mà gặp một người giận dữ, họ vẫn thản nhiên đối với lý do giận hờn nầy (chúng có biết đây là con người không? tôi không dám chắc điều nầy) nhưng khi chúng gặp một sự quay cuồng gió lốc do những sự rung động dữ dội và thô bạo gây ra và làm cho chúng vui thích thì chúng nhảy vào đó lặn hụp; chúng hưởng lạc thú, chúng tăng thêm sức mạnh cho sự quay cuồng nầy và lợi dụng nó với tất cả những phương thế mà chúng có.

 Những sự rung động hung ác làm vui thích vài thứ Tinh Linh. Chắc chắn chúng chụp lấy người có tánh nầy và giục làm những điều mà con người không bao giờ tưởng đến. Nếu huynh để tánh nóng giận nổi lên thì huynh có thể nói và hành động một cách khác hơn ý muốn của huynh. Sự hung ác cũng giống như thế và luôn luôn đố kỵ, ghen ghét, tham vọng, thù hiềm. Khi con người nuôi một trong những tật xấu nầy trong lòng thì Cái Vía họ hình như bị một sự trả thù kích thích, bởi vì họ bị bọn Tinh Linh chụp lấy họ. Chúng ta khó mà có cảm tưởng tốt đẹp đối với bọn chúng, bởi vì lẽ tự nhiên chúng ta nghĩ đến những ảnh hưởng xấu xa mà chúng gây ra cho chúng ta; nhưng mànhững sinh vật tội nghiệp nầy chỉ tìm những sự thỏa thích riêng biệt của chúng mà thôi. Hơn nữa, không phải đó là một lý do để cho chúng ngự trị chúng ta. Về điểm nầy chúng ta không có chi là phải sợ; nhưng chúng ta nên nhớ rằng tất cả những sự tăng cường tật xấu như thế vẫn đã có, và khi học hỏi các bạn đồng loại với chúng ta thì nên để ý đến điều đó.

Chung quanh chúng ta, những Ðại Lực không ngớt hoạt động mà phần đông con người không ngờ vực điều nầy chút nào. Chúng ta biết được việc đó một cách tổng quát; chúng ta biết rằng những lực, như là dư luận quần chúng ảnh hưởng đến chúng ta mà chúng ta không có ý thức được điều đó. Chúng ta không biết gì về sức mạnh phi thường của Luật Tiến Hóa và nó biểu hiện chung quanh chúng ta với nhiều cách và thật là huyền diệu. Ðức Thượng Ðế che phủ mình bằng vật chất, nếu Ngài không cho chúng ta thấy Ngài thì không phải là Ngài chết đâu. Những sự hoạt động của Ngài, những thần lực của Ngài không ngớt ảnh hưởng đến những loài vật của Ngài sinh ra. Khi những lực nầy hoạt động mạnh mẽ đến một người nào thì nó lay chuyển y, không khác nào người ta quậy mặt nước ứ đọng. Tất cả nước đều xao xuyến và tất cả những gì nó chứa đựng đều trồi lên mặt; nước thành bùn, nhưng mà chúng ta biết được cái gì ở dưới đáy nước. Quậy nước, dầu cho dưới đáy là bùn chăng nữa cũng còn tốt hơn là để nó ứ đọng, nó sẽ hôi thúi, không còn hy vọng nào nó trở nên tốt được. Cũng thế đó, sự xao động nầy thuộc về đời sống thiêng liêng nó làm cho những tánh xấu của con người đều hiện rõ ra tỏ rõ.

 Người ta có thể phản đối rằng con người không bị xáo trộn như thế mới có ích lợi hơn, nhưng không phải như vậy. Ðời sống con người, trong lúc nầy lại thêm xấu xa, nhưng tốt hơn là những tánh không tốt lộ lên trên mặt; con người tập hiểu biết chúng, các bằng hữu y cũng thấy rõ và có thể giúp đỡ y [126]. Không vậy những tánh xấu nầy có thể ẩn mình mà không ai biết và có thể sinh ra những hậu quảđáng tiếc, nếu sau nầy có một việc nào đó làm cho chúng nó hoạt động. Thế nên đôi khi chính là sức mạnh Tinh Thần sinh ra những hoạt động mà bề ngoài xem như là tệ hại. Chúng ta đừng nghi ngờ điều đó. Ðấng làm ra vạn vật hành động cho điều tốt hơn hết. Ngài biết Ngài làm điều chi, khi Ngài lay chuyển chất nầy hay chất kia ứ đọng thì đó là để tẩy sạch nó đi, mặc dù hiện giờ sự lay chuyển hình như không thuận lợi cho sự tiến hóa. Chúng ta hãy luôn luôn nhớ rằng quần chúng đều ở vào những trình độ khác nhau, cái gì tốt cho người nầy thì chắc chắn là xấu cho người kia. Chúng ta phải quan sát và hoạch đắc một sự vô tư trọn vẹn, chúng ta không nên xét đoán một cách quá mau lẹ, dù cho cái chi xảy đến cũng vậy. Tất cả những sự sống đều ở trong lòng Ðức Thái Dương Thượng Ðế, chúng hiển nhiên là những thành phần Sự Sống của Ngài. Thế nên tất cả những vật nầy kỳ thật là những trạng thái và những sự biểu hiện của Ngài. Tất cả những sự biểu lộ của Ngài không xa lạ với chúng ta, chúng ta có bổn phận hoàn thành đối với chúng. Có thể chúng ta có dịp giúp đỡ một người nầy mà không giúp đỡ được một người kia. Chúng ta phải biết chấp nhận tất cả những công việc đưa đến cho chúng ra.

10. - Hãy học cách nhìn vào tâm người một cách sáng suốt.

Con hãy nghiên cứu tâm con người để hiểu biết cái thế giới trong đó con đang sống ra sao và con là một phần tử trong đó.

Trong qui tắc nầy danh từ Tâm dùng một cách bóng dáng. Phải hết sức cố gắng suy nghĩ sâu xa về toàn diện bản tánh con người, không phải chỉ với tình cảm thường được gọi là Tấm Lòng của nó mà luôn những hoạt động trí thức của nó nữa. Chúng ta phải tự cố gắng hiểu biết cặn kẽ con người và vì lẽ đó, chúng ta phải kiếm nơi nó sự biểu lộ của Chơn Nhơn.

Khi thấy những người ở chung quanh chúng ta hành động khác hơn việc của chúng ta làm thì chúng ta thường la lên: "Cái gì xúi giục họ làm một chuyện như thế". Không nghĩ ra được một trường hợp nào mà chúng ta có thể làm như vậy, chúng ta không thấy tại sao người đồng loại của chúng ta lại làm được. Ðã lâu lắm rồi, phần đông chúng ta bỏ việc giải quyết những sự bí hiểm như thế, bởi vì dường như không thể hiểu được chúng nó. Thế nên, tôi không hiểu tại sao một đám đông người lật đật đi xem một cuộc đấu võ; tôi không thấy một sự lợi ích nào cả, bởi vì theo ý kiến của tôi, đó chỉ là một sự biểu dương tánh tàn nhẫn, hung bạo. Nếu phải trả tiền thì tôi thích trả tiền rồi được phép ra đi đặng khỏi xem trận đấu. Khi suy nghĩ chính chắn và tìm sự giải thích hấp dẫn của trận đấu, tôi tự hỏi phải chăng đó là việc biểu dương sự khéo léo, nhưng sự khéo léo khá tàn nhẫn và khá thô tục, nhưng dù sao cũng là sự khéo léo; có lẽ cũng có ý tưởng gan dạ và sức dẻo dai chịu đựng chen lẫn vào đó.

Người ta cũng thấy nhiều người xúm nhau ở những góc đường cười vang một cách thô bỉ và nói chuyện với nhau giọng khàn khàn. Khó mà hiểu được sự vui thích của họ, họ tiêu biểu cho một hạng người mà chúng ta cần phải tìm hiểu ít nhiều.

Quần chúng làm tất cả những việc kỳ cục, khi thì huynh thấy họ ganh tị một cách dữ tợn không có lý do nào đặc biệt cả, khi thì họ rất xúc động vì bị những lời dèm pha của họ. Huynh nói lẽ phải với họ, huynh cho rằng dư luận quần chúng không có quan trọng chi và không có làm hại một chút nào cả; nhưng mà họ cũng không khỏi bị xúc động quá mạnh. Chúng ta phải cố gắng tìm ra lý do tới một điểm nào đó. Thường thường điều đó không thành vấn đề, tôi chấp nhận nó, nhưng mà chắc chắn nhiệm vụ của chúng ta là tìm hiểu người đồng loại của chúng ta.

 Nhiều người có thể cho rằng sự học hỏi nầy không có thú vị; nó không có ích lợi riêng cho chúng ta, nhưng nó ích lợi cho chúng ta về một phương diện cao siêu hơn. Khi mà chúng ta tự xét mình được chút ít tiến bộ hơn những người mà chúng ta mới nói đây thì lẽ dĩ nhiên bổn phận của chúng ta là phải giúp đỡ họ. Nhưng mà nếu chúng ta không hiểu biết thì sự giúp đỡ của chúng ta rất vô ích. Thường thường, những quyền lợi của họ xa lạ với chúng ta, chỉ vì trong đời sống của Linh Hồn, chúng ta lớn tuổi hơn họ một chút, Linh Hồn lớn lên và khi con người tiến tới thì càng biết lẽ phải hơn trước.

 Chúng ta thấy mấy đứa trẻ con làm tất cả những chuyện không thể hiểu được; những trẻ, trai và gái, mười ba, mười bốn tuổi hành động vì những lý do gần giống như lý do của chúng ta, nhưng chúng ta không biết nguyên nhân những sự hành động của chúng. Chúng ta bị bắt buộc phải nhớ lại lúc thanh xuân của chúng ta đặng hiểu chút đỉnh những điều chúng nó làm và hiểu cách chúng nó giải thích những sự vật. Luôn luôn thật là khó quá: tôi vẫn biết như vậy, bởi vì một lúc kia, tôi rất lo lắng cho những thiếu niên và thanh niên. Nếu huynh trình bày cho họ một ý niệm với hy vọng là có lẽ họ chấp nhận như huynh đã chấp nhận là có khi họ nghe theo; nhưng thường thường họ xem xét ý niệm với một quan điểm khác và xét đoán nó với những lý lẽ không bao giờ mà huynh nghĩ đến. Ðôi khi có thể khám phá được mục đích của họ nhưng thường thường thì không thành công đâu. Những vị giáo chức và những người khác thấy những trẻ con, con trai và con gái ở gần một bên, phải chuyên tâm tìm hiểu tư tưởng và tánh tình kỳ lạ của chúng. Họ ít làm tủi nhục bọn học trò nhỏ của họ.

 Ðó là một trường hợp ngoại lệ, nhưng cũng phải hành động như thế đối với những thanh niên ở chung quanh huynh, nếu huynh muốn giúp đỡ chúng, huynh phải rán đặt mình vào vị trí của chúng. Ðó là ý nghĩa của câu: "Hãy học cách nhìn vào tâm con người một cách sáng suốt". Họ có những thành kiến của họ cũng như huynh có những thành kiến củahuynh, - chắc chắn không phải là một thứ với nhau - nhưng huynh phải tìm kiếm chỗ thấy (quan điểm) của người đối thoại với huynh và để ý đến điều đó. Hãy cố gắng khám phá xem họ tạo thành ý niệm hiện thời của họ cách nào và vì lý do nào mà họ có thành kiến riêng biệt, như thế có lẽ huynh được phép giúp họ bỏ hẳn ý niệm đó.

 Không có chi tế nhị như những thành kiến, chúng nó mạnh mẽ và bám chặt cho đến đỗi con người không biết rằng chúng có thật nữa. Họ nghĩ không cần có sự giúp đỡ; thế nên chúng ta rất có thể làm cho họ không vừa lòng, khi chúng ta đề nghị xin giúp đỡ họ. Muốn thành công trong công việc làm của huynh và hoàn tất nó một cách khéo léo, thì huynh phải khám phá tại sao con người tưởng cách nầy hay cách kia và thành kiến của họ sinh ra cách nào, phải quyết định dẹp qua một bên thành kiến của huynh, không vậy huynh có nguy cơ kéo người đó từ quan điểm lầm lạc nầy tới quan điểm khác cũng lầm lạc vậy.

Nguồn gốc những quyền lợi lạ lùng của nhiều người vốn ở trong Cái Vía. Cái Trí còn đang ở trong thời kỳ phát triển như người ta thấy điều đó trong những hiện tượng bao quanh chúng ta trên cõi Thượng Giới sau khi con người bỏ xác. Khi người bậc trung ở giai cấp cao qua cõi Trung Giới thì họ rất có thể tham gia một cách khôn ngoan vào đời sống tại cõi nầy, mặc dù tất cả những người chết vẫn không làm như vậy; bởi vì sau khi bỏ xác thì chất khí làm Cái Vía sắp lớp lại lẹ làng [127]; sự hoạt động của nhiều người bị giảm sút đi rất nhiều. Những năng lực của Cái Vía đã mở mang tốt đẹp và sẵn sàng phục vụ, mặc dù nhiều người không biết họ làm cái chi, họ không biết cách sử dụng chúng nó. Khi qua cõi Trung Giới, những người chết nào đã thông thạo vấn đề nầy thì ở trong một vận cụ giúp họ tự biểu lộ một cách trọn vẹn hơn trước kia họ còn ở trong xác thịt. Nhưng mà khi lên cõi Thượng Giới thì thường thường không phải như vậy đâu.

 Ở cõi Thượng Giới, chúng ta thường gặp họ hoạt động trong Cái Trí của họ. Họ ở trong đó và bị nhốt kín cho đến đỗi với họ Cái Trí là một lớp vỏ bao hơn là một sự biểu lộ đời sống của họ. Ðây là ý nghĩa của kinh sách xưa, chúng nói một cách quả quyết rằng "trên cõi Thiên Ðường con người ở riêng biệt cách xa tất cả". Người ta thường nói cõi nầy như là một miền dành riêng cho các Linh Hồn trên cõi Thượng Giới. Không phải vậy. Mỗi người đều tự nhốt mình trong cái vỏ của mình làm ra. Họ không bao giờ tham gia vào đời sống của cõi Thượng Giới. Họ không đi lại được tự do, họ không tiếp xúc với kẻ khác được như hồi họ còn ở cõi Trung Giới. Trong cái vỏ của họ, những lỗ trống giúp cho sự sống bên ngoài vào tới họ là những cánh cửa mà họ tự làm ra khi họ làm cho Cái Trí của họ phát triển cách nầy hay cách kia. Việc họ sử dụng Cái Trí giúp họ ứng đáp được với những ảnh hưởng của cõi Thượng Giới; dù họ sử dụng Cái Trí của họ cách nào, họ cũng lãnh lấy hậu quả trong kiếp sống của họ trên cõi Thiên Ðường. Những hậu quả nầy giúp cho họ tiếp xúc với ngoại giới trong một giới hạn nào đó. Nhưng mà ảnh hưởng của họ đối với những nhân vật ở cõi Thượng Giới rất ít hơn là ảnh hưởng của những nhân vật nầy đối với họ, bởi vì thường thường họ biểu lộ trên cõi nầy nhờ những vận hà rất chật hẹp.

 Trong những thời kỳ đầu tiên của Hội Thông Thiên Học chúng tôi không hiểu việc nầy. Nó chứng minh rằng Cái Trí của con người bậc trung chỉ mở mang có một phần. Hãy xem xét những biểu lộ của nó tại cõi Trần trong xác thịt thì chúng ta cũng đi tới một kết luận như thế. Tôi tưởng ai nấy đều thấy những sự giới hạn nầy trong tất cả mọi người. Nếu chúng ta muốn thì chúng ta có thể thấy những sự giới hạn đó trong mình chúng ta; mà điều nầy khó hơn là sự thấy chúng nó ở trong mình những kẻ khác. Thí dụ, ta nói chuyện Thông Thiên Học với những người lạ. Vài người biểu lộ một cách rất thích thú; mấy người khác không biết đó là cái gì? Họ nghe huynh, rồi họ nói: "Phải! Phải !", nhưng họ không cảm thấy sự lợi ích nào cả. Thường thường lý do của những khuynh hướng trái ngược nầy là tại có những người nhiều kiếp trước đã biết những tư tưởng như thế, còn mấy người khác thì không biết. Tôi nghĩ rằng tôi lầm lạc khi tôi tưởng tất cả những người văn minh cả ngàn năm trước chắc chắn đã biết quan niệm nầy trong những tiền kiếp của họ. Tất cả những người đã đầu thai, dù có một lần thôi, tại cổ Ấn Ðộ hay cổ Ai Cập, hay là những người đã được xét ra xứng đáng biết những Bí Pháp ở Hy Lạp hay ở La Mã, phải có vài sự hiểu biết về những quan niệm nầy. Vài người đã học hỏi chúng nó một cách thâm sâu, họ đã làm phát triển những phần đối chiếu với chúng nó trong những Cái Trí của họ. Mấy người khác không hiểu và không lo lắng chi cả về điều đó. Như họ nói, họ chỉ tìm cách làm cho đời sống được thú vị; ngoài những sự ham muốn thô bỉ thấp hèn, đầu óc đối với họ thật vô ích. Dù huynh khuyên được họ đọc một trương sách Thông Thiên Học đi nữa, họ cũng không nhớ gì hết.

Cái óc xác thịt nhận lãnh một sự giáo dục đối chiếu với cách hoạt động mà chúng ta muốn nó phải thực hiện; đây chính là điều chúng ta phải làm trong Thông Thiên Học. Những người chấp nhận Thông Thiên Học không khó khăn và một cách sốt sắng đã chấp nhận, một phần bởi vì Thông Thiên Học ứng đáp với nhiều vấn đề mà họ đã đưa ra; một phần, bởi vì trong nhiều kiếp trước họ đã quen thuộc ít nhiều với những quan niệm nầy. Ðầu óc họ đã có những phần thích hợp với chúng nó. Một người mà cái óc không thích hợp với quan điểm Triết Học thì phải chịu nhiều khó nhọc đặng tìm hiểu Thông Thiên Học. Chúng ta đưa cho y một sự giải thích rất dễ, chắc chắn y chỉ đồng hóa có một phần những khái niệm tổng quát mà thôi. Về việc nầy, nhiều sự huấn luyện rất cần thiết, người bậc trung không gặp cái gì hết trong Thông Thiên Học; hiện giờ tôi không nói về sự khôn ngoan hay là sự khờ khạo của y, tôi chỉ nói về y không quen thuộc với loại ý niệm nầy, vì con người cần phải được huấn luyện về điều đó. Sự huấn luyện nầy trước nhất là nhờ Tôn giáo. Về phương diện đạo đức, y phải chịu một sự huấn luyện theo từng cấp bậc. Một Tôn giáo phát triển trọn vẹn phải thích ứng với tất cả các hạng tín đồ. Hồi mới ra đời, các Tôn giáo đều thành công về điều nầy; thời gian qua, vài Tôn giáo đã mất phần nầy hay phần kia của giáo lý mình và có khi bị ứ đọng lại như kết tinh một cách đáng buồn.

 Nếu chúng ta muốn hiểu biết quần chúng thì chúng ta nên nhớ họ đã mở mang hay đã chậm tiến về điểm nào. Chúng ta nên nhớ rằng Cái Trí chưa được phát triển trọn vẹn; Thượng Trí hay Nhân Thể còn ít mở mang hơn nữa, cho đến đỗi trong đám bình dân, công việc Thông Thiên Học gần như vô ích. Những người đã học hỏi Thông Thiên Học hiểu được rất nhiều đời sống, về phương diện nầy trí hóa họ rất mở mang; có khi họ có khuynh hướng tự mãn khi đã được thành công. Họ tưởng rằng về phương diện trí thức, họ không còn cái chi phải làm nữa. Thường thường họ lầm vậy và chẳng sớm thì muộn họ phải luyện tập Cái Trí họ lại.

Sự hoạt động của Linh Hồn, đó là điều mà chúng ta muốn học hỏi ở mỗi người, nhưng mà không phải dễ mà học hỏi mỗi người một cách như nhau; khi tìm hiểu những người anh em đồng loại với chúng ta thì đừng quên điều nầy. Một mặt trong mỗi người, luôn luôn chúng ta phải nghĩ tới những yếu tố tốt đẹp và hy vọng những việc làm của họ giống như điều mà ta muốn thấy. Chúng ta giúp họ rất nhiều khi chấp nhận thái độ tư tưởng nầy. Người ta thường thấy nếu một người kia có lẽ dính líu vào một sự giao dịch khả nghi mà y được người ta kính nể để chứng tỏ rằng người ta tin cậy vào danh giá của y thì y sẽ tỏ ra xứng đáng với lòng tin cậy nầy. Một mặt khác, nếu y làm cho chúng ta ngờ vực thì y chắc chắn sẽ xứng đáng với sự ngờ vực đó [128].

Thật là vô ích mà cảm thấy có sự bất mãn khi một người nào đó không tuân theo nguyên tắc của chúng ta. Ðừng trách cứ một người nào mà vì y phải như thế và đang ở vào giai đoạn tiến hóa hiện thời của y. Nếu là một người đức hạnh rất cao, chúng ta có thể tự nói:" Rất tiếc! Anh còn hơn cái đó nhiều lắm !" Nhưng không có lý do nào để giận hờn, không có sự ích lợi nào cả. Chúng ta hãy có ý kiến hết sức tốt về mỗi người đồng loại với chúng ta và giúp họ lấy những tánh tốt của họ làm hướng đạo cho họ. Nếu họ không đạt được điều đó thì chúng ta hãy chịu thất vọng một cách nhẫn nại như một triết nhân. Ðừng cau có, đừng nóng lòng, bực bội, hãy bằng lòng giúp đỡ họ tùy theo trình độ tiến hóa của họ hiện thời. Tôi tưởng, đó là bài học của châm ngôn: "Hãy tập xem xét một cách khôn ngoan trong tâm của con người".

 Ở đây là những lời chú giải rất dài của Chơn Sư Hilarion. Chúng ta hãy xem xét đoạn nầy với những chi tiết, nó được trình bày như sau đây:

Về một quan điểm vô ngã tuyệt đối, bằng không, thì sự thấy của con sẽ bị lu mờ. Thế nên, sự vô ngã phải được hiểu biết trước nhất.

Ðối với chúng ta, Vô Ngã thường có nghĩa là công bình, điều hòa, lấy một quyết định mà không có sự thiện cảm hay oán ghét dự vào, cũng như một vị Thẩm Phán ở tại tòa án của Ngài. Nhưng Chơn Sư muốn nói nhiều hơn nữa. Ðối với Ngài, Vô Ngã là một tình trạng trong đó chúng ta hoàn toàn vượt lên cao hơn Phàm Nhơn cho đến đỗi chúng ta xem xét vạn vật chẳng những với một cách vô tư trọn vẹn mà còn theo quan điểm của Chơn Nhơn nữa. Ðó làđiều rất khó khăn. Muốn đi tới bậc toàn thiện thì Thượng Trí hay Nhân Thể của chúng ta phải phát triển đầy đủ. Phần đông con người còn đang mở mang Hạ Trí. Những sinh viên Huyền Bí Học cố gắng đi xa hơn một chút, mà tới bây giờ đây những người dùng được Thượng Trí một cách khá dễ dàng tương đối thật là hiếm có. Khởi đầu, sinh viên phải dùng lý luận; y phải có một ý niệm về quan điểm của Linh Hồn phải là thế nào rồi chăm chú vào đó và loại ra tất cả những cái chi còn lại.

Thật khó mà thành ra Vô Ngã. Một sự cãi vã xảy ra giữa hai người mà một người là bạn thân thiết của huynh, huynh biết y cặn kẽ, còn một người kia là người xa lạ. Chúng ta không thể nào không nghiêng một chút về phía người bạn thiết của chúng ta; điều nầy không phải là vô lý bởi huynh biết người bằng hữu của huynh nhiều hơn người kia. Khi người ta càng biết về một người nhiều chừng nào thì người ta càng hiểu y nhiều chừng nấy, và người ta càng khoan dung đối với y. Rất khó mà không có một chút thiên vị một người bạn thân của chúng ta.

Tôi không tin rằng luôn luôn chúng ta hiểu được chúng ta tùy thuộc những cảnh ngộ và những người thân cận chúng ta tới một điểm nào. Sinh ra ở ngoại ô của một thành phố lớn, chúng ta lớn lên biết được một vòng chật hẹp; trong vòng nầy chúng ta chọn lựa được vài người bằng hữu. Chúng ta đổi chỗ ở và trong những xóm mới, chúng ta kết nghĩa với vài người bạn thân khác, mà trước nhất tình bằng hữu của chúng ta tùy thuộc chỗ chúng ta cư ngụ. Nếu chúng ta sinh ở một ngoại ô khác thì chắc chắn chúng ta sẽ có những người bạn thân khác.

 Có khi những người hội họp như thế thương yêu nhau rồi kết làm vợ chồng. Họ không hiểu rằng nếu họ sinh ra ở chỗ khác thì chắc chắn họ sẽ có những tình cảm đó đối với những kẻ khác. Sự gần gũi đóng vai trò quan trọng. Quả thật Nhân Quả có dự vào nhiều trường hợp nhưng mà sự kết hôn nầy thường do sự kế cận chỉ định. Những người lân cận chúng ta, cũng như thường thường là hoàn cảnh của chúng ta, ảnh hưởng đến chúng ta một cách mạnh mẽ. Tất cả những điều nầy làm cho chúng ta khó mà xem được trong lòng dạ của thiên hạ và cuối cùng là trong lòng dạ của chúng ta.

 Chúng ta có khuynh hướng xét đoán tất cả những sự vật tùy theo cách chúng có ảnh hưởng đến chúng ta. Nhiều người không đủ sức ở vào một phương diện ít chật hẹp hơn và xem xét những sự vật tùy theo cách chúng có ảnh hưởng đến cả một nước. Trong thời đại phổ thông đầu phiếu của chúng ta, những gương thí dụ tràn ngập. Nhiều người chỉ xem xét việc bỏ phiếu có ảnh hưởng đến họ mà thôi, hình như họ không đủ sức hiểu rằng chúng ta có bổn phận đối với tập đoàn. Họ không cố ý để tư tưởng của tập đoàn lệ thuộc của tư tưởng cá nhân họ, nhưng có một tư tưởng cao siêu mà họ không hề biết.

 Tôi đã giải nghĩa có ba cách thức mà Linh Hồn có thể phát triển và ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta. Trước hết là cách thức các nhà đại bác học và đại triết gia ở tại cõi Trần. Họ đã mở mang không những Hạ Trí mà còn mở mang Thượng Trí của họ cho đến đỗi một phần lớn những tư tưởng trừu tượng và hiểu biết kỳ diệu xuống trong tư tưởng bình thường của họ và luôn luôn họ không thể phô diễn chúng nó trong những tác phẩm của họ. Những người có thiên tư về phương pháp nầy phải trải qua giai đoạn của nhà đại bác học hay là nhà triết Học. Sự mở mang Thể Bồ Ðề hay là Kim Thân sẽ đến sau đó rất lâu.

Hai là có thể những cảm xúc cao thượng, như một tình thương nồng nàn, sùng đạo hay là sự thiện cảm kích thích rất nhiều Kim Thân (Thể Bồ Ðề) mà không mở mang đặc biệt Thượng Trí ở chính giữa, nhưng Thượng Trí bị ảnh hưởng. Sự mở mang nào của Thể Bồ Ðề cũng ảnh hưởng rất mạnh đến Thượng Trí. Phần đông những sinh viên của chúng ta chuyên tâm áp dụng những sự cảm xúc cao thượng đặng ảnh hưởng đến Thể Bồ Ðề. Tôi không muốn nói rằng họ đã mở mang Thể Bồ Ðề và có thể sống trong đó một cách vĩnh viễn. Ðiều nầy đáng quí chuộng một cách tột bực, nhưng mà đối với phần đông chúng ta khó mà thực hiện được. Quả thật là việc sử dụng những cảm xúc cao thượng làm phát khởi những sự rung động trong Chất Bồ Ðề, sự hoạt động của chúng đem sinh khí lại cho chất nầy vốn chưa có hình thể nhất định; như thế nhiều sự rung động của chất nầy đi xuống và ảnh hưởng đến Cái Vía. Như vậy có thể mượn cõi Bồ Ðề một ảnh hưởng khá lớn lao trước khi Thể Bồ Ðề mở mang trọn vẹn.

Ba là: Còn lại một phương pháp thứ ba khó hiểu hơn. Nó làm cho ý chí hoạt động mạnh mẽ. Cái Vía phản ứng đến Thể Bồ Ðề (Kim Thân). Hạ Trí phản ứng tới Thượng Trí. Xác Thân phản ứng tới Tiên Thể. Về điểm nầy tôi không biết chi hết. Phần đông những sinh viên tiến bộ do sự sùng bái các Chơn Sư và do một thiện cảm nồng nàn đối với đồng loại.

Trí tuệ vốn vô tư; không ai là thù không ai là bạn. Tất cả đều là thầy của con cả. Kẻ thù của con đều là một sự bí ẩn cần phải giải quyết, dù phải bao nhiêu thế kỷ, bởi vì con cần hiểu biết con người.

 Nếu huynh có những bằng hữu thì huynh phải biết ơn về điều đó; nhưng mà trong những trường hợp đặc biệt nầy huynh xem xét họ một cách vô tư và như từ trên cao, huynh nói: "Họ là những bằng hữu của tôi. Tại sao với tư cách là Linh Hồn mà chúng ta lại hội họp với nhau ở đây". Như vậy chắc chắn sẽ thấy hoặc có những điểm lớn tương đồng giữa huynh và các bạn thân, hoặc họ và quí huynh bổ túc với nhau, những sự rung động của họ và của quí huynh hòa hợp với nhau và tạo thành một toàn thể tốt đẹp.

 Cũng thế, theo quan điểm nầy không có người nào là kẻ thù của huynh. Nếu người nào ngông cuồng muốn lãnh vai tuồng đó thì huynh hãy nói: "Tại sao huynh đó lại làm như vậy? Huynh đó không có cảm tình tốt đẹp như thế đối với tôi, nếu trước kia tôi không cho y cơ hội đó (1)[129] ". Chúng ta hãy tìm xem trong những trường hợp nào mà chúng ta sẽ xem có thể giúp y thay đổi thái độ không.

Bạn con là một thành phần của con, một sự nới rộng của con người con, một bí ngữ khó hiểu. Có sự kiện khó hiểu hơn nữa là chính là lòng con. Khi nào những xiềng xích của Phàm Ngã nới lỏng, con mới bắt đầu hiểu được sự sâu kín của Bản Ngã.

Người ta có thể biết một người kia rất nhiều. Có khi người ta đi đến một vùng kỳ lạ trong Tâm Thức y. Người ta nói không thể nào hiểu biết trọn vẹn một người nào dù ở chung với họ trong một kiếp sống lâu dài; tôi tưởng đó là một Ðại Chân Lý. Ðối với Chơn Sư thì lại khác. Chúng ta được một trong sự an toàn lớn lao khi chúng ta liên kết với các Ðấng Chơn Sư. Chúng ta chắc chắn tuyệt đối là các Ngài biết rõ chúng ta nhiều hơn chúng ta tự biết mình và tất cả những gì ở trong chúng ta không lọt qua mắt các Ngài được. Chúng ta thấy những nhược điểm của chúng ta, những sự yếu đuối về Tinh Thần của chúng ta và chúng ta cố gắng tìm cách cải thiện chúng nó. Có thể chúng ta còn nhiều tật khác mà chúng ta không thấy và chúng sẽ hiện ra trong cơn khủng hoảng hay là trong lúc khẩn trương. Như thế, chúng ta ưa tưởng rằng nếu Chơn Sư biết mấy tánh đó, không sớm thì muộn Ngài làm cho mấy tánh xấu mà chúng ta không biết lộ ra và như vậy Ngài giúp chúng ta diệt trừ chúng. Những người được Ngài thâu nhận làm Ðệ Tử và đem đến gần Ngài dù sao cũng được sự an ủi mà tự nhủ rằng họ không có thể hư đốn đến đỗi không phương nào sửa chữa được, và dù cho họ có lý do khiêm tốn tự cho rằng họ vốn là tầm thường. Ở mọi giai đoạn của sự tiến hóa nội tâm, sự cố gắng cần thiết về phần chúng ta và nó sẽ do ý chí của chúng ta quyết định. Chơn Sư không thể thay chúng ta mà làm việc đó, mặc dù Ngài có thể giúp đỡ chúng ta và Ngài giúp đỡ chúng ta với từ điện của Ngài, Tình Thương của Ngài, Cảm Tình của Ngài, cũng như ảnh hưởng gián tiếp của Ngài sử dụng do trung gian của một vài Ðệ Tử của Ngài. Ngài giúp đỡ chúng ta chỉ khi nào Nhân Quả (Karma) của chúng ta tạo ra cho phép Ngài làm điều đó. Chúng ta hãy chuẩn bị cho cơ hội sau nầy, và khi nó đưa đến thì chụp lấy liền, không do dự; như thế chúng ta sẽ tự chuẩn bị dễ dàng cho cơ hội khác sẽ đến sau. Một lẽ khác, Chơn Sư không có quyền giúp đỡ chúng ta, bởi vì Ngài cũng phải phục tùng Ðại Luật Nhân Quả, mặc dù ý Ngài muốn đưa lên tức khắc đến địa vị Siêu Phàm. Ngài bị cản trở điều đó. Cái điều chắc chắn trên Ðường Ðạo, chúng ta nhận lãnh sự giúp đỡ của Ngài khi chúng ta đáng được trợ giúp, bởi vì Ngài cũng là một vị Bằng Hữu, theo ý nghĩa thường của danh từ nầy, Ngài không thể ban cho chúng ta cái gì mà chúng ta không xứng đáng được. Thật sự Ngài chỉ giúp chúng ta được chỉ khi nào chúng ta liên kết với Ngài.

Khi nào con đứng ngoài Bản Ngã, con mới có thể hiểu được nó. Tới chừng đó và chỉ tới chừng đó, con mới hiểu rõ và điều khiển nó được. Tới chừng đó và chỉ tới chừng đó, con mới có thể sử dụng tất cả mãnh lực của nó hiến dâng cho công việc phụng sự xứng đáng.

Ở đây, lẽ dĩ nhiên là Chơn Sư tưởng đến Bản Ngã cao siêu, Chơn Nhơn trong Thượng Trí. Chơn Nhơn trông nom Bản Ngã thấp thỏi và dìu dắt nó. Như chúng ta đã thấy, tất cả mấy điều nầy có thể giải thích theo nhiều trình độ khác nhau, tùy theo địa vị các Ðệ Tử hay các Chơn Sư. Ở những người nầy, công việc của Chơn Nhơn trong Thượng Trí (Nhân Thể) là làm chủ Phàm Nhơn và điều khiển nó tại Trần Thế. Ở những người khác thì công việc của Chơn Thần là trông nom và điều khiển Chơn Nhơn. Phận sự nầy hoàn tất rồi - ấy là công việc của Chơn Sư - Ngài phải nhắm vào một mục đích trực tiếp kế đó cao siêu hơn Chơn Thần và dắt dẫn Chơn Thần triệt để làm đúng theo mục đích nầy.

11.- Hãy quan sát hết sức kỹ lưỡng tấm lòng con.

12. - Bởi vì tấm lòng con là con đường nơi đó chiếu ra ánh sáng độc nhất có thể đủ năng lực soi sáng đời sống làm cho đời sống trở nên sáng suốt trước mắt con.

 Không khi nào huynh gặp được Ðức Thượng Ðế ở ngoài trước khi biết được quyền năng của Ngài ở trong mình huynh. Ánh Sáng độc nhất xuyên qua tấm lòng huynh. Nó có khả năng soi sáng đời sống và làm cho huynh hiểu nó. Một sự giúp đỡ ở bên ngoài có thể tán trợ rất nhiều sự kêu gọi ánh sáng nầy. Ðức Tôn Sư của huynh không thể cho huynh ánh sáng nầy, mặc dù Ngài có thể giúp huynh làm nảy sinh ánh sáng đó trong mình huynh; nó phải khởi sự từ trong thâm tâm. Thật sự nó ở tại đó, dù huynh biết hay không biết điều nầy cũng vậy.

Chúng ta phải tìm được một sự ban ân huệ và một sự khích lệ cực độ trong vấn đề mà giáo lý Thông Thiên Học đã tuyên bố và thường nhấn mạnh là: Ðấng Thiêng liêng ở trong mình chúng ta và chúng ta hoàn toàn thuộc về thành phần của Ngài. Bởi vì chúng ta thường quên mất ý thức về giáo lý đó cho nên đôi khi việc xảy đến cho chúng ta là sự thấy yếu đuối của chúng ta không đủ sức làm cho chúng ta hiểu rõ sự sống rộng lớn, sự thâm sâu và sự huyền diệu của Cơ Trời. Người ta thường quên rằng họ là một với Ðức Thượng Ðế mà có bao giờ ho ïbiết điều đó. Muốn đạt được một trình độ của sự phát triển hoặc là một sự hạnh phúc thật sự hay là Chân Lý nào khả dĩ thiết lập được sự điều hòa giữa họ và phần còn lại của thếgiới thì chỉ có một hương pháp mà thôi; ấy là càng ngày càng đến gần sự biểu hiện của Ðức Thượng Ðế. Tất cả những nhà Thần Bí Học đều quả quyết điều nầy: "Chỉ có một điều mà thôi, là do Ðức Thượng Ðế trong nội tâm mà chúng ta mới thật gặp Ðức Thượng Ðế ở ngoài chúng ta". Chơn Sư đã nói trước đây: "Nếu con không đủ sức thấy ánh sáng ở trong mình con, thì rất vô ích mà tìm nó ở ngoài".

  -----*****-----

CHƯƠNG THỨ NĂM

 -----*****-----

 Qui tắc 13

 C. W. L. - Tại chỗ nầy của Phần Thứ Hai trong quyển Ánh Sáng Trên Ðường Ðạo, sự đánh số qui tắc lại thay đổi. Chúng ta không gặp những câu cách ngôn của quyển viết tay sắp hàng ba, và kế đó giảng lý của Ðức Ðế Quân. Bây giờ chúng ta đến qui tắc thứ 13 do Ðức Ðế Quân đưa ra.

13. - Lời nói chỉ đến với sự hiểu biết. Con hãy hoạch đắc sự hiểu biết và con sẽ nói được.

Chú giải của Ðức Hilarion thêm vào:

Không thế nào giúp đỡ kẻ khác khi mà riêng con, con chưa bắt đầu có một sự hiểu biết chắc chắn.

 Người ta có thể học hỏi cặn kẽ hệ thống Thông Thiên Học, xem xét nó về tất cả những phương diện, so sánh nó với những lý thuyết khác đã cố gắng giải thích những điều kiện dưới Trần Thế rồi đi đến sự kết luận rằng nó làm thành một giả thuyết tốt đẹp hơn hết đã trình bày cho con người từ xưa đến nay, rồi chấp nhận nó như là Chân Lý. Tôi tưởng, thật ra, mấy điều nầy không thể gọi là "Hiểu Biết" được, nhưng ít ra nó cũng làm ra một sự tự tin chắc đầy đủ và hữu lý giúp chúng ta hành động vì hiểu biết lý do.

 Khi tham khảo giáo lý của Công Giáo chính thống, chúng tôi thấy liền nó không vững vàng, không chắc chắn, mặc dù nó tự phu ïcắt nghĩa được tất cả. Chúng ta khó tìm được một lý thuyết làm cho chúng ta thỏa mãn. Vì vậy, nhiều người Công Giáo rất sợ suy nghĩ. Khi mà chúng ta hiểu được sự giải nghĩa của Thông Thiên Học về sự sống thì địa thế ở dưới chân chúng ta lại được vững vàng. Một người ở ngoài đến hỏi chúng ta những sự giải thích minh bạch; có lẽ họ thấy những quả quyết của chúng ta rất mạnh mẽ, rất trực tiếp, rất hoàn toàn, họ mới hỏi chúng ta: "Mấy huynh có bằng cớ gì về mấy điều đó không?" Họ có thể hoài nghi về sự xác thực của bằng cớ nầy hay bằng cớ nọ, nhưng mà triết lý của chúng ta, xem xét về toàn diện thì không ai chối cãi việc ít nữa nó tiêu biểu cho một lý thuyết có mạch lạc và nếu điều đó đúng thật thì vấn đề nào đó cũng phải giải nghĩa được cả. Trong nhiều trường hợp, những lý thuyết khoa học cũng không đòi hỏi nhiều hơn điều nầy. Một số những sự việc để trước mắt chúng ta; giả thuyết phải có một sự giải thích chúng nó; đây nầy là một sự giải thích cao siêu hơn hết, nó cắt nghĩa thật rành rẽ tất cả những sự quan sát đã thu thập được, như vậy chúng ta tạm gọi nó là đúng vậy.

 Khi tôi học hỏi đặng hiểu biết Thông Thiên Học, tôi đã làm Linh Mục trong Giáo Hội Anh Quốc, nhưng tôi ngờ vực nhiều giáo điều, tôi cố tránh, không giảng một giáo điều nào cả. Tôi dạy và tôi chứng minh Khoa Luân Lý. Gặp Thông Thiên Học một lý thuyết khả dĩ thừa nhận được, tôi rất sẵn sàng chấp nhận nó. Tôi có một chút ít bằng chứng, nói tóm lại, thuở đó tôi có những bằng chứng giống như những bằng chứng của chúng ta có, để giải thích những chuyện Thiên Văn, hoặc để biện hộ cho nhiều lý thuyết được thế giới công nhận trong Hóa Học hay trong Vật Lý Học. Nhiều sự thí nghiệm nhờ những lý thuyết nầy chứng minh, nhưng còn nhiều chuyện khác không giải thích được.

 Kế đó tôi gặp Ðức Bà Blavatsky, tôi có xem xét vài việc thì thấy hình như chúng chứng thực vài sự quả quyết của bà. Lẽ tự nhiên, điều nầy không biện minh được tất cả những điều còn lại. Nhưng khi vào Hội Thông Thiên Học chưa đầy ba năm, tự riêng tôi, tôi có thể tin chắc những vị Ðại Sư như bà đã nói với tôi. Sự kiện nầy biện hộ cho cái gì còn lại. Hơn nữa, tất cả những sự xác nhận của bà đều phù hạp với nhau một cách lạ lùng đáng phục và tạo thành một toàn thể tuyệt diệu.

 Sau đó, tôi có thể thực hiện được vài sự quan sát trực tiếp và cho tới ngày nay tôi không hề gặp sự sai lầm nào trong những Ðại Chân Lý mà bà đã trình bày cho chúng tôi nghe. Trong những tác phẩm của bà, bà cho chúng tôi không biết bao nhiêu bài học mà những sự hiểu biết trực tiếp của tôi chưa giúp tôi hiểu biết tất cả. Cho tới ngày nay, tôi cũng chưa hiểu được ý nghĩa của vài sự xác nhận của bà, nhưng càng ngày tôi càng học, thì tôi càng nhận thấy sự hiểu biết rộng lớn của bà, mặc dù bà nhìn nhận trong những quyển sách của bà viết có nhiều sự sai lầm. Tôi từ bỏ việc tìm kiếm chúng nó. Trước nhất, khi chúng ta gặp một đoạn văn mà chúng ta không hiểu được thì chúng ta tưởng rằng, đó là một trong những sai lầm đó, nhưng sau đó chúng ta tìm thấy chính là chúng ta lầm lạc, tại chúng ta không hiểu rõ. Chắc chắn có những sự sai lầm, mà khi chúng ta tiến bộ khá nhiều trong sự học hỏi của chúng ta thì chúng ta sẽ khám phá ra chúng nó. Tôi tính sắp xếp vài sự xác nhận của bà vào loại sai lầm, nhưng tôi tránh việc đó, tôi không làm việc trước khi tôi biết chắc chắn chúng nó không đúng với sự thật; tốt hơn là hãy nhận lãnh chúng nó một cách kính cẩn.

 Thật vậy, những điều hiểu biết đích xác giúp cho chúng ta nói một vài niềm tin chắc chắn gia tăng; người ta nói về tôi điều đó. Nhiều người nhận thấy những cuộc đàm thoại của tôi làm cho họ tin được. Những người khác, không có sự hiểu biết trực tiếp mà tài hùng biện hơn tôi rất nhiều, họ trình bày những ý tưởng nầy đứng về phương diện cá nhân. Nhiều thính giả nói với tôi: "Phải! Mà ông có biết điều đó không?" Tôi bèn trả lời: "Ðúng vậy, tôi biết điều đó, mà mặc dù tôi quả quyết, ai chứng minh với huynh rằng tôi nói thật". "Chúng tôi không biết, nhưng chúng tôi có một cảm giác khác nhau tùy theo một người nói những điều mà họ đã tự nhận thấy hay là họ chỉ trình bày cho chúng tôi kết quả của những sự đọc sách và những sự học hỏi của họ"[130].Người ta có thể gặp tất cả những sự tương tợ như thế, chúng chỉ rõ rằng không thể giúp đỡ thiên hạ trước khi tự mình chưa đi đến một trình độ chắc chắn nào đó. Muốn nâng đỡ một người lên trên những lượn sóng thì phải cảm biết dưới chân mình có một tảng đá.

Khi một Linh Hồn biết thì nó truyền sự tin chắc của nó cho nhiều người khác, rồi tới phiên mấy người nầy họ tự tuyên bố rằng họ tin được. Chắc chắn là tại cõi Trần và với cái óc xác thịt họ không đưa ra được những lý do, nhưng họ cảm thấy tự nhiên họ biết. Không thể giúp đỡ những người khác trong sự phát triển cao siêu của họ, hay là đem những Ðệ Tử đến gần các Ðấng Tôn Sư của họ, nếu không có sự hiểu biết trực tiếp đã hoạch đắc được.

Sự khác biệt nầy hiện ra rõ rệt trong những quyển sách do Ðức Bà A. Besant viết ra. Ba quyển đầu tiên: Bảy nguyên tố làm ra Con Người, Luân Hồi, Sự Chết và bên kia cửa tử viết ra trước khi bà thấy rõ những điều đó. Bà biết rằng Bộ Giáo Lý Bí Truyền là một công trình tuyệt tác, nhưng nó rất khó khăn cho sinh viên bậc trung; nếu y không có một sự học hỏi dự bị thì y không hiểu được một phần mười [131] những lời nói trong đó. Với nghị lực đặc biệt của bà, bà bèn bắt đầu làm việc và ra công soạn thảo cho các bạn thêm vài toát yếu, chỉ do theo những sự đọc sách của bà và do những câu trả lời của Ðức Bà Blavatsky cho vài câu hỏi của bà nêu ra. Tôi tự hỏi: Nếu một người khác ra công khảo cứu một mình Bộ Giáo Lý Bí Truyền có thâu thập được một kết quả như vậy không? Bà có tài kỳ lạ là đối chiếu những những vấn đề rồi làm sáng tỏ chúng nó. Trong lúc bà soạn quyển thứ tư - Nhân Quả - bà bắt đầu thấy guồng máy những Luật nầy. Tôi viết quyển Cõi Trung Giới và Cõi Thiên Ðường. Về phần bà, thì bà viết quyển thứ bảy Con Người và những thể của nó. Trong lúc xuất bản quyển nầy, bà hoạch đắc thiệt thọ năng lực thấy trực tiếp (tức là Huệ Nhãn)[132]. Một mặt là quyển Nhân Quả và một mặt là quyển Con Người và những thể của nó trình bày sự khác biệt của giai đoạn rất rõ rệt. Quyển nầy và quyển kia chỉ rõ bà có sự hiểu biết trực tiếp về vấn đề bà viết. Trong mấy quyển khác, bà đưa ra những dẫn chứng và mặc dù bà biết dung hợp chúng nó trong quyển sách với tài ba phi thường của bà, ba quyển đầu tiên vẫn chứa đựng nhiều đoạn không được minh bạch và rất khó hiểu. Bà thường nói bà muốn viết lại chúng nó, nhưng luôn luôn bà xuất bản những quyển mới, bà không có ngày giờ để làm việc đó. Một mặt khác, bà xem chúng nó như những tài liệu lịch sử để chứng tỏ những điều chúng ta đã hiểu biết và những điều chúng ta không hiểu biết trong thời đại đó.

 Ở những thời kỳ đầu tiên, những quan điểm của chúng ta còn thiếu sót nhiều và những lý thuyết của chúng ta có nhiều khuyết điểm. Quyển Phật Giáo Bí Truyền (Le Bouddhisme ésotérique) của huynh A. P. Sinnett tiêu biểu một sự cố gắng đầu tiên của sự tổng hợp gần như đầy đủ và có thứ tự. Quyển nầy hoàn toàn căn cứ vào nhiều bức thư gởi cho huynh Sinnett do trung gian của những vị Ðệ Tử của Ðức Chơn Sư Kouthoumi. Ban sơ, chúng tôi cho rằng tất cả những câu trả lời nhận được vốn của Chơn Sư. Sau đó chúng tôi biết, nếu người ta có thể nói được, chúng nó xuất phát từ Văn Phòng, từ những người thân cận với Ngài. Những thư đó chứa đựng cả ngàn lời chỉ dẫn, phần nhiều trả lời những câu hỏi của huynh Sinnett đưa ra. Ðó là cội rễ của những quyển sách Thông Thiên Học đầu tiên của huynh Sinnett.

 Chúng tôi nhờ trước nhất là Tiến Sĩ A. Besant; theo ý muốn của tôi, bà sắp đặt lại cho có thứ tự những vấn đề Thông Thiên Học và một sự trình bày những việc giúp cho độc giả nào cũng hiểu biết Thông Thiên Học, thật khó khăn lắm, mà sự khác biệt thấy rõ ràng giữa công việc phi thường, do Tiến sĩ A. Besant thực hiện trong lúc chỉ có những sách vở là những vị Hướng Ðạo và sau đó khi có được sự học hỏi trực tiếp. Ðức Bà Blavatsky thấy nhiều việc trực tiếp mà Cái Trí của bà, theo chỗ hiểu biết của chúng tôi, thì nó phi thường, nó không hành sự như Cái Trí của chúng ta. Nếu người ta có thể nói một cách có lễ phép và kính cẩn thì Cái Trí của bà thuộc về mẫu người Atlante, về việc nó tích trữ không biết bao nhiêu chuyện, nhưng không ra công khó sắp đặt chúng nó có thứ tự. Ðức Swami T. Subba Rao gọi Bộ Giáo Lý Bí Truyền là một đống ngọc quí. Thật đúng vậy, nhưng tự mình phải sắp đặt chúng ra từng loại. Tác giả không ướm thử làm việc đó cho chúng ta. Bà không thấy sự cần thiết nào cả.

 Trong thời gian tôi đang học hỏi, tôi gặp nhiều tư tưởng rất mới mẻ đối với tôi, tôi bèn ghi chép, thấy trong đó không phải đúng là những sự khám phá mà là những tư tưởng không thể nào gặp ở mấy chỗ khác. Vài tháng sau hay là một hay hai năm sau, đọc lại quyển Phật Giáo Bí Truyền hoặc Bộ Giáo Lý Bí Truyền, tôi thấy tư tưởng trước kia dường như là mới mẻ vẫn ẩn tàng trong đó, nhưng không biểu lộ ra bằng những danh từ đích xác. Chắc chắn là do cách suy luận, chúng ta phải gặp nhiều tư tưởng mà mới đây được xem như là mới mẻ. Thấy những Chân Lý nầy do những tư tưởng đã có sẵn trước sinh ra cách nào, tôi phải khó nhọc mới hiểu bây giờ đây tôi không có đủ năng lực đặng suy luận một mình. Trong mỗi kỳ Ðại Ðiểm Ðạo, sự kinh nghiệm nầy tái diễn một cách kinh dị: "Bí quyết của sự hiểu biết" được trao cho - đối với chúng ta dường như nó rất hiển nhiên, minh bạch. Chúng tôi tự nói: Tại sao tôi lại không thấy điều nầy một mình? Nhưng mà chúng ta không hề thấy nó, không ai thấy nó trước khi được chỉ bảo. Không một bằng chứng nào cần thiết cho chúng ta. Chân Lý tự nó nói với chúng ta. Nó không cần sự chứng minh nào cả. Sự việc hiện đã có đó. Trọn đời chúng ta, nó ở trước mặt chúng ta mà không khi nào chúng ta thấy nó.

 Dù rằng sự mở mang trí thức của chúng ta xúi giục chúng ta trở nên kiêu căng thì thứ kinh nghiệm nầy sẽ đem chúng ta trở lại với tánh khiêm tốn. Chỉ có các Ðấng Chơn Sư mới giúp được con người một cách trọn vẹn. Sự hiểu biết của các Ngài vốn tổng quát [133], nó lan rộng ra đến tất cả những cõi cao siêu. Các Ngài không cần nhờ tới những sự hiểu biết tích trữ trong đầu óc các Ngài như chúng ta. Hình như các Ngài có thể điều khiển một năng lực nào đó vào điểm cần thiết cho các Ngài thì các Ngài biết tức khắc tất cả những gì liên quan đến điểm đó. Chơn Sư cần dùng một sự chỉ dẫn nào đó, Ngài không tìm kiếm nó trong một tài liệu nào cả. Ngài chỉ nhìn vào vấn đề đó, sự thấy của Ngài soi thấu vạn vật. Ngài hiểu liền vần đề đó cặn kẽ, tôi không biết vì lẽ nào? Tôi tưởng tượng đó là ý nghĩa câu: "Tự giải thoát ra khỏi Vô Minh". Lẽ tự nhiên, không hề có một ai có được điều hiểu biết toàn vẹn do theo những phương pháp mà chúng ta dùng đặng học hỏi bây giờ đây. Người ta nói trắng ra rằng: Chướng ngại chót mà vị La Hán phải diệt trừ, chính danh đó là Avidya: tức là Sự Dốt Nát (trong kinh sách dịch là Vô Minh)[134].

 Chúng tôi hỏi: " Giải thích mấy tiếng đó như thế nào? Chúng tôi phải biết cái chi? Thì câu trả lời cho chúng tôi như vầy: "Tất cả cái chi thuộc về Thái Dương Hệ". Viễn ảnh kinh khủng cho ai biết chút ít về những cõi thấp của Thế Giới chúng ta và đã mở mang Tâm Thức ở vài trình độ cao siêu hơn. Tôi có thể quả quyết điều nầy. Mặc dù con đường của chúng ta dắt đến sự hiểu biết tổng quát, càng ngày chúng ta càng đi tới thì chúng ta càng cảm thấy sự vô minh mù mịt càng thêm đè nặng. Mỗi lần chúng ta đi đến một mức độ cao siêu, chúng ta hiểu được nhiều việc mà trước kia chúng ta ao ước nghe được sự giải thích; đồng thời chúng ta thấy hiện ra trước mắt những vùng rộng lớn vô biên mà chúng ta không hiểu gì hết về chúng nó cả. Một sinh viên càng học hỏi thì y càng biết những điều còn lại mà y cần phải học hỏi và những điều y tưởng đã hoạch đắc được hết sức ít oi. Mà đó mới chỉ là phân nửa của sự khó khăn, bởi vì mỗi sự lên cao liên tiếp đều đem đến một trạng thái mới mẻ cho cái gì mà người ta đã biết rồi và bắt buộc họ phải bắt đầu học hỏi lại.

Trong những đường lối mà chúng ta đã noi theo, không có con đường nào cho chúng ta một hy vọng lớn lao. Nếu chúng ta phải có sự hiểu biết tổng quát và thiêng liêng, mà muốn đạt được nó ắt phải có một cách thế khác hơn và nó sẽ tiết lộ ra khi chúng ta tiến bộ hơn trước. Bây giờ đây tôi nhận lấy tất cả một cách thản nhiên, đó là việc duy nhất phải làm. Tôi hoạch đắc những sự hiểu biết theo phương sách hiện thời, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Tôi áp dụng chúng, nhưng tôi biết chúng không bao giờ dắt tôi đến mục đích cuối cùng. Muốn học hỏi, phải có một phương pháp hết sức mới mẻ về phương diện đó. Tôi tưởng trong Tâm Thức Bồ Ðề mà tôi đã nói, chúng ta gặp một sự chỉ dẫn sơ lược. Tâm thức nầy khỏi cần phải kết hợp lại những sự thu thập ở bên ngoài. Nó giúp cho con người nhập vô Tâm Thức của tất cả mọi vật, dù cho mấy vật đó là loại Kim Thạch, Thảo Mộc hay là Thiên Thần và hiểu biết họ về phương diện Nội Tâm. Vậy thì, như thế đó, người ta thấy tất cả đều là thành phần của Tâm Thức của chúng ta. Theo đường lối nầy thì nó có thể dắt đến mục đích [135].

Khi con học hết hai mươi mốt qui tắc đầu và bước vào Ðền Thụ Huấn với những quyền năng phát triển và sự hiểu biết mở rộng thì con tìm gặp nơi con một nguồn phát sinh ngôn ngữ.

 Ðền Thụ Huấn có nghĩa trước nhất là cõi Trung Giới, sau đó Chơn Sư gọi Ðền Thụ Huấn là cái gì cao lắm. Trước nhất, khi sự kinh nghiệm ở cõi Trung Giới chỉ là việc vừa sức cho kẻ chí nguyện thì y có thể học hỏi được nhiều việc ở cõi nầy; chúng toàn là mới mẻ đối với y. Y hoạch đắc được những năng lực mà y chưa biết đến, những viễn ảnh mở ra trước mắt y trong nhiều phương hướng, giúp cho y xem xét tất cả về một phương diện mới. Trước hết, cõi Trung Giới gồm một thứ nguyên không gian hơn cõi Trần [136]. Chúng ta hãy đề cập đến năng lực nhìn thấu suốt qua tất cả những vật hữu hình [137]. Cuối cùng, quan sát viên diễn tả mọi vật với danh từ thuộc về Cái Vía, điều nầy hoàn toàn khác hẳn sự thấy với con mắt xác thịt. Trong thế giới cao siêu hơn cõi Trần nầy có nhiều điều phải học hỏi, có nhiều điều phải làm, bởi vì ở đó con người cần sự giúp đỡ nhiều hơn hết. Tại đó người ta gặp người mới chết trong những tình trạng khác nhau và ở trong giai đoạn phát triển khác nhau. Cũng ở đó, chúng ta giúp đỡ những Linh Hồn đau khổ trong khi chúng ta để xác thân chúng ta qua một bên [138].

 Trong giai đoạn cao hơn nữa, con người được tự do trên cõi Thượng Giới, tức là cõi Trí Tuệ, cũng như phần đông chúng ta trên cõi Trung Giới khi chúng ta ra khỏi xác thân. Ðệ Tử Chơn Sư học được phương sách đặc biệt làm phát triển Cái Trí đến mức sử dụng nó dễ dàng như sử dụng Cái Vía. Rồi họ học cách tạo thành Mayavi Roupa là Cái Vía tạm thời, không phải Cái Vía Trời sinh dính dấp với con người. Trên cõi Trung Giới, ấy là một sự hóa hình giả mà chỉ có những người đã học được cách sử dụng Cái Trí đặng di chuyển mới làm được mà thôi.

 Trong giai đoạn kế đó, con người học cách sử dụng dễ dàng Thượng Trí hay Nhân Thể. Rồi, dù cho các thể thấp của y sử dụng thế nào đi nữa, y vẫn cũng vẫn giữ được Tâm Thức mới của y tới một điểm nào đó. Khi dùng Cái Vía hay Cái Trí, y không thể sử dụng trọn vẹn năng lực riêng biệt của Nhân Thể, bởi vì hai thể: Cái Vía và Cái Trí làm thành một bức màn che hay là sự giới hạn, nhưng y nhớ được kinh nghiệm của y trong Nhân Thể. Khi y chọc thủng được bức màn ngăn cách Xác Thân và Cái Vía, y nhớ lại trong đầu óc y tất cả những gì y đã làm trên mấy cõi cao siêu, như thế đời sống của y vẫn liên tục. Trong Nhân Thể, Tâm thức y không bị gián đoạn trong lúc y ngủ hay trong lúc y thức, trong lúc y còn sống hay trong lúc y chết, bởi vì Tâm Thức nầy vốn trường tồn. Khi vào Ðền Thụ Huấn ở mức độ cao hơn kế đó, hay là cõi Bồ Ðề thì y có được sự hiểu biết trực tiếp tất cả những gì đưa đến cho y, y có thể vào trong lòng những kẻ khác cũng như y kéo họ vào trong lòng y, y hiểu biết trọn vẹn.

Trên mức độ cao siêu, sự phát triển những năng lực và sự giải tỏa những giác quan giúp cho con người đem về cõi Trần nhiều sự kinh nghiệm, nhưng đồng thời luôn luôn y như bị tê liệt khó mà diễn tả. Y thấy, y biết và có thể nói về nhiều chuyện với một cách làmcho người ta tin y hơn là người không có sự hiểu biết trực tiếp. Nhưng, dù rằng tất cả những sự cố gắng của y, dù rằng y đã giúp được vài người, luôn luôn y có mãi [139] cảm tưởng rằng y chỉ nói có phân nửa những điều y thấy. Không có danh từ để truyền đạt cho kẻ khác kinh nghiệm đã thu thập được trên cảnh giới mà nơi đó không có ngôn ngữ.

 Những người thuộc hạng sùng đạo thỉnh thoảng đi tới trạng thái xuất thần, trong đó họ thấy được những cảnh cao siêu. Chỉ cần lên mấy cảnh đó một lần thôi cũng đủ để hiểu liền những nỗi khó khăn mà những vị Thánh bên Thiên Chúa Giáo và những tu sĩ Dô- ghi (Yogis) bên Ấn Ðộ gặp phải trong sự toan tính trạng tả chúng nó. Bà Thánh Thérèse có nói những kinh nghiệm như thế, Thánh Jean de la Croix, Thánh Francois d'Assise và những vị khác cũng có ghi chép những kinh nghiệm của các Ngài một, hai lần. Trong những bài mô tả, những người Công Giáo nầy thì dùng những danh từ Công giáo, một người Thông Thiên Học thì dùng những danh từ Thông Thiên Học, y cho những kinh nghiệm liên hệ với các Ðấng Chơn Sư, còn những vị Thánh thì nói chúng nó liên hệ với Ðấng Christ.

Thật là rất cần thiết tiếp xúc với sự thật ở ngoài những hiện tượng hay là đến gần sự thật ở ngoài những hình dạng, bởi vì một sự kinh nghiệm cá nhân dù không đầy đủ cũng có giá trị nhiều hơn những lời chỉ dẫn của người khác. Một chút kinh nghiệm cá nhân cũng làm cho lời nói từ miệng của chúng ta tuôn ra. Chúng ta cảm thấy chúng ta có vài chuyện khác phải nói. Chúng ta phải làm điều đó. Việc truyền đạt những chuyện nầy cho đời là một nhiệm vụ thuộc về phần chúng ta. Chúng ta phải chứng tỏ sự thật kỳ diệu nầy. Chơn Sư nói rằng, khi mà huynh hiểu được trực tiếp những sự thật nầy thì huynh tìm gặp nơi huynh nguồn phát sinh ra lời nói. Huynh cảm thấy sự cần thiết và có bổn phận phải lập lại những điều quan trọng mà Ðức Chúa đã làm để giúp huynh - ở đây tôi dùng danh từ Công Giáo.

 Chúng tôi không muốn bắt buộc bất cứ ai công nhận lời tường thuật về tất cả những sự kinh nghiệm của chúng tôi, nhưng mà người ta có cảm tưởng rằng những ai có những sự hiểu biết trực tiếp nào đó thì sẵn sàng chứng minh mấy điều nầy. Những người nào đã thấy và đã gặp một vài vị Tôn Sư của chúng ta và ghi nhớ việc nầy, vì tôi tưởng luôn luôn họ phải chứng minh nó; bởi vì những người ngoài khi nghe đề cập đến những việc đã xảy ra như thế thì thường nói: " À! Ai đã gặp các Ðấng Cao Cả đó?" Tôi không muốn chút nào làm giảm giá trị tư tưởng của chúng tôi về các Ðấng Chơn Sư khi chúng tôi trình bày tư tưởng nầy với những người không thể hiểu nó; nếu trong số những người nầy có những người hỏi chúng tôi trong một cuộc hội họp công cộng như vầy: Huynh có gặp một vị Chơn Sư nào không? thì tôi sẽ trả lời: Tôi có gặp, nhưng tôi không muốn đem nó ra làm một vấn đề bàn cãi giữa công chúng. Trong một cuộc hội họp như vầy, chắc chắn có những thính giả ưa giễu cợt hay là nếu họ nói bông đùa thì họ không tin chi hết. Mấy điều đó không động đến Chơn Sư được, nhưng có ảnh hưởng lớn lao đối với kẻ phạm thượng, chớ nên quên điều nầy. Người nào chế nhạo các Ðấng Cao Cả như các Ðấng Chơn Sư thì tự gây cho họ một thứ Quả Báo đặc biệt rất nặng nề. Tôi thường thấy điều đó. Nếu đôi khi tôi từ chối không nói về các Ngài thì phải thấy lý do thật sự của chúng tôi; chẳng những chúng tôi tự nhiên tất ghê tởm đem những tôn danh mà chúng tôi xem như là Thánh Thiện để cho những kẻ dốt nát và điên rồ chế giễu, mà vì lòng thương họ tránh không khỏi trong tương lai những kinh nghiệm rất đau thương. Về phương diện nầy, tôi không thể đưa ra những giải thích trọn vẹn, nhưng tôi biết phải có như thế. Tôi đã nhận thấy nhiều lần, nhiều lắm, chớ không phải là một sự tình cờ hay là một sự rủi ro nào đó.

 Không ai được phép chế giễu một vị Ðạo Sư, mặc dù Ngài là thế nào. Người ta có thể không tin Ngài, tự xét mình không bị bắt buộc phải nghe theo Ngài; mà người tánh tình tế nhị không bao giờ nghĩ đến việc nhạo báng những tín ngưỡng của thiên hạ. Ai phạm lỗi nầy mắc tội nghịch với nguyên tắc căn bản, dù cho tính cách của giáo lý đưa ra thế nào đi nữa.

Có lẽ rất tốt mà cho tất cả một cảnh cáo chung là đừng khinh dễ cái chi cả, bởi vì luôn luôn trong những tư tưởng dường như không thể tin được và không thể hiểu được, có thể có một phần Chân Lý. Mọi hậu quả dù là một sự dị đoan đều có một nguyên nhân và dù rằng ngay bây giờ đây, dáng vẻ của nó xem rất kỳ dị; nhưng nếu chúng ta truy ra cội rễ thì chúng ta thấy rằng không phải là nó không có một căn bản vững chắc.

Sau qui tắc thứ 13, ta không còn cái chi nữa để thêm vào cho những điều đã viết ra.

Ðức Chơn Sư Hilarion muốn nói rằng những chú giải của Ðức Ðế Quân Vénitien, theo tôi, gồm tất cả những gì có thể cho mà không có tai hại. Ngài chấm dứt những chú giải của Ngài với mấy chữ:

 Ta cho con sự an tịnh của Ta.

 Những chú giải nầy chỉ viết ra cho những người mà Ta cho sự an tịnh của Ta, cho những người có thể đọc những điều mà Ta viết với những giác quan bên trong và những giác quan bên ngoài (nội giác quan và ngoại giác quan).

Như chúng ta đã thấy trong Phần Thứ Nhứt câu: "Ta cho con sự an tịnh của Ta" chỉ có thể để cho Chơn Sư nói với những Ðệ Tử giống như Ngài hay là những người đi tới cõi Bồ Ðề; họ có Tâm Thức Bồ Ðề và họ làm một với Ngài.

Thí dụ hai người trao đổi sự chào hỏi nhau như câu: "Cầu xin sự an vui đến với huynh" và câu trả lời: Cầu xin sự an vui ban xuống cho huynh. Họ cho lẫn nhau cái gì? Chúng ta có thể tưởng tượng họ đồng bực với nhau. Một ý muốn mãnh liệt hay là một sự cầu chúc được an tịnh từ người nầy qua người kia. Ấy là một tặng phẩm có thể cảm biết rõ ràng. Mà cũng thế đó, khi mà mỗi lần một tư tưởng yêu thương của chúng ta hướng về người mà chúng ta quí mến, chúng ta di chuyển thật sự một phần nhỏ nhít của Cái Vía chúng ta dùng làm vận cụ cho hình tư tưởng của chúng ta. Cũng có thể di chuyển chất khí cao siêu hơn, như chất Bồ Ðề, nếu người ta đi đến mức độ cao siêu như vậy.

Nên biết rằng trong những trường hợp như thế, có sự di chuyển vật chất. Thường thường người ta tưởng rằng sự ham muốn không có nghĩa gì hết. Nhưng mà một sự cầu chúc tốt đẹp là một tặng phẩm làm bằng vật chất cũng như một cuốn sách hay là một món nữ trang, mặc dù nó làm bằng chất Thanh Khí[140] và chất Trí Tuệ: ấy là một tặng phẩm vừa tầm tay của người nghèo hơn hết cũng như người giàu hơn hết.

 Một người trong chúng ta nhận được một ân huệ của một vị Linh Mục ban cho: Cầu xin sự an tịnh của Ðức Chúa Trời cao hơn mọi sự khôn ngoan ban xuống cho huynh. Còn có một hiện tượng nhất định hiện ra nữa: ý muốn tốt của vị Linh Mục có thể thêm vào, chỉ là một số lượng cực nhỏ do Ngài mà ra. Khi Ngài nhân danh Ðức Chúa Trời mà ban xuống một ân huệ long trọng thì Ngài hành động như là một vị Linh Mục, Ngài mượn thần lực trong kho dự trữ đặc biệt do Ðấng Christ lập ra cho việc nầy. Trong cuộc lễ Thánh Thể, thần lực cũng mượn ở một gốc, mặc dù trong trường hợp nầy nó do ở một chỗ thâm sâu khác và biểu lộ ra một cách thế khác. Có vài Ðấng Cao Cả xét ra nên lập thành một phân bộ đặc biệt trong kho dự trữ nói trên đây; trước hết các Ngài cung cấp thần lực cho phân bộ nầy rồi luôn luôn nó được duy trì đầy đủ do những nhân viên đặc biệt phục vụ các Ngài. Ðó là điều Ðấng Christ đã làm khi Ngài giáng lâm tại Palestine. Do ý chí của Linh Mục, các tín đồ nhận lãnh một sự an tịnh và một ân huệ của một người thường có thể ban cho kẻ khác. Sự an tịnh và ân huệ nầy không phải của vị Linh Mục, chúng từ trên cao ban xuống.

 Sự ban ân huệ của một vị Giám Mục cũng là hiện tượng đó nhưng mà ở một mức độ cao. Thần lực ban rải ra thì nhiều hơn. Khi Ðức Giám Mục ban ân huệ của Giám Mục, Ngài làm ra ba dấu Thánh Giá, còn vị Linh Mục chỉ làm có một dấu mà thôi. Ngài phô diễn ba lực từ nơi Ngài tuôn ra. Tôi không muốn nói, vì là Giám Mục Ngài không thể ban cho lực đó khi làm một dấu Thánh Giá, nhưng nếu Ngài làm ba dấu, thì đó là Ngài sử dụng thần lực nầy ba cách khác nhau, trên một mức độ cao hơn mức độ từ nơi đó ân huệ của vị Linh Mục ban xuống. Khi nói với một người nào "Sự an tịnh đến với huynh" thì một trong các Ðấng Tôn Sư của chúng ta ban cho huynh đó một sự an tịnh hoàn toàn tuyệt đối và làm cho hân hoan phấn khởi hơn nhiều.

Sự ban ân huệ của Ðấng Christ là sự ban ân huệ cao hơn hết mà chúng ta có thể thọ lãnh tại cõi Trần nầy. Quả thật, Ðức Ngọc Ðế cai trị quả Ðịa Cầu cao hơn Ðấng Christ, nhưng nhiệm vụ của Ngài là ban cho thần lực nhiều hơn là Giáng Phúc. Tôi tưởng, chúng ta có thể nói sự ban ân huệ của Ðức Bồ Tát, trong giới đạo đức, là ân huệ tối thượng mà con người có thể thọ lãnh tại cõi Trần nầy. Mỗi người thọ lãnh sự an tịnh và ân huệ nầy tới mức nào? Ðiều nầy không chút nào tùy thuộc về Ðức Bồ Tát mà hoàn toàn thuộc về con người. Thần lực của Ngài chiếu ra như mặt trời ở giữa những đám mây, nếu sương mù dày đặc dưới Trần Thế che khuất mặt trời và cản trở sự hành động của Thần lực thì Thần lực nầy cũng vẫn hiện diện, cũng vẫn chói rạng và cũng vẫn kỳ diệu vậy.

 Quần chúng thường quá duy vật về những phương diện nầy và rất ít duy vật về những phương diện khác. Chủ nghĩa duy vật của chúng ta thâm căn cố đế cho đến đỗi, nếu một vật nào mà chúng ta không thấy hay là không cảm giác, thì chúng ta có hơi tin rằng nó có thật. Về một mặt khác, những tư tưởng của chúng ta sai lầm vì khuyết điểm về vật chất. Phải thật hiểu khi nói về ân huệ do các Ðấng Cao Cả và Ðấng Christ ban xuống, chúng ta kêu gọi một Thần lực có hình dạng rõ ràng như điện hay một vòi nước. Nhờ phương tiện vật chất mà thần lực mới tự biểu lộ cho chúng ta thấy; một ân huệ mà chúng ta thọ lãnh là một lực nhất định, có thật và có thể đem chúng ta đến gần Ðức Thượng Ðế.

  -----*****-----

CHƯƠNG THỨ SÁU

 -----*****-----

 Qui tắc 14 - 21

 C. W. L. - Qui tắc 14 cũng còn là một chú giải của Ðức Ðế Quân, nó liên quan tới phần trước đây ít hơn và việc nó chuẩn bị một nhóm khác gồm ba qui tắc đánh số 15, 16 và 17.

 14. - Sử dụng được giác quan bên trong và giác quan bên ngoài, chiến thắng được những dục vọng của Linh Hồn cá nhân và đạt được sự hiểu biết; hỡi Ðệ Tử! Giờ đây con đã chuẩn bị để thực sự bước vào Ðường Ðạo. Ðã tìm được Ðường Ðạo rồi, con hãy sẵn sàng đi theo nó.

 Chúng ta đã qua khỏi phân nửa Phần Thứ Hai, cho nên lấy làm lạ mà biết chỉ bây giờ đây chúng ta mới bước vào con đường dắt đến sự thật. Lẽ tự nhiên, đây là một giai đoạn cao hơn trước. Như chúng tôi đã nói: Trước nhất là con đường nhập môn, kế đó con đường thiệt thọ mở ra sau cuộc Ðiểm Ðạo lần thứ nhứt. Cũng thế, Ðức Ðế Quân đề cập ở đây việc bước vào con đường dắt đến thực tế. Người ta vẫn gặp cũng tư tưởng nầy ở những trình độ khác nhau. Vị La Hán bước vào con đường mới, ấy là con đường vào cõi Niết Bàn, nơi đó sự thật cao hơn sự thật ở cõi Bồ Ðề. Tới phiên vị Siêu Phàm, Ngài bước vào con đường cao thượng hơn nữa, Ngài đến một chỗ thực tế hoàn toàn hơn trước.

 Con đường nầy dường như vô tận. Hình như đối với chúng ta không có chỗ cuối cùng. Phải chăng chúng ta có thể nói: Cái thang dựng lên trước mặt chúng ta mà nấc chót biến mất trong sự vinh quang mà chúng ta không đủ khả năng hiểu được. Một lẽ khác nữa, chúng ta biết chắc chắn là sự tiến hóa của chúng ta còn kéo dài cả triệu năm nữa. Nó thật chấm dứt ở đâu? Không ai biết được điều đó. Chúng ta sẽ đi đến Tâm Thức của Ðức Thái DươngThượng Ðế của chúng ta, điều nầy chúng ta biết rõ. Có phải là chỗ tận cùng đối với chúng ta chăng? Nhưng tôi chắc rằng phía ngoài xa còn nhiều sự vinh quang khác sẽ biểu lộ ra nữa. Còn chỗ cuối cùng, không thể nói cái gì hết, dù cho rằng ở vào trình độ tiến hóa hiện thời của chúng ta, dù cho những vấn đề như thế đưa đến cho chúng ta đi nữa, chúng ta cũng không biết gì hết.

 Ðối với Ðức Ðế Quân, sự chinh phục những ham muốn của Linh Hồn cá nhân là những chinh phục sự ham muốn mà chính Chơn Nhơn có thể cảm biết và chúng không giống như những điều mà dưới Trần Thế gọi là Ham Muốn đâu. Trong giai đoạn tiến hóa cao, phải loại ra hai chướng ngại gọi là: Roupâraga và Aroupâraga; danh từ nầy có nghĩa là: "ý muốn sự sống có hình dạng"(sự sống hữu hình) và "ý muốn sự sống không có hình dạng" (sự sống vô hình). Khi đạt được Tâm Thức Chơn Nhơn, con người thấy trước mắt mình có hai cách sống: Trước nhất sự sống trong Nhân Thể (Thượng Trí) nghĩa là sự sống trong một hình dạng, rồi kế đó là sự sống tại cõi Bồ Ðề, theo nghĩa của danh từ nầy là sự sống không có hình dạng.

 Chơn Nhơn hưởng dụng Tâm Thức trong một hình dạng, và Tâm Thức khác không hình dạng, sự kỳ diệu nầy gấp đôi và không trạng tả được, bởi vì sự sống của Chơn Nhơn trong một hình dạng trải qua ở chính giữa những vị Chơn Nhơn khác đồng hàng với mình. Nếu Ngài thức tĩnh tại cõi nầy thì Ngài thấy chung quanh Ngài có những vị chiếu ra hào quang rực rỡ, thuộc về hạng Thiên Thần cũng có mà thuộc về loại người cũng có, những vị mà cõi đời đã từng sản xuất được. Tại cõi riêng biệt của Chơn Nhơn [141] thì đời sống của Ngài thật huy hoàng mà Phàm Nhơn không thể nào tưởng tượng nổi. Muốn bắt đầu hiểu đời sống của Chơn Nhơn là sao thì phải tưởng tượng một đời sống chung đụng, gần gũi với những bậc vĩ nhân tại cõi Trần nầy như các nhà nghệ sĩ, các nhà thi sĩ, các nhà bác học [142], luôn các vị Chơn Sư nữa và thêm vào đây năng lực hiểu biết các vị ấy, năng lực nầy chúng ta ở Trần Thế không có đâu.

 Ði đến mức độ cao siêu như thế trong sự phát triển của chúng ta thì người ta mới thấy đó là một sự sống quyến rũ mạnh mẽ, như vậy, ai mà được sự sống nầy đem tặng cho mà không nhận và lại nói: Tôi không có một chút ham muốn nào điều đó cả thì thực hiện được một sự thoát ly phi thường.

 Sự từ khước của y còn lớn lao hơn nữa, nếu ở ngoài xa hơn và ở trên đời sống hữu hình là đời sống vô hình, tức là đời sống ở cõi Bồ Ðề để cho y sử dụng; đời sống vô hình gồm chẳng những sự kết hợp mà tôi mới nói đây mà còn gồm sự đồng nhất của mỗi người với tất cả và còn nhiều hơn nữa. Con người sẽ nói: "Tôi không muốn chi hết, dù cho đờisống vô hình cũng vậy. Tôi hoàn toàn thoát ly tất cả những sự ham muốn. Dù cho, qua trung gian của các Ðấng Chơn Sư của chúng ta, Ðức Thượng Ðế ra lệnh cho tôi sống một đời sống hữu hình hay là đời sống vô hình, tôi cũng chấp nhận nhiệm vụ với sự vui mừng lớn lao và lòng biết ơn sâu xa, tôi cố gắng hoàn tất nó, nhưng tôi không muốn đời sống hữu hình hay là đời sống vô hình; tôi cũng bằng lòng nhận lấy một công việc tại cõi Trần nữa". Tôi tưởng ít có người có một chút ý nghĩ về đời sống tại cõi Trần là một sự rớt xuống hết sức gớm ghiếc, sau một sự kinh nghiệm như thế trước đây. Trở về trình độ hiện thời của chúng ta, dù với những điều kiện hết sức thuận lợivà trong hoàn cảnh hết sức tốt đẹp, cũng không khác nào rời bỏ một ánh sáng tuyệt vời mà vào trong chốn tối tăm mù mịt, bị giam hãm trói buộc, không có sự giúp đỡ nào cả; bởi vì đó là sự tinh vi của những năng lực riêng biệt thuộc về mấy cảnh cao mà không có thể thi hành chúng nó tại cõi Trần. Trong một bức thư nhận được thuở xưa của các Ðấng Chơn Sư có nói điều đó. Những người đi tới cõi Niết Bàn khi trở về Trần Thế thì bị Tinh Thần suy nhược trong nhiều tuần lễ. Ðiều nầy rất đúng với nhiều huynh đệ người Ấn sau khi xuất thần rất cao hay là Sa-ma-đi (Samadhi) rồi trở về đời sống Hồng Trần. Họ thấy đời sống nầy rất chán nản. Những vị Ðệ Tử Chơn Sư có kinh nghiệm ở mấy cõi cao đã luyện tập không bị chán nản khi gặp lại tại cõi Trần một đời sống chẳng chút chi được vui vẻ, dễ dàng.

 Người nào hiến mình đặng phụng sự thì phải dự bị hoàn toàn hy sinh tất cả trong trường hợp cần thiết. Y phải sẵn sàng đi đến hoàn cảnh nào chẳng hạn khi được lệnh, và hiện giờ, từ khước sự sống trong những hình dạng cao siêu cũng như sự sống vô hình ngự trị trên cảnh cao hơn nữa. Ấy là phương thế duy nhất để diệt trừ hai chướng ngại và đó là phận sự của vị La Hán. Cũng có thể được ÐiểmÐạo lần thứ tư, chỉ đôi khi cảm biết sự ham muốn thoáng qua về những trình độ cao siêu đó; vậy chúng ta không nên mất hy vọng. Sự đoạn tuyệt hoàn toàn một chí phúc như thế không thực hiện được, nếu không có một sự phát triển rộng lớn và hết sức tin chắc về sự cần thiết phục vụ. Ở nơi đó có một sự cám dỗ không thể tưởng tượng được chút nào cả.

 15. - Hãy hỏi đất, không khí và nước những sự bí mật của chúng giữ gìn cho con. Sự mở được những giác quan bên trong giúp con thực hiện điều đó.

 Câu đầu trong qui tắc nầy là câu cách ngôn trong nguyên văn, còn câu thứ nhì làgiảng lý của Ðức Ðế Quân. Tôi có đề cập đến những điều đã chỉ bảo nơi đây. Ấy là việc cần thiết có một sự cảm thông chặt chẽ hơn nữa với Thiên Nhiên, nếu chúng ta thật muốn hiểu biết nó. Tôi tin không có một Tôn giáo nào, kể luôn những nghi lễ của những bộ lạc còn dã man và mới vừa xứng đáng với danh từ Tôn giáo, mà không có những khái niệm về Vũ Trụ nguyên thủy luận, một lối giải thích cõi đời hay là Thái Dương Hệ sinh ra cách nào? Không phải là vô lý đâu; mỗi lần Ðức Chưởng Giáo giáng phàm trong các giống dân phụ (sous races) thì Ngài in sâu vào trí não họ sự tin chắc rằng họ cần phải học hỏi đặng hiểu biết Vũ Trụ mà họ là những thành phần.

 Chúng ta càng thấy được toàn bộ Cơ Tiến Hóa thì chúng ta càng sống đúng theo nó trong đời sống của chúng ta và chúng ta càng có thể làm cho những sự hoạt động của chúng ta phù hợp với nó, cho đến những chi tiết nhỏ mọn. Ðối với những người chưa thực hành đầy đủ kinh nghiệm, tôi e rằng, khó mà hiểu những điều nói ở nơi đây về sự cần thiết của việc liên quan chặt chẽ với Thiên Nhiên. Tác giả không phải nói một cách mơ hồ và Ngài nói với sự biết rõ căn nguyên khi thốt ra câu: "Hãy hỏi đất, không khí và nước những bí mật mà chúng gìn giữ cho con". Những bí mật nầy giúp cho chúng ta hiểu được sự tiến hóa kỳ diệu và bao la bát ngát nầy. Một sự dạy dỗ đầu tiên ít ra cũng đủ để đề phòng con người khỏi sự nguy hiểm đặt trung tâm của sự sống vào trong mình mình. Nhiều người đã làm việc đó khi họ nói về ý tưởng phi lý nầy rằng: Tất cả những loài vật đặc biệt sinh ra cho nhân loại - loài thảo mộc, thì Kinh Thánh Bible nói chúng nó để làm thực phẩm cho con người - loài thú phải tuân theo ý muốn của Thượng Ðế, chúng phải phục vụ con người, dường như có nhiều thứ để cho con người ăn thịt. (tôi không tin ở đây nguyên văn trong Kinh Thánh Bible lại chính xác như thế). Kinh Thánh Bible không nói như vậy. Kinh Thánh nói: Thảo mộc và trái cây, đó là những gì mà Ðức Thượng Ðế đã cho con người để nuôi mình [143]. Người ta tin rằng tất cả sinh ra để cho con người dùng: như khí trời để cho người ta thở, nước để cho con người uống hay là để cho con người tắm, tất cả đều quây tròn chung quanh trung tâm con người. Tất cả điều nầy đều là một sự lầm lạc.

 Cũng mấy người nầy cho rằng Mặt Trăng vô ích trừ ra việc soi sáng họ ban đêm. Nếu đó là phận sự ngôi tinh tú nầy thì nó làm phận sự nó không đúng, bởi vì phân nửa thì giờ, nó không làm gì hết. Nhưng họ cứ nói: Mặt Trời có đây để soi sáng họ ban ngày và Mặt Trăng để soi sáng họ ban đêm. Ý kiến nầy không hề thay đổi. Nó rất lạ lùng khi chúng ta biết rõ sự việc. Chúng ta đứng đầu sự tiến hóa súc vật. Chúng ta tưởng rằng chúng ta làm ra một loài khác hơn loài thú, nhưng điều chắc chắn là chúng ta cao hơn hết trong những sinh vật có xác thịt nặng nề nầy. Trên chúng ta có hằng hà sa số những vị chỉ có Cái Trí và Cái Vía; những vị khác dùng những xác thân tạm thời làm bằng chất dĩ thái đặc lại.

 Nếu chúng ta muốn để riêng một trong những Bậc Tiến Hóa đó và nói vì họ mà Thái Dương Hệ hay là quả Ðịa Cầu có ra đây thì phải chọn lấy sự Ðại Tiến Hóa của các vị Thiên Thần hơn là sự tiến hóa của con người, bởi vì sự tiến hóa của các Thiên Thần thật là rất cao hơn và huy hoàng hơn sự tiến hóa của con người. Có những vị mà những sự kinh nghiệm về phương diện vật chất Hồng Trần đã chấm dứt ở những Dãy Hành Tinh khác và hiện giờ đây họ còn đang tiến hóa và sử dụng những cõi cao của Dãy Ðịa Cầu chúng ta. Thí dụ, những sự tiến hóa đang theo đuổi trên cõi Bồ Ðề không có chi chung cùng với ba cõi dưới, nơi mà chúng ta đang tiến hóa đây. Họ đã ở trên cảnh giới cao siêu cho đến đỗi mức độ thấp hơn hết của họ là cõi Thượng Giới (cõiTrí Tuệ), cõi nầy đối với chúng ta thật là cao lắm rồi. Những sự tiến hóa đó có thể vô cùng quan trọng hơn sự tiến hóa của chúng ta.

 Tất cả những điều chúng ta đã kiểm điểm hay là nhận thấy bắt buộc chúng ta phải tin rằng không có khoảng không gian nào đã mất hay đã bỏ trống. Tôi còn nhớ điều tôi đã nghe một lần trong cuộc hội họp Thần Linh Học, lúc mà tôi chưa biết Thông Thiên Học. Theo lời của người khuất mặt đang tiếp chuyện với những người dự hội thì trong phòng đầy những Vong Linh, Thần Linh [144]. Hơn nữa, ở ngoài phòng và cho tới ở trên Trời, một đám đông Thiên Thần đủ các cấp bậc từ trên không trung tuôn xuống như một dòng sông, rồi trở lên Trời lại. Y nói: "Trong không khí và ở ngoài xa mà y có thể phân biệt được, y thấy những vị cao cả nầy sắp hàng khít rịt". Ðối với tất cả, hình như Chi Bộ đặc biệt của chúng ta là một trung tâm hấp dẫn. Chắc là có những vị cao cả trong đám nói trên săn sóc nó. Nhưng mà ở phía ngoài, có những sự tiến hóa choán khắp không gian. Những sự tiến hóa nầy không có dính dáng chi với chúng ta hay là với một loạt tiến hóa song song với chúng ta.

 Tất cả trên không gian đều dẫy đầy những sự sống. Hơn ba phần tư diện tích của quả Ðịa Cầu bị nước bao phủ. Con người không thể sống dưới nước, nhưng mà tại đó sự sống vẫn tràn ngập. Khối đất quả Ðịa Cầu chứa một loại sinh vật di chuyển trong đất [145] cũng như ta di chuyển trong không khí, không bị sự cản trở nào cả. Trình độ nầy thấp hơn trình độ con người; về vài phương diện, trí khôn của họ sắc sảo hơn trí khôn của chúng ta, nhưng tóm lại thì ít thanh nhã ít cao thượng hơn trí khôn của chúng ta. Những sinh vật nầy [146] hoàn toàn khác hẳn chúng ta, cho đến đỗi sự tiến hóa bình thường của họ đối với chúng ta là sự phản tiến hóa.

 Không thể nào diễn tả đời sống nầy bằng ngôn ngữ thường của chúng ta, nhưng người ta có thể biết nó khi ra khỏi xác thân, chung đụng với nó và quan sát nó. Hơn nữa, tôi không khuyên làm thử việc nầy trước khi có những năng lực cao siêu và những tư cách khác đã được đề cập đến, vì việc đó là dấn mình vào chỗ cực kỳ nguy hiểm, nhất là trong những lực thấp thỏi sức mạnh phi thường, chúng không có tình cảm nào mà ta có thể hiểu được. Trong vài loại tiến hóa nầy, cái điều mà chúng ta gọi là quan niệm luân lý đạo đức không hề có. Tất cả mấy điều đó hoàn toàn khác hẳn những điều chúng ta đã biết. Tuy nhiên chúng ta phải biết chúng trước khi đi đến trình độ thiêng liêng và nhập vào Tâm của Thượng Ðế, bởi vì tất cả những sự sống nầy, cũng như sự sống của chúng ta, đều là sự sống của Thượng Ðế và muốn hiểu Thượng Ðế thì phải hiểu tất cả.

 16.- Hãy hỏi những vị Thánh của Ðịa Cầu những bí mật của các Ngài gìn giữ cho con.

 Dưới đây là giảng lý:

 Sự khắc phục những ham muốn của giác quan bên ngoài của con cho con điều đó.

 Trong các vị Thánh trên Ðịa Cầu chắc chắn có các Tôn Sư chúng ta. Tôi tưởng ở đây là Ðức Ðế Quân cũng muốn nói về các Ðại Thiên Thần. Chúng ta có thể giao thiệp với các Ngài và học hỏi được nhiều việc, chúng ta cũng nhờ Tôn Sư của chúng ta mà chúng ta hoạch đắc được nhiều sự hiểu biết và chúng ta đã hoạch đắc rồi. Các Ngài sai những Ðệ Tử của các Ngài dạy chúng ta những điều mà chúng ta phải mất một thời gian khá lâu mới tự mình tìm ra được. Lúc đầu tiên, các Ngài bảo chúng ta tự kiểm điểm lại các bài của Ngài dạy. Ðó là những điều mà chúng ta đã làm và vì vậy nhiều quyển sách Thông Thiên Học mới viết sau nầy có những chi tiết tường tận, tỉ mỉ hơn mấy quyển cũ; những lời dạy dỗ đã nhận được làmra phần chánh của mấy quyển nầy.

 Tham khảo ý kiến một vị Chơn Sư không phải có nghĩa là luôn luôn trình cho Ngài những câu hỏi. Có nhiều cách khác. Trong vài trường hợp, chúng tôi đã thực hành rồi, sau khi sắp đặt rành rẽ vài câu hỏi, chờ khi có dịp, thì chúng tôi hỏi Ngài, hỏi miệng, như là lời nói theo nghĩa thông thường của nó được dùng trên mấy cõi cao siêu. Có khi chúng tôi trình cho Ngài mấy câu hỏi đó trong lúc Ngài được rảnh mà nghe chúng tôi và Ngài cho chúng tôi những câu trả lời rất đích xác. Trong công việc hằng ngày của chúng tôi, chúng tôi muốn lợi dụng những sự hiểu biết cao siêu của Ngài, nhưng không có lúc nào chúng tôi nghĩ đến việc làm cho Ngài phải nhọc lòng trả lời những câu hỏi của chúng tôi. Như chúng tôi đã cắt nghĩa trước đây[147], vị Ðệ Tử có thể đem tư tưởng y kề bên tư tưởng của Tôn Sư y và khỏi gọi đến Tâm Thức của Ngài đặng coi cách Tôn Sư xem xét vấn đề nào đó. Không phải chúng tôi bắt buộc Ngài chú ý đến chúng tôi, chúng tôi chỉ sử dụng con đường liên lạc bên trong và đem tư tưởng chúng tôi kề bên tư tưởng của Ngài. Tôi xin cắt nghĩa: Vị Ðệ Tử bắt đầu học hỏi về vấn đề, y đi đến một kết luận mà y cho là hay hơn hết đối với y, rồi y so sánh kết luận nầy với ý kiến của Chơn Sư đặng xem hai tư tưởng có khác với nhau không? Nếu khác nhau y lập tức sửa đổi tư tưởng của y, vì y biết Chơn Sư rất Minh Triết và tư tưởng của Ngài rất đúng đắn.

 Có thể bất cứ giờ phút nào tham khảo ý kiến của Chơn Sư mà không làm bận rộn Ngài. Trong những trường hợp khác, cách liên lạc nầy không có chỉ dẫn, chúng tôi phải chờ một cơ hội thuận tiện trước khi trình Ngài câu hỏi và được Ngài trả lời. Ðiều kiện trước nhất, chắc chắn phải có một sự phát triển vừa đủ để ta có thể đến gần Chơn Sư mà không làm phiền các Ngài.

 Vài người bạn của chúng tôi mỗi đêm khi họ ngủ thì họ có bổn phận đến nhà Sư Phụ của mình đặng nhận những chỉ thị và đôi khi những sự dạy dỗ đặc biệt. Có khi tôi thấy Ngài rất bận rộn. Không để cho Ngài để ý đến chúng tôi, chúng tôi rút lui, không nói chi hết và tiếp tục công việc quen thuộc thường xuyên. Lẽ tất nhiên, vị Ðệ Tử nào cũng hành động như thế; trước nhất là lo lắng về sự tiện nghi của Chơn Sư. Y nghĩ đến Chơn Sư chớ không phải y nghĩ đến y trong trường hợp mà y có một việc quan trọng phải báo cáo. Nhưng những tân tín đồ, đôi khi, thấy rõ sự quan trọng, hoặc về những điều họ đã thực hành, hoặc những vấn đề họ muốn hỏi; họ ở gần một bên, làm cho Chơn Sư chú ý tới họ, cho đến đỗi Ngài phải ngưng công việc của Ngài. Vị Ðệ Tử cũ luôn luôn giữ gìn một cách hết sức thận trọng về bản tánh những tư tưởng và những tình cảm hướng về Chơn Sư đặng tránh mọi sự rung động bất điều hòa, dù là hết sức nhỏ nhoi. Ðiều nầy bắt y phải có đôi chút chú ý, bởi vì đôi khi có xảy ra những sự rung động bất điều hòa mà y không phải chịu trách nhiệm. Thí dụ, trong một thành phố lớn hoàn cảnh thường rất khó chịu: trong một đám đông, trong những giờ hoạt động ồn ào, khi những tiếng ầm ầm ghê hồn vang dậy thì tất cả những sự rung động dữ dội và đối nghịch nhau đập vào chúng ta. Người ta có thể tránh khỏi những sự rung động nầy tới một điểm nào đó và phải giữ gìn kỹ lưỡng đừng cho một sự rung động mà chúng ta bị ảnh hưởng truyền đến Chơn Sư. Chỉ một tư tưởng cũng đủ cho Chơn Sư che chở Ngài, nhưng chúng ta quyết tâm tránh cho Ngài điều đó. Thì giờ Ngài rất quí báu, nó có một giá trị rất lớn lao, thần lực của Ngài ban ra phi thường cho đến đỗi Ðệ Tử của Ngài không muốn cho nó mất một mảy may nào cả; đời sống của y cũng như đời sống của Chơn Sư đều hiến dâng cho công việc phụng sự. Ngoài ra những phận sự khác, y còn có bổn phận giữ sao cho cái đặc ân cực kỳ lớn lao của Chơn Sư ban cho y không gây ra sự xáo trộn nào cả khi Ngài làm cho Ðệ Tử của Ngài thành một tiền đồn của Tâm Thức Ngài. Rất dễ mà không cho những náo động nầy đụng chạm đến Ngài khi người ta đi tới giai đoạn học được phương pháp chỉ dạy; bây giờ đây, trong lúc chờ đợi thì phải đàn áp những sự ham muốn của giác quan bên ngoài mới được phép đến gần Chơn Sư đặng tham khảo ý kiến các Ngài.

 17. - Hãy hỏi bản thể sâu kín của con, Ðấng Duy Nhất, cái bí quyết cuối cùng mà Người dành sẵn cho con qua các thời đại.

 Bản thể sâu kín, Ðấng Duy Nhất đối với Phàm Nhơn quả thật là Chơn Nhơn; còn đối với Chơn Nhơn, ấy là Chơn Thần. Còn đối với Chơn Thần thì tôi chưa biết chắc là chi, vì tôi chưa thấy Chơn Thần. Chúng ta có thể thấy Ba Ngôi của Atma hay là biểu hiện của Chơn Thần, như vậy có thể có nhiều suy diễn. Nhưng tôi chưa chiêm ngưỡng đối diện với Chơn Thần. Các Tôn Sư của chúng ta đã thực hành điều nầy rồi, nhưng không thể nói cho chúng ta biết tất cả những điều các Ngài đã thấy hay là những điều các Ngài đã biết; điều nầy không có chi nghi ngờ nữa. Người ta trạng tả Chơn Thần như là một đốm lửa của Ngọn Lửa Thiêng. Một mặt khác, chúng tôi tưởng, trong lúc Biểu Hiện đầu tiên của Thái Dương Hệ chúng ta, Ðức Thái Dương Thượng Ðế đã truyền sự sống của Ngài cho Bảy vị Hành Tinh Thượng Ðế gọi là Bảy vị Ðại Thiên Thần phủ phục trước Ngai vàng (Les septs Esprits devant le trône de Dieu). Tôi không biết chi hết, nhưng tôi tưởng Chơn Thần do Ngọn Lửa Thiêng sinh ra và theo một trong Bảy Ðường màu sắc rực rỡ [148], thì Ðức Hành Tinh Thượng Ðế đã cho Chơn Thần bản thể, có thể được xem như là "Bản Tánh Sâu Kín Nhất". Và cũng thế đó, càng ngày càng lên cao. Mấy vấn đề nầy đối với chúng ta thật là không hiểu nổi; không có những danh từ để giải thích chúng. Ở dưới Trần Thế nầy, chúng ta không biết ra sao, nhưng mà trong lúc tham thiền, quan niệm nầy có thể có một giá trị rất lớn. Hình như Ðức Thượng Ðế cho xuống và cho vào trong vật chất một phần của Ngài và chia phần nầy ra Tinh Thần và Vật Chất, hai biểu hiện của Một Nguyên Lý. Xong rồi Ngài ngự trị, ngoài mấy điều đó. Ngài vốn vô tận, vô biên, vô sở bất tại (omniprésent) và bất biến. Bản thể sâu kín, Ðấng Duy Nhất, đã giữ gìn những Bí quyết cho chúng ta trải qua các thời đại, bởi vì lúc sơ khởi, Bản Ngã thâm sâu là Chơn Thần luôn luôn đã có nhiều sự hiểu biết. Chúng tôi không rõ những sự hiểu biết đó là cái chi? Chơn Thần là một đốm lửa của Ngọn Lửa Thiêng và Ðức Thượng Ðế là LửaThiêng, Ngài biết tất cả.

 Giảng lý qui tắc 17 nói với chúng ta như vầy:

 Sự chiến thắng lớn lao cực nhọc, sự chế ngự những dục vọng của Linh Hồn cá nhân là một công việc đòi hỏi không biết bao nhiêu thế kỷ mới hoàn tất. Vì thế con chớ mong được ban thưởng trước khi trải qua nhiều đời kinh nghiệm. Khi ngày giờ học hỏi qui tắc thứ 17 đã đến thì con người sắp trở thành hơn con người.

 Sự quả quyết nầy dường như là quá lố, nhưng chúng ta phải nói rằng tác giả nói những điều Ngài biết rõ. Chúng ta hãy nhớ rằng mấy điều nầy áp dụng cho hai trình độ khác nhau. Nếu đó là những sự ham muốn của Phàm Nhơn và ưa thích chúng hơn là những nguyện vọng của Linh Hồn thì sự khó khăn không phải là không thể vượt qua được. Còn bắt buộc những dục vọng của Linh Hồn cá nhân lệ thuộc những ham muốn của Chơn Thần là một công việc cực kỳ cao hơn và khi chúng ta nghe nói việc nầy cần phải vô số thời đại mới hoàn tất thì chúng ta tin ngay. Tuy nhiên, bắt đầu thực hành trong giai đoạn mới mẻ và cao cả những điều chúng ta đã làm xong trong giai đoạn thấp thỏi thì không phải có những sự khó khăn mà không thể vượt qua được, bởi vì đó cũng là một công việc khởi sự làm lại, mặc dù ở một quan điểm hoàn toàn khác hơn. Chắc chắn là cần phải vô số thời đại cho những ai giong ruổi chậm chạp trên con đường rộng rãi của sự tiến bộ nhân loại, và như chúng ta đã thấy, thường thường chỉ cần vài kiếp thôi cho những ai ngày nay đã bước vào Ðường Ðạo và bắt đầu leo thẳng lên núi. Khi mà sau bức màn, chúng ta xem được chương trình của Quần Tiên Hội thì chúng ta thấy những con số đưa ra dùng thật là khổng lồ. Các Ngài soạn những dự thảo với một sự chắc chắn phi thường và dường như tuyệt đối, không có cái gì cản trở được sự thực hiện. Các Ngài chia Tương Lai của Quần Tiên Hội ra những Thời Kỳ, mỗi Thời Kỳ tính ra lối 10.000 năm. Các Ngài nói: "Trong 10.000 năm chúng ta hoàn thành công việc nầy hay công việc nọ" và các Ngài thực hành. Nhưng mà công việc nầy không phải là cần thiết phân chia ra đều đều trong khoảng thời gian nầy. Theo những sự quan sát của tôi, tôi tưởng rằng có một chương trình theo đó một số công việc phải thực hành trong 200 năm đầu tiên, một số nữa trong 200 năm kế đó, tiếp tục như vậy làm sao hết một thời kỳ 1.000 năm thì đạt được một mục đích đặc biệt nào đó. Hình như trong những thời kỳ nhỏ 200 năm, số công việc đã chỉ định không phải luôn luôn hoàn tất. Trái lại, điều gì mà Quần Tiên Hội dự định thực hiện trong một thời kỳ dài lâu, như thời kỳ 1.000 năm thì luôn luôn được hoàn thành. Nếu trong lúc đầu công việc thấy chậm chạp thì tới lúc cuối cùng nó sẽ tiến nhanh.

 Dân chúng hay những quốc gia nào trước nhất được cơ hội đưa đến đặng làm công việc mà không chụp lấy thì luôn luôn một dự thảo thứ nhì lại được soạn ra. Nếu người nào đó hay là quốc gia nào đó thất bại thì phần dự bị sẽ bắt tay vào việc và công chuyện cũng sẽ làm xong nhưng phải chịu chậm trễ hơn trước một chút đỉnh. Hồi Ðại Thế Chiến, Anh Quốc đã chịu một sự thử thách về loại nầy. Chung qui Anh Quốc đã theo kịp tình thế và tỏ ra xứng đáng với nhiệm vụ. Không vậy thì một cường quốc khác đã được chọn lựa để sẵn sàng thay thế Anh Quốc, nhưng đúng ra cường quốc nầy sẽ thực hành công việc dự định trong một hay hai thế kỷ nữa, bởi vì nó chưa có thể hành động ngay bây giờ. Bởi vì tới ngày nay đây chúng ta biết lợi dụng cơ hội đưa đến (tôi ước ao chúng ta làm như thế cho tới cùng) quốc gia nầy sẽ có nhiều ngày giờ để phát triển. Những sự tiến bộ của nó sẽ vững vàng và dễ dàng hơn và sự mở mang của nó ít khổ cực hơn bây giờ, nếu trước kia chúng ta nao núng và kháng cự yếu dần.

 Hội Thông Thiên Học cũng như mỗi Hội viên đều ở vào trong một tình trạng tương tự. Hội viên nào tỏ ra có khả năng trong công việc tổng quát và làm cho người ta có cảm tưởng y sẽ giúp ích được trong một ngày gần đây thì sẽ chịu một sự thử thách. Y sẽ được dự vào một trong những việc cố gắng thành lập Giống Dân phụ thứ Sáu của giống Aryen chúng ta (là Giống Dân thứ Năm). Trong mấy điều đó, lẽ tự nhiên, không có việc một người tình nguyện mà cũng không có việc bắt buộc. Sớm hay muộn, tất cả đều đi đến mức toàn thiện trong khi tiến hóa; chúng ta hãy nhất định ngày giờ mà chúng ta dành để vào việc đó. Giải pháp hay hơn hết là làm việc hết sức hay mà không có mệt mỏi, không bị ép buộc phải cố gắng cho đến đỗi không còn sức tiếp tục một cách lâu dài được.

 Dù cho công việc chúng ta thế nào đi nữa, chúng ta vẫn có ích lợi mà biết chúng ta thuộc về Cung nào. Phần đông các bạn Thông Thiên Học của chúng ta thuộc về một trong năm Cung, từ Cung thứ Ba cho đến Cung thứ Bảy. Nhưng có nhiều bạn qua Cung thứ Nhứt và Cung thứ Nhì đặng sau làm việc dưới mệnh lệnh của hai Ðức Chơn Sư sáng lập Hội Thông Thiên Học. Hai Ngài sau sẽ là Ðức Bàn Cổ và Ðức Bồ Tát vị lai của Giống Dân Chánh thứ Sáu sẽ sinh ra trong vòng bảy trăm năm nữa. Nhiều người bạn chúng ta sẽ đầu thai vào giống dân nầy, còn những người khác thì thích Giống Dân thứ Năm[149] và giúp cho nó đi đến mức toàn thiện đã định sẵn cho nó. Còn nhiều người khác lại ưa noi theo gương những bậc Ðại Thiên Tài. Họ sẽ đầu thai vào Giống Dân Thứ Năm khi Giống Dân nầy lên tới cực điểm văn minh. Họ thích điều đó hơn là việc đi theo hai Ðức Chơn Sư là những vị gầy dựng Giống Dân Chánh thứ Sáu.

Tại Úc Châu, Mỹ Châu và mấy chỗ khác nữa, một cơ hội đặc biệt đưa đến cho những người muốn cộng tác vào sự phát triển của Giống Dân phụ thứ Sáu, bởi vì Giống Dân phụ nầy sẽ được thành lập rất mau lẹ. Còn ở những xứ thuộc về thế giới cũ hơn thì người ta chỉ gặp những người lẻ loi, cô lập. Nhiều người chết trong trận Ðại Thế Chiến đã đi đầu thai, nhưng thật ra tới bây giờ đây không có cái chi chứng tỏ rằng họ đã rời bỏ quê hương cũ của họ đặng đi qua những vùng mới. Những mẫu người của Giống Dân mới và ở trong những xứ của Thế giới cũ thì sẽ gặp những sự khó khăn nhiều hơn các bạn của họ vì bị áp lực của những ý tưởng cũ kỹ và những phong tục, những tập quán thủ cựu.

Trong những công việc nầy, không có người nào là không cần thiết. Riêng về phong trào Thông Thiên Học của chúng ta, chúng ta hãy tin chắc rằng những Ðấng Cao Cả đã nâng đỡ nó thì các Ngài sẽ chăm nom nó một cách tổng quát.

 Mới vừa rồi, khi thi hành lại phận sự của người Công Giáo, tôi nhận thấy Giáo Hội được dắt dẫn kỹ lưỡng biết bao và sự liên lạc giữa những người điều khiển nó ở dưới trần Thế với Chủ Nhân thiệt thọ của nó [150] sẽ mật thiết dường nào, nếu những người phụ tá phàm phu chuyên tâm đặng trở thành những vận hà đúng đắn. Ðã có biết bao trường hợp rồi mà họ không làm, họ chỉ tưởng đến thế lực và quyền lợi riêng tư; ấy là một sự thật đáng thương hại; thế nên họ không thấy được một vùng rộng lớn nơi đó họ có thể rèn luyện những năng lực tinh thần, những tài năng và những hoạt động của họ. Mới đây tôi khám phá ra những khả năng của chúng ta thật là phi thường biết dường nào mà thường thường ít ai tin điều đó; và căn cứ theo những điều tôi đã thấy, tôi chắc chắn rằng còn nhiều khả năng nữa trong những đường lối khác mà không ai ngờ.

 Không bao giờ tôi lấy làm lạ khi mà gặp ở khắp nơi các vị Tiên Thánh trong Quần Tiên Hội nhúng tay vào những công việc tốt đẹp, dù quan trọng hay không, bởi vì các Ngài không bỏ qua một cơ hội nào cả, dù là một cơ hội nhỏ nhít hơn hết. Một phong trào nào đó đưa ra những phần tử tốt thì nó được dùng trực tiếp về sự tốt đẹp của nó. Phong trào nầy cũng có thể đưa ra nhiều phần tử xấu, mấy người nầy đáng tiếc lắm, phải để họ qua một bên, nhưng mà họ không ngăn cản việc sử dụng trọn vẹn cái tốt ở trong mình họ. Trong người nầy hay trong phong trào kia, người ta có thể chú ý đến tánh mê tín ngu muội, ngược đãi, hành hạ, kiêu căng, ganh tị, ích kỷ và nhiều tánh xấu khác. Ba chục năm trước, tôi tưởng những tánh không tốt nầy ngăn cản không cho họ được dùng vào việc nào cả; nhưng nếu mấy tánh nầy là những chướng ngại lớn lao cho họ và ngăn trở họ không cho họ tiến bộ thì việc họ chỉ có một tánh tốt thôi cũng đủ giúp cho họ được sử dụng.

 Phương pháp nầy của Quần Tiên Hội dùng thật là khích lệ cho chúng ta. Biết được những sự khuyết điểm của mình, chúng ta tự hỏi: "Làm sao một vị Chơn Sư gặp ở nơi tôi điều gì dùng được, trong khi tôi còn phạm nhiều lỗi lầm?" Tuy nhiên bổn phận của chúng ta là phải làm với tất cả khả năng của chúng ta. Chơn Sư sẽ dùng cái gì mà Ngài thấy là tốt ở nơi chúng ta. Ðồng thời chúng ta có một phận sự lớn lao khác là chừa bỏ cái gì ngăn cản Ngài không cho Ngài dùng chúng ta một cách dễ dàng. Ngài dùng chúng ta cách nào được thì dùng. Chúng ta phải làm cho sự hành động của Ngài được dễ dàng bằng cách trở thành những vận hà tuyệt diệu.

 Quần chúng có thể mở mang theo nhiều cách mà mỗi cách đòi hỏi nhiều kiếp đặng phát triển những đặc điểm riêng biệt của nó. Tôi dùng một phần lớn kiếp sống nầy đặng mở mang về khía cạnh quyền năng của tôi, tôi học cách sử dụng Thần Nhãn và học hỏi nó trong những sách của tôi. Gặp Ông William Crookes trong Hội chúng ta, tôi trở thành người cộng sự với ông. Ông hiến đời ông cho Hóa Học và thật hiểu nó rành rẽ. Tôi thường nói: "Nếu tôi có sự hiểu biết của ông và ông có Huệ Nhãn của tôi, thì chúng ta làm được biết bao công việc". Chúng ta không thể trong một kiếp mà có được hai thứ phát triển nầy và rất tiếc; mỗi thứ đòi hỏi trọn một kiếp người. Sir William Crookes đã dùng trọn đời ông vào những công việc Hóa Học, kiếp sau ông trở lại cõi Trần không có sự hiểu biết tường tận, tỉ mỉ như ngày nay; song ông sẽ có những năng lực tìm gặp mấy điều nầy gần như tự nhiên. Còn tôi, trọn đời, tôi lo mở mang những quyền năng. Tôi không biết tôi có thể truyền cho Xác Thân tôi kiếp sau cái chi thuộc về những quyền năng nầy, nhưng tôi sẽ truyền lại được càng nhiều càng tốt. Rồi tôi sẽ đi theo một trong những phương hướng khác, nếu nhiệm vụ tôi cho tôi làm điều đó. Trong khi chờ đợi, những người nào muốn chia sớt công việc đặc biệt của chúng tôi thì hãy dự vào, chúng tôi không còn rảnh rang đặng lo lắng những công việc khác.

 Phải lần lượt đạt được tất cả những mục đích, cái nầy rồi tới cái kia. Chúng ta sẽ thành công, bởi vì chúng ta không mất sự hiểu biết nào đã hoạch đắc được khi chúng ta không còn theo đuổi nó nữa và tìm kiếm cái khác. Nếu trong kiếp nầy, chúng ta đã phát triển về phương diện Thông Thiên Học, thì kiếp sau có lẽ sự hoạch đắc những năng lực trí thức và sùng đạo thâm sâu sẽ được dễ dàng nhờ sự luyện tập của chúng ta ngày nay; không kể một sự ích lợi lớn lao khác, chúng ta có thể chắc chắn không lạm dụng những năng lực nầy khi chúng ta đã đạt được chúng nó.

 Phải tiến tới mau lẹ. Chúng ta có thể ở gần sự phát triển cao thượng hơn là chúng ta tưởng tượng điều đó. Nếu phải để một, hai kiếp đặng hoạch đắc những năng lực nầy thì cái đó có nghĩa chi đâu. Chúng ta có đủ ngày giờ cần thiết. Vậy, chúng ta hãy nhắm lên cao, phải cố gắng hoạch đắc tất cả những sự mở mang Tinh Thần, trí thức và sự hiểu biết thâm sâu. Chúng ta tìm thế chọc thủng một vách tường dốt nát, thành kiến, nó bao bọc chúng ta đã nhiều kiếp rồi. Chúng ta giống như một tên tội nhân muốn thoát ra ngoài. Nó đào mãi, không ngừng nghỉ. Nó không biết lúc nào cái cuốc nhọn của nó xuyên qua vách tường. Sự ban thưởng nó sẽ đến ngay cái một. Nếu chúng ta còn nhiều sự hiểu biết phải hoạch đắc thì có thể chúng ta đạt được chúng nó mau lẹ. Muốn được vậy, chúng ta hãy theo chân các Ngài và phải biết học hỏi những bài mà các Ngài xét ra thích hợp với nhu cầu của chúng ta.

Qui tắc 18, nó cũng là chú giải của Ðức Ðế Quân.

 18.- Sự hiểu biết mà con có bây giờ thuộc về phần riêng của con, vì Linh Hồn con đã đồng hóa với tất cả những Linh Hồn trong sạch và Ðấng ở sâu kín hơn hết nơi con. Ấy là một bảo vật của Thượng Ðế đã ký thác cho con. Nếu con phản bội lòng tin của Ngài, nếu con dùng sai lạc sự hiểu biết nầy hay là con bỏ phế nó thì con vẫn có thể, ngay bây giờ đây rơi xuống từ chỗ cao siêu mà con đã lên tới. Có những Ðấng Cao Cả, đi tới ngưỡng cửa mà rơi xuống vì không đương nổi những trọng trách của mình. Vì vậy hãy luôn luôn để ý lo sợ khi nghĩ đến giờ phút nghiêm trọng đó và hãy chuẩn bị để chiến đấu.

Hình như không thể nào những Ðấng Cao Cả đi tới ngưỡng cửa mà lại có thể rơi xuống được. Càng ngày huynh càng lên đến gần các Ngài thì huynh càng thấy không thể có sự rơi xuống, bởi vì người ta không thể quan niệm rằng một người đi đến địa vị cao siêu như vậy mà còn có một mảy may ích kỷ trong lòng. Nhưng mà vẫn có điều đó, bởi vì Người quả quyết với chúng ta việc nầy đã biết rõ căn nguyên. Tư tưởng của Bản Ngã rất tế nhị, nó sống lại một cách bất ngờ ở những cảnh giới mà một chuyện như vậy nhất định không thể nào có được. Chúng ta hãy để ý đến lời cảnh cáo nầy và đừng tưởng tượng quá mau rằng chúng ta không để cho sự ích kỷ ảnh hưởng đến chúng ta. Ấy là chướng ngại chót có thể cản trở chúng ta tiến tới, nhưng mà hình dạng của nó rất nhiều và nó hết sức tế nhị.

 Ba qui tắc chót cũng vậy, chúng nó làm ra một loạt. Số 19 gồm một giảng lý của Ðức Ðế Quân soạn ra:

 19.- Ðã có ghi chép rằng ai đi đến ngưỡng cửa của Thần Minh thì không còn qui luật nào để dạy nữa, không còn ai dắt dẫn nữa.

 Tới trình độ nầy, sự dạy dỗ bên ngoài không còn chút chi cần thiết cho vị Ðệ Tử nữa. Y đã đọc trong quyển sách của Thiên Nhiên, trên năm cõi của sự tiến hóa của con người. Y sắp sửa loại bỏ chướng ngại chót: ấy là Avidya (Vô Minh). Khi đó luật ngự trị đời sống của y chỉ phô diễn trong thâm tâm y. Tất cả những lời giải thích trở thành vô ích. Ðức Ðế Quân thêm vào: 

 Nhưng mà để giác ngộ người Ðệ Tử, sự chiến đấu cuối cùng có thể được diễn tả như sau đây:

 Rồi đến ba qui tắc:

 Hãy chủ tâm, hãy tha thiết vào cái gì không có thể chất mà cũng không có sự tồn tại.

20. - Hãy nghe theo Tiếng Nói Vô Thinh mà thôi.

21.- Hãy chăm chú nhìn vào cái vô sắc đối với những giác quan bên trong cũng như những giác quan bên ngoài.

CẦU CHÚC CHO CON ÐƯỢC AN TỊNH

Δ

  -----*****-----

H Ế T

(Dịch xong ngày 7 tháng 7 năm 1974)


Chú Thích

 [1a] nó đây là lòng ham muốn

[2a] Tức là hết cuộc Tuần hoàn thứ bảy.(lời dịch gỉa)

[3a]] Ðây có nghĩa là: con người thành Tiên Thánh, Thú vật thành Con người hay các Tinh linh, Thảo mộc thành Thú vật, Kim thạch thành Thảo mộc. (Lời dịch giả)

[4a] Tức là trong hữu vi có vô vi và trong vô vi có hữu vi. (Lời dịch giả)

[5a] Gunas hay Gounas là đặc tánh của vật chất. Vật chất có ba đặc tánh: Rajas: Ðộng,Tapas: Tịnh, Sattvas: Tiết điệu, Quân bình.

[1] Tôi có gởi thơ qua Adyar xin giải nghĩa câu này thì được Bà Emma Hunt phúc đáp như sau đây:

Câu: He hitches his wagon to a star là phương ngôn được người Anh thường dùng để nói chuyện với nhau. Câu này lấy trong quyển sách của Emerson. Ðức C. W. Leadbeater dùng nó trong quyển Giảng lý Ánh Sáng Trên Ðường Ðạo có nghĩa là Người đó có một mục đích rất cao xa. Người ấy muốn nói: Một khi chương trình làm việc của Quần Tiên Hội chiếu xuống chân trời của người ấy thì y có một mục đích thật cao xa.

Khi dịch đoạn văn ở chương 70, Huynh có thể nói: Y có một mục đích thật cao xa. Y đặt trước y những lý tưởng thật cao xa... Thân ái chào Huynh.

[2] Ðây là nói theo kinh sách Công truyền (Lời dịch giả)

[3] Clergyman: Giáo sĩ theo Anh Quốc Tôn Giáo.

[4] Khi được Ðiểm Ðạo lần thứ nhứt.

[5] Nhân Thể: Corps causal ou Corps mental (Lời dịch giả)

[6] Ấy là cuốn Thiên Thơ (Lời dịch giả)

[7] Xin nhớ Nhân Thể là Thượng Trí. (Lời dịch giả)

[8] Nghĩa là đi từ trong ra ngoài, chớ không phải đi từ ngoài vô trong. (Lời dịch giả)

[9] Trước khi được Ðiểm Ðạo lần thứ tư. (Lời dịch giả)

[10] Khỏi bị áp lực của tư tưởng. (Lời dịch giả)

[11] Ðây là Tinh Chất Cái Vía. (Eùlémental astral)

1 Nó đây là lòng ham muốn (Lời dịch giả)

[12] Christianisme somatique.

[13] Christianisme spirituel.

[14] Tức là Tự giác nhi giác tha. (Lời dịch giả)

[15] Tôi xin kính cẩn nói rằng: vài trăm ngàn năm nữa tới giống dân thứ 6 và thứ 7. (Lời dịch giả)

[16] Vì trái đất quay chung quanh mặt trời với tốc độ là 106.560 cây số một giờ. (Lời dịch giả)

[17] Tại cõi Trần chúng ta biết có 3 bề hay 3 thứ nguyên khí: bề dài, bề ngang, bề cao hay bề sâu. Còn bề thứ tư, bề thứ năm, bề thứ sáu, bề thứ bảy, con người chưa biết. (Lời dịch giả)

[18] Les Maitres et le Sentier, Chapitres III et IV.

Chương III Con đường dắt đến Chơn Sư.

Chương IV Ðệ Tử Nhập Môn.

 (Lời dịch giả)

[19] Cái vỏ này làm bằng chất dĩ thái. Khi công việc xong rồi anh làm cho nó tan rã. (Lời dịch giả)

[20] Bởi vì lúc Ðiểm Ðạo lần thứ nhứt Phàm nhơn đã nhập một với Chơn nhơn rồi.

[21] Chữ Hiérachie, tôi dịch Quần Tiên Hội hay Thiên Ðình cũng cùng một nghĩa (Lời dịch giả)

[22] Dharma có nhiều nghĩa như: Bổn phận, luật pháp, nguyên tắc, nền tảng, tùy theo chỗ. (Lời dịch giả)

[23] Bảy con đường mở ra trước mặt vị Siêu phàm. Ngài có quyền theo đuổi con đường nào cũng được. Bảy con đường nầy là:

1/. Hoặc nhập vô Niết Bàn sau làm một vị Avatar, hóa thân của Ðức Thái Dương Thượng Ðế trong một vũ trụ khác, gọi là mặc áo Darmakaya.

2/. Hoặc nhập vào Niết Bàn, ở vào một trạng thái thiêng liêng không hiểu được, gọi là mặc áo Sambhogakaya.

3/. Hoặc sanh ra thần lực rồi cho nhập vô kho thần lực để các nhân viên của Quần Tiên Hội dùng đặng độ đời, gọi là Nirmanakaya.

4/. Lãnh một nhiệm vụ tại Thiên Ðình đặng giúp nhơn loại. Ấy là những vị trong Quần Tiên Hội còn giữ xác phàm từ Chơn Sư cho tới Ðế Quân và Tam Thanh.

5/. Nhập vào hàng các Ðại Thiên Thần.

6/. Lo tạo lập Dãy Hành Tinh sau.

7/. Nhập vào Bộ Tham Mưu của Ðức Thái Dương Thượng Ðế và đem chỉ thị của Ngài khắp các Dãy Hành Tinh của Thái Dương Hệ.

Những vị ở lại cõi Trần tu hành thêm và càng ngày càng lên cao.

Từ 5 lần Ðiểm Ðạo đến 6 lần Ðiểm Ðạo làm một vị Ðế Quân hay là lãnh một nhiệm vụ khác.

Từ 6 lần Ðiểm Ðạo lên 7 lần Ðiểm Ðạo làm một vị Bàn Cổ (Manou) hoặc làm một vị Bồ Tát (Bodhisatva) hoặc làm một vị Văn Minh Ðại Ðế (Maha Chohan) tùy theo cung hoặc lãnh một nhiệm vụ khác.

Từ 7 lần Ðiểm Ðạo lên 8 Ðiểm Ðạo làm một vị Ðộc Giác Phật hay là một vị Phật Ðạo đức tùy theo cung hoặc lãnh một nhiệm vụ khác.

Từ 8 lần Ðiểm Ðạo lên 9 lần Ðiểm Ðạo làm một vị Ngọc Ðế (Seigneur du Monde) cai trị một Bầu Hành Tinh.

Từ 9 lần Ðiểm Ðạo lên 10 lần Ðiểm Ðạo làm một vị Phổ Tịnh Ðại Ðế coi sóc sự tiến hóa của Nhơn Vật trọn một cuộc Tuần Huờn (Une Monde) gồm 7 Bầu Hành Tinh, v.v

Từ 6 lần Ðiểm Ðạo sắp lên ở mấy cõi khác chớ không phải tại Dãy Ðịa Cầu này.

Dãy Hành Tinh sau là Dãy Hành Tinh thứ 5. Dãy Ðịa Cầu của chúng ta hiện giờ là Dãy Hành Tinh thứ 4. Tôi có giải trong bộ Học Cơ Tiến Hóa và Sự sanh hóa các giống dân trên dãy Ðịa Cầu. (Lời dịch giả)

[24] Ðối với con người thì vị Siêu phàm vốn toàn giác, Ngài không còn cái chi để học hỏi trên Dãy Ðịa Cầu nầy nữa, nhưng mà Ngài phải học hỏi những cõi khác trong Vũ trụ.

[25] Ðây là sự biểu hiện của Ngôi thứ Ba gọi là Ðức Chúa Thánh Thần, (Saint Esprit) 3e Logos ở tại cõi Niết Bàn. (Lời dịch giả)

[26] Tức là được Ðiểm Ðạo lần thứ 5

[27] Công vụ các sứ đồ II- 3 (Actes II-3)

 Những lằn giống như những lằn lửa, cái này cách xa cái kia, hiện ra cho họ và ở trên đầu mỗi người. (Lời dịch giả)

[28] Ðây là tượng trưng sự hợp nhứt với Ngôi thứ Nhì của Ðức Thái Dương Thượng Ðế.

 (Lời dịch giả)

[29] Xin quí bạn chú ý đến 3 chữ Vô tư lợi bởi vì có người hành động rất nhiều song vì tư lợi.

 (Lời dịch giả)

[30] Chúng ta phải sáng suốt mới ít lầm lạc trong sự hành động, vì thế cần phải có nhiều kinh nghiệm. (Lời dịch giả)

[31] Ấy là chất Nguyên tử căn bản (Matière atomique) làm ra Cảnh thứ nhứt của cõi Thượng Giới hay là cõi Trí Tuệ. (Lời dịch giả)

[32] Bagavad Gita II -27

[33] Khi được Ðiểm Ðạo lần thứ Nhứt, Phàm Nhơn nhập một với Chơn Nhơn.

[34] Khi được 5 lần Ðiểm Ðạo thành một vị Siêu Phàm.

[35] Lúc con thú có Thượng Trí được đi đầu thai làm người.

[36] Pitris có nghĩa là tổ tiên con người (ancêtre direct de l’homme)

Dãy Nguyệt Cầu là Dãy thứ Ba, xin xem quyển Sự sanh hóa các giồng dân trênDãy Ðịa Cầu của tôi. (Lời dịch giả)

[37] Thể Cá nhân (Véhicules individuels) là cái Thể dùng riêng cho mỗi cõi như Thể Hạ Trí dùng ở cõi Hạ Thiên, Thể Vía dùng ở cõi Trung Giới, v. v.

[38] Cái Vía gọi là Thể Nguyệt Tinh, bởi vì nó do các v Siêu Phàm ở Dãy Nguyệt Tinh (Barishads Pitris) làm ra, nó liên lạc với Mặt Trăng. (Lời dịch giả)

[39] Ðây là nói bóng dáng về những năng lực của mình. (Lời dịch giả)

[40] Về sự hoạt động của Ba Ngôi, phải tu hành tới bực La Hán mới hiểu được rành rẽ. Thật ra chúng ta còn xa trình độ đó. Thế nên tôi tưởng điều hay hơn hết là lo tu tâm dưỡng tánh đặng làm chủ ba thể: Thân, Vía, Trí. Chúng ta phải lo tiến lên rồi sẽ hiểu biết lần lần tùy theo sự mở mang tâm thức của chúng ta. Ðem bàn cãi những vấn đề như thế rất vô ích, vì không đi đến đâu cả mà lại còn mất niềm hòa khí. (Lời dịch giả)

[41] Progression arithmétique.

[42] Progression géométrique

[43] Xin đừng lầm lộn chữ Bouddhi và Manas đây là Ngôi thứ Nhì và Ngôi thứ Ba của Chơn Nhơn chớ không phải Thể Bồ Ðề (Corps Bouddhique) và Nhân Thể hay là Thượng Trí (Corps Causal ou Corps Mental Supérieur).

 Ðoạn nầy hết sức khó, cao hơn trình độ của chúng ta hiện thời, chúng ta không hiểu gì hết. Thấy nói vậy thì hay vậy. (Lời dịch giả)

[44] Manas đây là Ngôi thứ Ba của Chơn Nhơn.

[45] Chúng tôi nghĩ dịch Non Manifesté là Vô Sanh đúng hơn là không biểu lộ bởi vì cái chi có sanh, có biểu lộ ra là có diệt. (Lời dịch giả)

[46] Kinh sách xưa Ấn Ðộ dùng chữ Atma đồng nghĩa với Chơn Thần (Monade).

[47] Monde nouménal.

[48] Phủ định (Lời dịch giả)

[49] Lớp vách tường này là những tư tưởng ích kỷ, xấu xa. (Lời dịch giả)

[50]Ấy là những vị La Hán đã chặt đứt được chướng ngại thứ 8 Mano là kiêu căng. Tâm Ngài đã thanh tịnh. (Lời dịch giả)

[51] Ahamkara có nhiều nghĩa, ở đây có thể gọi là: Tánh ích kỷ, ảo tưởng của Phàm nhơn.

 (Lời dịch giả)

[52] Tức sắp thành Chánh Quả. (Lời dịch giả)

[53] Ðây là cõi Niết Bàn. (Lời dịch giả)

[54] Ấy là Ðức Ngọc Ðế, ba vị Ðộc Giác Phật, Ðệ Tử của Ngài và 25 vị Ðại Thánh khác.

[55] Ấy là những vị Barishads Pitris làm ra xác thân con người. Các Ngài là những vị ChơnTiên của Dãy Nguyệt Tinh. (Lời dịch giả)

[56] Người ta gọi con đường Ðạo là con đường chật hẹp. (Lời dịch giả)

[57] Bức tường Vô minh.

[58] Oupadhi: tiếng Phạn có nghĩa là cách che giấu. Ðây có nghĩa là vận cụ. (Lời dịch giả)

[59] Tức là cõi Bồ Ðề. (Lời dịch giả)

[60] Inquisiteurs: Những vị Pháp quan thuở xưa.

[61] Chữ Conscience tôi dịch là Tâm ý, không dịch là Lương tâm. (Lời dịch giả)

[62] Tức là cõi Bồ Ðề.

[63] Xin nói thêm Sau khi Ðiểm Ðạo lần thứ Nhứt hay là lúc thuận tiện thí sanh nhờ Tôn Sư hay là một vị Ðại Sư Huynh đem lên cõi Bồ Ðề tập luyện một vài cách.

 Không có sự giúp đỡ nầy, không khi nào vị Tu Ðà Huờn lên tới cõi Bồ Ðề được. Anh mới hoạt động ở cõi Trung Giới và cũng có thế ở cõi Hạ Thiên. (Lời dịch giả)

[64] Có lẽ Chơn Sư muốn đề phòng tánh kiêu căng của con người. (Lời dịch giả)

[65] Ðắc Ðạo thành Chánh Quả. (Lời dịch giả)

[66] Saint Jean – III – 27.

[67] Chưa thông Luật Trời, chưa biết lẽ Ðạo. (Lời dịch giả)

[68] Sự hiểu biết, sự tin chắc và sự an tịnh là những tặng phẩm của Thiên Ðình ban cho. Chúng là những quyền năng. (Lời dịch giả)

[69] Chơn Thần cư trú tại cõi Ðại Niết Bàn.

[70] Ấy là cõi Niết Bàn. (Lời dịch giả)

[71] Ðây là an phận, vui lòng trả quả. Rất có phước là kiếp này trả rồi, kiếp sau khỏi trả. (Lời dịch giả)

[72] Vị Tu đà Huờn phải diệt xong 3 chướng ngại này mới được Ðiểm Ðạo lần thứ nhì.

[73] Sự Biểu Hiện là Ngôi thứ Ba của Ðức Thái Dương Thượng Ðế.

[74] Những cõi này là 7 cõi Thái Dương Hệ của chúng ta. (Lời dịch giả)

[75] Bảy cõi của Thái Dương Hệ của chúng ta nhập lại làm ra cõi Nguyên khí của Không Gian (Plan Cosmo Prakritique). Ðây có nghĩa là trên Không Gian còn có 7 cõi, xin gọi đồng tên của 7 cõi của Thái Dương Hệ chúng ta nhưng cao hơn nhiều lắm (Les 7 grands Plans Cosmiques): Ấy là: 1/ Cõi Tối Ðại Niết Bàn Không Gian. 2/ Cõi Ðại Niết Bàn Không Gian. 3/ Cõi Niết Bàn Không Gian. 4/ Cõi Bồ Ðề Không Gian. 5/ Cõi Thượng Giới hay Cõi Trí Tuệ Không Gian. 6/ Cõi Trung Giới Không Gian. 7/ Cõi Hạ Giới Không Gian (Plan Cosmo Prakritique) là cõi thấp hơn hết, cõi thứ bảy.

 Tất cả những ngôi tinh tú ta thấy ban đêm đều ở cõi Hạ Giới Không Gian này. Trong vũ trụ có không biết bao nhiêu Thái Dương Hệ. Có những Thái Dương Hệ lớn hơn Thái Dương Hệ của chúng ta mười lần, trăm lần, muôn lần và cả triệu lần. Những vị Thái Dương Thượng Ðế của những Thái Dương Hệ đó cao hơn Ðức Thái Dương Thượng Ðế của chúng ta nhiều lắm. Vũ trụ vốn vô biên. 

[76] Ba trạng thái của Ðức Thái Dương Thượng Ðế. (Lời dịch giả)

[77] Chơn Linh cao cả tức là Ngôi thứ Nhứt. Cõi cao hơn hết trong 7 cõi trong 7 cõi Thái Dương Hệ là cõi Tối Ðại Niết Bàn cũng gọi là cõi Thái Cực. (Plan Adi ou Plan Mahaparanirvanique). (Lời dịch giả)

[78] Gnostique do chữ Gnose mà ra. Gnose có nghĩa là Khoa học của Trời (Science de Dieu). Pistis Sophia là quyển sách căn bản của Cao đẳng Thần Học (Gnosticisme). La Gnose cũng là Khoa Bí Truyền vậy. (Lời dịch giả).

[79] Mỗi năm đúng giờ trăng tròn của tháng 7 dương lịch (Juillet) thì Ðức Bồ Tát là Ðức Di Lạc lập lại bài Chuyển Pháp Luân của Ðức Phật cho Tiên Thánh và các Ðệ Tử nghe. Ngài nói bằng tiếng Pali (Nam Phạn) và người Ý nghe bằng tiếng Ý, người Pháp nghe bằng bằng Pháp, người Anh nghe bằng tiếng Anh, người Nhựt nghe bằng tiếng Nhựt v. v., nghĩa là mỗi thính giả nghe bằng tiếng mẹ đẻ của mình. Thật là phi thường, người đời khó tin, nhưng đó là sự thật. Lễ này gọi là lễ Asala Lễ Chuyển Pháp Luân. (Lời dịch giả).

[80] Trong Tân Ước: Kinh sách viết rằng: Abraham có hai người con trai, một đứa do người vợ nô tì sinh ra, một đứa do người vợ tự do sinh ra, đứa con của vợ nô tì sinh ra là do xác thịt, đứa con của người vợ tự do sinh ra là theo lời hứa hẹn. Những việc này có ý nghĩa bóng dáng, tượng trưng, hai người đờn bà này là hai sự phối hợp. Một là của núi Sinai, sinh ra đặng làm nô lệ; ấy là Agar, bởi vì Agar là núi Sinai ở xứ Á rập (Arabie) và đối chiếu với Jérusalem hiện thời, đương ở trong sự nô lệ với mấy đứa con của nó, nhưng Jérusalem trên cao, được tự do, ấy là Mẹ của dân chúng ta. (Galates – IV – 24)

(Lời chép lại Dịch giả)

[81] Chữ Monde Gris tôi tưởng nên dịch là cõi Mờ Mờ nếu dịch là Thế Giới Xám thì nghe không được. (Lời dịch giả)

[82] Lên cõi Thượng Thiên (Plan Mental supérieur) (Lời dịch giả)

[83] Trong quyển Ánh Sáng Á Châu, quyển VIII.

[84] Tôi xin nói rằng trước kia hai vị Ðại Ðức Annie Besant và Leadbeater giảng lý 3 quyển: Dưới Chơn Thầy, Tiếng Nói Vô Thinh và Ánh Sáng Trên Ðường Ðạo cho các bạn chí nguyện làm Ðệ Tử. Sau mới được phép đem ra phổ biến cho quần chúng. Hai vị Ðại Ðức nói với các sanh viên Huyền Bí Học, chớ không phải giảng cho độc giả nghe. Các Ngài, nhứt là Ðức Leadbeater thuật lại những điều Ngài đã học hỏi và kinh nghiệm. Người không biết lý do tưởng đâu là Ngài có ý khoe khoang. Xin quí bạn hiểu cho điều này. (Lời dịch giả)

[85] Xin đọc quyển Chơn Sư và Ðường Ðạo (Les Maitres et le Sentier):

 Chương IV Ðệ Tử Nhập Môn.

 Chương V - Ðệ Tử Chánh Thức.

[86] Những người sống lúc ngủ, ở trong Cái Vía, qua cõiTrung Giới. Dầu ngủ ban ngày hay ban đêm cũng vậy. (Lời dịch giả)

[87] Ngày Ðại An Tịnh là khi được Ðiểm Ðạo lần thứ 5, làm một vị Siêu Phàm. (Lời dịch giả).

[88] Cõi Phàm Trần, cõi Trung Giới và cõi Hạ Thiên là ba cõi của Phàm Nhơn. (Lời dịch giả)

[89] Vị Ðại Thánh ở cõi Trần. (Lời dịch giả)

[90] Tất cả những thú một loại với nhau trên Ðịa Cầu đều có một Hồn chung gọi là Hồn Khóm (Aâme groupe). Tỷ như, các loại cọp có một Hồn chung gọi là Hồm Khóm Cọp Hùm. Có những Hồm Khóm Chó, Hồn Khóm Mèo v. v. Xin xem quyển Sự sanh hóa các giống dân trên Dãy Ðịa Cầu của tôi. (Lời dịch giả)

[91] Xin xem bài L’ égo et la personnalité của Ðức Leadbeater (Chơn Nhơn và Phàm Nhơn đã xuất bản rồi) (Lời dịch giả)

[92] Tôi tưởng Ðức Leadbeater muốn nói: Một thành phần của chúng ta đây là Cái Trí.

 Trong cuộc Tuần Huờn thứ Tư này, đáng lẽ con người chỉ mở mang Cái Vía là tình cảm mà thôi. Nhưng 16 triệu rưỡi năm trước, nhờ Ðức Ngọc Ðế, 3 vị Ðộc Giác Phật và lối 25 vị Ðại Thánh từ Kim Tinh xuống coi sóc sự tiến hóa tại cõi Trần và làm cho Cái Trí con người phát triển mau lẹ, cho nên ngày nay Nhơn loại mới đi đến mức độ nầy. Nghĩa là Nhơn loại mở Cái Trí một cuộc Tuần Huờn bởi vì theo Luật Trời qua cuộc Tuần Huờn sau con người mới mở mang Cái Trí. (Lời dịch giả)

[93] Năng lực Bồ Ðề là Trực Giác. Dùng được Trực Giác nhìn vô vấn đề nào thì biết liền nó đúng hay không đúng với Chơn Lý, khỏi cần phải suy luận.

 Phải dùng Trực Giác đặng kiểm soát hành động của Cái Trí mới khỏi sợ lầm lạc. Chưa dùng được Trực Giác mà Cái Trí mở mang rất nhiều thì con người sẽ kiêu căng, tự phụ, coi Trời bằng cái vung, không sợ luật Báo Ứng Tuần Huờn. Vì thế người ta gọi Trực Giác là đối lực của Hạ Trí. (Lời dịch giả)

[94] Ðoạn này quí bạn nên suy nghĩ cho lắm mới hiểu. (Lời dịch giả)

[95] Ðấng Christ đứng về phương diện Ðức Chúa Con. (Lời dịch giả)

[96] Ở đây nói về Chân và Mỹ, còn Thiện là đã nói trước kia rồi. (Chân, Thiện, Mỹ)

[97] Nguyên văn chữ Pháp: Les pensées de Dieu dépassent les nôtres dans la mesure òu Dieu est supérieur à l’homme dịch từ chữ là: Những tư tưởng của Thượng Ðế vượt qua tư tưởng của chúng ta trong phạm vi mà Thượng Ðế cao hơn con người. Nhưng tôi thấy dịch như vậy độc giả rất khó hiểu. Tôi tưởng ý nghĩa câu nầy như vầy: Ðức Thượng Ðế cao hơn con người bao nhiêu thì tư tưởng của Ngài cao hơn tư tưởng của chúng ta bấy nhiêu. (Lời dịch giả)

[98] Phái Vị lai sản xuất ở Ý từ năm 1910 về Hội họa, Ðiêu khắc và Văn học.

Phái Lập phương xuất hiện từ năm 1906. Trường Mỹ thuật nầy cho rằng vật nào cũng có thể dùng những Kỹ hà học đặng trình bày những trạng thái của nó. Khởi đầu có họa sĩ Pháp Césanne, kế đó là họa sĩ và điêu khắc Tây ban nha Picasso. (Lời dịch giả)

[99] Ấy là Ðức Bồ Tát, Bodhisatva hoặc Maha Gourou theo Ấn Giáo, dịch ra Pháp văn là Instructeur mondial. (Lời dịch giả)

[100] Ngọn Lửa Trời là Ðức Thượng Ðế, còn đốm lửa là Ðiểm Linh Quang. (Lời dịch giả)

[101] Trong quyển Giảng lý Dưới Chơn Thầy Chương XVIII Tự chủ trong lúc tư tưởng hai Ðại Ðức A. Besant và Leadbeater có giảng rất nhiều về sự làm chủ Cái Trí và Tâm phải thanh tịnh. Tôi tưởng đoạn dưới đây nói về những tai hại khi sanh viên tự xét mình một cách không bình tĩnh... Hai khuynh hướng vẫn thấy trong những sanh viên: khuynh hướng thứ nhứt là cẩu thả, bất cẩn; khuynh hướng thứ nhì là tự nhận lấy những sự đau khổ cho mình. Trong trường hợp sau nầy, tâm thức có thể đi tới một tình trạng giống như tình trạng của những đường gân căng thẳng quá. Như vậy có thể xảy ra việc mà các sanh viên ưu tú cho những việc nhỏ mọn là quan trọng lắm. Ðừng làm cho chúng nó nặng nề thêm cho tới khi chúng lớn bằng những trọng tội. Hãy đi theo khoảng giữa của hai thái cực nầy. Trước khi sự việc xảy ra, Huynh không thế lo ngại xa quá, sau khi nó xảy ra rồi Huynh rất dễ mà tự làm cho mình bị khốn khổ. Ðừng nhấn mạnh những lỗi lầm và những sự thất bại của Huynh. Hãy bằng lòng xem xét chúng nó đặng nhận lấy lý do, rồi thì hãy cố gắng một lần nữa. Hành động như thì những khuynh hướng làm cho Huynh nóng giận sẽ tàn rụi dần. Tưởng tới chúng nó chỉ là thêm sức mạnh cho chúng nó mà thôi.

(Lời dịch giả)

[102] Sannyasi là người tu sĩ Ấn đã từ khước tất cả những sự quyến rũ của Trần ai. Cũng có nghĩa là trạng thái thứ tư trong đời sống kiểu mẫu của người Bà la môn. (Lời dịch giả)

[103] Thế nên trong Tâm Kinh mới có câu: Sắc tức thị không. Không tức thị sắc. (Lời dịch giả)

[104] Theo Luật Nhân Quả, những chiến sĩ tử trận hy sanh vì tổ quốc thì trừ được một số quả lớn, họ đầu thai mau lẹ và tiến hóa cao hơn kiếp trước rất nhiều, người thường không sánh kịp.

 (Lời dịch giả)

[105] Ðây là những người bị bỏ lại trong sự Phán xét cuối cùng của cuộc Tuần Huờn thứ Năm tại Dãy Ðịa Cầu chúng ta. Xin xem quyển Sự sanh hóa các giống dân trên Dãy Ðịa Cầu của tôi và quyển L’ occultisme dans la nature, tome II. Qua Dãy Hành Tinh thứ Năm họ cũng sẽ thành một vị Siêu Phàm, thoát đọa Luân hồi nhưng trễ hơn chúng bạn đã được giải thoát.

[106] Khi Dãy Ðịa Cầu tan rã. (Lời dịch giả)

[107] Tôi thêm hai chữ: lẽ phải, độc giả mới hiểu. (Lời dịch giả)

[108] Bầu thứ Tám tức là Mặt Trăng. (Xin xem quyển II, Huyền Bí Học trong Thiên Nhiên, Chương Những Dãy Hành Tinh (Les chaines planétaires). (L’occultisme dans la nature, tome II par Leadbeater.) (Lời dịch già)

[109] Số nhơn loại trên Dãy Ðịa Cầu nầy là 60 tỉ. Theo ước lượng của Thiên Ðình khi xét về sự tiến hóa của nhơn loại hiện kim thì tới sự Phán xét cuối cùng của Dãy Hành Tinh chúng ta vào lúc phân nửa cuộc Tuần Huờn thứ Năm thì hai phần năm trong số 60 tỉ sẽ bị bỏ lại, tức là 24 tỉ. Còn 36 tỉ tiếp tục tiến hóa. Hết cuộc Tuần Huờn thứ Bảy chỉ có:

12 tỉ được 5 lần Ðiểm Ðạo hoàn toàn giải thoát, làm những vị siêu phàm.

12 tỉ được 4 lần Ðiểm Ðạo thành những vị La Hán.

12 tỉ được 1 tới 3 lần Ðiểm Ðạo làm những vị Tu đà huờn, Tư đà hàm và A na hàm. Bốn bực sau này chưa được giải thoát.

Các Ngài phải qua Dãy Hành Tinh sau là Dãy HànhTinh thứ Năm tu hành thêm cho đến khi được hoàn toàn giải thoát. Thế nên chúng ta phải tu ngay bây giờ kẻo sẽ bị loại bỏ. Những người bị bỏ lại Ðức Bà Blavatsky gọi là Aâmes perdues là những linh hồn bị tiêu mất.

Chúng ta có bổn phận truyền bá Chơn lý bằng lời nói, kinh sách và nhứt là đời sống hằng ngày của chúng ta đúng với đạo đức. Phải Thuyết Ðạo và Hành Ðạo một lượt. Những linh hồn còn yếu đuối noi theo gương chúng ta thì sẽ khỏi bị bỏ lại trong cuộc Phán xét cuối cùng. Ðược nhiều chừng nào tốt chừng nấy. Chúng ta hãy cố gắng. (Lời dịch giả)

[110] Có chỗ để là cõi Niết Bàn giữa hai Dãy HànhTinh. (Nirvana intercaténaire) (Lời dịch giả)

[111] Lúc phân chia nam nữ của Giống dân thứ Ba. Xin xem quyển Sự sanh hóa các giống dân trên Dãy Ðịa Cầu của tôi và L’occultisme dans la nature, tome II. (Lời dịch giả)

[112] Trong quyển II Huyền Bí Học trong Thiên Nhiên, Chương Dãy Ðịa Cầu, trương 209 (L’occultisme dans la nature, tome II) Ðức Leadbeater có viết đoạn nầy:

Ðức Bà Blavatsky có nói: Các Ðấng Cao Cả phóng ra một Ðiểm Linh Quang vào mình những người chưa có Cái Trí và khai mở sự khôn ngoan của họ.

Thấy những danh từ lạ lùng nầy, chớ nên tưởng rằng các Ngài phóng ra một phần của các Ngài vào mình con người. Các Ngài hành động như là một sự kích thích từ điện. Các Ngài chiếu ra những lằn hào quang vào thân mình của những người nầy, cũng như Mặt Trời chói vào những bông hoa. Do sự phóng quang nầy của các Ngài kéo họ đến gần các Ngài, các Ngài cho họ những phương sách làm nẩy nở Ðiểm Linh Quang còn tiềm tàng trong mình họ và dắt họ đi lần lần đến lúc có cá tánh.

Nên biết các Ðấng Cao Cả quyền năng rộng lớn. Mỗi vị săn sóc cả triệu người cũng như săn sóc một người. Trình độ của chúng ta còn thấp kém, chưa hiểu được lẽ nầy. Phải lêntới cõi Bồ Ðề và Niết Bàn mới biết được đó là sự thật. Xin nhắc: trong cuộc Tuần Huờn thứ Tư nầy, đáng lẽ con người mới mở mang Cái Vía hay là Tình Cảm mà thôi. Qua cuộc Tuần Huờn sau là cuộc Tuần Huờn thứ Năm, con người mới mở Trí. Nhờ sự giúp đỡ của các vị Hồng Quân mà con người mở mang trí hóa trước một cuộc Tuần Huờn và ngày nay chúng ta mới được khôn ngoan như thế. Chúng ta nên khéo sử dụng sự khôn ngoan nầy, tức là những việc lành, việc phải mà thôi đặng khỏi bị trói buộc mãi vào bánh xe Luân Hồi.

 (Lời dịch giả)

[113] Ðây là cánh cửa chia hai con người và thú. (Lời dịch giả)

[114] Họ có tội nặng nề là mổ xẻ thú vật rồi để cho chúng nó đau đớn đến chết, chớ không may lại mấy chỗ mổ và nuôi dưỡng chúng cho đến khi lành mạnh. (Lời dịch giả)

[115] Ðây là chuyện thay Hồn đổi Xác. Có một sự bí mật mà không ai biết được. Một người chết đã hư một vài cơ quan rồi. Hồn ma nhập vô xác muốn làm cho nó sống lại thì phải làm sao cho cơ thể bị bịnh lành mạnh và đem sanh lực vô mình. Bằng cách nào? Chưa có thể giải thích điều nầy cho đ1ugn sự thật. Phải mở Thần nhãn xem coi mới biết. (Lời dịch giả)

[116] Tôi có đọc một bài của Ðức Bà A. Besant viết nhan đề Les à côté de l’évol (Lời dịch giả)

[117] Sau khi con người tắt hơi rồi thì Cái Phách xuất ra khỏi Xác Thân, sanh lực không vô mình con người được nữa, nên thân mình con người lạnh ngắt. Vài giờ sau nó lìa khỏi Cái Vía và ở lẩn quẩn một bên Xác Thân. Tại nghĩa địa người ta thường thấy những bóng trắng tưởng là Hồn Ma, nhưng thường thường đó là Cái Phách. Cái Phách tan rã lần lần ra chất dĩ thái.

Sau khi Cái Phách rớt ra khỏi Cái Vía thì con người mê mang. Chừng tỉnh lại thì thấy mình ở một cõi khác. Con người lúc đó ở trong Cái Vía tại cõi Trung Giới.

Tuy nhiên, có nhiều người quá ham sống cho nên tắt hơi rồi mà không ngờ mình đã chết. Cái Phách còn dính với Cái Vía không rớt ra được. Thế nên con người qua cõi Trung Giới không được, vì Cái Phách còn dính với Cái Vía, mà trở lại cõi Trần cũng không được, vì đã mất Cái Xác rồi. Con người như thế phải ở tại 4 cảnh Dĩ thái, Thông Thiên Học gọi là Thế Giới Xám (Monde gris) tới chừng nào Cái Phách rớt ra mới lên cõi Trung Giới được.

Trong quyển Giảng lý Ánh Sáng Trên Ðường Ðạo lại để Cái Phách không rút hết ra khỏi Cái Xác, có lẽ là lộn. Phải nói Cái Vía mới đúng. Nếu Cái Phách chưa rút ra hết khỏi Cái Xác thì con người chưa hẳn chết vì sanh lực còn vô mình được cũng nhưlúc ngửi thuốc mê.

Xin xem quyển Huyền Bí Học trong Thiên Nhiên. Quyển II, chương đầu, bài Sự ám ảnh thú vật trương 28, nói rành rẽ về việc nầy. (Lời dịch giả)

[118] Trong sách để Corps dense tôi sửa lại là Cái Vía. (Lời dịch giả)

[119] Sicile là đảo của Ý, lớn nhứt và đông dân nhứt ở Ðịa Trung Hải. Calabre là một xứ ở về Tây Nam nước Ý.

[120] Theo Luật NhânQuả, người nào tới số mới chết, không tới số thì được cứu thoát một cách phi thường. Khó mà nói: may và rủi. (Lời dịch giả)

[121] Messine là thị trấn của Ý ở đảo Sicile (Lời dịch giả)

[122] Không phải là không thương họ, song khóc lóc chỉ càng thêm sự đau khổ cho họ, vì họ thấy tư tưởng của chúng ta. Họ đã khổ rồi, đừng thêm sự đau khổ khác cho họ nữa. Chúng ta có thể giúp đỡ họ bằng cách cầu nguyện cho họ, còn các Ðệ Tử thì dạy dỗ họ trên cõi Trung Giới. (Lời dịch giả)

[123] Tất cả loài vật, từ con người cho đến loài cầm thú, thảo mộc, kim thạch, tinh chất đều thuộc về một trong 7 Cung sau đây:

1/. Cung thứ nhứt: Cung Quản Trị, Cung Hành Chánh.

2/. Cung thứ nhì: Cung Ðạo Ðức và Giáo Dục

3/. Cung thứ ba: Cung Thích Nghi

4/. Cung thứ tư: Cung Ðiều Hòa và Mỹ Lệ (Mỹ Thuật)

5/. Cung thứ năm: Cung Khoa Học

6/. Cung thứ sáu: Cung Sùng Ðạo

7/. Cung thứ bảy: Cung Pháp Môn và Phù Thủy.

Mỗi Cung còn chia ra làm 7 Chi nữa.

 (Lời dịch giả)

[124] Loài Ngũ Hành cũng gọi là Tinh Linh chia ra nhiều thứ. Có thứ lo săn sóc cây cỏ, có thứ ở dưới nước, có thứ ở trên mây, v. v. Xin xem quyển Các Hạng Thiên Thần của tôi, quyển Le côté caché des choses của Ðức Leadbeater (Khía cạnh bí ẩn của vạn vật). Les Fées au travail et au jeu par G. Hodson. La science de la voyance par G. Hodson.

[125] Ruskin: Nhà phê bình nghệ thuật, nhà xã hội học và Văn sĩ Anh (1819 1 (Lời dịch giả)

[126] Nhưng hãy cẩn thận, không khéo coi chừng có khi bạn ta trở lại ghét ta rồi thành kẻ thù (Lời dịch giả)

[127] Sau khi tắt hơi rồi Cái Vía sắp lại làm 7 lớp: lớp nặng ở ngoài, lớp nhẹ ở trong. Nếu lớp ở ngoài là lớp thứ 6 thì hồn ma phải vào ở cảnh thứ 6. Chừng lớp thứ 6 rớt ra rồi, hồn ma mới lên cảnh thứ 5. Nói tóm lại rớt một lớp lên một cảnh. Cái Vía rớt ra hết rồi, hồn ma mới ở trong Cái Trí và lên cõi Thiên Ðường (Cõi Thượng Giới) (Lời dịch giả)

[128] Phải chăng Ngài muốn nói: Tư tưởng xúi giục thiên hạ làm theo ý muốn của người đã sanh ra nó. (Lời dịch giả)

[129] Tức là trước kia tôi không có những cảm tính tốt đẹp đối với anh. Ðây là do Luật Nhân Quả. (Lời dịch giả)

[130] Ðây là câu của họ trả lời. Lẽ ra thì phải dịch: Họ nói. (Lời dịch giả)

[131] Tôi e không tới một phần ngàn nữa. (Lời dịch giả)

[132] Lời dịch giả.

[133] Trong Thái Dương Hệ nầy thì Ngài toàn thông, toàn tri, toàn giác. Ngài không còn cái chi học hỏi trong Thái Dương Hệ nầy nữa.

[134] Lời dịch giả.

[135] Tức là làm một vị Siêu Phàm, ấy là mục đích đã định sẵn cho nhơn loại trong Thái Dương Hệ nầy. (Lời dịch giả)

[136] Cõi Trần có 3 thứ nguyên: bề dài, bề ngang, bề cao. Cõi Trung Giới có 4 thứ nguyên

[137] Tức là có Thần nhãn.

[138] Lúc chúng ta ngủ. (Lời dịch giả)

[139] Trong bản chữ Pháp là obsédé: dịch là ám ảnh nghe rất trái tai. Tôi xin dịch là có mãi cảm tưởng, có nghĩa là bị một cảm tưởng ám ảnh. (Lời dịch giả)

[140] Chất Thanh Khí hay là Chất Tinh Quang làm ra cõi Trung Giới. Chất Trí Tuệ hay là Chất Thượng Thanh Khí làm ra cõi Trí Tuệ hay là cõi Thượng Giới. Chất Bồ Ðề hay chất Thái Thanh Khí làm ra cõi Bồ Ðề. (Lời dịch giả)

[141] Cõi Thượng Thiên. (Xin xem quyển Chơn Nhơn và Phàm Nhơn) (Lời dịch giả)

[142] Xin nói: Ðây là các danh nhân sống theo lý tưởng chớ không phải sống một đời tầm thường chạy theo vật chất, cũng sắc tài, cũng danh vọng. (Lời dịch giả)

[143] Trong Cựu Ước, Sáng Thế Ký, 1 29.

Và Ðức Chúa Trời nói: Ðây nầy Ta cho các ngươi tất cả những cỏ có hột giống ở trên mặt đất và hết thảy những cây có trái và có hột giống, ấy là thực phẩm của các ngươi. Không có câu nào nói rằng Trời sanh thú vật cho con người ăn thịt cả. (Lời dịchgiả)

[144] La salle était pleine d’esprits Chữ esprits không biết phải dịch sao cho thật đúng ý nghĩa của nó, xin tạm dịch Vong Linh, Thần Linh. (Lời dịch giả)

[145] Sự di chuyển nầy giồng như các cách độn thổ trong truyện Tàu.

[146] Trong quyển Những tiền kiếp của Alcyone, Ðức Leadbeater có thuật lại rằng:

Trong kiềp thứ XVII, Alcyone sống tại Ấn Ðộ từ năm 10429 tới 10358 trước Tây lịch kỷ nguyên, thọ 71 tuổi.

Alcyone và người bạn thân là Demeter có xuồng thám hiểm dưới lòng đất và gặp những sanh vật nầy. Họ chia ra nhiều cấp bậc và người thường không nên gần họ. Nên biết thân hình họ làm bằng chất dĩ thái, cho nên họ đi xuyên qua nước, lửa và cát đá dễ dàng; nước lửa không hại họ được. (Lời dịch giả)

[147] Trong quyển Giảng lý Dưới Chơn Thầy. (Lời dịch giả)

[148] Bảy màu của bảy Cung khác nhau. (Lời dịch giả)

[149] Là Giống da trắng bây giờ. (Lời dịch giả)

[150] Là Ðấng Christ (Lời dịchgiả)